Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 21/03/2013, 09:51 AM

Quy Y Tam Bảo: Thực hiện 4 nguyện lớn, là những nguyện nào?

Hãy tinh tấn tu tập giới định huệ, dập tắt tham sân si. Lại có câu rằng: "Ðừng làm một việc ác dù nhỏ, cũng đừng bỏ qua một việc thiện dù nhỏ." Thực hành đạo lý đó chính là quy y giới.

Lão Hòa thượng thuyết giảng tại Trung tâm Phật giáo Kuala Lumpur, Mã Lai Á, 18/11/1988

Hôm nay quý vị đã thọ Tam-quy và Ngũ-giới.

Khởi thủy thuở xưa, Phật tử quy y Tam Bảo mà không quy y giới. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, chúng sinh phải lấy giới làm thầy. Do đó, trong lễ quy y gồm có quy y giới. Giới là gì? Là tránh điều ác, làm việc thiện, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, điều ác nhỏ mà cứ làm.

Nhiều Phật tử đã lỗi lầm khi còn theo Phật thì khen đạo của mình, đến khi bỏ đạo lại chê bai. Có kẻ chuyên môn đi đến nơi này nơi nọ, hôm nay tin đạo giáo này, ngày mai tin đạo giáo khác, ngày sau đó theo đạo giáo khác nữa. Tin vào những giáo phái đó có ngày họ sẽ bị đọa địa ngục mà không hay! Bởi vì họ không có một tôn chỉ nhất quán, chỉ mưu tìm lợi lộc, thích chuyện mới lạ, học tập mật tông, hoặc gia nhập các giáo phái lén lút không sinh hoạt công khai. Cuối cùng trở thành ma đói bị đọa địa ngục hoặc súc sinh để gánh chịu quả báo. Thật đáng thương xót!

Trong buổi lễ quy y hôm nay, trước hết chúng ta quy y Phật, thì thà xả bỏ sinh mạng chớ không quy y với tà giáo hay thiên ma ngoại đạo, ví dụ như là với Tự tại thiên ma. Hai chữ Tự tại để chỉ sự khoái lạc tại thiên đàng, hoặc có thể tại địa đàng nào đó mà quý vị chỉ nghe nói chứ chưa hề thấy, nên tò mò muốn đi tới mà không biết đi về hướng nào. Rồi cứ quanh quẩn trong sáu nẻo luân hồi, vào bụng ngựa ra bụng lừa, gặp mãi vua Diêm-la, không thoát khỏi địa ngục mà vẫn cứ làm loài súc sinh. Bởi vậy thà chết chớ không quy y với Tự tại thiên ma. Ðệ tử của thiên ma ngoại đạo luôn luôn khoác lác và tự thần thánh hóa mà nói rằng: "Nếu các ngươi tin lời ta thì sẽ lập tức khai ngộ. Các ngươi có thể thành Phật trong kiếp này. Các ngươi không cần phải giữ giới, ăn chay hoặc xa lánh người khác phái."

 

Họ thuyết đủ thứ pháp làm cho quý vị hoang mang lầm tưởng là vi diệu, rồi lạc vào đường tà khó mà thối lui được.

Vì vậy đừng tham tiện nghi, đừng tham khoái lạc, đừng tham hưởng thụ. Ðã quy y Tam Bảo thì phải có cuộc sống hợp với thiên lý, không lợi dụng lường gạt hay tâng bốc kẻ khác. Không quy y với Tự tại thiên ma, mà chỉ cung kính quy y Phật, bậc Như Lai Thế Tôn toàn giác và đại trí huệ mà thôi.

Ðã quy y Pháp thì thà xả bỏ thân mạng chớ không quy y với tà thư ngoại đạo, hoặc theo những lý thuyết, thư tịch, tài liệu do đệ tử ngoại đạo ấn tống và phát hành. Không quy y với tà thư nghĩa là không đọc, không nghiên cứu học tập những loại đó sau khi đã quy y Phật Pháp chính thống.

Mọi người hãy ý thức điều này: Sau khi đã quy y Tam Bảo, mà quý vị vẫn si mê, thấy phân bò cũng cúi đầu, gặp phân cẩu (chó) cũng chắp tay thì thật đáng thương xót vậy!

Nhất định không nên đọc bất cứ ấn phẩm nào của ngoại đạo lưu hành.

Quy y Tăng là quy y với chư vị Thánh Tăng mười phương, chứ không phải với các đệ tử của những giáo phái lạc đường. Theo họ thì quý vị sẽ cùng họ rớt xuống địa ngục, cho nên đừng quy y với họ. Vậy thì phải quy y Tăng nào? Hãy quy y với thanh tịnh phước điền Tăng, cũng ví như mình gieo mạ cấy lúa ở ruộng phước vậy. Tại sao phải quy y Tăng? Bởi vì chánh pháp được Tăng già hoằng dương. Nếu quy y Tăng, quý vị sẽ có cơ hội am tường Phật-pháp, và khi đã thông suốt Phật-pháp quý vị có thể thành Phật. Cho nên quý vị phải quy y với Tăng già chứ không phải với tà ma ngoại đạo hoang truyền tà tri tà kiến. Ðừng nghe lời họ khoác lác rằng con mắt họ phát quang, lổ mũi họ nói được, tai họ ăn uống được. Chính loài ma quỷ cũng không làm được như thế huống gì là họ. Họ ba hoa nói dốc để lừa gạt thiên hạ.

Ðã quy y Tam Bảo rồi, quý vị phải có chánh tri chánh kiến, hãy dứt bỏ tà tri tà kiến đi!

Tại sao lại ví Tăng già thanh tịnh với ruộng phước? Thanh tịnh có nghĩa là không cấu nhiễm. Người không cấu nhiễm sẽ khuyên quý vị không tranh, không tham, không cầu, không tự lợi, không ích kỷ và không nói dối. Người nào giữ được giới không tham tiền, chính là một vị Tăng thanh tịnh, là một ruộng phước báu. Nếu một người nào đó tỏ ra rất vui sướng khi nhận được một ít tiền thì không phải mà một phước điền tăng. Ðược cúng dường hay không được cúng dường cũng không động tâm, không nịnh hót người giàu, cũng không khinh dễ người nghèo, như vậy mới là thanh tịnh phước điền Tăng. Quý vị phải biết phân biệt hai hạng người đó. Bằng không thì quý vị luôn luôn vẫn còn hồ đồ không tinh tế.

Tiếp theo là quy y Giới, nghĩa là không làm điều ác mà chỉ làm việc thiện, dầu cho một mảy may ý tưởng ác cũng không có trong tâm.

Có người sẽ nói: "Nhưng ý nghĩ xấu cứ thường thường khởi lên, như vậy phải làm sao?"

Khởi ác niệm ư? Hãy từ từ làm cho ác niệm nguôi dần đi, đừng để cho nó lôi kéo mình theo nó. Ví dụ như: "A! Mình muốn giết người đó." Tiếp theo lại nghĩ: "O.K. Mình hãy đi giết nó ngay lập tức." Ðó là mình bị ác niệm giết người lôi cuốn. Nhưng nếu người đó lại nghĩ: "A! Anh ta có một hột kim cương rất quý rất hiếm, mình phải tìm cách ăn cắp mới được." Ðó tuy là một niệm ác nhưng anh ta không bị lôi cuốn theo, và ác niệm giết người cũng biến mất.

Thông thường mà nói nếu quý vị không khởi ý tưởng xấu như mơ tưởng chuyện nam nữ, đó là chánh niệm. Trái lại là tà niệm. Bởi vậy hãy tinh tấn tu tập giới định huệ, dập tắt tham sân si. Lại có câu rằng: "Ðừng làm một việc ác dù nhỏ, cũng đừng bỏ qua một việc thiện dù nhỏ." Thực hành đạo lý đó chính là quy y giới.

Quy y giới, với thời gian dần dần chúng ta sẽ tích tụ được công đức, khai mở đại trí huệ, viên mãn phúc căn, cuối cùng chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đạt quả a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Ðắc quả Bồ-đề rồi, hãy quay con thuyền từ bi trở về phổ độ chúng sanh. Ðó là điều căn bản mà tất cả Phật tử đã quy y Tam Bảo cần phải tâm niệm. Chúng ta không được tạo nghiệp tội, lợi dụng Phật-giáo để mưu đồ lợi lộc cho mình. Nếu làm như vậy thật là sai lầm rất lớn. Quý vị có hiểu tôi nói gì không? (Cử toạ đồng thanh trả lời: Dạ hiểu)

Chúng ta phải thực hành bốn nguyện lớn:

1. "Chúng sinh vô biên thề nguyện độ." Hãy tự hỏi mình đã độ được chúng sanh nào chưa? Nếu chưa thì mình có tự độ không? Tự độ là gì? Mình có xứng đáng là một Phật tử thuần thành đã quy y Phật không? Hay là mình chỉ đến với Phật giáo để mưu cơm áo? Mình có lợi dụng tôn giáo để lừa dối người đời lấy tiền không? Nếu đã làm như vậy thì chẳng những không độ được chúng sinh mà còn bị đọa địa ngục nữa. Ðó là điều mình phải ý thức trước tiên. Mình phải làm gương tốt cho người đời khởi tâm Bồ-đề, chỉ độ cho một người cũng không sao. Dần dà sẽ có hai người, ba người, bốn người, trước ít sau nhiều với thời gian. Cứu độ chúng sanh là như vậy.

2. "Phiền não vô tận thề nguyện đoạn." Hãy tự hỏi mình đã đoạn trừ phiền não chưa, dứt bỏ tính nóng giận, và các thứ tính khác chưa? Mình là người hay là súc sanh? Mình có muốn chấm dứt phiền não không? Trước tiên hãy cắt đứt phiền não, tận diệt nóng giận si mê. Như vậy mới là chân chánh Phật tử.

3. "Pháp môn vô lượng thề nguyện học." Hãy tự hỏi mình có học pháp môn nào không, hay suốt ngày chỉ đọc dâm thư? Hay đọc tiểu thuyết lãng mạn? Hay chỉ tư tưởng những chuyện bất chính, và mất thời giờ với những chuyện không bổ ích? Mình có học tập kinh điển không? Hãy trả lời các câu hỏi đó. Và chúng ta phải tu tập các pháp môn. Vì sao vậy? Vì chúng ta thề nguyện đạt thành Phật đạo Vô thượng Bồ đề.

4. "Phật đạo vô thượng, thề nguyện thành." Hãy tự hỏi mình đã đạt thành đạo quả Bồ đề chưa? Muốn vậy, mình phải dũng mãnh khởi Bồ đề tâm, luôn luôn tinh tấn không bao giờ thối chuyển. Có như thế thì sức mạnh của bốn nguyện lớn sẽ hỗ trợ chúng ta tu hành để đắc quả Bồ đề Chánh đẳng chánh giác. Nếu quý vị không thực hành các điều trên đây thì dầu cho đã quy y Tam Bảo, quý vị cũng chẳng hiểu ý nghĩa chân chính của Tam Bảo là gì.


Hòa thượng Tuyên Hóa
Nguồn:
www.dharmasite.net
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm