Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 10/10/2014, 14:50 PM

Số phận buồn và gia cảnh khốn khó của hai mẹ con nhiễm HIV

Sinh ra ở đời ai cũng muốn khỏe mạnh để được học tập, lao động và cống hiến. Nhưng cuộc đời đâu phải muốn là được, mong là có. Lúc này đây số phận buồn và gia cảnh khốn khó của ba mẹ con chị Tính đang cần lắm những sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm.

Từ số phận chớ trêu
Phải mất thời gian khá lâu chúng tôi mới tìm đến được thôn Vũ Xá, xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Con đường làng vốn đã nhỏ bé giờ đây càng trở nên trật chội hơn bởi những đống rơm chất đầy trong mùa thu hoạch lúa. Khi hỏi thăm về gia đình chị Trần Thị Tính (32 tuổi) và cháu Vũ Văn Tài (8 tuổi), chúng tôi được mọi người tận tình chỉ đường và nói giọng xót xa: “Gia đình chị Tính bây giờ xót thương và khổ lắm anh ạ! Hai mẹ con bị nhiễm HIV sống không bằng chết, bản thân bị bệnh tật hành hạ và sống trong sự xa lánh của mọi người hơn năm nay”. Nói đến đây mọi người chỉ tay về ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ heo hút.
Ba mẹ con chị Tính
Có mặt tại gia đình chị Tính cũng là lúc chị vừa đẩy xe lúa ở ngoài đồng về, trên trán những giọt mồ hôi đã ước đẫm từng giọt. Năm nay mới 32 tuổi, nhưng nhìn chị có lẽ chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi sự vất vả, khổ sở, đen đúa và già trước tuổi. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ cấp bốn không có gì đáng giá ngoài đống thóc ướt vừa mới thu hoạch, còn có bác Vũ Văn Vị (73 tuổi) và cô Vũ Thị Mái (72 tuổi) – là bố mẹ chồng chị Tính.  
 
 Nước mắt đã khô cạn vì thương con của bác Vị và cô Mái
Câu chuyện buồn về gia đình khốn khó bị nhiễm HIV ở xóm nghèo Vũ Xá được bắt đầu bằng những tiếng khóc ai oán, xót thương của bác Vị, cô Mái và người đàn bà trẻ góa bụa. Những tiếng nấc nghẹn, buồn tủi của cả gia đình khiến cho chúng tôi không khỏi nghẹn ngào. Có lẽ những tiếng khóc ấy sẽ làm vơi đi sự khổ nhục trước sự kỳ thị của xóm làng về gia đình bị HIV, hay để quên đi một sự thật chớ trêu, về khổ hạnh và cuộc sống khốn khó của cả gia đình đang phải đối mặt hiện nay. 

Năm 2000, anh Tuấn đi theo phụ việc cho đoàn xiếc Hải Dương. Làm được đồng nào anh đều gửi về cho bố mẹ để chữa bệnh. Trong một lần lưu diễn tại Mê Linh (Vĩnh Phúc) đã chắp nối cho tình yêu giữa anh và chị Trần Thị Tính. Năm 2004 anh Tuấn và chị Tính xây dựng gia đình trong niềm vui hân hoan và sự buồn tủi của nghèo khó. Niềm vui của vợ chồng nghèo như được nhân đôi khi lần lượt hai cháu Vũ Thị Lý và Vũ Văn Tài chào đời vào các năm 2005, 2007. Nhưng niềm vui chưa nổi tày gang thì tai họa và nỗi buồn ập đến. Sau lần đi lưu diễn dài ngày, đầu tháng 1/2013, anh Tuấn có biểu hiện ho ra máu, trên người huất hiện nhiều mụn nhỏ, nổi hạch, không ăn uống được và sút cân. Sau khi đi khám tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương, các bác sĩ kết luận anh bị HIV. Nỗi đau của gia đình càng lớn hơn khi chị Tính và cháu Tài đều bị nhiễm bệnh HIV từ anh Tuấn. Biết tin, cả gia đình anh như suy sụp hoàn toàn. Lúc này mọi sự khổ hạnh nhất đều đè nặng lên vai hai bố mẹ già và người vợ trẻ. 
 
Suốt ngày hai chị em Lý, Tài chỉ biết lủi thủi chơi với nhau
Đến sự kỳ thị nghiệt ngã 

Nói đến đây, hai vợ chồng bác Vị khóc nức nở. Nhìn những giọt nước mắt vàng đục lăn trên gò má sạm đen, nhăn nheo của hai bác đã khô cạn chúng tôi càng thương xót và đồng cảm hơn. Gạt vội những giọt nước mắt, cô Mái hướng mắt về phía ảnh thờ của người con xấu số rồi lại nức nở: “ Tại sao ông trời lại mang đến nhiều tai họa với gia đình nó đến vậy? Tại sao lại không bắt vợ chồng già này đi, mà lại bắt gia đình nó cơ chứ? Khổ thân cháu Tài, mới tí tuổi đầu đã phải đối diện với cái chết đau đớn rồi”. 

Tin gia đình anh Tuấn, chị Tính và cháu Tài bị nhiễm HIV bỗng chốc làm đổi thay xóm nghèo Vũ Xá. Đi đến đâu, bất kể làm chuyện gì mọi người chỉ xoay quanh nhà anh Tuấn HIV. Những câu chuyện được thêu dệt li kỳ được truyền từ tai người này sang người kia bỗng chốc trở thành đề tài nóng của người dân nơi đây. Những ánh mắt dò xét, tò mò, kinh thường và miệt thị đều đổ dồn về căn nhà nhỏ khốn khó mà trong đó 3 số phận đang phải vật lộn với bệnh tật, sự tuyệt vọng và suy sụp từng ngày.

Bế cháu Tài vào trong lòng, chị Tính ngậm ngùi cho biết: “Khổ lắm anh ạ! Thời gian đó, gia đình em không dám đi đâu ra khỏi nhà, khỏi làng. Đi đến đâu ai cũng xì xào to nhỏ, dò xét, bình luận rồi họ tránh xa. Bảo là bị bệnh si đa lây nhanh lắm. Mấy người trong họ đến nhà chơi không dám uống nước, ăn cơm sợ lây nhiễm bệnh. Khổ nhất cháu Lý và Tài, không một đứa trẻ hàng xóm nào đến gần nhà và chơi với cháu. Nhìn chồng bị bệnh nằm liệt giường, hai con lủi thủi ngồi chơi góc sân và bố mẹ già khóc em chỉ muốn chết đi cho đỡ khổ”.
Vượt lên nỗi đau, em Lý, Tài luôn học tốt.
 
Đưa bàn tay khô kệch, đen đúa lau vội những giọt nước mắt, chị Tính tiếp lời: Cuộc đời em chưa khi nào cảm thấy khổ nhục và cùng cực đến thế. Đến tuổi đi học chỉ có cháu Lý là được đến trường, nhưng luôn bị biệt lập với các bạn, mặc dù bản thân cháu không bị nhiễm HIV, nhưng cũng không có bạn nào đến gần, trong giờ học và hoạt động tập thể cháu luôn bị cô lập. Còn cháu Tài thì 3 năm không được đến trường mầm non. Các phụ huynh đều phản đối, nếu mình cho cháu đến trường thì tất cả các phụ huynh sẽ cho con ở nhà. Mặc dù các nhà trường đã giải thích cho phụ huynh, nhưng họ nhất quyết không nghe. Nuối nước mắt vào trong, tôi đành để cháu Tài đành ở nhà với ông bà nội. 

Lúc chưa mắc bệnh, cuộc sống của gia đình chị Tính đã khó khăn. Sau khi anh Tuấn qua đời (tháng 4/2011), cuộc sống của ba mẹ con lại càng túng quẫn hơn bao giờ hết. Bình thường còn có người thuê đi phun thuốc sâu, cắt cỏ bờ và phụ vữa. Nhưng từ khi gia đình mắc bệnh, không một ai thuê mướn, ba mẹ con chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng khoán với hàng trăm thứ phải chi tiêu và tiền chữa bệnh. 
Chị Tính nghẹn ngào kể về cuộc sống cùng cực khi bị nhiễm HIV
Hơn một năm trời cả gia đình sống trong sự kỳ thị, xanh lánh, chị Tính như chết đi sống lại nhiều lần. Thân hình đầy đặn thiếu nữ ngày nào bỗng trở nên gầy guộc, xanh xao và bị nhiều chứng bệnh hành hạ. Nhiều đêm chị nằm ôm hai con vào lòng, khóc nức nở và nghĩ đến cái chết để thoát khỏi cuộc sống đầy nghiệt ngã và miệt thị. Nhưng nghĩ đến hai con nhỏ, bố mẹ chồng đã già yếu như ngọn đèn trước gió, chị lại cố gượng dậy để sống. 

Vừa cho chúng tôi xem các loại thuốc để điều trị, chị Tính ngậm ngùi: Hàng ngày hai mẹ con phải uống thuốc để cầm cự anh ạ! Nếu như lao động quá sức virut của bệnh sẽ tấn công. Từ ngày uống thuốc đến nay, sức khỏe cũng không khá lên bao nhiêu, thường xuyên ốm đau và ho. Riêng cháu Tài hay bị chảy máu cam, còi cương, ít nói và ốm thường xuyên. Do nghèo khó và thương con, chị Tính lao động quá sức. Tháng 9/2013, chị bị ốm tưởng chừng không qua khỏi, ho và nôn ra máu. Phải mất gần 1 tháng điều trị tại bệnh viện Lao phổi Hải Dương và gần 20 triệu đồng chị mới gượng dậy được.

Và cần lắm sự sẻ chia 

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Vũ Văn Huế - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Khải cho biết: Khi chúng tôi nhận được tin vợ chồng anh Tuấn và cháu Tài bị nhiễm HIV, lúc đầu địa phương cũng rất hoang mang. Nhưng biết cơ chế lây bệnh và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nên chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch giao cho từng đoàn thể giúp đỡ gia đình. Ngoài việc phối hợp với cán bộ y tế xã giải thích, tuyên truyền cho nhân dân trong địa phương hiểu được căn bệnh HIV và phòng tránh. Chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu trường tiểu học có con chị Tính đang theo học để động viên cháu tiếp tục đến trường học tập và tránh sự kỳ thị của mọi người. Đồng thời địa phương công nhận hộ nghèo, làm hồ sơ đề nghị cấp trên trợ cấp đối với gia đình chị Tính. Riêng vào các dịp lễ tết, địa phương và các đoàn thể luôn giành những phần quà động viên. Hỗ trợ kinh phí để trát lại ngôi nhà cấp 4 bao năm bỏ hoang và xây bể nước sạch. Tuy nhiên với phần hỗ trợ đó vẫn không làm vơi đi cuộc sống nghèo khó của gia đình. 
 Ông Vũ Văn Huế - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Khải
Cô Trần Thị Kim Dung – Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Khải chia sẻ: “Khi biết được hoàn cảnh của em Tài, em Lý. Ban giám hiệu chúng tôi đã vận động, giải thích tới từng lớp, từng phụ huynh về căn bệnh HIV. Nên mọi người yên tâm và không xa lánh. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho em học tập như: xếp chỗ ngồi hợp lý, đến hỏi thăm mỗi khi ốm đau, tặng quần áo, học bổng, sách vở và miễn giảm một số khoản đóng góp của nhà trường”. 
 
 
Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, sức khỏe yếu và bị bệnh gai cột sống, rối loạn tiền đình hành hạ. Nhưng vì gia đình quá khó khăn, thương các con đang tuổi ăn tuổi lớn và cũng mong có được ít tiền mua thuốc chữa bệnh. Chị Tính lại cố gắng gượng làm 2 sào ruộng khoán và đi làm thuê trong thôn, ngoài xã. Sau mỗi lần đi làm thuê về chị lại nằm liệt giường mấy ngày không ăn không uống, hai mắt nhắm nghiền, chỉ có thở, thương hai con và bố mẹ già bệnh tật.  

Chia tay gia đình trong buổi trưa muộn của những ngày mùa bận rộn. Chúng tôi luôn ám ảnh bởi câu nói nghẹn ngào trong nước mắt của chị Tính: “ Em chỉ sợ một, hai năm nữa em không còn sức khỏe để lao động nuôi các con. Nhưng sợ nhất là con em sẽ đi về đâu, nương tựa vào ai khi ông bà đã già và căn bệnh HIV của em ngày càng nặng….”.  

Sinh ra ở đời ai cũng muốn khỏe mạnh để được học tập, lao động và cống hiến. Nhưng cuộc đời đâu phải muốn là được, mong là có. Lúc này đây số phận buồn và gia cảnh khốn khó của ba mẹ con chị Tính đang cần lắm những sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm. Để những con người khốn khó đó được ấm áp hơn trong vòng tay của mọi người, để chi Tính, cháu Tài có thêm nghị lực tiếp tục chống trọi với căn bệnh thế kỷ và có thêm được những tháng ngày hạnh phúc trong cuộc sống tươi đẹp này.

Mọi sự giúp đỡ ba mẹ con chị Tính xin gửi về: Chị Trần Thị Tính, xóm 8, thôn Vũ Xá, xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Số điện thoại: 01635244749.

Đức Tùy
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bến Tre: Học sinh mắc bệnh hiểm nghèo cần được giúp đỡ

Ủng hộ 08:53 05/11/2018

Con đường từ trung tâm xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) về nhà em Từ Văn Quốc, 15 tuổi (ngụ ấp 7, người dân địa phương quen gọi là ấp Cồn Cao) rất gian nan, xung quanh chỉ là đồng nước và cây mắm, cây bần.


Bạc Liêu: Bệnh nhân Lê Thanh Huyền rất cần được trợ giúp

Ủng hộ 09:00 01/10/2018

Từ nguồn http://phatgiao.org.vn/song-dep/201807/Bac-Lieu-Mot-thanh-nien-bi-tai-nan-trong-luc-lao-dong-that-thuong-tam-31226/, chúng tôi vượt hơn 80km để đến tận nhà bệnh nhân sau khi được xuất viện, ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi được biết: Hiện tại, gia đình anh Huyền vẫn còn thiếu hơn 14 triệu đồng tiền viện phí, bệnh viện cho về nhà vì vết thương tạm ổn. Song những ngày qua, anh bắt đầu đau nhức lại vì đã hết thuốc.

Thương quá! Thảo ơi…

Ủng hộ 10:47 21/09/2018

Chia sẻ mong ước cùng chúng tôi, Thảo rất lạc quan: “Con mong được lắp ghép chân tay giả để không làm khổ mọi người xung quanh. Lớn lên con sẽ học bác sỹ để chăm sóc người bệnh khó khăn, bất hạnh như con”.

Sóc Trăng: Một gia đình cần trợ giúp hoàn thiện nhà ở

Ủng hộ 16:06 12/03/2018

Mùa mưa sắp đến thì cả gia đình anh chị sẽ rất khó khăn, rất mong những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ để giúp gia đình sớm hoàn tất căn nhà và anh Đông cũng yên tâm làm ăn sinh sống nuôi vợ con.

Mùa mưa sắp đến thì cả gia đình anh chị sẽ rất khó khăn, rất mong những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ để giúp gia đình sớm hoàn tất căn nhà và anh Đông cũng yên tâm làm ăn sinh sống nuôi vợ con.

Xem thêm