Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 25/09/2013, 09:09 AM

Sự biến đổi đời sống tôn giáo trong xã hội Nhật Bản

Công trình nghiên cứu “Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về những biến đổi xã hội”, do TS.Trần Thị Nhung chủ biên (nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013), mà chúng ta có dịp làm quen với trường hợp Phật giáo trong biến đổi xã hội Trung Quốc.

Sau trường hợp Trung Quốc, nơi mà Phật giáo tỏ ra bị lép vế trước đạo Tin Lành, và nguy cơ xung đột giữa các giáo phái đạo Tin Lành với chính quyền, thì ở Nhật Bản, các tôn giáo truyền thống, dĩ nhiên là trong đó có Phật giáo, đã phải lui bước trước sự phát triển của tôn giáo mới. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thì xung đột giữa chính quyền với tôn giáo mới không còn là nguy cơ như các giáo phái đạo Tin Lành với chính quyền Trung Quốc, mà nguy cơ đó đã thành hiện thực, với hành động khủng bố bằng vũ khí hóa học.

Phật giáo ở Nhật Bản, trong biến đổi xã hội, vấp phải rất nhiều vấn đề, để bị rơi vào tình trạng suy thoái. Một trong những vấn đề đó là sự “vỡ vụn” của các tổ chức Phật giáo.

Áp lực đáng kể tiếp theo là một chính sách tôn giáo theo kiểu Mỹ, xa lạ với tinh thần tôn giáo truyền thống của Nhật Bản.

Quá trình đô thị hóa và giảm dân số cũng được coi là có tác dụng tiêu cực đến các tổ chức tôn giáo truyền thống Nhật Bản. Phật giáo Việt Nam chúng ta có thể tham khảo trường hợp đô thị hóa, mà tác giả công trình nghiên cứu dẫn trên coi là “gần giống với thực trạng nông thôn Việt Nam hiện nay”.

Dưới đây là đoạn văn đáng quan tâm về vấn đề mà chúng ta đang bàn luận trong công trình “Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về những biến đổi xã hội”. Chúng tôi xin trích cả đoạn văn, vì như đã nói, tựa sách trên có số lượng bản in hạn chế, mà thông tin thì rất có ích cho bạn đọc Phật giáo Việt Nam (trích từ trang 67): “Ở Nhật Bản, tôn giáo mới xuất hiện và các tổ chức tôn giáo truyền thống suy giảm. Ngay từ những năm 1950 của thế kỷ trước, tôn giáo mới ở Nhật Bản đã xuất hiện và trở thành một chủ đề cuốn hút giới nghiên cứu và quản lý xã hội. Với những biểu hiện đa dạng và tác động phức tạp, nó vẫn tiếp tục tồn tại và trở thành một trong những vấn đề nổi bật nhất trong đời sống tôn giáo ở Nhật Bản hiện nay.

Theo số liệu thống kê của Niên giám tôn giáo Nhật Bản xuất bản tháng 11-2011 thì trên toàn lãnh thổ Nhật Bản có 222.723 tổ chức tôn giáo, bao gồm cả các tổ chức có tư cách pháp nhân và chưa có tư cách pháp nhân, trong đó có 88.812 tổ chức Thần đạo, 85.802 tổ chức Phật giáo, 9.725 tổ chức Ki tô giáo và 38.834 tổ chức thuộc các tôn giáo khác. Nếu so sánh với số liệu tương tự vào đầu năm 1950: toàn Nhật Bản có 430 giáo phái và 1.546 tổ chức tách ra từ các nhà thờ, đền, chùa để trở thành nhưng đơn vị pháp nhân độc lập thì thấy số lượng các tổ chức tôn giáo mới ở Nhật Bản ngày nay có sự gia tăng quá lớn.

Tôn giáo mới ở Nhật Bản như đã nêu không phải là một hiện tượng “nhập khẩu” mà có nguyên nhân nội tại từ chính đời sống văn hóa xã hội Nhật Bản hiện đại, trước hết là từ chính sách tự do tôn giáo, sự thay đổi thăng trầm của đời sống kinh tế cũng như sự tác động của quá trình đô thị hóa ở Nhật Bản.
 Tượng Phật Nihonji Daibutsu ở Nhật Bản

Sự thay đổi chính sách tôn giáo theo tinh thần tự do của Mỹ với việc tách biệt tôn giáo với chính trị, đem lại cho các tổ chức tôn giáo tính độc lập cao trong quan hệ với nhà nước. Điều đó tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, nhóm xã hội liên kết với nhau theo những tín ngưỡng nhất định và có cơ hội được công nhận tư cách pháp nhân.

Đáng lưu ý là không ít tổ chức đã mạo danh tôn giáo, dùng tư cách pháp nhân tôn giáo để hoạt động kinh doanh trốn thuế và hưởng một số ưu đãi từ chính sách của nhà nước. Cũng vì vậy mà sau này, Quốc hội Nhật Bản đã phải nhiều lần sửa đổi, bổ sung theo chiều hướng làm chặt hơn những quy định đối với hoạt động của các pháp nhân tôn giáo.

Nguyên nhân ra đời của các tổ chức tôn giáo mới ở Nhật Bản đã tồn tại từ những năm 1950, khi kinh tế phát triển với tốc độ “thần kỳ” có phần giống như thực trạng kinh tế ở Trung Quốc và Việt Nam hiện nay. Với tốc độ GDP tăng trưởng 2 con số liên tục trong nhiều năm, nền kinh tế và xã hội Nhật Bản như thay da đổi thịt từng ngày. Lối sống cũng theo đó mà biến đổi với sự du nhập, xuất hiện của những giá trị mới và sự suy tàn của nhiều giá trị truyền thống vốn có hàng nghìn năm trong nếp sống gia đình và xã hội.

Trong giai những năm từ 1990 đến nay, nền kinh tế rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa tìm ra lối thoát đã làm nhiều người thất nghiệp, nhất là tầng lớp thanh niên được đào tạo rất tốt nhưng lại ít cơ hội tìm được việc làm, nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý bất an, mất niềm tin vào cuộc sống. Vì lẽ đó, tâm lý đi tìm vận may nơi thần phật lại càng có cơ hội trỗi dậy. Trong khi đó, sự xuất hiện khá nhiều những “ông đồng, bà cốt”, những người tự xưng là có khả năng đặc biệt có thể chữa khỏi những bệnh nan y mà không cần đến y học hiện đại, có thể cải biến vận rủi thành may, trở thành những địa chỉ có sức lôi kéo không ít người vào các hoạt động tôn giáo.

Một nguyên nhân đáng chú ý nữa là sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa đã tạo ra làn sóng di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị giống như những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Những thanh niên trẻ tuổi từ nông thôn đến thành phố tuy có cuộc sống mới tốt hơn nhờ thu nhập cao nhưng họ bị cắt đứt khỏi môi trường văn hóa truyền thống.

Ngoài thời gian làm việc, họ không còn có các quan hệ gia tộc, họ hàng, thôn xóm như trước đây; không có điều kiện tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo như khi còn ở làng quê. Tôn giáo mới chính là sự bù đắp chỗ trống về tinh thần, khiến họ trở thành tín đồ cho các tôn giáo mới. Tình trạng tập trung dân số cao tại các đô thị trong những thập kỷ vừa qua tiếp tục là môi trường thuận lợi để các tôn giáo mới tồn tại.

Khi đề cập tới tôn giáo mới ở Nhật Bản, vấn đề đáng quan tâm là tác động xã hội của nó. Theo con số thống kê công bố năm 2011 cũng như nhiều năm trước, tổng số tín đồ của các tôn giáo trên toàn Nhật Bản lớn hơn rất nhiều tổng dân số của quốc đảo này. Điều này cũng không có gì lạ, bởi theo truyền thống một người Nhật Bản có thể cùng một lúc là tín đồ của một hay nhiều tôn giáo.

Xuất hiện và tồn tại trong một môi trường như vậy, tôn giáo mới có ảnh hưởng đáng kể đối với xã hội. Mặc dù không ít người phủ nhận vai trò của tôn giáo mới, cho chúng là thứ mê tín dị đoan, tầm thường, song cũng không đơn giản đến mức phủ nhận được rằng các tôn giáo mới, bằng những phương thức cụ thể khác nhau, đã giúp nhiều người thoát khỏi tâm trạng dồn nén, mở hướng đi, kéo họ trở lại với cộng đồng. Điều đáng chú ý là các tôn giáo mới ở Nhật Bản thường tổ chức các cuộc tụ hội tín đồ, với mục đích trước hết là cùng nhau tập luyện, giáo dưỡng tinh thần. Việc đó đồng thời cũng được coi như phương tiện để liên kết các tín đồ bằng những phẩm hạnh trong cùng một tổ chức, giúp họ có được cảm giác đổi mới, tự tin. Trước kia, khi quá trình đô thị hóa chưa phát triển thì những hoạt động này do đền Thần đạo đảm nhận, nhưng ngày nay điều này ngày một ít đi. Tôn giáo mới đã gành lấy trách nhiệm này và thực tế không ít người lang thang cô đơn đã tìm lại sức mạnh của bản thân mình trong những hoạt động như vậy.

Tuy nhiên, tôn giáo mới cũng có những ảnh hưởng tiêu cực rõ nét đến xã hội Nhật Bản. Đáng chú ý nhất là các vụ khủng bố, bắt cóc do một số giáo phái thực hiện mà điển hình là Giáo phái Chân lý Aum – một giáo phái mà ảnh hưởng xã hội của nó làm chấn động cả dư luận Nhật Bản lẫn dư luận thế giới.

Sau khi bị tình nghi gây ra hàng loạt vụ bắt cóc và giết người, ngày 20 tháng 3 năm 1995, Giáo phái Chân lý Aum đã tổ chức một cuộc khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản từ sau chiến tranh. Đó là việc dùng hơi độc Sarin, một loại chất độc hóa học có khả năng giết người làng loạt bị quốc tế cấm sử dụng từ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đầu độc trên 5 xe điện thuộc ba tuyến tầu điện ngầm ở Tokyo vào giờ cao điểm, làm chết và bị thương hơn 5 ngàn người. Một số tên tội phạm thuộc tổ chức giáo phái này đã lẫn trốn cho đến tận đầu năm 2012 mới lần lượt ra đầu thú. Cũng từ khi có cuộc khủng bố của giáo phái tôn giáo mới Chân lý Aum, Nhật Bản không còn được coi là một xã hội an toàn nhất trên thế giới. Hơn thế nữa, thế giới cũng bắt đầu đứng trước sự đe dọa khũng bố mới, khủng bố bằng chất độc hóa học do một tổ chức tôn giáo tiến hành.

Ngoài những ảnh hưởng xấu như kiểu Giáo phái Chân lý Aum, tôn giáo mới còn có những ảnh hưởng tiêu cực khác như những tuyên truyền về tác dụng chữa bệnh bằng ma thuật, tung tin đồn gây hoang mang về ngày tận thế… Một số giáo phái cho rằng có thể chữa bệnh bằng một số nghi thức tôn giáo như cầu nguyện, tẩy uế, dùng năng lượng huyền bí mà không cần phải dùng đến y học. Cũng có một số tôn giáo mới đã lợi dụng các thành tựu khoa học để biện hộ cho mình, thậm chí còn đồng nhất tôn giáo và khoa học, tự cho mình là tôn giáo khoa học.

Sự suy giảm của các tổ chức tôn giáo truyền thống do quá trình đô thị hóa và giảm dân số cũng là một trong những vấn đề nan giải hiện nay ở Nhật Bản. Đây là vấn đề xuất hiện từ những thập niên 1970 của thế kỷ trước, hiện nay xu hướng suy giảm có chững lại song vẫn là vấn đề nổi cộm. Như chúng ta đã biết, từ khi kinh tế Nhật Bản từng bước phục hồi rồi “cất cánh”, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh chóng, dòng người nhộn nhịp từ làng quê ra thành thị tìm kiếm việc làm đáp ứng nhu cầu nhân công của các xí nghiệp đang đà làm ăn phát đạt. Như một hệ quả tất yếu, nông thôn dần thành nơi dân cư thưa thớt, những người trẻ, khỏe lần lượt ra thành phố kiếm việc với thu nhập cao hơn để lại đằng sau là những ông bà già yếu gần giống với thực trạng nông thôn Việt Nam hiện nay. Từ năm 1990 đến năm 2010, tình trạng này còn trầm trọng hơn rất nhiều do chịu tác động thêm của hiện tượng suy giảm tỉ lệ sinh trên toàn quốc.

Quá trình biến động dân số và thô thị hóa cũng tác động đến các đền Thần đạo vốn lấy các hộ thờ cúng tổ tiên ông bà làm cơ sở tổ chức thì nay buộc phải xem lại các nguyên tắc này và tìm các giải pháp tổ chức mới.

Có thể nói, đô thị hóa đã làm cho đền Thần đạo thay đổi rất nhiều. Ngày càng có nhiều đền phá bỏ điện thờ cũ để xây mới bằng cách di dời lên những tầng cao của các ngôi nhà cao tầng. Điện thờ vốn được coi là nơi cư ngụ của các vị thần, nền điện phải được tiếp xúc trực tiếp với đất và nóc điện phải hướng thẳng lên trời. Vậy, nhưng với việc di chuyển lên tầng cao, kiến trúc tâm linh của những ngôi đền đã thay đổi về căn bản. Thêm nữa, các ngôi đền truyền thống, chẳng hạn như đền Minh Trị ở Tokyo, thường bao quanh là rừng, với những cổng nghênh thần cao trang nghiêm trước khi vào đền chính tạo nên vẻ thâm nghiêm nơi thần linh cư ngụ. Nay nhiều ngôi đền chỉ còn là những khoảng không gian lọt thỏm, bị che kín trong những tòa nhà cao tầng chọc trời, vẻ linh thiêng hầu như không còn là mấy. Điều này chẳng khác gì thực trạng của nhiều đền chùa Việt Nam đang phải đối mặt tại các đô thị lớn hiện nay.

Một xu hướng có tính chủ động hơn trong việc duy trì hoạt động của chùa là việc cải thiện kinh tế thông qua các hoạt động truyền giáo. Thay cho việc chỉ dựa vào các dịch vụ tang lễ, Bon và Higan, nhà chùa và sư sãi đi tìm cách thiết lập mối gắn bó sâu hơn với cuộc sống, với các tín đồ. Nhiều chùa đã lập ra các dịch vụ tư vấn liên quan đến đời sống tâm linh qua điện thoại như dịch vụ Điện thoại sinh mệnh.

Một số thực hiện các đám cưới kiểu Phật giáo, một số khác thì tài trợ cho các sự kiện văn hóa như triển lãm nghệ thuật và hòa nhạc. Mặc dù vậy, những cố gắng đó cũng chưa đủ để chống lại những khó khăn mà nhà chùa đang phải đương đầu trong quá trình đô thị vẫn đang tiếp tục phát triển nhanh ở Nhật Bản hiện nay”.     

Minh Thạnh

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm