Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Sự cần thiết của nghi lễ Phật giáo

Nghi lễ không chỉ là một phương tiện để chuyển hóa tâm linh, đưa người vào Đạo mà còn là một pháp môn tu học để đạt ngộ chân như phật tính bằng sự rung cảm tâm linh.

Nghi: là dáng, mẫu bên ngoài, nghi thức, nghi lễ, khuôn mẫu để người noi theo, là hình thức bên ngoài, cách sắp xếp trong một tổ chức, cách bài trí trong một ngôi chùa, nhất thần phù nhì thần tướng, nghi dụng biểu đạt của một vị tu sĩ, công phu tu tập thể hiện qua hình tướng để mọi người kính nể ….Còn lễ: là lễ giáo, thể bên trong, lễ nhạc, lễ bái, lễ tụng, lễ ký, lễ nghi, lễ phục, lễ đường, cúng tế, tôn thờ, cung kính…

Nghi lễ Phật giáo đóng vai trò quan trọng làm nên nét đẹp văn hoá Phật giáo và góp phần tô điểm thêm nét đặc sắc trong vườn hoa văn hoá tín ngưỡng Việt Nam. Nghi lễ không chỉ là một phương tiện để chuyển hóa tâm linh, đưa người vào Đạo mà còn là một pháp môn tu học để đạt ngộ chân như Phật tính bằng sự rung cảm tâm linh.

Do vậy, sự cần thiết của nghi lễ Phật giáo Việt Nam đến sự nghiệp truyền bá Phật pháp phải thông qua các hình thức như sau:

1. Qua dân gian

Nghi lễ Phật giáo là một trong những pháp môn hành đạo, tự lợi, tự tha. Khi Phật giáo đã trở thành Phật giáo Việt Nam thì nghi lễ Phật giáo là nghi lễ có sự hòa nhập của nghi lễ dân gian, nghi lễ cung đình (nhất là phần âm nhạc) mang sắc thái của ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tất cả hòa nhập một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, tinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, tư tưởng, tình cảm của đa số quần chúng. Nghi lễ Phật giáo Việt Nam có bị ảnh hưởng của Nghi lễ Phật giáo Trung Quốc, nhưng với lòng tự hào dân tộc, các liệt vị Tổ sư Phật giáo Việt Nam đã vận dụng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của Phật giáo nước bạn để chế tác ra bộ môn Nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, tức là nghi lễ đã được Việt hóa từ âm điệu, pháp phục, pháp cụ …

2. Qua hàng cư sĩ phật tử

Việt Nam chúng ta, từ ngàn xưa, nghi lễ đã là nhu cầu không thể thiếu trong việc thờ phượng tổ tiên ông bà và tín ngưỡng dân gian, nó là một bộ phận không thể tách rời trong cuộc sống và trở thành nét đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian. Khi đến với đạo Phật, nhu cầu nghi lễ của quần chúng tăng cao hơn, phát triển mạnh hơn, chính vì vậy mà nghi lễ Phật giáo mặc nhiên trở thành phương tiện hành đạo, tiếp chúng độ sinh phổ biến và thiết thực hơn cả.

Phần đông hàng cư sĩ đến với đạo Phật qua nhu cầu nghi lễ, nghĩa là đến với đạo bằng con đường tình cảm. Một khóa lễ đúng mức có tác dụng cảm hóa rất lớn không thua một thời pháp hay. Có nơi nghi lễ lại có tác dụng hơn sự thuyết giảng. Nhu cầu phục vụ nghi lễ vừa cao rộng vừa gắn bó với các sinh hoạt tinh thần, tình cảm, ước muốn của nhân dân.

Mối liên hệ của con người trong xã hội rất phức tạp. Trong đó, các mối liên hệ tình cảm chiếm phần lớn như là: Cúng kỵ ông bà cha mẹ tổ tiên, ma chay, hiếu hỷ, âm binh cô hồn, thờ cúng thần thánh, cầu an, cầu siêu, cưới hỏi, xây dựng nhà cửa, chúc thọ … Các nghi lễ tôn giáo và lễ hội truyền thống như: Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, lễ vía Phật, Bồ tát, Tổ sư, lễ Vu lan, Rằm tháng Mười …

Những lễ như vậy chi phối mạnh mẽ đến các sinh hoạt tinh thần, văn hóa của đời sống nhân dân. Chư Tăng được quần chúng coi trọng và ngôi chùa là nơi diễn ra hầu hết các buổi lễ ấy. Thông qua nhu cầu nghi lễ, thông qua nghi lễ Phật giáo đã tạo được mối quan hệ gắn bó giữa đạo và đời, giữa người tu hành với hàng cư sĩ. Qua đó, chúng ta có thể chuyển hóa họ bỏ ác làm lành, sống có đạo đức, an lạc.

3. Qua Tăng Ni

a. Oai nghi tế hạnh

Theo truyền thống nghi lễ Phật giáo Việt Nam, người mới vào chùa phải xin đồ cũ của mấy vị tu trước mà mặc để tăng trưởng phước đức. Trước và sau khi thọ giới Tỳ Kheo phải sám hối 3 tháng để tăng phước đức và tiêu nghiệp. Bỏ tất cả cha mẹ anh em, tiền tài vật chất với mục đích hoằng dương đạo pháp:

“Hủy hình thủ thiết ý
Cát ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thế nhân”

b. Nền tảng của nghi lễ Phật giáo là đạo đức và trí tuệ

- Tinh thông tam tạng Kinh điển (Kinh – Luật – Luận)

Sau khi đức Phật nhập diệt đã để lại tam tạng kinh điển bao gồm những gì Ngài đã chế định khi chư Tăng cộng trú lúc đức Phật còn tại thế. Ngài đã dạy về sự giác ngộ và giải thoát, hàng đệ tử xuất gia cần phải tinh thông tam tang kinh điển. Kinh tạng là kiến thức của người để tử Phật đã nhận lời sống xuất gia, Luật tạng là vòng thành bảo vệ người đã phát tâm xuất gia đi theo con đường của đức Phật, Luận tạng là triển khai những lời dạy của đức Phật và chư vị Thánh tăng, đúc kết lại những kinh nghiệm của chư vị Tổ sư.

- Phương pháp tu tập

Hàng đệ tử xuất gia muốn tự trang nghiêm mình trước phải hiểu lễ giáo rồi qua quá trình thực hành tu tập. Sự sinh hoạt hằng ngày là phục vụ cho mục đích giữ gìn thanh quy, xiển dương giáo pháp. Là đệ tử xuất gia cần phải nghiên cứu giáo lý và hành trì giới luật, tụng kinh, niệm Phật…

Những hàng động trong cuộc sống tăng đoàn chính là xiển dương giáo Pháp và cũng chính là nghi lễ như: những thời khóa tụng kinh hàng ngày, hàng tháng phải bố tát, hàng năm phải an cư kiết hạ… Nghi lễ dùng để giữ quy định trong chốn thiền môn, giữ vững đoàn thể Tăng già, có nghi lễ thì dù không có người lãnh đạo thì hành giả vẫn tu tập bình thường vì nghi lễ là kỷ cương giới luật, thau thế người lãnh đạo.

- Thực hành Bồ tát đạo

Thực hành Bồ tát đạo thông qua việc thọ trì giới luật của tăng ni được đặt nền tảng trên tình thương và sự hiểu biết của trí tuệ, từ bi, tự giác, tự nguyện, hoàn toàn vắng bóng tính gượng ép, bắt buộc. Không những vậy, việc gìn giữ giới luật để nhiếp phục thân khẩu ý được tiến hành một cách miên mật trong bốn oai nghi: Hành, Trụ, Tọa và Ngọa.

Đúng như lời các bậc cổ đức trong chốn tòng lâm thường dạy: “Đi cũng thiền, nằm cũng thiền - Động tịnh nói nín thảy an nhiên”. Mỗi bước đi của người xuất gia đều nhẹ nhàng, khoan thai, thảnh thơi và tự tại. Trong lúc ngồi thì an ổn, vững chãi như núi Tu di. Khi đứng thì đoan nghiêm, tề chỉnh và lúc nằm thì kín đáo, thanh tao.

Như vậy, chính đời sống đạo hạnh thực hành Bồ tát đạo, khéo hộ trì thân khẩu ý trong bốn oai nghi, mà thân và tâm của nguời xuất gia luôn được thuần tịnh, an lạc và giải thoát:

“Lành thay phòng hộ thân
Lành thay phòng hộ lời
Lành thay phòng hộ ý
Lành thay phòng tất cả
Tỳ Kheo phòng tất cả
Thoát được mọi khổ đau.”

Đạo hạnh của tăng ni là hệ quả của quá trình thanh lọc, điều phục thân khẩu ý trong tứ oai nghi hằng ngày của đời sống. Chính những lời nói thanh tao, những hành động hướng thiện, những ý nghĩ chơn chánh của người xuất gia, đã làm nên nét đẹp văn hóa đặc thù của nghi lễ Phật giáo. Nó là đường vẽ chấm phá tuyệt hảo trong bức tranh văn hóa muôn màu của đạo Phật.

Nói theo thuật ngữ của ngành Mỹ học, thì đạo hạnh của người xuất gia chính là “Cái Đẹp”, “Cái Cao Cả”. Nói theo ngôn từ nhà Phật, thì đó là đời sống “Chân, Thiện, Mỹ”. Đạo hạnh của tăng ni như đóa hoa ưu đàm bát la tươi mát, cứ mãi lung linh, trôi chảy trong dòng văn hóa Phật giáo nói cung và nghi lễ Phật giáo nói riêng, tỏa hương thơm an lành, giải thoát khắp muôn phương:

“Hương các loài hoa thơm,
Không ngược bay chiều gió.
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay”

- Hoằng Pháp lợi sinh

Là một nhà Hoằng pháp hay trong cương vị của một người trụ trì, cần phải vững chãi về nghi lễ, thông suốt cả sự và lý trong việc dùng nghi lễ Phật giáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh như là một phương tiện tiếp cận quần chúng và hướng họ về đời sống thánh thiện. Đây là một trong vô lượng pháp môn tối cần mà đức Phật cũng như chư vị Tổ sư đã chỉ dạy, nếu hành giả quán triệt được tính chất  “tuỳ duyên bất biến” của hoằng pháp, thì nghi lễ là phương tiện tối ưu để thành tựu đạo nghiệp.

Người dân phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng sống nặng về tình cảm và có nhu cầu tín ngưỡng cao. Nhất là trong cuộc sống vật chất ngày càng phát triển như hiện nay, đòi hỏi nhu cầu đời sống tâm linh của người dân càng cao. Khi họ tiếp xúc với  Đạo Phật thông qua nghi lễ sẽ làm cho nhu cầu tín ngưỡng được nâng lên, trong sáng hơn, đời sống tâm linh sẽ thánh thiện hơn. Nhờ vậy mà nghi lễ Phật giáo mặc nhiên trở thành phương tiện hành đạo, tiếp chúng độ sanh phổ biến và thiết thực hơn cả.

Trong thực tế, đông đảo quần chúng đến với Đạo Phật bằng những nhu cầu tín ngưỡng như: Cầu an, Cầu siêu, Ma chay, Cưới hỏi… Có những gia đình chưa hề đến Chùa nhưng khi gặp hữu sự như có người thân qua đời, họ đến Chùa thỉnh Tăng, Ni giúp lo việc hiếu sự và sau đó trở thành tín đồ nhà Phật. Phần đông những người bình dân đến cửa Chùa không phải để học hỏi giáo lý mà để tu tập, mà vì nhu cầu về tín ngưỡng cúng tế, làm pháp sự.

Vì vậy, đối với họ, một tu sĩ cần thiết là một vị đáp ứng được nhu cầu lễ nghi cúng tế, rồi mới kể đến trình độ học vấn về giáo lý của chư Tăng, Ni. Nói như vậy, không phải coi khinh cái học giáo lý mà chúng ta phải biết vận dụng cái phương tiện để đưa đến cứu cánh, và để đánh đổ những tư tưởng lệch lạc, thành kiến đối với nghi lễ, ứng phú đạo tràng. Vấn đề là ở chỗ ta xem nghi lễ là phương tiện vì độ sanh hay là cứu cánh vì lợi dưỡng.

Như vậy nghi lễ là sự biểu hiện lòng tôn kính và tin tưởng của mọi người đối với Tam Bảo một cách có hệ thống, có bài bản. Tùy theo tập quán của mỗi địa phương mà hình thành nghi lễ. Đây cũng là một phương tiện không thể thiếu trong việc hoằng pháp lợi sanh và trang nghiêm thêm cho công hạnh tu học, tụng niệm, lễ bái, thờ phụng đúng Chính pháp. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: Phương tiện bao giờ cũng giống như con dao hai lưỡi, nó có công dụng tốt, cũng có công dụng không tốt.

Nếu chúng ta biết sử dụng nghi lễ để tuyên dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh là phước báo cho chư Thiên và loài người, ngược lại mượn nghi lễ để mưu cầu lợi dưỡng thì tai hại vô cùng. Có sự ý thức về những nguyên lý Phật học thì những hình thức nghi lễ sẽ phục vụ đạo pháp và cho con người một cách tốt đẹp, đem đến sự an lạc. Nhưng vắng mặt tinh thần đạt đạo và không ý thức được những nguyên lý Phật học thì những hình thức sinh hoạt này lập tức biến thành nguy hại, những phương tiện bị chấp chặc và coi như là cứu cánh.

Cho nên người Phật tử không thể không thâm nhập kinh tạng, thâm nhập hành trì để nắm bắt những nguyên lý căn bản của nền triết học Phật giáo, từ đó mới có thể buông bỏ những hình thức được mệnh danh là Đạo Phật nhưng kỳ thực tác hại cho đạo Phật.


Thích Viên Hải
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nghĩ về hạnh nguyện ngài Địa Tạng

Phật pháp và cuộc sống 13:39 19/04/2024

Mỗi khi chắp tay kính lễ chư Phật và Bồ-tát, trong tôi lại sừng sững dáng Tăng của ngài U minh Giáo chủ Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi Bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Phật pháp và cuộc sống 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

Nhờ Bồ tát Quan Thế Âm gia hộ, bé gái bị dị tật bẩm sinh được lành bệnh

Phật pháp và cuộc sống 12:55 18/04/2024

Tôi lập gia đình năm 25 tuổi. Cuối năm, tôi sinh được một bé gái. Năm năm sau, vợ chồng tôi quyết định sinh đứa thứ hai. Chồng tôi rất thích đứa con thứ hai này là con trai, nhưng rủi thay lần mang thai này tôi lại sinh ba bé gái.

Chúng sanh và lục thông

Phật pháp và cuộc sống 12:20 18/04/2024

Lục thông là sáu thần thông ưu việt hơn những năng lực bình thường của đa số chúng sanh nhân giới. Sáu thần thông bao gồm: 

Xem thêm