Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 09/04/2013, 23:46 PM

Tấm lòng của một vị sư

Có cầu rồi mà đường khó đi thì bà con vẫn còn vất vả nên tôi tính sẽ vận động làm tiếp con đường này trong năm nay. Việc vận động cũng không được nhiều, nên mỗi năm tôi chỉ làm được một ít cho bà con thôi

Giữa bạt ngàn màu xanh của lúa, hoa màu, sự hiện diện của chiếc cầu bê tông vững chãi, với hoa văn lan can cầu mang đậm nét kiến trúc Khmer Nam bộ như một điểm nhấn cho vùng nông thôn mới. Đó là sản phẩm từ tấm lòng của sư Sơn Quy, Phó trụ trì chùa Trà Cuông ở xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) với bà con, phật tử địa phương.


Sư Sơn Quy và cán bộ địa phương đến kiểm tra tiến độ xây cầu bắc qua kênh Lịch Trà ở ấp Bưng Thum 

Cám cảnh trước sự khó khăn, vất vả và không kém phần nguy hiểm của người dân mỗi khi phải qua lại những cây cầu khỉ chênh vênh, lắt lẻo, sư Sơn Quy, Phó trụ trì chùa Trà Cuông đã đứng ra vận động người dân, mạnh thường quân trong và ngoài địa phương đóng góp xây dựng hai chiếc cầu bê tông trị giá trên trăm triệu đồng. Sư Sơn Quy chia sẻ: "Mỗi lần thấy bà con ra đồng làm việc hay trẻ em đi học phải qua lại mấy cây cầu khỉ hết sức khó khăn, nguy hiểm, tôi lo lắm. Vì vậy, tôi cố gắng vận động mọi người đóng góp, số còn lại tôi tự bỏ tiền ra để xây cầu cho bà con”.

Cây cầu đầu tiên được xây dựng ở ấp Đay Sô (Thạnh Quới) hoàn thành vào cuối năm 2012, với tổng kinh phí 52 triệu đồng. Lan can cầu được thiết kế hoa văn, hoạ tiết mang đậm nét văn hoá Khmer Nam bộ. Sư Sơn Quy cùng đoàn cán bộ xã, ấp đưa chúng tôi đi xem cây cầu bắc qua kênh 9m nối đôi bờ là ruộng lúa, liếp rẫy đang xanh tốt. 

Ông Mã Sơn Húa-Trưởng Ban Nhân dân ấp Đay Sô không giấu nổi niềm vui: "Hồi trước còn cầu khỉ, mỗi năm đều phải sửa lại mà vẫn không an toàn. Cây cầu này xây xong, giúp bà con trong vùng thuộc 3 ấp: Đay Sô, Bưng Thum và ấp Ngọn đi ruộng hay đi chợ rất thuận tiện, nhất là các em nhỏ đi học không còn lo lắng phải qua cầu khỉ vào mùa mưa nữa”. Cây cầu dài 22m, chiều rộng 1,4m bằng bê tông rất kiên cố và có tính thẩm mỹ cao như một điểm nhấn về mối tương quan giữa Đạo và Đời. 

Sư Sơn Quy tâm sự: "Làm đường nếu không chắc chắn sẽ bị bể thành ổ gà, chứ còn làm cầu không đảm bảo chất lượng thì rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Bởi vậy, trước khi làm phải có bản vẽ thiết kế, tính toán kỹ lưỡng, chúng tôi mới cho xây dựng”. Giờ đây, ngày ngày, bà con nông dân đi ruộng, các em học sinh đi học, mỗi khi qua lại dòng kênh 9m này ai cũng cảm thấy an tâm.

Bên kia ấp Bưng Thum, một cây cầu bê tông nữa đang được khẩn trương thi công cũng từ sự vận động và nguồn vốn của sư Sơn Quy. Cây cầu này dài 23m và rộng 1,5m rất thuận tiện cho người và xe mô tô qua lại, kinh phí xây dựng cũng lên đến hơn 60 triệu đồng. Những trụ cầu đã đúc xong, 3 chiếc dầm cầu cũng đã hoàn thành, chẳng bao lâu nữa cây cầu sẽ nối đôi bờ kênh Lịch Trà, giúp cho cụm dân cư ra trung tâm xã được dễ dàng hơn. Sư Sơn Quy cho biết: "Khi xây xong cầu trong Đay Sô, nghe người dân ở đây cũng bức xúc chuyện qua lại bằng cầu khỉ, tôi thấy cần phải làm thêm cây cầu này cho bà con, nên vận động mọi người cùng đóng góp”.  

Ông Hồng Tuấn-Trưởng Ban Nhân dân ấp Bưng Thum cho biết thêm: "Bà con đề nghị xoá cầu khỉ đã lâu nhưng địa phương chưa có nguồn kinh phí. Tôi ra gặp sư để bàn bạc và sư đồng ý ngay nên mới có cây cầu này”. 

Sau khi cây cầu được hoàn thành, sư Sơn Quy dự tính sẽ cùng chính quyền và bà con làm tiếp con đường rộng 1,2m dẫn vào tận cụm dân cư trong đồng với tổng chiều dài khoảng 776m. Sư bộc bạch: "Có cầu rồi mà đường khó đi thì bà con vẫn còn vất vả nên tôi tính sẽ vận động làm tiếp con đường này trong năm nay. Việc vận động cũng không được nhiều, nên mỗi năm tôi chỉ làm được một ít cho bà con thôi”.

Không chỉ có 2 cây cầu bê tông trên, trước đây, sư Sơn Quy cũng từng vận động các mạnh thường quân đóng góp làm vài tuyến đường, mỗi tuyến dài từ 100-200m. Sư chia sẻ thêm: "Mình làm đường từ từ rồi có kinh nghiệm mới dám làm cầu. Trước khi làm, tôi đều tham khảo ý kiến bà con và chính quyền địa phương, để khi bắt tay vào làm không bị vướng mắc điều gì. Tôi cũng rất vui mừng vì bây giờ đã có một số người có điều kiện nói với tôi rằng, khi nào cần làm gì họ sẽ sẵn sàng ủng hộ tiền, vật tư”. 

Cũng theo sư Sơn Quy, chuyện bức xúc về cầu, đường ở nông thôn bây giờ không lớn, vì Nhà nước đã đầu tư khá nhiều công trình. Bởi vậy, sư cố gắng cùng bà con, phật tử và chính quyền giải quyết thêm một ít nữa là đảm bảo cho việc đi lại của bà con được dễ dàng hơn. 

Được biết, ngoài chuyện làm cầu, đường, sư Sơn Quy còn tham gia cùng chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để làm các công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Sư cho biết thêm: "Nhà nước mình xây dựng nông thôn mới là để cho người dân, nên mỗi người phải có trách nhiệm đóng góp. Chuyện của tôi làm cũng là vì điều đó”.



Tác giả: Xuân Trường/Nguồn: www.daidoanket.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nước ngọt về xã đảo ở Giồng Trôm

Gieo mầm thiện 17:54 24/04/2024

Bà con xã đảo Hưng Phong (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ngày 23/4 đã nhận được nước ngọt và thùng nhựa từ một hoạt động từ thiện mang tên "Giọt nước nghĩa tình".

Làm điều không ai làm suốt 6 năm, cụ bà tái sinh cuộc đời cho một người dưng

Gieo mầm thiện 14:33 20/04/2024

Dù không phải là máu mủ ruột rà, hơn 6 năm qua, bà Thử vẫn tình nguyện chăm sóc nam bệnh nhân liệt tứ chi tại bệnh viện, đưa anh về nhà chăm lo như con ruột.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Gieo mầm thiện 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Xem thêm