Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 17/06/2016, 10:34 AM

Tấm lòng của sư cô Quảng Khiết với tuổi trẻ miền Bắc

Từ Sài Gòn bay ra Hà Nội tôi có cơ duyên thăm nhiều tỉnh thành và đến nhiều ngôi chùa ở miền Bắc. Tôi thật may mắn được có mặt tại những ngôi chùa cổ hàng trăm năm. Điều này thật khó mà thấy được, khó mà cảm nhận được ở Sài Gòn nơi tôi đang sinh sống. 

Có một điều làm cho tôi vô cùng bất ngờ là một người xuất sĩ có thể trụ trì rất nhiều chùa. Tôi được gặp những quý thầy, quý sư cô trụ trì đến vài ngôi chùa, thậm chí có vị trụ trì đến hơn chục ngôi chùa.

Một “tục lệ” nữa ở miền Bắc là nhất tăng nhất tự, tức mỗi quý thầy quý sư cô ở miền bắc trụ trì một ngôi chùa. Rất ít nơi tôi thấy có cảnh tu chúng, tức nhiều quý thầy quý hoặc quý sư cô cùng tu tập với nhau. Đó là cái lạ của Phật giáo miền Bắc. Điều này cũng khác hẳn với Huế là quê hương, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ở miền Bắc, tôi chưa thấy, hay nói đúng hơn là chưa đủ duyên được thăm những ngôi chùa có đến hàng chục quý sư cùng tu tập, đồng thời yểm trợ cho người dân sống xung quanh biết đến đạo Phật để tu tập.

Cách đây vài ngày, tôi cùng với những người bạn đồng tu may mắn được mời tham gia chia sẻ cho khóa tu dành cho các bạn trẻ tại chùa Phúc Nghiêm, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Khóa tu này kéo dài 3 ngày từ ngày 10 đến 12 tháng 6, sư thầy Quảng Khiết và BTC đích danh mời Ts.Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Công ty sách Thái Hà về hướng dẫn tu học cho các bạn nhỏ. Thế là chúng tôi được theo đoàn và tham dự chương trình. Tham gia hướng dẫn khóa tu còn có chị Thúy là giảng viên Học viện Hồ Chí Minh, bác sĩ Nga bệnh viện Thái Bình, em Chinh là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và em Hải Anh là học sinh lớp 6 Trường THCS Trưng Vương Hà Nội.
Ts.Nguyễn Mạnh Hùng giao lưu với các bạn trẻ trong khóa tu
Ngôi chùa khá chật chội, chánh điện rất nhỏ, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, thiếu về mọi mặt, ấy vậy mà quý sư cô lại quyết tâm tổ chức khóa tu.

Sư cô Quảng Khiết cho biết, các em rất ham tu, rất muốn tu, nên sư cô Quảng Khiết mới nhận làm trụ trì ngôi chùa này. May thay các em có người thầy Quảng Khiết toàn tâm toàn sức, hết lòng vì các phật tử nhỏ tuổi nên các em mới có cơ duyên tu tập.
Sư cô Quảng Khiết chụp ảnh cùng các bạn trẻ
130 em từ cấp 1 đến cấp 3 đến tu tập, ngồi chật kín nhà văn hóa địa phương, phần lớn các em đến tu học là các em cấp 2. Các em ở đây rất hiếu động, có thể nói là các em khó nghe lời người lớn khuyên bảo. Và để các em đi vào nề nếp, sư cô Quảng Khiết đã mời thêm nhiều quý sư cô ở các chùa khác về giúp đỡ và có hơn 30 tình nguyện viên là các bạn sinh viên đã từng tham gia các khóa tu cho người lớn đến hộ pháp.

Có đến vùng quê Tứ Kỳ này tôi mới hiểu rằng không đơn giản gì mà tổ chức khóa tu kéo dài 3 ngày cho các em. 

Ngày thứ nhất, tất cả các em tập trung tại  Chùa Phúc Nghiêm lúc 06h30 để ban tổ chức phát thẻ và số báo danh. 08h30 diễn ra lễ khai mạc và 09h30 ban tổ chức hướng dẫn nghi lễ thông thường của Phật giáo.

Ngay trong ngày tu đầu tiên, các em được trực tiếp chứng kiến và tham gia vào lễ cúng ngọ và sau đó là ăn cơm trưa và thực tập phương pháp quán tưởng tri ân nhà nông. Qua phương pháp thực tập quán tưởng các con nhận thấy công sức khổ cực của người nhà nông để ý thức trân trọng hạt gạo và không phí phạm tiền tài vật chất.

Sau giờ nghỉ trưa, các con được nghe thuyết trình đề tài “Tuổi Trẻ Và Niềm Tin” rồi sinh hoạt theo nhóm. Các em được ăn cơm chiều tại chùa trước khi về nhà. Sư cô Quảng Khiết cho chúng tôi biết rằng rất tiếc cơ sở vật chất không cho phép nên các em phải về nhà. Nếu như các em ở lại chùa, ngủ và sinh hoạt tối ở đây cùng nhau thì hiệu quả khóa tu sẽ cao gấp bội.

Đến ngày thứ 2 của khóa tu, các em được ngồi thiền và tụng kinh ngay từ đầu giờ sáng lúc mới 06h00. Sau đó các em được nghe thuyết trình đề tài “Tình yêu thương và chữ hiếu trong đạo đức gia đình và xã hội thông qua lăng kính Phật giáo”. Đề tài này làm cho các con hiểu hơn về công cha nghĩa mẹ, các con được biết đức Phật đã dạy lễ hiếu kính như thế nào.

Sau khi nghỉ giải lao, các em được trực tiếp giao lưu với Ts.Nguyễn Mạnh Hùng, ông lấy câu chuyện của đời mình ra để nói chuyện với các em. Ts.Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra rất nhiều câu hỏi về các bí quyết để có hành trang vào đời. Mỗi câu trả lời đúng đều được ông tặng sách kèm theo một chút tiền để mua sách bút. Để sau đó các bạn trẻ hiểu thêm 2 bí quyết nữa là tự lập và tự tin.

Không chỉ dừng ở đây, Ts.Nguyễn Mạnh Hùng còn lôi cuốn các bạn trẻ để khám phá 2 điều mà đức Phật dạy cho các phật tử chúng ta là trí tuệ và yêu thương. Ông nói rằng nếu có 2 thứ tài sản này thì ta nghiễm nhiên có hạnh phúc. Rằng nếu có 2 thứ tài sản này mang theo thì cuộc đời mỗi chúng ta luôn giàu có và thảnh thơi, bình an và vững chãi.

Sau nghỉ giữa giờ Ts.Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp hướng dẫn cho 130 bạn học sinh và 30 bạn tình nguyện viên cách tọa thiền. Tôi ngồi ngắm tất cả cùng im lặng tọa thiền trong bình an mà thích thú vô cùng. 

Ts.Hùng giới thiệu em Bùi Hải Anh học sinh trường THCS Trưng Vương, Hà Nội lên chia sẻ. Hải Anh kể về những năm tháng sống và học tập ở Úc, về những cảnh đẹp và nền văn minh của quốc gia này. Theo yêu cầu của thầy Hùng, Hải Anh cũng kể về kinh nghiệm học tiếng Anh để em có thể giành giải nhất tiếng Anh toàn quốc khi em học lớp 5. Các bạn học sinh có mặt vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Chắc chắn các bạn cũng thêm kiến thức, cũng học thêm một số cách để luyện tiếng Anh và tự tin hơn.

Các em thiền sinh và cả tôi nữa rất ấn tượng về phần chia sẻ tiếp theo của bạn Chinh, sinh viên Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Anh sinh viên này nói thẳn là hồi cấp 3 anh rất thích chơi game và mê game luôn. Bố mẹ anh rất đau đầu về anh. Không ai tin anh có thể đỗ đại học.

Nhưng rồi anh quyết tâm thay đổi, quyết đổi đời. Cậu học sinh người Nam Định này quyết tâm rời bỏ game để chú tâm học hành. Kết quả không phụ anh: cậu học sinh tên Chinh đã đỗ đạ học bách khoa Hà Nội. Chuyện này làm bố mẹ bất ngờ. Rất nhiều người không tin rằng chuyện này xảy ra. Từ đây, anh khuyên các bạn nhỏ tham gia khóa tu cần có hành trang vào đời là mục tiêu rõ ràng. Khi có mục tiêu rồi thì cứ thế mà đi. Anh khuyên các bạn trẻ không nên sa đà vào game và các tệ nạn xã hội.

Buổi chiều các em lại được TS Nguyễn Mạnh Hùng hướng dẫn tọa thiền. Và sau đó các em được giao lưu với cô giáo Phạm Thị Thúy đến từ Học viện Hồ Chí Minh và bác sỹ Nguyễn Thị Nga đến từ bệnh viện tỉnh Thái Bình. Tôi cũng tham gia chia sẻ.

Tiến sỹ Phạm Thị Thúy chia sẻ về nghề giáo viên. Cô cũng kể về nước Úc rộng gấp 20 lần nước Việt Nam ta và chỉ có hơn 20 triệu dân. Cô kể về những kỷ niệm trong những năm học ở Úc và khuyên các em chăm học, sống tốt, sống thiện và nhất định may mắn sẽ đến.

Bác sỹ Nga thì nói về công việc của người thầy thuốc, về những khó khăn vất vả và niềm vinh dự của nghề này, rằng khi khám, chữa bệnh và cứu người mình đã mang lại hạnh phúc cho biết bao người. Bác sỹ nhấn mạnh rằng nghề nào cũng cần cái tâm nhưng nghề thầy thuốc là cần cái tâm nhất.

Tôi thì nói về đam mê đọc sách của mình, về giá trị của sách và tri thức. Tôi giới thiệu cho các em những cuốn sách nên đọc và khuyên các em đọc sách thường xuyên. Tôi cũng mong các lớp học, các gia đình sẽ có tủ sách.

Sang ngày thứ 2 của khóa tu các em vẫn tiếp tục được tu học. Đến ngày thứ 2 này các em đã thuộc lòng các bài hát được thầy Hùng và đoàn chúng tôi hướng dẫn. Đó là bài “Mỗi lần mình thức dậy là mình thấy vui”, bài “Em yêu hoa hồng, yêu hoa thủy tiên”, “Người tôi yêu tôi thương”. Các em hát rất hay và làm các động tác rất đẹp. Các anh chị tình nguyện viên còn dùng máy điện thoại di động quay lại cảnh các em hát nữa.

Trong ngày thứ 3 có tiết lục được mong chờ nhất là chương trình rung chuông vàng. Và buổi chiều tối lúc 18h00 đã diễn ra lễ thắp nến tri ân cầu phúc cầu thọ cho ông bà bố mẹ với chủ đề “Ân đức sinh thành”.  Rất tiếc tôi không được tham gia chương trình này nhưng nghe các bạn kể lại rằng rất ấn tượng và xúc động. 

Nói thật rằng tôi quan sát và thấy sư cô Quảng Khiết rất vất vả. Tôi nhớ rằng trước khi đến đây, sư cô có thông báo trên facebook rằng sư cô bị mất giọng nói và không nói được nữa và ai có cách nào giúp cô lấy lại giọng, có bạn đã mách cô mẹo nhỏ mà hay và có hiệu nghiệm đó là uống nước giá đỗ.

Lập ra thời khóa cho 3 ngày, mời được các bạn sinh viên tình nguyện, mời các quý sư cô khác về hỗ trợ, mời được các diễn giả về chia sẻ, lo cơ sở vật chất,… đã là chuyện rất khó nhưng để các em thực hiện đúng thời khóa là một vấn đề không hề đơn giản chút nào. 

Tôi đã có may mắn tham gia một khóa tu khác cũng 3 ngày tại chùa Nghiêm Sơn ở Xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và thấy được sự năng động và vui tính của sư cô Quảng Khiết. Để các em nhỏ tự tin tiếp cận, gần gũi hơn với giáo lý nhà Phật sư cô Quảng Khiết đã nghĩ ra nhiều trò chơi, đã chơi cùng các em. Có khi sư cô như là một người mẹ, có khi như một người bạn, có khi là một người thầy… Tôi thấy rõ rằng sư cô Quảng Khiết đóng rất nhiều vai để phù hợp với những mong muốn của các em.

Tôi thích nhất là cách xử lý tình huống rất khéo của sư cô Quảng Khiết. Khi thấy các em mất trật tự,  hoặc nghịch ngợm, sư cô cầm micro và niệm to “ Nam Mô” ngay lập tức cả hội trường bao giờ cũng niệm “A Di Đà Phật”. Cô làm như vậy vài lần là hội trường im phăng phắc. Hay thật.

Tôi rất thích đứng ngắm các em đứng nghiêm trang chắp tay búp sen và đồng thanh niệm Phật. Giờ đây âm thanh niệm Phật rất đều rất hay của các con: “Nam Mô A Di Đà Phật” vẫn vang trong đầu tôi. Hạnh phúc lắm ạ.

Thêm một chi tiết rất thú vị nữa của khóa tu, rằng ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn sách để tặng từng con.
TS.Nguyễn Mạnh Hùng ghi lời chúc và ký tặng sách
Sách là tri thức, là tương lai của các con mà. Sư cô Quảng Khiết tranh thủ lúc nghỉ giải lao đề nghị Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng ngồi ghi lời đề tặng và ký vào từng cuốn sách để mang lại niềm vui cho mỗi em và từng gia đình. TS Nguyễn Mạnh Hùng đồng ý ngay. Vậy là 200 cuốn sách đã được ghi những lời chúc rất ý nghĩa. Chúng tôi hạnh phúc lắm khi chứng kiến từng em, kể cả các anh chị sinh viên là thiện nguyện viên đều được trực tiếp nhận sách từ tay TS Nguyễn Mạnh Hùng. Nhìn những khuôn mặt vui tươi của các con mà chúng tôi vui lắm.
TS.Nguyễn Mạnh Hùng tặng sách kèm lời chúc cho từng thiền sinh
Khi tôi đang gõ những dòng chữ này thì sư cô Quảng Khiết đang có mặt tại chùa Nghiêm Sơn ở tỉnh Tuyên Quang để hướng dẫn khóa tu cho các bạn trẻ nơi đây. Tham gia giúp đỡ và cùng chia sẻ với khóa tu ở vùng trung du này còn có Tiến sỹ Phạm Thị Thúy từ học viện Hồ Chí Minh của thủ đô Hà Nội. Rất tiếc tôi bận công việc nên không thể tham gia cùng. Tôi tiếc lắm đấy ạ. Bởi nếu được tham gia, tôi lại được chứng kiến tấm lòng từ bi và tâm mở rộng của sư cô Quảng Khiết. Tôi cảm phục sư cô lắm.

Bạn có biết không, trong những ngày tháng 6 này có 5 khóa tu diễn ra liên tục tại 5 ngôi chùa như tại chùa Vạn Phúc ở thành phố Hải Dương từ 06/06 đến 08/06/2016; tại chùa Phúc Nghiêm ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương từ ngày 10/06 đến 12/06/2016; tại chùa Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 15/06 đến 17/06/2016; tại chùa Diên Khánh, thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương từ ngày 21/06 đến 23/06/2016; tại chùa An Đức, xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương từ ngày 25/06 đến 28/06/2016 mà sư cô Quảng Khiết luôn tham gia trong ban tổ chức và chạy đôn chạy đáo từ địa phương này đến địa phương khác, từ chùa này đến chùa khác. Sư cô Quảng Khiết thật sự là con người toàn tâm hướng đến những thế hệ trẻ tương lai, những mầm xanh của đất nước. 
TS.Nguyễn Mạnh Hùng và sư cô Quảng Khiết chụp ảnh cùng các bạn
Tôi chuẩn bị rời Hà Nội để bay về lại Sài Gòn. Chuyến ra bắc lần này để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp và đáng nhớ. Tuy nhiên, sư cô Quảng Khiết đã rất ấn tượng trong tôi. Tôi giờ đây chỉ ước mong có thêm một vài sư cô nữa từ đâu đó, có thể là từ trên trời rơi xuống,… xin về chùa An Đức tu cùng sư cô Quảng Khiết, để cùng hoằng pháp và giúp đời. Tôi cứ nghĩ mãi về sư cô chỉ một thân một mình mà trụ trì đến mấy ngôi chùa. Sức đâu mà sư cô làm nhiều đến vậy. Có lẽ nguyên nhân duy nhất, sức lực có như vậy là do tâm Phật, là tinh thần phụng sự Phật Pháp, là tình thương yêu vô hạn dành cho các con.

Tôi bay về Sài Gòn nhưng nhất định sẽ bay ra thăm sư cô một ngày không xa. 

Nguyên Minh (Nguyễn Thị Chín)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm