Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 07/04/2018, 09:24 AM

Tâm Phật và Niết bàn đồng hay khác?

Sau khi đối chiếu, so sánh, phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau, thì học thuyết Tây phương Cực lạc đồng nghĩa với Niết bàn mà Niết bàn là vô sinh thì không có đến đi, còn sinh là còn luân hồi sinh tử. Cực lạc nghĩa rốt ráo là không khổ không vui, còn khổ là còn phiền não nhiễm ô, còn vui là còn dính mắc vào pháp mình đang tu. Vậy Cực lạc đã lìa khổ vui, khổ vui hết thì Niết bàn hiện tiền.

 
Ngày xưa khi đức Phật ngồi thiền dưới cội bồ đề và chứng được Túc Mạng Minh, Ngài nhớ lại vô số kiếp trước đã làm gì, ở đâu như nhớ chuyện ngày hôm qua. Khi buông hết các tạp niệm lăng xăng ta tưởng như quên hết mọi việc nhưng trái lại, càng thiền càng nhớ rõ nhưng tâm không dính mắc, việc gì cần nhớ thì nhớ, không cần thì thôi. Hiểu như vậy ta mới thấy tâm mình là kho chứa đựng các thứ buồn thương, giận ghét, tốt xấu, phải quấy, hơn thua. Những thứ cần biết thì ta không biết, những thứ không cần biết ta lại tìm tòi để dính mắc vào đó nên sinh ra phiền muộn, khổ đau.

Chúng ta nên nhớ việc gì đáng lo thì mình lo, việc gì không đáng lo thì đừng bận tâm đến. Người khéo tu thiền trong mọi hoàn cảnh lúc nào cũng nhớ quay lại chính mình, nhận ra và sống được với Phật tính sáng suốt; ngoài ra tất cả đều là vô thường hư ảo nên không cần chú tâm đến làm gì, như thế các tạp niệm lăng xăng từ từ không có chỗ bám víu, sẽ tan hoà vào chân tâm. Đến đây thì:

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Đây là bài kệ của vua Trần Nhân Tông khi còn làm Thái thượng hoàng. Ở giữa cuộc đời này mà ta luôn sống làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, người thân và còn đóng góp lợi ích cho xã hội. Sống và làm việc như vậy mà không bị dính nhiễm bụi trần nên thân tâm an ổn, nhẹ nhàng. Người đã thể nhập chân lý không còn lo toan, bận bịu một thứ gì. Việc gì cần làm thì làm, làm trong vui vẻ, an nhiên; cho nên đói thì ăn mà không thèm khát, khi mệt thì đi ngủ một giấc ngon lành như Lục tổ nói: “duỗi thẳng hai chân ngủ”.

Ngay nơi thân này mình đã sống với ông Phật của chính mình nên đâu cần tìm cầu, tìm kiếm nơi khác, khỏi phải lăng xăng chạy tìm Phật pháp ở phương nào. Ý nghĩa câu kệ cuối cùng rất quan trọng, khi làm việc, tiếp xúc, đối duyên chạm cảnh thì tâm hằng biết mà không tính toán so đo, do đó bình an, tự tại nên không cần phải hỏi tới thiền. Tâm không vướng mắc với trần cảnh, thấy tức là biết mà không dính vào hình ảnh sự vật, như vậy không phải Thiền tà gì? Còn đi tìm kiếm, còn hỏi thiền là dư rồi, tới đó trong nhà đã có báu nên thôi tìm kiếm, đối cảnh đã vô tâm nên không phải hỏi thiền.

Như vậy, quyền cao chức trọng, địa vị danh vọng, nhà lầu xe hơi, tiền bạc dư dả, vợ đẹp con xinh, những thứ này người thế gian ai cũng ước ao mong muốn; nhưng vị vua Thiền sư Trần Nhân Tông tuy có đầy đủ mà dám bỏ hết để lên núi tu hành và thành tựu đạo pháp. Gương sáng của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông là ông vua thiền sư đã biết áp dụng thiền khi làm Thái thượng hoàng, đã truyền mãi đến bây giờ hơn 700 năm, chúng ta may mắn là người dân đất Việt nên được thừa hưởng trực tiếp tinh ba của ngài nhờ biết thiền trong cuộc sống.

Vua Trần Nhân Tông đã biết áp dụng “Thiền” trong cuộc sống, nên khi xuất gia lên núi Yên Tử tu hành chỉ trong thời gian ngắn đã sáng đạo. Thiền sư xuống núi khuyên dạy mọi người giữ năm giới, tu mười điều thiện và phá bỏ những tập tục mê tín có tính cách làm tổn hại nhân loại. Nhờ vậy Phật giáo đời Trần là một nét son vàng chiếu sáng khắp toàn thể nhân gian nước Việt, phát triển tinh thần làm chủ bản thân nhờ biết “thiền” trong gia đình và cuộc sống.

Chỉ cần mọi người chúng ta noi theo gương hạnh của người xưa qua sự hướng dẫn của chư tăng ni trong thời hiện tại. Chúng ta có đầy đủ lòng kính trọng Tam bảo và tin tâm mình là Phật mà cố gắng kiên trì, bền bỉ, dù không thành tựu trọn vẹn trong kiếp này, ta vẫn là người tốt trong hiện tại và mai sau vì đã ta có chất thiền trong người.

Muốn được thành tựu viên mãn ta phải dùng cây cung thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ để quét sạch mọi ma mị trong tâm, cho đến khi nào thanh tịnh, sáng suốt, lặng lẽ mà hằng chiếu soi muôn sự vật. Cảnh là cảnh, vật là vật, ta là ta cùng hoà hợp nhịp nhàng với nhau bằng tình người trong cuộc sống với trái tim yêu thương và hiểu biết. Mỗi hành giả tu thiền nên lấy bài kệ của Thiền sư Huyền Giác để nghiệm xét chính mình:

Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai,
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.

Tỉnh tỉnh lặng lặng phải” là sao? “Tỉnh tỉnh” có nghĩa là chúng ta thường biết rõ ràng, “lặng lặng” có nghĩa là không vọng niệm lăng xăng, cho nên “tỉnh tỉnh lặng lặng” là thành tựu viên mãn. Phật đã sống được như vậy trọn vẹn nên không có gì làm cho Ngài dao động. Suốt 49 năm giáo hoá bị người mắng chửi, vu oan giá họa bằng mọi thủ đoạn nhưng Phật vẫn an nhiên, tự tại mà chứng minh sự trong sáng của mình. 

Vô ký lặng lặng sai” là sao? Ở đây ý nói người tu thiền nhờ chú tâm vào một chỗ nên tâm an định nhưng không có trí tuệ, do đó rơi vào hôn trầm, không biết gì. “Lặng lặng tỉnh tỉnh phải” cũng giống như đã nói, còn “loạn tưởng tỉnh tỉnh sai” ý nói chúng ta xử dụng thiền quán nhiều mà phát sinh trí tuệ, nhưng có trí tuệ mà cứ nhớ hoài Thiện pháp, không buông xả được nên khi đó chúng là vọng niệm lăng xăng, tức loạn tưởng. Chỉ có “tỉnh tỉnh lặng lặng” là đúng, coi như thành tựu Phật đạo mà bình thản, an nhiên, tự tại.

Cái biết ai cũng có
Ngay nơi thân mọi người
Chỉ vì ta không nhận
Nên đành chịu khổ đau.
Khi mê thì Phật độ
Khi biết thì tự độ
Đó là lý nhiệm mầu
Của tất cả chư Phật.

Bây giờ chúng ta hãy nghe ông vua Thiền sư Trần Thái Tông, ông Tổ của Giác hoàng Trần Nhân Tông lên núi xin Quốc sư Trúc Lâm làm Phật. Quốc sư ân cần nắm tay vua bảo: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta, nếu tâm lắng lặng thường biết rõ ràng thì đó chính là tâm Phật. Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần phải khổ nhọc tìm cầu bên ngoài”. 

Ngay nơi đây mọi hành giả tu thiền sẽ nhận lại cái sẵn có nơi mình, cái đó rỗng rang sáng suốt nhiệm mầu nói không thể đến. Trong nhà Phật có nhiều danh từ để chỉ ra cái biết sáng suốt của mình. Để nói lên sự bình đẳng của một chúng sinh Phật đã từng xác quyết rằng “ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Phật là danh từ chung, ai cũng có quyền sống với cái biết sáng suốt của mình, nương nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý hay còn gọi là Phật tính. 

Như ngài Thần Quang trước khi gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma là ông tổ của Thiền tông, hành giả Thần Quang dù có ngồi thiền cả ngày mà tâm niệm vẫn cứ lăng xăng, loạn động. Cho nên một hôm gặp được Tổ, ngài thưa hỏi pháp yếu liễu thoát sinh sử!

Ngài Thần Quang thưa rằng: “Tâm con không an, xin thầy chỉ dạy”. Tổ bảo, ngươi đem tâm ra đây ta an cho. Theo thói quen hằng ngày, ai cũng thấy tâm của mình là thật có, cho nên tôi suy nghĩ, tôi tính toán mọi đúng sai trong cuộc đời và tôi là tất cả… Ở đây, bằng diệu thuật trong nhà thiền, Tổ không nói cái gì cao siêu mà chỉ bảo rằng: “Ông đem tâm ra ta an cho”. Ngài Thần Quang quay lại tìm tâm không thể được vì tâm có lúc ẩn, lúc hiện không rõ ràng, nên khi nhìn lại không thấy tâm ở đâu, do đó ngài thưa với Tổ: Con tìm tâm không thể được. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”.

Như vậy, an tâm là ở chỗ nào? Chỗ này quý vị phải nhìn kỹ lại mới thấy rõ ý sâu xa của nó. Đây là diệu thuật của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, “pháp an tâm” của Tổ rất đơn giản và bình thường, bình thường đến nỗi ta khó mà chấp nhận được. Khi có niệm tham khởi lên, ta biết ta đang tham, biết một cách rõ ràng, không nhầm lẫn, đó là “pháp an tâm”. Khi biết như vậy niệm tham tự nhiên biến mất, ngay khi đó không phải an tâm là gì? An mà không có chỗ để an, chỉ đơn giản vậy thôi.

Một hôm, Tổ Huệ Khả sau thời gian nhận pháp an tâm, rồi đến trình Tổ sư: Con đã dứt hết các duyên. Tổ nói: Coi chừng rơi vào không. Huệ Khả thưa: Không rơi được. Tổ hỏi lại: Làm sao con biết? Con rõ ràng thường biết, nói không thể đến. Tổ bảo: Đây là chỗ truyền của chư Phật, xin chớ có hoài nghi.

Đến đây, ông tổ thiền tông ấn chứng cho Tổ Huệ Khả đã sống trọn vẹn với pháp an tâm. Cái chỗ con tìm tâm không thể được mà vẫn thường biết rõ ràng đó, ai biết? Khi mắt chúng ta nhìn thấy mọi hình ảnh sự vật, đen biết đen, đỏ biết đỏ, sự vật như thế nào biết rõ như thế đó, thấy chỉ là thấy, thấy tức là biết, biết tức là tâm, tâm tức Phật.

Thân là cây Bồ Đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để dính bụi bặm. 

Ngài Thần Tú ví thân này như cây Bồ đề cũng đúng, nếu không có thân làm sao mình có cơ hội làm những điều thiện ích. Do đó, ngài Thần Tú nói “tâm như đài gương sáng”. Thân và tâm không thể tách rời nhau, thân làm việc tốt hay xấu là do tâm điều khiển, chỉ đạo. Mặc dù tâm như đài gương sáng, trong sạch, tinh khiết, thuần nhất nhưng nếu ta cứ để cho lòng tham lam, ích kỷ, hờn giận, si mê, ghen ghét, hận thù chen vào thì sẽ dẫn đến tranh đấu, giành giật, tìm cách sát phạt, triệt buộc lẫn nhau để vơ vét về cho riêng mình mà làm tổn hại cho người và vật. 

Tâm si mê, mù quáng do thấy biết sai lầm nên đưa thân đi tới những hành động nông nổi, thấp hèn mà tạo nghiệp tày trời làm khổ đau nhân loại. Tâm nóng giận, hờn mát dẫn đến ăn không tiêu, khó ngủ, lâu ngày phát sinh bệnh suy nhược thần kinh. Bởi vậy, tâm là chủ nhân của bao điều họa phúc, thiện ác, nên hư, thành bại trong cuộc đời.

Chính vì thế, muốn thân đứng vững mà không làm các việc xấu ác để sống lâu dài thì phải an tâm. Tâm an thì họa trở thành phúc, ngu trở thành trí, khổ đau phiền muộn trở thành an lạc hạnh phúc. Tâm không an thì họa khổ đau sẽ làm cho thân dễ bị nghiêng ngả. Cho nên từ xưa đến nay các bậc hiền thánh đều tu tâm trước rồi mới lập thân, nhờ đó mà thân đứng vững vàng để đi vào đời làm lợi ích cho tha nhân mà không bị dòng đời cuốn trôi. Ngài Thần Tú cũng vì thế mới chỉ dạy phải luôn luôn dọn dẹp phiền não tham - sân - si, muốn vậy ta phải siêng năng lau chùi bụi bặm bám dính đầy nơi thân.

Lời dạy của ngài Thần Tú phù hợp với số đông nên dễ hành trì vì chúng sinh nghiệp tập sâu dày. Bản chất của tâm được ví như đài gương sáng nhưng vì bị bụi phiền não dính vào, ta chỉ việc lau chụi bụi bám dính trên mặt gương, khi bụi hết gương sẽ trong sáng trở lại. Bài kệ của ngài Thần Tú khi được viết trên vách khi được Ngũ tổ đọc xong liền nói chỉ để lại một bài kệ này cho mọi người đọc tụng, thọ trì y như bài kệ này mà tu hành khỏi bị đọa vào ba đường ác địa ngục, quỷ đói, súc sinh. 

Những ai y bài kệ này mà tu hành thì lợi ích rất lớn. Tất cả mọi người trong chùa khi tụng đọc bài kệ thảy đều khen hay. Rõ ràng, nếu nhìn ở chiều có sự quán chiếu thực thể hai mặt, kẻ si mê chấp thân là thật ta, rồi đến của ta. Ngược lại với kẻ si mê là những người trí tuệ, tuy biết thân này giả có, không thực thể cố định nhưng không vì thế mà họ bi quan, chán nản. Họ biết lợi dụng thân này để tu tập chuyển hóa, nhờ vậy biết kết hợp nhuần nhuyễn tu thân - miệng - ý, do đó đạt được lợi ích thật sự. Kẻ mê thì bám víu vào thân để gây tạo những điều tội lỗi, người trí tỉnh giác nương nơi thân để làm những việc thiện lành, tốt đẹp mà giúp người, cứu vật. Trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:

Trong các pháp do tâm làm chủ
Tâm dẫn đầu tạo đủ các duyên
Tâm mê tạo nghiệp chẳng lành
Như xe lăn bánh, khổ liền theo sau.
Tâm giác tạo nghiệp thiện lành
Như hình với bóng, vui liền theo sau. 

Đức Phật nói tâm làm chủ, tức là nói đến cái biết của con người; cái biết phân biệt do ý thức và cái biết thường hằng, tức là cái thường biết rõ ràng. Bài kệ xác định tâm làm chủ tạo ra các duyên tốt hay xấu, nếu biết cách vận dụng nó chúng ta sẽ thoát khỏi khổ đau, luân hồi - sinh tử, bằng không sẽ sống trong đau khổ lầm mê. 

Một số người cho rằng thân là thật và quan trọng hơn hết. Ngược lại, Phật cho rằng nghiệp ý là quan trọng. Khi ý suy nghĩ, miệng nói năng rồi thân mới hành động. Cho nên, đức Phật nói tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Chính yếu của sự tu hành là tu ngay nơi thân - miệng - ý mà tâm là chính vì sự tu hành của chúng ta phát xuất từ tâm. Tâm suy nghĩ chân chính rồi mới phát sinh ra hành động tốt đẹp. Tâm suy nghĩ tà thì phát sinh ra những hành động xấu ác. Vậy thân này hành động tốt hay xấu đều do tâm chủ động điều hành nên tâm là quan trọng hơn hết, không có tâm thân này như phế bỏ. 
 
Đi xa hơn nữa, ngài Lục tổ Huệ Năng đi thẳng vào phần tinh thần, có nghĩa là trực chỉ nơi tâm mà thể nhập cái gốc ban đầu là Phật tính sáng suốt nương nơi mắt – tai – mũi - lưỡi – thân - ý. Chính vì vậy mà ngài nói bài kệ:

Bồ đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài.
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi bặm? 

Bồ đề là chỉ cho cái biết sáng suốt nương nơi mắt – tai – mũi - lưỡi – thân - ý, cái biết ấy không có hình tướng mà chỉ thường biết rõ ràng thì làm sao thân là cây Bồ đề được. Thân tuy hiện hữu nhưng lại không có thực thể cố định nên có sinh – già - bệnh - chết thì làm gì có hình tướng thật. Cho nên, ngài Thần Tú nói thân là cây Bồ đề, còn Lục tổ nói Bồ đề là tính giác sáng suốt. 

Qua câu nói này ta thấy thân tâm không tách rời nhau. Tâm trong sáng, thanh tịnh thì biến hiện ra thân đẹp đẽ, trang nghiêm. Câu nói “tâm như đài gương sáng” của ngài Thần Tú ý nói gương thì nó tự sáng chứ không phải do đài mà gương được sáng trong. Cái gì thật thì trước sau như một, không cần thứ gì tô điểm thêm cho nó. Bản chất của gương xưa nay là tự sáng, chỉ vì bị bụi lâu ngày bám dính nên bị lu mờ, khi bụi hết thì gương sáng rỡ chiếu khắp cả nhân gian. Ngài Huệ Năng lại nói chỗ đó không hình tướng nên xưa nay không có vật nào. Vậy chỗ nào dính bụi bặm?

Lục tổ Huệ Năng thể nhập tính biết thanh tịnh, sáng suốt nên chỗ thấy của ngài trong sạch, lặng lẽ, sáng trong mà hay soi sáng muôn loài vật. Cái thấy của Lục tổ Huệ Năng là nói theo thể tính không có hình tướng đối đãi, đó là đỉnh cao của Phật pháp. Chúng ta bị dính mắc đủ thứ nên phải xả bỏ từ từ, chính vì vậy mà chúng ta phải siêng năng lau chùi, bữa nào làm biếng thì lại để bụi dính bám đầy. 

Ngài Thần Tú và cả Lục tổ Huệ Năng đều nói đúng. Ngài Thần Tú thì chỉ dạy theo thứ lớp để số đông dễ tiếp thu mà cố gắng kiên trì, bền bỉ lau chùi, dọn dẹp cho đến khi bụi phiền não hết rồi cũng đồng một chỗ sáng. Ngày nay, có một số người không chịu tu sửa mà chỉ biết lấy lời tổ để dẫn chứng lý luận suông nên rơi vào thiền trên miệng lưỡi, thực tế thì phiền não tham – sân - si đầy rẫy. Người sau này lại có bệnh người xưa nói sao mình nghe vậy mà không có sự chiêm nghiệm, quán xét, chiếu soi. 

Do vậy mà có tổ nói: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, nhưng việc lớn sáng rồi cũng như đưa ma mẹ”. Bởi vì chúng ta mới thấy biết Phật nhân mà thôi, còn quá trình sống với Phật quả cần phải có thời gian lâu dài mới được. Chính vì vậy mà Lục tổ phải mất 18 năm mới thành tựu viên mãn và bắt đầu ra giáo hóa.

Khi niệm Phật đến chỗ “nhất tâm bất loạn” thì tâm đã là cõi Tịnh độ rồi. Kinh Di Đà là kinh biểu tượng mang ẩn dụ sâu sắc, cho nên ta phải đọc ra đằng sau ngôn ngữ và đằng sau hình ảnh biểu tượng để tìm cho ra cái thực là một tâm không loạn.

Vào thời Phật giáo Lý - Trần, Thiền tông ở Việt Nam được tồn tại rất lâu dài. Đời Trần, pháp môn niệm Phật đã trở thành quan trọng. Vua Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông đã tu thiền. Chúng ta hãy lắng nghe tổ tiên Việt Nam nói về Tịnh độ. Trước hết, vua Trần Thái Tông, trong tác phẩm Khóa Hư Lục đã viết như sau:

"Niệm Phật là do tâm phát khởi, tâm phát khởi về nẻo Thiện thì đó là thiện niệm, thiện niệm đã phát khởi thì thiện nghiệp sẽ đền bồi. Tâm phát khởi về nẻo Ác thì đó là ác niệm, ác niệm đã sinh thì ác nghiệp sẽ ứng nghiệm. Như gương hiện ảnh, như bóng theo hình. Vì bản chất của gương là tự sáng, nếu gương sáng thì ảnh sẽ hiện ra, bây giờ ta chỉ cần chùi bụi, bụi hết thì gương sáng nhưng ta cứ lầm tưởng là phải chùi gương. Gương sáng rồi thì mọi hình ảnh sự vật sẽ hiển bày ra đó".

Vua Trần Thái Tông nói tất cả đều do tâm. Nếu tâm mình niệm Thiện thì hành động và nếp sống của mình sẽ là thiện nghiệp nhờ vậy mình an vui hạnh phúc chẳng phải tìm cầu xa.

Giác hoàng Trần Nhân Tông nói Tịnh độ là lòng trong sạch. Chớ nhọc tìm cõi Tây phương Cực Lạc. Tổ tiên của chúng ta đã thấy được như thế. Nếu niệm Phật mà niệm theo kiểu thượng thừa đó, thì Phật không phải là một thực tại bên ngoài nữa mà Phật ở trong tâm.

Tin tâm mình là Phật: Chúng ta tin tâm mình là Phật, giống như chiếc gương sáng vì để lâu ngày bị bụi bám vào, muốn gương sáng trở lại phải chịu khó lau chùi, hết bụi tự nhiên gương sẽ sáng. Cũng vậy, chính tâm mình là Phật nhưng vì lâu ngày ta để bụi phiền não tham – sân - si bám vào nên tâm Phật không hiển lộ, đến khi buông bỏ hết mọi vọng niệm thì tâm Phật hằng soi sáng. Không tin tâm mình là Phật thì chúng ta sẽ không cố gắng chuyển hoá phiền não tham – sân - si để được giác ngộ, giải thoát ngay trong cõi đời này. Quả quyết tin tâm mình là Phật là ta đã thành tựu đức tin mãnh liệt, nhờ vậy khi tu thiền dễ dàng buông xả sự tham đắm, dính mắc từ trước đến giờ.

Trong sự tu hành chúng ta phải khẳng định, tâm mình là Phật mới có thể tự giải thoát sống chết, không một đức Phật hoặc chư vị Bồ tát nào có thể giải thoát thay thế cho chính mình được. Cuộc sống ngoài xã hội cũng vậy, mọi việc nên hư, thành bại, tốt xấu đều tự chúng ta gầy dựng tạo nên. Chính ta là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, thành Phật hay không là do sự quyết tâm của mỗi người. 

Ai có đầy đủ đức tin mãnh liệt nơi chính mình thì sẽ không trốn tránh trách nhiệm về mọi hành vi của bản thân, không ỷ lại hay cầu cạnh, nhờ vả kẻ khác, không yếu đuối, hèn nhát trước mọi khó khăn. Chúng ta can đảm đối diện với cuộc sống để tìm cách vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời nhằm chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Sau khi đối chiếu, so sánh, phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau, thì học thuyết Tây phương Cực lạc đồng nghĩa với Niết bàn mà Niết bàn là vô sinh thì không có đến đi, còn sinh là còn luân hồi sinh tử. Cực lạc nghĩa rốt ráo là không khổ không vui, còn khổ là còn phiền não nhiễm ô, còn vui là còn dính mắc vào pháp mình đang tu. Vậy Cực lạc đã lìa khổ vui, khổ vui hết thì Niết bàn hiện tiền. Giác hoàng Trần Nhân Tông nói Tịnh độ là lòng trong sạch, tâm hết sạch phiền não thì như như mà vẫn thường biết rõ ràng. Phật, Phật, Phật không thể thấy… Phật, Phật, Phật không thể nghe... Vậy ai biết, ai nghe… thấy nghe hay biết trong xúc chạm mà vẫn an nhiên tự tại.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm