Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 20/08/2018, 18:44 PM

"Tháng cô hồn" nghĩ về tục đốt vàng mã

Trong tiết trời Âm của tháng 7, thoắt mưa thoắt tạnh, khiến trong tâm người ta thoáng một chút se lòng. Chính vì sự thoáng buồn này nên con người thường nghĩ về quá vãng. Không hiểu từ bao giờ mà trong dân gian gọi tháng 7 là tháng "cô hồn". 

Vậy cô hồn là gì?

Theo từ điển Tiếng Việt, cô hồn "là người chết trơ trọi không được thờ cúng, theo mê tín". (NXB Khoa học Xã hội, 1963). Theo tín ngưỡng dân gian, tháng 7 còn có một tên gọi nữa là ngày Rằm xá tội vong nhân. Cũng theo từ điển Tiếng Việt, "xá tội vong nhân" đây tục mê tín cho rằng đến ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch con cháu cúng lễ thì ông bà ở dưới âm phủ được tha tội".

Như vậy nghĩa "cô hồn" và ngày "xá tội vong nhân" theo từ điển nói trên định nghĩa ta thấy nội hàm đều chứa ẩn sự mê tín thiếu lành mạnh.

Khác với quan niệm tín ngưỡng dân gian, ngày báo hiếu Vu Lan của Phật giáo cũng nhằm ngày Rằm tháng Bảy, nhưng với ý nghĩa tâm linh trong sáng và nội hàm Tết Vu Lan có khái niệm rộng rãi, mang đậm tính nhân văn, đạo pháp sâu mầu giữa người sống và người đã khuất thông qua việc hành xử lễ nghi, lễ thức được tổ chức trong ngày Rằm tháng 7 mang đầy ý nghĩa tích cực.

Xét về mặt lễ thức trong dịp Vu Lan cúng lễ người đã khuất thì đây là dịp để báo hiếu hồi hướng công đức của con cháu đối với liệt tổ liệt tông, ông bà, cha mẹ đã sinh thành ra mình và gây dựng sự nghiệp cho con cháu trong dòng tộc, thì đây là việc làm có ý nghĩa cao đẹp.

Nếu là phật tử thuần thành am hiểu giáo lý đạo Phật, trong ngày tháng 7, chúng ta trai giới tổ chức cơm chay, trì tụng kinh Báo hiếu Vu Lan thì thật là tốt đẹp. Bởi tụng kinh niệm Phật không chỉ giúp cho cha mẹ, người thân trong gia đình hiểu được đạo lý làm người và hiểu được nghĩa kinh sâu mầu mà giác ngộ giáo lý đạo Phật để ngay trong hiện thế này, cha mẹ người thân không tạo ác nghiệp mà được an lành hiện tiền, cũng như an lành lâu dài cho kiếp nhân sinh.  

Cũng trong dịp này, nếu chúng ta chí thành cầu nguyện sám hối và hồi hướng cho người thân đã quá cố với tấm lòng thành kính, thì cũng góp phần cho người quá cố tốc xả mê đồ siêu sinh Tịnh độ hoặc được chuyển sinh trong cảnh giới an lành (tức không phải đọa lạc trong cõi u minh đau khổ).

Vậy ngày báo hiếu Vu Lan theo giáo lý đạo Phật là rất sâu mầu và ý nghĩa. Nếu là phật tử chắc hẳn chúng ta ai cũng biết rõ ngày ra đời này. Nhưng với người còn trẻ đầu tiên đến với đạo Phật thì ngày này vẫn còn nhầm lẫn với tín ngưỡng dân gian và coi đây là ngày "xá tội vong nhân" theo tư duy thuần túy thì chúng ta chưa hiểu được bản chất của ngày lễ Vu Lan.

Vậy ngày báo hiếu Vu Lan khác với ngày xá tội vong nhân trong ngày Rằm tháng 7 như thế nào? Vì giới hạn của bài viết nhỏ này, ở đây xin được nói sơ lược về ngày này như sau:  Ngày Báo hiếu Vu Lan xuất phát từ việc báo hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên với mẹ mình là bà Thanh Đề. Bà Thanh Đề khi còn tại thế là người rất bỏn xẻn và ác độc. Khi thác sinh đọa vào cảnh giới tam đồ khổ. Tôn giả Mục Kiền Liên (người có thần thông bậc nhất) và là đệ tử lớn của đức Phật. Do có Thiên nhãn minh (tức con mắt trời) nên Tôn giả nhìn thấu Tam giới mà thấy được mẹ mình (tức bà Thanh Đề) bị đọa lạc vào ác quỷ. 

Nhìn thấy mẹ đói rách khổ não, Tôn giả đem cơm đến cho mẹ, nhưng cơm vừa đưa lên miệng thì hóa thành lửa, không thể nào ăn cho khỏi đói. Thương mẹ, nhưng không có cách nào cứu được mẹ ra khỏi cảnh khổ đau. Nhân đó, Tôn giả bèn vội về bạch đức Phật và hỏi tại sao có cảnh đó? Nghe xong Thế Tôn nói với Tôn giả Mục Kiền Liên: "Có cảnh đó là vì mẹ ông khi còn tại thế đem lòng bỏn xẻn ác độc. Vậy muốn cứu mẹ ông khỏi cảnh này, ông hãy chọn ngày Tự tứ (tức ngày Rằm tháng 7) dùng vật phẩm trai đàn, thỉnh các chư tăng làm lễ chú nguyện hồi hướng cho mẹ ông thì sẽ qua khỏi cảnh khổ đau này. 

Theo lời hướng dẫn của đức Phật, Mục Kiền Liên nhằm ngày Rằm tháng 7 thực hiện như lời Phật dạy... và cuối cùng bà Thanh Đề, mẹ của Tôn giả nhờ ngày lễ đó mà đã thoát khỏi cảnh khổ tam đồ và được sinh Thiên.
     
Theo kinh Vu Lan thì đây là nhờ sức mạnh chú nguyện của chư tăng với tâm thanh tịnh (qua mùa an cư kiết hạ) nên bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngã quỷ. Đây là kết quả chú nguyện tập thể của tăng đoàn mà có năng lực ảnh hưởng mạnh mẽ vào tâm thức bà Thanh Đề, làm cho bà thay đổi tận gốc rễ nghiệp bất thiện của mình mà thoát khỏi cảnh đọa lạc. Qua tấm gương báo hiếu của Tôn giả Mục Kiên Liên nói trên mà trong Phật giáo có ngày báo hiếu Vu Lan truyền thống như hiện nay.

Vậy báo hiếu Vu Lan (Rằm tháng 7) mang ý nghĩa nhân văn và đạo màu sâu sắc về mặt tâm linh, chứ phải đâu chỉ lo bày đặt "cúng kiếng" bằng việc giết gà, mổ heo, đốt vàng mã cho thật nhiều để phô trương (cái tôi) bản ngã với thiên hạ là người giàu có. Nếu lấy vật chất theo kiểu "tốt lễ dễ cầu" thì đây là việc làm quá thô thiển của mấy ông thầy "tà" nhuốm màu mê tín dị đoan thì hậu quả chỉ gây nên phiền não cho người hiện thế và người quá cố. Bởi xét về mặt tâm linh thì sự phát nguyện sám hối - hồi hướng cho người đã khuất, cái cần thiết tối trọng là ở lòng chí thành của người lễ; về điều này cổ đức có câu: tâm thành lễ mọn (dù là lá trầu quả cau, chén nước) thanh tịnh, nhưng cũng làm thay đổi được hoàn cảnh của người cõi âm. 

Ngược lại nếu chúng ta không hiểu chính pháp mà tổ chức giết heo, mổ gà (phạm giới sát) thì việc cúng lễ sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn mà lại phản tác dụng. Ví dụ ngày lễ tết tổ chức linh đình (tiền đóng gạo góp) kẻ có người không vì chuyện giàu nghèo mà người trong gia đình "xào xáo" lẫn nhau. Đó là phản tác dụng, bởi lễ rất cần tâm thanh tịnh; báo hiếu cha mẹ cũng rất cần sự hoan hỷ đoàn kết của con cháu. 

Nhân đây xin nói qua sự khác biệt đôi chút giữa việc báo hiếu của Nho giáo và Phật giáo để chúng ta cùng suy ngẫm. Theo Nho giáo, báo hiếu cha mẹ lúc chết thường khóc lóc, than vãn kể lể, thái độ này được cho là người có hiếu. Ngược lại với Phật giáo, lúc lâm chung, giáo lý dạy người trong gia quyến không nên than khóc thảm thiết làm "rối chân chí" người sắp ra đi, bởi không tạo lập được sự bình an cho họ lúc chuyển sinh đời sống kiếp khác.
      
Vậy người lâm chung họ cần gì? Họ cần ở quyến thuộc sự yên tĩnh và hòa hiếu; họ cần một chút đạo hạnh nơi con cháu, đó là không vì họ mà vi phạm (giới sát). Họ cần con cháu và người thân hồi hướng phước đức, công đức cho họ bằng bố thí (tức làm từ thiện) và nếu là người có đạo (theo đạo Phật) họ cần ở con cháu, người thân trong gia quyến nhất tâm niệm danh hiệu Phật để hồi hướng cho họ.

Để xác tín điều này, chúng ta hãy nghe đoạn kinh (Ngài Địa Tạng Bồ Tát bạch đức Phật) được đề cập dưới đây, nói về việc khuyên răn ngăn ngừa giới sát ở cõi Diêm phù đề (tức cõi chúng ta) khi cúng lễ người lâm chung và người quá cố được kinh Địa Tạng nói tới như sau:

"Vì lẽ trên đó, nên nay con đối trước đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, rồng, tám bộ chúng, người với phi nhân v.v... mà có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm phù đề, ngày lâm chung cùng các ngày khác nữa, kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng dùng tế lễ quỷ, thần, cầu cúng ma quái".

Lại nữa:

"Hàng thân quyến của người lâm chung nên phải sắm sửa làm sự cúng dường, tụng đọc Tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ Tát, tu tạo nhân duyên phước lành như thế có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma, quỷ, ác thần thảy đều phải lui tan hết cả". (Kinh Địa Tạng tr.127 -128, HT.Thích Trí Tịnh dịch - Chùa Pháp Bảo ấn tống - 1994).

Kinh Địa Tạng cũng đề cập giúp cho người chết thoát khổ đau bằng cách sử dụng tài sản của họ vào việc công ích bố thí cúng dường, hồi hướng công đức cho họ sẽ được lợi ích lớn. Tất cả những điều diễn tả trong kinh đều muốn nói lên một thực tế rằng, nếu sử dụng năng lượng tâm linh đúng chánh pháp sẽ tạo khả năng chuyển biến và thay đổi tâm thức tới đời sống của chúng sinh ở cõi âm đang chịu cảnh khổ đau là một thực tế. Ở đây xin được nói thêm, kinh Địa Tạng là lời nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát, ngài là giáo chủ của cõi u minh (cõi âm), ngài luôn vì chúng sinh cõi này mà cứu độ.

Đề cập về sự vi diệu sâu màu của chánh pháp cứu độ chúng sinh, nhân dịp Vu Lan báo hiếu, chúng ta cùng nghe tiếp câu chuyện nhỏ dưới đây để càng tin sâu vào pháp mầu của đạo Phật: Câu chuyện đại ý nói rằng: "Đó là khi Phật còn tại thế, vào một hôm một số đệ tử đến báo cho đức Phật biết là trong khu rừng mà các đệ tử đang cư trú có những lực lượng ma quái quấy nhiễu. 

Các đệ tử hỏi Phật là làm sao để cho khu rừng ấy yên ổn. Đức Phật dạy rằng: Chắc là các loài sống trong khu rừng ấy đang đau khổ, đang tự làm khổ mình và trong khi tự làm khổ mình thì họ làm khổ người. Vậy thì các thầy nên thực tập từ bi quán. Thực tập từ bi quán thì năng lượng của từ và bi sẽ thấm nhuần luôn với các vị đó. Các thầy nghe theo đức Phật đã đem "kinh yêu thương" về tụng và thực tập... Ít ngày sau, khu rừng đó được an ổn. Như vậy là lòng từ và bi trong các thầy đã liễu lộ để hiểu được những nỗi khổ đau của những loài kia và được thấm nhuần lòng từ bi ấy mà khu rừng bỗng trở nên mát mẻ và xanh tốt".

Như vậy trong bất cứ việc thực hiện một nghi thức tâm linh nào, người lễ phải có được lòng chí thành và giữ giới thanh tịnh thì mới đem lại kết quả của buổi lễ. Phật giáo không quá chú trọng đến vật chất (lễ vật) mà chú trọng đến thao tác tâm linh (tức tâm thành) trong việc biểu đạt chánh pháp (cầu nguyện trì chú). Tại sao vậy? Vì Kinh Hoa Nghiêm có nói: "Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức". Có nghĩa là tất cả là do thức (tức cái tâm này). 

Đề cập về điều này, Tỳ kheo Thích Viên Đức theo quan điểm Mật tông cho rằng: "Công năng của gia trì là sức mạnh của trì chú, sức mạnh của lời nguyện là sức mạnh của tâm thành. Người trì chú có công đức sâu dày thì bản thân của câu chú sinh ra lực cảm ứng có thể thông với quỷ thần, giúp đỡ và gia trì người ta. Sức mạnh của lời nguyện có thể giúp thông cảm với sự gia hộ của chư Phật, Bồ Tát và các vị thần hộ pháp. Sức mạnh của tâm có thể ảnh hưởng đến xu thế làm tăng sức mạnh của ý chí và làm thay đổi mọi quan niệm và hoàn cảnh, có thể chuyển hung thành cát tiêu trừ tai họa".

Như vậy, để thực hiện cứu độ chúng sinh có hiệu quả và lợi ích như mong muốn. Người cầu nguyện phải có giới đức và lòng chí thành (thanh tịnh). Nếu cử hành lễ với mục đích chấp trước (thương mại) thì chỉ chuốc lấy sự phiền não chướng, chứ không thể giải thoát được cho ai. Bởi người hành lễ (chủ lễ) tâm còn phiền não, nghiệp còn nặng nề (ví như cơm chấm cơm) đạo lực không có, thì năng lượng tâm linh ở đâu mà khai quang cho người cõi âm khi họ đang đau khổ cần giác ngộ - giải thoát. Vậy lễ là ở tâm chí thành mới có đạo lực (chỉ tất cả mọi người). Ngược lại nếu chấp vào hình tướng (lễ nghi) để bày đặt "xui xẻo" hơn thua, thì đó là mê tín dị đoan không phải chánh pháp.

Với tâm lý "trần sao âm vậy", vào các dịp lễ tết, đặc biệt là Rằm tháng Bảy, theo tín ngưỡng dân gian còn gọi là tết Trung nguyên (tết giữa năm), người dân Việt Nam ta thường có tục đốt vàng mã cho người đã khuất. Và ngày nay, việc đốt vàng mã đã biến tướng trở thành mê tín dị đoan; không những gây tốn kém về kinh tế, mà việc làm này đã làm mất đi vẻ đẹp nhân văn và trong sáng của ngày lễ Vu Lan mà người viết muốn bày tỏ ở trên. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, việc đốt vàng mã là phong tục của Đạo giáo. Đại biểu là (Lão Am) tức Lão Tử. Tháng cô hồn cũng là cách gọi của người Trung Hoa.
                                Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mới đây, vietnamnet và phatgiao.org.vn (10/8/2018) đăng tải bài viết "Đốt "chân dài", "osin" cho người âm: cuồng tín, mê muội và tham lam" của tác giả Diện Vĩ - Đức Minh, tôi thấy hiện tượng này cần phải phê phán, bởi đây là việc làm thái quá. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đồng nhận định với các nhà nghiên cứu nói chung cho rằng: "Tục đốt vàng mã là thuộc về đạo giáo, bắt nguồn từ việc chia của cho người đã khuất từ xa xưa. 

Bắt đầu, người ta chia của thật như xuyến, vòng tay, giáo mác, công cụ hoặc các đồ dùng có gia trị như vàng, bạc. Sau này, người ta lo lắng tình trạng đào trộm mộ lấy của nên những đồ vật đó trước khi táng được đập vỡ hoặc làm nhái để tiết kiệm, đó gọi là đồ minh khí. Từ khi có giấy, người ta làm tiền và khí cụ bằng giấy mang tính biểu tượng, thể hiện sự thương nhớ của người sống gửi cho người đã mất. Sau đó, dùng lửa "hóa" gửi sang thế giới bên kia".

Qua lịch sử nước nhà chắc nhiều người không quên, nước ta bị đô hộ và ảnh hưởng ngàn năm của văn hóa phương Bắc. Cha ông ta thời Lý - Trần luôn có lòng tự tôn dân tộc. Điển hình là đời Trần (cách đây trên 700 năm), vua Trần Nhân Tông đã dùng chữ Nôm trong các tác phẩm văn, thơ, kệ phú của mình. Thời đó, các văn bản hành chính của triều đình Đại Việt cũng đã sử dụng chữ Nôm. Trần Nhân Tông là người tiên phong "bài ngoại" thời bấy giờ, bằng việc khuyến cáo triều đình sử dụng dần dần chữ Nôm thay cho chữ Hán. Và chính đức vua sau khi cùng quân dân Đại Việt kháng chiến thành công hai cuộc chống Nguyên Mông thời bấy giờ, với lòng tự tôn dân tộc, Trần Nhân Tông đã cho dẹp bỏ các dâm từ (tức nơi thờ tự tà thần) nhuốm màu mê tín dị đoan của văn hóa Bắc triều. 

Đến khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông vào Yên Tử tu hành đắc đạo. Và chúng ta lại thấy, thêm một lần nữa Phật Hoàng Trần Nhân Tông chẳng quản khó nhọc dùng chánh Pháp phổ độ tăng, ni và chính ngài lại đi khắp nơi trong nước khuyến cáo dân tu Thập thiện, giác ngộ đạo pháp, ngăn ngừa mê tín dị đoan, chấn hưng đất nước. Đó là tấm gương lớn về lòng tự tôn dân tộc. Theo dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã chỉ đạo ráo riết có hiệu quả việc không đốt vàng mã ở những nơi thờ tự Phật giáo, góp phần làm trong sạch ngôi nhà Như Lai. Bởi đạo Phật là đạo trí tuệ và khoa học đang có ảnh hưởng lớn đến tri thức toàn cầu.

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, nhìn lại lịch sử dân tộc, chúng ta phát nguyện hồi hướng liệt tổ, liệt tông cùng ông bà, cha mẹ với tấm lòng chí thành và nguyện lực noi theo chánh pháp. Đó là nén tâm hương trí huệ hồi hướng Tam bảo và tất thảy quần sinh cho một mùa Vu Lan đầy pháp lạc.

Nguyễn Đức Sinh

Tài liệu tham khảo:
- Kinh Địa Tạng – HT.Thích Trí Tịnh (Chùa Pháp Bảo ấn tống, 1994).
- Hiển mật viên thông - Cư sĩ Trần Giác, Thích Đạo Chân, Tỳ kheo Viên Đức dịch (Chùa Dược Sư, Ban Mê Thuột - Tây Ninh ấn tống, 1975).
- Bài:  Đốt "chân dài", "osin" cho người âm: cuồng tín, mê muội và tham lam - Diên Vĩ - Đức Minh (PGVN) trang điện tử (10/8/2018) nguồn vietnamnet.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm