Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thầy là một tấm gương đại hiếu!

Lên lớp cho phật tử thầy không có thái độ thân cận như đối với tăng sinh nhưng rất nhiệt thành. Luôn giữ một khoảng cách tôn nghiêm nhưng rất từ bi. Thầy chọn những bài giảng thiết thực phù hợp với nếp sống tu tập tại gia.

- Bữa nay chùa cho ăn ớt hả con?

Thầy hỏi đùa lúc nhìn thấy ni sinh Thánh Tâm nét mặt tỏ vẻ không vui, bực bội, nhăn nhó khi đến lớp. Thánh Tâm giật mình, đảnh lễ thầy. Cô thầm biết ơn sư phụ đã nhắc nhở. Người tu cũng lắm khi phiền não, khi thì có thể vượt qua, khi thì cũng đa đoan mang nặng.

Ngoài oai nghi, người tu còn phải khéo giữ những phút không hài lòng, phải biết kềm chế, không nên thể hiện quá rõ ràng trên nét mặt. Nhìn một thầy, hay một cô mặt mày sân si nổi giận thiệt khó coi. Thầy không nói ra nhiều lời nhưng sự ân cần nhắc nhở nhẹ nhàng khéo léo ấy làm cô ghi nhớ mãi.

Thầy vào lớp, bao giờ cũng cũng đi vòng xuống các dãy bàn nhìn ngắm tận nơi đàn con thân yêu của mình. Thấy một thầy trị nhật đứt tay, dán băng một chút thầy cũng hỏi. Sau những lời ái ngữ dịu dàng thân thiện bao giờ thầy cũng xoa hoặc ký yêu lên đầu những đứa học trò mà thầy luôn cảm giác chúng thật gần gũi.
 Thầy là một tấm gương đại hiếu!

Thầy luôn nhớ cái ký nhẹ lên đầu của bổn sư thầy lúc đưa thầy ra học ở chùa Phổ Quang. Cái cảm giác đầm ấm ấy không bao giờ thầy quên được. Có lẽ vì vậy mà bây giờ thầy muốn truyền lại cho những đứa học trò của mình cái cảm giác được sư phụ yêu thương ấy. Giờ lên lớp của thầy ai cũng thấy thoải mái. Những bài pháp thầy trao thật nhẹ nhàng. Mà chính thân giáo của thầy mới là bài học dễ nhớ nhất. Chính vì vậy mà tăng ni sinh rất quí yêu thầy. Có những buổi đi dạy về, chiếc xe của thầy treo lúc lĩu nào là thức ăn, trái cây bánh mức… đủ các vật thực mà các học trò thương yêu dành để dâng thầy.

Bao giờ cũng vậy, thầy đến lớp đúng giờ, dù bận chuyện gì thầy cũng cố gắng sắp xếp để không bỏ buổi dạy. Có hôm trời mưa lớn, nhưng đến giờ là thầy đội áo ra đi. Có lần hay tin mẹ ở quê bệnh nặng, thầy vô cùng sốt ruột, đứng ngồi không yên, nhưng kẹt giờ dạy, chưa sắp xếp được, thầy nhờ thầy Trí Hải về thăm, chăm lo cho mẹ phụ với gia đình, thầy dạy xong rồi mới về sau.

Đối với thầy, lên lớp truyền giáo là một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng cao cả. Khi dạy đến những bài giáo lý cao, khó hiểu, thầy bỏ rất nhiều công sức suy nghĩ, tìm cách dẫn giải thật dễ hiểu để giảng, rồi lên lớp cứ hỏi đi hỏi lại xem các tăng sinh đã hiểu chưa, còn chỗ nào gúc mắc là thầy tận tình giảng đến nơi đến chốn, khi nào trò thông cả rồi thì thầy mới cảm thấy tạm an lòng.

Có những khi các tăng sinh làm bài không tốt, thầy không quỡ trách, chỉ khuyên răn. Thầy biết tuổi trẻ còn nhiều nông nỗi. Làm một vị thầy dạy giáo lý không như một vị thầy giáo ngoài đời. Giáo lý không phải chỉ là kiến thức phải đem vào trí óc mà còn là một sự vỡ lẽ, sáng ra. Nếu không làm cho người nghe thông hiểu, tự thấy được cái đúng, cái hay mà chỉ là sự áp đặt, nhồi nhét thì giáo lý không có giá trị. Bởi vậy, khi trò không thuộc bài, chưa thông suốt, thầy không giận mà chỉ thấy tội nghiệp, thương học trò cạn nghĩ, ngộ tính chưa cao, còn phải vất vả nhiều trên đường tu tập.

Đối với tăng ni sinh ở tỉnh, ở các vùng quê, thầy càng dành cho nhiều ưu ái. Mỗi lần có các khóa giảng cho tăng ni dù ở các tỉnh đồng bằng hay tận ngoài Trung, ngoài Bắc, thầy cũng rất nhiệt tình đi. Tận tâm, tận lực không nề hà mọi điều kiện gian khó. Những trường hợp khó khăn tìm đến thầy giúp đỡ, không bao giờ bị chối từ. Bằng mọi cách thầy tạo điều kiện để nâng đỡ.

Có lần một tăng sinh ở quê lên làm thủ tục nhập học, giấy tờ còn thiếu vài thứ, thầy vi vu cho qua. Biết lỗi vì sự dễ dãi của mình, thầy dặn vị tăng nọ: “Tôi làm vầy là không đúng nguyên tắc đâu, thôi thầy cố gắng học nghen”. Không nhiều lời nhưng tất cả tấm lòng từ ái, bao dung thể hiện trong cái vỗ vai thân thiện như truyền trao ý chí, nghị lực và lòng kỳ vọng.

Vị tăng đứng lặng nhìn thầy, trào dâng niềm cảm xúc. Có những bậc thầy mang tấm lòng như thế đối với tăng sinh, thì môi trường giáo dục tăng ni càng khởi sắc, tăng ni vững niềm tin vào sự dìu dắt chân tình của các bậc tôn túc, thêm phấn chấn mà cố gắng hơn.

Ở trường đã thế, còn ở chùa, đối với các thầy, các chú nhỏ hơn, thầy cũng luôn có cách dạy dỗ hòa ái. Mỗi lần có chú nào phạm lỗi, thầy không bao giờ nổi giận trách phạt ngay, đợi đến hôm sau, khi kẻ phạm lỗi đã có một độ lùi để phản quang tự kỷ lại mình, thầy mới gọi lên khuyên bảo.

Thầy thường nói: Dạy người phải dạy trong chánh niệm. Nếu vì giận dữ mà dạy thì không làm chủ được ý nghĩ, lời nói. Ý nghĩ lời nói của mình, mình còn chưa làm chủ được thì làm chủ dạy bảo ai?! Bao giờ cũng vậy, trước khi trách phạt một tăng chúng trong chùa, dù là nhỏ tuổi mấy, thầy cũng nghiêm trang thắp nhang trên bàn thờ Phật rồi mới cho gọi người lên để nói.

Có lần, hai chú trong chùa cải nhau kịch liệt, thầy đến can nhưng hai người vẫn chưa thông, tuy không cải nhau nữa nhưng thái độ còn chưa chịu hòa hợp. Thầy im lặng về phòng, để qua hai buổi tối mới gọi hai người lên. Sau khi thắp hương lễ Phật xong, thầy bảo hai người cùng quì bên nhau lạy Phật. Rồi thầy nói:

- Hai thầy thấy đó. Hai thầy hình tướng như nhau, mặc áo như nhau, quì lạy Phật cũng như nhau, vậy mà sao không biết thương nhau?

Im lặng một lúc như để hai người lắng lòng suy nghĩ, thầy ôn tồn nói tiếp:

-Tôi kể hai thầy nghe: Hồi trước, lúc Hòa thượng Thanh Từ còn làm giám viện ở đây, có lần trong bữa cơm, có hai thầy vì giành nhau một trái chuối, mới đầu là giỡn chơi, sau thành ra nổi sân thiệt, một thầy giằng mạnh làm bể cái chén, lúc đó thầy Thanh Từ đi qua nhìn thấy.

Sau đó, một hồi chuông họp chúng đổ lên, cả chùa có mặt đầy đủ.

Thầy Thanh Từ  tuyên bố "trục xuất" hai thầy ấy ra khỏi học viện  vì thiếu oai nghi trong giờ thọ thực. Hai thầy hối hận đắp y sám hối nhưng thầy Thanh Từ vẫn cương quyết không thay đổi hình thức kỷ luật. Tất cả chúng bùi ngùi xót xa tiễn hai thầy ấy ra khỏi học viện. Thầy Thanh Từ đau lòng hơn ai hết, thầy rơi nước mắt đứng nhìn hai vị ấy ra đi.

Học viện ngày đó nhờ có thầy Thanh Từ mà tăng chúng oai nghiêm, nề nếp răm rắp, tiếng tốt vang xa, những người đã kinh qua thời gian ở học viện Huệ Nghiêm thời ấy đa số đều thành đạt. Tôi chưa học tập nổi ở thầy Thanh Từ tinh thần đó để giúp các thầy trao dồi đạo đức, kỷ cương, mong mấy thầy hãy tự ý thức giữ gìn phạm hạnh để mà tu tiến. Sống trong chúng mà không áp dụng trọn vẹn pháp lục hòa thì làm sao mà tu được.

Làm người, ai không có những lúc sai lầm, mình cũng vậy. Thế nhưng sao lúc mình sai thì mình dễ dàng bỏ qua, chậc lưỡi một cái là xong, còn khi người sai thì mình ghi xương khắc cốt? Ai sai, tạo nghiệp, người đó đã mắc tội rồi, cớ gì mình lại nhào vô chia phần hùn, cùng lãnh thêm cái tội bởi người đó nữa? Mấy thầy ngẫm coi phải không? Giống như một người đang té xuống bùn, mình thấy vậy thay vì đưa tay kéo người ta lên, mình lại nhảy xuống xỉa xói người đó một trận, mình dính bùn luôn! Mấy thầy còn nhỏ, cũng nên chọn lấy một bộ kinh nào đó mà sám hối thọ trì hằng ngày để tâm đừng chạy theo cảnh, nhàn cư vi bất thiện.

Thôi, tôi không nói nhiều, vì tôi biết mấy thầy cũng thừa hiểu mọi chuyện, chẳng qua là còn chưa kềm được mình thôi. Mình đi tu trước nhất là rèn cái này đó. Thôi ráng nghen, đừng giận nhau nữa, giận nhau không có lợi mình, lợi người. Mỗi người lùi một chút sẽ thấy đất trời rộng rãi, không gian trống trải, dễ chịu hơn. Sống trong vui vẻ không sướng hơn sống trong bức bối buồn bực sao? Tui nói vậy, hai thầy thấy hết phiền não chưa? Phiền não là do mình chuốc, thôi buông đi nghen! Không buông thì bán tôi mua…

Những lời  từ ái chân thành của thầy làm hai chú vô cùng cảm động! Chút tự ái cá nhân tan biến. Thầy là vậy. Khoan dung độ lượng, luôn lấy từ tâm mà sách tấn mọi người.

Con đường đầy gai nhọn khiến người ta nhẹ bước. Con đường đầy cỏ mịn hoa thơm cũng khiến người ta nhẹ bước.

Đối với các đạo tràng tu học của phật tử thầy cũng rất tận tình. Dù bận mấy, hễ nơi nào mời là thầy đến. Các đạo tràng đa số là người trung niên, nhìn họ thầy thấy thương lắm. Cuộc sống bươn chãi vất vả, nhín thời gian đến chùa nghe pháp là tốt lắm rồi. Có lần thầy đi ngang qua khu chợ đầu mối bán cá, nghe mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc, thầy bùi ngùi nói với chú thị giả chở thầy:

- Chú thấy không, dân người ta ngoài đời mần ăn khổ lắm. Mùi hôi như vầy, mình đi ngang một chút còn thấy ngặt mình khó chịu, vậy mà người ta phải sống với nó quanh năm. Mình là người tu, phước báu sâu dày, phải cố gắng giữ. Phải biết thương những người còn kém phước, chưa biết đạo. Những phật tử đến được với chùa mình phải hết sức thương yêu, dìu dắt họ. Họ cực vậy mà vẫn dành tiền cúng chùa, bát cơm ngàn nhà nặng lắm, không một giây phút nào ta được quên. Không nên mặc nhiên coi sự cúng dường của phật tử như một sự trao đổi: ai biết cúng dường Tam Bảo người đó có phước. Chúng ta phải luôn nhớ đến trọng trách của người thọ nhận, hộ trì Tam Bảo. Phải đem hết sức mình dìu dắt chúng sanh.

Lên lớp cho phật tử thầy không có thái độ thân cận như đối với tăng sinh nhưng rất nhiệt thành. Luôn giữ một khoảng cách tôn nghiêm nhưng rất từ bi. Thầy chọn những bài giảng thiết thực phù hợp với nếp sống tu tập tại gia. Chưa có giáo trình chính thức cho những lớp giáo lý dành riêng phật tử, thầy nhằm vào những bài pháp căn bản nhưng giảng rất rõ ràng. Thầy để ý quan tâm chuyện thời sự cũng nhằm giúp cho bài giảng đối với phật tử thêm phần cụ thể sinh động, dễ nghe, dễ nhớ và thiết thực, bổ ích hơn.

Quê hương và gia đình luôn là nỗi niềm thương yêu da diết trong thầy. Mỗi lần về quê, đi dọc theo bờ con sông nhỏ, thầy cảm giác thật yên bình. Ngày xưa khi còn nhỏ, thầy nhìn thấy con sông cái lớn rộng mênh mông, đầy cả một trời tưởng tượng. Những ngày mưa, gió to sóng lớn, nhìn con sông thấy mình thật nhỏ nhoi, cảm giác lạ lùng và sợ hãi. Đó là những ngày thơ ấu, khi thầy chưa được nhìn thấy biển, chưa biết biển là gì. Bây giờ, về quê nhìn con sông, thấy như hiểu được từng con sóng, từng cụm lục bình trôi bơ bất trên sông.

Thầy thỉnh tượng Phật về an vị ở chùa Hải Huệ, buổi lễ an vị Phật rất long trọng, cả xóm Bà Tri vui như có hội lớn.  Ơn nghĩa với quê hương thầy lo chu tất. Mỗi lần về quê vài ngày, thăm gia đình xong là thầy lên chùa ở, góp ý chăm lo chùa chiền. Hàng xóm láng giềng ai cũng quí mến, có điều kiện là thầy sẵn lòng giúp đỡ mọi người.

Người cô của thầy giờ đã là trụ trì ở chùa Phước Thạnh, thầy cũng hết sức quan tâm. Thầy nói: “Mai mốt tôi già, sẽ về đây ẩn tu với cô”. Cô cất sẵn cho thầy một cái thất. Chùa Phước Thạnh có lễ, thầy về chăm lo chu đáo. Cơ sở vật chất chưa khang trang, mỗi lần lễ lớn, thỉnh quí thầy về dự, bao giờ thầy cũng nhường nơi tốt nhất cho khách, còn thầy lên chánh điện nằm ngủ dưới bệ thờ Tổ Đạt Ma, giản dị bình thường như thuở còn là một chú sa di nhỏ.

Nhà có sáu anh em. Tuy xuất gia từ nhỏ nhưng với các em trong gia đình, thầy luôn là người anh cả thân thương nhất. Mỗi đứa em trong nhà thầy đều thăm hỏi quan tâm ân cần lo lắng chu đáo. Thầy là sợi dây kết nối thâm tình, hòa thuận cả nhà. Nhắc đến anh hai là trong mắt tất cả mọi người em đều ánh lên niềm thương yêu kính phục. Việc gì cũng hỏi ý kiến anh hai, việc gì cũng nghe anh hai chỉ bảo. Dẫu không ở nhà nhưng hình bóng thầy phủ trùm tất cả. Tất cả niềm vui hạnh phúc của gia đình đều bắt nguồn, tỏa ra từ thầy.

Với ông bà cụ, thầy là tất cả niềm tin yêu hy vọng của ông bà. Phải xa cha mẹ từ bé, tình thương thầy dành cho cha mẹ dồn gấp nhiều lần. Đối với cha mẹ thầy vừa là con trai vừa là con gái. Thầy lo lắng chăm sóc từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc ngoài đến việc trong. Có những buổi trưa, thầy ngồi tỉ mỉ cắt móng tay móng chân cho ông bà, chăm chút thương yêu không kể xiết!

Mỗi lần hay tin ông hoặc bà lên thăm, thầy ra cổng chùa đứng đón, đi tới đi lui như đứa trẻ đợi mẹ đi chợ về. Chưa mắc được điện thoại cho ông ở nhà, phải nhờ điện thoại hàng xóm, thầy hẹn ngày giờ gọi điện về thăm ông, không bao giờ thầy quên.

Biết lòng thầy thương ông vô tận nên các huynh đệ bạn bè, học trò của thầy cũng thường xuyên ghé thăm hoặc điện thăm ông, thầy luôn dặn dò mọi người phải nhớ giờ ông tụng kinh, đừng làm phân tâm ông lúc tụng kinh lạy Phật. Thầy rất chú tâm tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất cho ông bà tu tập tại nhà.

Thầy là một tấm gương đại hiếu!

Thu Nguyệt
Chú thích: (*): Câu chuyện được trích từ Truyện kỳ "Bóng áo nâu"

TIN, BÀI LIÊN QUAN


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Tâm tham ái dục vọng là một dòng chảy miên man vô tận

Phật giáo thường thức 19:47 24/04/2024

Khi Phật còn tại thế, nhiều vị tỳ kheo đã chứng quả A La Hán nhờ quán về đề mục, “thân này gồm có 32 phần thể trược trong cơ thể”. Nhờ quán như vậy, nên ta bớt tham đắm vào sắc thân ô uế; do đó, ta không si mê, dính mắc, tham đắm vào ái dục.

Làm sao để giữ giới không sát sanh?

Phật giáo thường thức 17:30 24/04/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử tại gia, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng). Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Cầu nguyện Phật, Bồ tát đúng Chánh pháp

Phật giáo thường thức 16:45 24/04/2024

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy không ít người sau khi cầu nguyện còn dùng tay xoa tượng Phật sau đó xoa lên cơ thể. Là người Phật tử chân chính, tôi rất ưu tư về điều này. Khi tôi hỏi họ làm như thế với mục đích gì thì họ bảo là để chữa bệnh.

Niệm một danh hiệu Phật tiêu 80 ức kiếp sanh tử trọng tội

Phật giáo thường thức 16:00 24/04/2024

Tâm động một niệm là đã gieo một hạt giống trong 10 pháp giới. Vậy mà có thể không trân trọng mỗi khi khởi niệm sao?

Xem thêm