Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 08/01/2013, 17:18 PM

Thêm một văn bản về sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Hai vị thiền sư theo sứ giả vào cung vua. Khi ấy các bậc danh sư trong thiên hạ ngồi la liệt, thấy Minh Không hèn mọn quê mùa thì xem thường không thèm đứng lên chào

Ghi chép về sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh đã được các nhà nghiên cứu thống kê khá đầy đủ trong các tư liệu và thư tịch cổ như Việt Điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái lụcThiền uyển tập anh ngữ lụcĐại Việt sử lượcAn Nam chí lượcAn Nam chí nguyênViệt sử tiêu ánĐại Việt sử ký toàn thưĐại Nam nhất thống chíHưng Yên tỉnh Văn Lâm huyện Nghĩa Trai tổng Đình Loan xã Bình Lương thôn thần tíchThánh tổ đại pháp thiền sư, Hoàng Việt thông chí thiên tiên Phật Thánh lục... Tuy nhiên giữa các bản có những xuất nhập cần được xác định về mặt văn bản học. An Lãng Từ Thánh Phụ sự tích lược ký, Phụ biên Đạo Hạnh lai lịch: Ghi chép về sự tích Thánh Phụ Từ Vinh ở An Lãng, phụ chép lai lịch Từ Đạo Hạnh (dưới đây gọi tắt là Sự tích Thánh Phụ) có thể xem là một tư liệu xác thực bổ sung cho việc nghiên cứu những truyền thuyết sông Tô; sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh với lễ hội chùa Láng, chùa Thầy và Phật giáo Mật tông… trong dòng chảy văn hóa Thăng Long Hà Hội.[1]

Về tác giả và niên đại văn bản

Văn bản chép tay chữ Hán thể chân, gồm 19 trang, trang 8 dòng, dòng 7-9 chữ, lưỡng cước chú, không có tựa bạt. Ở trang cuối văn bản ghi: “Chư tế văn tịnh hồ sơ linh toái sự tích cụ hữu biệt bản phụng thủ tại Long Quang tự. Bính Tuất niên thu cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật hạch chính. Nguyễn triều Quang lộc tự khanh (Mão khoa Tú tài) Nguyễn An Lan, tự Hải Văn bái soạn tịnh thư” (Các bản văn tế và các sự tích tản mạn trước đây đều được lưu giữ đầy đủ tại chùa Long Quang. Đối chiếu với chính bản ngày 25 tháng 9 mùa thu năm Bính Tuất. Quang lộc tự khanh triều Nguyễn, Tú tài Mão khoa Nguyễn An Lan, tự Hải Văn bái soạn và viết). Ở dưới nhan đề văn bản trang đầu tiên và ở dưới dòng ghi niên hiệu văn bản, dòng ghi tên tác giả ở trang cuối cùng đều có dấu khắc 4 chữ triện:
 
Tô Lịch Hải Văn
 
 
 
 
Hơn nữa, trong văn bản tuân thủ nghiêm ngặt việc kiêng húy chữ  (thì) đổi viết thành chữ 辰 (thìn) đời vua Thành Thái (1889-1907)[2]; hoặc như chữ 巴 (Ba) trong tên chùa 巴 陵 (Ba Lăng) ở xã Thượng An Quyết, huyện Từ Liêm xưa là do kiêng húy chữ 華 (Hoa) trong tên chùa là 華 陵 (Hoa Lăng) đổi viết thành 巴 (Ba)[3] ... Từ những cứ liệu trên có thể xác định, tác giả Sự tích Thánh Phụ là quan Quang lộc tự khanh triều Nguyễn - Tú tài Mão khoa Nguyễn An Lan, tự là Hải Văn[4]. Niên đại văn bản vào khoảng đời vua Thành Thái (1889-1907) trở về sau, và dòng niên hiệu ở cuối văn bản ghi là “Đối chiếu với chính bản ngày 25 tháng 9 mùa thu năm Bính Tuất”, nên văn bản được hoàn thành chính xác vào ngày 25/9/năm Bính Tuất 1946.

Nội dung thần tích gồm hai phần. Phần một về sự tích Thánh Phụ Từ Vinh ở An Lãng và Phần hai về lai lịch thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dưới đây chúng tôi dịch theo nguyên bản Sự tích Thánh Phụ:
Đại vương họ Từ, tên húy là Huệ, tên lúc nhỏ là Đăng Vinh, người trại An Lãng huyện Vĩnh Thuận (tức nay là huyện Hoàn Long)[5], làm quan Chánh Đô sát viện[6] triều Lý. Lúc trẻ theo học thầy Đôn Minh (ở núi Câu Lậu huyện Thạch Thất). Vương bẩm tính thông tuệ dị thường nên được thầy dạy cho các phép thuật bí truyền kỳ lạ, tất cả đều thông hiểu, chuyên tâm nghiên cứu, ngày càng tinh vi, biến ảo khôn lường, phàm có thi đấu không gì là không hiệu nghiệm. Sau đó vương cáo biệt trở về nhà cũ (tức nay là chùa Nền là nơi sinh của Thánh)[7], truyền dạy riêng cho con trai là Đạo Hạnh.

Thời ấy vua triều Lý tôn sùng Phật giáo, vương bèn dự thi đỗ đầu, được tuyển chọn hậu bổ Chương Đài đạo pháp, hưởng ân sủng của vua ban cho ngày càng nhiều. Thời ấy các nhà vương công, thế tộc, bình dân ai có việc cầu đảo thì vương giúp lập đàn tràng, niệm chú bắt quyết, đều rất ứng nghiệm. Vương vốn có phép ảo hóa nên thường đem ra thí nghiệm, ngẫu nhiên thử cho nhà Diên Thành hầu xem, chẳng ngờ bị Lê Đại Điên ở xã An Quyết[8] cũng là tay kiệt xuất về phù chú, truyền phép thuật cho Diên Thành hầu giết chết vương (ngày mồng 10 tháng Giêng) rồi ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi đến bến Hồng Diên thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục Cựu, huyện Thanh Trì (tức nay là xứ Hàm Long)[9], khi ấy người làng trông thấy, bèn đón xác lên chôn ở bên sông (tức nay là Thánh lăng). Sau khi chôn cất xong, ban đêm thấy thần linh báo mộng, người làng bèn dựng miếu phụng thờ làm Bản cảnh Thành hoàng.

Năm Tân Mùi triều Lý[10], thần được sắc phong làm Bảo quốc Anh liệt Diệu cảm Chiêu ứng Thông huyền Hiển thánh Đại vương; lại cấp ruộng là 10 mẫu để cung cấp việc cúng tế giỗ chạp (mỗi giáp canh tác trồng trọt 6 sào ruộng. Ngày giỗ mồng 10 tháng Giêng hàng năm kính lễ mâm xôi, chuối tiêu). Mỗi dịp lễ tết được ân điển của triều đình phong tặng sắc văn, nhưng lâu ngày giấy cũ mất mát không thể ghi chép hết được. Một đạo sắc văn của triều Nguyễn phong làm Dực phù Trung hưng chi thần được cất giữ cẩn thận trong hòm vẽ rồng sơn son. Hàng năm khi gặp hạn hán, kính rước thánh giá cầu đảo thật là linh ứng. Trải mấy ngàn năm linh thần hiển hách như vẫn còn đây!
Vương phu nhân họ Tăng, tên húy là Loan. Chùa Ba Lăng ở xã An Quyết Thượng, huyện Từ Liêm[11]cúng tế bà, hàng năm ngày giỗ là mồng 10 tháng Tư.



                             Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Con trai của vương tên húy là Lộ, tự là Đạo Hạnh, có tiên phong đạo cốt. Thuở niên thiếu thích giao du, hào hiệp phóng khoáng, chí lớn phi phàm, hành động cử chỉ không ai có thể lường được. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì đá cầu thổi sáo đánh bạc, ham sự chơi bời. Cha thường trách con là lười nhác không nghiêm túc. Một đêm bí mật dòm qua khe cửa, thấy trong phòng ánh đèn rực rỡ, sách vở chồng chất, Đạo Hạnh thì gục xuống án mà ngủ nhưng tay vẫn không rời sách, cha ông vì thế không còn lo lắng nữa.

Năm sau Đạo Hạnh dự thi khoa Bạch Liên, đỗ Đệ nhất danh (triều Lý có kỳ thi riêng cho tăng đồ tức là khoa này). Nhưng sau đó cha gặp nạn bị giết chết, ông ngày đêm đau đớn xót thương, nung nấu mối thù không đội trời chung, chỉ lo tính việc báo thù cho cha mà chưa có cách nào. Một hôm rình lúc Đại Điên đi ra ngoài, Đạo Hạnh định lấy cây pháp trượng đánh theo cái bóng của y thì bỗng nghe trên trời có tiếng thét ngăn lại, thế là ông quăng gậy trở về, lòng càng thêm căm phẫn. Ông bèn rủ bạn là Minh Không và Giác Hải cùng đến Tây Thiên Ấn Độ để cầu phép lạ. Đường đi qua đất rợ Kim Sỉ[12] hiểm trở, muốn quay về thì bỗng thấy một cụ già chèo chiếc thuyền nhỏ nhàn du trên sông, ba người vái chào cụ già và hỏi đường đi đến Tây Thiên còn bao xa? Cụ già đáp rằng: “Đường núi cao hiểm trở không thể đi được, lão đây có một chiếc thuyền nhỏ có thể giúp đưa qua sông”, bèn lấy cây tiểu trượng chỉ thẳng về Tây quốc[13], trong chốc lát đã đến bờ, Minh Không và Giác Hải theo cụ già lên bờ, còn mình Đạo Hạnh ở lại giữ thuyền đến 3 ngày mà không thấy hai bạn trở lại, không biết tin tức ra sao. Bỗng nhiên thấy một bà lão, Đạo Hạnh hỏi rằng: “Cụ có nhìn thấy hai người đi cầu đạo pháp qua đây không?”. Bà lão đáp: “Hai người đã thụ phép lạ của ta và quay trở về rồi”. Ông bèn nói: “Đệ tử chúng con nghe tiếng tôn sư linh dị, phép thuật biến hóa ứng nghiệm vô cùng, vì thế từ nơi xa đến đây mong được thu nhận dạy bảo, xin muôn phần cảm tạ!”. Bà lão bèn dạy cho tất cả các phép thuật linh dị, Đạo Hạnh đều lĩnh hội sâu sắc, tự cảm thấy lục trí viên thông, đạo pháp đã thành, bèn cáo từ trở về nhà cũ ở An Lãng, ngày đêm tu luyện tìm cách báo thù. Một hôm tự mình đến cầu An Quyết sông Tô Lịch phóng cây trượng sắt ngược dòng nước chảy như tên bay, đến cầu Tây Dương[14] thì dừng lại. Mọi người nhìn thấy đều kinh ngạc báo cho Đại Điên biết. Đại Điên bèn đến bên sông đứng xem, cây trượng lập tức nảy lên đánh vào trán, Đại Điên chết ngay và rơi xuống nước, ông liền dùng phép niệm chú khiến cho xác Điên phóng theo sông Tô Lịch mà trôi đi.

Việc báo thù đã xong, oán thù xưa đã hết và lòng trần đã nguội, Đạo Hạnh bèn đến chùa Thiên Phúc ở núi Sài Sơn để tu luyện đạo pháp như trước kia. Từ đó pháp lực càng tăng, lòng thiền càng chín, có thể khiến cho các giống sơn cầm dã thú đều đến vây quanh hiền lành thuần phục, bấm đốt ngón tay cầu đảo mưa rơi, phun nước trị bệnh, không lúc nào không hiệu hiệm, nhân dân một vùng ngưỡng trông thần hiển linh phù trợ!

Ngày trước phóng xác Đại Điên thuận trôi theo dòng nước đến phủ Thanh Hoa Tràng An (tức nay là tỉnh Ninh Bình) có một khúc cong như hình cái mũ trang sức ở đầu ngựa, hồn của xác ấy liền nhập vào đứa trẻ 3 tuổi tự xưng tên là Giác Hoàng là con của vua. Khi ấy vua Lý Nhân Tông không có con nối ngôi, làm lễ cầu đảo nhưng không hiệu quả. Tháng 3 năm Ất Mùi[15] người ở phủ Thanh Hoa tâu trình lên rằng, ở bãi “mũ ngựa” bên bờ biển có một đứa trẻ 3 tuổi linh dị tự xưng là con vua, dung mạo thanh tú đẹp đẽ, thông hiểu mọi sự lý, phàm những việc trong cung vua không gì là không biết. Vua Nhân Tông bèn sai sứ giả tới xem quả đúng như lời nói, bèn đón về kinh sư, cho ở tại chùa Báo Thiên. Nhà vua thấy đứa trẻ thông minh nên rất mực yêu quý, muốn lập làm Hoàng Thái tử.

Triều thần ra sức khuyên can cho là không thể được và tâu vua rằng: “nếu đứa trẻ kia quả thực là linh dị, tất phải thác sinh ở nơi cung cấm thì sau mới lập được”. Nhà vua nghe theo, bèn mở đại hội 7 ngày đêm để làm phép thác thai tại chùa Báo Thiên. Từ Đạo Hạnh nghe tin bèn nói rằng: “Đứa trẻ kia là yêu ma quái dị, mê hoặc nhân tâm quá lắm! Huống hồ nó mà thác thai làm con vua thì nhà ta sao có thể bảo toàn?”. Nhân có chị gái là Từ nương làm thị nữ trong triều, cũng là người túc trực ở thai đàn, ông bèn bí mật đưa cho Từ nương mấy viên ấn phù và tấm bùa chú bảo đặt ở trên rèm. Hội đã qua 3 ngày đêm nhưng Giác Hoàng không thể đầu thai được và lại bị đau lưng, bèn tâu lên rằng: “Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, cửa khóa mấy tầng, cẩn mật kiên cố, mọi lối đi đều bị chẹn kín, tuy muốn thác thai mà sợ không được vậy”. Lời tâu chưa hết thì bỗng nhiên ngã lăn ra chết. Vua Nhân Tông rơi lệ thương tiếc, sai người kiểm soát trong ngoài đạo tràng tất cả mọi nơi, quả nhiên tìm được một dải mấy viên ấn phù ở trên rèm. Tra hỏi những người túc trực thì Từ nương tự nói rằng, có em trai là Từ mỗ bảo đặt lên, còn mình không hề biết gì về việc ấy. Nhà vua bèn cho gọi Đạo Hạnh đến lầu Hưng Thánh, hội họp các bá quan văn võ cùng bàn bạc.

Triều thần tâu rằng: “Bệ hạ đã không có con nối ngôi nên lập đàn cầu đứa trẻ ấy thác thai, thế mà dám càn rỡ tự ý giải chú, đáng phải luận trọng tội để tạ lỗi với thiên hạ”. Chỉ có hoàng thân Sùng Hiền hầu vốn biết ông là người đắc đạo chân nhân, bèn tâu rằng: “Đạo Hạnh lục trí thần thông, thiên hạ đã biết từ lâu.

Thiết nghĩ Giác Hoàng nếu có thần lực thì Đạo Hạnh làm sao có thể tiêu trừ được. Nay vì Giác Hoàng mà luận tội Đạo Hạnh thì có ích gì với quốc gia? Huống hồ Đạo Hạnh có thể bay trên không, đi qua biển, niệm chú làm cầu qua sông, dù là hoàn cảnh gian nan nguy hiểm thế nào cũng không hề gì. Vả lại bút lực của triều đình, chẳng gì bằng sự bao dung để mở rộng ân điển. Hoặc như những lúc cần hô phong hoán vũ gọi gió cầu mưa thì biết đâu chẳng giúp ích gì cho tương lai? Thần cúi xin được khoan xá!”. Nhà vua bằng lòng và Đạo Hạnh được tha về. Sùng Hiền hầu bèn mời ông về nhà mình để chúc mừng, ông nói rằng : “May được quan nhân cứu giúp mà mỗ tôi được bảo toàn. Một tấm chân tâm ngang tàng, thân này không biết lấy gì để báo đáp, nguyện xin được thác thai cung để cảm tạ ân đức lớn”, hầu nghe lời nói hợp ý liền gật đầu đồng ý.

Chỉ trong phút chốc, phu nhân của Sùng Hiền hầu ở trong buồng tự nhiên cảm thấy thân mình động đậy như có thai, bèn báo sự việc cho hầu. Hầu đã biết trước điều ấy nên bí mật nói với phu nhân rằng: “Nếu soi trong nước thấy hình thì chân nhân đã nhập vào thai cung của ta rồi, hãy thận trọng đừng sợ hãi nghi ngờ gì”. Đạo Hạnh lại nói với hầu rằng: “Nhân duyên kiếp trước được làm nghĩa cha con, nay đã đầu thai làm con nối dõi của hầu, xin từ biệt trở về”, và còn dặn thêm rằng: “Đến kỳ sinh nở tất phải đến báo cho biết trước!”. Đến tháng, phu nhân động sản khó sinh, gia nhân báo với hầu, hầu nói rằng: “Cần phải báo gấp cho tôn sư để biết điều tốt xấu”, bèn ruổi xe đến báo cho Đạo Hạnh.

Ông được tin liền nói với môn đồ rằng: “Nhân duyên kiếp trước chưa hết, còn phải thác sinh làm vua. Nếu thấy thân thể ta bị tổn hoại là thai cung của ta đã thâm nhập vào bùn đất (tức là niết bàn vậy)”. Các môn đồ nghe thế, ai cũng cảm động mà khóc. Ông đọc kệ xong bèn leo lên động, đập đầu vào tường đá, rồi dậm chân lên bàn đá nghiễm nhiên mà hóa (tức nay là động Thánh Hóa trên núi Sài Sơn, dấu vết vẫn còn), lúc ấy là giờ Ngọ ngày mồng bảy tháng ba năm Bính Thân đời Lý Đại Khánh năm thứ bảy[16]. Đạo Hạnh nhập vào cõi niết bàn và hóa, ra đời làm con của Sùng Hiền hầu, không dưỡng dục mà ngày càng lớn; không giáo huấn mà thông minh, dung nhan tuấn tú đẹp đẽ, tài hùng biện không ai sánh bằng.

Tháng Giêng năm Đinh Dậu[17] vua Lý Nhân Tông mộng thấy thần nhân đọc thơ rằng: “Dục tri vị lai quả, Vu kim kiến thánh hiền. Bất cầu nhi tự hoạch, Chỉ thị đãi tam niên” (Muốn biết kết quả tương lai, Đã thấy thánh hiền trước mắt. Không cầu mà tự có, Chỉ phải đợi ba năm). Trước đó nhà vua chưa có con nối ngôi, việc ban chiếu thư để cầu tìm con đồng tông thừa kế còn chưa quyết định. Đến năm Mậu Tuất[18] nhà vua tuổi tác đã hơi cao, bèn ban chiếu thư xuống cho con trai của các em ruột nhà vua là Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Quảng hầu và Thành Hưng hầu vào cung để giáo dục chọn người tài giỏi lập làm Hoàng Thái tử, ông[19] là người được lựa chọn vậy. Khi ấy ông mới lên ba tuổi, thông tuệ minh mẫn, nghe một biết mười, ứng đối tiến thoái không gì không hợp lòng thánh thượng. Vua Nhân Tông vô cùng yêu quý, đặt tên là Dương Hoán và lập làm Hoàng Thái tử, sai Thần Anh nguyên phi làm mẹ nuôi dưỡng. Năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Phù nguyên niên[20] vua Nhân Tông băng hà, ông lên ngôi (13 tuổi), đổi niên hiệu là Thiên Thuận nguyên niên[21]. Đến năm Bính Thìn[22], thân mình ông tự nhiên mọc nanh vuốt rồi không lâu sau biến hình thành hổ, danh y khắp nơi đến chữa bệnh đều không khỏi. Minh Không và Giác Hải nghe tin ông mắc bệnh “kim sang”[23] thì thấy quả nhiên nghiệm với lời nói trước đây (ngày trước ông cùng với Minh Không và Giác Hải đi học tiên thuật đắc đạo, lúc trở về ông đi lên trước biến thành hình hổ để đùa bạn), bèn làm bài ca dao dạy cho trẻ nhỏ hát rằng: “Dục an thiên tử tật, Tu đắc Nguyễn Minh Không” (Muốn chữa bệnh nhà vua, phải tìm Nguyễn Minh Không). Triều thần bèn theo lời trẻ nhỏ hát, sai sứ giả đi tìm. Nghe nói hai vị sư Minh Không và Giác Hải trụ trì ở chùa Liêu Thủy, sứ giả cùng binh lính 16 người chèo thuyền đến chùa bái kiến, thiền sư bèn lấy một cái nồi nhỏ nấu cơm và bảo họ rằng: “Bần tăng có ít cơm ăn tạm!”. Quân lính ăn đều no bụng nhưng không thể hết được. Ăn xong thì hai vị thiền sư theo sứ giả xuống thuyền, Minh Không nói với họ rằng: “Mọi người hãy tạm đi ngủ và nghỉ ngơi, đợi nước triều dâng thì khởi hành lên kinh”. Thế là mọi người đều xuống thuyền ngủ, thuyền đi như bay, ngày hôm sau đã đến bến Đông, thiền sư bèn gọi mọi người dậy, đã nhìn thấy chùa Báo Thiên, ai nấy đều kinh phục. Hai vị thiền sư theo sứ giả vào cung vua. Khi ấy các bậc danh sư trong thiên hạ ngồi la liệt, thấy Minh Không hèn mọn quê mùa thì xem thường không thèm đứng lên chào. Minh Không bèn lấy ở trong túi ra một chiếc đinh sắt dài năm tấc rồi dùng tay đóng vào cột điện, đinh ngập sâu vào quá nửa, ông nói với mọi người rằng: “Ai có thể nhổ được chiếc đinh này thì chữa được bệnh cho vua”. Nói như vậy mấy lần, không có ai dám nhổ. Minh Không bèn dùng hai ngón tay phải mà nhổ, đinh theo tay bật ra, bèn bảo lấy cái vạc lớn, 12 hũ dầu, 100 cái kim và 1 cành hòe, đốt lửa nấu, rồi sai khiêng ngọc giá đến đàn. Minh Không bảo Giác Hải đốt lửa suốt mấy ngày liền, bèn thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục lấy ra đủ 100 cái kim. Giác Hải lại bảo Minh Không làm phép, lấy cành hòe nhúng vào vạc dầu rồi rắc vảy lên ngọc thể nhà vua, quát to rằng: “Bậc thiên tử tôn quý cớ sao mà lo buồn phát bệnh như vậy?”. Thế là tất cả lông lá, nanh vuốt đều rụng hết, nhà vua lại ở ngôi đế vị như xưa. Khi đó Minh Không có bài kệ rằng: “Kỳ lân đồ hậu mạt, Nguyệt vọng đáo trung thiên” (Kỳ lân dự liệu về hậu thế, Mặt trăng và mặt trời gặp nhau ở giữa trời)[24]. Mọi người không ai hiểu lời nói đó. Đến ngày 26 tháng 9 năm Canh Thân[25] nhà vua thăng hà, miếu hiệu Thần Tông tức là hậu thân của Đạo Hạnh vậy. Ngày ông thăng hà thì nhà cũ ở chùa Sài Sơn linh khí chấn động[26], dân làng thấy thế kinh sợ lạ lùng đem việc tâu lên, vua nối ngôi liền sai triều quan đến tế lễ, trùng tu miếu vũ, ban phong miếu hiệu, bốn mùa cúng tế. Hàng năm mồng 7 tháng 3 là ngày sinh nhật tiền thân[27], có lệ phụng nghênh thánh giá đến xứ Hương Sơn quán để lạy chầu Thánh tổ. Cũng như chùa Chiêu Thiền ở xã An Lãng huyện Từ Liêm phụng nghênh thánh giá đến lạy chầu Thánh tổ ở Thánh am xứ Hàm Long, thôn Thượng Đình (nếu gặp năm hạn hán thì rước thánh giá đến chầu lạy Thánh tổ cầu đảo vô cùng linh ứng). Trai gái bốn phương cùng hân hoan dự hội, đây là lễ hội lớn của một vùng vậy! [28]




Tác giả: Nguyễn Thị Ngân và Nguyễn Thiên Lý
Bài đã đăng trên: Tạp chí Văn hóa Nghệ An


[1]
 Nguyên bản 安 朗 徐 聖 父 事 跡 略 記,附 編 道 行 來 歷 (An Lãng Từ Thánh Phụ sự tích lược ký, Phụ biên Đạo Hạnh lai lịch) hiện được lưu giữ trong dòng họ nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987). Qua PGS. Phạm Tú Châu (Viện Văn học) giới thiệu và xin ý kiến đồng ý của con cháu dòng họ nhà văn, chúng tôi gửi bản thần tích này tới Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2012. Nhân đây chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc.
 
[2] Xem Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ Húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb Văn Hóa, 1997.
[3] Chùa Hoa Lăng ở xã Thượng An Quyết sau đổi là xã An Hòa thuộc quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội.
[4] Cụ Tú Nguyễn An Lan, tự Hải Văn là phụ thân của nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987). Quang lộc tự khanh là chức trưởng quan của Quang lộc tự chuyên lo việc cỗ bàn, cung cấp lễ phẩm cho các ngày tế lễ, yến ẩm của triều đình. Sự tích Thánh Phụ (Sự tích về Thánh Phụ Từ Vinh ở An Lãng) do cụ Tú Nguyễn An Lan biên soạn ghi chép về sự tích vị Bản cảnh Thành hoàng thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục Cựu (tên Nôm là làng Mọc), huyện Thanh Trì xưa, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
[5] Phần trong ngoặc đơn trong bản dịch này đều là nguyên chú của tác giả. Trại An Lãng huyện Vĩnh Thuận, nay là làng Láng, phường Láng Thượng, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
[6] Đô sát viện là cơ quan tối cao giữ việc giám sát trăm quan, biện minh oan khuất, phàm có án kiện quan trọng thì cùng với Hình bộ và Đại lý tự hội thẩm.
[7] Chùa Nền ở số 1160 Đường Láng Hà Nội.
[8] Nay là thôn Tiền, phường Dịch Vọng, đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
[9] Nay là phường Thượng Đình quận Thanh Xuân, T.P. Hà Nội.
[10] Tức năm 1211 đời Lý Huệ Tông (1211-1224).
[11] Nay thuộc quận Cầu Giấy, T.P. Hà Nội.
[12] Theo Từ nguyên (Dân Quốc nhị thập bát niên 1939), tục của tộc người cổ dùng vàng để trang sức răng gọi là man Kim Sỉ, nay là huyện lị Vĩnh Xương Vân Nam Trung Quốc.
[13] Tây quốc là chỉ đất phát nguyên của Phật giáo.
[14] Nay là khu vực Cầu Giấy Hà Nội.
[15] Tức năm 1115 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).
[16] Tức là năm 1116 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127).
[17] Tức năm 1117 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).
[18] Tức năm 1118 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).
[19] Tức chỉ Đạo Hạnh lúc này đã đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu.
[20] Niên hiệu Thiên Phù Khánh Thọ là năm 1127 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).
[21] Niên hiệu Thiên Thuận đời vua Lý Thần Tông (1128-1132).
[22] Tức năm 1136 đời vua Lý Thần Tông (1128-1138).
[23] “Kim sang” theo cách gọi của đông y là vết thương do dao kiếm.
[24] Kỳ và lân là hai loại thú thần trong truyền thuyết được coi là điềm lành.
[25] Tức năm 1140 đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).
[26] Chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây (cũ), nay là xã Sài Sơn huyện Quốc Oai Hà Nội là nơi tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh, và nơi ngài hóa gọi là động Thánh Hóa trên núi Sài Sơn.
[27] Tiền thân là thuật ngữ Phật giáo, chỉ thân thế kiếp trước.
[28] Chùa Láng ở phố Chùa Láng phường Láng Thượng quận Đống Đa, T.P. Hà Nội. Chùa Láng còn gọi là chùa Cả, tên chữ là Chiêu Thiền tự, do vua Lý Anh Tông là con của Lý Thần Tông xây dựng để thờ vua cha và tiền thân của người là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lễ hội chùa Láng được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng 3 là ngày hóa và ngày sinh của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: Ngày mồng 5 tháng 3 rước thánh đến chùa Nền để Thánh thăm lại nơi sinh; ngày mồng 6 rước kiệu đến chùa Tam Huyền ở làng Mọc để Thánh thăm cha; tối mồng 6 rước kiệu Thánh trong chùa Cả ra nhà Bát giác ở sân để Thánh xem lễ; sáng mồng 7 rước kiệu ra cửa Tam quan để chờ các làng như Nhược Công, Mọc nhập cuộc rước Thánh “Đấu thần” với sư Đại Điên ở chùa Duệ Tú; sau đó tới chùa Hoa Lăng ở Cầu Giấy để Thánh thăm mẹ, rồi hoàn cung.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Xem thêm