Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 24/04/2017, 15:33 PM

Thiên hạ ai cũng có tâm (Phần cuối)

Chúng ta tu tập tâm từ bi không chỉ để được bình yên, hạnh phúc mà còn mở rộng tấm lòng giúp đỡ người khác. Để có được tâm giải thoát, nhẹ nhàng, ta phải có sức chịu đựng bền bỉ trong mọi khó khăn chướng ngại. Người đã huân tập được lòng từ-bi-hỷ-xả sẽ có thể sống một đời bình yên, hạnh phúc mà không vướng bận bất cứ điều gì.

Tâm hoài nghi sẽ đưa ta đến ngõ cụt
 
Nghi: là nghi ngờ. Đối với đạo lý chân chính, ta lại nghi ngờ không tin. Những phương pháp tu để được giác ngộ, giải thoát và các việc làm có giá trị thiện lành tốt đẹp, ta lại do dự chẳng muốn làm. Do đó nghi ngờ làm chướng ngại lòng tin, cản trở việc thiện ích giúp người, cứu vật.
 
Nghi có ba: 1-Nghi mình. 2-Nghi người. 3- Nghi pháp.
 
1-Nghi mình. Phật dạy: "Người quyết chí tu hành sẽ được giác ngộ, giải thoát và thành Phật", chúng ta tự nghi ngờ không biết mình có tu được hay không? Vì lòng nghi ngờ, do dự ấy, nên chúng ta phân vân, lưỡng lự không chịu tu.
 
Do nghi mình là người tầm thường không có khả năng, còn các bậc Thánh hiền mới có đủ năng lực tu tập đạo giác ngộ, giải thoát nên chúng ta không chịu cố gắng nỗ lực tu hành. Chính vì vậy, chúng ta bị chịu khổ báo trong 3 cõi 6 đường không có ngày thôi dứt.
 
Trong kinh, Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính bình đẳng như sau, ai cũng có khả năng thành Phật. Vì sao? Phật cũng là con người như bao người khác, ta cũng là con người, nếu siêng năng tu hành thì cũng sẽ thành Phật trong tương lai.
 
2- Nghi người có hai: Một là nghi ngờ người khác làm hại mình. Hai là chúng ta nghi người dạy mình không biết có đúng không. Như có người dạy: "Làm lành được hưởng phước báo tốt đẹp, làm ác sẽ chịu quả báo khổ đau". Chúng ta lại nghi ngờ: Không biết người ấy nói có đúng hay không? Bởi nghi ngờ nên chúng ta bán tín, bán nghi nên không ra sức thực hành.
 
Để minh họa về việc nghi ngờ người khác chúng tôi sẽ kể cho mọi người nghe một câu chuyện. Một thương gia có hai người con trai sinh đôi. Hai chàng trai đã lớn và cùng phụ làm việc với cửa hàng của cha mình. Trong một tai nạn người cha đó qua đời, hai anh em cùng nhau trông coi cửa hàng đó.
 
Một hôm người em đã để tờ giấy bạc đó trên máy đếm tiền rồi đi ra ngoài với khách hàng. Khi anh ta quay lại, không thấy tờ giấy bạc.
 
Ngay khi đó người em liền hỏi người anh: Hồi nãy giờ anh có thấy tờ giấy bạc 100 ngàn không?
 
Người anh trả lời: Không, anh không thấy, em tìm lại đâu đó xem. Nghe anh nói vậy người em vừa tìm kiếm, vừa gạn hỏi lại: Hồi nãy giờ chỉ có em và anh, vậy tại sao tờ 100 ngàn lại không cánh mà bay. Chắc chắn anh phải thấy nó và biết nó ờ đâu chứ!
 
Lời nói của người em, vô tình buộc tội người anh mình đã lấy tờ giấy bạc đó. Kể từ hôm đó, sự căng thẳng bắt đầu tăng lên giữa hai anh em họ. Họ không thèm nói với nhau một lời nào, vì trong lòng người em đã có ý nghĩ xấu về anh mình. Cuối cùng họ quyết định không làm ăn chung với nhau nữa và ngay khi đó cửa hàng của họ được chia làm hai và mỗi bên tự kinh doanh. Sự oán giận thù hằn giữa hai người đã kéo dài hơn 10 năm, mọi người chung quanh ai cũng đều biết rõ chuyện này, nhưng không có cách nào khuyên nhũ để hai anh em sống vui vẻ, hòa thuận với nhau.
 
Sáng hôm đó trời đẹp hẳn lên, một người đàn ông dừng xe ngay trước cửa hàng. Ông ta bước vào và hỏi người bán hàng: Dạ, xin lỗi anh đã ở đây bao lâu rồi? Người bán hàng trả lời: Tôi đã có mặt ở đây từ khi cửa hàng được thành lập. Ngay khi đó vị khách bỗng nhiên bùi ngùi xúc động nói rằng: Anh hãy tha thứ cho tôi, hơn 10 năm trước trong một lần tình cờ đi ngang đây, vì đói quá nên tôi đã lấy tờ giấy bạc 100 ngàn trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi đi ra ngoài. Chính nhờ vậy mà tôi qua được đói khát, trong nhiều năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn, nhưng nó làm cho tôi rất ray rức khó chịu, nên tôi phải quay lại đây để nói lên sự thật này, mong anh hãy tha thứ lỗi lầm 10 năm về trước.
 
Người bán hàng nghe nói vậy vừa mừng, vừa buồn, vừa tủi nên nước mắt đã lăn tròn trên đôi má, khi nhớ lại câu chuyện hơn 10 năm về trước. Người bán hàng đề nghị người đàn ông: Ông vui lòng bước sang cửa hàng bên và kể lại chuyện này cho người chủ cửa hàng đó được không? Vì câu chuyện này mà hai anh em chúng tôi phải trở nên người xa lạ hơn 10 năm nay.
 
Người em sau khi đã biết rõ nguyên nhân của hơn 10 năm về trước, nên đã đến bên người anh ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng. Sau hơn 10 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn trở lại. Kể từ hôm đó bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được phá bỏ, hai anh em vui vẻ hợp tác trở lại.
 
Trong cuộc sống của chúng ta có những điều nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra và vô tình làm cho con người ta hiểu lầm với nhau, những lời nói vội vàng không suy nghĩ, những lời lẽ chỉ trích gay gắt, rồi cuối cùng buộc tội cho nhau dẫn đến oán giận thù hằn. Khi đã trở thành kẻ thù vì một chút hiểu lầm nào đó, con người ta sẽ tự đánh mất đi tình thương yêu chân thật, bởi ta là thật ngã, là ta, là của ta.
 
Tại sao chúng ta không tự quay lại chính mình để nhìn thấy rõ những lỗi lầm bên trong của chúng ta, là tham lam, là sân hận, là si mê, là cống cao ngã mạn và sự nghi ngờ. Chúng ta có thể cảm thông và tha thứ cho nhau khi ta hằng tỉnh giác trong ý nghĩ, lời nói và hành động có cân nhắc, thì làm gì có chuyện nghi ngờ lẫn nhau.
 
Nghi có nghĩa là nghi ngờ, nghi ngờ là một trong năm phiền não của tâm có thể làm tổn hại cho con người. Đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi. Người em nghi ngờ người anh lấy tiền, nghi người anh tham lam, nghi ngờ người anh gian dối. Chính chỗ nghi này là nguyên nhân phát sinh ra mọi sự chia rẽ, li gián giữa người này với người kia hoặc nhiều người.
 
Ở đâu có nghi ngờ, ở đó mọi người không sống hòa hợp với nhau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó tạo ra sự ly gián gây hiểu lầm nhau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó dẫn đến sự ganh ghét nói xấu lẫn nhau tạo ra nỗi khổ niềm đau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó không có tình thương chân thật.
 
Cho nên lòng nghi ngờ rất nguy hại, nó có thể đánh mất hết nhân cách đạo đức của con người khi không tin tưởng nhau. Khi chúng ta nghi ngờ người khác, thì tình thương chân thật sẽ bị đánh mất, từ đó con người sẽ trở nên oán giận nhau vì không có sự cảm thông và tha thứ.
 
Người phật tử chân chính là phải biết vượt ra ngoài tâm nghi, nếu tâm nghi còn thì sự hợp tác giữa người này với người kia hoặc nhiều người khác sẽ bị đổ vỡ.
 
Chỉ có một tờ giấy bạc 100 ngàn, người em vì sự nghi ngờ anh mình đánh cắp đã làm cho hai người trở thành kẻ thù. Tiền bạc là vật vô tri nó có được là do con người tạo ra, người em vì si mê, rồi tham lam dẫn đến tức giận mà khinh thường anh mình do cố chấp…..
 
Chỉ vì chút nghi ngờ mà hai anh em phải chia lìa hơn 10 năm trời, giống như là kẻ thù không đội trời chung. Trong tâm mỗi người chúng ta đều có năm món triền cái, là năm cái màn ngăn che, nếu một trong năm cái màn ngăn che này khởi lên thì kể từ đó tội lỗi sẽ phát sinh. Năm thứ đó là tham lam, sân giận, si mê, cống cao ngã mạn và nghi ngờ.
 
Người đàn ông kia, trong khi đói đã lấy cắp số tiền của người khác hơn 10 năm mà vẫn không quên trở lại trả số tiền cho người chủ của nó. Người này không phải là kẻ xấu ác, chẳng qua vì hoàn cảnh khó khăn mà thôi.
 
Tất cả sự việc xảy ra trên đây, đều do nhân quả chiêu cảm khiến cho hai anh em nhà kia phải sống chia lìa hơn 10 năm đau khổ, ôm một mối oan ức trong lòng. Vì phải trả nghiệp nhân đời trước, do hai anh em người này đã tạo kế ly gián làm người khác khổ đau.
 
Nếu không có người khách lạ này xuất hiện thì mối oan gia trái chủ của hai anh em nhà kia chỉ còn nước chết đem theo xuống suối vàng. Qua câu chuyện trên mọi người hãy nên cẩn thận lưu ý trong từng suy nghĩ, lời nói để khi ta phát ngôn ra không làm tổn hại người khác.
 
Kế đến là phần hai nghi lời dạy của người có đúng không? Do chúng ta không tin tưởng người đó nên chúng ta nghi ngờ, từ chỗ hoài nghi nên chúng ta đánh mất cơ hội để học đạo. Đã không học thì không hiểu, không biết do đó suốt ngày sống trong đau khổ lầm mê.
 
3- Nghi pháp; như nghe lời Phật dạy: "Người quyết tâm tu hành phước huệ song tu hành Bồ tát đạo viên mãn thì thành Phật. Nhưng ta lại nghi ngờ không biết phương pháp ấy kết quả có đúng như lời Phật dạy hay không? Do nghi ngờ như vậy nên họ mất lòng tin mà xao lãng việc tu tập của mình.
 
Từ sự nghi ngờ dẫn đến do dự, phân vân con đường mình đã chọn có đúng không? Thiếu quyết tâm và tin tưởng vào lời Phật dạy, khiến cho ta hoài nghi thất vọng, bởi không hiểu rõ ràng chính xác phương pháp tu của mình có đạt được kết quả viên mãn hay không?
 
Tâm hoài nghi là biểu hiện của sự phân vân do không hiểu biết, không chắc chắn, không rõ ràng, bởi si mê chấp ngã. Có những sự thật chúng ta còn không tin do nghi ngờ tính xác thực của nó. Khi chúng ta hoài nghi một điều gì làm cho mình lúng túng, giống như người đứng ở ngã tư đường không biết chọn đường nào vì ta cứ phân vân, do dự mãi.
 
Sự hoài nghi của chúng ta thường đi kèm với thói quen xấu. Do không tin nhân quả nên chúng ta phỉ báng lời Phật dạy là phi lý không có lẽ thực, ta lại còn hô hào người khác đồng hành với mình.

Nói tóm lại, vì lòng nghi ngờ không tin sâu nhân quả, không tin lời Phật dạy có kết quả thiết thực nên ta lơ là tu cho có cầm chừng. Những người có tính đa nghi như thế, đối với gia đình, người thân họ chẳng tin tưởng một người nào hết, đối với bạn bè, họ không thấy ai là người đáng tin cậy. Đối với Phật pháp họ cho rằng không có lợi ích thật sự, nên họ đánh mất niềm tin mà bỏ qua cơ hội tốt học đạo làm người.

Tâm gian dối hay che dấu tội lỗi của mình
 
Đã làm người ai cũng có thể phạm phải lỗi lầm, nếu chúng ta can đảm đến trước bàn Phật hay gặp người có đức hạnh thành tâm phát lồ sám hối thì tội lỗi sẽ nhanh chóng được tiêu trừ. Chúng ta là phàm phu do vô minh si ám che lấp nhiều đời, là người đang thực tập hạnh buông xả theo lời Phật dạy, không sao tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc, chúng ta biết có lỗi nên thành tâm sám hối, không dám tái phạm, khiến tội lỗi được tiêu trừ cho đến khi không còn nữa. Sám hối là phương pháp sách tiến mạnh mẽ nhất, đối với người phật tử chân chính, nhờ vậy ta càng ngày ít vấp phải lỗi lầm hơn.
 
Sám hối có nghĩa là ăn năn hối cải. Những tội lỗi đã làm, chúng ta biết hổ thẹn, ăn năn không dám tái phạm nữa. Nhờ sám hối chúng ta không phạm tội cũ, không gây lỗi mới, là nhờ biết hổ thẹn và xấu hổ. Khi chúng ta biết hổ thẹn và cầu tiến, nên ta mới sám hối, sau khi sám hối dứt khoát chừa bỏ không lập lại lỗi lầm xưa.

Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm chúng ta có thể đổ thừa cho người khác, ai cũng cho rằng bản thân mình đúng, thật ra người không biết nhận lỗi chính là muốn qua mặt người khác. Chúng ta luôn đổ lỗi cho người khác để họ phải chịu mang tiếng.

Bất kỳ một sai lầm nào cũng có trách nhiệm của chúng ta và không ai khác chính chúng ta biết rõ mình đang lừa dối người, tại sao chúng ta không dám chịu trách nhiệm về những lỗi lầm đó. Đổ lỗi cho người khác là một thói quen xấu làm hại người khác, dẫn đến sự đổ vỡ gây ra oán giận thù hằn.

Vậy chúng ta hãy nên can đảm đừng đổ lỗi cho ai vì mình đã phạm sai lầm mình phải tự chịu. Chúng ta hãy học cách nhận lỗi về phía mình, hãy nhìn nhận lại chính bản thân đã làm sai, ta đừng bao giờ đổ lỗi cho những người xung quanh, đó là hành động của kẻ tiểu nhân người hèn nhát.

Khi chúng ta biết nhìn nhận lỗi về phía mình, chúng ta sẽ nhìn thấy được chính mình đã làm đúng hay làm sai trong thời gian qua. Rất nhiều người có thói quen xấu thà chết đem theo chứ không chịu nhận lỗi dù biết mình sai. Vì họ sĩ diện, vì lòng tự trọng của họ quá cao?
Sám hối để làm mới lại chính mình
 
Sám hối trong nhà Phật có ý nghĩa tương tợ là cách xin lỗi của người thế gian. Người thế gian lỡ phạm lầm lỗi với ai khiến họ phiền muộn, biết mình có lỗi chúng ta hãy gan dạ đến xin lỗi, nếu người rộng lượng sẽ tha thứ, hoặc cũng giảm bớt buồn phiền, nếu gặp người quá cố chấp. Biết ăn năn lỗi cũ, không gây tạo tội mới, thì tội lỗi sẽ được tiêu trừ theo thời gian.
 
Chúng ta khi làm điều gì sai quấy, không chịu phát-lồ sám hối, vì sợ người ta biết rồi xấu hổ, mất danh tiếng và quyền lợi của mình, nên cố tình che giấu không ngờ lại hại thêm mình. Chúng ta nên nhớ rằng ai làm người thì làm sao hoàn toàn không có lỗi lầm, người có lỗi mà biết xin lỗi hoặc phát lồ sám hối là một điều tốt, từ đó về sau mình không dám làm sai trái nữa.
 
Cũng như chiếc áo dơ chúng ta giặt, thì áo sẽ mới sạch trở lại, khi chúng ta cố tình che giấu tội lỗi thì tội lỗi ngày càng thêm lớn và trong lòng thường ăn năn ray rức buồn bã không yên lòng. Chính vì thế, khi chúng ta có lỗi lầm không được che giấu mà phải phát-lồ sám hối, và phát nguyện chừa bỏ không tái phạm nữa thì tội ấy dần hồi mới được trong sạch.
 
Với lòng thành tha thiết, chúng ta đảnh lễ Phật, Bồ-tát, quì gối chí tâm phát lồ sám hối và phát nguyện chừa bỏ, cầu chư Phật, Bồ-tát chứng minh để con có đủ lòng tin vượt qua tội lỗi mà không tái phạm nữa. Lời văn sám hối rất thống thiết sau đây:

Con lỡ gây ra bao lầm lỗi,
Khi nói, khi làm, khi tư duy.
Tham lam, hờn giận và ngu si.
Nay con cúi đầu xin sám hối.

Một lòng con cầu Phật chứng tri,
Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới,
Nguyện sống đêm ngày trong tỉnh giác,
Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa.
 
Chính khi sám hối không phải bị ai bắt buộc, với lòng chí thành tha thiết sám hối. Tuy nhiên, khi đã thành tâm sám hối đáng lẽ chúng ta không được tái phạm lỗi ấy nữa, song vì tập khí thói quen nhiều đời quá mạnh nên đã làm cho ta tái phạm trở lại. Chúng ta biết mình đã dở lắm rồi, do đó phải kiên trì, bền chí thành tâm sám hối, đừng nản lòng.
 
Sám hối với tinh thần cầu tiến biết hổ thẹn, chúng ta mạnh dạn vạch trần những lỗi lầm đã làm, để thiết tha cầu xin sám hối. Nếu người phạm tội một lòng thành khẩn thiết tha sám hối, sau khi sám hối tuyệt đối không tái phạm nữa, người này chắc chắn sẽ là người tốt trong hiện tại và mai sau.
 
Ðã có tội lỗi mà chúng ta biết ăn năn hối cải, phát nguyện xin chừa bỏ chỉ cần khi lỡ phạm tội lỗi mình phải biết hổ thẹn ăn năn thành tâm sám hối, nguyện không lập lại lỗi lầm xưa. Chúng ta tu mà không gan dạ sám hối, quả là người hèn nhát, luôn che dấu tội lỗi thì không thể nào chuyển hóa hết bệnh tham lam, sân giận và si mê. 
 
Người biết sám hối, là biết tu, ngược lại có lỗi mà không biết sám hối, dù chúng ta là người xuất gia đi nữa, cũng chưa phải là người biết tu. Sám hối với một tâm chí thành, với một lòng tha thiết, xấu hổ những lỗi đã làm, dứt khoát không tái phạm, người này sẽ từ từ hết tội lỗi.

Tâm từ bi hay đem lại hạnh phúc cho mọi người

“Từ” là ban vui, “bi” là cứu khổ, “hỷ” là vui vẻ, “xả” là buông bỏ không dính mắc từ vật chất cho đến tinh thần. Ban vui, cứu khổ, vui vẻ, tha thứ, bỏ qua sự oán giận, thù hằn, cảm thông nỗi khổ, niềm đau của người khác và thương yêu bình đẳng đối với tất cả chúng sinh gọi là từ-bi-hỷ-xả. Sự vui khổ của người, xem như vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã, vị tha là lòng từ bi bao la rộng lớn.

Khi chúng ta giúp đỡ mọi người, ta không thấy mình là kẻ ban ơn, người là kẻ thọ ơn, và chúng ta không chấp giữ vào phương tiện vật chất đã cho, đây mới là tình thương chân thật. Nếu còn có một điểm nhỏ xíu vì mình thì đó không phải là tình thương chân thật. Tình mẹ thương con cũng chưa hẳn là hoàn toàn từ bi, vì trong đó còn mang sắc thái riêng tư, vì đó là con mình và là con của ta, nên ta sẽ giận hờn mỗi khi con không nghe lời hay ngỗ nghịch.

Chúng ta biết cảm thông sự khổ vui của mọi người nên khởi tâm thương xót, giúp đõ sẻ chia. Nếu chúng ta cứu giúp người để mong cầu được đền đáp là sự đổi chác, chứ không phải là lòng từ bi thật sự. Chúng ta thương yêu để thỏa mãn nhu cầu riêng tư là lợi dụng tình thương, không phải là lòng từ bi chân chính.

Tâm từ bi chỉ có thể xuất phát từ trái tim chân thật bằng sự thương yêu có hiểu biết. Tâm từ sẽ trở nên trống rỗng, vô nghĩa nếu nó chỉ nằm trong lời nói lý thuyết suông. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được nó bằng trái tim yêu thương và hiểu biết thì ta sẽ dấn thân đóng góp, phục vụ không biết mệt mỏi, nhàm chán vì lợi ích tha nhân.

Cuộc đời sẽ trở nên vô cảm, khi chúng ta sống không có tấm lòng từ-bi-hỷ-xả. Nếu chúng ta chỉ sống bằng trái tim thông thường thì con người dễ dính mắc vào tình cảm riêng tư, đó là tình trạng mà ai cũng có thế vấp phải, nhất là người nữ.

Chúng ta kính trọng yêu thương ông bà, cha mẹ, gia đình, người thân, con cái của mình không khó khăn gì nên phần đông ai cũng có thể làm được, chỉ trừ một số ít người sống trong vô cảm. Khi đức Phật nói về tâm từ bi rộng lớn, Ngài muốn nói đến một thứ tình cảm không có sự phân biệt trong trái tim. Tình cảm cao thượng đó đòi hỏi chúng ta phải biết yêu thương tất cả mọi người, như là người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình.

Tất cả những ai có con sẽ biết được sự khác biệt, khi họ yêu thương con mình và con của người khác ra sao. Còn phân biệt con mình và con người khác là ta đã dính mắc vào tình cảm riêng tư. Tâm từ bộc phát cũng như khi ta thấy một em bé đang ngồi khóc, ta sẽ ân cần hỏi han, giúp đỡ vì sao phải khóc? Hoặc khi chúng ta thấy một cụ già đi đứng khó khăn không người dìu đỡ, ta liền đến giúp cụ qua đường.

Tình thương này không phải tình thương vị kỷ mà là tình thương không phân biệt màu da, dòng máu, chủng tộc. Nếu ai đã từng có con chung và con riêng với nhau thì sẽ biết rõ tình thương yêu đó có ích kỷ hay không? Vì lúc nào ta cũng thấy con mình là hơn, nên đôi khi ta phân biệt, đối xử hẹp hòi mà làm tổn thương cho nhau vì tình cảm riêng tư. Quán tình thương sẽ giúp chúng ta mở rộng tấm lòng từ bi, thương xót bình đẳng mà biết san sẽ và giúp đỡ nhau bằng trái tim hiểu biết.

Chúng ta phải biết sống yêu thương và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bởi tất cả chúng sinh, đều là những người có ân, có nghĩa với mình theo quy luật tương thân, tương trợ nhau mới bảo tồn mạng sống. Chúng ta thường xuyên quán sát tất cả chúng sinh là cha mẹ nhiều đời nên ta dễ dàng thông cảm và tha thứ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Chúng ta không nên từ sáng sớm cho đến chiều tối, hễ gặp việc không thích ý vừa lòng là ta lại nổi nóng lên, nhiều khi chuyện không đâu lại trút đổ lên đầu gia đình người thân. Nếu chúng ta không biết tu tập từ-bi-hỷ-xả thì gia đình sẽ dễ dàng tan nát, đổ vỡ, do ta không biết kiềm chế cơn giận.

Nóng giận là một thứ tập khí thâm căn cố đế thuộc căn bản phiền não lâu đời, có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Chúng ta có mặt trên cuộc đời và mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử, cũng bởi do ta chất chứa ba thứ độc hại phiền não tham-sân-si.

Tập khí nóng giận hầu như ai cũng có, chỉ ít hay nhiều mà thôi kể cả các bậc hiền Thánh vẫn còn, người có tu sẽ biết cách kiềm chế. Vì thế, khi gặp những điều không được hài lòng như ý, ta thường nổi nóng, giận dữ như ngọn lửa cháy phừng bốc lên cao ngọn. Dù ta có cố gắng điều phục cơn giận bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng cũng không thể trong một chốc lát dừng hẳn cơn giận được.

Đạo Phật dạy ta cần phải nhận diện và chuyển hóa cơn sân giận. Khi ta giận ai, ta có thể nói cho đối phương biết mình đang bực tức, không hài lòng về họ. Ta có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình nên ta cần phải trình bày một cách chân tình với người đang giận. Chúng ta giận họ vì họ không làm cho mình vừa ý, hài lòng một vấn đề nào đó. Ta không nên nuôi dưỡng, chất chứa thù hận trong lòng mà sinh tâm oán ghét dài lâu. Đó không phải là thái độ khôn ngoan trong cách hành xử của người phật tử chân chính.

Khi chúng ta đối diện với những lỗi lầm hay sai sót của người khác, ta có khuynh hướng hay chỉ trích, giận dữ, hoặc đem ra bêu xấu trước mặt mọi người rồi làm lớn chuyện ra. Khi bình tĩnh lại ta mới thấy ăn năn, hối tiếc, nhưng đã quá muộn màng. 

Chúng ta phải biết rằng, khi người nào có thái độ và hành động làm cho mình đau khổ bằng sự giận dữ, thì ta hãy nên thương xót người đó hơn. Chính vì vậy, ta cần phải cảm thông với nỗi đau của họ, vì họ đang bị vô minh chi phối nên mới hành động nông nỗi như thế. Có thể họ có quá nhiều nỗi khổ, niềm đau bởi sự đè nén, chất chứa lâu ngày nên lời lẽ không được hay cho lắm. Hạt giống giận hờn của họ luôn ẩn tàng sâu kín tận tâm thức nên ta phải thương yêu họ nhiều hơn là ghét bỏ.

Chúng ta muốn nhận diện được bản chất của sân hận thật không phải dễ dàng chút nào! Nó vốn dĩ không hình tướng, không có chỗ nơi, chỉ khi đối duyên xúc cảnh mới phát sinh. Chúng ta muốn chuyển hóa cơn giận trước khi nó bộc phát, thì ta phải thường xuyên quán chiếu, xem xét sâu vào nội tâm để mình luôn tỉnh giác trong từng tâm niệm.

Ta phải biết suy nghĩ sáng suốt trước khi nói và làm bất cứ điều gì để tránh gây thiệt hại cho cả mình và người. Chỉ cần ta khéo nhận diện mặt mũi trước khi cơn giận nổi lên thì khả năng nóng nảy sẽ dần hồi không có còn cơ hội để bộc phát nữa.

Chúng ta cần phải lấy gương soi lại mặt mình khi sự bực tức, nóng giận nổi lên để làm khổ một ai đó. Ta sẽ thấy một gương mặt nhăn nheo già cỗi khó ưa, chắc chắn ta sẽ trở nên xấu xí bởi những lần sân hận như thế. Nhận thức rõ điều này một phần cũng giúp ta bớt đi phần nào sân hận, bởi đâu ai muốn mình thành một kẻ xấu bị mọi người khinh chê.

Khi ta có thể làm chủ được những ý nghĩ, lời nói, hành động của mình, ta sẽ trở nên tự tin và không sợ hãi điều gì. Ta tự biết mình đã được rèn luyện đến độ sẽ không thể có một phản ứng giận dữ, ghen ghét dù chỉ là một ít để làm mình mất đi sự bình yên. Chỉ khi nào ta có thể hành xử với trái tim yêu thương và hiểu biết thì ta mới thật sự được bình an, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. 

Chúng ta có rất nhiều điều phải học trong cõi này, và có lẽ mục đích của cõi này chính là cơ hội để chúng ta rèn luyện mình thêm. Nếu ta ban phát tình thương đến cho người thì tự họ sẽ tìm đến với ta và cuộc sống không thiếu người yêu thương mình. Tuy nhiên, ta ban phát cho người khác tình thương không phải vì ta muốn cho, cũng không phải vì họ cần, không phải vì họ đáng để cho mà ta cho vì trái tim ta đã rộng mở bằng tất cả tấm lòng bao dung và độ lượng. 

Một người có lòng từ sẽ không có gì để mất. Nếu họ có bị người khác lợi dụng thì đó cũng là cơ hội để kiểm chứng lại sự tu tập của họ trong nhiều năm qua, là dịp để họ soi sáng lại chính mình có hành động đúng hay không. Tình thương vô điều kiện luôn tăng thêm sức mạnh cho con người chứ không phải làm con người thêm yếu đuối, nhưng nếu tình thương đi đôi với đam mê, dính mắc thì nó sẽ làm con người trở nên tham lam và ích kỷ.

Người không có lòng nhân khi ra đi rất lo lắng, hoảng sợ vì không biết mình sẽ đi về đâu. Người có tâm từ thì đón chờ cái chết với tâm tỉnh giác nên họ chắc chắn sẽ được tái sinh về cõi lành. Những gì ta làm với hành động tốt hay xấu đều sẽ theo ta đến tận cuối đời, tận giây phút lâm chung. Những thói quen xấu hoặc tốt cũng sẽ không thể thay đổi một cách đột ngột, ngoài trừ người đó huân tập được tâm từ bi rộng lớn.

Lòng từ bi thể hiện khi chúng ta chia sẻ lòng xót thương với mọi người, thấy khổ liền giúp và lúc nào cũng cảm thông với nỗi khổ, niềm đau của người khác. Lòng bi phát sinh khi ta cảm nhận được sự đau khổ, không như ý của người khác trong chính bản thân mình. Chỉ có như thế, ta mới thực sự cảm thông được với họ, vì ta biết làm người khó ai được trọn vẹn, như ý. Người không có lòng từ bi sẽ luôn sống trong vô cảm, thấy người hoạn nạn dù là người thân, họ vẫn cứ lạnh lùng, dửng dưng coi như không có chuyện gì xãy ra.
 
Thấy người khác khổ đau ta mở lòng thương xót là biểu hiện của tâm bi, ta mong muốn chia sẻ để giúp người vơi bớt nỗi đau. Sự thương hại không phải là tâm bi mà khi chúng ta nhìn thấy khổ đau của người khác chính là khổ đau của mình, đó là chúng ta đang hướng tới tâm bi.

Tâm bi, có nghĩa là sự rúng động của con tim trước nỗi đau hay sự mất mát của người khác. Nhưng nó không có nghĩa bạc nhược yếu đuối. Bước đầu tiên để phát triển tâm bi là chúng ta biết cởi mở và vị tha, biết được nguyên nhân dẫn đến sự khổ đau của mọi người.
Chúng ta chấp nhận được sự thật về khổ đau sẽ giúp ta cảm thấy thương xót mọi người nhiều hơn. Sự cảm thông và tha thứ là bước đầu dẫn đến tình yêu thương chân thật. Đức Phật đã giảng nghĩa rõ ràng về bản tính của con người chúng ta. Dù hình tướng sai biệt nhưng tâm sáng suốt, tâm thương yêu ai ai cũng đều có. Chính vì chúng ta cho rằng thân này là thật ngã, là ta, là tôi, là mình, nên chúng ta phải bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình và đất nước mình.

Trong ta luôn đầy ắp những vọng động tham lam, ích kỷ do sự chấp ngã của “cái tôi” và chúng ta không ngừng bảo vệ “cái tôi” ấy. Nếu ai đó nhìn ta một cách không thân thiện hoặc tỏ vẻ không biết ơn, không thương yêu ta, giống như ta mong muốn, thì ta sẽ phát sinh sự thù hằn, ghét bỏ. 

Chính những người có lòng thương yêu bình đẳng, người hay cảm thông với nỗi đau, sự mất mát của người khác mới thật là người có an lạc, hạnh phúc. Phần lớn chúng ta đều thiếu lòng từ bi nên rất ít người được hạnh phúc thật sự. Người có lòng từ bi luôn sống có niềm vui vì khi ấy họ bớt nghĩ đến “cái tôi” của mình, do đó ít chấp ngã. Người sống hay chấp ngã nặng nề, sẽ không thể có niềm vui vì họ không bao giờ thỏa mãn được “cái tôi” của mình.

Khi chúng ta đã tu tập được lòng từ bi ta còn phải biết chia sẻ niềm vui với người khác, cho nên gọi là tùy hỷ. Đối nghịch với tùy hỷ là lòng ganh ghét, tật đố. Sự chia sẻ niềm vui là liều thuốc bổ nhiệm mầu để chữa bịnh ganh ghét và đố kỵ. Cuộc đời này nếu ta biết chia sẻ niềm vui với người khác thì chắc chắn mình sẽ có thêm nhiều cơ hội hạnh phúc hơn. 

Chúng ta phải luôn nhớ chấp ngã là nguồn gốc của mọi đau khổ, vì vậy khi ta có được niềm vui tự nơi bản thân mình thì phải cố gắng chia sẻ với người khác để họ cùng vui theo. 

Chúng ta tu tập tâm từ bi không chỉ để được bình yên, hạnh phúc mà còn mở rộng tấm lòng giúp đỡ người khác. Để có được tâm giải thoát, nhẹ nhàng, ta phải có sức chịu đựng bền bỉ trong mọi khó khăn chướng ngại. Người đã huân tập được lòng từ-bi-hỷ-xả sẽ có thể sống một đời bình yên, hạnh phúc mà không vướng bận bất cứ điều gì.

Trong gia đình, người chồng luôn lúc nào cũng thấy mình đúng mà người vợ cũng thấy mình phải, thành ra chẳng ai chịu nhường ai, cho nên gây lộn, cãi vã với nhau hoài. Nếu chúng ta đã nhường nhịn nhau thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui hoài, nhịn mà không chịu quên mà cứ nhắc lại chuyện xấu hoài sẽ làm người khác bực mình, sân si lên. Đó là một sự thật.

Cuộc sống từ cá nhân cho đến gia đình và xã hội, đều không bao giờ hoàn toàn hoà hợp theo ý mình, nên chúng ta đừng bao giờ đòi hỏi mọi thứ đều tốt đẹp. Chúng ta phải tập nhẫn nhịn bởi thói quen nhiều đời của con người ai cũng có sẵn tính nóng giận, đàn ông hay đàn bà cũng đều biết giận hết.

Chính vì vậy chúng ta phải khéo nhẫn nhịn nhau để bảo vệ mái ấm gia đình được tốt đẹp. Qua sự nhẫn nhịn đó ta còn phải hỷ xả, nghĩa là vui mà bỏ qua chứ đừng gượng bỏ. Chẳng qua ta còn quá khờ dại và nông nỗi nên mới cãi vã, chẳng biết nhường nhịn nhau.

Nay ta biết vậy rồi thì mình bỏ hết, đừng giận hờn làm gì nữa cho khổ xác thân này. Nếu chúng ta cứ nghĩ mình phải, người khác quấy thì ta cứ ôm ấp ghim gút trong lòng, mai mốt gặp lại cãi nhau nữa, rốt cuộc thì khổ đau vẫn cứ tiếp diễn hoài.

Chúng ta muốn phát khởi tâm từ bi rộng lớn thì phải biết kiềm chế, từ đó ta mới có sự cảm thông với mọi người. Thấy người khổ mình giúp, làm cho người được vui, ta cũng vui theo. Chúng ta cùng san sẻ nỗi khổ niềm đau và cùng vui với mọi người, mới là tình thương yêu chân thật. Bởi chúng ta cảm thông nhau trên nỗi khổ niềm đau, chúng ta mới sẵn sàng cùng nhau chia vui, sớt khổ.

Chúng ta thông cảm được sự khổ vui của mọi người là chúng ta bắt đầu phát triển tâm từ bi rộng lớn. Chúng ta tập cảm thông, chia sẻ nỗi khổ, niềm đau từ những người thân quen trong gia đình rồi dần dần lan rộng đến những người xa lạ bên ngoài.

Khi lòng từ bi đã tiềm ẩn trong ta thì mọi si mê, tham lam, ích kỷ, oán giận thù hằn theo đó bị tiêu diệt. Người từ bi không thể nổi nóng và chửi mắng kẻ khác. Thấy người gặp cảnh khổ, người có lòng từ bi còn không nỡ lấy mắt ngó mà cố tìm đủ mọi cách để giải khổ cho người. Người có lòng từ bi thì mọi hành động có tính cách tranh đua, giành giật không còn nữa. Chính của mình mà còn đem ra giúp đỡ người khác thì không thể giành giật của người đem về cho riêng mình.

Hiện tướng dữ để điều phục đưa người về chỗ an vui, hạnh phúc là nghịch hạnh từ bi. Hạnh từ bi này hình như giống kẻ ác nhưng mai kia mới thấy rõ lòng từ bao la, rộng lớn của người đó. Người thể hiện lòng từ bi này cần phải sáng suốt, hiểu xa trông rộng, biết được tâm ý của người nên mới dùng nghịch hạnh để điều phục tâm ý họ. Dù thuận hạnh hay nghịch hạnh cũng cùng một nguồn ban vui, cứu khổ. Bản chất từ bi là an ổn, nhẹ nhàng, mát mẻ nên mọi chúng sinh khi gặp được đều cảm nhận niềm vui.

Lòng từ bi của chúng ta chỉ được viên mãn khi mọi vọng thức phân biệt không còn, vì vọng thức chạy theo nghiệp phân biệt có yêu, có ghét, buồn vui lẫn lộn nên khó đem tình thương yêu chân thật, bình đẳng đến với tất cả chúng sinh.

Từ bi là tình thương hoàn toàn không có toan tính hơn thua, được mất mà chỉ thấy khổ liền giúp. Bọn ma vương, ác quỷ sân hận, tham lam, tật đố gặp nước cam lộ từ bi thì đều chắp tay, quỳ gối quy hàng. Lòng từ bi có mặt ở đâu thì mọi khổ đau đều tan biến hết. Tấm lòng đó ngọt ngào như dòng sữa mẹ và mát dịu như ngọn gió chiều thu, trong sáng như ánh trăng rằm và phát sinh muôn ngàn công đức như lòng tốt phì nhiêu nuôi dưỡng vạn vật.

Do chúng ta biết rõ cuộc đời là mâu thuẫn, cho nên chúng ta phải điều hòa bằng hạnh nhẫn nhục và phát triển mở rộng lòng từ-bi-hỷ-xả. Chính do tâm từ bi phát khởi nên chúng ta mới thương yêu nhường nhịn, cảm thông và tha thứ cho nhau được. Tóm lại, muốn cho sự sống được bình yên, hạnh phúc thì chúng ta phải bền trí kiên trì thực tập hạnh nhẫn nhục, từ bi và hỷ xả.

Tu dưỡng thân tâm để phát triển lòng từ bi rộng lớn, là một việc làm hết sức hợp lý cho nhân loại, mà ai ai cũng có thể làm được. Không cần phải có trí thức sâu sắc hay chữ nghĩa thấp kém hoặc người xuất gia làm được mà người tại gia không thể làm được.v.v.

Chúng ta tôn trọng, kính mến những ai đã mang sẵn lòng từ bi; tán thán, ca ngợi ai mới phát tâm từ bi và ước mơ, mong mỏi mọi người đều được thấm nhuần từ bi. Tất cả chúng ta hãy khơi dậy dòng suối từ bi, để một ngày kia nước từ bi tưới mát khắp cả nhân gian đang bị ngọn lửa nóng bức thiêu đốt bởi si mê và sân hận.

Tâm biết đủ là người giàu nhất thiên hạ

Ngày xưa có vị vua do nhờ biết tích lũy phước báo nhiều đời, nên được làm vua của các vì vua, là bậc thông minh trí tuệ hơn người nên thống trị khắp cả thế gian này. Vua tự xưng mình là người giàu có nhất thiên hạ không ai bằng, ông cai trị hết cõi đất này.

Nhưng dù sao mọi người vẫn còn may mắn vì bên cạnh nhà vua, có một vị cận thần rất thông minh và tài giỏi, ông ta luôn thương yêu mọi người bằng trái tim hiểu biết. Chính nhờ sự từ bi và trí tuệ của vị cận thần này mà vua đã tránh được rất nhiều lỗi lầm. Tuy nhiên, tham vọng muốn mình là người giàu nhất thế gian vẫn còn âm ĩ trong lòng nhà vua. Một hôm vua họp mặt tất cả những cận thần lại, và hỏi:

Này các khanh. Các khanh hãy nói cho trẫm biết trong đất nước của ta ai là người giàu nhất thiên hạ. Tất cả các cận thần đều cùng nhau đáp: Thưa hoàng thượng! trong vương quốc này, dưới sự trị vì của hoàng thượng, hoàng thượng là người giàu nhất không ai bằng. Vua cảm thấy rất thỏa mãn và hài lòng, khi nghe các cận thận tâu lên như vậy.

Một vị cận thần khác tên là Giải Thoát, mới bước ra và nói: Muôn tâu bệ hạ có một vị tỳ kheo tên là Tỉnh Giác, đời sống của vị ấy thật đơn giản, luôn sống hài hòa với muôn loài vật, đặc biệt là thầy không bao giờ ăn thịt cá và khuyên mọi người không nên sát sinh hại vật. Thức ăn chính của thầy là rau quả và các loại ngũ cốc. Đời sống của thầy thật đơn giản, dạ thưa bệ hạ…

Thần đã được tiếp xúc với vị thầy đó, nơi thầy ở muôn thú vây quanh hòa cùng cảnh vật thiên nhiên, dường như không có khoảng cách giữa con người và muôn loài thú ở đây. Nơi thầy ở còn có khoảng trên 300 vị khất sĩ khác đang tu tập theo sự chỉ dạy của thầy.

Chính thần đã chứng kiến khi đến giờ thọ trai, toàn thể các vị khất sĩ đều ăn cơm trong im lặng, không nghe tiếng khua chén bát, chậm rãi, khoan thai, họ ăn trong tỉnh giác. Trước khi ăn họ cúng Phật, và quán niệm công đức chúc phúc cho quý phật tử. Sau khi ăn họ tụng bát nhã và hồi hướng công đức cho tất cả mọi người. Họ ăn vừa đủ, họ ăn trong sự biết ơn của thầy tổ, đàn na tín thí, đất nước và tất cả chúng sinh. Khác với triều đình chúng ta, mỗi khi ăn uống nói cười rộn rã, vui chơi trong no say để rồi đánh mất mình trong thiên hạ, có khi tranh chấp cãi vã ngay khi đang ăn uống. Vua nghe vị cận thần tâu như thế, trong lòng muốn tìm đến để hỏi một vài lý do. 

Vài hôm sau, vua và đoàn tùy tùng đã đến chỗ ở của các vị khất sĩ ấy. Cây Bồ đề trước cổng sừng sửng hiên ngang với khoảng 4 người ôm không hết, có thể đã trên vài trăm tuổi, gốc Bồ đề có nhiều tua như cuộn tròn cả thân cây, tạo nên sự mát mẻ cho xung quanh.

Vua yêu cầu trực tiếp được diện kiến thầy trụ trì đó. Trong lúc chờ đợi ở nhà khách, vua bổng dưng nhìn một con người nhỏ nhắn đang tiến dần về phía mình mà không hề chớp mắt, mắt sáng tròn. Từng bước chân nhẹ nhàng an lạc, thảnh thơi của người ấy đã toát ra một năng lực tự tại, bình yên hạnh phúc. Vua chưa từng thấy một người nào có dáng vẻ uy nghi, trang nghiêm và thanh thản đến như vậy. Bóng người ấy tiến dần đến trước mặt nhà vua nở một nụ cười hồn hậu.

Vị thầy đó đã đến bên và vái chào tất cả mọi người, rồi ngồi xuống trong tư thế an nhiên. Sau những lời chào hỏi và chúc tụng, nhà vua đặt liền câu hỏi và thưa:

Thưa thầy, có phải thầy là vị khất sĩ mà mọi người vẫn thường đồn đãi là người giàu nhất thế gian này? Vị thầy đó chỉ đáp lại nhà vua bằng một nụ cười mĩm chi.

Thú thật với thầy, tôi chính là nhà vua của đất nước này. Đã từ lâu tôi nghe tiếng lành đồn xa mà cho đến tận hôm nay, tôi mới có cơ hội được diện kiến thầy. Sau khi gặp được thầy tôi đã cảm nhận được một niềm an vui đang dâng trào trong lòng.

Khi biết được người đứng trước mặt mình là một vị vua Chuyển luân thánh vương và những người xung quanh là các quan cận thần của triều đình nhưng nét mặt của vị thầy đó vẫn bình thản, an nhiên. Thầy luôn giữ được phong thái của người đã an nhiên tự tại, giải thoát.
Vị thầy đó mới hỏi nhà vua và các quan cận thần đến đây chắc có điều gì chỉ dạy! Ta chỉ muốn biết một sự thật, xưa nay mọi người đồn đoán thầy là người giàu nhất thế gian này. Vị thầy đó mới hỏi lại? Vậy theo nhà vua, thế nào là một người giàu nhất thế gian? Nhà vua trả lời: Người giàu nhất thế gian là người không có thiếu bất cứ một món báu vật quý giá, từ thức ăn uống ruộng vườn nhà cửa, người hầu thê thiếp mọi thứ đều có đầy đủ tất cả. Chẳng hạn như ta đây đang trị vì khắp thiên hạ.

Dạ thưa nhà vua, khi nào chúng ta cần tìm cầu một thứ gì đó thì người ấy mới thiếu phải không? Vâng đúng như thế. Một người không còn tìm cầu và mong muốn bất cứ một điều gì nữa, thì người đó có còn cái gì để mà thiếu nữa không? Thưa thầy, không ạ. Vậy thưa nhà vua, người giàu nhất thế gian là người không còn thấy thiếu bất cứ một thứ gì cho bản thân mình nữa, phải không? Ngay khi đó điều đức vua khám phá ra là người biết đủ dù nghèo mà vẫn giàu, còn người không biết đủ dù giàu có đến đâu vẫn thấy nghèo.

Và nhà vua cũng hiểu ra rằng vì sao mọi người nói vị thầy này là người giàu nhất thế gian mà trên người không có một thứ gì quý giá cả. Sau khi về lại hoàng cung hình ảnh an lạc thảnh thơi của vị thầy đó, đã làm cho nhà vua thức tỉnh trở lại mà biết buông xả mọi thứ.

Bắt đầu kể từ hôm đó, nhà vua đã ra lệnh đem phân phát tài sản cho những người dân nghèo trong cả nước. Vua thường xuyên đến vị thầy đó để học đạo giải thoát và phát tâm quy y làm đệ tử Phật-đà. Vua khuyên nhũ mọi người giữ gìn năm điều đạo đức, không sát sinh hại vật, không trộm cướp lường gạt của người khác, sống thủy chung một vợ một chồng, không nói dối để hại người, không uống rượu say sưa và cùng tu mười điều lành. Vua cũng đã và đang thực tập sống đời đơn giản, bằng cách giữ nghiêm giới cấm. Chính ngay tại đây và bây giờ, vua cũng cảm thấy mình là người giàu nhất vì dám từ bỏ hết tất cả mà sống đời đơn giản, đạm bạc.

Cuộc sống của dân chúng khắp mọi nơi đã được cơm no, áo ấm và sống trong vui vẻ, hạnh phúc nhờ thấm nhuần lời Phật dạy. Trước khi nhà vua bằng hà, nhà vua đã truyền trao cho vị thái tử kế nhiệm con trai mình khắc lên tấm mộ bia hàng chữ: Tâm biết đủ là người giàu nhất thế gian này.

Người phật tử chân chính biết quay về bỏ ác làm lành lo tu học, nhờ đó mà bớt khổ được vui. Người biết tu, đối với vật chất có bao nhiêu cũng thấy là đủ không đòi hỏi hơn. Càng ham muốn nhiều là càng gây đau khổ cho mình và người. Ai cho rằng hưởng được đầy đủ dục lạc thế gian là sung sướng, là hạnh phúc, kẻ đó đang sai lầm, không thấy đúng như thật. Chúng ta vì thèm ăn món ngon vật lạ, nên phải giết hại các sinh vật. Suốt đời chúng ta cứ tìm cầu ăn uống nên từ đó đánh mất chính mình mà sống trong vô cảm.

Như chúng là người phật tử chân chính đang trường trai giữ giới, nhưng mà thèm ăn ngon, nên nghĩ: “Nếu hôm nay có thịt mình ăn một bữa cho đã thèm”. Nghĩ như thế, chúng ta liền phá trai phạm giới ăn một bữa thịt thật no nê, để không còn thèm nữa. Nhưng ít lâu lại thèm, rồi phá trai phạm giới nữa, cứ như thế mà không giữ giới trọn vẹn.

Chúng ta phải biết tham muốn nhiều là gốc của đau khổ trong luân hồi sinh tử. Khi vừa khởi niệm tham muốn, chúng ta quyết chí không chiều theo nó để giữ cho thân tâm được trong sạch. Bệnh của con người là muốn được cái này lại tiếp muốn cái khác, cứ như thế mà muốn hoài đến khi gần chết nằm trên giường vẫn tiếc nuối, những thứ mình chưa thực hiện được. Chúng ta có ít thì sống theo ít, khi có dư thì chia sớt cho người cần, ta thấy rõ vật chất là tạm bợ, nên không khởi tâm mong cầu tham đắm.

Người hàng ngày chạy theo dục lạc thế gian, khi gần chết thân xác hư hoại, mà tình ái cứ buộc ràng với gia đình, người thân không muốn xa lìa, nên tiếc nuối trong đau khổ. Lại không biết mình sẽ đi về đâu, nên hoang mang lo sợ trong khủng hoảng.

Còn người biết tu hạnh buông xả không chất chứa, ba nghiệp lúc nào cũng thanh tịnh, nhưng tinh thần bình tĩnh sáng suốt, nên khi trút hơi thở cuối cùng rất nhẹ nhàng an ổn, vì đã biết chỗ đến. Đành rằng con người ai cũng chết, nhưng người chạy theo ngũ dục tạo nghiệp ác khi chết thì chịu quả báo khổ đau, còn người tu không tạo nghiệp ác mà tu nghiệp lành, khi chết sinh vào cõi lành hưởng phước an vui, hoặc được tự tại, giải thoát.

Người thế gian vì mê muội, không thấy được sự thật nhân quả nghiệp báo, nên mới tham muốn làm niềm vui, say mê đắm nhiễm, cho nó là số một. Người ý thức biết tham muốn nhiều là tai hại, là đau khổ, nên sống đời đơn giản đạm bạc để vững chải, thảnh thơi.

Chúng ta tham muốn về ngũ dục, có nghĩa là tham muốn về tiền bạc của cải vật chất, nhà cao cửa rộng, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, đắm mê sắc đẹp, ham danh vọng quyền cao chức trọng, thích ăn ngon mặc đẹp và ưa thích ngủ nhiều.

Người thích ăn ngon, thân phải chạy ngược chạy xuôi, toan tính lo làm cho có nhiều tiền, mới mua được bữa ăn ngon theo sở thích. Như vậy thì tâm lao nhọc, thân vất vả mới được bữa ăn vừa miệng. Người đắm mê sắc đẹp, cả đời cứ đuổi theo hình bóng bên ngoài, thì sức khỏe hao mòn, tiền bạc hao hụt, có khi dẫn đến thân tàn ma dại. Người tham danh, kẻ tham tài cũng vậy, phải chạy ngược xuôi tranh giành để được danh, được lợi… mà làm tổn hại kẻ khác.

Người nào còn tham muốn là còn khổ, tham muốn nhiều thì khổ nhiều, ham muốn ít thì khổ ít. Chúng ta tham muốn cái gì cũng đều khổ cả. Chỉ người biết đủ thì sống đời an nhàn, thảnh thơi.

Người tu trong bốn món ăn, mặc, ở, bệnh được tín thí cho bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không tham cầu đòi hỏi cho nhiều, để tiêu dùng cho thỏa thích hay chất chứa. Như vậy muốn hết khổ, chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ nơi tâm, để thấy rõ nguyên nhân đau khổ là do tham muốn nhiều mà dừng không gây tạo nghiệp ác. Như vậy, tâm biết đủ là người giàu nhất thiên hạ.

(HẾT)
Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm