Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 17/04/2017, 16:53 PM

Thiền là sự sống của con người (P.1)

Thiền là chất liệu sống giúp con người thông suốt mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này và sống bình yên, hạnh phúc nhờ thấy biết đúng như thật. Nhờ có Thiền chúng ta hiểu rõ bản chất thực hư của thân tâm mình và hoàn cảnh, nên con người sống thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha.

LỜI GIỚI THIỆU

Xưa nay Thiền pháp là mạch nguồn của Phật pháp. Thiền pháp đủ sức tháo gỡ mọi dính mắc tăm tối của con người. Hiện thực Thiền pháp tháo tung mọi dây mơ rễ má, các thứ buộc ràng từ lâu nay trong cuộc sống. Thấy phủng chỗ này là đạp nhào rào giậu chông gai mọi thứ trong nhân thế. Tuy nhiên phải đầy đủ dũng lực Bát-Nhã một tráng sĩ, giáng ma xử trong tay huy động vẹn toàn quân ma, tất cả trở thành bến bờ thanh lương giải thoát.

Nơi đây, giới thiệu thiền là sự sống của con người, có thể thiền trong cuộc sống gia đình và xã hội, hành giả Phổ Giác đã nói lên được tinh thần này trong tác phẩm “Thiền là sự sống của con người”. Đồng cảm, chia sẻ và khích lệ tác giả, tôi hoan hỷ viết đôi dòng giới thiệu. Rất mong tác phẩm đem đến cho bạn đọc nhiều lợi ích thiết thực và niềm an vui trong cuộc sống.
Trân trọng!

Tổ đình Thường Chiếu, 20/08/2013

Thích Nhật Quang 
    
THIỀN TRONG CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Thiền là chân lý sống nên không thể dùng ngôn ngữ hay định nghĩa để diễn tả Thiền, đến chỗ đó thì mỗi hành giả nóng lạnh tự biết; nhưng Thiền không thể tách rời cuộc sống, không thể tìm thấy ở một nơi xa xôi nào mà ngay nơi cuộc đời chúng ta. Thiền trong cuộc sống là sự biết cách hoà hợp nhịp nhàng giữa một khối óc sáng suốt và một trái tim hiểu biết, nhân hậu để phát sinh trí tuệ và từ bi. Con đường Thiền tập là tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi để mỗi hành giả thể nhập chứng ngộ Phật tính sáng suốt ngay nơi thân này. 
 
Nói đến Thiền là nói đến sự gắn liền với đời sống con người, không phải như nhiều người thường lầm tưởng là Thiền chỉ dành cho bậc thượng căn, Thiền chỉ áp dụng trong các Thiền viện hoặc phải vào thâm sơn cùng cốc mới có thể tu Thiền, hiểu như vậy vô tình đánh mất giá trị thiết thực của nó. Thiền là con đường ngắn nhất cho nhân loại ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, tuỳ theo hoàn cảnh cuộc sống mỗi người mà ta khéo sắp xếp để Thiền trong đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ và làm việc.

Sở dĩ xưa nay chúng ta thấy nó xa lạ bởi có quá nhiều tạp chất lẫn lộn trong nhà Thiền nên làm mọi người cảm thấy mông lung, huyền bí, xa vời, khó nắm bắt; cũng vì có nhiều người tu theo Thiền ngoại đạo nên bị tẩu quả nhập ma hay bị điên khùng, từ đó người ta quy kết Thiền và cảm thấy sợ sệt khi nói đến Thiền. Con người hay xa rời thực tế để tìm hiểu những điều cao siêu, huyền bí, trong khi cuộc sống đang dàn trải trước mắt chúng ta tất cả đều là Thiền. 

Thấy sắc là Thiền, nghe tiếng là Thiền. Mắt thấy, tai nghe là hai căn chúng ta tiếp xúc hằng ngày, ta chỉ Thiền ngay nơi thấy-nghe chứ không phải tìm cầu đâu xa. Con người thường hay nhớ nghĩ về quá khứ, luyến tiếc thời vàng son và mơ mộng viễn vông về tương lai xa tít. Người lớn tuổi hay nhớ về kỷ niệm quá khứ vui buồn, người trẻ thường mong muốn đến tương lai, do đó đánh mất mình trong hiện tại. Người tu Thiền sống ngay tại đây và bây giờ để nhìn thấy rõ những tâm niệm tốt xấu, đúng sai, phải quấy, hơn thua đang phát khởi trong tâm nhằm chuyển hoá chúng trở về với cái gốc ban đầu. 

Thiền là chất liệu sống giúp con người thông suốt mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này và sống bình yên, hạnh phúc nhờ thấy biết đúng như thật. Nhờ có Thiền chúng ta hiểu rõ bản chất thực hư của thân tâm mình và hoàn cảnh, nên con người sống thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha.

Trong đạo Phật có nhiều phương pháp Thiền để giúp cho nhân loại thể nghiệm sâu sắc vào đời sống gia đình và xã hội. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời tại Ấn Độ trên 2600 năm cũng do tu Thiền mà thành tựu đạo giác ngộ, giải thoát. Bên cạnh đó, Ngài thành Phật nhờ hành Bồ tát đạo vô số kiếp về trước và cũng do tu Thiền mà thành tựu trong kiếp hiện tại. Nếu chúng ta giác ngộ, giải thoát cho mình mà không giúp đỡ người khác cùng giác ngộ theo là hạnh của hàng Thanh Văn, Duyên Giác thủ chứng quả vị A La Hán nên không thể thành Phật. 

“Phật” là danh từ chung nói cho đủ là “Phật đà”, là người giác ngộ, là người tỉnh thức, nghĩa là tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Phật là con người bằng xương bằng thịt như tất cả mọi người, cũng được sinh ra từ bụng mẹ, không phải biến hoá từ nơi khác đến. Chúng ta cũng là người giống như Phật, Phật tu hành thành Phật, ta cũng có thể tu hành thành Phật và ai muốn thành Phật thì phải biết tu Thiền.

Trở về quá khứ khi Bồ tát Sĩ Đạt Ta bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để ra đi tìm cầu chân lý. Trước nhất Ngài tu Thiền 5 năm đầu với hai vị Thiền sư lỗi lạc nhất thời bấy giờ, nhưng chỗ đến chưa đạt được mục đích giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Ngài từ giã ra đi và tự tu Thiền khổ hạnh ép xác đến 6 năm trời, có khi chỉ ăn mỗi ngày một hạt mè, hạt bắp mà cũng không tìm ra chân lý tối cao. Ngài tu Thiền với hai vị đạo sư nổi tiếng cũng chưa đạt kết quả viên mãn, rồi tự mình Thiền theo cách khổ hạnh ép xác đến tột cùng, dẫn đến ngất xỉu, nhờ cô thôn nữ chăn bò cúng dường bát sữa giúp Ngài dần hồi tỉnh lại. 

Từ đó, Ngài quán sát trở lại và thấy rõ Thiền nếu ép xác khổ hạnh quá mức sẽ dẫn đến thân thể suy yếu, tinh thần bạc nhược nên không đủ sức thể nhập chân lý. Thiền mà lợi dưỡng đầy đủ cũng không thực chứng bản tâm, do đó Ngài quay về Trung đạo, ăn vừa đủ để nuôi sống thân này, nhờ vậy Ngài dễ dàng vào Thiền nên tâm an định và trí tuệ phát sinh mà thành tựu Phật đạo.

Những lời dạy vàng ngọc của đức Phật do tu Thiền mà thành tựu đã trải qua hơn 26 thế kỷ vẫn còn là ngọn đuốc sáng soi đường cho con người xây dựng nếp sống bình yên, an vui và hạnh phúc trọn vẹn. Đạo Phật đã hiện hữu sáng ngời theo dòng thời gian và tồn tại cho đến ngày hôm nay chính yếu vào việc thăng hoa tuệ giác tâm linh và đạo đức con người. Từ đó, đức Phật hiện thân người, biết rõ thực tại khổ đau của con người và tìm được lối thoát cho con người. 

Ngài từ bỏ con đường tư duy và cuộc sống bế tắc của các lối Thiền ngoại đạo, đến cội Bồ-đề tham Thiền nhập định. Trong suốt 49 ngày đêm, Ngài đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn, thấy rõ con người từ đâu đến, sau khi chết đi về đâu và biết rõ phương cách thoát khỏi sinh-già-bệnh-chết của kiếp người. Trạng thái giác ngộ ấy trải qua ba giai đoạn: đầu đêm Ngài chứng tuệ giác Túc Mạng Minh, giữa đêm chứng tuệ giác Thiên Nhãn Minh và cuối đêm chứng tuệ giác Lậu Tận Minh. Ngài ngồi dưới cội Bồ-đề 49 ngày đêm Thiền định nhằm phát minh chân lý cuộc đời. Khi định đã sâu, tâm an nhiên, lặng lẽ nên trí tuệ sáng suốt, do đó chứng Tam minh và thành Phật.
 
Khi tâm an định, trong sáng, Ngài liền nhớ lại vô số kiếp về trước đã từng ở đâu, làm gì, giàu nghèo hay sang hèn… Đây gọi là chứng được Túc Mạng Minh, khi ấy tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, lặng lẽ mà hằng chiếu soi. Túc Mạng Minh đức Phật chứng đắc không phải một thứ thần thông huyền bí nào đó mà do tâm Ngài yên lắng nên nhớ lại vô số kiếp về trước như nhớ chuyện ngày hôm qua. Tất cả suy tư ấy đã nung nấu, thúc đẩy Ngài dấn thân tìm phương cách đưa người thoát khỏi khổ đau, trầm luân và an hưởng hạnh phúc chân thật, vĩnh hằng. 

Ngài nhớ lại vô số kiếp về trước một cách rõ ràng, tường tận, không thiếu xót một chi tiết nào; từ đó Ngài biết được con người từ đâu đến. Chúng ta không phải ngẫu nhiên có mặt một lần trong cuộc đời mà đã sống chết luân hồi từ vô số kiếp đến nay. Khi chứng được đạo quả sẽ thấy được lẽ thật, ai nói đúng sai về chân lý cuộc đời chúng ta đều biết rõ. 

Thế nên, trong kinh A-hàm Phật nói: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển cả”. Chúng ta phải hiểu xa hơn vì Phật nói nước mắt chúng sinh đâu chỉ một kiếp này mà vô số kiếp sống chết luân hồi, nên nước mắt ấy nhiều hơn nước biển cả.

Trạng thái chứng thứ hai là Thiên Nhãn Minh. Túc Mạng Minh là cái thấy biết về thời gian quá khứ-hiện tại-vị lai trong vô số kiếp. Thiên Nhãn Minh là cái thấy biết về không gian, thấy được sự vật hết sức nhỏ nhiệm và xa vô cùng; thấy tường tận, rõ ràng nhân quả nghiệp báo của tất cả chúng sinh. Chúng sinh có mặt trên thế gian này là do nghiệp quá khứ tạo nên tốt hay xấu mà dẫn tới thọ sinh trong hiện tại, tuy là con người nhưng không ai giống ai vì nghiệp báo bất đồng. 

Trong Kinh đã nói khi chứng được Thiên Nhãn Minh Ngài thấy trong bát nước có vô số vi trùng, 26 thế kỷ trước khoa học chưa tiến bộ nên không có kính hiển vi nhưng đức Phật đã thấy được vô số vi trùng trong bát nước. Hồi xưa ít ai tin lời Phật vì đâu có gì chứng minh. Có một lần, vị Tỳ-kheo chứng A-la-hán đi đường xa, khi qua sa mạc ngài khát nước quá lại gặp cái ao hơi cạn nên định lấy nước uống. Khi dùng Thiên Nhãn Minh ngài thấy vô số vi trùng trong nước nên không dám uống, đành chịu khát mà về đến Tịnh xá. Về đến nơi Ngài trình cho Phật biết, Phật nói: “Tại sao ông không dùng con mắt thường của mình để nhìn”. 

Như vậy, rõ ràng cách nay hơn 2600 năm Phật đã thấy được vi trùng, các vị A-la-hán cũng thấy được vi trùng, nên trong Luật dạy quý Tăng Ni đi đâu phải mang theo đãy lọc nước vì sợ uống nước sẽ giết hại vi trùng. Ngày nay chúng ta không mang đồ lọc nước theo vì nước đã được lọc sẵn. Đó là nói về vật rất nhỏ; còn vật xa, Phật nhìn trong bầu vũ trụ thấy có hằng hà sa số thế giới, tức là thế giới nhiều như cát sông Hằng Ấn Độ.

Ngày xưa, một số người cho rằng trời tròn đất vuông có giới hạn, nhưng Phật nhìn thấy ngoài hành tinh của chúng ta còn có vô số hành tinh khác. Hồi xưa đâu có kính viễn vọng, Phật dùng Thiên nhãn thấy được vật ở rất xa, rất nhỏ; do đó Ngài thấy được tường tận nghiệp quả của tất cả chúng sinh thăng lên lộn xuống luân hồi tái sinh, hưởng phước an vui hạnh phúc hay bị sa đoạ khổ đau là do mình tạo lấy. Trong một bài Kinh Phật nói: “Ta nhìn thấy chúng sinh theo nghiệp tái sinh luân hồi trong ba cõi sáu đường giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy kẻ đi qua người đi lại rõ ràng”.

Chính vì vậy, Phật khuyên chúng ta không làm các việc xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp để hưởng phước báo trong cõi lành; còn tạo nghiệp dữ thì bị đoạ vào chỗ xấu ác, khổ đau. Những gì Phật thấy và nói lại trong Kinh điển là do Ngài tu chứng và thấy biết đúng như thật chứ không phải do ý thức suy luận viễn vông. Những bài Kinh Bổn Sinh hay Bổn Sự chúng ta đọc được trong tạng chữ Pali hoặc chữ Hán là những bài kinh nói vô số kiếp về trước của đức Phật và các vị Thánh đệ tử. 

Kinh Bổn Sinh nói về tiền kiếp nhiều đời của đức Phật. Kinh Bổn Sự nói về quá khứ của các vị Bà-la-môn hay các vị Tỳ-kheo đời trước đã từng làm gì, ở đâu và bây giờ thọ quả báo thế nào. Như vậy, những sự việc của chư Tăng xảy ra trong thời đức Phật Ngài đều thấy rõ từ những kiếp trước, Ngài nói và người sau ghi chép lại gọi là Kinh Bổn Sự. Những sự việc của Ngài về vô số kiếp trước gọi là Kinh Bổn Sinh. Do nghiệp đã tạo mà sinh ra chỗ tốt hay chỗ xấu chứ không phải ngẫu nhiên, cũng không phải do đấng thần linh, thượng đế nào có quyền sắp đặt, định đoạt số phận của muôn loài chúng sinh.

Trạng thái chứng thứ ba là Lậu Tận Minh. “Lậu” là lọt, là rớt, không còn rớt trong ba cõi sáu đường tức là chứng được Lậu Tận Minh. Đây là vấn đề then chốt và chủ yếu mà Ngài muốn tìm để giúp thân phận con người thoát khỏi sinh-già-bệnh-chết. Do chứng được Lậu Tận Minh nên Ngài biết rõ nguyên nhân đi trong sinh tử luân hồi và cách dứt khỏi luân hồi sống-chết. Chính bản thân Ngài đã thoát ra được và đi giáo hoá suốt 49 năm; bị người vu oan giá hoạ, bị người chửi mắng, hãm hại đủ mọi cách nhưng Phật vẫn bình thản, an nhiên, tự tại chứng minh cho đời sự trong sạch của mình, đã hoàn toàn giác ngộ, giải thoát và thành Phật. 

Trước khi nhập diệt, Ngài báo cho tứ chúng đồng tu biết được ngày giờ ra đi trước ba tháng. Cho nên, Thiền định là con đường thể nghiệm sâu sắc về chính mình, giúp mọi người vượt qua cạm bẫy cuộc đời để sống bình yên, hạnh phúc và tự tại, giải thoát.
 
Tam Minh là quá trình Thiền của đức Phật trong đêm Thành đạo dưới cội Bồ đề, đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng từ Sa môn Cù Ðàm dấn thân tìm chân lý trở thành bậc giác ngộ Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.

Phật là một con người, giống như tất cả mọi người, Ngài là một hoàng thái tử dám từ bỏ quyền uy thế lực, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, dám từ bỏ tất cả những gì mà chúng ta hằng mong muốn để đi tìm chân lý sống cho con người.

Như Lai là người giác ngộ hoàn toàn, không còn bị ràng buộc và dính mắc các pháp thế gian như tham lam, sân giận, si mê, mạn nghi và ác kiến, Ngài là bậc Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Như Lai là một trong mười danh hiệu của Phật, mà Ngài thường dùng trong các bản kinh, chúng tôi tạm gọi là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Vì nó là một thực tại nhiệm mầu không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, Như Lai là bậc giác ngộ, bậc tỉnh thức và thấy biết đúng như thật.

Như Lai là bậc Ứng cúng xứng đáng được trời người tôn trọng và cung kính cúng dường, là bậc đã phá trừ các phiền não khổ đau.

Như Lai là bậc Chánh biến tri là người đã giác ngộ rộng lớn, thấy biết chân chính và không còn dính mắc các pháp trần tục ở đời như si mê, tham ái, giận dữ, ghen ghét, hận thù, cống cao ngã mạn và các sự trói buộc khác. Ngài tự do an lạc thảnh thơi và sống có hiểu biết thương yêu chân thành, mà không phân biệt người thân hay thù.

Như Lai là bậc Minh hạnh túc có nghĩa là cái thấy đầy đủ về nhận thức hành động đạt đến mức sáng suốt tột cùng. Cái thấy về vô số kiếp về trước làm gì ở đâu, cái thấy tất cả chúng sinh luân hồi sinh tử tái sinh trong ba cõi sáu đường đều do mình tạo ra. Và cái thấy biết cách làm cho con người không còn bị sinh, già, bệnh, chết chi phối.

Như Lai là bậc Thiện thệ là người đã khéo vượt qua sự sống chết, đã hoàn toàn được giải thoát một cách viên mãn.

Như Lai là bậc Thế gian giải là người đã thấu hiểu được tâm tư tình cảm bản chất của mọi chúng sinh, cũng như tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này.

Như Lai là bậc Vô thượng sĩ là người đạt tới nhân cách phẩm chất cao thượng nhất.

Như Lai là bậc Điều ngự trượng phu là người có khả năng chinh phục, chế ngự, điều động, rèn luyện giúp cho con người vượt qua cạm bẫy cuộc đời, kể cả những người khó điều phục.

Như Lai là bậc Thiên nhân sư là thầy của trời người, loài trời ở đây chúng ta thường gọi là chư thiên, là loài có phước báu hơn con người.

Như Lai là Phật, nói cho đủ là Phật đà, là người giác ngộ, là người tỉnh thức, là người thấy biết đúng như thật.

Như Lai là bậc Thế Tôn, là người tôn quý trong thế gian, sở dĩ được tôn quý vì nhân cách phẩm chất sống của người luôn từ bi và trí tuệ, hiểu biết và yêu thương, dấn thân và phục vụ, bao dung và tha thứ, sẻ chia và thông cảm, vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Người cư sĩ tại gia thường xuyên quán niệm như thế về Phật, thì tâm tư của chúng ta càng ngày càng có sức định tĩnh lắng trong, nhờ vậy chúng ta luôn sáng suốt khi học và làm việc, và chúng ta có được niềm vui sống trong tỉnh giác.

Riêng tại Việt Nam, ánh sáng tuệ giác Tam Minh của đức Từ Tôn đã được các thiền sư, cư sĩ phật tử tiếp tục thắp sáng, tạo thành những trang sử vàng son cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Tiêu biểu như ở thời Lý, Trần, vua quan và thiền sư đã khéo vận dụng tuệ giác và sống đúng như thật qua những đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn đất nước độc lập, xây dựng, phát triển quốc gia. Nhất là đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông do tu Thiền mà giác ngộ, giải thoát, mở ra dòng Thiền hiện đại Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam hướng dẫn tất cả mọi người cùng tu. 

Ở Ấn Độ có thái tử đi tu và thành Phật. Ở Việt Nam ta có vị vua từ bỏ ngai vàng, xuất gia và ngộ đạo. Đó là điểm sáng chiếu soi cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Phật do tu Thiền mà giác ngộ, các vị Tổ cũng do tu Thiền mà giác ngộ, và đặc biệt cư sĩ tại gia Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng do tu Thiền mà tự tại. Trước lúc sắp ra đi, thê thiếp, con cháu trong nhà khóc lóc um sùm, ngài mở mắt ra nói: “Các ngươi làm mờ chân tánh ta”, nói xong ngài an nhiên, tự tại ra đi.
 
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TU THIỀN

Tu Thiền muốn có kết quả tốt đẹp, tâm an định và trí tuệ phát sinh để sống bình yên, an vui, hạnh phúc thì mọi người cần phải nắm vững những điều căn bản sau đây:

1. Không trực tiếp sát sinh hại vật, xúi bảo người khác giết hại hoặc vui vẻ đồng tình khi thấy người khác giết hại. Người có tâm sát sinh hại vật thì không bao giờ có thể Thiền định, vì trong các nghiệp xấu ác nặng nhất là tội giết hại. Kẻ giết người cùng kẻ bất hiếu với cha mẹ cũng không thể Thiền định. Muốn tu Thiền được kết quả tốt đẹp chúng ta phải từ bỏ giết hại, bởi khi giết vật mắt thấy, tai nghe chúng giãy giụa đau thương nên chủng tử đó huân tập vào tàng thức, lâu ngày ta thấy con vật la khóc đến đòi nợ. Người giết hại nhiều hay lo lắng, sợ hãi, bất an nên trong tâm lúc nào cũng day dứt, khó chịu.
 
Người tại gia vì gia đình, người thân nên phải làm việc để có nguồn thu nhập, vẫn phải ăn mặn để đủ sức khoẻ mà dấn thân đóng góp, phục vụ; nhưng nên ăn mặn theo Tam tịnh nhục, không trực tiếp giết hại, không xúi bảo người khác giết hại, không vui vẻ đồng tình khi thấy người khác giết hại. Ta có quyền mua thịt cá đã làm sẵn hoặc đã nấu chín, nếu mua thịt cá mần sẵn thì phải để ý kiểm tra, đừng mua đồ ương thối tuỳ theo kinh nghiệm mỗi người. Người hay sát sinh hại vật tức làm khổ chúng sinh nên không có lòng từ bi, do đó khó mà Thiền định được kết quả tốt đẹp.

2. Không gian tham trộm cướp, lấy tài sản của cải người khác. Trộm là lén lấy, cướp là công khai lấy. Muốn Thiền định mà trong tâm cứ tính toán làm sao để lấy của người khác thì chắc chắn không bao giờ tâm an định. Nhân trộm cướp quả hiện đời bị tù tội và nghèo khổ, thiếu thốn. Cho nên, người tại gia tu Thiền mà còn bệnh này tức lòng tham lam, ích kỷ quá nhiều, do đó không thể đạt kết quả như ý muốn.

3. Người hay tà dâm cũng vậy, vì lòng dục nặng nề thích đắm sắc mê hoa nên lúc nào cũng toan tính, tìm cách chiếm đoạt để hưởng thụ khoái lạc dục tính. Muốn được như vậy trước nhất người tà dâm phải nói dối “tôi không hạnh phúc” hay “tôi bị bắt buộc”, cốt để làm sao cho người khác phái tin mình. Tham lam, dối gạt để hưởng thụ cho riêng mình là thói quen xấu nhiều đời nhất của đấng mày râu. Dù có vợ đẹp con xinh nhưng vẫn muốn kiếm thêm, vẫn ham thích của lạ để chứng tỏ khả năng chinh phục. 

Báo chí vừa qua cũng đã đăng tin các đại gia bỏ tiền mua dâm với một số người mẫu, hoa hậu với số tiền quá cao trong một lần quan hệ. Quan niệm chồng chúa vợ tôi, trai năm thê bảy thiếp là tập tục trọng nam khinh nữ phát xuất từ thời phong kiến. Vua có quá nhiều cung phi mỹ nữ nên ít có ông nào sống thọ. Vậy muốn tu Thiền có kết quả tốt chúng ta phải biết tiết chế trong sinh hoạt tình dục bằng cách sống thuỷ chung “một vợ một chồng”. Người quá nặng tính dục sẽ giảm sức khoẻ, tinh thần không sáng suốt nên ngồi Thiền khó an định, do đó tâm niệm cứ lăng xăng dính mắc “ta-người-chúng sinh”.

4. Người hay nói dối để lừa gạt hoặc hại người cũng khó lòng Thiền định vì tâm tư lúc nào cũng tính toán hơn thua, tìm cách sén bớt của người. Tâm không ngay thẳng, hay nghĩ điều tà dại như nói dóc, nói láo để lừa gạt, khoe khoang, nói lời mắng chửi nặng nề tức tâm nóng giận, thù hằn chất chứa nhiều trong lòng. Hạng người như vậy cũng khó mà Thiền định an ổn. Cho nên, muốn tu Thiền đạt được kết quả phải buông xả phiền não tham-sân-si, phải giữ giới không nói dối hại người hoặc nói lời hằn học, mắng chửi.

5. Uống rượu hoặc dùng các chất kích thích, ăn uống đồ độc hại, hút chích xì ke ma tuý thì càng không thể Thiền định vì tinh thần mê muội, thân thể bất an, không có tinh thần tự chủ. Khi ta tiêu thụ những thứ trên quá nhiều sẽ làm tàn hại thân tâm, bệnh hoạn, si mê, cuồng loạn; làm hại mình, hại gia đình, người thân và xã hội. Hạng người như thế lúc nào cũng tìm cách lừa gạt của người khác, nếu làm có tiền cũng tiêu tốn hết vào đó. Gia đình nào có những con người như thế sẽ khổ đau vô cùng cực vì làm khổ chính mình lẫn gia đình, người thân. 

Nếu ghiền những thứ đó mà không có tiền thì phải trộm cướp, lừa gạt của người khác bằng mọi cách. Một xã hội có nhiều con người như vậy trước sau cũng sẽ tan nhà nát cửa, đất nước loạn lạc, khủng hoảng nhân cách đạo đức làm mất tính người. Biện pháp duy nhất giúp cho con nghiện là sống cách ly xã hội, được hướng dẫn đạo đức tâm linh để tin sâu nhân quả, được tạo công ăn việc làm tại chỗ, sống đơn giản, đạm bạc thì hoạ may mới cứu chữa được; bằng không xã hội phải xây cất nhiều trung tâm thần kinh và trung tâm cai nghiện để chứa những con người này, dần hồi nhà tù sẽ được mở rộng để dung nạp nhiều kẻ lừa gạt, trộm cướp, biếng nhác, ăn không ngồi rồi. 

Hiện nay xã hội chỉ chữa bệnh tạm thời trên phần ngọn nên tốn kém, mất mát, hao hụt quá nhiều; muốn giúp thế gian giảm bớt tệ nạn xã hội chỉ có cách duy nhất làm sao hướng dẫn mọi người tin sâu nhân quả, gieo nhân tốt gặt quả tốt, gieo nhân xấu gặt quả xấu.

Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển toàn diện về mọi mặt, nếu con người không ý thức và có hiểu biết chân chính thì chỉ được lợi ích vật chất bên ngoài. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang sống chung với ô nhiễm môi trường, ô nhiễm văn hóa phẩm đồi truỵ, ô nhiễm thực phẩm đồ ăn thức uống, hầu như đại đa số mọi người đều dùng những hoá chất độc hại đưa vào cơ thể do nhu cầu sự sống. Ngành quản lý chức năng cần hạn chế cấp giấy phép một số hoạt động có tác hại lớn như các quán nhậu, các làng nướng, vũ trường… đang mọc lên như nấm mà không có giờ giấc hạn chế. 

Cơ sở giáo dục chưa phù hợp với sự hiểu biết của con người nên không có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa học tập, làm việc và tu dưỡng đạo đức tâm linh. Việc thay đổi, phát triển, mở mang là điều tốt nhưng phải dựa theo trình độ dân trí, nếu phát triển quá nhanh sẽ làm con người không theo kịp, thành ra phản tác dụng và làm tổn hại trở lại. Có tiện nghi vật chất đầy đủ mà không có tinh thần sáng suốt cùng hiểu biết chân chính thì nguy hiểm vô cùng vì sẽ đưa con người vào hố sâu tội lỗi.      
   
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, muốn mọi người sống thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vị tha, biết cảm thông và tha thứ, biết bao dung và độ lượng, hay san sẻ và nâng đỡ bằng tình người trong cuộc sống thì trước nhất ta phải tin sâu nhân quả, tin nhân quả luôn theo ta như bóng với hình, dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện. Ta tin tâm mình là Phật, siêng năng cố gắng làm lành, buông xả tâm niệm về hành động xấu ác. Ta tin bản thân có khả năng làm được tất cả mọi việc trên thế gian mà không phải cầu khẩn, van xin một đấng quyền năng nào đó. Chính ta là chủ nhân của bao điều hoạ phúc. 

Ngày xưa khi ta chưa biết tu thì ý nghĩ xấu phát sinh ra lời nói, dẫn đến thân giết hại, trộm cướp, lừa gạt của người khác; bây giờ biết tu rồi ta suy nghĩ điều thiện, miệng nói lời từ ái, chân thật, sống bao dung, giúp đỡ người khác. Chúng ta chỉ cần thay đổi nhận thức thì nhân quả xấu sẽ từ từ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng ta phải bền chí, kiên trì, đừng ham mau lẹ mà trở thành tham lam. 

Mình mới tu Thiền chỉ có vài năm mà muốn có kết quả liền thì không thể được vì vô số kiếp khi chưa biết tu ta đã huân tập biết bao nhiêu thói hư, tật xấu; nay biết tu rồi chỉ cần kiên trì, bền bỉ lâu dài thì việc gì cũng có thể làm được; ví như tấm gương sáng lâu ngày bị bụi bám đầy, ta chỉ cần lau bụi phiền não tham-sân-si, ganh ghét, tật đố, ích kỷ, mê muội chất chứa hại người cho đến khi nào bụi hết thì gương tự trong sáng.

6. Người tu Thiền mập quá cũng khó tu vì ăn nhiều là do lòng tham đắm, không biết làm chủ trong ăn uống, thân thể chậm chạp, mệt mỏi, ngồi lại vọng niệm lăng xăng khó điều phục. Người quá mập nếu là phụ nữ có chồng sẽ bị chồng chê và khó có được hạnh phúc thật sự, khó Thiền định được vì khi ngồi lại cảm thấy khó khăn, chộn rộn, mệt mỏi, hoặc Thiền đi, Thiền lạy cũng chậm lụt hơn người thường. 

Muốn tu Thiền để được kết quả tốt đẹp ta phải điều hoà, cân bằng sức khoẻ. Thí dụ mình cao 1m60 thì trong lượng cơ thể cho phép 56 kg, giữ quân bình như vậy thì ta tu Thiền rất nhẹ nhàng vì mình làm chủ được ăn uống là đã biết tu rồi. Nếu không có đủ khả năng làm chủ trong ăn uống thì ta điều hoà thân thể tối đa là 59 kg hoặc thấp nhất là 53 kg, chỉ cần làm chủ trọng lượng cơ thể là chúng ta đã biết cách tu Thiền.
 
7. Người ốm quá là người bệnh hoạn, suy dinh dưỡng, thiếu sức khoẻ nên thân thể đau nhức, mệt mỏi, tinh thần rối loạn, hay lo lắng. Thân thể không khoẻ mạnh thì tinh thần không sáng suốt nên cũng khó định tâm trong lúc Thiền.

Ngoài những đòi hỏi trên thì người tu Thiền phải biết cung kính, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, phải chăm sóc dưỡng nuôi khi cần thiết và khi tuổi già sức yếu; ngoài ra còn biết bố thí, cúng dường người tu hành chân chính và người khó khăn, nghèo khổ, biết làm các việc phước thiện như ấn tống kinh sách, băng đĩa, từ thiện giúp đỡ người bất hạnh khi có nhân duyên. Có bố thí, giúp đỡ, sẻ chia ta mới xả bỏ tâm tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiệt nhiều đời; nhờ vậy tâm từ bi giúp người cứu vật được phát triển từ trong gia đình, người thân rồi lan rộng đến người ngoài xã hội.

Nói tóm lại, trước khi tu Thiền chúng ta cần phải có một hiểu biết chân chính, nhận thức sáng suốt, tin sâu nhân quả, tin chính mình và quyết tâm bền chí phải Thiền trong mọi oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt cho có chừng mực, giữ giới không làm tổn hại thân tâm mình, người và vật. Đó là phương pháp chung dành cho người tu Thiền, nhưng còn tuỳ sức khoẻ, hoàn cảnh cuộc sống của mỗi người mà chúng ta biết cách áp dụng sao cho bản thân được bình yên, an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. 

Chúng ta biết áp dụng Thiền đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi thì ngày càng giảm bớt phiền não tham-sân-si và phát sinh trí tuệ, nhờ vậy tăng trưởng lòng từ bi thương xót giúp đỡ người và vật khi có nhân duyên. Cứu giúp một người qua cơn hoạn nạn và giúp họ biết tin sâu nhân quả, hay nói cách khác ta cho họ con cá cũng cần phải cho họ cần câu và chỉ cách câu. Con cá chỉ là phương tiện ban đầu, cho họ cái cần câu thì họ mới biết cách vượt qua nỗi khổ, niềm đau và sống an vui, hạnh phúc.

Thiền mà chúng tôi đang hướng dẫn ở đây là đi vào đời sống gia đình và xã hội, ai muốn sống tốt, không làm tổn hại người khác thì ngay bây giờ phải biết tu tâm sửa tính để quay về con người tâm linh của chính mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi tu Thiền thành tựu đã giáo hoá 49 năm không biết mệt mỏi, nhàm chán vì Ngài không thấy ai là kẻ thù mà chỉ thấy người chưa thông cảm với nhau mà thôi. 

Dù bị người hãm hại đủ mọi cách nhưng Phật vẫn không buồn phiền mà còn thương họ nhiều hơn vì Ngài đã sống được với tâm thanh tịnh, sáng suốt. Người không biết tu Thiền khi gặp việc xấu sẽ tìm cách trả thù trở lại nên nhân quả vay trả, trả vay không có ngày thôi dứt.

Còn nữa...

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm