Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 16/08/2013, 14:54 PM

Thư gửi mẹ

Con thấy lạc lõng, chơi vơi, thấy mình bị bỏ rơi không biết đi đâu, về đâu. Chán nản cuộc đời sắp sa ngã thì cũng may con được biết đến Phật pháp. Đến với đạo Phật, con thấy mình cởi mở, biết trải rộng lòng mình với mọi người

Mẹ kính yêu!

Hình như đã 5 năm rồi mẹ con mình không sống gần nhau mẹ nhỉ? Thời gian trôi qua nhanh thật. Mới đó con đã 18 tuổi rồi. Tuy con không dám nói mình lớn, nhưng suốt 3 năm lam lũ kiếm tiền, con đã đủ chín chắn để quyết định con đường mình đi, mẹ ạ. Càng ngày con càng cảm thấy có một khoảng cách vô hình nào đó ngăn cách mẹ con mình. Cũng phải một năm, mẹ và con chỉ gặp mặt được 15 ngày là nhiều. Con chưa bao giờ tâm sự với mẹ điều gì. Mẹ cũng không hiểu được con của mẹ nghĩ gì và cần gì.

Mẹ biết không, suốt thời gian dài con sống trong u mê, sống như khúc gỗ, không hề quan tâm đến gì khác ngoài việc kiếm tiền. Con luôn nghĩ, có tiền mới làm cho cuộc sống mình vui hơn. Con lao vào việc làm thêm. Con làm ngày, làm đêm. Con phải kiếm thật nhiều tiền để vứt bỏ cái nghèo đang đeo bám. Con luôn nghiêm khắc với bản thân và mọi người. Con không cho phép mình nghỉ ngơi hay chuyện nào khác. Hầu như chỉ trừ 6 tiếng ngủ đêm, thời gian ngày của con chỉ dành cho việc kiếm tiền. Dần dần con trở thành người ít nói, ít cười và vô tâm mà không hay. Có hôm con cầm tiền trên tay mà rơi nước mắt. Chẳng thấy vui đâu chỉ thấy mình không bạn bè, cô độc, lẻ loi nơi đất lạ; mong khi về nhà sẽ tìm thấy một chút hơi ấm gia đình và nghỉ ngơi. Nhưng áp lục  công việc từ khát vọng làm  giàu trong con vẫn không thể  rũ bỏ. Con cảm thấy ngột ngạt ngay chính trong ngôi nhà của mình. Ba lần về thăm, mỗi lần ngôi nhà lại đổi khác. Con chưa thích ứng, chưa được ngắm kỹ ngôi nhà to đẹp hơn ngày xưa con ở thì lại tất tả ra đi. Và mỗi lần con về, cha mẹ lại cãi nhau. Cũng xung quanh chuyện tiền bạc.

Mẹ biết không con rất mong gia đình có được một bữa cơm đông đủ mọi người trong nhà, nhưng cuối cùng chỉ có mình con cùng đứa em gái bên mâm cơm. Con thấy lạc lõng, chơi vơi, thấy mình bị bỏ rơi không biết đi đâu, về đâu. Chán nản cuộc đời sắp sa ngã thì cũng may con được biết đến Phật pháp. Đến với đạo Phật, con thấy mình cởi mở, biết trải rộng lòng mình với mọi người. Con nhận ra rằng niềm vui đồng tiền tạo ra chỉ là giả tạo. Con tìm thấy niềm vui thật sự khi bố thí, làm lành, chia sẻ khó khăn với người khác.

 
Giờ thì con không sợ nghèo nữa mà có thể sống cùng với nó và chấp nhận những gì con đang có. Phật pháp dạy con biết thương yêu, tha thứ, biết buông bỏ, không chấp cố. Nhận ra cái sân hận, si mê, tham ái là những thứ gây ra muôn trùng đau khổ. Con đã thấy mình rất hạnh phúc khi trong gia đình còn có cha mẹ và em gái. Nhưng thật ra từ lâu trong con, ngôi nhà ấy không phải là nơi để con vui sống. Con nhận ra điều đó trong lần kịp  vượt thoát sự sa ngã. Lúc đó, con thật sự thấy mình cần  tìm một nơi nào đó để nương tựa, nhưng con biết chắc không phải là  ngôi nhà êm ấm, có ba, mẹ và em gái của con nữa.

Trong chùa con mới tìm được sự an ổn, bình yên, tĩnh lặng trong tâm trí. Con như vứt bỏ bao phiền não, tranh chấp vướng mắc trong cuộc đời. Không còn tất tả bon chen, hối hả ồn áo chạy theo nhịp sống xã hội. Con cảm nhận được sự nồng ấm, sự chia sẻ, sự cảm thông từ tình thương của quý thầy, quý sư anh, quý sư chị dành cho con cùng với các phật tử khác.

Thầy có thể ngồi hàng giờ để nghe con thố lộ tâm tư, những điều con chưa bao giờ nói với mẹ hay ai khác. Con học ở thầy lòng bao dung, vị tha và một nụ cười xuất phát từ tấm lòng không vị kỷ, vụ lợi như bao người con từng gặp. Giờ đây, với mỗi tiếng niệm Phật, con như rũ bỏ  bao ưu phiền, làm quen với kinh kệ, con thấy mình không cón nóng nảy, vội vã, cộc cằn nữa mà đã biết sống từ tốn, hòa nhã rồi, mẹ ạ. Có thể nói, con lạc trong đêm tối, Phật pháp là bó đuốc soi đường con đi. Các thầy là  người chỉ cho con nẻo đường hạnh phúc.

Mẹ ạ, con đã có nơi để nương tựa tâm linh rồi. Khi con quyết định xuất gia, mẹ kiên quyết ngăn cản. Sao mẹ không tìm hiểu tại sao con chọn con đường ấy mà mẹ lại bảo con mê muội? Phải, con mê muội, nhưng là trước đây kia, mẹ ạ. Khi con còn lao vào đời để bon chen kiếm tiền, cứ tưởng mình giỏi giang khi kiếm được tiền, nhưng thật ra đang u mê mà không hay. Nay con chọn con đường tu là con đường của trí tuệ, của sự giác ngộ và giải thoát là tỉnh chứ đâu phải là mê. Con sợ cảnh bon chen của xã hội, con sợ đồng tiền, con quá mệt mỏi với cuộc sống đó. Suốt 3 năm con là nô lệ của nó. Con không muốn tự làm khổ mình giống cha mẹ nữa. Đời người chạy theo nó, cuối cùng vẫn chưa thấy đích đến. Nhiều lúc nhìn lại bản thân, con cảm thấy sợ chính mình. Mười mấy tuổi đầu đã biết chán đời. Thật sự con không thể tưởng tượng nổi, nếu không gặp được Phật pháp thì con sẽ lọt vào chốn nào của xã hội. Con biết rằng, cho đến khi nào con còn sống trong xã hội này thì con còn phải chạy theo đồng tiền đến khi ấy. Và đó là con đường con không muốn đi.

Mẹ biết vì sao con không trực tiếp nói với mẹ mà nhờ đến VHPG không? Vì con biết mẹ sẽ khóc. Đã bao lần con đứng lặng nhìn mẹ khóc lúc kinh tế gia đình sa sút, lúc mẹ phải chịu những trận đòn của ba, lúc mẹ tiễn con đi làm…Thấy mẹ khóc, con xót xa lắm. Rồi bao ký ức hiện về, con sẽ không nỡ quyết định. Con rất sợ nhìn thấy mẹ khóc. Mẹ hãy đừng khóc mà cười lên  khi con đi trên con đường tỉnh thức. Con đã có thêm gia đình tâm linh của mình.

Cuối cùng, con mong mẹ hãy dành thời gian cho em con nhiều hơn. Con biết thời buổi kinh tế gia đình đang rất khó khăn, con biết mẹ thương chúng con nên tất tả ngược xuôi để cho chúng con không thhua kém bạn bè. Vì vậy mà  cứ mỗi tuần mẹ mới về nhà một lần, cho chị em con vài chục tiêu xài rồi lại hối hả đi tiếp. Nhưng thứ tụi con thật sự cần không phải là những thứ đó, thứ chúng con cần là những bữa cơm có đầy đủ cha mẹ cùng chúng con , là những lời la rầy, những lằn roi dìu dắt. Con muốn cảm nhận sự ấm áp tình thương cha mẹ, muốn biết mình đang được cha mẹ quan tâm, dạy bảo.

Con viết những dòng này không phải để kể lể, trách móc. Chỉ mong mẹ hiểu và ủng hộ con trên con đường con đã chọn, và dành nhiều thời gian về với em con, mẹ nhé.

Tác giả: Đỗ Diễm My/ Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 35 năm 2007

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm