Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 30/06/2017, 07:43 AM

Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài: Hạnh Phổ Hiền

Sáng ngày 18/06/2017 (24/05/Đinh Dậu), Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài “Hạnh Phổ Hiền” trong loạt bài giảng mới về Bồ tát Đại thừa, nhân khóa tu thiền tại chùa Từ Tân (số 90/153, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình), với sự tham dự của hơn 700 thiền sinh và hơn 1000 phật tử xa gần.

Bài pháp thoại đã giới thiệu và làm rõ về vai trò, đặc điểm cũng như nhân quả của hạnh lễ kính Phật. Qua đó, các phật tử biết tự thực hành để vun đắp, gìn giữ lòng tôn kính tuyệt đối với đức Phật, nhằm xây dựng những điều căn bản cho việc tu tập của mình, để con đường tu học được lâu dài, bền vững.

Mở đầu bài pháp, Thượng tọa đã làm rõ nguồn gốc của hạnh Phổ Hiền. Theo đó, hạnh Phổ Hiền được trích từ kinh Hoa Nghiêm - một bộ kinh lớn nhất trong đạo Phật, mà những khái niệm cao siêu mênh mông trong đó thì vượt ngoài sức suy nghĩ con người. Khi nói về những công hạnh của các vị Bồ tát, những điều trong kinh diễn tả cũng vượt ngoài sức tưởng tượng của ta.

Hạnh Phổ Hiền tuy không đơn giản nhưng cũng dễ hiểu hơn các hạnh khác trong kinh Hoa Nghiêm. Đoạn này kể về một vị đồng tử đi tham vấn cầu học với nhiều vị Bồ tát, cuối cùng gặp Bồ tát Phổ Hiền và được Ngài dạy về mười công hạnh:

Nhất giả lễ kính chư Phật.
Nhị giả xưng tán Như Lai.
Tam giả quảng tu cúng dường.
Tứ giả sám hối nghiệp chướng.
Ngũ giả tùy hỷ công đức.
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân.
Thất giả thỉnh Phật trụ thế.
Bát giả thường tùy Phật học.
Cửu giả hằng thuận chúng sinh.
Thập giả phổ giai hồi hướng.

Đây là thập hạnh Phổ Hiền mà các chùa đều trì tụng hàng ngày, mà thật sự ai tụng thập hạnh này đều có phước.

Trong bài pháp này, Thượng tọa chỉ tập trung, làm rõ công hạnh đầu tiên, đó là “Nhất giả kính lễ chư Phật”. Như vậy điều cơ bản nhất, quan trọng nhất để thành tựu được hạnh Bồ tát trước hết phải là lễ kính chư Phật. Đó là chìa khóa để mở ra tất cả mọi công hạnh và công đức khác. Tu mà không kính Phật là ta chưa có cái nền, tu gì cũng sụp đổ. Giống như lâu đài xây trên cát, nhìn thì đẹp đẽ nhưng sụp đổ lúc nào không hay. Ngược lại, nếu có hạnh lễ kính Phật, đời tu sẽ vững vàng, dù gặp sóng gió gì họ cũng đi qua, hết kiếp này đến kiếp khác cứ đi mãi. Thế nên, hạnh lễ kính Phật rất quan trọng.

Mà tại sao hạnh lễ kính Phật lại quan trọng, quyết định cuộc đời tu hành của chúng ta như vậy?

Đầu tiên là vì nhân quả. Theo luật nhân quả, ai đã từng khởi tâm cung kính sâu xa mãnh liệt với một bậc Thánh, người đó sẽ là một vị Thánh trong tương lai. Còn ai tôn kính Phật – một bậc Thánh tuyệt đối của vũ trụ, người đó sẽ có ngày đắc thành Phật quả. Còn nói đơn giản hơn, ai lễ kính Phật thường xuyên (trong “lễ” phải có “kính”) thì những phẩm chất của bậc Thánh sẽ dần dần hiện ra trong tâm họ. 

Thông thường, cái tâm phàm phu nếu để cho tự nhiên thì chứa đầy cái hơn thua, ích kỷ, ác độc. Rồi khi được ai giảng cho những điều hay lẽ phải, chúng ta có bỏ đi cái xấu, thành tựu cái tốt đẹp trong tâm không? Nghe thì có, tuy nhiên không đủ điều kiện để thành tựu. Hãy nhìn trên cuộc đời này, tất cả mọi người đều đã được dạy về điều hay lẽ phải từ trong gia đình cho đến nhà trường, được đọc lác đác trong sách này bộ phim kia... nhưng đâu phải ai cũng đều tốt.

Cùng nghe những đạo lý giống nhau, có người tốt lên, có người vẫn không chuyển biến gì. Tại sao như vậy? Đó là những ai trong quá khứ đã từng kính trọng bậc đáng kính nào đó, thì khi nghe được đạo lý, phẩm chất Thánh mới dần dần thành tựu trong tâm họ. Còn người chưa gieo sự cung kính nơi bậc đáng kính nào trên đời, thì người này có nghe bao nhiêu lời đạo lý cũng như nước đổ lá môn, đạo lý không thể nảy nở trong mảnh đất tâm của họ, mà chuyển hóa tâm hồn cho tốt lên được. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng tôn kính bậc Thánh là chìa khoá mở ra những điều tốt đẹp cho tâm hồn là vậy.

Với những bậc Thánh, những bậc hiền triết trên cuộc đời mà ta biết tôn kính thì cái phước của ta dần dần lớn lên, còn nếu ta tôn kính được Phật nữa thì cái phước của ta là vô hạn, bởi Phật là bậc Thánh cao tột trên vũ trụ này. Người có cơ duyên gặp được Phật pháp, biết tôn kính đức Phật là đang ở một đẳng cấp cao hơn so với những người khác. Ta không muốn hơn thua nhưng rõ ràng khác nhau.

Vậy tại sao có những người lạy Phật mà vẫn không thuộc một đẳng cấp khác? Vì cái thiệt thòi của ta là sinh ra đời không được gặp đức Phật thật sự, ta chỉ hiểu Phật qua ký ức được ghi lại trong kinh điển, qua những câu chuyện kể, ta chỉ lạy Ngài qua những bức tượng được tạc lên, nên lòng ta chưa thể khởi lên niềm tôn kính Phật thật sự.

Nếu được gặp đức Phật thật sự, ta có thể vỡ tim vì không kiềm nổi lòng tôn kính, sự xúc động. Đó là lý do tại sao vào thời đức Phật người tu rất dễ chứng đạo, bởi khi gặp được Phật thì khó ai kiềm nổi lòng tôn kính dâng lên ngút ngàn. Cái thiệt thòi của chúng ta là sinh ra đời cách Phật đã xa, không gặp được Phật, đó là ta chưa kể đến những âm mưu, những luận điệu hiểm độc làm khuấy đảo lòng kính Phật nhằm tiêu diệt đạo Phật.

Cho nên trong thời cách Phật đã xa, con người không còn niềm xúc động đối với đức Phật như xưa, mà ai vẫn nguyện tôn kính Phật tuyệt đối thì người đó thật sự là viên ngọc lấp lánh hiếm hoi giữa thế gian này. Trong chúng ta nếu ai đã phát nguyện về lòng tôn kính Phật, hãy kiên cường giữ vững điều này trong lòng mình đến độ sống là vì lòng kính Phật mà sống, chết là vì lòng kính Phật mà chết, ngoài ra mọi điều là vô nghĩa.

Một lý do nữa khiến cho con người khó khởi lòng tôn kính Phật là vì sức mạnh nội tâm của mỗi người khác nhau. Chúng ta hãy so sánh: Với bố mẹ mình ta có tình cảm kính trọng, với bạn bè mình ta chỉ có cái thích vì cảm tình thôi. Và tâm lý nào làm ta thấy thoải mái hơn? Rõ ràng cái thích với bạn bè thì thoải mái, nhẹ nhàng hơn, ta ít phải cố gắng; còn lòng kính trọng với cha mẹ thì phải cố gắng, nhiều khi phải gồng mình mới có được. Đó là lý do mà những đứa trẻ khi lớn lên rồi đều thích các mối quan hệ bạn bè hơn là với cha mẹ. Vậy để có lòng kính trọng với cha mẹ mình, tâm ta phải có sức mạnh. Tâm không có sức mạnh thì chơi với bạn bè thoải mái được, nhưng sẽ khó khởi lên lòng kính trọng với cha mẹ. 

Từ ví dụ này ta mới hiểu ra rằng người không đủ sức mạnh tự trong tâm thì không khởi lòng tôn kính ai được. Nên khi thấy một người hời hợt, nói năng bỗ bã, không lễ độ khiêm cung, ta hiểu ngay rằng nội tâm người này không có sức mạnh, nên không đủ sức khởi lên lòng kính trọng với ai. 

Hoặc khi nghe về cuộc đời của một vĩ nhân, có người đọc xong thì xúc động dạt dào, niềm kính phục vỡ òa ra; có người đọc xong lòng trơ trọi như sỏi đá. Người dâng trào niềm cảm xúc yêu kính được là vì họ có đạo đức, nội tâm có sức mạnh; còn người nghe rồi trơ trơ hờ hững là bởi vì đạo đức của họ hời hợt, nội tâm thì yếu đuối. Cho nên tình cảm kính trọng đòi hỏi một sức mạnh rất lớn trong nội tâm chứ không phải dễ. 

Đức Phật là tột cùng của những điều thánh thiện, vì thế Thượng tọa hay nhắc mọi người phải tôn kính Phật tuyệt đối. Tuy nhiên, mức độ tôn kính trong tâm mỗi người khác nhau là do sức mạnh của nội tâm khác nhau. Người ít trí tuệ, ít có phước, ít có đạo đức, họ cũng khởi lên lòng tôn kính Phật, nhưng ở mức độ thấp. Còn một người có phước nhiều, có ý chí, có trí tuệ, có sức mạnh nhiều thì lòng tôn kính đức Phật của họ cứ lớn dần, và chính lòng tôn kính này sẽ đưa họ ngày càng gần đến Thánh quả Tu Đà Hoàn.
 
Bồ tát là bậc phi thường, trí tuệ cực kỳ sáng, nội tâm cực kỳ mạnh, nên các Ngài mới đủ sức để dâng lên Phật niềm tôn kính tột độ. Vì thế khi nói đến mười hạnh Phổ Hiền, trong đó công hạnh thứ nhất là lễ kính chư Phật thì chúng ta phải hiểu rằng thật sự chỉ những bậc Bồ tát mới đủ sức lễ kính Phật với niềm tôn kính sâu xa tuyệt đối, còn lại đa số chúng sinh đều lễ kính Phật ở mức độ hời hợt mà thôi.

Để biết các vị Bồ tát lễ kính chư Phật như thế nào? Trong kinh diễn tả lại lời dạy của Ngài Bồ tát Phổ Hiền rằng: trong thế giới này có bao nhiêu hạt bụi, mỗi một hạt bụi đó là một cõi Phật, trong cõi Phật đó có một đức Phật thuyết pháp giáo hoá chúng sinh, thì Bồ tát đi đến từng cõi Phật để lễ kính Phật với tất cả lòng tôn kính.

Ta không thể đến từng cõi Phật để lễ kính Ngài với tất cả lòng tôn kính giống như các vị Bồ tát. Mà để thành tựu được mức đầu tiên trong 10 hạnh Phổ Hiền, ta phải lễ kính Phật vô lượng vô biên. Nếu số lượng đức Phật nhiều vậy thì ta lễ đến lúc nào mới xong? Nhưng nếu không làm được thì ta không thể tu hạnh Phổ Hiền. Giờ thu nhỏ trong phạm vi thế giới này, muốn tu tập và bắt đầu đi vào hạnh Phổ Hiền, khi lễ Phật tâm ta phải hiểu rằng một Phật là vô lượng Phật. Trong đó, Phật Thích Ca là đức Phật gốc. Hiểu thế thì công đức của ta mới vô lượng, vô biên. Nên biết rằng một đức Phật cũng tức là vô lượng Phật, đây là điểm rất độc đáo trong giáo lý của Bồ tát Đại thừa.

Tuy nhiên, nếu một Phật là tất cả Phật thì tại sao Ngài Phổ Hiền dặn ta phải đến vô lượng cõi trong vũ trụ để lễ Phật? Bởi đạo đức có sẵn trong tâm luôn thúc đẩy ta đi tìm để chiêm ngưỡng, lễ bái, học hỏi những vị Thánh. Đây là sự thúc đẩy tự nhiên của đạo đức. Khuynh hướng tự nhiên này nhiều khi là bản năng của bậc Thánh.

Như chúng ta hay nghe từ hành hương. Ngày nay, hành hương là đi từ điểm tâm linh này qua điểm tâm linh khác để lễ Phật, cầu nguyện. Nhưng chữ hành hương ngày xưa khác hơn, đó là đi tìm những bậc đắc đạo. Để tìm được Bậc thiền sư tham vấn rất cực vì phải đi rất xa. Thế nên, việc hành hương được coi là công đức bởi nó xuất phát từ đạo đức của những người khát khao tìm về Bậc Thánh. Hiểu lễ kính Phật mà Ngài Phổ Hiền dạy, trong đó có cái nghĩa hành hương là ta phải hiểu là đến tìm, chiêm ngưỡng, lễ bái đức Phật chứ không phải lễ kính là ở một chỗ để lạy. Đến tận nơi, ta mới chứng kiến được sự vĩ đại của Ngài, từ đó dâng trào được lòng tôn kính vô hạng. Ngay lúc đấy, ta chứng được quả Tu Đà Hoàn. 

Có người hỏi rằng phải còn lâu lắm thì một đức Phật nữa mới xuất hiện, nhưng đừng lo lắng, vì Phật Di Lặc ở cõi trời Đâu Suất đang chờ ta, bỏ thân này ta lên gặp Phật Di Lặc, ngay đó ta sẽ thành tựu được hạnh tôn kính Phật tuyệt đối.

Hôm nay khi học về hạnh tôn kính Phật, chúng ta nhắc nhau về lòng tôn kính Phật tuyệt đối, đó là một đạo đức cao tột, là chìa khoá căn bản để mở ra những chân trời công đức khác. Tuy nhiên trong cuộc đời nhiễu nhương thật giả lẫn lộn này, nếu không cảnh giác thì có khi ta đặt nhầm niềm cung kính rất nhiều vào một đạo sư giả hiệu, khi đó ta bị thiệt thòi, bị lợi dụng, dẫn đến việc ta mất hết phước cũng như căn lành.

Ngày nay có những bậc đạo sư được những thế lực, những tổ chức chính trị dựng lên để lôi kéo tín đồ, lôi kéo quần chúng, sau khi lôi kéo được rồi họ sẽ gieo rắc những lý luận tà vạy phá hỏng hết đạo lý Phật dạy. Chẳng hạn phủ nhận nhân quả, đề cao thần thông phép lạ và niềm tin; hay phủ nhận mục tiêu giải thoát, chỉ khuyên mọi người hướng về một cõi tạm nào đó sau khi chết, lúc sống thì dồn hết lòng kính trọng cho đạo sư. Còn ta vì dễ tin quá, vì kính trọng quá nên ta chấp nhận cái đạo lý giả hiệu đó. Thế là từ chánh kiến ta bỗng trở thành tà kiến, uổng phí cả cuộc đời.

Chúng ta thấy rằng: quý thầy càng chân chính chừng nào thì lại càng khiêm hạ chừng nấy, không bao giờ dám xưng mình là Thánh. Còn những thế lực dựng lên những bậc đạo sư giả hiệu thì họ không từ bất cứ điều gì, bao nhiêu điều đẹp nhất cao siêu nhất họ đều tự nhận để dụ dỗ quần chúng. Người phật tử có thể theo một vị thầy đến mười năm nhưng chưa bao giờ nghe thầy nói là thầy đã đắc đạo, đã chứng Thánh nên trong lòng vẫn khát khao được tìm thấy một bậc Thánh trong cuộc đời này. 

Sự ray rứt đi tìm một bậc Thánh thật sự là tốt, là đạo đức, nhưng chính nó là một kẽ hở của đạo đức khiến ta bị lợi dụng. Thế là kẻ xấu dựng lên một bậc đạo sư giả và ta bị thu hút theo. Từ con người có đạo đức, có chánh kiến, chỉ vì cái dễ tin mà ta bị thu hút về với tà kiến, đây là điều rất là uổng phí. Mọi người hãy lưu ý điều này để cẩn thận với những ai tự xưng là đạo sư trong thời đại hôm nay.

Trở lại vấn đề lễ kính Phật. Khi lễ kính Phật, để có công đức thì ta cần cả số lượng lẫn chất lượng. Số lượng là lễ nhiều hay ít, chất lượng là lòng tôn kính cao hay không. Đó là hai khía cạnh về chất, về lượng trong việc lễ Phật. 

Bồ tát Phổ Hiền dạy cho Thiện tài Đồng tử rằng: bao nhiêu vi trần trong thế giới này cũng là bấy nhiêu cõi Phật để một vị Bồ Tát phải tìm tới đảnh lễ, đó là nói về chất hay lượng? Lượng, lượng thì phải vô biên. Còn khi lễ bái đức Phật thì tâm ta như thế nào? Tâm tôn kính Phật tuyệt đối, đó gọi là chất. Nên ở đây ta có 2 khía cạnh: lượng thì vô biên, chất thì tuyệt đối.

Chúng ta học theo lời dạy của Bồ tát Phổ Hiền, tuy nhiên thật sự ta không thể lễ Phật vô biên được, vì ta không phải là một vị Bồ tát vân du các cõi tìm Phật để lễ bái. Nên ta biết rằng lý tưởng của việc lễ kính Phật về lượng là vô biên, về chất là tuyệt đối nhưng về lượng thì ta không làm được bởi vì ta không có thời gian, không có điều kiện, ta còn rất nhiều bổn phận trong cuộc đời này. Còn về chất là tôn kính Phật tuyệt đối thì ta chưa đủ sức mạnh nội tâm, tuy nhiên dù vậy hãy phát nguyện tôn kính Phật tuyệt đối hàng ngày, rồi sẽ có ngày ta được gặp một đức Phật thật sự để lòng tôn kính tuyệt đối đó trở thành sự thật. 

Lễ kính Phật đưa đến cho ta rất nhiều quả báu. Trong đó, nhân quả đơn giản nhất là ta được những phẩm chất của bậc Thánh rớt vào tâm mình. Ngoài ra, lễ kính Phật còn mang lại cái phước rất lớn, giúp ta đạt được nhiều điều tôn quý trong đời. Vậy nhưng, phước báu này cũng là con dao hai lưỡi, ta phải hết sức cẩn thận bởi nếu không khiêm hạ để gìn giữ thì ta bị cái kiêu mạn của người có địa vị lớn, dẫn đến việc hao tổn phước. Nếu tiếp tục trau dồi, khiêm cung, ta sẽ sớm chứng quả Thánh. Giống như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông của Việt Nam vậy, các vị đó được phước trên cả hai phương diện: vừa là cái phước về địa vị (làm vua), vừa được cái phước về tâm linh (các vị đều ngộ đạo). 

Thông thường khi ai hưởng cái phước quyền quý nơi thế gian thì bị mất cái phước về tâm linh, còn ai muốn đi tìm phước về tâm linh thì đành phải khước từ cái quyền quý cao sang của thế gian. Nhưng có những vị đặc biệt được cả hai, bởi vì phước của các vị lớn quá. Mà cái phước này đến từ đâu? Thường là do:

“Nhất giả lễ kính chư Phật
Nhị giả xưng tán Như Lai
Tam giả quảng tu cúng dường...”

Thêm nữa, lễ kính Phật còn giúp ta được cái trí tuệ, nhìn nhận được mọi vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác; được dung mạo đẹp đẽ,… Tức là thành tựu được ngày càng nhiều điều tốt, xóa dần những cái nghiệp đã gieo ngày xưa. Ngày xưa ta đã từng làm những điều xấu ác, đáng lẽ quả báo sẽ đến tương đối tàn khốc, nhưng vì ta lễ kính Phật quá nhiều nên quả báo đến một cách nhẹ nhàng, ta trả rất dễ chịu. 
Rồi những may mắn, những cơ hội trong đời bỗng nhiên dễ đến với ta nhiều hơn, đó là những phản ứng phụ, những cái phước phụ do lễ kính Phật mà có.

Tóm lại, bằng các điển tích, điển cố trong kinh, cùng những kiến thức sâu dày tích lũy được từ quá trình tu tập, Thượng tọa đã phân tích, làm rõ cho các phật tử thấy được tầm quan trọng của lòng tôn kính Phật đối với cuộc đời và sự nghiệp tu hành của mỗi chúng sinh. Nhờ đó, mọi người biết cách tu tập, rèn luyện để khởi lên được niềm yêu kính tuyệt đối với đức Phật. Đồng thời, biết vun đắp, bảo vệ tình cảm đó của những người xung quanh, cùng nhau xây dựng một đạo Phật phát triển, hưng thịnh, vì tình cảm của lòng tôn kính Phật tuyệt đối còn có giá trị gìn giữ đạo Phật được tồn tại lâu dài, bền vững. 

Bất kỳ tôn giáo nào, muốn tồn tại thì đệ tử phải tôn kính Bậc đạo sư của mình. Lòng tôn kính càng cao thì tôn giáo càng phát triển. Cho nên, nếu tất cả đệ tử Phật đều có tình cảm tôn kính Phật tuyệt đối thì Phật pháp mới trường tồn. Chính vì điểm này mà những kẻ có dã tâm phá hoại Phật pháp luôn tìm cách làm sao cho người đệ tử Phật mất dần lòng tôn kính Phật.

Chúng có thể giải thích lệch lạc về đạo lý khiến mọi người hiểu sai về đức Phật, hoặc chúng dùng hình Phật trang trí bừa bãi ở những nơi thấp kém nhằm tầm thường hóa hình ảnh của Ngài. Cho nên khi chúng ta đã nguyện tu hành, đi theo con đường giác ngộ đức Phật chỉ dạy thì công đức đầu tiên ta phải thiết lập là tình cảm yêu kính đối với Ngài (tức trong cái quý có cái yêu, trong cái yêu có cái kính).

Quả thật, giáo lý cũng như con đường tu tập của Phật là mênh mông, vô tận, càng học ta càng thấy mình nhỏ bé, vô minh. Ta không đủ trí tuệ để hiểu hết những đạo lý mà Ngài đã để lại, nhưng thực tế đã chứng minh, đạo Phật là tiến bộ, khoa học và đúng đắn nhất. Ta thấy mình thật may mắn khi chọn đạo Phật để tu tập, nương nhờ tâm linh. Từ đây, ta nguyện dâng lòng tôn kính tuyệt đối của mình lên đức Phật để mãi mãi đi theo Ngài đến bờ giác ngộ.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm