Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 12/07/2017, 14:31 PM

Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng về năm ấm

Chiều ngày 01/06/Đinh Dậu (24/06/2017), TT.Thích Chân Quang đã thuyết giảng tại khóa tu thiền chùa Pháp Vân, với sự tham dự của rất đông các thiền sinh, bao gồm các phật tử tại các tỉnh thành phía Bắc, các phật tử thuộc đạo tràng Phật Hạnh và chúng thanh niên phật tử Phật Quang miền Bắc tham dự.

Dịp này, Thượng tọa tiếp tục giảng giải về "NĂM ẤM". Bài Pháp thoại đã làm rõ các vấn đề liên quan đến việc hình thành và đặc điểm tâm lý của con người. Những đạo lý này như một sự động viên, sách tấn để mọi người tinh tấn hơn trong đời tu của mình. Đồng thời những người tham gia tu tập còn góp phần phát huy giữ gìn giềng mối thiền, nhằm xiển dương chính pháp của Như Lai. Dù rằng:

Ngồi thiền khó lắm ai ơi 
Nhưng mà phải tập để đời thăng hoa 
Tâm tĩnh lặng bớt cái ta 
Bao la pháp giới chan hòa yêu thương.

Thật vậy, chúng ta có thể trải nghiệm điều này trong cuộc sống của mình qua thực tế tu tập.

Đến với khóa tu này, Thượng tọa trụ trì đã tạo điều kiện cho mọi người đến chùa được tu tập, được học giáo Pháp để sống tốt đạo đẹp đời. Đặc biệt, trong số gần 1000 con người đang ngồi tĩnh tọa thì số lượng thanh niên, giới trí thức lại đông nhất. Điều này cho chúng ta cái nhìn lạc quan về tương lai đạo Phật, chỉ vì có rất nhiều người biết đến chùa học đạo lý, ngồi thiền để tìm kiếm một đời sống đạo đức toàn diện, thay vì vui chơi hưởng thụ ngoài đời.

Đi vào đề tài NĂM ẤM, Thượng tọa khẳng định thiền là giá trị cốt lõi của đạo Phật. Ngay cả những người tu tông phái khác cũng không thể phủ nhận điều này. Đức Phật đắc đạo bằng con đường thiền định, cả cuộc đời Ngài dạy về thiền và toàn bộ kinh điển để lại đều nói đến thiền. Hiện nay, những người trí thức hay người nước ngoài, khi tìm về đạo Phật họ cũng đều tìm đến thiền. 

Cho nên, là đệ tử Phật, chúng ta phải biết về thiền một cách sâu sắc, vững chắc để có thể nói và dạy lại cho người khác, nhất là những người nước ngoài.

Thời gian, do cách Phật đã xa, ngày nay có những tông phái tu tập đã rời xa mục tiêu vô ngã của Phật, thiền định đã mai một, số người tu thiền không còn nhiều.

Người ta say mê với những pháp môn mới lạ xuất hiện sau Phật cả nghìn năm, chỉ mơ về một cõi tạm nào đó sau khi chết. Nên ngày nay ai tu thiền, tham gia các khóa thiền là người đang góp phần phát huy thiền trở lại, là viên gạch xây dựng lại tòa nhà Phật giáo, vì vậy công đức rất lớn. 

Tuy nhiên, để có được công đức này, ngoài việc thực hành vất vả, ta phải nắm vững về lý thuyết. Mà muốn nắm vững lý thuyết, ta phải thực hành rất giỏi. Trước khi giỏi, ta cần đúng đã. Vậy nên, trong bài pháp này, Thượng tọa tập trung đi sâu vào 5 ấm. Đây là những giáo lý khó nhưng cơ bản, cốt lõi, ai tu thiền cũng phải nắm được.

Được biết, cấu trúc thân tâm của chúng sinh gồm 5 ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Từ cấu trúc 5 ấm này mà vô số tâm lý phát sinh. Do đó khi hiểu về năm ấm, ta sẽ hiểu rất nhiều vấn đề phức tạp, lắt léo của tâm lý. Ở Tây phương cũng có môn tâm lý học, có những bác sĩ được đào tạo để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, nhưng thật sự tâm lý học Tây phương chưa giải quyết rốt ráo những vấn đề về tâm lý của con người. 

Chỉ bằng cách thông qua năm ấm kết hợp với luật nhân quả ta mới giải quyết tận gốc những vấn đề về tâm lý. Vì mỗi một ý niệm hiện lên trong tâm ta không phải là ngẫu nhiên, đều có yếu tố nhân quả trong đó. Tại sao có những người có tư tưởng tích cực, tại sao có những người có tư tưởng tiêu cực? Không phải tại họ, mà là do nghiệp đã chi phối. Nên tâm lý học Phật giáo thấu đáo hơn rất là nhiều. Ai học, hiểu được về năm ấm cặn kẽ, thì ngoài việc đóng góp, xây dựng lại cho Phật giáo, ta còn trở thành một nhà tâm lý học sắc bén. Tuy không có bằng cấp nhưng vẫn có thể xử lý rắc rối cho mọi người, giúp họ được yên vui, hạnh phúc.

Để hiểu rõ hơn về 5 ấm này, Thượng tọa đã đi sâu, phân tích và giải thích từng ấm một. Đầu tiên là sắc ấm. 

Sắc ấm là gì? Ở cõi này ta gọi “sắc ấm” là thân xác, gồm những mô, xương, những phân tử, nguyên tử... Và chúng sinh ở mỗi cõi thì có một chất liệu hình hài khác nhau. Từ lâu con người đã đi tìm nguồn sống trên vũ trụ, hi vọng tìm thấy những chúng sinh cũng có hình hài như mình, nhưng không bao giờ tìm thấy, vì sao vậy. Vì ta lấy hình hài của ta, ta áp đặt cho thế giới khác, ta tưởng thế giới đó có hình hài như mình thì mới gọi là chúng sinh. Thật sự họ mang một dạng hình hài khác, chất liệu hình hài của họ không phải là mô, cơ, phân tử, nguyên tử như con người. Sự sống trong vũ trụ này rất là phong phú, vô tận, miễn sao họ có trí tuệ thì đều được gọi là chúng sinh.

Còn với chúng ta, nơi cái thân này ta có máu, có thần kinh, có tế bào, có chất nuôi dưỡng... Và mỗi tế bào đều có sự sống, có ý nghĩ riêng của nó. Não bộ chính là nơi phản ánh sự sống của từng tế bào, hay tâm ta là sự phản ánh của từng tế bào chứ không phải là hoàn toàn độc lập. Ví dụ như người bị mất ngón chân cái vì lý do tật nguyền hay tai nạn thì trong tâm hồn của họ xuất hiện sự biến dạng nào đó; hoặc một người thiếu máu thì suy nghĩ của họ khác với người đầy đủ máu. 

Những phản ứng của từng tế bào sẽ được tập hợp để đưa lên trên bộ não. Ví dụ như cảm giác đói bụng xuất hiện là vì toàn bộ tế bào đang đòi hỏi dưỡng chất, nó truyền tín hiệu lên não gây ra cảm giác đói. Ta nghe như bao tử đang sôi sùng sục nhưng đó chỉ là ảo giác mà thôi, vì nhiều khi máu thì nhiều dưỡng chất mà vì lý do nào đó, tế bào không nhận được nên tế bào biểu tình, truyền tín hiệu lên não gây ra cảm giác đói. Rồi khi ta càng ăn thì đường huyết càng tăng. Nên đôi khi cảm giác đói không phải do ta thiếu dưỡng chất, mà do tế bào đòi hỏi. Như vậy mỗi bào đều có suy nghĩ, đều có tâm tư, và tất cả được tập hợp lên trên bộ não.

Ngoài việc đòi dưỡng chất, mỗi tế bào còn chép lại AND để phân đôi tế bào. Như vậy, nơi mỗi tế bào đều có bản năng duy trì sự sống và tất cả được phản ánh lên não, tạo nên bản năng sinh tồn rất mạnh. Đó là lý do mà con người luôn tìm mọi cách để duy trì sự sống. Có những lúc người ta rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo khốn khó, phải sống một cách rất hèn hạ nhưng họ vẫn bất chấp, vẫn cố gắng chịu đựng để được sống. 

Cái tâm lý duy trì sự sống đó từ đâu ra? Từ từng tế bào tập hợp lại rồi phản ánh lên não. Nên cái thân gồm nhiều tế bào và mỗi tế bào có suy nghĩ của nó; có cái tâm của nó. Tập hợp lại thành cái tâm trên bộ não của ta; thành tâm hồn của ta. Cũng vì lý do đó mà nếu ta tập luyện cái thân cho khỏe mạnh thì cái tâm tự nhiên sáng suốt, tự tin, có bản lĩnh. Còn nếu để cho cơ thể yếu đuối thì tâm ta cũng sẽ kém cỏi.

Thượng tọa đã chứng minh cho quan điểm này, cho thấy cái thân nó ảnh hưởng vào suy nghĩ của ta là như thế nào. Từ đó khẳng định: ta có bổn phận phải tập luyện thể chất cho khỏe. Người nào lao động nặng, tập tạ nặng để cho cơ chắc lên cũng tốt; còn không ta tập khí công. Khí công chưa thành tựu thì không khỏe bằng tập tạ, nhưng khi thành tựu rồi thì rất khỏe. Đó là cái sắc ấm ảnh hưởng tâm hồn ta như vậy.

Kế đến là thọ ấm. Nó là tập hợp của rất nhiều cảm xúc vui, buồn, thoải mái, khó chịu, bức rức, giận dữ, v.v… Ví dụ, khi ngồi nghe Pháp lâu, sẽ xuất hiện rất nhiều cảm giác, nhưng vì yêu đạo nên cảm giác dễ chịu sẽ che lấp hết các cảm giác khó chịu, mệt mỏi, khiến ta thấy thoải mái, vui vẻ.

Còn tưởng ấm là những suy nghĩ ở mức độ cạn mà ta thấy được. Nó không phải là cơ quan để suy nghĩ, mà là cơ quan để suy nghĩ hiện ra. Giống như chiếc máy vi tính vậy, cái màn hình hiện ra hình ảnh là tưởng ấm, còn con chip và bộ nhớ, nơi diễn ra mọi hoạt động của máy vi tính là hành ấm. Tuy nhiên, màn hình (tưởng ấm) chỉ hiện ra một phần rất bé những gì mà con chip (hành ấm) đang hoạt động mà thôi. Thật ra, hành ấm hoạt động gấp triệu lần như thế. 

Ví dụ khi ta đang ngồi thiền yên tĩnh, tự nhiên tô phở hiện ra trong đầu mình. Như vậy trong hành ấm đang âm thầm “đi tìm” tô phở. Tưởng ấm không thấy hết, chỉ thấy tô phở, nhưng sự thật hành ấm đang khao khát. Dù ta xua ý nghĩ về tô phở đi thì hành ấm vẫn đang ngấm ngầm nghĩ đến, khiến vừa ngồi thiền xong là ta chạy đi mua phở ngay. 

Phải chăng, ta không thấy suy nghĩ hiện ra rõ ràng, nhưng nó đang tồn tại trong tâm. Do đó, thật sự ta chưa bao giờ biết hết mọi suy nghĩ của mình, ta chỉ thấy một phần rất nhỏ nơi tưởng ấm, còn những hoạt động sôi sục trong tâm nằm nơi hành ấm thì ta chưa thấy hết. Cho nên các vị Tổ hay nói về Bồ tát trong một sát na, tức là thoáng cái đã có hàng triệu suy nghĩ trong đầu. Câu này hoàn toàn chính xác, mà chỉ có bậc đắc đạo mới nói được như vậy. Ta tưởng một giây ta nghĩ một chuyện nhưng thực chất, 1/10 giây hay 1/100 giây, ta đang có một triệu suy nghĩ rồi. Tưởng ấm là vậy.

Tuy nhiên, hành ấm mới thực sự là chủ nhân ông, là bản ngã, là nơi điều khiển mọi hoạt động của tâm thức như: suy luận, sáng tạo, truy tìm, quyết định… Kể cả khi ta ngủ thì hành ấm vẫn âm thầm hoạt động. Với người xấu ác, hành ấm vẫn đang hoạt động theo khuynh hướng xấu ác, hoặc với người lương thiện cũng vậy, dù ta thấy họ không làm gì, nhưng hành ấm của họ vẫn đang hoạt động theo khuynh hướng lương thiện. Cho nên khi gặp chuyện họ lập tức làm điều tốt ngay không cần suy nghĩ. 

Ví dụ có người nhìn thấy đứa bé sắp bị chiếc xe tông vào, họ liền chạy tới giật đứa bé lại mà không suy nghĩ thiệt hơn. Trong tích tắc họ làm được ngay, không tính toán suy luận, nghĩa là hành ấm đang hoạt động theo khuynh hướng lương thiện ngấm ngầm bên trong. Thế nên, hành ấm có sức mạnh rất khủng khiếp. 

Sau cùng là thức ấm, nhưng do muốn dành thời gian để giải thích sự liên quan giữa con người với vũ trụ, cho nên Thượng tọa chỉ giới thiệu sơ qua, còn nội dung chi tiết Thượng tọa hẹn sẽ giải thích vào khóa tu thiền tới.

Đồng thời, để hiểu sự liên quan giữa con người với vũ trụ, trước hết mọi người cần biết vũ trụ đã được thành lập như thế nào. Đây chính là lý do khiến Thượng tọa viết ra cuốn “NHÌN VÀO VŨ TRỤ”. Thượng tọa đã đặt rất nhiều tâm huyết vào đây. Đây là cuốn sách song ngữ Anh - Việt, chỉ là những kiến thức sơ đẳng, nhưng giúp mọi người có thêm cái nhìn mới mẻ về vũ trụ. Từ đó, khi ta nghe về 5 ấm, về con người, ta mới thấy mối liên quan của chúng.

Dịp này, Thượng tọa cũng lý giải về cái gọi là “tâm hồn của ta”. Khi nói về thân và tâm thì có một câu hỏi được đặt ra: tâm hồn và não bộ là một hay là khác? 

Đầu tiên, tâm hồn và não bộ giống như là một, bởi nếu ta bị một tai nạn tác động đến bộ não thì tâm hồn ta bị tổn thương ngay, ta không còn suy nghĩ bình thường được nữa, bắt đầu quên quên nhớ nhớ, năng lực học tập mất, nhận thức kém. Cấu trúc não bộ bị hư tổn làm tâm hồn ta bị biến dạng. Như vậy tâm và não là một. 

Tuy nhiên, tâm hồn và bộ não cũng dường như khác nhau, bởi khi ta chết đi bộ não thì không còn, nhưng tâm cũng không mất đi, ta vẫn tồn tại ở một dạng sống mới là linh hồn, hay ta tái sinh nơi cõi này cõi kia. Vì vậy “tâm ta và bộ não có khác nhau không”? Đó là câu hỏi rất khó trả lời. 

Thượng tọa giải thích, ở một góc độ nào đó, chúng là một, nhưng hiểu cho sâu, chúng lại khác. Nắm rõ như vậy để ta hiểu công năng, đặc vị của con người. Cũng bộ não giống nhau mà lại có người phi thường, có người tầm thường. Đó là vì tâm và não không giống nhau, nhưng chúng có ảnh hưởng qua lại rất chặt chẽ.

Một số tác phẩm điện ảnh, vì không hiểu điều này nên mới cho rằng não ai hoạt động càng nhiều thì người đó trở thành thần thánh. Cách đặt vấn đề này hoàn toàn sai, bởi người phi thường thì não bộ càng thanh tịnh hoàn toàn, hoạt động não giảm từ 100% giảm dần xuống còn 90%, 80%, và người còn 10% đã là bậc A Na Hàm, còn người 0% là A La Hán. Bình thường não ta đang hoạt động hết 100/100. 

Ta không biết hết trong não ta có những gì, nhưng nhìn trên góc độ tâm lý thì tâm ta hay não bộ của ta chứa hai thành phần: một là năng lực, hai là phẩm chất. 

Đầu tiên là năng lực. Với người thông minh thì năng lực của não rất cao, còn người kém thông minh thì năng lực của não rất là thấp. Và cái năng lực này thì mỗi người một khác nhau, nên người giỏi lĩnh vực này, người lại giỏi lĩnh vực khác. Chẳng hạn có người giỏi âm nhạc, người giỏi hội họa, nấu ăn, v.v… 

Để làm được việc, người ta cần kết hợp nhiều năng lực khác nhau lại. Ví dụ để thuyết pháp được thì một người phải có những năng lực nào? 

- Thứ nhất giỏi về ngôn ngữ, chọn câu nhanh như chớp, một ý nghĩ vừa hiện ra là họ đặt ngay được câu để diễn đạt ý nghĩ đó. 

- Thứ hai là giỏi về đạo lý. 

Tuy nhiên, ngoài hai năng lực này thì yếu tố Nhân quả cũng chi phối khá nhiều vào việc thuyết giảng. Ví dụ vị giảng sư nào trong quá khứ đã từng có lòng từ rộng lớn với chúng sinh thì khi vị ấy vừa bước lên pháp tòa, lòng thính chúng đã dào dạt yêu thương. Ngược lại, những vị ít duyên với chúng sinh, ít có lòng từ hơn thì lòng thính chúng lạnh lẽo, ít hướng về. Hoặc những người đã từng kính trọng thầy cô, biết trân trọng, chăm chú lắng nghe từng lời giảng thì khi người ấy trở thành giảng sư, thính chúng cũng chăm chú lắm nghe như vậy. Hãy nhớ rằng đã là đệ tử Phật, rồi sẽ có kiếp chúng ta trở thành giảng sư, không ở cõi này thì cũng ở cõi khác, đó không phải là tham vọng mà là bổn phận của chúng ta đối với chúng sinh, là trách nhiệm đền ơn chư Phật. 

Kế đến là phẩm chất. Nó chính là thiện - ác, là đạo đức trong tâm hồn chúng ta. Có người giỏi nhưng lại ác, có người dốt nhưng lại thiện. Rất ít người vừa giỏi lại vừa thiện. Do đó, khi xây dựng tâm hồn mình, ta phải xây dựng trên cả 2 yếu tố này, làm sao để mình trở thành một người giỏi, có cái tâm thiện.

Khi học đạo là ta đang đi tìm năng lực hay phẩm chất? Cả hai, mà chủ yếu là phẩm chất trước, tức là cái đạo đức của tâm hồn trước, vì “Đạo đức là nhân, tài năng là quả”. Người có đạo đức thì dần dần sẽ có tài năng, còn người tài năng rồi mà đánh mất đạo đức thì tài năng đó sẽ tan vỡ. 

Tuy nhiên, trong phương pháp học đạo của ta cũng ẩn chứa về tài năng. Có nhiều yếu tố tạo thành tài năng, trong đó chìa khóa cuối cùng là mỗi khi làm xong việc gì ta phải tác ý rằng: việc này còn có thể được làm kĩ hơn, chu đáo hơn nữa. Chỗ khác nhau giữa người thông minh và không thông minh chính là nơi ý nghĩ này. Người không thông minh khi làm xong điều gì thì mừng vui, tự hào, tự cho phép mình nghỉ ngơi. Còn người thông minh khi làm xong điều gì thường khởi lên ý nghĩ: việc này ta còn có thể làm hay hơn nữa. Cái không thỏa mãn đó là chìa khóa tạo nên sự thông minh không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả một dân tộc.

Đạo đức thì gồm nhiều lĩnh vực, nhiều khái niệm khác nhau, ví dụ khuynh hướng ích kỷ hay vị tha. Một người tiềm tàng khuynh hướng ích kỷ thì khi gặp điều gì cũng lo cho mình trước, thậm chí với vợ con họ cũng rất ích kỷ, kể cả khi họ đến chùa học đạo rồi thì cái ích kỷ vẫn chi phối rất mạnh. Còn người tu đúng khi phát hiện khuynh hướng vị kỉ trong tâm mình thì tu sửa, cầu nguyện, sám hối. Đến vài năm sau khuynh hướng vị kỉ mới nhạt dần, họ bắt đầu biết sống vị tha, biết quan tâm, biết hi sinh vì tha nhân hơn. Mà trong tâm ta có phẩm chất đạo đức rồi thì khi đến đâu, ta chỉ đem lại hạnh phúc, niềm vui mà thôi.

Nhân đây, Thượng tọa nói sang vấn đề tư duy của tâm, Thượng tọa chỉ ra 3 mức độ: thấp, cao và siêu nhiên. Mức độ thấp là ta hiểu những vấn đề cơ bản, dễ thấy, giống việc hôm nay ăn gì, mặc gì, đi đâu,… Nhiều người ngày nào cũng chỉ nghĩ được vậy nên không đi được đến tư duy cao, ta gọi họ là người kém thông minh. Như vậy, người tư duy cao là người thông minh.

Thông minh là gì? người ở mức độ tư duy cao hơn thì ta gọi là thông minh. Nếu phân tích não bộ thì người thông minh có những tầng não sâu hoạt động nhiều hơn, trong khi đa phần bộ não của người bình thường chỉ hoạt động nhiều ở phần vỏ não mà thôi. Còn nếu nói trong cuộc sống, người thông minh có thể phát hiện ra những điều rất bé mà người khác không nhìn ra được. Nếu nói trên khía cạnh kĩ thuật, người thông minh có thể sáng tạo ra những sản phẩm tinh tế đến từng chi tiết nhỏ, khiến cuộc sống con người trở nên tiện nghi, hiện đại và dễ dàng hơn. 

Thực tế có những dân tộc đã đạt được mức độ tư duy cao này, những sản phẩm của họ làm ra vượt trội hẳn các nơi khác, được cả thế giới thán phục vì sự chau chuốt kĩ lưỡng tinh tế trong từng chi tiết. Cho nên, họ có khả năng vượt lên thành cường quốc giàu mạnh. Ta thấy, những cường quốc giàu mạnh không bao giờ thỏa mãn với những gì sáng tạo ra, họ luôn cố gắng tìm ra những thứ hay hơn nữa. Điều này là con đường gợi mở sự thông minh cho cả dân tộc, giúp họ nâng tư duy của mình lên đến cấp cao để có thể xoáy rất sâu vào từng vấn đề.

Mức độ cao nhất là tư duy siêu nhiên. Người có tư duy siêu nhiên thường nghĩ về đạo giáo, tín ngưỡng, về linh hồn, thần Thánh, về kiếp người, cõi trời, kiếp trước kiếp sau, về địa ngục, thiên đường, về luật nhân quả, về sự giác ngộ, về thiền định, mười hai nhân duyên, bát chánh đạo, về sự vô ngã… mà nhất là vô ngã. Đó gọi là tư duy siêu nhiên. Khi tư duy về những điều đó một cách thấu đáo, sâu sắc thì ta đạt được tư duy siêu nhiên, và bắt đầu đặt chân đi trên con đường Thánh đạo. Thực sự người đó có phẩm chất bậc Thánh mới hiểu vấn đề như vậy. 

Người có tư duy tín ngưỡng, hay đi tìm tâm linh cấp cao là những người có tư duy siêu nhiên. Khổ nỗi, năng lực tâm chỉ là tư duy cơ bản cấp thấp, chưa đạt được cấp cao mà đã chuyển sang tâm linh thì dễ rơi vào mê tín, cả tin. Tất cả cũng bởi không có tư duy trung gian, tức là sự thông minh nên ai nói gì cũng tin. 

Nhân quả cũng vậy, nó được chia từng cấp độ một. Do đó, nó cũng có căn bản và cao cấp. Thế nên, phía sau điều cơ bản, dễ thấy là những cái tinh tế, trừu tượng. Để người phật tử không vướng vào mê tín, bổn phận của một bậc Đạo sư là làm sao có thể nâng mức thông minh của họ lên cao hết. Nghĩa là làm cho mọi người đều trở nên thông minh. Khi biết nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, họ có thể tránh được sự lôi kéo, dụ dỗ của các thế lực ngoại đạo, không tin vào những lời rỉ tai rồi mê tín, lung lạc, cuối cùng mất hết công đức. Khi phát hiện hay nghe thấy những lời dựng chuyện cần báo lại cho bậc Đạo sư của mình để có hướng giải quyết triệt để, không được im lặng rồi rơi vào bẫy của các thế lực xấu, dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Cuối cùng, Thượng tọa khẳng định tâm ta ở rất nhiều nơi nhưng tâm hồn ta tập hợp ở não. Có thể nói, não là nơi tâm ta, cũng là nơi giam giữ tâm hồn ta. Vậy làm thế nào để tâm có thể tự do, thoát khỏi bộ não? Chìa khóa nằm ở lớp vỏ não. Vỏ não của ta là nơi hoạt động rất nhiều, toàn bộ võ não của ta là bức tường của trại giam giam giữ tâm hồn ta lại. Nếu trong vỏ não đó có một vùng nhỏ thanh tịnh, giống như bức tường trại giam bị mở trống một cửa ra thì ta đi ra ngoài, tự do ra vào được. 

Cũng vậy cả vỏ não này của ta nó giam giữ tâm hồn ta, nhưng nếu có một góc nào đó mở ra, nó thanh tịnh thì chỗ đó cái năng lực siêu nhiên ở trong trung tâm não hiện ra, có người hiện ra thấy được người cõi âm; có người biết được quá khứ, vị lai của mình và của người khác. Còn người vỏ não trống hết thì họ trở thành bậc A Na Hàm thần thông phi thường. Nhưng vì cuống não, lõi não, tiểu não còn nên bản ngã còn, vô minh còn. Nhưng trống được vỏ não phần nào thì bên trong cái năng lực siêu nhiên của trung khu não bên trong đó phát ra siêu năng lực. Cho nên ai cũng có siêu năng lực nhưng đều bị vỏ não chặn lại. Vì vậy ngục tù của não chính là võ não.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm