Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 17/12/2017, 07:01 AM

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Phát

Kính tưởng niệm ngày viên tịch lần thứ 27 cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Phát, vị tiền bối: “Chuyên tu trì tịnh giới, thụ trì Kinh Pháp Hoa - góp phần hưng thịnh Phật giáo Đồng Tháp”.

Nhằm bày tỏ lòng tôn kính và tưởng niệm bậc Trưởng lão giới đức kiêm ưu, đã cống hiến trọn đời, hiện thân giáo, tiêu biểu danh đức sáng ngời cho hậu thế trong sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng, ni, phật tử tiếp nối, hoằng pháp độ sinh; chúng ta cùng nhau thành tâm thắp hương tưởng niệm và ôn lại hành trạng của ngài để nêu gương sáng cho hàng hậu học:
 
Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Huệ Phát (1921-1990)

Bái cáo nhơn nhơn, áo não tâm
Biệt từ huyễn thế, nhập chơn thân
Huệ khai giới luật, môn đồ nhuận
Phát khởi từ bi, tứ chúng trân

Hòa xướng lục hoà, vô chính ngụy 
Thượng hoằng bình đẳng, bất oán thân
Bổn hoài phục chấn, hưng tăng tục
Sư nguyện vị thành, dĩ cổ nhân

I. Thân thế:

Hoà thượng thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 40. Pháp huý Chơn Sung; Pháp danh Thích Huệ Phát; Thế danh Huỳnh Quang Sung.

Ngài sinh năm Tân Dậu, dương lịch 1921, tại làng Tân Phú Đông, xã Tân Vĩnh Hoà, tỉnh Sa Đéc nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Ngà và từ mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thắm.

Song thân ngài là người rất mực hiền lương và phúc hậu. Những tưởng sinh thêm người con cuối cùng này là già trẻ sẽ trọn hưởng hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Nào ngờ, khi ngài chào đời chẳng bao lâu, cơn vô thường chợt đến, cướp đi cha mẹ và tất cả anh chị của ngài bởi cơn bệnh dịch sốt huyết.

Với tuổi hồn nhiên ấu thơ lên 5, ngài phải một mình trơ trọi đứng giữa trường đời lộng gió. Sau đó, ngài về nương náu dưới tình thương che chở của cô chú tại Trảng Bàng, Tây Ninh. 

II. Xuất gia tu học:

- Năm Giáp Tuất (1934), cả nước chìm trong cơn binh biến, khó có nơi cố định yên bình, ngài là một nạn nhân như trăm ngàn nạn nhân chiến sự. Rồi một ngày, như có sự thúc đẩy của ơn trên, ngài quyết tâm lội suối băng rừng, tìm cách trở về nơi chôn nhau cắt rốn tỉnh Sa Đéc. Có lẽ, nhờ phước đức sâu dày của mẹ cha, cộng với sự quyết tâm cao tột, cuối cùng, ngài vượt qua bao gian nguy hiểm nạn về đến quê nhà. Nhưng bù lại, tay chân của ngài đều bị sưng phù, khó di chuyển, phải điều trị bằng thuốc nam một thời gian dài mới hồi phục lại.

Sau khi sức khoẻ trở lại bình thường, nhớ lời phát nguyện trong cơn nguy biến, ngài đã tìm đến chùa Linh Phước (dân địa phương gọi là chùa Ông Chợ, gần cầu Thủ Điềm, Bình Tiên, Sa Đéc) xin làm công quả để tích công bồi đức và viên thành tâm nguyện.

Suốt thời gian làm công quả nơi này, nhân duyên xuất gia hội đủ, ý chí xuất trần lần khai, ngài nhận ra bản chất cuộc đời vốn dĩ: Khổ, Không, Vô thường, chỉ có phạm hạnh Sa môn là con đường thoát khỏi mọi buộc ràng của sinh tử luân hồi. Do vậy, vào một ngày đẹp trời, ngài mạnh dạn đến trước tổ Linh Phước, bộc bạch hết nỗi lòng của mình và cầu xin tổ cho ngài được xuất gia đầu Phật.

Nhờ những tháng ngày chí thành công quả dưới mái già lam, cộng với tâm từ vô hạn của tổ Linh Phước, nên vừa nghe qua tâm nguyện thành khẩn của ngài, Tổ Linh Phước liền hoan hỷ chấp thuận bằng một tiếng: “Tốt lắm, tốt lắm, nhưng phải chờ đến ngày lành tháng tốt mới được”.

- Năm Ất Hợi (1935), nhằm ngày rằm tháng 10 Âm lịch, tổ Linh Phước chính thức tác lễ thế phát xuất gia và ban pháp danh là Huệ Phát. Năm đó ngài vừa đúng 15 tuổi.

Sau khi thế phát xuất gia, ngài càng tinh tấn nỗ lực tu học. Chùa Linh Phước lúc đó ứng dụng tinh thần “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực’. Ban ngày vui với đồng áng ruộng vườn, tối về trải tâm ngân nga lời kinh tiếng kệ. Riêng bản thân ngài luôn thức khuya dậy sớm, lễ Phật tụng kinh và tự nghiên cứu giáo điển. Thời gian không lâu, trí tánh bắt đầu khai mở, ngài chợt nghĩ: “muốn chánh pháp cửu trụ giữa chốn nhân gian và chúng sinh được nhiều lợi lạc, không gì khác là phải giới hạnh song hành trí tuệ”.

- Năm Kỷ Mão (1939), ngài quyết định đến chùa Phước Long, Rạch Ông Yên, cách đó hơn 10km cầu xin thọ học và được Sư tổ Bửu Chung hoan hỷ chấp thuận dạy dỗ.

- Năm Canh Thìn (1940), sau thời gian sống dưới sự thương yêu của tôn sư, ngài được tổ Linh Phước cho thọ giới Sa-di tại đàn giới Phương Trượng chùa Linh Phước. Trong đàn giới này, sư tổ Chánh Quả làm Hòa thượng đàn đầu, Sư tổ Bửu Chung đương vi Yết Ma A Xà Lê, sư tổ Linh Phước đương vi Giáo Thọ. Chư tôn đức trong tỉnh được cung thỉnh ngôi vị Thất Chứng. Năm đó ngài vừa tròn 20 tuổi.

- Năm Tân Mão (1951), những tưởng cắt ái ly gia, đoạn tuyệt tình thương thế tục để thừa hưởng những giá trị thiêng liêng nơi già lam thánh địa, nào ngờ, sư tổ Linh Phước - Chánh Lý đột nhiên thâu thần viên tịch, để lại vô vàn tiếc thương trong tâm hồn. Sau khi làm tròn bổn phận đối với ân sư, ngài đến chùa Kim Huê, tiếp tục cầu pháp và thọ học với Sư tổ Chánh Quả.

- Năm Nhâm Thìn (1952), nhận thấy phẩm hạnh của ngài tiến bộ, có thể đảm đương sứ mạng trùng hưng Tam bảo, lợi lạc nhân sinh, Sư tổ Chánh Quả cho ngài đăng đàn thọ Cụ túc và Bồ tát giới tại giới đàn chùa Kim Huê. Sư tổ Chánh Quả đương vi Hoà thượng đàn đầu. Hòa thượng Huệ Hoà đương vi Yết Ma A Xà Lê, Thượng tọa Từ Nhơn đương vi Giáo thọ và chư tôn đức trong tỉnh toạ vị trong thành phần Thất chứng.

- Năm Giáp Ngọ (1954), ngoài thời gian thọ học với Sư tổ Chánh Quả và Hòa thượng giáo thọ Huệ Hoà, cùng lúc phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam lan rộng, ngài đã bôn ba khắp nơi cầu học với những bậc kỳ túc danh tăng trong và ngoài tỉnh. Nơi nào có tổ chức Trường Hương hay khoá học ngắn hạn, ngài đều thân hành đến công quả và thọ học. 

III. Thời kỳ hành đạo, trùng kiến đạo tràng:

- Năm Bính Thân (1956), ngài cùng Hòa thượng Huệ Hoà tham dự khoá an cư kiết hạ tại chùa Giác Nguyên, Khánh Hội, Sài Gòn. Đến giữa khoá hạ, Hòa thượng Huệ Hoà lâm trọng bệnh, ngài đích thân đưa Hòa thượng Huệ Hoà trở về Kim Huê tịnh dưỡng và điều trị. Đến ngày vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo, 19 tháng 06 âm lịch, như đã chọn ngày lành tháng tốt xả báo an tường, Hòa thượng Huệ Hoà theo chân Sư tổ Chánh Quả trở về thế giới chân thường, trong niềm tiếc thương của tứ chúng môn nhân. Sau khi thọ tang xong, nhớ lời khuyến khích của Hòa thượng Huệ Hoà, ngài trở lại chùa Giác Nguyên tiếp tục tham dự cho đến hết khoá hạ.

- Năm Đinh Dậu (1957), ngài tham dự Khoá huấn luyện trụ trì “Như Lai Sứ Giả” đầu tiên tại chùa Pháp Hội, quận 10 do Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức. Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm trưởng ban.

- Năm Mậu Tuất (1958), Khoá Như Lai Sứ Giả hoàn mãn, ngài trở thành nhân sự hữu dụng cho Giáo hội và được chư tôn đức lãnh đạo bổ nhiệm trú trì chùa Tân Uyên, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

- Năm Canh Tý (1960), trong lúc đang nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Tân Uyên, ngài được quý ngài Vạn Đức - Trí Tịnh và Huệ Hưng gọi về giao trách vụ trụ trì chùa Kim Huê cho đến ngày viên tịch. Hoà thượng Thiện An làm tri sự, Hoà thượng Thiện Tâm làm thư ký cùng chung lo xây dựng và phát triển tổ đình.

Cùng năm này, sau khi nhận lãnh trách vụ, với tâm nguyện báo đền tổ đức, ngài liền bắt tay vào việc tiếp tục xây dựng và tái thiết Tổ đường, hầu trang nghiêm nơi tôn thờ liệt vị tổ sư. Trải qua gần 2 năm, ngôi Tổ đường khang trang, tráng lệ trong niềm hoan hỷ của chư tôn đức sơn môn và niềm kính tín Tam bảo của phật tử.

- Năm Nhâm Dần (1962), ngài tiếp tục tu bổ hoàn chỉnh dãy Đông Lang thật vững chắc.

- Năm Quý Mão (1963), ngài tích cực tham gia các phong trào đấu tranh do Tổng hội Phật giáo Việt Nam lãnh đạo bằng hình thức tuyệt thực để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

- Năm Giáp Thìn (1964), ngài kiến thiết dãy Tây lang và bắt đầu tiếp tăng độ chúng, hướng dẫn những người hảo tâm xuất gia, thật tu thật học theo đường lối của Sư tổ Chánh Quả và Hoà thượng Huệ Hoà.

- Từ năm Ất Tỵ (1965) trở về sau, ngoài việc giảng dạy Hán tự và 4 quyển Luật căn bản của người xuất gia, ngài còn mở rộng Phật đường, tiếp dẫn hậu lai, nuôi dưỡng thế hệ tương lai cho Phật giáo. Ngài thường nhắc nhở chúng đệ tử “phải giữ gìn giới luật. Giới luật có giữ gìn thì thiện pháp mới phát sinh. Giới luật càng tinh nghiêm, thì trí tuệ càng sáng suốt”.

- Năm Mậu Thân (1968), ngài cùng với chư tôn đức trong tông phong trực tiếp xây dựng trường Bồ Đề tại Sa Đéc sau lưng nhà tổ, trên phần đất của chùa Kim Huê làm cơ sở giáo dục cho Phật giáo tỉnh nhà.

- Năm Tân Hợi (1971), ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Sa Đéc thỉnh cử Phó đại diện kiêm Đặc ủy tăng sự đến năm 1975.

- Năm Nhâm Tuất (1982), ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thỉnh cử Phó Ban Trị sự kiêm Ủy viên tăng sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp suốt 2 nhiệm kỳ. Cũng trong năm này, tại Đại giới đàn chùa Phước Hưng, ngài được Giáo hội cung thỉnh đương vi Đệ nhất tôn chứng. Tháng 04 âm lịch, ngài được thỉnh cử Phó Ban tổ chức Khóa an cư kiết hạ tại chùa Phước Hưng, Sa Đéc.

- Năm Giáp Tý (1984), ngài được thỉnh cử Phó Ban tổ chức Khóa an cư kiết hạ tại chùa Hội Khánh, Cao Lãnh, Đồng Tháp.

- Năm Ất Sửu (1985), với hảo ý xây dựng một lò thiêu phục vụ miễn phí tại Đồng Tháp, ngài đã tùy hỷ cống hiến tài lực cho nhu cầu chung để phụng sự tha nhân một cách chân thành. Chiếc bộ ngựa bằng cây Căm-xe của chùa và đồ dùng hằng ngày được Hoà thượng hỷ cúng cho nhà hỏa táng tại Nghĩa trang Sùng Chính, Sa Đéc.

- Năm Đinh Mão (1987), sau khi Cố Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự Thích Vĩnh Đạt viên tịch, ngài được suy cử nhiệm vụ Trưởng Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp cho đến ngày viên tịch.

- Năm Mậu Thìn (1988), ngài là Chánh Chủ hương Tịnh Nghiệp Đạo tràng an cư kiết hạ tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại chùa Kim Huê.

- Năm Kỷ Tỵ (1989), với vai trò Trưởng Ban Trị sự tỉnh, ngài đã đôn đốc hỗ trợ thành lập Trường cơ bản Phật học tỉnh Đồng Tháp hầu đào tạo tăng - ni tài đức phục vụ đạo pháp. 

IV. Gương đạo hạnh:

Tuy thọ sinh trong đời ác ngũ trược, nhưng Hoà thượng đã sớm tĩnh giác chuyên tu. Ngài không bận tâm đến những ảo ảnh công danh, sự nghiệp của thế trần. Từ thuở ấu thời, Hoà thượng đã mục kích chứng kiến biết bao cảnh lầm than khổ sở, thấu hiểu bản chất vô thường có đó rồi mất đó của cuộc đời. Đối với Hoà thượng, làm thân người lại có phúc duyên xuất gia tu học, nương nơi thầy hiền bạn tốt, quả là đại phước và rất hy hữu.

a. Tinh thần giới luật: Vì ngài luôn sống trong tinh thần giới luật, luôn thiết tha quy hướng Phật đà, nên những ai từng tiếp xúc và hầu cận ngài, đều nhận ra được những đức tính từ bi bao dung độ lượng cũng như hạnh khiêm hạ đối với mọi người lúc nào cũng lan toả nhẹ nhàng. Tất cả đã trở thành pháp âm sống động, là bài tâm kinh tuyệt vời, là tấm gương đạo hạnh cho hàng xuất gia và tại gia nương tựa.

b. Phát nguyện tu hạnh đầu đà: Vào thời điểm đất nước còn loạn lạc chiến tranh, ngài đã phát nguyện tu hạnh đầu đà, ngày thọ trai một bữa, đầu đội trời, chân không mang dép, đêm thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, để nguyện cầu cho đất nước sớm được hoà bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Hạnh nguyện giản đơn đó, được ngài hành trì cho đến lúc viên tịch.

c. Vượt qua chướng duyên: Thời gian tùng chúng tu học tại chùa Phước Long với Sư tổ Bửu Chung, tưởng đâu thuận buồm xuôi gió, nào ngờ, chướng duyên nghịch cảnh bắt đầu thử thách lòng người, cản trở bước chân của bậc xuất trần. Chính quyền Pháp và những người thân Pháp đã theo dõi tra hỏi, giam cầm bắt bớ vì nghi ngờ ngài hoạt động chính trị.

Cần nhắc thêm một chướng duyên nữa, là sau khi thọ giới Sa di, gia đình cô chú đến chùa đảnh lễ Sư Tổ Linh Phước, xin cho ngài trở về thế tục để lập gia đình, nối dõi tông đường. Nhưng nhờ nhiều kiếp gieo trồng thiện căn, ngài hiểu rõ: “trần thế là giả huyễn, thân người vốn vô thường, nay được phước duyên xuất gia tu hành, nếu không quyết chí xả ly, thì khổ luỵ khó bề chấm dứt”. Nhờ nhận chân được thực tướng cuộc đời, ngài đã cự tuyệt và cắt đứt quan hệ với gia đình cô chú.

d. Đối với đệ tử: Chúng đệ tử xuất gia rất đông, hết lớp này tới lớp khác. Lớp đầu tiên phải kể đến là quý sư huynh Minh Lạc, Minh Phong, Minh Thế, Minh Thừa… Sau đó đến lớp Quảng cũng có hàng trăm vị. Hết Quảng tới Trí, hết Trí tới Thiện và cuối cùng là Giác. Thỉnh thoảng, nghe Hoà thượng nhắc lại đoạn thơ như than vãn hối tiếc:

Quảng bao quảng bị, quảng cà-ròn
Một trăm ông quảng chẳng còn một ông.

Nay rà soát lại, may mắn chỉ còn một ông là Trí Viễn - Thiện Hữu hiện đang ở Úc và Sư huynh Quảng Nghiêm, cháu cố của Sư tổ Vạn An, hiện đang hành đạo tại Úc. Lớp Thiện và Giác thì còn nhiều.

Chính Hoà thượng trực tiếp leo lên những cây xoài, cây vú sữa trong vườn chùa để hái những trái ngon, trước dâng cúng Phật, sau cho đệ tử thọ dụng từng ngày. Thật cao cả vô cùng, ở những cử chỉ tao nhã, lời nói nhẹ nhàng lại là những câu pháp thoại xúc tích hàm chứa nội dung Phật pháp sâu mầu, có thể ứng dụng hằng ngày. Lời nói không văn hoa kiêu kỳ, nhưng có hấp lực chuyển động lòng người, làm cho tha nhân có thể gần gũi và mến phục.

e. Cuộc sống đơn giản bình dị: Những công việc vệ sinh cá nhân như giặt quần áo, xiêm y tăng bào, hay những việc lặt vặt khác, ngài đều tự làm và chưa bao giờ nhờ bất cứ người nào, dù đó là đệ tử trong chùa. Quả thật, nơi Hoà thượng lúc nào cũng toả rạng nếp sống đơn giản mộc mạc và bình dị.

Ấn tượng và độc đáo nhất vẫn là hạnh nguyện tự tay cắt gọt, nấu thức ăn cho chư tăng và phật tử thọ dụng trong những ngày lễ vía.

f. Pháp môn tu hành: Ngoài những công đức đóng góp cho sơn môn tổ đình, cho Phật giáo Đồng tháp, ngài vẫn không xao lãng chuyên trì tịnh giới, chuyên tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa và ứng dụng Lục Tự Di Đà làm lẽ sống cho nhịp thở con tim. Ngài niệm Phật thật miên mật và chí thành cho đến giờ phút xả báo an tường. 

V. Thời kỳ viên tịch:

Những tưởng Hoà thượng sẽ trụ thế lâu dài để làm tàn cây che mát, làm trụ cột cho ngôi nhà Phật pháp và làm ngọn hải đăng chiếu soi cho đàn hậu tấn dấn bước noi theo. Nào ngờ sự ‘hoá duyên ký tất’ của ngài xuất hiện quá sớm, để lại cho mọi người, nhất là hàng đệ tử môn nhơn niềm đau thương luyến tiếc vô hạn.

Đầu năm Canh Ngọ (1990), như tâm nguyện hoan hỷ chấp nhận trả nghiệp báo nhiều đời thông qua tấm thân tứ đại. Mặc dù đã được chúng đệ tử và quý y - bác sĩ khắp nơi tận tình chăm sóc chữa trị, nhưng vì bệnh căn hiểm nghèo, ngài đã hết duyên Ta bà, nên không thể kéo dài thọ mạng. 

Ngày 19 tháng 06 năm Canh Ngọ (1990), nhân lễ huý kỵ cố Hoà thượng Huệ Hoà, ngài đã cung thỉnh quý Hoà thượng trong sơn môn và chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, cử hành lễ chuyển giao ngôi vị trú trì cho Hoà thượng Thiện An đảm nhận. Đây là quyết định sáng suốt, là phật sự cuối cùng của ngài đối với Tổ đình Kim Huê.

Nhận rõ quy luật tử sinh tất yếu của cuộc đời, tâm thức ngài lúc nào cũng thong dong tự tại, trên môi ngài vẫn giữ nụ cười hoan hỷ như không chút bệnh hoạn gì. Đêm ngày, ngài đều gắn dính tâm mình với câu niệm Phật, rồi trở về sống với bổn tánh Di Đà. Trong những ngày này, nét dung từ khả ái và tuệ tri toàn triệt bừng khai, ngài đã cảm tác một câu đối bằng tôn danh của mình như sau:

Huệ nhãn trụ chơn thường, hà khứ lai chi cụ?
Phát trí cư trần thế, khởi sinh tử chi ưu?

Xin tạm dịch:

Mở mắt huệ, sống trong chân thường, lo gì việc lai khứ?
Khai tâm trí, vui nơi trần thế, há sợ chuyện tử sinh? 

Sau đó đó không lâu, ngài đã cảm tác một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, thể Đường luật như sau:

Tứ đại huyễn xu nan bảo thủ
Chân tâm vô vọng thị gia hương
Nhất niệm bất sinh chỉ giá thị
Bồ đề đại đạo hiện chiêu chương

Xin tạm dịch:

Tứ đại mong manh, khó giữ gìn
Chân tâm hết vọng, ấy quê mình
Chỉ cần một niệm, không sinh khởi
Đạo lớn Bồ đề, sáng lung linh!

Quả thật, mặc dù cơn bệnh làm cho tấm thân tứ đại của ngài không được khoẻ mạnh, nhưng hai bài cảm tác trước lúc sinh tử đã nói lên thái độ thản nhiên, tự tại trước cái chết của bậc chứng ngộ tâm linh.

Do nhân duyên thọ mạng chấm dứt, như củi hết lửa tắt, Hoà thượng đã an nhiên thị tịch, nhập thể bất sinh vào lúc: 10h45 sáng ngày 29 tháng 10 năm Canh Ngọ - dương lịch năm 1990. Trụ thế: 70 tuổi đời, Hạ lạp: 38 tuổi đạo. 

Mặc dù sắc thân tứ đại ngài không còn, nhưng tấm gương đạo hạnh nối nghiệp tông môn, tục diệm truyền đăng của Hoà thượng đã trở thành phẩm hạnh tiêu biểu cho chúng đệ tử noi theo. Tuy Hoà thượng đã ra đi vĩnh viễn, nhưng câu đối tôn danh, bài thơ cảm tác trong thời gian lâm trọng bệnh của ngài vẫn còn và đã trở thành kỷ vật tồn tại bất hủ với thời gian! 

Nam Mô Kim Huê Đường Thượng, Từ Lâm Tế Gia Phổ, Tứ Thập Thế, Huý Chơn Sung, Hiệu Huệ Phát, Huỳnh Công Hoà Thượng tác đại chứng minh. 

Môn hạ Tổ đình Kim Huê, Đệ tử Tỳ kheo Thích Thiện Hữu phụng soạn!

PGVN
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Xem thêm