Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 03/05/2013, 18:55 PM

Tiểu sử Trưởng lão HT.Thích Quảng Mẫn

Từ năm 1986 đến năm 2007, trải qua 4 kỳ Đại hội, 4 nhiệm kỳ của Trung ương Giáo hội, Ngài lần lượt được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự cho đến Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự

I. THÂN THẾ

Hòa thượng Thích Quảng Mẫn thế danh Đặng Đức Huấn, sinh năm 1924 (Giáp Tý) tại thôn Vinh Tứ, xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam trong một gia đình Nho giáo, danh y nổi tiếng. Thân phụ là cụ ông Đặng Công Quắc, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Khoa hiệu diệu Khoan. Hai cụ sinh hạ được 6 người con, 4 trai, 2 gái, Ngài là con trai thứ ba trong gia đình.

II. THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH VÀ XUẤT GIA TU ĐẠO

Vốn sinh trưởng trong gia đình thượng lưu phúc hậu, nhiều đời tín kính ngôi Tam Bảo sâu trồng nơi ruộng phúc Tăng già. Ngay từ thuở thiếu thời; trước khi cắp sách tới trường Ngài đã được thân phụ truyền dạy Nho giáo, chữ Quốc ngữ và học nghề y. Ngài thường được theo thân mẫu lên chùa làng lễ Phật. Do đó sớm nhận thấy cảnh trần là mộng ảo, cuộc đời giả huyễn vô thường. Năm 14 tuổi (1937) Ngài chính thức phát túc siêu phương, từ biệt song thân xả tục xuất gia đầu Phật với sư Tổ là cậu ruột của Ngài, trụ trì chùa Thiên Phúc (Trà Phương) huyện Kiến Thụy, tỉnh Kiến An, được Tổ hạ đao thế phát trở thành pháp khí trong thiền gia.

Giữa năm 1939, Ngài được Sư Tổ trao truyền giới Sa Di thập pháp. Trải qua hơn 4 năm phụng Phật sự sư, tu học thông thuộc giới luật Sa Di và thanh quy của thiền gia. Do đức hạnh cẩn mật, Ngài được Chư Tổ tin cậy yêu mến, huynh đệ nể vì. Năm 1943 Ngài được Chư Tổ đăng đàn trao truyền giới Cụ Túc tại Tổ Đình Thiên Phúc (Trà Phương) huyện Kiến Thụy - Kiến An. Từ đó Ngài được dự vào hàng Tăng Bảo, là sứ giả của Như Lai với trọng trách “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Với tính cần mẫn hiếu học tinh tiến không ngừng, Ngài được Sư Tổ cho đi tham học Kinh, Luật, Luận tại các chốn Tổ Đình lớn như Yên Linh, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; Tổ Đình Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, Tổ đình Phúc Lâm, Dư Hàng, Hải Phòng. Ngài đã quán thông được một số bộ Kinh, Luật, Luận. Sau đó Ngài trở về phụng Phật sự sư tại Tổ Đình Vĩnh Phúc (Trà Phương).

III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

Nhận rõ trọng trách là Trưởng tử của Như Lai “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, phát huy truyền thống yêu nước nghìn đời của Phật giáo Việt Nam, trước hoàn cảnh đất nước bị Thực dân Pháp xâm lược, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1946 đến năm 1949, Ngài tham gia hoạt động Thanh niên vệ quốc, tham gia Mặt trận Tăng già cứu quốc chống Pháp tại tỉnh Kiến An với nhiệm vụ phụ trách y tế, chăm sóc cứu chữa thương bệnh binh.

Từ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, trong bối cảnh đất nước chưa ổn định, thành phố chưa được giải phóng, nhiều tu sỹ Phật giáo hoang mang do luận điệu xuyên tạc tuyên truyền mỵ dân của bọn thực dân Pháp và tay sai, với lòng yêu nước vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Ngài đã vận động các Tăng Ni tích cực tham gia kháng chiến Mặt trận Tăng già cứu quốc, không mắc mưu thâm độc của kẻ thù, không di cư đi Nam.

Năm 1957, Ngài tham gia cùng các bậc trưởng thượng như Hòa Thượng Thích Thông Tuệ, Hòa thượng Thích Tâm Đoan, Hòa thượng Thích Nguyên Thước, Hòa thượng Thích Kim Cương Tử, thành lập Chi hội Phật giáo Hải Phòng là một trong những Chi hội Phật giáo thống nhất được thành lập sớm nhất ở miền Bắc. Tiếp sau đó, Ngài giữ chức vụ Thư ký của Chi hội.

Năm 1969, Ngài tham dự khóa bồi dưỡng cán bộ nòng cốt của Hội Phật giáo thống nhất được tổ chức tại chùa Quảng Bá - Hà Nội trong thời gian 6 tháng. Mặc dù công tác Phật sự đa đoan nhưng Ngài vẫn giành thời gian chẩn trị bệnh tật cho nhân dân, biết bao gian nan vất vả nhưng chí cao cả không sờn lòng.

Năm 1975, khi nước nhà đã hoàn toàn độc lập, non sông đã liền một dải, để tiến tới có một ngôi nhà chung của Phật giáo cả nước, Ngài là một trong những thành viên tích cực của Ban vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc, là Trưởng đoàn đại biểu Tăng Ni Chi hội Phật giáo Hải Phòng đi tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo thống nhất toàn quốc tháng 11 năm 1981 tại thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo thành phố Hải Phòng lần thứ nhất Ngài được suy cử trọng trách Trưởng ban Trị sự kiêm Tăng sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng.

Từ năm 1986 đến năm 2007, trải qua 4 kỳ Đại hội, 4 nhiệm kỳ của Trung ương Giáo hội, Ngài lần lượt được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự cho đến Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Từ thiện xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện Xã hội và được suy tôn là thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Do tuổi cao sức yếu, tại Đại hội nhiệm kỳ VII (2007 - 2012) Ngài xin thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Trưởng ban Từ thiện Xã Hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cũng tại Đại hội này, Ngài được tái suy tôn là thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày nay.

Do giới đức uy nghiêm, bi trí song toàn, tiếp nhân độ chúng; Ngài là bậc cao Tăng thạc đức, là cây đại thụ của Phật giáo Hải Phòng suốt từ năm 1981 đến năm 2012. Trên các cương vị Chứng minh Ban Trị sự - Trưởng ban Trị sự kiêm Tăng sự - Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học, nay là trường Trung Cao đẳng Phật học Hải Phòng, Ngài luôn luôn chăm lo tới công tác tu học, đào tạo Tăng tài, quản lý Tăng sự, quản lý Giáo hội có chất lượng theo luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Tăng sự và Pháp luật Nhà nước. Suốt hơn 30 năm ở ngôi đường chủ các khóa hạ an cư của Thành hội Phật giáo Hải Phòng, làm thầy giới sư trao truyền giới pháp cho hàng trăm giới tử. Mỗi cử chỉ, hành động, lời nói của Ngài đều là khuôn vàng thước ngọc sách tiến cho các thế hệ Tăng Ni và Phật tử noi theo.

Từ số lượng, chất lượng khiêm tốn gần 100 vị khi ban đầu mới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hải Phòng, đến nay đã có gần 400 vị Tăng Ni được đào tạo chính quy, là đội ngũ kế thừa đáng tin cậy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hải Phòng trong hiện tại và tương lai. Ngài chính là hạt nhân của khối đại đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội và cộng đồng xã hội theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Là bậc cao Tăng thông tuệ, am hiểu Tam Tạng thánh giáo, ngoài việc khai tràng thuyết pháp giảng dạy cho Tăng Ni và Phật tử; Ngài còn là Giảng sư dạy môn Kinh học cho trường Cao cấp Phật học khóa II tại Hà Nội. Đồng thời được cung thỉnh giữ chức Hiệu phó phụ trách Bảo trợ học đường. Cũng trong thời gian này, Ngài được mời tham gia Hội đồng phiên dịch bộ Đại Luật do Hòa thượng Kim Cương Tử làm chủ biên. Cùng thời gian này, Ngài tham gia Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự Hội nghị Phật giáo Quốc tế tại Đài Loan, Trung Quốc... góp phần thắt chặt tình hữu nghị đoàn kết, cảm thông hiểu biết lẫn nhau với Phật giáo các nước bạn.

Đối với chốn Tổ đình Vĩnh Phúc và Thiên Phúc là hai Tổ Đình lớn nổi tiếng của Phật giáo xứ Đông, là di tịch lịch sử đã được Nhà nước và thành phố xếp hạng. Trên cương vị trụ trì kế thừa mạng mạch của Chư Tổ tiền bối, Ngài đã tận tâm kiệt lực trong việc hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Trong nhiều năm gần đây, Ngài đã cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước và tín đồ Phật tử nhân dân đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu tôn tạo, giữ gìn và phát triển hai ngôi cổ tự già lam này ngày một khang trang tố hảo, xứng đáng là chốn Tổ Đình của Đạo pháp, là di sản văn hóa lâu đời của dân tộc.

IV. THAM GIA CÔNG TÁC XÃ HỘI

Là nhà tu hành giàu lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần lời dạy của Chư Tổ: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, “phục vụ chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật”, “Tương thử thân tâm phụng trần sái, thị tắc danh vi báo Phật ân”. Tuy Phật sự đa đoan nhưng Ngài vẫn giành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội đấu tranh giành độc lập xây dựng đất nước, là một Tăng sĩ trí thức yêu nước, khế lý, khế cơ, đem đạo vào đời, gắn mạng sống Phật pháp với vận mệnh dân tộc. Ngài luôn luôn phát huy truyền thống yêu nước nghìn đời của Phật giáo Việt Nam.

Từ năm 1979 đến năm 1997, Ngài đã tham gia Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa 9, 10, 11; là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hải Phòng nhiều khóa; Đại biểu Hội đồng nhân dân - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Kiến Thụy và quận Kiến An nhiều khóa; Ủy viên Ban Chấp hành Hội chữ Thập đỏ Việt Nam; Thành viên Hội Đông y thành phố Hải Phòng. Trên cương vị nào Trưởng lão Hòa Thượng cũng tận tụy hết mình trong công việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khéo vận dụng phương tiện, đưa đạo vào đời, góp phần xây dựng đất nước thanh bình, thịnh vượng, làm sáng đạo trong đời theo truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Do công đức đóng góp to lớn của Ngài đối với Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, Trưởng lão Hòa Thượng đã được Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng:

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng III.

- Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.

- Huân chương Lao động hạng Nhì.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng nhiều Huy chương, Bằng khen phần thưởng cao quý của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng trao tặng.

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng Ngài nhiều Bằng Tuyên dương công đức.

V. THỜI KỲ LÂM BỆNH VÀ VIÊN TỊCH

Trong những năm gần đây, mặc dù tuổi cao sức khỏe yếu nên hay bị bệnh tật, nhưng Ngài vẫn vượt qua khỏi. Những tưởng Ngài còn mãi là ngọn hải đăng, cây đại thụ, là chỗ dựa vững chắc cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam góp phần cùng Giáo hội ghi thêm những trang sử vàng của Phật giáo trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển. Nhưng định luật vô thường đâu có hẹn, bốn đại duyên theo tăng giảm.

Từ ngày 25 tháng 4 năm 2013, Ngài lâm bệnh nặng, mặc dù đã được sự chăm sóc tận tình của các cấp Giáo hội, Sơn môn, Pháp phái, Pháp quyến, thân quyến, tập thể y bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp hết lòng cứu chữa, nhưng vẫn không qua khỏi. Ngài đã an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 2h00 sáng ngày 29/4/2013 (nhằm ngày 20/3/năm Quý Tỵ) tại Tổ Đình Vĩnh Phúc, phường Quán Trữ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, trụ thế 91 năm hạ lạp 65 năm, để lại bao nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tất cả mọi người.

Cả cuộc đời 91 mùa sen nở, Trưởng lão Hòa Thượng đã hiến dâng trọn đời cho “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Cuộc đời hành đạo và hóa đạo của Ngài vô cùng bình dị, chân tu, thực học, nghiêm trì thi la tịnh giới, luôn khơi đèn trí tuệ Văn Thù và thể hiện hạnh nguyện Phổ Hiền Bồ tát, tốt đời đẹp đạo. Ngài thật xứng danh là Trưởng tử của Như Lai, là bậc cao Tăng thạc đức ở thế kỷ XX và XXI. Đức hạnh và trí tuệ của Ngài mãi mãi là ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Nam mô Việt Nam Phật giáo Giáo hội Hội đồng Chứng minh Ma Ha Sa Môn Tỷ Khiêu Bồ Tát Giới pháp húy Thích Quảng Mẫn đạo hiệu Chân Phương Giác linh thiền tọa hạ.

GHPGVN

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đến núi Bà Đen khám phá đặc sản văn hóa Khmer người Nam bộ dịp 30/4-1/5

Trong nước 13:17 17/04/2024

Diễn ra vào tất cả các ngày cuối tuần đến hết dịp lễ 30/4 năm nay, một loạt các loại hình nghệ thuật trình diễn là đặc sản của văn hóa Khmer sẽ được tái hiện trên núi Bà Đen, Tây Ninh, mang đến không khí lễ hội sôi động cho nóc nhà Nam Bộ.

TP.HCM: Lễ hội Tết cổ truyền Campuchia - Lào - Myanmar - Thái Lan năm 2024 tại chùa Phổ Minh

Trong nước 08:00 15/04/2024

Theo truyền thống hằng năm vào ngày 14-4, chùa Phổ Minh tại Q.Gò Vấp, TP.HCM trang nghiêm và long trọng tổ chức Lễ hội Tết cổ truyền Campuchia - Lào - Myanmar - Thái Lan năm 2024.

Khởi công xây dựng cầu Vĩnh Lân, Cần Thơ

Trong nước 14:59 13/04/2024

Ngày 11/4, UBND xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh cùng đại diện đơn vị tài trợ tổ chức lễ khởi công công trình cầu Vĩnh Lân, thuộc ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh.

Hòa thượng Thích Thanh Từ chứng minh buổi họp mặt chư vị trụ trì các thiền viện trong tông môn

Trong nước 09:30 13/04/2024

Sáng ngày 12/4, tại Thiền viện Thường Chiếu (huyện Long Thành, Đồng Nai), Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đã quang lâm chứng minh buổi họp mặt chư Tôn đức Tăng trụ trì các thiền viện trong tông môn.

Xem thêm