Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 17/12/2015, 11:11 AM

Tìm hiểu giá trị nội dung văn bia Phật giáo ở thành phố Thanh Hóa

Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt là trong những thời kì mà nhà nước phong kiến coi trọng hoặc có những chính sách phù hợp với Phật giáo thì công tác xây dựng, trùng tu tự viện được nhân dân hết sức quan tâm. Nhân dân, tín đồ phật tử dù nghèo nhưng vẫn luôn “hằng tâm hằng sản” cúng tiền, ruộng, vật liệu để xây dựng cảnh chùa. 

Phật giáo Thành phố Thanh Hóa tỉnh Thanh Hoá có lịch sử phát triển sớm, từ thời Lý – Trần, tiêu biểu như các chùa Báo Ân (đời Lý), Đại Khánh, Tăng Phúc, Phúc Hưng, Mật Đa, Tăng Am,…(đời Trần). Trải qua các triều đại Lê, Nguyễn vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thành phố Thanh Hoá hiện nay có 29 ngôi chùa có sư trụ trì và có các hoạt động tôn giáo(1), 29 ngôi chùa này hiện đang lưu giữ 78 văn bia Phật giáo. Về niên đại, đời Lý có 1 bia, đời Trần có 1 bia, đời Lê Trung Hưng có 11 bia, sau 1945 có 5 bia, còn lại là văn bia đời Nguyễn(2). Nghiên cứu nội dung phản ánh của các văn bia hiện còn, chúng tôi thấy nổi bật lên các giá trị tiêu biểu đáng để lưu tâm sau:

- Văn bia Phật giáo là tư liệu để tìm hiểu sự truyền thừa của Phật giáo thành phố Thanh Hóa.

Phật giáo Thanh Hoá thời Tuỳ đã có những dấu ấn đậm nét, điều này được minh chứng trong tấm bia 大 隨 九 真 郡 寶 安 道 場 之 碑 文 Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (618) ở xã Đông Xuân huyện Đông Sơn, dấu ấn Phật giáo được thể hiện ở chỗ các tín đồ phật tử đã được tổ chức thành “hội, đạo tràng” các tổ chức mà ngày nay vẫn được các chùa thực hiện. Phật giáo tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ ở thời Lý – Trần, lúc này Thanh Hoá đã hình thành nhiều trung tâm Phật giáo lớn như: chùa Hương Nghiêm, Trinh Nghiêm, Minh Nghiêm ở huyện Thiệu Hoá; chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở huyện Hậu Lộc; chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trung, chùa Diên Linh Chân Giáo ở Nga Sơn; chùa Minh Tịnh ở Hoằng Hoá; chùa Tạu ở Thọ Xuân,… đều có niên đại thời Lý. Tuy nhiên trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và do những điều kiện lịch sử, tư tưởng cũng như sự khắc nghiệt của thiên nhiên phần nhiều di tích đền chùa ở Thanh Hoá bị phá huỷ và mất dấu hoàn toàn. Tính nguyên vẹn, kế thừa và liên tục bị ngắt quãng dẫn đến tình trạng nhiều ngôi chùa không rõ lịch sử, thuộc sơn môn pháp phái nào, các bậc tổ sư đời trước là ai, pháp hiệu, pháp huý là gì,… Dựa vào một số tư liệu văn bia ít ỏi còn lại đến nay, cũng hiểu được phần nào đó quá trình truyền thừa ở một số ngôi chùa trên địa bàn thành phố Thanh Hoá.

Tìm hiểu các văn bia Mộ tháp ở chùa Quảng Hoá, chùa Thanh Hà, chùa Hương Quang, văn bia ở các chùa Long Nhương, Mật Đa, Hương Quang và một số văn bia ở các huyện lân cận như văn bia 永福寺功德碑記 Vĩnh Phúc tự công đức bi kí, chùa Gia (Vĩnh Phúc tự) xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hoá; văn bia 廣福寺功德碑記 Quảng Phúc tự công đức bi kí chùa Quảng Phúc xã Xuân Thiên; văn bia 靈景寺功德碑記 Linh Cảnh tự công đức bi kí xã Xuân Bái huyện Thọ Xuân. Các văn bia này đã giúp cho chúng ta biết về sự truyền thừa dòng Lâm Tế Chính tông từ Ninh Bình vào Thanh Hoá diễn ra như thế nào, nội dung các văn bia này cũng cho chúng ta biết tên tuổi, hành trạng, năm sinh năm mất của các vị sư tổ. Đặc biệt các văn bia này đã phản ánh rõ ràng mối quan hệ tông sư giữa một số chùa và tình hình Phật giáo thành phố Thanh Hoá trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến trước 1945.

Văn bia mộ tháp chùa Quảng Hoá (P.Phú Sơn) cho biết 7 vị tổ sư của chùa thuộc sơn môn Lâm Tế chùa Hương Dự (Ninh Bình)(3), khi liên hệ với văn bia chùa Long Nhương thì biết rằng Hoà thượng Thanh Đoan là đệ tử của chùa Quảng Hoá đã từng là trụ trì chùa Long Nhương (P.Đông Thọ). Hay văn bia Công đức chùa Thanh Hà (P.Trường Thi) ghi về việc Hoà thượng Thanh Trình (trụ trì chùa Quảng Hoá xuất thân là đệ tử tục gia chùa Hương Dự) cùng với sư đệ Thanh Đức vào giúp xây dựng chùa trở thành tổ thứ nhất của chùa Thanh Hà. Văn bia 南岸寺碑 Nam Ngạn tự bi chùa Mật Đa (P.Nam Ngạn) và văn bia 慧明庵 Tuệ Minh am ở chùa Đại Khánh (xã Thiệu Khánh) lại cho biết mối liên hệ truyền thừa giữa 2 chùa này, văn bia cho biết: Vô Niệm thiền sư trước tu ở chùa Đại Khánh sau sang trụ trì chùa Thái Bình (xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hoá), đến khi có tuổi quay về bản quán phục dựng và trụ trì chùa Mật Đa. Dựa nội dung văn bia và Khoa cúng tổ của các chùa (Mật Đa, Hương Quang và một số chùa Ni trên địa bàn thành phố Thanh Hoá) thì thấy rằng giữa các chùa này có mối quan hệ mật thiết về sơn môn và đều do Tổ sư Thông Quang (chùa Yên Vệ tỉnh Ninh Bình) truyền bá chính pháp(4).

Tuy nhiên hiện nay mới có thể tìm hiểu được sự truyền thừa của Phật giáo thành phố Thanh Hoá và một số huyện phụ cận và cũng chỉ mới biết được sự truyền thừa đó diễn ra trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến trước 1945, còn ở những thời kì trước diễn ra như thế nào thì đến nay chưa có tài liệu để có thể làm rõ được.

- Văn bia góp phần tìm hiểu về hoạt động tín ngưỡng địa phương. 

Văn bia Phật giáo thành phố Thanh Hoá không đề cập trực tiếp hay mô tả các hoạt động tín ngưỡng địa phương, nhưng thông qua một số văn bia như 石 碑 記  Thạch bi kí, 進 供 碑 記 Tiến cúng bi kí ở chùa Phạm Thông (P.Hàm Rồng), 供 田 碑 記 Cúng điền bi kí ở chùa Nam (xã Đông Tân), 善 信 親 私 碑 Thiện tín thân tư bi chùa Hương Quang và một số bia cung tiến, kí kị khác thì có thể thấy rằng: Người dân cúng tiến tiền, ruộng đất cho nhà chùa để phục vụ 2 mục đích, Một là để xây dựng cảnh chùa, để gửi giỗ, bầu Hậu, thứ Hai là để dùng chi cho các hoạt động phật sự, các lễ hội cũng như các nghi lễ, giỗ chạp của riêng từng chùa. Hiện nay trên địa bàn thành phố Thanh Hoá, hàng năm các lễ hội chùa đều diễn ra vào tháng 1, 2 Âm lịch. Tiêu biểu và thu hút sự quan tâm tham dự của nhân dân là các lễ hội chùa Đại Khánh, Phúc Hưng, Tăng Phúc, Hương Quang, chùa Phạm Thông,… các lễ hội này thường diễn ra cùng với ngày hội làng tạo nên những nét riêng vô cùng đặc sắc trong hoạt động sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
 
- Văn bia góp phần tìm hiểu về hoạt động xây dựng các công trình phục vụ tín ngưỡng tôn giáo.

Công việc xây dựng, trùng tu các công trình tâm linh - tín ngưỡng là công việc trọng đại của địa phương nơi công trình đó toạ lạc. Công việc xây dựng thường phải huy động sức dân, tiền của của nhân dân và tín khách thập phương. Văn bia có nội dung ghi chép về việc xây dựng, trùng tu các công trình phục vụ cho tín ngưỡng của người dân được thể hiện đậm nét trong các văn bia có niên đại thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn.

Các văn bia thời Lê Trung Hưng ghi chép một cách rõ nét về việc xây dựng các công trình phục vụ tín ngưỡng của người dân, tiêu biểu như các bia: Văn bia 重修福興寺碑 Trùng tu Phúc Hưng tự bi có niên đại Vĩnh Trị 2 (1677) ở chùa Phúc Hưng (xã Thiệu Dương) ghi chép một cách rõ ràng về quá trình trùng tu, xây dựng thêm công trình mới của chùa, văn bia cũng cho biết thêm việc di chuyển chùa từ ngoài đê sông Mã vào trong đê để tránh bị lũ lụt. Văn bia 興福禪寺功德悲記 Hưng Phúc thiền tự công đức bi kí có niên đại Long Đức 1 (1732) ở chùa Phúc Hưng (xã Đông Hương) ghi về việc chùa đến nay đã bị hư hại nên mọi người trong thôn và tín đồ gần xa cúng tiến tiền trùng tu lại chùa, văn bia cũng ghi chép lần trùng tu này đã “kiến lập cảnh chùa và tu tạo các tòa tượng Phật, làm mới các tòa Tràng phan bảo cái, đúc pháp khí, hồng chung, mua ruộng đất, mở rộng cảnh chùa, tạo vườn ao khiến cho nơi này trở thành chốn tịnh thổ, để mãi là nơi phụng sự Phật”. Bia 供田碑記 Cúng điền bi kí chùa Nam (xã Đông Tân), có niên đại Cảnh Hưng thứ 29 (1768) ghi chép về việc trùng tu, sửa chữa chùa và cúng ruộng làm ruộng lộc điền. 

Các văn bia đời Nguyễn ghi chép về việc xây dựng các công trình phục vụ tín ngưỡng của người dân, tiêu biểu như các bia: 福興寺碑 Phúc Hưng tự bi kí chùa Phúc Hưng có niên đại dựng bia đời vua Tự Đức (1842) ghi về việc xây mới Tiền đường, lầu chuông, nhà bia. Văn bia 望佛碑記 Vọng Phật bi kí có niên đại Bảo Đại 10 (1935) chùa Thanh Hà ghi việc dân làng Đức Thọ thống nhất xây lại chùa (trước đó chùa lợp bằng tranh tre giờ xây lại bằng gạch ngói). Văn bia 香光今古碑 Hương Quang kim cổ bi và bia 重修香光寺碑 Trùng tu Hương Quang tự bi ở chù Hương Quang có niên đại đời Bảo Đại thứ 2 (1927) và Bảo Đại thứ 10 (1935) đều ghi việc nhân dân làng Cẩm Bào cùng nhau cúng tiến tiền, ruộng tu sửa cảnh chùa cho khang trang hơn, đẹp hơn.

Có thể thấy rằng trong những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt là trong những thời kì mà nhà nước phong kiến coi trọng hoặc có những chính sách phù hợp với Phật giáo thì công tác xây dựng, trùng tu tự viện được nhân dân hết sức quan tâm. Nhân dân, tín đồ phật tử dù nghèo nhưng vẫn luôn “hằng tâm hằng sản” cúng tiền, ruộng, vật liệu để xây dựng cảnh chùa. 

- Văn bia góp phần tìm hiểu về tục gửi giỗ, lập Hậu.

Ở nước ta, tục lập Hậu, gửi giỗ rất phổ biến, có thể coi như một tín ngưỡng dân gian, thể hiện nét văn hóa bản địa, nó được xuất phát từ tình cảm tốt đẹp của dân tộc. Người được lập Hậu, gửi giỗ vì lý do nào đó đóng góp tiền của cho làng cho xã, cho các cơ sở tôn giáo để sau khi qua đời mình được thờ phụng tại di tích. Nếu gửi ở đền gọi là Hậu thần, gửi ở chùa gọi là Hậu Phật. Văn bia Hậu Phật ở thành phố Thanh Hoá tương đối nhiều về số lượng như: văn bia 記 望 后 佛 Kí vọng Hậu Phật ở chùa Thanh Hà ghi việc bà Nguyễn Thị Duyên cúng 300 tiền để lo việc phật sự cùng 6 mẫu ruộng làm ruộng hương hoả để gửi giỗ cho mình; văn bia 望 后 佛 碑 記 Vọng Hậu Phật bi kí niên đại Bảo Đại 10 (1934) ghi việc bà Trần Thị Trật nhân việc nhà chùa Thanh Hà hưng công sửa từ vũ cúng 100 tiền, 1 sào ruộng để gửi Hậu.

Bên cạnh tục lệ lập Hậu là tục lệ gửi giỗ. Lệ gửi giỗ lên chùa nảy sinh từ mong muốn cá nhân hoặc vì lý do nào đó, người gửi giỗ mong muốn nhờ nhà chùa làm giỗ cho người thân hoặc chính bản thân họ sau khi qua đời.  Để được gửi giỗ phải đóng góp tiền, ruộng trên danh nghĩa làm công đức. Như văn bia Vô đề chùa Thanh Hà ghi: Bà Lê Thị Thỉnh hiệu Diệu Hương cùng gia quyến cúng 100 tiền, 1 mẫu ruộng để gửi giỗ cho con gái là Đặng Thị Vị, Văn bia Vô đề niên hiệu Bảo Đại 17 (1941) ghi việc bà Trần Thị Chất cúng 190 tiền, 5 sào ruộng để gửi giỗ cho mình, Văn bia 后 佛 碑 記 Hậu Phật bi kí niên đại Bảo Đại 10 (1934) ghi việc ông Nguyễn Văn Tiến cùng gia quyến cúng 100 tiền, 2 mẫu ruộng để gửi giỗ cho Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Huệ,… 

Như vậy tục lập Hậu, gửi giỗ thể hiện một phong tục tốt đẹp của nhân dân ta bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có công đức và tổ tiên cũng như lo cho chính bản thân mình. Thông qua đó giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức cho thế hệ sau.

- Văn bia góp phần tìm hiểu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong đời sống xã hội. 

- Văn bia Phật giáo phản ánh tinh thần đoàn kết, bình đẳng và hài hoà trong cộng đồng làng xã. Điều này đã được thể hiện trong các văn bia công đức, cúng tiến. Trong việc đóng góp xây dựng chùa chiền ai ai cũng có quyền được đóng góp, việc này là tự nguyện không ai ép buộc và cũng không phân biệt địa vị xã hội, người có nhiều đóng góp nhiều người có ít đóng góp ít, người có tiền góp tiền, có vật liệu góp vật liệu không thì góp công quả, không ai bị phân biệt đối xử thấp cao, ít nhiều. Khi công trình hoàn thành đó trở thành tài sản chung của dân làng, của cộng đồng. Những người cúng tiến dù nhiều dù ít đều được phương danh.

Trong cái hài hoà và đoàn kết ấy cũng tồn tại cái tôi, cái cá nhân trên tinh thần đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng dân cư. Các văn bia Hậu, gửi giỗ phản ánh cái quyền cá nhân luôn được cộng đồng đề cao. Có được những tinh thần đó chính là nhờ tư tưởng Lục hoà (Giới hoà đồng tu, Thân hoà đồng trụ, Khẩu hoà vô tranh, Lợi hoà đồng quân, Ý hoà đồng duyệt, Kiến hoà đồng giải). trong Phật giáo tác động đến đời sống tinh thần của cộng đồng làng xã, giác ngộ con người.

- Văn bia Phật giáo thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam đối với các bậc tiền nhân. Người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc một đạo lý khác của đạo Phật giáo là đạo Tứ Ân, gồm: ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân chúng sinh. Trong đạo lý Tứ ân, ta thấy ân cha mẹ ảnh hưởng rất sâu đậm trong tình cảm và đạo lý của người Việt, nhắc đến công lao dưỡng dục của cha mẹ, Phật dạy: "muôn việc ở thế gian, không gì hơn công ơn nuôi dưỡng lớn lao của cha mẹ". Đạo lý Tứ ân còn có chung cái động cơ thúc đẩy là từ bi, hỷ xả khiến cho ta sống hài hòa với xã hội. Trong một ngôi chùa bao giờ cũng có một công trình kiến trúc riêng biệt gọi là Nhà Tứ ân, công trình này dành cho những người gửi giỗ hoặc quy âm cha mẹ lên chùa, cứ vào ngày tuần, ngày Rằm, lễ Tết họ đến thắp hương tưởng nhớ các bậc tiên tổ sinh thành. Văn bia Hậu, gửi giỗ ở một số chùa có nội dung con cái sợ về sau khi mình già yếu không lo hương khói được cho cha mẹ nên gửi giỗ, để cho cha mẹ đời đời được hưởng lộc chùa.

Văn bia Phật giáo đề cao ân sư trưởng, tức ơn người thầy đã dạy dỗ, giáo hoá ta về đạo nghiệp, học vấn. Cho nên trong nhà chùa bao giờ cũng có một công trình kiến trúc riêng biệt gọi là Nhà tổ để thờ các bậc tổ sư tiền nhân. Văn bia tháp mộ ở các chùa Hương Quang, Mật Đa, Quảng Hoá là tiêu biểu cho tinh thần ân sư trưởng trong Phật giáo.

- Giáo lý Phật Đà chú trọng truyền bá tư tưởng “nhân quả” và được giải thích như sau: Cái gì phát động ra ở vật gây ra một hay nhiều kết quả nào đó, được gọi là Nhân. Cái gì tập lại từ Nhân được gọi là Quả. Mối quan hệ nhân - quả là mối quan hệ biện chứng giữa vạn vật. Mối quan hệ đó bao trùm lên toàn bộ thế giới không tính đến cái lớn nhỏ, không tính đến sự giản đơn hay phức tạp. Một hạt cát nhỏ được tạo thành trong mối quan hệ nhân quả có thể hình thành nên thế giới. Cốt lõi của thuyết nhân quả được Phật giáo truyền bá là tinh thần từ bi, hỷ xả, tư tưởng này giáo hoá đến chúng sinh phải biết khuyến thiện trừ ác. Tư tưởng ấy giúp cho con người sống tốt hơn, thiện hơn sẵn sàng mở lòng cứu khổ cứu nạn khi gặp người hoạn nạn và đấu tranh để lạo trừ cái ác ngay trong chính bản thân mình. 

- Văn bia góp phần tìm hiểu về các nhân vật lịch sử.

Văn bia ghi tiểu sử dù không nhiều nhưng cũng giúp ích cho những người làm công tác nghiên cứu Phật giáo, bảo tồn di tích phần nào giải đáp được những câu hỏi liên quan đến lịch sử di tích, đến nhân vật lịch sử cũng như tình hình chính trị - xã hội đương thời. Văn bia 福 興 寺 鐘 樓 碑 記 Phúc Hưng tự chung lâu bi kí chùa Phúc Hưng xã Thiệu Dương mặc dù là văn bia chùa nhưng cho chúng ta biết nhiều thông tin về Dương Đình Nghệ và con của ông là Dương Tam Kha như: quê quán, sự nghiệp, quá trình khởi binh chống giặc Hán, cho đến việc ông bị nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết hại, văn bia dành phần lớn nội dung để ca ngợi công lao của ông. Văn bia 功 德 成 道 塔 Công đức thành đạo tháp dựng năm 1820 ở chùa Đại Khánh xã Thiệu Khánh ghi chép về tiểu sử, hành trạng vị sư trụ trì chùa có pháp hiệu là Hải Oánh, quê quán ở xã Phúc Lộc huyện Thiên Lộc, Nghệ An. Văn bia 大 慧 圓 通 塔 Đại Tuệ viên thông tháp, dựng năm 1754 ở chùa Đại Khánh cho biết về lai lịch Huyền Diệu thiền sư, văn bia cho biết: “Ngài người xã Đại Khánh, sinh năm Đinh Hợi, 7 tuổi xuất gia …”. Văn bia 南岸寺碑 Nam Ngạn tự bi dựng năm Bảo Thái thứ 4 (1723) ở chùa Nam Ngạn lại ghi chép lại tiểu sử của Vô Niệm thiền sư, văn bia cũng cho biết Ngài xuất gia ở đâu, với ai, quá trình hành đạo thế nào, duyên cớ nào lại quay về trụ trì và xây dựng chùa Nam Ngạn. Văn bia 安 獲 山 報 恩 寺 碑 記 An Hoạch sơn Báo ân tự bi kí là tư liệu quý để nghiên cứu về Lý Thường Kiệt cũng như các vấn đề về chính trị - xã hội đương thời,....

Tóm lại, tìm hiểu các giá trị của văn bia Phật giáo chính là góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của nguồn di sản quý báu này, nghiên cứu này đem lại lợi ích cho rất nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, nhất là đối với ngành văn hóa - du lịch, tâm linh tín ngưỡng; bên cạnh đó tìm hiểu về các giá trị của văn bia Phật giáo cũng góp phần phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền của địa phương.

Vũ Ngọc Định
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2015

-
Chú thích:
(1) Theo thống kê của Ban trị sự Phật giáo Thành phố Thanh Hoá.
(2) Theo sưu tầm thực địa của Tác giả
(3)Vũ Ngọc Định (2010), Chùa Quảng Hoá – in trong Chùa Xứ Thanh tập 2, Nxb Thanh Hoá
(4) Vũ Ngọc Định (2015) Sự truyền thừa của dòng Lâm tế Ninh Bình trên đất Thanh Hoá, Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hoá.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm