Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 20/02/2015, 14:28 PM

Tìm hiểu về Hộ Pháp Luận

DẪN NHẬP

Như tên gọi của nó, Hộ Pháp luận là một bản luận mang nội dung, mục đích “phá tà hiển chính”. Phá tà ở đây chính là dùng những lập luận chuẩn xác, những dẫn chứng cụ thể thực tế nhằm bác bỏ những kiến chấp, những quan điểm sai lầm, những ngộ nhận về Phật giáo do chưa nghiên cứu thấu đáo, hay cố tình xuyên tạc với mục đích phá hoại. Hiển chánh để minh định lại thật nghĩa của chính pháp, trả lại nguyên vị và mở bày cho thấy giá trị cao quí của Phật pháp.

Tài liệu này được nhiều thế hệ cao tăng đại đức dùng làm tài liệu học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Năm 2007, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp ở Tổ Đình Vĩnh Nghiêm đã xuất bản tác phẩm này bằng Việt ngữ với tựa đề “Luận Hộ Pháp và Phật Giáo với Khoa Học” khiến cho nhiều người Việt có cơ hội đọc được. Trong quá trình nghiên cứu, người viết nhận thấy tài liệu này rất có giá trị trong việc nghiên cứu Phật pháp và hộ trì chánh pháp, nên viết bài này đăng tải để giới thiệu và kết duyên với quý thiện hữu độc giả.

1. Khái lược về tác giả và tác phẩm.
1.1. Tác giả

Tác phẩm Hộ Pháp Luận đến nay nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc và Việt Nam đều khẳng định là của Tống Thừa Tướng Trương Thương Anh. Trương Thương Anh 張商英 (1043~1121) người huyện Tân Tân (新津), Thục Châu, thời Bắc Tống, tự là Thiên Giác, hiệu là Vô Tận cư sĩ, sinh năm Khánh Lịch thứ 3 đời vua Tống Nhân Tông (1043). . Từ nhỏ, ông đã có nhuệ khí khác thường, tụng đọc làu thông nhiều kinh sách, năm 19 thi đỗ Tiến Sĩ khoa thi năm Gia Hựu thứ 6 (1061). Khi ra làm quan ông có tư tưởng bài xích Phật pháp, nhưng sau đó nhân đọc kinh Duy Ma đến câu: “Bệnh này cũng chẳng phải địa đại, cũng chẳng rời địa đại” bèn có sự thâm ngộ. Từ đó, ông tín tâm theo Phật. Ông làm Thừa Tướng và thời Tống Huy Tông (1101-1125) và mất vào khoảng tháng 11 năm Tuyên Hòa thứ 3 (1121), thọ 78 tuổi, tên thụy là Văn Trung. Năm Tuyên Hòa thứ 6 ông được truy tặng là Thái Bảo 

1.2. Tác phẩm
1.2.1. Bối cảnh ra đời của Hộ Pháp Luận

Để hiểu rõ, nắm bắt được nội dung ý nghĩa và mục đích của một tác phẩm thì việc tìm hiểu bối cảnh ra đời của tác phẩm ấy là điều vô cùng cần thiết. Nhân duyên viết Hộ Pháp Luận được ghi lại trong “Ấn Quang Văn Sao Tục Biên” như sau:

Thương Anh thoạt đầu chẳng biết đến Phật pháp, nhân vãng cảnh một ngôi chùa thấy kinh Phật được sắp xếp một cách trang nghiêm, giận dữ nói: “Sách của người Hồ lại được tôn quí trân trọng hơn cả sách thánh Khổng nước ta”. Tối đến, ông cầm bút nghĩ mãi nhưng không viết được chữ nào. Phu nhân Hướng Thị là người tin Phật, thấy vậy bèn hỏi chồng đang định viết gì. Ông đáp: 

- Ta định viết bài luận chứng minh không có Phật. 

Phu nhân nói: - Đã là không có Phật, cần gì phải luận nữa! Nhưng ông đã từng đọc kinh Phật chưa?

Đáp: - Đời nào ta chịu đọc loại kinh ấy!

Phu nhân nói: - Không đọc kinh của người ta thì dựa vào ý nghĩa nào để luận định đây!

Ông bèn thôi. Sau đó, ở chỗ bạn đồng liêu, ông thấy trên bàn có cuốn kinh Duy Ma Cật, vô tình mở ra xem, cảm thấy từ lý cao siêu tuyệt diệu, bèn mượn về. Đọc chưa quá nửa, ông chợt thông ngộ, sanh lòng hối hận, phát nguyện hết báo thân này hoằng dương Phật pháp. Đối với Giáo lẫn Tông ông đều tâm đắc nên soạn cuốn Hộ Pháp Luận cực lực tán dương .
 
Như vậy, Trương Thương Anh từ một vị quan trọng Nho khinh Phật, nhưng nhờ thiện duyên gặp được Phật pháp mà hồi tâm chuyển ý, tín tâm theo Phật. Hộ Pháp Luận ra đời trước hết như là một lời sám hối chân thành với Phật pháp bởi những gì phỉ báng Tam Bảo trước đây của ông. Và từ sự tỏ ngộ này ông đồng cảm sâu sắc với những nhà Nho đương thời mang định kiến tôn Nho báng Phật; bằng những so sánh, luận chứng, điển tích, điển cố của Nho gia, ông muốn phá vỡ những định kiến ấy, và mở ra cho họ một tầm nhìn mới nên chủ ý soạn Hộ Pháp Luận.

Hơn nữa, cuối Đường hai lần pháp nạn ở thời kỳ Ngũ đại và loạn chiến liên tục của triều đại làm cho Phật giáo suy vi, vào triều Tống đã có những chính sách bảo hộ Phật giáo nên Phật pháp bắt đầu hưng thịnh trở lại. Quy luật tất yếu trong sự hưng thịnh có mầm mống lụi tàn, thời ấy có những tăng sĩ thiếu hiểu biết, phạm trai phá giới gây làn sóng dư luận trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến Phật giáo. Trương Thương Anh là một mệnh quan triều đình nên đã quá rõ vấn đề này. Vì thế, đây cũng là một trong những yếu tố để Hộ Pháp Luận ra đời.

Mặt khác, vào thời Tống Huy Tông (1101-1125) đã có những chính sách bất lợi cho Phật giáo, do đó rất có thể Hộ Pháp Luận ra đời trong thời điểm này nhằm mục đích bảo vệ Phật pháp.

“Bài Tựa sau luận Hộ Pháp” có đoạn: “Ông Vô Tận Cư sĩ đã đắc pháp với thiền sư Đâu Xuất Duyệt Ông. Ông cư sĩ không truyền bá yếu chỉ cao siêu, mà dùng biện tài vô ngại của mình để diễn thuyết. Song, ông vẫn lo ngại vì cách Phật đã xa, tà kiến thì nhiều, không có tôn chỉ hướng thượng, lại thêm những lời dèm chê, đó là lý do mà ông cư sĩ đã viết ra bộ luận hộ pháp này” .

Như vậy, Hộ Pháp Luận  ra đời hội đủ những yếu tố nội tại và ngoại tại, tạo nên một tiếng vang, một khả năng hộ pháp đắc lực không chỉ đương thời mà đến cả sau này.

1.2.2. Văn bản Hộ Pháp Luận ở Trung Quốc và Việt Nam

Đành rằng Hộ Pháp Luận là của Vô Tận Cư sĩ- Trương Thương Anh nhưng thời điểm ra đời của nó rất khó xác định. 

Từ “Hộ Pháp Luận Nguyên Tự” (護法論原序) do Vô Ngại Cư sĩ- Nam Giản, Trịnh Hưng Đức soạn ngày 15 tháng 06 năm Tân Mão, niên hiệu Càn Đạo (1172) cho biết đây chính là bản in đầu tiên được ra đời sau khi ông mất 51 năm (1121-1172).

Căn cứ vào “Hộ Pháp Luận Hậu Tự”(護法論後序) do Khuê Chương Các, Thị Thư Học sĩ, Hàn Lâm Thị Giảng Học Sĩ, Thông Phụng Đại Phu Tri Chế Cáo, kiêm Tu Quốc Sử tên là Ngu Tập viết tại đình Vi Tiếu ngày 15 tháng 02 niêm hiệu Chí Chính thứ năm (1345) cho thấy bản khắc này vào triều Nguyên cách bản khắc trước là 173 năm (1172-1345). Tuy gọi là bài tựa sau của luận Hộ pháp (Hộ Pháp Luận hậu tự) nhưng thật sự chưa phải là bản khắc sau cùng. 

Trong “Trùng khắc Hộ Pháp Luận Đề Từ”(重刻護法論題辭) do Hàn Lâm Thị Giảng Học Sĩ, Trung Thuận Đại Phu Tri Chế Cáo, Đồng Tu Quốc Sử, kiêm Thái Tử Tán Thiện Đại Phu Kim Hoa Tống Liêm soạn vào ngày 09 tháng 09, niên hiệu Hồng Vũ thứ 7 (1374) thời nhà Minh cho thấy thêm một bản trùng khắc nữa xuất hiện cách bản khắc trên là 29 năm (1345-1374).

Như vậy, có 3 bản khắc Hộ Pháp Luận xuất hiện vào ba triều đại Tống, Nguyên và Minh.

Luận Hộ Pháp đã được đưa vào Tạng Đại Chính Tân Tu tập 52, No. 2114, có đủ cả 3 bài tựa.

Ở Việt Nam tác phẩm Hộ Pháp Luận rất được xem trọng, các bậc cao Tăng đại đức khắc bản, rồi gia công phân đoạn, thêm chú giải bằng âm Nôm nhằm giúp cho độc giả người Việt dễ dàng nắm bắt. Hiện tại ở Việt Nam tìm thấy 3 văn bản về Hộ Pháp Luận:

- AB.381. Phần chữ Hán khắc lại của bản Cảnh Hưng 15 (1754) chỉ khác là phân tích ra các đoạn rồi giải thích bằng âm nôm sau các đoạn đó.

- AC.144-145. Là bản in năm Minh Mệnh 16 (1863) có thêm phần chữ Phạn phía sau và tranh Phật Bà, phần nguyên văn chữ Hán khắc lại từ bản Cảnh Hưng (1754)

- Còn bản AC. 343 và 5 bản ở thư viện Quán Sứ đều in ở bộ váng tàng trữ ở chùa Đọi Sơn, Lục Đình, Duy Tiên, Hà Nam, có một bài Trùng Khắc Hộ Pháp Luận do Thanh Tĩnh Từ Nhu vào tháng giữa xuân năm Kỹ Mùi niên hiệu Tự Đức (1859), bản Hán cũng được khắc lại từ bản Cảnh Hưng .

Hộ Pháp Luận so với những tác phẩm khác thật sự không dài nhưng được giới Phật học Trung Quốc cũng như Việt Nam trọng thị; như thế thì quả thật văn bản ấy phải nội hàm một ý nghĩa, nội dung phong phú và đặc biệt có giá trị thực tiễn xuyên suốt thời gian. Khảo cứu về nội dung và ý nghĩa của văn bản này chúng ta có thể nhận thấy điều đó.

2. Nội dung, và ý nghĩa của Hộ Pháp Luận

Nội dung toàn bộ văn bản của Hộ Pháp Luận được chia thành 2 phần: Phần tổng luận và phần biệt biện.

2.1. Tổng Luận

Tổng luận là biện luận một cách khái quát thông qua một vấn đề được nêu chung. Phần Tổng luận rất cần thiết cho một luận bản bởi từ đây người đọc có thể nắm bắt được vấn đề chính yếu và xuyên suốt chủ ý của luận chủ. 

Xuất phát từ thực trạng báng Phật trọng Nho của các Nho gia có sức ảnh hưởng lớn tạo thành một xu thế báng Phật trong cộng đồng mà họ không cần phân biệt đúng sai, không cần hiểu rõ ngọn ngành. Để có thể triệt để phá tan định kiến này không gì hiệu quả hơn là dùng nhận định của Nho gia để đập tan thành kiến của chính họ mà đỉnh cao là viện dẫn lời của đức Thánh Khổng Tử: “Khâu tôi nghe ở phương Tây có bậc đại thánh nhân, không trị mà không loạn, không nói mà tự tin, không giáo hóa mà tự làm theo. Thật là vĩ đại! Tôi  không thể nào diễn tả hết được” 

Trên cơ sở đó, ông kết lại vấn đề: “Khổng Tử là bậc thánh nhân còn tôn trọng Phật như thế, vậy mà những người học đạo của Khổng Tử đời nay chưa đọc được nhiều sách, sao đã vội lấy việc chê bai Phật làm điều cấp thiết?”  

Lời nói trên vừa mang tính khẳng định vừa mang tính phủ định. Khẳng định sự nhận định của bậc thánh nhân là sáng suốt đưa tới phủ định việc chê bai Phật pháp là việc làm vội vàng thiếu suy xét. Và rồi để công bằng, tăng sức thêm thuyết phục, ông đưa ra quan điểm: “Nếu muốn bài xích Phật giáo, thì nên đọc hết những kinh sách và nghiên cứu thật sâu giáo lý của đạo Phật, nhặt lấy những chỗ không hợp với đạo Nho ta, cùng với sự nhìn nhận của những người học Phật, nhằm giải thích điều nghi, biện minh những điều chưa rõ, rồi sau đó mới có thể bài bác.”
 
Cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề vô cùng xác đáng, song mang tính khái quát vì bài xích Phật giáo cụ thể là bài xích những gì luận chủ chưa đề cập chỉ nêu lên để tạo thành một đường dẫn, một tiền đề cho phần biệt biện.

2.2. Biệt biện

Biệt biện là phần biện minh riêng biệt từng vấn đề, mỗi vấn đề cụ thể đặt ra được minh chứng, luận chứng một cách rõ ràng nhằm phá bỏ quan kiến sai lạc của đối phương, xác lập quan điểm như lý như thật. 

Có thể nói Hộ Pháp Luận, cư sĩ Vô Tận đã xoáy sâu vào 12 vấn đề trọng tâm:

1. Đạo Phật không thực tế.  
2. Đạo Phật là tai họa lớn cho Trung Quốc. 
3. Đạo Phật là giáo pháp của người man rợ, người theo đạo Phật giảm tuổi thọ.  
4. Khi chưa có đạo Phật, thì Kinh Thi, Kinh Thư, Thiên Nhã, Thiên Tụng cũng mang lại hạnh phúc cho mọi người. . 
5. Đệ tử của Phật không cày bừa mà có ăn. 
6. Đạo Phật trốn tránh cuộc đời, hủy hoại thân hình. 
7. Vua Lương Võ Đế do thờ Phật mà bị mất nước.  
8. Đệ tử Phật dùng điều tội phước, thần quái dọa người với mục đích vụ lợi.  
9. Đạo Phật không làm gì được cho đời nên tự xưng là xuất thế.  
10. Phật giáo có thuyết bảy hạt cơm biến khắp mười phương là không hợp lý. 
11. Thiên đường chỉ là giả tạo, và địa ngục cũng chẳng thật. 
12. Theo Bắc truyền, đức Phật khuyên mọi người không ăn thịt là không hợp lý. 

Xoay quanh 12 vấn đề trọng tâm này, cư sĩ Vô Tận bản thân là một mệnh quan triều đình với trình độ tiến sĩ Nho học, lại ngộ Phật, thông Lão, bằng phương pháp so sánh, phân tích, giảng giải, chứng minh với những viện dẫn, trích dẫn chương cú, điển tích, điển cố của cả Thích, Nho và Lão, một cách xác đáng; có khi tác giả dùng lời lẽ cứng rắn mạnh mẽ, có khi lại nhu hòa thâm trầm, đặc biệt ngữ khí phản vấn thường được sử dụng như viện đạn được chế tạo hai ngòi nổ thêm sức công phá xuyên thấu tâm cang người đọc. Đơn cử vấn đề bài xích thứ ba:

Hàn Dũ nói: “Đạo Phật là pháp của người mọi rợ, truyền vào Trung Quốc từ thời Hậu Hán, trước đó chưa từng có đạo này. Từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế trở xuống, Văn Vương, Vũ Vương trở lên không ai dưới 100 tuổi. Người đời sau vì thờ Phật nên thọ mạng giảm dần, tuổi đời càng ngắn”.
Để đã phá bài xích này, trước ông phán kết: “Nông nỗi thay! Hàn Dũ đã tự dối mình.” Và sau đó dẫn luận:

Dũ há chẳng nghe Mạnh Tử nói: “Vua Thuấn sinh ở Chư Phùng, rồi dời về Phụ Hạ, mất ở Minh Điều, là rợ phương Đông. Văn Vương sinh ở Kì Châu, mất ở Tất Dĩnh, là rợ phương Tây”, nhưng vua Thuấn và Văn Vương đều là Thánh nhân, chế định các phép tắc cho người đời sau. Đâu thể cho rằng các vị ấy là mọi rợ mà phế bỏ phép tắc của họ? Huống gì Đức Phật xuất thân từ thành Ca-tỳ-la-vệ con vua Tịnh Phạn là trung tâm của Nam Thiệm-bộ châu chứ chẳng phải dân mọi rợ.

Nếu từ thời thượng cổ chưa từng có mà không thể dùng thì Si Vưu, Cổ Tẩu sinh thời thượng Cổ, còn Chu Công, Trọng Ni ở đời sau. Há có thể bỏ các bậc thánh hiền từ Chu Công trở xuống mà suy tôn những kẻ ngu ác ngoan cố thời thượng cổ? Lại nữa, thời thượng cổ ở rừng hoang sống trong hang, ăn lông uống máu; còn dựng lên nhà cửa, biết cách lấy lửa là từ người đời sau, lẽ nào đều bỏ mà không thể dùng? Nếu cho rằng người thời thượng cổ sống thọ, còn người đời sau thờ Phật nên tuổi thọ giảm dần, tuổi đời càng ngắn. Lập luận này khác gì ‘trộm linh bịt tai"...

Và rồi để phản biện ý thứ 2, theo đạo Phật làm giảm tuổi thọ. Ông lập luận:

Hàn Dũ lẽ nào không biết việc vua Ngoại Bính ở ngôi chỉ được hai năm, vua Trọng Nhâm cũng chỉ bốn năm? Và lại cũng không biết Khổng Lý, Nhan Uyên và Nhiễm Bá Ngưu đều chết yểu sao? 

Lại nữa, trong Kinh Thư, thiên Vô Dật ghi: “Từ đó về sau cũng không ai sống thọ, hoặc được mười năm; hoặc bảy, tám năm; hoặc năm, sáu năm; hoặc được ba, bốn năm”.

Lúc bấy giờ, nơi này chưa nghe đến tên Phật Pháp. Từ triều Hán Minh Đế sau khi Phật Pháp được truyền đến Trung Quốc, vị Tổ thứ hai Huệ Khả, thọ được 107 tuổi; Ngài An Quốc Sư thọ 128 tuổi, Hòa thượng Triệu Châu thọ 120 tuổi. Đó cũng là lỗi của Phật Pháp sao?  

Khỏi cần phải diễn thuyết dài dòng, thông qua cách lập luận phản bác một vấn đề trên cũng đủ thấy sức bác học đa văn, biện tài vô ngại của Vô Tận cư sĩ. Thật đúng như lời của Vô Ngại cư sĩ viết: 

Xét thấy lập luận của tác giả rất cứng rắn mạnh mẽ, biết nắm bắt và đề xuất một cách nghiêm minh, dẫn chứng thành thật, trình bày rõ ràng đầy đủ, sáng tỏ như ban ngày, chính xác như bốn mùa. Nếu trong lòng chẳng phải đã siêu thoát, thấu rõ chỗ trọng yếu của đại đạo thì đâu thể đạt được như thế? Cho nên, luận này có thể giải được mối nghi trong thiên hạ, dứt được sự phỉ báng của nhân gian, thật chính là tiêu chuẩn cho hàng hậu học .

3. Giá trị thực tiễn của Hộ Pháp Luận 

Ở bất kì thời đại nào, việc bài xích chê bai Phật pháp là điều không thể tránh khỏi, dù đó là ngấm ngầm hay bùng nổ, dù đó là hạn cục hay tỏa rộng, dù đó là tinh vi hay thô lậu… bởi nó được dẫn khởi từ hoàn cảnh, điều kiện, tâm lý, quan điểm của một cá nhân hay cọng đồng. Đến như Phật là bậc nhất thiết chủng trí, định tuệ viên dung nhưng khi còn tại thế vẫn không tránh khỏi sự chê bai kỳ thị của những người ngoại đạo, huống gì ngày nay cách Phật rất xa, đệ tử của Phật chưa đạt được như Ngài thì đạo Phật bị bài xích cũng là điều tất yếu. Vì thế việc hộ pháp bằng luận nghị muôn đời vẫn phải phát huy.

Hộ Pháp Luận của cư sĩ Vô Tận xoáy sâu, đả phá 12 vấn đề trọng tâm, đối với bối cảnh hiện tại và tương lai có thể nói rằng việc bài xích Phật pháp cũng không ngoài những vấn đề trên. Và cũng có thể qui kết những vấn đề ấy thành ba điểm chính mà người bài xích thường hay nhắm tới:

- Phật giáo là tôn giáo mê tín.

- Đạo Phật là đạo bi quan yếm thế, không có ích cho đời.

- Tăng, Ni là những người ngồi mát ăn bát vàng, tạo gánh nặng cho xã hội.

Vì thế, đối với hiện tại và tương lai Hộ Pháp Luận vẫn có công năng bạt trừ những quan kiến và ngộ nhận kia, tuy nhiên tác dụng của nó theo thiển ý của người viết không được hoàn toàn như đương thời bộ luận xuất sinh mà có phần suy giảm. Vì sao? 

Thứ nhất, ngày nay học thuyết Nho, Lão không được tôn sùng và xem trọng như đương thời, thậm chí đã mờ nhạt trong tâm trí của đại đa số quần chúng, cho nên viện dẫn, dẫn chứng về Nho, Lão đối với con người hiện đại là kém tính thuyết phục. 

Thứ hai, khoa học chính là đối tượng sùng thượng của người thời này, vì thế, tính viện dẫn khoa học chưa đủ mà còn phải mang những thành tựu khoa học ra viện dẫn, minh chứng. Thời điểm mà Hộ Pháp Luận ra đời, khoa học đã tuy có thành tựu nhưng chưa được phổ cập, nên bản luận thiếu phương diện này cũng là điều tất yếu, song cũng chính điều này mà Hộ Pháp Luận kém tính thuyết phục trong thời này.

Thứ ba, trong khung cảnh hiện tại nói chuyện hiện tại vẫn có hấp dẫn lực và được quan tâm nhiều hơn. Lại nữa, luận thuyết về một vấn đề nào đó tuy hay đến mấy nhưng điều mắt thấy tai nghe không như luận thuyết thì cũng không thể bạt phá được quan điểm của họ. Điều này là yếu tố ngoại tại của tác giả, không phải là điểm yếu của Hộ Pháp Luận, nhưng cũng là yếu tố làm cho bản luận này kém tính thuyết phục trong thời hiện đại.

Tuy nhiên, Hộ Pháp Luận là di sản vô giá mà người xưa để lại cho hậu thế:

Như ngọn vô tận đăng, tương tục lan truyền siêu việt không gian và thời gian; tinh thần hộ pháp của tiền nhân cũng được lan tỏa siêu việt không gian và thời gian, khắp nơi, khắp chốn, hiện tại, tương lai, người hậu học thừa tiếp tinh thần đó, tùy xứ, tùy thời, tùy cơ mà vận dụng để hộ pháp.

Thời gian không gian dù thay đổi nhưng bản chất con người vẫn thế, vẫn ghét cái khác mình và ưa cái giống mình. Đạo Phật là đạo xuất thế, đi ngược lại bản dục của thế gian, cho nên thế gian bài xích Phật pháp bản chất cũng quẩn quanh trong những vấn đề trên dù rằng ngôn ngữ và hình thức có khác. Người sau biết kế thừa và phát huy luận ý và luận nghĩa của bản luận nhất định sở hữu một công cụ sắc bén để hộ pháp.

Như thanh kiếm báu trong tay người hiền tài mới phát huy hết tác dụng. Hộ Pháp Luận là bảo kiếm được xuất sinh từ một người đầy đủ nội lực tu học, người đời sau cũng phải đủ nội lực tu học mới vận dụng và phát huy được Hộ Pháp Luận trong việc hộ trì Phật pháp.

Thế nên, có thể khẳng định Hộ Pháp Luận có một giá trị đặc biệt trong việc phá tà hiển chánh siêu việt thời gian và siêu việt không gian.

Luận kết:

Qua bao thế hệ, xuyên suốt thời gian các bậc cao tăng đại đức trong cũng như ngoài nước vẫn giữ gìn, phát huy và lưu truyền bộ Hộ Pháp Luận này. Chư vị tiền nhân xem đây như gia bảo nhằm duy trì mạng mạch Phật pháp. Sở dĩ ngày hôm nay người viết có duyên lành đọc được quyển luận này để viết lên đôi điều cảm nghĩ cũng chính nhờ công ơn lưu truyền ấy.

Hộ Pháp Luận không chỉ là viên đạn đại bác phá tan mọi ngộ nhận thành kiến sai lạc về Phật giáo mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tín đồ Phật giáo tự xét lại mình. Dù bất kỳ thời đại nào, quá khứ, hiện tại, hay tương lai, người con Phật không nên sinh tâm ỷ lại, tự hào về giáo lý siêu việt của Phật-đà và hành trạng siêu xuất của chư tổ mà quên đi việc trau dồi bản thân làm sao cho ngôn hạnh tương ưng với giáo lý ấy. Vì đó là điều nguy hại vô cùng đồng nghĩa với hủy hoại chánh pháp. 

Trong bảy điều mộng của tôn giả A-nan (A-nan thất mộng kinh ) đức Phật dạy về điềm mộng thứ bảy: “Này A-nan! Ông mộng thấy dòi bọ từ trong thân sư tử chết bò ra rúc rỉa thịt xương của sư tử. Đó là điềm trong đời mạt pháp chính đệ tử của Như Lai phá hoại Phật Pháp, chứ chẳng do ngoại đạo, bên ngoài có sức phá nổi.” 

Thật vậy, giáo pháp của Thế Tôn lưu xuất từ trí tuệ siêu việt thật chứng chân lý, cho nên giáo pháp ấy là chân lý không ai có thể phá nổi, bởi chân lý ngàn đời vẫn là chân lý. Tuy nhiên, người ta có thói quen nhìn vào những người thực hành, phụng sự chân lý ấy để đánh giá lại chân lý và những gì liên quan. Vì thế, thiết nghĩ muốn hộ pháp trước phải hộ tâm, tâm có thanh tịnh, trong sáng, không bị ngũ dục mê hoặc, tâm ấy mới tương ưng với Phật pháp. Tâm tương ưng với Phật pháp mới có thể dùng luận để hộ pháp.

Thích Nữ Như Nhẫn
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015

-
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Đức Nghiệp, Luận hộ pháp và Phật giáo với khoa học, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2007.
2. 大正藏 cbeta (Đ)
3. 張商英, 《護法論》, 佛陀教育基金会:《大正藏》(1994), No. 2114,日本东京大藏经刊行会。
4. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học Hà Nội. 
5. Lê Mạnh Thát (2002), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
6. Phật Quang Đại Từ Điển (babylon) 
7. Nguyễn Văn Thanh, Tác phẩm Hộ Pháp Luận và một số vấn đề chữ Nôm trong văn bản Hộ Pháp Luận Giải Âm-AB.381. Nguồn từ http://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&sqi=2&ved=0CFAQFjAA&url=http%3A%2F%2Fwww.nomfoundation.org%2FConf2006%2FNVThanh_HoPhapLuan-nom.pdf&ei=_1sLUJlKyOasB9e_mcgI&usg=AFQjCNGHTz0NlBjbph_1K_qVFDHtXtzqpw&sig2=3no4IKHBLoUzOcqHEzzDhA truy cập: Sunday, July 22, 2012
8. http://www.niemphat.net/Luan/aqvstucbien/aqvstb.htm. Truy cập: Sunday, July 22, 2012.
9. http://www.luot.net/showthread.php?t=11716. Truy cập:Tuesday, July 24, 2012
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm