Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 10/06/2018, 13:03 PM

Tìm về cội nguồn tác phẩm THIỀN UYỂN TẬP ANH

Thiền Uyển Tập Anh là cuốn sách lịch sử Phật giáo cổ của Việt Nam. Thật là hồng phúc, nhờ giữ được truyền bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) thời Lê, mà ngày nay chúng ta có được hiểu biết về các bậc Thiền nhân và đời sống tâm linh của cha ông mình.

Thiền Uyển Tập Anh, có nghĩa là “… những bậc anh tú trong vườn Thiền. Bởi vì, môn đồ của Thiền tông thì nhiều mà những bậc thấu hiểu lý huyền vi thì không có mấy, quả thật như phượng giữa đàn gà, lan trong bụi cỏ. Nếu không phải là những người có thiên tư lỗi lạc, hiểu biết hơn người, thì làm sao thấu suốt được những yếu chí huyền vi đủ làm kẻ lãnh tụ cho người học đạo, làm khuôn mẫu cho người đời sau?...Cái nghĩa của “Tập Anh” là như thế, do đó được dùng để đặt tên cho cuốn sách này”(1). Quốc sư Huệ Sinh (985-1063) và Quốc sư Thông Biện (? - 1134) là những bậc danh cao đức trọng được xếp trân trọng vào những mốc son lịch sử của tác phẩm quý giá này.

-1-

Mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1096) ngày Rằm tháng Hai, Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái hậu (2) đến chùa Khai Quốc thiết lễ trai tăng, Thái hậu đã hỏi:

- Sự truyền thừa của hai tông phái ấy như thế nào?

Sư Thông Biện đáp:

- Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì nay có Lâm Huệ Sinh, Vương Chân Không. Phái Vô Ngôn Thông thì có Mai Viên Chiếu, Nhan Quảng Trí. Dòng của Khương Tăng Hội thì nay có Lôi Hà Trạch. Ngoài ra những phái phụ thì nhiều không kể xiết.

Thiền sư Thông Biện đã tôn vinh Quốc sư Huệ Sinh lên hàng đầu, chứng tỏ sự kính trọng Huệ Sinh, không những là một nhà Phật học xuất sắc, mà còn là một nhà tư tưởng lớn lúc bấy giờ. Quốc sư Huệ Sinh, người quê ở làng Đông Phù Liệt, Thăng Long từ nhỏ đã là một thần đồng, đến tuổi thiếu niên sớm theo hầu Thiền sư Vạn Hạnh. Năm 19 tuổi, ông xuất gia lên thiền tu tại chùa Cổ Pháp và Quang Hưng, Bắc Ninh. Khi tu pháp đạt đến chính quả, Huệ Sinh được Thiền sư Định Huệ và Thiền sư Vạn Hạnh truyền tâm ấn đứng đầu thế hệ thứ 13 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi Đại Việt.

Khi vừa tròn 25 tuổi, Thiền sư Huệ Sinh đã cùng Thân vệ Lý Công Uẩn, Chu hậu Đào Cam Mộc trực tiếp tham gia cuộc chính biến Hoa Lư năm Kỷ Dậu (1009) lật đổ ông vua Lê Ngọa Triều, tôn vinh Thân vệ Lý Công Uẩn lên ngôi vua Lý Thái Tổ, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập tự do lâu dài của nước Đại Việt.
 
Sau mấy năm dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long thành công tốt đẹp và đi vào ổn định. Theo lệnh của Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Huệ Sinh trở lại trụ trì chùa Quang Hưng Cổ Pháp, Bắc Ninh. Để học hỏi và mở mang trí tuệ, Thiền sư Huệ Sinh quyết định đi vân du Trung Hoa và Ấn Độ. Huệ Sinh đã học thông thạo tiếng Phạn và chữ Phạn, nghiên cứu sâu sắc triết học và lịch sử phát triển của các Tông phái đạo Phật của Ấn Độ. Cuối cùng, Thiền sư Huệ Sinh đã đạt được ước mơ lớn nhất cuộc đời, là được vào học tập và nghiên cứu tại Học viện Phật giáo Nalanda, trường đại học lớn và danh tiếng nhất Ấn Độ lúc bấy giờ. Những ai đã tu nghiệp đại học tại Nalanda đều trở thành những bậc học giả nổi tiếng. Sau hơn mười năm vân du thiên hạ và hoàn thành xuất sắc khóa tu nghiệp dài hạn tại Học viện nước Phật, Thiền sư Huệ Sinh quyết định trở về phụng sự đất nước. (3)

Khi vừa đặt chân lên mảnh đất thiêng của Tổ quốc, nghe tin người mẹ kính yêu đã qua đời, làm Huệ Sinh ngất lặng, đau xót vô cùng. Đồng thời ông cũng được biết vua Lý Thái Tổ, Thiền sư Vạn Hạnh và Chu hậu Đào Cam Mộc cũng đã băng hà. Ông tự thốt lên, đất nước đã đổi thay nhiều quá!

-2-

Nghe tin Thiền sư Huệ Sinh đã về nước, vua Lý Thái Tông vui mừng cho lính hầu lên mời sư về cung. Sau khi tiếp nhận Thánh chỉ, Thiền sư đã đáp lời viên lính hầu rằng:

- Ngươi không thấy con vật làm cỗ tế hay sao? Khi chưa tế thì được ăn ngon mặc đẹp, đến khi bị dắt vào nhà Thái Miễu thì dẫu muốn sống thêm ít ngày cũng không thể được. Vật tế còn như vậy, các vật khác có khác gì? (*)

Rồi sư cố từ chối không về kinh. Vua bắt sứ giả lại phải đến mới lần nữa, sư mới chịu về. Lý Thái Tông cả mừng, phong sư Huệ Sinh giữ chức Nội cung phụng tăng và ban sắc chỉ cho sư trở lại trụ trì chùa Vạn Tuế.

Một hôm nhân mở tiệc trong đại nội, vua nói: (*) - Trẫm nghĩ nguồn tâm của Phật tổ, người học thường hay chê bai. Trẫm muốn cùng các vị cao đức gần xa mỗi người đều bày tỏ ý kiến của mình để xem cái dụng tâm của từng người như thế nào?

Sư bèn ứng khẩu đọc bài kệ như sau:

TÂM NGUYỆN
Pháp bản như vô pháp
Phi hữu, diệc phi không
Nhược nhân tri thử pháp
Chúng sinh dữ Phật đồng
Tịch tịch Lăng già nguyệt
Không không độ hải chu
Tri không, không giác hữu
Tam muội nhậm thông chu 

Dịch:

Pháp vốn như vô pháp
Không có cũng không không
Nếu người hay phép đó
Chúng sinh với Phật đồng
Trăng Lăng già vắng lặng
Thuyền vượt biển trống không
Biết “không không” hiểu “có”
Tam muội cứ suốt thông.
HÀ VĂN TẤN (LSPGVN)

Vua khen ngợi, ban thưởng rất trọng hậu và phong lên chức Đô Tăng Lục, để trông nom phát triển Phật đạo Đại Việt.

Để phổ cập tri thức, Thiền sư Huệ Sinh đã giành nhiều thời gian, dày công biên soạn hai bộ sách quý Pháp sự trai nghi, Chư đạo tràng khánh tản văn (nhiều tập) lưu hành ở đời.

Xem ra Quốc sư Huệ Sinh là một danh tăng nổi tiếng đầu thời Nhà Lý. Không những có công cùng Thiền sư Vạn Hạnh xây dựng nhà Lý, mà Quốc sư còn là một học giả uyên bác. Vì thế Quốc sư là nơi để các Vương gia, các quan đại thần, các cao tăng như Phụng Kiền Vương, Uy Vũ, Hỉ Từ, Thiện Huệ, Chiêu Khánh, Nguyên Phi Ỷ Lan, vua Lý Thái Tông, vua Lý Thánh Tông, Hiển Minh thái tử, thượng tướng Vương Công Tại, thái sư Lương Nhâm Văn, thái bảo Đào Xử Trung, tham chính Kiều Bồng…đều tìm đến thỉnh vấn, mời sư chủ trì các cuộc lễ (*)

Đến triều đại Lý Thánh Tông, nhà vua đã tấn phong Thiền sư Huệ Sinh lên chức Quốc sư và ban tặng tước hầu. Khi vào chầu chỉ gọi là Tăng Thống, mà không gọi tên.

-3-

Trở lại cuộc hội thoại giữa Hoàng Thái hậu với Thiền sư Thông Biện trong buổi lễ trai tăng tại chùa Khai Quốc. Để hiểu rõ thời gian và những con đường đạo Phật đã du nhập vào nước ta, Hoàng Thái Hậu hỏi: (*)

- Về giáo tông thì chưa nói tới, nhưng còn hai phái Thiền tông thì có gì chứng thực không? Đến nước ta từ bao giờ?

Thiền sư Thông Biện đáp:

- Xét truyện Đàm Thiên pháp sử chép rằng, vua Tùy Cao Tổ (581-604) bảo sư Đàm Thiên chọn những vị sa môn có danh đức ang Giao Châu giáo hóa Phật pháp cho dân nước ta. Pháp sư Đàm Thiên bèn tâu: sử Giao Châu đã có đường thông với Tây Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông (Trung Hoa) thì ở Luy Lâu (nước ta) đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp, có hơn năm trăm vị Tăng sư và đã dịch được mười lăm quyển kinh Phật. Ví như, Sư Ma Ha Ky Vực, người nước Ấn Độ đã đến truyền đạo và xây chùa (chùa Dâu) ở Luy Lâu từ những năm 168-169. Như vậy là, Phật giáo đã có ở xứ Giao Châu ta từ lâu rồi (*)

Về Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp tại chùa Chúng Thiện, còn Thiền phái Vô Ngôn Thông đã có Thiền sư Cảm Thành đắc pháp tại chùa Kiến Sơ hương Phù Đổng.

Nghe đến đây, Hoàng Thái hậu rất hài lòng, hỏi tiếp:

- Phật và Tổ nghĩa thế nào? Ai hơn ai kém? Phật trụ phương nào? Tổ ở thành nào? (*)

Thiền sư Thông Biện tâu:

- Thường trụ ở thế gian, không sinh không diệt gọi là Phật. Hiểu rõ tâm tông của Phật, giảng và làm đi đôi với nhau gọi là Tổ. Chỉ có những kẻ kém học mới nói là có bên hơn bên kém mà thôi...(*)

Trước sự ứng đáp khúc triết mẫn tuệ của Thiền sư Thông Biện trong buổi thiết lễ trai tăng, Thái hậu cả mừng. Thay mặt nhà vua, Thái hậu đã tấn phong chức Tăng Thống cho Thiền sư Thông Biện, giúp triều đình trông nom Phật đạo trong cả nước.

-4-

Chùa Vạn Tuế và chùa Khai Quốc vốn là chốn tùng lâm, là trung tâm Phật giáo nổi tiếng Thăng Long. Quốc sư Huệ Sinh sau khi đi tu nghiệp về, đã xây dựng chùa Vạn Tuế như một Học viện Phật giáo vừa nghiên cứu học thuật, vừa đào tạo, vừa thực hành Phật pháp, cho xây cất một kho sách phong phú và phòng đọc rộng  rãi. Quốc sư Huệ Sinh đã viết nhiều sách, đặc biệt là bộ sách Pháp sự trai nghi, trong đó có phần lịch sử Phật giáo thế giới và Phật giáo Đại Việt, được đặt trên kệ sách để người đọc nghiên cứu và tham khảo. Sau này, Quốc sư Thông Biện trụ trì tại chùa Khai Quốc, là một học giả và là bạn đọc thân thiết của “thư viện” Vạn Tuế này.

Tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh, ắt phải là một bảo vật được tích tụ và chăm sóc qua nhiều thế hệ nghìn năm, từ các bậc tiền nhân, Quốc sư Huệ Sinh, Quốc sư Thông Biện, Thiền sư Thường Chiếu, Thiền sư Biện Tài, Hòa thượng Phúc Điền, Thiền sư Thần Nghi đến Thiền sư Ân Không. Đồng thời phải kế đến đóng góp của rất nhiều cư sĩ, các nhà hảo tâm và các vị học giả kính mến Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Ngô Đức Thọ, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn…

Xem thế, tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh sẽ mãi mãi là cuốn sách quý về lịch sử, tinh thần, xã hội, văn hóa và văn học của đất nước và dân tộc.

Cư sĩ Diệu Phương
Nguyễn Thượng Hiền
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5-2018
-
THAM KHẢO:
- Sách Thiền Uyển Tập Anh, NXB Tôn Giáo-2013
- Sách Hoa Bất Tử - Nguyễn Thượng Hiền, NXB Hà Nội-2017
- Tạp chí Phật học 2017-2018, cơ quan ngôn luận GHPGVN
- Tạp chí Khuông Việt 2016-2017, Học viện Phật giáo Hà Nội
(1) Nguồn: trang 25 sách Thiền Uyển Tập Anh, NXB Tôn giáo 2013
(2) Là bà Nguyên Phi Ỷ Lan
(3) Nguồn: trong sách Hoa Bất Tử - Nguyễn Thượng Hiền, NXB Hà Nội 2017
(*) Nguồn: trích trong bài Quốc sư Thông Biện và bài Tăng thống Huệ Sinh trong sách Thiền Uyển Tập Anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm