Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tình nguyện viên và hành trình trải nghiệm từ Tâm nhân mùa Phật đản PL.2558

Đại lễ Vesak LHQ 2014 đang đến rất gần. Chỉ còn 10 ngày nữa, Đại lễ Vesak 2014 sẽ diễn ra tại Ninh Bình. Đất trời đang thay áo mới, để những bông sen hồng nở rộ nâng gót chân Phật đản sinh và thành Đạo. Sự kiện ấy khiến lòng người ai cũng hoan hỷ, an lạc; sự an yên đó còn mãi trong tâm phật tử, sau những lần mơ về ngày được đi theo con đường của Phật.

Đó là con đường mà đức Thế Tôn từng để lại toàn bộ danh vị, tài sản, vợ đẹp con khôn, sau đó Ngài tu thành Đạo và cứu khổ cho mọi loài trên trái đất. Đệ tử phát nguyện xuất gia theo chân đức Phật Từ Tôn, vì một nguyện vọng thôi thúc trong tâm, kể từ ngày đệ tử thọ tam Quy ngũ Giới đến nay, nguyện vọng đó không thể gọi tên bằng ngôn ngữ thông thường.
     
Ngày đức Phật đản sinh, phật tử phát nguyện xuất gia. Bởi đức Phật thị hiện đản sinh không chỉ là vị thái tử Tất Đạt Đa, mà Đức Phật còn thị hiện bên trong tâm thức mỗi con người. Nhờ ơn trên Đức Phật chỉ dạy cho đệ tử tu tập để nhận ra vị Phật thường còn bên trong: “Như Lai là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể trở thành Phật sau khi tu hành Bồ tát hạnh nhiều kiếp”.
     
Từ đó, trong mọi hoàn cảnh dù là khổ sở nhất của cuộc sống, phật tử luôn biết quý trọng bản thân như quý kính Đức Từ Phụ, họ không còn muốn tự hủy hoại thân thể và mạng sống này. Cũng như phật tử tuyệt đối không làm khổ và làm hại một ai. Vì họ mong đợi chính bản thân và mọi người xung quanh đều cùng thành Phật, vậy nên nếu những người con Phật chỉ vì đau khổ với cuộc đời mà tự hủy hoại bản thân hoặc làm khổ người khác, như thế họ đã đắc tội với các vị Phật tương lai. 
 Ảnh minh họa
Như vậy, để đối diện với 8 loại khổ đau của đời người gồm có sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tăng hội, chấp ngũ uẩn, Phật tử nguyện:

“Con nguyện bán hết niềm vui
Bán cho nhân thế để mua nụ cười
Nụ cười con để tặng Người
Tặng cho nhân thế một đời yên vui”
     
Để ban vui được thành tựu, trước hết với những người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, phật tử để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy. Nếu muốn bờ vai này luôn mạnh mẽ và mềm mại để người khác dựa vào tin tưởng, đức Phật đã dạy: “Này A Nan, ta chưa thấy một chúng sinh nào, một người nào đang ở trong bùn lại kéo được người khác ra khỏi bùn”, điều đó có nghĩa là để kéo người khác ra khỏi vũng lầy khổ đau phiền não, chính bản thân mình cần đứng trên một vị trí cao ráo vững chãi; tương tự như vậy, ta lắng nghe tâm sự để đón nhận nỗi buồn của người khác vào trong tâm mình, rồi chuyển hóa nỗi niềm ấy thành an vui hạnh phúc và trả lại cho người, tâm của ta phải thanh tịnh, rỗng lặng.
     
Trong suy nghĩ của một đệ tử đã sống gắn bó với cửa Thiền, một cuộc sống thanh bạch mang lại tâm tư an lạc, tự tại:

“Đời tu sĩ vui gì trong nhung gấm
Áo nâu sòng tô đậm nét đơn sơ
Ngày hai buổi ru hồn trong tiếng mõ
Tiếng chuông trầm làm điệu nhạc du dương
Rồi năm tháng vui buồn cùng mây gió
Tỏa hương thiền làm bạn với tri âm”
   
Một tâm hồn từng trải qua những cặp phạm trù: hơn – thua, thành – bại, được – mất, khen – chê trong cuộc sống, tâm tư ấy hầu như không còn những trạng thái cảm xúc cực đoan như quá vui – quá buồn, hi vọng – thất vọng; một Tâm thái an nhiên tự tại trong sáng như vậy thích hợp với nếp sống cửa Không.

Bởi vậy Tăng đoàn của đức Phật luôn mở rộng vòng tay bao dung mọi mảnh đời khác nhau, khi tâm nguyện của con người thật sự không còn ham mê chạy theo tình ái, tiền của, hưởng thụ; điều đó hoàn toàn có thể diễn ra, với những ai chiêm nghiệm về Phật Pháp bằng chính những trải nghiệm của họ về cuộc sống đang diễn ra.
     
Vậy nên, khi bạn được biết đến một người đang phát tâm xuất gia và đã xuất gia làm tu sĩ, xin đừng tỏ ra thái độ xót xa, tiếc nuối cho họ, chỉ vì bạn thấy họ còn quá trẻ, tương lai tiền đồ còn hứa hẹn công danh phú quý. Bởi vì mỗi người phải tự sống cuộc sống của mình và tự trải nghiệm để có kinh nghiệm. Những người đã chọn cuộc sống giải thoát khỏi ngũ dục và phiền não thế gian, sau này họ quay về cuộc đời với hình tướng thanh nhã, tinh khôi với Pháp Y Như Lai, chính họ lại truyền dạy những kinh nghiệm xử thế và tu tập thấm nhuần chất liệu trí tuệ – từ bi đến với thế nhân:

“Ta trả mây trời bao viễn mơ
Của ngày tuổi trẻ đã xa mờ
Của đêm quen sống trong hoài niệm
Bỏ hiện tại gầy hao xác xơ

Ta đã cưu mang một kiếp người
Một đời gom nhặt chẳng hề ngơi
Trót quen, chớp mắt trần gian mộng
Mà sống mê man cuộc khóc cười

Rồi bỗng một ngày ta liễu tri
Niềm chân hạnh phúc : biết cho đi
Ngày mai nhỡ tiếng vô thường gọi
Ta có mang theo được những gì”
[Thích Tánh Tuệ]
   
Trong chúng ta, ai đã từng có những thời điểm hưởng thụ thú vui giải trí của cuộc sống đời thường, như tiệc tùng, café, mua sắm, xem film, những thú vui đó thật giống như những ốc đào ảo ảnh trong sa mạc luân hồi khắc nghiệt khổ não; bởi giây phút thỏa mãn, thoải mái sao mà ngắn ngủi so với những ngày căng thẳng bế tắc trong cuộc sống hàng tuần sau mỗi cuộc vui, đó mới chỉ là giới hạn trong một kiếp sống hiện tại; vì ta không thể biết hết những Nghiệp tốt xấu mà bản thân vô tình tạo ra trong nhiều kiếp quá khứ cùng với kiếp hiện tại, rồi chúng sẽ chiêu cảm cho số mệnh mình vào hoàn cảnh nào? 

“Sau núi mặt trời chưa kịp lặn
Bên hồ trăng sáng đã nhô lên
Sống chết luân hoàn, đời đã vậy
Sao không niệm Phật, sớm quy Thiền?”

So với những cuộc khóc cười chỉ mua vui được vài trống canh của thế nhân, niềm vui trong chính Pháp là hàng ngày có hai buổi hòa tâm thức vào lời mõ ấm êm như gió, trong không gian đầy tiếng chuông ngân, làm nên đêm an bình cho cả thế gian, với những lời kinh diệu pháp âm hòa cùng khói hương trầm ngát hương. Niềm vui ấy diễn ra hàng ngày hàng giờ trong cuộc sống người tu Phật. 
   
Còn điều gì vui hơn cảm giác được thầy bạn thấu hiểu và chia sẻ tâm tư và kinh nghiệm tu tập chỉ qua tiếng mõ của mình? Tay thỉnh chuông là tay trái, tay này được điều khiển bởi  bán cầu não phải xử lý thái độ tình cảm của người, tay cầm mõ là tay phải, tay này được điều khiển bởi bán cầu não trái xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, tri giác thời gian; vậy nên những người bạn đồng tu chỉ cần nghe tiếng chuông tiếng mõ của nhau, là họ đoán được tâm của người kia có an định hay không. Còn gì có thể sưởi ấm lòng người bằng sự tri âm và chia sẻ, dù ở chùa hay bất cứ đâu, trong thời đại nhịp sống hối hả hiện nay?
     
Bên cạnh những thời khóa công phu sớm chiều, đời sống người tu Phật còn biết vui vầy cùng đại chúng bên tách trà trong khuôn viên sân chùa, dưới ánh trăng sáng thanh mát. Cuộc sống tu sĩ sao mà thanh thản, an lạc đến vậy? Bởi vì người vui cảnh sẽ vui, tâm ta thanh bình thì cảnh quanh ta cũng tự nhiên nhàn nhã, an yên, nhưng làm thế nào để tâm con người được yên ổn? Điều đó làm nên giấc mơ tự tại của phật tử.
     
Phật tử mơ ước được tu tập như bông sen vượt lên khỏi bùn lầy khổ đau để tỏa hương đức hạnh vào lòng đời, đạo Phật là đạo xuất thế nhưng không xa rời thế gian. Nhiều chùa trong cả nước đã tổ chức các khóa tu thiền cho thanh - thiếu niên định kỳ; bên cạnh đó nhiều chùa đã tổ chức những hoạt động ngoại khóa cho thanh thiếu niên như các lớp học võ, học tiếng Anh, học khí công, học Thiền, lớp giáo lý, học tin học…. Từ đó, đạo Phật đã trở thành hơi thở của cuộc sống đích thực, vì con đường ấy theo chân Phật tự độ mình và độ đời viên mãn.
                                                                     
Diệu Hòa (Tình nguyện viên Đại lễ Vesak LHQ năm 2014)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hàng ngày người Phật tử tu tập sao cho đúng

Phật giáo thường thức 13:20 20/04/2024

Hiện nay có nhiều cư sĩ Phật tử đi chùa tu tập, niệm Phật ngồi thiền nghe pháp, cảm thấy vơi bớt khổ não, tâm được an lạc thì muốn vào chùa tu luôn, không muốn về nhà, bỏ bê công việc, lơ là trách nhiệm với gia đình, cha mẹ vợ chồng con cái...tạo ra dư luận không đẹp cho Phật giáo.

“Phước đức” và “công đức” khác nhau như thế nào?

Phật giáo thường thức 12:30 20/04/2024

Điều nghi đầu tiên là khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, đến yết kiến vua Lương Võ Đế, Vua liền hỏi: Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?

Tuỳ duyên mà đi hay ở

Phật giáo thường thức 08:30 20/04/2024

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: Chư Tỷ kheo, Ta sẽ giảng pháp môn về khu rừng. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ. 

Giữ tâm ý trong sạch

Phật giáo thường thức 17:50 19/04/2024

Khi nhìn lại hành động mà mình thực hiện, mình thấy mình có ý niệm trước khi có hành động. Cái ý niệm hay cái tâm ý khởi lên trước, sau đó hành động hay lời nói mới theo sau. Có nhiều khi, tâm ý đã có trong mình rất lâu, cho đến lúc đủ mạnh để thúc đẩy mình hành động.

Xem thêm