Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 09/03/2014, 14:31 PM

Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện "Nối truyền Thích Ca chánh pháp"

Với phương châm “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”, chúng ta thấy Tổ sư Minh Đăng Quang quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni đã vạch ra.

Người mang hoài bão trong lòng,
Thích Ca chánh pháp nối dòng độ sanh.

Vào khoảng thập niên 40-50 của thế kỷ trước, trên những nẻo đường thuộc địa bàn các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Thủ Thừa, Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa, Vũng Tàu, sau đó là khắp các tỉnh miền Tây, đồng bằng Nam Bộ… đã từng in dấu chân của một người khoác tấm y vàng, đầu trần, chân không, tay ôm bình bát khất thực, thuyết giảng giáo lý Đức Phật Thích Ca. Người ấy là ai? Đó chính là Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập ra hệ phái “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. 

Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh năm 1923, tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 15 tuổi, Ngài xin phép thân phụ qua xứ Chùa Tháp Nam Vang để tầm sư học đạo. Cuối năm 1941, Ngài về lại Sài Gòn, sau đó vâng lời thân phụ lập gia đình năm 1942.

Một năm sau, người bạn đời và đứa con thơ đều thọ bệnh rồi lần lượt qua đời. Vào năm 1943, một lần nữa Ngài xin phép thân phụ lên vùng núi Thất Sơn, ẩn tu tròn một năm.

Trong năm 1944, Ngài đến đầu gành Mũi Nai, Hà Tiên an trú thiền định 7 ngày đêm và chính nơi đây Ngài ngộ được ý pháp “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sinh”. Từ đó, Ngài lên đường hành cước giáo hóa theo hạnh “Một bát cơm ngàn nhà…”. Một hôm, trên đường vân du hóa đạo có một thiện nam cảm phục đạo phong cao khiết và cốt cách đoan nghiêm nên thỉnh Ngài về giáo hóa ở Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ (Mỹ Tho - Tiền Giang). Nơi đây suốt 3 năm (1944 - 1947), buổi sáng Ngài đi khất thực, đến trưa Ngài thọ trai, buổi chiều Ngài giáo hóa, buổi tối Ngài tham thiền nhập định, nêu một tấm gương sáng về đời sống phạm hạnh thanh tịnh, y theo truyền thống của chư Tăng thời đức Phật còn tại thế.

Đầu năm 1947, Ngài rời Linh Bửu tự, quyết tâm thực hiện tâm nguyện “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Từ đó bóng Ngài trải khắp đồng bằng Nam Bộ.
 Nối truyền Thích Ca chánh pháp
Sau tám năm tiếp Tăng độ chúng, khuyên tu khuyến thiện, giáo hóa bá tánh cư gia không một ngày dừng nghỉ, vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954), trên đường hành đạo từ Sa Đéc xuống Cần Thơ, khi đi ngang qua thị trấn Cái Vồn (nay là huyện Bình Minh) thì Ngài đã hoan hỷ đi vào “lửa nạn”, vui trả nghiệp qủa trong nhiều đời kiếp luân hồi. Thế rồi Ngài vắng bóng, biền biệt cho đến ngày nay đã 44 năm rồi (1954-1998).

Trong thời gian giáo hóa, Ngài có soạn ra bộ Chơn lý gồm 69 quyển và tập Bồ-tát giáo. Hai tác phẩm Pháp bảo cao quý còn lại này chứa đựng những tư tưởng đặc thù phát xuất từ suối nguồn tự chứng tự ngộ của bản thân, dựa trên nền tảng là pháp môn Giới - Định - Tuệ truyền thống của đạo Phật.

Tổ sư đã giảng dạy những gì khi mang chí nguyện nối truyền chánh pháp Thích Ca?

Hệ thống tư tưởng Phật học của Ngài nội hàm trong bộ Chơn Lý. 

Bộ Chơn Lý gồm 69 quyển bao trùm cả thiên nhiên vạn vật. Văn cú trong Chơn Lý đơn giản mộc mạc, súc tích; đặc biệt là không dùng âm ngữ của Pali, Hán ngữ mà dùng toàn Tiếng việt, để cho tất cả chúng ta dễ hiểu, dễ nhớ, cân nhắc suy gẫm nương theo đó là tu hành. 

Mỗi quyển trong bộ Chơn Lý đều có ý nghĩa riêng, nhưng xâu kết làm thành một bộ xuyên suốt từ thấp đến cao từ phàm đến thánh, là kho báu trí tuệ vô cùng tận, có đủ sự, lý, tâm, pháp, nội, ngoại, trần cảnh, duyên sinh, chân đế, tục đế, thật vi diệu khó nghĩ bàn, là ánh đuốc cho người đi đêm, là vầng thái dương tỏa ngời ánh sáng hương vị giải thoát.

Giáo lý của Đức Phật Thích Ca được Ngài trình bày theo bố cục như sau:

Khi luận giảng đến phần phát sinh tư tưởng hành động của một con người thì Ngài chỉ rõ trong các quyển Công lý vũ trụ, Giác ngộ, Khuyến tu, Đi tu và nghiệp, Ăn và sống, Hột giống, Sợ tội lỗi, Con sư tử, Sám hối, v.v…

Khi luận giảng về đời sống con người, có cuộc sống an vui, xã hội lành mạnh, xây dựng hạnh phúc thật sự tại một xứ thiên đàng cực lạc tại thế gian thì Ngài giảng dạy trong các quyển: Trường đạo lý, Đời đạo đức, Nguồn đạo lý, Xứ thiên đường,…

Và khi chúng sanh đã có tầm hiểu biết sinh hoạt tại thế gian muốn đi đến sự an tịnh của tâm hồn, đạt được sự giải thoát an lạc đắc đạo, thì Ngài chỉ cho phương pháp, con đường, giới thiệu pháp môn tu tập trong các quyển: Bát chánh đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Y bát chơn truyền, Nhập định, Thần mật, Số tức quan, Chư Phật, Phật tánh, Chánh pháp, Pháp chánh giác,v.v…

Khi nói về tương quan liên hệ các tông phái và tư tưởng Đại thừa, Tiểu thừa, sự phát triển của các Hệ phái Nam tông, Bắc tông thì Ngài nói rõ trong các quyển: Tam giáo, Tông giáo, Đại thừa giáo, Đạo Phật, Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quán Thế Âm, Đại Thái thức, Địa Tạng, Pháp Hoa v.v… tất cả gồm 60 quyển. 

Còn lại 9 quyển là phần giới luật của người xuất gia, của hàng cư sĩ đã thọ Bồ-tát giới như: Bài học Khất sĩ, Luật nghi Khất sĩ, Bài học Sa-di I, Pháp học Sa-di II, Pháp học Sa-di III, Giới Bồ-tát, Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni. Ngài dạy: “Người xuất gia, cư sĩ phải có giới buộc ràng, phải có giới ngăn chận tư tưởng hành động xấu ác phát sinh làm chướng ngại đạo quả”.

Vì vậy 9 quyển Chơn Lý sau là thềm thang bước lên Thánh quả, nếu ai muốn đắc đạo, thành tựu mọi công đức lành mà không giữ gìn giới luật thì không bao giờ có được điều mong muốn và sẽ bị ra khỏi biển Phật pháp. 

Bởi vì:
“Giới Luật là thọ mạng của Tăng-già
Là xâu chuỗi Anh Lạc để trang nghiêm Pháp thân”

Pháp yếu thực hiện Phương châm:

Tổ sư Minh Đăng Quang có một nhơn duyên thù thắng đối với giáo pháp của đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni. Tổ sư sinh ra đời cách Đức Phật Tổ trên 2500 năm, vậy mà khi bừng ngộ ra ánh sáng Chánh pháp của đức Phật, của giáo pháp thì tức khắc tâm linh phấn chấn, Tổ sư đã tuyên bố và khẳng định con đường hành đạo phải là “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”. Từ suối nguồn tâm linh vi diệu này, Tổ sư tiếp tục khơi thông nguồn mạch, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc, khai sơn “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, một sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại miền Nam Việt Nam.

Với phương châm “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”, chúng ta thấy Tổ sư Minh Đăng Quang quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni đã vạch ra. Tổ sư đã thực hiện thành tựu và lưu truyền cho hậu thế hữu duyên một dòng truyền thừa Chánh pháp với ba pháp yếu quan trọng sau đây:

a) Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia: 

Các nay hơn 25 thế kỷ, trên trái đất này, xuất hiện một Thái tử Tất Đạt Đa có chí nguyện vĩ đại: giải quyết tận căn để những nỗi đau của thân phận con người. Ngài đã tự thân thể nghiệm và khai phá một con đường tâm linh đưa chúng sinh vượt thoát được khỏi sự chi phối của vô minh, của luân hồi sinh tử, của sinh, già, bệnh, chết. Vì vậy mà yếu chỉ đầu tiên là tư tưởng viễn ly trong hạnh xuất gia.

b) Tinh thần tinh tấn trong tu tập: 

Suốt 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh, Thái tử không bao giờ giải đãi hay biểu lộ sự giải đãi, buông trôi. Từ khi rời hoàng cung, dấn thân trong núi rừng, nắng mưa, sương gió…, Ngài chỉ một lòng tìm đạo, học đạo, thiền quán, thân chứng và an trú trong đạo qủa, hoằng pháp độ sinh đến khi nhập Niết-bàn, Ngài nêu lên một tấm gương sáng về tinh tấn Ba-la-mật.

c) Tinh thần giải thoát trong hoằng hóa độ sinh: 

Người tu xuất gia khi chứng đạt đạo qủa rồi thì bước kế tiếp là thể hiện đức hạnh giải thoát trên đường hoằng hóa độ sinh. Tự mình đặt công hạnh độ sinh như là một bổn phận, một sứ mạng thiêng liêng, không ngại gian lao, không từ khó nhọc. Người làm đạo phải có đủ nhẫn lực và tư duy lực, đồng thời xem sự kham nhẫn như là niềm vui giải thoát trên đường tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự.

Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương quay về với cội nguồn tâm linh, quyết tâm thực hiện truyền thống Giới - Định - Tuệ, phát huy tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia, tinh tấn trong tu tập và chu toàn đức giải thoát trên đường hoằng hóa độ sinh. Đối với đời sống cộng đồng, cộng trú tu học trong những ngôi già lam tịnh xá, Tổ sư nêu lên phương châm:

Nên tập sống chung tu học,
Cái SỐNG là phải sống chung,
Cái BIẾT là phải học chung,
Cái LINH là phải tu chung.

Sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh chính là cụ thể hóa tinh thần Tam tụ Lục hòa mà chư Phật đã giáo huấn tự ngàn xưa.

Tổ sư đã dùng Biểu tượng gì cho hệ phái “Khất sĩ”? Đó là hoa sen với đèn chơn lý:

a. Hoa sen:

Tổ sư Minh Đăng Quang chọn “hoa sen” và ngọn “đèn chơn lý” làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, hiện nay là Hệ phái Khất sĩ. Tổ sư đã bày tỏ ý hướng đem Chánh pháp thanh tịnh của chư Phật (hoa sen), soi đường dẫn lối cho người hữu duyên (ngọn đèn chơn lý). Đó là pháp phụng thờ Chánh pháp một cách tốt đẹp nhất.

Hiện nay, chúng ta thờ Phật đúng theo tài liệu lịch sử, phải để Ngài ngồi trên tòa cỏ. Tại sao ngày nay chùa nào thờ Phật cũng ngồi trên tòa sen? Đây là để biểu trưng con người của Ngài. Vì trước kia là ông Hoàng, Ngài cũng nhiễm ô ngũ dục, như mầm sen còn ở trong bùn. Khi Ngài vượt thành xuất gia là mầm sen ra khỏi bùn, mà còn ở trong nước. Lúc Ngài ngồi tu ở dưới cội Bồ-đề và thành đạo là hoa sen ra khỏi nước nở tròn đầy hương thơm ngào ngạt. Hoa sen lại tượng trưng cho sự bình đẳng giữa mọi người. Đã là mầm sen thì mầm sen nào cũng có khả năng vươn lên khỏi bùn, khỏi nước và trổ hoa tươi thắm hương thơm ngạt ngào. Đã là con người thì con người nào cũng có khả năng thoát khỏi dục lạc ô nhiễm, thức tỉnh tu hành và đạt thành đạo qủa. Phật qủa không phải của riêng một người nào, mà của chung tất cả ai có ý chí thoát trần, có quyết tâm đạt đạo. Vì vậy, Phật qủa gọi là Vô thượng giác, là giác ngộ không ai trên, không có người bằng; Phật cũng dùng hình ảnh hoa sen để nhắc nhở Phật tử, ở giữa chốn ô nhiễm mà khéo vượt ra bằng trí tuệ sáng ngời của mình.

Bài kệ nói:

Như giữa đống rác nhớp.
Quăng bỏ nơi bờ đầm.
Chỗ ấy hoa sen nở.
Thơm sạch đẹp ý người
Cũng vậy, giữa quần sanh.
Uế, nhiễm, mù, phàm tục.
Đệ tử bậc Chánh Giác.
Sáng ngời với trí tuệ.

(Pháp Cú, câu 58-59)

Hoa sen mọc chỗ nhớp nhúa mà thơm tho tươi đẹp, sống trong đời nhiễm nhơ mù tối, người Phật tử chúng ta phải khéo dùng trí tuệ vượt ra để cứu mình và cứu người. Cái qúy của hoa sen là sinh từ chốn bùn lầy mà tinh khiết, cái cao cả của người tu là sống trong mọi dục lạc nhiễm ô mà vượt ra an toàn siêu thoát. Hoa hường, hoa lan thơm hơn hoa sen, mà không được nhắc tới, vì sinh ở chỗ đất sạch. Nếu Thái tử là người từ trên trời rơi xuống mà đắc đạo thì không có giá trị gì. Chính trong vòng kềm tỏa của dục trần, mà thoát được mới là bậc đại hùng.

Nếu chúng ta sinh ra đã là Thánh thì còn nói gì tu. Chính vì chúng ta mang đầy đủ thói hư tật xấu trong mình, chứa đầy tham sân si trong lòng, cho nên gặp cảnh thì nhiễm, trái ý thì sân, quẳng chúng thoát ra, thật là điều khó khăn trăm phần, ai làm được điều đó, đáng cho chúng ta chấp tay tán thán. Vì thế, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm bài kệ:

XUẤT TRẦN

Tằng vi vật dục dịch lao khu
Bài lạc trần hiêu thế ngoại du
Tán thủ na biên siêu Phật Tổ
Nhất hồi đẩu tẩu nhất hồi hưu.
Dịch:
RA KHỎI BỤI HỒNG

Đã từng ham muốn phải long đong
Ném quách mà ra khỏi bụi hồng
Buông thõng bờ kia lên Phật Tổ
Một lần phủi giũ một lần xong.

Bởi vì, chúng ta chạy theo vật dục nhân gian nên phải khổ sở gian nan. Nếu can đảm ném phất hết, vượt ra ngoài vòng trần lụy, qủa là can đảm phi thường. Có thể, mới buông thõng tay bước lên ngôi nhà Phật Tổ được. Song phải mạnh dạn dứt khoát, một lần bỏ đi không thèm ngó lại. Chớ đừng học thói nhầy nhụa, dùng dùng thẳng thẳng cắt không đứt, bứt không rời, mọt chân bước tới hai chân bước lui, không làm nên trò trống gì, chỉ chuốc trò cười cho hàng thức giả. Bởi vậy nên nhà Thiền thường dùng câu “giết người không ngó lại” là ý này. Phải can đảm dứt khoát thì việc khó mấy cũng thành công.

THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA 

Thái Tử là ông Hoàng chưa từng đối đầu với mọi việc khó khăn ở đời, chỉ thấy cảnh già, bệnh, chết là phát tâm đi tu. Mục đích Ngài đi tu để tìm phương pháp phá vỡ cái luật khắc nghiệt của kiếp con người mà muôn thuở đã chấp nhận. Ngài phải trả cái giá rất đắc là, mười một năm nằm gió phơi sương lang thang trong rừng núi, ăn uống sơ sài cho đến kiệt sức. Đến khi giác ngộ viên mãn phương pháp giải thoát sanh tử tuyên bố thành Phật. Đây là người khai mở con đường đạo giác ngộ giải thoát. Tức là Ngài đã phá vỡ luật khắc nghiệt (già bệnh chết) chi phối mình và đem ra chỉ dạy mọi người.

Việc làm của Ngài là muôn thuở không hai. Ngài bị chôn mình trong cung vàng điện ngọc, bị bao vây bởi đám cung nữ phi tần, bị phủ kín trong tiếng đàn ngọt hát hay, bị siết chặt bởi mùi thơm vị qúy. Song Thái tử quả cảm thoát ra không chút đoái hoài luyến tiếc. Do đó Ngài làm được việc khó làm, để lại cho đời tấm gương phi phàm xuất chúng. Ngài là hai mầm sen chôn sâu trong vũng bùn ngũ dục, vươn lên khỏi nước nở tròn tươi thắm và tỏa ra mùi hương tinh anh thanh khiết bủa khắp cả trần gian.

Qua những hình ảnh trên, chúng ta có đủ kinh nghiệm trong việc tiến tu, không còn e dè nghi ngại gì nữa. Bởi gì không có vị nào đã là Thánh rồi thành Thánh, mà tất cả đều bị bao vây bởi phiền não dục trần. Cái đặc điểm của các Ngài là nhạy cảm sớm thức tỉnh và anh dũng khi cần thoát nó. Điều đó chúng ta có thể học được, có ai thấy cảnh già bệnh chết mà chẳng buồn, có ai không khí khái khi thốt ra những lời thề bán mạng. Chỉ cần chúng ta triệt để ứng dụng cái nhạy cảm của mình để phát chí tu hành, khéo xoay chuyển cái khí khái của mình vào con đường quyết tử cầu đạo. Dám hạ quyết tâm trên đường hành đạo, chúng ta sẽ thu gặt được kết qủa chắc chắn không nghi. Chúng ta là những mầm sen phơi mình trên bùn ngũ dục, thoát khỏi nó để vươn lên có khó gì? Chúng ta đâu có cung vàng điện ngọc, đâu có cung phi mỹ nữ … mọi dục lạc tìm cầu rất khó, nếu thoát nó thì hết sức nhẹ nhàng. Chỉ cần một cái nhảy nhẹ đã ra khỏi rồi, thế mà chúng ta cứ chần chừ không ưng nhảy. Đây là yếu điểm muôn kiếp chịu trầm luân của chúng ta.

b. Đèn chơn lý:

Kính lạy Phật từ bi cứu thế
Đem đạo lành phổ tế chúng sanh
Trần gian biết nẻo tu hành
Nhờ đèn trí tuệ quang minh soi đường.

Tổ sư khẳng định con đường mình đi là theo bước đức Thích-ca Mâu-ni nên lấy trí tuệ làm ánh sáng soi đường. Qủa thật, cả cuộc đời hành đạo qua gương hạnh từ bi hỷ xả của Tổ sư đã đủ nói lên điều đó, bởi có trí tuệ thì mới có từ bi và hỷ xả.

Như vậy, biểu tượng hoa sen và ngọn đèn chơn lý chính là lý tưởng, chính là hoài bão của Tổ sư về một quốc độ, một cuộc sống an vui, thuần thiện của tất cả mọi người. Trong đó người tu phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời.

III. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA HỆ PHÁI SAU 50 NĂM HÀNH ĐẠO

Có hai yếu tố dẫn đến sự thành tựu của hệ phái này. 

1. Hình thức giống Phật còn tại thế: 

Tổ sư Minh Đăng Quang khai mở giáo pháp từ năm 1944 nhưng đến năm 1948 thì những bước chân hoằng hóa của Tổ sư và đoàn Du Tăng mới xuất hiện ở vùng Chợ Lớn - Sài Gòn - Gia Định. Ngay từ buổi đầu, những nhà sư đầu trần chân đất, từng bước hóa duyên; thanh bần đơn giản đã gây ngạc nhiên cho người dân thành thị vốn quen với sặc sỡ phồn hoa, ồn ào náo nhiệt. Điều này đã được một thi sĩ Phật tử cảm nhận rồi ghi lại:

Sài Gòn hoa lệ từ xưa,
Trăng phơi cánh mộng, gió đưa điệu đàn.
Một ngày kia, dưới nắng vàng,
Bỗng trang nghiêm hiện: một đoàn du tăng.
Dân thành thị những băn khoăn,
Họ là ai? - Xin thưa rằng họ đây,
Là môn đệ của Đức Thầy,
Minh Đăng Quang chiếu tự rày mười phương.
(Ánh Minh Quang, Trụ Vũ, Thi hóa tiểu sử Tổ sư)
Mỗi đoàn Du Tăng hoặc Ni được thành lập với túc số từ 20 vị trở lên. Theo sự điều động của Tổ sư, các đoàn chia nhau đi hành đạo khắp các vùng Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Dù ở nơi nào, mỗi sáng các nhà sư trong chiếc y vàng, mỗi sáng trình tự hóa duyên, trưa giờ ngọ tìm nơi tàng cây bóng mát hay miếu cổ vắng vẻ thọ thực đạm bạc thanh bần tùy theo số phẩm thực đã được hóa duyên. Chiều tối các nhà sư lại thuyết kinh giảng đạo tại các khu đông dân cư, nhà lồng chợ, sân trường học… để khuyên tu khuyến thiện cho bá tánh cư gia. Cứ như vậy, theo thời gian hình ảnh những nhà sư rày đây mai đó, vân du hóa đạo, không chấp giữ tiền bạc, của cải bổn đạo riêng tư, tái hiện hình ảnh đức Phật Thích-ca Mâu-ni và cũng chính là hoài bão của Tổ sư Minh Đăng Quang nên đã tạo dấu ấn thân thương trong tâm thức của hàng nam nữ Phật tử khắp nơi. 

2.Biết vận dụng ngôn ngữ thi ca bình dân vào việc giáo hóa:

Vào 2 thập niên 40-50 và 50-60, Tổ sư cùng đệ tử đã khéo léo dùng thể thơ lục bát song thất lục bát và thể thất ngôn điểm xuyết trong các bài giảng và các nghi thức tụng niệm nên đã thu hút được một số lượng lớn tín đồ. Chẳng hạn như các bài:

1.DÂNG HƯƠNG

Khói hương xông thấu mấy tầng xanh
Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành
Trên khói hương này xin Phật ngự
Chứng minh đệ tử tấc lòng thành.

2.LỄ PHẬT

Kính lạy Phật từ bi cứu thế
Đem đạo lành phổ tế chúng sanh
Trần gian biết nẻo tu hành
Nhờ đèn trí tuệ quang minh soi đường.

ÁNH sáng từ bi bủa khắp trời
NHIÊN quang đèn huệ rọi cùng nơi
ĐĂNG minh soi thấu trong ba cõi
TỎ RẠNG lý chân chỗ tuyệt vời

Đây chính là những nhân tố để Hệ phái có những thành tựu đáng kể sau hơn 50 năm hành đạo trên đất nước Việt Nam và phát triển tại nhiều quốc gia khác.

HT.Thích Nhật Quang (Tỉnh Đồng Nai)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm