Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 22/03/2016, 14:32 PM

Tp.HCM: Chùa Giác Ngộ tổ chức khóa tu Ngày An Lạc lần 1

Sáng 12/02/Bính Thân (20/03/2016), trong không khí trang nghiêm, khóa tu ngày an lạc lần thứ nhất được trọng thể diễn ra tại chùa Giác Ngộ. Dưới ánh từ quang của đức Phật, với sự chứng minh của Tăng đoàn chùa Giác Ngộ, BTC vô cùng hoan hỷ chào đón hơn 700 phật tử về tham dự khóa tu, trong đó có 298 phật tử trẻ tuổi.

Theo nền văn hóa Việt Nam, sự hiện diện của ngôi chùa với những âm thanh vang vọng của tiếng chuông ngân và mỗi khi ba hồi trống Bát nhã vang lên thì lập tức chúng ta trở về với chánh niệm. Cũng là nơi hướng dẫn, thực tập cho phật tử trau dồi trí tuệ, đạo đức, để chuyển hóa khổ đau ngay trong kiếp sống hiện tại để an lạc, hạnh phúc bây giờ và tại đây. Khóa tu với chủ đề: "Giải phóng khổ đau".
 
Ca khúc "Đạo Phật Ngày Nay" lời của TT.Thích Nhật Từ do ca sĩ Đông Quân thể hiện đã mở đầu cho chương trình để Tăng đoàn và các phật tử hiểu rõ đường lối và giá trị của Đạo Phật Ngày Nay.

Chương trình buổi sáng

Phần pháp thoại do TT.Thích Nhật Từ thuyết giảng với chủ đề: "Giải phóng khổ đau". Phần này được thuyết giảng chung cho cả hai nhóm lứa tuổi (nhóm trung niên trở lên, nhóm tuổi trẻ).
 
Theo thượng tọa, khổ đau có mặt trong cuộc đời như là hệ quả tất yếu của tư duy, lời nói, việc làm mà tất cả chúng ta đánh mất sự làm chủ thân và tâm. Khổ đau cũng có khi là một tác duyên tạo ra tính cộng hưởng mà khi chúng ta đang có mặt trong một môi trường cộng duyên nào đó mặc dù mình không trực tiếp tạo ra, nhưng bị liên lụy với người này hay là người khác...

Sở dĩ thượng tọa chọn đề  tài này cho khóa tu lần thứ nhất, là nhằm xác quyết rằng: con đường chân lý mà đức Phật đã đạt được dưới cội Bồ đề, sau 49 ngày thiền định phát hiện ra ba tuệ giác lớn chính là nhằm vào kỹ năng kết thúc toàn bộ các nỗi khổ đau mà con người đang đối diện... Bản chất của đạo Phật là con đường giải phóng khổ đau.

Với hai nội dung chính của bài Pháp thoại mà thượng tọa phân tích và hướng dẫn trên tinh thần Bát chánh đạo đó là: nguyên nhân khổ và đau; Kết thúc nỗi khổ niềm đau bằng bốn thái độ chân chính. Đồng thời, thượng tọa cũng hướng dẫn các giải pháp buông xả. Sau đó, là phần vấn đáp ngắn của thượng tọa với những câu hỏi mang tính phổ thông.

Kết thúc chương trình khóa tu buổi sáng là phần tụng Kinh Chuyển Pháp Luân sau đó là ăn cơm trong chánh niệm và phần hướng dẫn thực tập Thiền buông thư.
 
Chương trình buổi chiều

Mở đầu cho chương trình khóa tu buổi chiều là phần hướng dẫn thực tập Thiền chánh niệm do TT.Thích Chánh Định chia sẻ kinh nghiệm tu tập. Trước khi đi vào phần thực hành, thượng tọa đã sơ bộ nói về đề tài: "Tu tập chánh niệm theo Pháp môn thiền Tứ Niệm Xứ".

Theo thượng tọa, thiền Tứ Niệm Xứ là một loại thiền quán, thiền trong Phật giáo chỉ có hai loại, một là thiền Chỉ, hai là thiền Quán. Thiền quán chỉ có bốn đề mục, đó là: niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm và niệm Pháp...Thiền là trau dồi chánh niệm mà chánh niệm là sự ghi nhớ thân mình (hiểu đơn giản như vậy) khi đi là biết khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng vậy. Một nhiệm vụ rất đơn giản nhưng đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hết mình thì chúng ta mới có thể thực tập tu thiền định...Trong lời dạy của đức Phật: "Người có chánh niệm là người đang sống, người không có chánh niệm phóng dật, người đó đang chết".

Sau 25 phút thực tập thiền, dưới sự hướng dẫn của thượng tọa đã kết thúc phần Thiền chánh định.
 
Sau phần thực tập Thiền định, nội dung tu tập của hai nhóm lứa tuổi được tách riêng biệt:

Tại khu vực tuổi trẻ

Tại khu vực lầu 3 là các sinh hoạt vui chơi, giải trí của nhóm tuổi trẻ do sư Cô Nhuận Bình phụ trách và các Chú trong tăng đoàn chùa Giác Ngộ hướng dẫn. Với phần thi đầu tiên là phần thi vẽ cùng với chủ đề của khóa tu. Ban giám khảo được thành lập do họa sĩ Đạm Thủy làm trưởng ban và 4 thành viên khác. Hội thi được chia làm 13 đội: Chánh Tư Duy, Chánh Kiến, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Tinh Tấn, Chánh Mạng, Chánh Ngữ,  Chánh Tín, Chánh Niệm, Xá Lợi Phất, ANan, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na.

Mặc dù phần thi với chủ đề "Giải phóng khổ đau" rất trừu tượng nhưng các đội đã có những bức vẽ hết sức dễ thương và mang đầy ý nghĩa. Giải nhất thuộc về đội Phú Lâu Na, giải nhì thuộc đội Xá Lợi Phất, hai giải ba thuộc về đội Chánh Niệm và Chánh Kiến. Còn lại là giải khuyến khích. Phần thi vẽ của 13 đội đã cho ra đời những tác phẩm 'bất hủ' tại chùa Giác Ngộ trong khóa tu lần thứ nhất 20 tháng 3 năm 2016.
 
Trong phần thi "Đua thuyền Bát nhã" đây là một phần thi có ý nghĩa người tu tập như đang chèo trên chiếc thuyền để đến bờ an lạc, hạnh phúc. Phần thi này diễn ra quá 'cam go' và 'khốc liệt' của 6 đội. Cuối cùng thì giải nhất thuộc về đội có sự đoàn kết và sức mạnh là đội Chánh Ngữ.

Mục trao phần thưởng cũng tưng bừng không kém, kết thúc phần sinh hoạt riêng của nhóm tuổi trẻ và cũng là kết thúc khóa tu Ngày an lạc lần thứ nhất.
 
Tại khu vực nhóm tuổi trung niên trở lên

Trong khi phần vui chơi giải trí cần có trí tuệ và sức mạnh "siêu phàm" của tuổi trẻ để khẳng định "tài năng" thì tại khu vực chánh điện, sau phần tụng Kinh Người áo trắng và bái xám là phần Pháp đàm do TT. Thích Đồng Trí đảm nhận.

Với thời gian chỉ có 1 giờ 30 phút, với vài chục câu hỏi của Phật tử, Ban tổ chức đã lựa chọn những câu hỏi mang tính phổ quát cho số đông mà mọi người cần quan tâm để giải đáp. Bởi vì, có những câu hỏi mà theo thượng tọa đã giảng là mất từ 3-4 tháng.

Ví dụ chỉ cho câu hỏi Tịnh độ tông là gì và tu Tịnh độ là tu như thế nào? Hay câu hỏi: Thế nào là sự giàu có? Sự giàu có có được đong đo tính đếm bằng tiền? Hay câu hỏi: Đi chùa có lợi ích gì? Làm thế nào để cảm hóa được người tham? v.v...đã được thượng tọa trả lời có khi bằng các dẫn dụ những câu chuyện rất sâu sắc và lý thú làm thỏa mãn cả người hỏi và người nghe, chỉ tiếc rằng thời gian của khóa tu đã hết.

Cảm nhận của các phật tử

Sau một ngày tu an lạc, anh Huỳnh Minh Tuấn, một hành giả tham dự khóa tu cho biết: “Đây là lần đầu tiên đi tham dự khóa tu trọn ngày, ngày tu quá ý nghĩa, thiết thực cho cuộc sống con người, ý tưởng quá hay, nên duy trì và cần mời những giảng sư giỏi, có kinh nghiệm như hôm nay và mời tất cả các trường phái khác nhau đến giảng.”

Cô Ngọc Hạnh là giáo viên đã nghỉ hưu thì cho rằng về cơ sở vật chất  phục vụ cho khóa tu là một nỗ lực phi thường (rất hiện đại). Về nội dung khóa tu đáp ứng được cho mọi thành phần vì trong khóa tu có thuyết giảng, có tụng kinh, có thực tập thiền, có giải đáp thắc mắc và phân chia nhóm sinh hoạt phù hợp với nhóm lứa tuổi. So với các chùa khác mà cô đã đi thì đây là ngày tu đáp ứng được ý thích cho nhiều người.

Còn về nhóm tu tuổi trẻ, Thanh Phát, sinh viên trường Lê Hữu Trác nhận xét: “Về khâu tổ chức thì đối với riêng em là hoàn hảo, nội dung thiết thực với cuộc sống và mở mang hiểu biết cho bản thân.” Thúy Vi, sinh viên trường Kinh Tế Tài Chính, bạn Yến Nhi, sinh viên trường Sư Phạm Kỹ Thuật đều là lần đầu tiên đi tham dự khóa tu, đều thấy rất bổ ích và không uổng phí một ngày nghỉ, tâm rất thoải mái.

Kết thúc ngày tu
 
Mặc dù TT.Thích Nhật Từ là người khởi xướng khóa tu "Một ngày an lạc" từ năm 2007, người tổ chức chính là HT.Thích Trí Quảng tại chùa Phổ Quang và cho đến nay thì khóa tu "Ngày an lạc" đã được tổ chức trên 33 tỉnh thành, nhưng mãi đến hôm nay, khóa tu "Ngày an lạc" mới được tổ chức lần đầu tiên tại chùa. Bởi vì, khi chưa trùng tu, diện tích chùa và cơ sở vật chất quá chật hẹp và thiếu thốn nghiêm trọng, nên có muốn tổ chức cũng không thể. Ngày nay, tuy xây dựng cơ bản đã được hoàn thành, xong ngôi chùa cũng rất khiêm tốn với 7 tầng lầu trong một khuôn viên chỉ 700 m², nên mặc dù đã cố gắng hết mức nhưng cũng khó có thể có không gian rộng rãi so với các ngôi chùa khác. Nhưng bù vào đó là với trang thiết bị hệ máy thống máy lạnh cho khắp các khu để mọi người có thể yên tâm ngồi tu tập, ngủ, nghỉ mà không phải khó chịu vì nóng bức và hai thang máy phục vụ cho việc lên xuống.

Lời cám ơn

Trước hết, thay mặt cho Ban tổ chức, chùa Giác Ngộ xin được cám ơn chư Tôn đức Tăng và Tăng đoàn chùa Giác Ngộ, xin cám ơn gần 700 Phật tử đã về tham dự khóa tu lần thứ nhất. Đặc biệt xin cám ơn các phụng sự viên, nhất là Ban hậu cần, Ban Diệu âm và các Ban khác đã phục vụ tận tình chu đáo để khóa tu lần thứ nhất được thành công.

Ban tổ chức cũng xin mọi người tham dự khóa tu hoan hỷ cho những điều chưa vừa ý để  một Ngày an lạc đúng nghĩa và an lạc suốt trong những ngày sau đó.

Rất mong được gặp lại vào khóa tu lần 2, ngày 16/4/2016.

Ngộ Dũng - Giác Hạnh Hoa
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Trường TCPH chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Phật sự địa phương 13:15 20/11/2018

Nhằm tôn vinh giá trị của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, vào ngày 20/11/2018, Ban giám hiệu cùng toàn thể tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã tổ chức ngày lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Đồng Tháp: Trường TCPH tỉnh chúc mừng ngày 20/11

Phật sự địa phương 11:28 20/11/2018

Ngày 13/10/Mậu Tuất (19/11/2018), chư tăng ni trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp đã đến các tự viện chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Đắk Nông: Lễ đúc đại hồng chung và an vị tôn tượng Bổn sư

Phật sự địa phương 10:55 19/11/2018

Sáng ngày 12/10/Mậu Tuất (18/11/2018), tại chùa Bửu Thành (TT.Đức An, huyện Đắk Song), cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni và bà con phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ an vị tôn tượng Bổn sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại huyện nhà.

Hà Nội: Chùa Hòa Phúc tưởng niệm 30 năm ngày HT.Ngộ Chân Tử viên tịch

Phật sự địa phương 14:37 18/11/2018

Ngày 11/10/Mậu Tuất (17/11/2018), chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Ngộ Chân Tử - Tổ Sư khai sơn chùa Hoằng Pháp.

Xem thêm