Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 11/01/2016, 13:51 PM

Tp.HCM: TT.Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Phước Huế

Chiều ngày 2/1/2016 nhận lời mời của ĐĐ.Thích Minh Lộc trụ trì chùa Phước Huệ (Đường số 7A, Phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết pháp về đề tài "Hiền như cỏ - Nhỏ như trái sung - Nhưng anh hùng như chiến tướng".

Được biết, kể từ khi tịnh thất được thành lập cho đến khi được công nhận là chùa Phước Huệ, ĐĐ.Thích Minh Lộc đã có nhiều đóng góp cho công tác truyền bá Chánh pháp cũng như góp phần gắn kết giữa đạo và đời trong mối quan hệ “Đạo pháp và dân tộc”. Trên tinh thần đó, năm nào Đại đức cũng tổ chức trai đàn kỳ siêu bạt độ và kỳ an trong 2 ngày theo đúng nghi lễ Phật giáo, mong nương nhờ pháp Phật oai linh, cùng đạo lực của đại Tăng và sự thành tâm cầu nguyện của chư thiện tín phật tử mà các hương linh được siêu sinh về cõi an lành. 

Lần này, chùa Phước Huệ còn có duyên lành thù thắng đã được cung nghinh an vị Xá lợi Phật và Thánh chúng tại Bổn tự, nhằm tạo duyên lành cho tất cả phật tử xa gần đến đảnh lễ, chiêm bái, hầu nương năng lượng từ bi và trí tuệ của Phật để nuôi lớn tâm bồ đề, tinh tấn tu hành, vững tâm hộ pháp, sao cho Phật pháp được phát huy lớn mạnh và mãi trường tồn. 
 

Ngoài ra, tại chùa Phước Huệ mỗi tháng đều có tổ chức khoá tu Pháp Hoa; khoá tu niệm Phật một ngày và có thuyết Pháp với số lượng phật tử tham dự ngày càng đông. Đại đức trụ trì đã tạo điều kiện cho mọi người đến chùa được tu tập, được học Pháp để sống tốt đạo đẹp đời. Phải chăng, giá trị một đời người là nằm ở hành động có mục đích và lý tưởng sống lợi tha. 

Hôm nay, nhân đại lễ Kỳ an – kỳ siêu,  nhằm tạo duyên lành cho phật tử đến chùa được am hiểu giáo lý, có thể đứng vững trên con đường Phật đạo, ĐĐ.Thích Minh Lộc đã tổ chức khoá lễ tụng kinh Bát Chánh Đạo. Do lời kinh xúc tích, từng câu từng lời đều có ý nghĩa giáo dục và giọng tụng của quý thầy rất hay, nên các phật tử cảm nhận được sự an lạc trong từng lời Kinh tụng. 

Kế đến, đi vào nội dung bài Pháp thoại, TT.Thích Chân Quang đã mượn nhiều hình ảnh ẩn dụ để giải thích cho quan điểm “Hiền như cọng cỏ” là thế nào. 

Sự thật, chúng ta hiểu người tu là hiền lành. Và khi viết về cuộc đời của một bậc cao Tăng nào thì ta đều dựng lên hình ảnh từ bi, nhân ái, khoan dung, độ lượng vì đó là nền tảng của sự tu hành. Mà chúng ta tu hành là mình đi tìm cái phẩm chất đó. Trước đây, có thể chúng ta là một người ngang bướng, hung dữ, lì lợm nhưng tu riết rồi phải trở thành người nhu thuận, hiền lành, khoan dung, dễ nghe lời, thích được sai bảo, ai sai mình điều gì thì mừng lắm. Đây là phẩm chất, là kết quả của một quá trình rèn luyện tu tập mà có. Còn không thì khó lắm chứ không phải dễ. Ví dụ lúc chưa biết tu ta thích sai bảo người khác để chứng tỏ mình có quyền lực. Nhưng khi tu được rồi, tự nhiên cảm thấy cái hạnh phúc không phải là lúc mình sai người ta, mà là lúc người ta sai mình. Cái cảm giác này nó ngược lại với cái tâm lý bình thường của con người. 

Thường thì con người ta hay giành nhau về quyền lực, giành nhau cái quyền được sai bảo người khác mà có khi dẫn đến máu đổ đầu rơi. Còn khi ta biết đạo rồi, lúc ta được sai bảo người khác, tức ta có cảm giác như mình có quyền lực hơn người thì mới thấy đó là cái bản ngã nặng nề, phiền não và đầu mối của khổ đau. Một người khi tu tập mà cái bản ngã hạ xuống như tan vỡ, thấy mình như đất như bụi, rồi được người khác sai, mình ngoan ngoãn đi làm thì mới cảm nhận: Ủa! Hạnh phúc con người chính là chỗ mình được sai bảo mà mình đi làm một cách vui vẻ và thấy rất hạnh phúc. Nhân đây, Thượng toạ phân tích và dẩn dụ nhiều câu chuyện để người nghe nghiệm lại biết mình tu đến đâu. 

Chúng ta thấy hình ảnh “Cỏ”, gió thổi chiều nào theo chiều đó, có bị người ta dẫm đạp thì nó nằm xuống. Khi người ta đi qua rồi thì nó mọc lên lại. Chỉ có ai dẫm nát thì thôi, đôi khi nó chết luôn. Cho nên, câu nói “Hiền như cỏ - nhỏ như trái sung”, là hình ảnh dùng để so sánh nhằm gợi cho người nghe liên tưởng đến một con người luôn thấy mình nhỏ bé trước mọi người. Và Thượng toạ kết luận: Cái tâm lý cảm nhận của một người tu tập về chính mình là lúc nào cũng thấy mình nhỏ bé, mà không có thấy mình là một cái gì lớn lao, vĩ đại cả. Và chúng ta phải giữ được cái tâm này thì mới đi bền vững được. 
 
Đây là cả cái trí tuệ phấn đấu hết kiếp này sang kiếp khác, vì kinh nghiệm ông bà mình thường nói: Càng nhỏ thì càng lớn. Cái thấy mình càng nhỏ thì cái phước cứ đưa mình tới chỗ lớn dần, lớn dần. Mà nếu người đó cứ tiếp tục thấy mình nhỏ thì lại cứ phình ra lớn dần, lớn dần. Còn đến khi chịu hết nổi nữa, mình bắt đầu thấy mình lớn thì từ từ teo lại, phước bắt đầu giảm dần dần. Nhân quả là vậy.

Thường cái trí tuệ của chúng ta không đủ sức để thấy mình nhỏ hoài khi mình đã phình ra quá lớn. Ví dụ một người mà lên tới tột đỉnh của danh vọng rồi thì không còn ai đủ bản lĩnh để thấy mình nhỏ nữa. Do khó như vậy, cho nên Phật mới dạy ta 600 quyển kinh Bát Nhã để nhắc mọi người giữ cái tâm mình khi mà phước mình càng lúc càng lớn. Đừng nói đâu xa, đối với bậc xuất gia, phật tử gặp là phải cung kính. Lúc đó, quý thầy mình nếu không có trí tuệ, không bản lĩnh, bắt đầu thấy mình là một đẳng cấp cao hơn người cư sĩ. Thậm chí ngay trong giới xuất gia, vì có Bát Kính Pháp nên người Tăng thấy mình ở một đẳng cấp cao hơn ni. Thì những tâm đó đều là những tâm phiền não cả. 

Đành rằng “Tu” thì phải tiến lên, phải đóng góp, phải cống hiến được nhiều, và phải giáo hóa được chúng sinh. Đó là bắt buộc nhưng tiến lên mà đừng thấy mình trên ai hết thì mới giữ được đạo đức mà đi tiếp, còn không là tuột xuống liền. Do vậy, cái tâm lý phải làm sao để mình “Hiền như cỏ, nhỏ như trái sung” là cả một sự phấn đấu hết sức vất vả. Nói thì nghe dễ nhưng thường ngang tới lúc mình được cung kính, được trọng vọng nhiều hơn thì mọi người rớt sạch. 

Cho nên, hàm ý của bài Pháp thoại này, Thượng toạ mong muốn mọi người nhận ra một lẽ thật là “Giữ chặt cái tâm niệm thấy mình chỉ là nhỏ bé, cát bụi” mà chuẩn bị cho chính cuộc đời mình, bởi vì đa phần những người biết đạo, đều biết làm phước, bố thí, cúng dường, phóng sinh, v.v… Vì vậy, phước sẽ càng ngày càng lớn dần. Tuy nhiên, có người vừa lên lại rớt xuống liền; có người vừa giàu kiếp đó nhưng qua kiếp sau nghèo lại; có người lên rồi thì lên nữa… lên nữa… thậm chí vượt lên cho tới vô tận vô biên và đạt được cái Thánh vị giải thoát cao siêu. Mà cái khác nhau giữa người tiến lên rồi lại tiến lên nữa và người vừa tiến lên rồi thì rớt lại là “Có thấy mình nhỏ hay không thôi”. 
 
Trên đây, Thượng toạ vừa phân tích vế thứ nhất và vế thứ hai của tựa đề bài Pháp thoại đối với một người tu, tức: “Hiền như cỏ, nhỏ như trái sung”. Bây giờ đến vế thứ ba, tức “Anh hùng như chiến tướng”. Một người tu phải có đủ ba vế này thì mới gọi là có một nội tâm viên mãn. Vì cái hiền dễ cho ta trở thành nhu nhược. Như vậy, hiền như thế nào để không trở thành người nhu nhược (là không có nhịn) trong khi ta tu tập hiền lành thì phải nhịn. Không nhịn nghĩa là thấy điều sai trái không được bỏ mặc, mà phải làm, phải nói, phải tác động gì đó để cho cuộc đời này từ từ bớt đi những điều sai trái. Còn khi ta thấy những điều sai trái mà bỏ mặc đó gọi là nhu nhược chứ không phải hiền lành. Và Thượng toạ chứng minh cho thấy chỉ một chút sai lầm “Hiền lành trở thành nhu nhược” mà ta mất luôn một mảng Phật giáo Ấn Độ. 

Chúng ta dễ bị cái hiền lành, khiêm tốn trở thành nhu nhược. Do đó cái tâm của ta không viên mãn, không hoàn hảo và không làm Thánh được. Nhân đây, Thượng toạ nêu ra có những cái tâm lý thấy như ngược nhau nhưng lại làm thành, bổ sung cho nhau, tạo thành sự hoàn hảo của nội tâm một bậc Thánh. Đó là tuy chúng ta tu thì phải hiền lành, khiêm nhu, nhưng cũng phải kiên cường bất khuất, không được nhu nhược. Chính cái tâm lý này mới làm cân bằng để ta đạt được sự hoàn hảo. 

Cái khó là sử dụng sức mạnh cho đúng. Kiên cường nó là một cái đẹp. Nếu dùng bạo lực mà thiếu trí tuệ thì lại là một cái sai. Người mà trí tuệ không đủ, hễ dính cái nào thì họ hiểu lầm cái đó. Cho nên, giữa cái tâm hiền lành và cái tâm kiên cường bảo vệ điều đúng phải dính nhau, giống như con chim có hai cánh, nó phải vỗ cánh nhịp nhàng và cự ly đồng đều thì mới bay được. Ví dụ thấy người ta sai thì mình rất cương quyết không để họ sai, nhưng cái cách mình bày tỏ nhắc nhở phải nhẹ nhàng, khéo léo, ôn hòa, chứ không phải thấy người ta sai rồi mình dùng bạo lực hay bỏ mặc thì con chim này chỉ đập cánh có một bên. Do vậy nó sẽ lạch đạch không bay lên được. Cũng vậy, tâm hồn của ta là nghiêng lệch, không hoàn hảo, không viên mãn. 

Cái tâm lý căn bản chất của tình yêu thương là khi thương ai ta hay chiều ý người đó, làm cho người đó vui lòng, dù nhiều khi biết ý họ sai mà vẫn chiều, vẫn phải bênh vực, bảo vệ. Và “Từ bi” trong đạo Phật nó cũng rất gần với tình yêu thương chúng sinh kiểu đó. Hễ đã yêu thương đều giống nhau. Cho nên, trong cái yêu thương, từ bi nó có “Hỉ - xả”. Chữ “xả” nghĩa là tha thứ, tức khi thương rồi dù ai  có làm tội mình cũng tha thứ. Mà tha thứ quá rồi thì cái xấu trên cuộc đời này sẽ tự do phát triển. Sự thật, ta cần tình yêu thương để sự sống nảy nở, nhưng hãy nhớ một điều: Tình yêu thương cũng là thuốc độc nếu ta dùng nó không đúng. Vì vậy các Đức Phật, các vị Thánh đều dạy ta phải nghiêm và từ. Từ bi phải có sự nghiêm khắc. Tuy thương nhưng không phải chiều ý cho vui mà thương là để dạy, thuyết phục, khuyên bảo cho nên người. 

Với người đạo tâm kém thì khi thương ai liền rơi vào trạng thái muốn chiều, thỏa mãn ước muốn người đó dù biết rõ là sai, phí phạm, chỉ làm tổn phước mà vẫn  chiều. Còn người biết tu rồi, đạo lực họ lớn dần, bắt đầu trí tuệ sáng lên thì tính nghiêm khắc của họ cũng nảy nở theo, đồng thời họ biết kiểm soát lại đối với tình cảm của mình. Việc ta cưỡng lại ý muốn của người mình thương, đó là bản lĩnh lớn. Mà phải có đạo lực mới bắt đầu xuất hiện điều này. 

Theo đó, Thượng toạ dẫn dụ nhiều hình ảnh cho thấy khi một vị Thánh nhìn chúng sinh thì có những ước muốn gì. Và khi một người tu hành đạt được tâm từ bi thì nhìn cuộc đời, nhìn chúng sinh họ có những mong mỏi gì. Người khẳng định: Cái ước muốn đúng là dấu hiệu của tình yêu thương, của từ bi đúng. Mà cái ước muốn đúng luôn luôn đi chung với sự nghiêm khắc, bởi vì cái ước muốn của ta đối với người mình thương là sự cao thượng, hoàn hảo, tốt lành, phát triển, tiến bộ, chứ không có thương để chiều, để cho người đó hết phước, để người đó làm những điều sai trái. 

Kế đến, Thượng toạ nói qua một dạng tâm lý trái ngược nữa, đó là người tu theo đạo Phật thì đi tìm sự giải thoát, cởi bỏ mọi điều ràng buộc đối với trần gian. Cho nên tâm từ từ đạt tới cái trạng thái thanh thản, tự tại. Do đó, ta hay nghe nói tới đạo Phật là cái gì bình yên, tự tại, hư vô, bất động. Đây là phong cách của một người tu đúng theo đạo Phật. Nhưng cái trạng thái tự tại, thanh thản mà ta đi tìm rất giống với cái trạng thái của một người lười biếng. Vì vậy, cái đúng của một người đạt lý trong đạo Phật là tự tại, thanh thản, nhưng rất siêng năng. Siêng năng từ những việc hết sức nhỏ bé. Nghĩa là trước mọi bát phong ta bình tĩnh, thản nhiên, tự tại, nhưng hễ có cơ hội để phụng sự, cống hiến thì không tiếc công, không kể công. Chỉ trừ khi muốn dạy người nào đó thì ta mới đứng yên và kêu họ đi làm. Còn những lúc rảnh rổi hễ thấy việc thì bắt tay làm ngay. Tất cả mọi việc đều đáng quý như nhau, miễn là phụng sự, nên không phân biệt người trên người dưới, việc lớn việc nhỏ.

Quan điểm của một người tu đạo là: 
“Không nói thấp, chẳng nói cao,
Miễn là phụng sự, việc nào cũng hay”

Cho nên, ta phải tập siêng năng thì mình mới cân bằng được tâm lý của một người tu trong đạo Phật vốn đi tìm sự tự tại, thanh thản. Ngược lại, nếu ta cứ nhắm vào sự tự tại, thanh thản mà quên đi đạo đức là phụng sự, cống hiến, dấn thân, siêng năng thì tâm hồn ta bị khuyết lở liền. Ngoài ra, người siêng năng, nhiệt tình nhưng nóng nảy, hay lớn tiếng cãi cọ cũng là một sự khuyết lở của tâm hồn. Do vậy, hai đều tưởng chừng trái ngược này phải bổ sung lại với nhau, mà bổ sung được thì đó là  một tâm lí hoàn hảo, viên mãn. Mà người có được cái tâm lí hoàn hảo, viên mãn thì con đường tu tập của họ là đi đúng đường, và công đức cứ tăng dần lên. 

Lại nữa, người tu trong đạo Phật thường là ít nói. Để đánh giá nội tâm của một người đã yên lắng thanh tịnh hay chưa thì ta dựa vào nguyên tắc “Người động tâm thì nói nhiều”. Tuy nhiên, trong đạo Phật, ít nói nhưng khi cần phải giỏi hùng biện,  tức mọi đạo lí trong Phật pháp, và kiến thức của thế gian ráp lại ăn khớp với nhau, thành những luận cứ chặt chẽ, không ai có thể bắt bẻ được một khi mình đã cất tiếng nói. Đó là cái tính cách của một người tu đúng trong đạo Phật. Mà việc đánh giá ta có trí tuệ hay không là xem mình đã đủ sức hùng biện hay chưa.

Tương tự, Thượng toạ còn chia sẻ những dạng tâm lý trái ngược khác, chẳng hạn dù “Chân thật” nhưng phải “Kín đáo”. Người đệ tử Phật có một bản lĩnh nữa là không phải tất cả những điều mình biết đều nói ra. Chúng ta chỉ nói ra những điều gì có lợi cho sự tu tập của chúng sinh thôi. 

Một dạng tâm lý nữa là tuy chúng ta “Kĩ lưỡng” từng chút trong mọi công việc nhưng không “Cố chấp”. Người đệ tử Phật là người có trí tuệ thì luôn luôn kĩ lưỡng trong từng công việc nhưng không cố chấp, nên lòng lúc nào cũng an vui.
 
Tóm lại, ta thấy có những tâm lý ngược nhau, nhưng lại làm thành cho nhau. Nó tạo thành một nội tâm viên mãn, hoàn hảo, giống như con chim có đôi cánh mới bay lượn được trên bầu trời. Tuy nhiên những tâm lý trái ngược đó không phải dễ ráp lại cho ăn khớp, nếu như chúng ta không có sự tu hành chuẩn mực. Còn không, hễ ta dính tâm này thì lại lệch tâm kia. Hễ nói thanh thản tự tại thì ta rơi luôn vào lười biếng; hễ nói siêng năng thì ta trở thành cáu gắt, dễ gây sự. Còn chỉ những người tu đúng thì trong thanh thản tự tại nhưng lại rất siêng năng. 

Như vậy, ý nghĩa của bài Pháp thoại này Thượng toạ luôn muốn mọi tâm hạnh trở nên chu toàn để bảo vệ phước đức cho một người tu hành được viên mãn tròn đầy, đó cũng là bảo vệ Phật pháp. Phải chăng: “Công thầy đổ xuống đất nầy. Cho hoa đạo pháp ngày ngày xanh tươi”. Chúng ta đã được người cho tấm bản đồ với những dấu chấm, với những lời hướng dẫn tận tình, và cách thực hành rõ ràng, giúp cuộc hành trình trên con đường thoát khổ của mình thẳng tắp hơn và ít gập ghềnh. Vậy mình còn chần chờ gì mà không tiến bước. Nếu ta không có lòng tin thì lối vào giáo pháp sẽ bị lấp kín, và như vậy sẽ còn phải chịu đựng thêm nữa những đau khổ trong vòng luân hồi vô tận này.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm