Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 24/02/2016, 11:11 AM

Tranh ấn, cướp phết: Khủng hoảng niềm tin hay trục trặc xã hội?

Con người ta hướng về thần linh để cầu may, che chở nhưng lại có những hành động báng bổ mà có lẽ chẳng thần linh nào chứng giám nổi: Cướp, giật, tranh giành, đánh nhau để có được ấn và lộc.

Hình ảnh tranh cướp tại lễ hội Phết ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Ảnh P.HÙNG

Những hình ảnh thanh niên giẫm đạp lên nhau, leo bước trên vai, trên đầu người khác để cướp phết, tranh ấn, tranh lộc cho thấy bức tranh lễ hội đầy bạo lực đến kinh hoàng. Hiện tượng này không chỉ xảy ra một nơi, một lần hay một năm mà nó phổ biến, năm sau kinh hoàng hơn năm trước. Đến nỗi ở lễ hội khai ấn đền Trần, tuy có hàng ngàn công an bảo vệ trật tự nhưng tình trạng hỗn loạn, tranh cướp ấn vẫn diễn ra, có người còn nhảy lên cả ban thờ để cướp.
Chẳng lẽ cứ mỗi người đi dự lễ hội lại cần một cảnh sát đi kèm? Tại sao con người ta ngày càng hành xử thô bạo, phi chuẩn lạ lùng đến thế? Dưới đây là góc nhìn lý giải của các chuyên gia xã hội.

GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: Do ý thức pháp luật không nghiêm
 
Có ba vấn đề của lễ hội vẫn thường đặt ra, đó là vì sao lễ hội nhiều, vì sao lễ hội được biết đến nhiều và vì sao lễ hội lộn xộn?

Trước tiên, lễ hội là chuyện tốt. Việt Nam không phải là nước duy nhất có nhiều lễ hội mà các nước có nền nông nghiệp lúa nước đều như thế. Bởi nền nông nghiệp lúa nước mang tính thời vụ cao và phân rõ hai mùa nông nhàn là xuân và thu; đây cũng là hai mùa lễ hội trong năm. Tại Việt Nam hiện nay, lễ hội xuất hiện nhiều hơn so với các nước cùng có gốc là văn hóa lúa nước trong khu vực bởi vì tỉ lệ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp.

Thứ đến, ngày nay lễ hội được biết đến nhiều, bị nói nhiều thì mức độ lộn xộn càng nhiều. Ngày xưa lễ hội là chuyện của từng làng, hội làng nào làng đó biết, đâm chém ở đâu chỉ đó biết. Còn bây giờ, sự phát triển của thông tin đại chúng làm cho lễ hội mang tính cộng đồng cao hơn, khắp nơi đổ về lễ hội của một làng, chém lợn một nhát là cả nước biết hết.

Và cuối cùng, sự lộn xộn của lễ hội có nguồn gốc do ý thức pháp luật không nghiêm, quản lý xã hội chưa tốt nên cuộc sống không theo nhịp bình thường khiến người ta dựa vào may rủi, niềm tin vào siêu nhiên tăng lên. Thực tế, nếu xã hội mà người tài giỏi được cất nhắc, sử dụng thì sự nỗ lực, phấn đấu của cá nhân sẽ làm cho xã hội trở nên trật tự. Nhưng trong xã hội chúng ta dường như nguyên tắc “bốn ệ” (nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ) trong công tác cán bộ đang thắng thế. Khi trí tuệ rớt vào hàng cuối cùng, con ông cháu cha, tiền tệ, quan hệ lên trước thì hiển nhiên người ta phải đua nhau đi xin ấn cầu may mắn. Quan thế thì dân cũng thế, vậy là khắp nơi tâm thế cầu xin may mắn nổi lên lấn át, tạo nên tình trạng lễ hội bất thường.

Không hẳn lễ hội nào cũng là nơi xả bạo lực. Lễ hội có thể có những màn tranh cướp (như tục cướp hoa tre trong lễ hội Gióng) nhưng việc gọi là “cướp” trong lễ hội truyền thống nó có những nguyên tắc của nó. Ấy là khi hoa tre còn đang tung lên, chưa thuộc về ai thì mình có thể tranh lấy; khi hoa tre đã vào tay người nào rồi thì xem như người đó may mắn. Còn hiện nay hoa tre chưa làm lễ đã bị cướp, đã trên tay người khác rồi mà vẫn nhào vào cướp.

Ngày xưa, lễ hội chỉ diễn ra trong phạm vi làng, xã nên ai cũng hiểu quy trình, luật tục của lễ hội, lúc ấy khó có những màn ẩu đả như hiện nay. Ngày nay, khách thập phương đến không hiểu rõ lễ hội, chỉ nghe nói cướp, giật là nhào vô tranh cướp nên cảnh bạo lực, ẩu đả xảy ra âu cũng là điều dễ hiểu.

ThS.LÊ MINH TIẾN, giảng viên ĐH Mở TP.HCM: Phản ánh sự trục trặc trong vận hành xã hội
 
Theo truyền thống của nước ta, cứ sau những ngày tết là đến những ngày lễ hội. Nhưng những năm gần đây, cứ đến dịp này là chúng ta phải chứng kiến những hành động mà có lẽ chẳng có thần linh nào chứng giám nổi: Cướp, giật, tranh giành, đánh nhau để có được “ấn” và “lộc”.

Trong xã hội truyền thống, các lễ hội có một vai trò rất quan trọng, vì chúng là phương tiện để nối kết cộng đồng, là nơi con người thể hiện sự giao hòa với thần linh, bộc lộ những mong muốn, kỳ vọng của cá nhân và cộng đồng. Nhưng hiện nay lễ hội hình như đang đánh mất ý nghĩa ban đầu của nó. Bởi không thể có chuyện cố kết cộng đồng khi người ta đánh nhau để cướp lộc, cướp ấn được.

Vậy điều này có nghĩa là gì?

Trước hết, việc con người ta dùng đến bạo lực để cướp lộc thánh cho thấy trình độ tiến hóa của con người đang ở giai đoạn thấp. Ở đó, con người thường phản ứng theo bản năng nhiều hơn là theo những toan tính duy lý. Việc dùng sức, dùng bạo lực để cướp ấn, cướp lộc rõ ràng là một lối ứng xử dựa vào phản ứng mang tính bản năng rất rõ. Điều này cho thấy trình độ văn minh của khá nhiều người đang ở mức rất thấp, cho dù con người hiện đang sở hữu nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến và văn minh hơn ngày xưa.

Nhưng vì sao con người ta lại mong muốn có được ấn thánh, lộc thánh đến mức bất chấp những chuẩn mực ứng xử thông thường như vậy?

Có lẽ vì con người ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều bất trắc, hiểm nguy, nó có thể ập đến bất cứ lúc nào nên họ chỉ còn biết bám víu vào sức mạnh siêu nhiên, vào thần linh để mong được chở che, trợ giúp. Quả thật, hiện nay chúng ta đang sống trong quá nhiều nỗi sợ hãi, từ chuyện ăn phải thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, tai họa bất ngờ hay việc làm ăn, kinh doanh có thể bị lụn bại từ những quyết định bất ngờ… Trước những sự bất an đó, con người thật khó mà thiết kế cuộc sống, việc làm ăn của mình bằng những quy trình duy lý được. Họ buộc phải cậy nhờ đến sự che chở, bảo bọc của thần linh; họ phải làm mọi cách để có ấn thánh và lộc thánh như chúng ta đang chứng kiến.

Mặt khác, việc con người nhờ đến lộc thánh, ấn thánh còn có thể phản ánh một tâm thức “ăn xổi ở thì” nữa. Đáng lẽ người ta phải lo học hành chăm chỉ để có kết quả tốt; nỗ lực trau dồi chuyên môn để được cất nhắc hay chí thú làm ăn để tích cóp, làm giàu… Đằng này, để có được thành công, người ta lại chọn cách cướp cho được lộc thánh, ấn thánh vì xem như đây là phương cách để đạt được ước muốn của mình.

Tóm lại, những hiện tượng không hay trong các lễ hội đang phản ánh những trục trặc trong sự vận hành của xã hội lẫn cá nhân con người trong xã hội ấy. Chỉ những lời phê bình hay chê bai thì không đủ để cải thiện tình hình. Chúng ta cần phải có những suy nghĩ và giải pháp dài hơi hơn trong tương lai.

TS.KHUẤT THU HỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội:Tiêu cực lễ hội có nguồn gốc từ sự bất công
 
Nhìn những hình ảnh tranh cướp, bạo lực ở lễ hội tôi có cảm giác rất chán ngán. Tất cả vấn đề xã hội của nước ta trong những năm gần đây giải thích vì sao lại có những hiện trạng như vậy. Sâu xa của tình trạng này là tâm lý đám đông tạo ra những hiệu ứng. Theo tôi biết, việc chen lấn, xô đẩy, cướp giật trong lễ hội đã có từ xa xưa, nó là cách để tạo ra sự sôi nổi cho lễ hội. Câu hỏi đặt ra là tại sao những năm gần đây lễ hội lại tạo ra những hình ảnh phản cảm, phản văn hóa, gây ra những bức xúc như vậy?

Theo nhận định chủ quan của tôi, lý do đó bắt đầu từ tâm trạng của người Việt Nam trước những bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Tình trạng đó diễn ra khá nhiều, thường xuyên, trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống khiến người ta có cảm giác nếu mình không nhanh lên, không đi đầu, tranh cướp, giành lấy thì mất phần. Khoảng cách giữa những người có quá nhiều ưu thế với những người yếm thế ngày càng kéo xa, dẫn đến cảm giác về sự bất công càng lớn. Khi đã mất lòng tin vào sự công bằng, người ta nảy sinh tâm lý nếu mình thủng thẳng thì sẽ không được gì, miếng bánh quá nhỏ trong khi người muốn lấy quá nhiều.

Những thứ người ta tranh cướp để lấy được trong lễ hội chẳng có giá trị gì về mặt vật chất nhưng lại là biểu tượng cho một niềm tin tâm linh vu vơ nào đó. Ở góc độ này, nó cho thấy sự bế tắc trong niềm tin. Người ta gửi gắm số phận của mình thông qua thứ niềm tin đó thay vì làm việc cật lực, nghiêm túc, chăm chỉ để có được những thành quả lao động. Người ta tin vào sự siêu nhiên, hy vọng cho mình đổi đời, may mắn, phúc lộc.

Nhìn vào thực tế lễ hội, chúng ta có thể liên tưởng tới thực tế cuộc sống. Ở đó vẫn có sự tranh cướp, giẫm đạp lên nhau, tìm mọi cách để chiếm đoạt lợi ích về cho mình. Những lễ hội nghiêm túc có yếu tố giáo dục như Minh thề (Minh thệ) thì chẳng mấy ai tham gia vì người ta không tìm thấy được lợi ích ở đó, không hứa hẹn mang lại lợi lộc.

Theo tôi, trong một xã hội văn minh, nếu tiếp tục để tái diễn những hành vi phản cảm, phản văn hóa như thế thì không hay chút nào. Cần phải có cách tổ chức khác để không còn những hình ảnh ngán ngẩm này nữa.

Quỳnh Trang - Viết Thịnh ghi
Nguồn: http://plo.vn/ban-doc/tranh-an-cuop-phet-khung-hoang-niem-tin-hay-truc-trac-xa-hoi-613493.html
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm