Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 02/10/2016, 10:19 AM

Tri vọng có phải là chánh niệm không?

Tri “知” tức là vọng “妄”. Kinh Lăng Nghiêm nói: “知見立知即無明本-Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, chữ tri ấy là căn bản vô minh; “知覺乃眾生-Tri giác nãi chúng sinh”, chẳng những tri là vọng, bốn bài kệ của ngài Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713) “若以知知寂,此非無緣知-Nhược dĩ tri tri tịch, thử phi vô duyên tri”, tịch là tịnh, tịnh thì chẳng có vọng rồi, nhưng vẫn còn là vọng, chẳng phải là vô duyên tri của tự tính.

Sự tri của tự tính chẳng nhờ nhân duyên, không có đối đãi, nay có cái tri để tri tịch, tri là năng tri, tịch là Sở tri, có năng sở tức là vọng, ấy là đã cao hơn vấn đề tri vọng. Vì tri vọng chưa phải tịch, tịch là hết vọng nhưng vẫn còn năng sở, như người dùng tay cầm cây như ý, chẳng phải là tay không có cây như ý. Tay cầm cây như ý rồi thì lấy cái khác không được, chướng ngại sự dụng của tự tánh, nên phải quét. Tri tịch còn phải quét, nói gì tri vọng!

Bài kệ thứ hai: “若以自知知,亦非無緣知-Nhược dĩ tự tri tri, diệc phi vô duyên tri”, tức tự biết mình có cái tâm tri ở trong. Động tịnh là ngoại cảnh, nay không tri ngoài mà tự biết mình có cái tri, tức cái năng tri ở bài kệ thứ nhất trở thành sở tri ở bài kệ thứ hai, mặc dù chẳng đối với ngoại cảnh động hay tịnh, nhưng cái “tự biết có cái tri” đó cũng là sở tri, nên vẫn chẳng phải Vô duyên tri không có đối đãi của tự tánh. Ví như tay chẳng cầm cây như ý (ngoại vật) mà tự nắm thành quyền, chứ chẳng phải tay không có nắm lại, như thế vẫn chướng ngại sự dụng hoạt bát vạn năng của tự tánh, không thể sử dụng được.

Nên ông nói “tri vọng là chánh niệm” ấy là sai.

Trên đây nói đến ba thứ: Tự tri, tri tịch và tri vọng. Tự tri là căn bản của vô minh, trong Kinh Lăng Nghiêm “知見立知即無明本 知見無見斯即涅槃-Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến, tư tức Niết Bàn”. Bây giờ tôi dẫn dụ lời Phật để giải thích thêm:

Tri kiến lập tri “知見立知”; hai chữ tri kiến “知見”, Phật gọi là Thế Lưu Bố tưởng; Lưu là lưu hành, Bố là phổ biến. Trong kinh niết bàn, ngài Ca Diếp hỏi Phật: “Tại sao bậc Thánh có điên đảo tưởng mà chẳng có phiền não?”

Phật bảo: “Sao nói bậc Thánh có điên đảo tưởng?”

Ca Diếp nói: “Bậc Thánh thấy con trâu vẫn gọi là trâu, thấy con ngựa cũng gọi là ngựa, ấy chẳng phải là điên đảo tưởng ư!”

Phật bảo: “Tưởng có hai thứ: Một là Thế Lưu Bố tưởng, tức thế gian đã lưu hành phổ biến, hai là Trước tưởng. Phàm phu ở nơi Thế Lưu Bố tưởng sanh ra Trước tưởng, nên mới gọi là điên đảo tưởng, bậc Thánh chỉ có Thế Lưu Bố tưởng, không có Trước tưởng nên chẳng sanh điên đảo tưởng”.

Hai chữ “知見-Tri kiến” là Thế Lưu Bố tưởng, nhưng hễ lập tri tức là Trước tưởng. Lập tri cũng là tự tri, là căn bản vô minh, từ căn bản ấy mới sanh ra Tri Tịch, mặc dù cái Tri ấy chưa phải là Vọng, là yên tịnh, tức cái vọng vi tế. Cho nên, cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng trong nửa đại kiếp không có vọng tưởng, tức tịch tịnh được nửa đại kiếp – Một đại kiếp gồm bốn trung kiếp, một trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp, một tiểu kiếp có mười sáu triệu năm. Nửa đại kiếp tức có bốn mươi tiểu kiếp – Hãy tính thử thời gian đó là bao nhiêu triệu năm? Biết cái tịch tịnh ấy trong một thời gian dài như thế vẫn chưa được ra khỏi luân hồi,  huống là tri vọng! tự tri vẫn còn không được, nói gì tri vọng! Nên biết tri vọng là không đúng.

– Trong Pháp Bảo Đàn Kinh nói về vấn đề “Chánh niệm” rằng “Vô niệm niệm tức chánh”, vô niệm mới là chánh niệm. Lại, ngài Lục Tổ sợ người hiểu lầm hai chữ vô niệm thành niệm đoạn diệt, nên giải thích thêm: “Hễ niệm đoạn diệt tức là chết, phải đầu thai đổi lấy thân khác”, nên vô niệm chẳng phải là niệm đoạn diệt. Ngài lại giải thích: “Lục thức ra cửa lục căn, ở ngoài lục trần, chẳng nhiễm chẳng trước ấy mới là vô niệm” chứ chẳng phải đoạn diệt, đoạn diệt tức là chết. Chẳng sanh ra trước tưởng mới là vô niệm, hễ sanh ra trước tưởng tức có niệm; chẳng sanh ra trước tưởng chứ chẳng phải không có Thế Lưu Bố tưởng. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn không cho giữ “Niệm chánh”, tà chánh đều phải quét, bởi chánh với tà là tương đối. Ở Thiền tông là không cho giữ bất cứ cải gì, luôn cả chánh niệm cũng phải quét.
 
Hỏi: Tri Huyễn Tức Ly như thế nào?

Đáp: Câu sau của “知幻即離-Tri huyễn tức ly” là “不覺方便-Bất tác phương tiện” , tức không cho làm phương tiện. Nay lấy câu “知幻即離-Tri huyễn tức ly” làm phương tiện để buông bỏ Vọng là sai, là không được. Tiếp theo đó là câu “離幻即覺,亦無漸次-Ly huyển tức giác, diệc vô tiệm thứ”. Nay muốn lấy cái tri để trừ bỏ vọng, thì ấy có phải là phương tiện không? Hễ là phương tiện thì chẳng được vậy, là vi phạm lời của Phật, của Kinh rồi! Nên Kinh Viên Giác ở đoạn sau có hai mươi lăm thứ Thiền quán, chỉ là tu Thiền quán, chẳng biết về vọng tưởng mới có thể lìa được, nếu muốn lìa vọng tưởng là không được. Chẳng những cái tri là vọng, vô tri cũng là vọng. Trong Pháp Bảo đàn Kinh, ngài Lục Tổ mắng Thần Hội rằng: “Dẫu cho sau này ra hoằng pháp cũng chỉ là bọn tri giải”, nên vấn đề tri giải ở bên Thiền tông rất kỵ, phải quét sạch.

- Trong quyển hai của Kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng giải thích rất rõ về hai chữ “見見-Kiến Kiến”. Vấn đề này nhiều người cũng giảng sai: Có người cho chữ Kiến trước là năng, Kiến sau là sở, nhưng sự thật thì “見見-Kiến kiến” là Kiến tánh, là cái kiến không có bệnh, nay nếu dùng cái Tri kiến có bệnh để thảo luận vấn đề này thì hết kiếp này qua kiếp khác cũng không giải được.

- Tri kiến của chúng sanh là cái bệnh từ vô thỉ đến nay, do con mắt bệnh mới thấy hoa đốm trên không, cho nên nói “見見之時,見非是見,見猶離見,見不能及-Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập”. Hai chữ “見見-Kiến Kiến” là tự tánh tự hiện, là Kiến tánh, chứ chẳng phải có người dùng cái năng kiến để kiến cái sở kiến.

- Kinh Kim Cang nói: “若以色見我 以音聲求我 是人行邪道 不能見如來-Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất đắc kiến Như Lai”. Chữ tà này chẳng phải nói Tà đạo Tà ma, mà là không đúng với chánh pháp, nên gọi là Tà. Do có Chánh nên có Tà, Chánh còn phải quét, nói chi đến tà! Như ở lập trường của Tổ Sư Thiền thì pháp nào chẳng đúng theo Tông chỉ của Tổ Sư Thiền thì gọi là tà. Cũng như nói đến hai chữ “Ngoại đạo” vốn chẳng phải có ý khinh khi, vì đối với Bổn đạo mà nói, nếu không thuộc phạm vi của Bổn đạo gọi là Ngoại đạo, cũng như chẳng phải Bổn quốc thì gọi là Ngoại quốc. Chư Phật rất sợ chúng sanh chấp vào văn tự lời nói, hễ chấp lời thì nghịch ý.

Hỏi: Tại sao ngài Lục Tổ dạy người dùng ba mươi sáu pháp đối khi có người hỏi pháp?

Đáp: Ấy là thủ thuật của Phật của Tổ để phá chấp chúng sanh, bởi vì “一切惟心造-Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm tạo vốn chẳng có thật, do bệnh của chúng sanh ham chấp thật nên hễ chấp vào cái đen thì Tổ nói là trắng; hễ chấp vào cái trắng thì Tổ nói là đen. Nhưng lúc Tổ nói “Trắng”, ý của Tổ chẳng phải là trắng; lúc Tổ nói “Đen”, ý của Tổ chẳng phải là đen, chỉ là phá cái chấp của chúng sanh, trị bệnh chấp thật của chúng sanh mà thôi. Do bệnh của chúng sanh là bệnh giả, nên thuốc của Tổ cũng là thuốc giả, nếu chấp vào lời Tổ là sai lầm.

Hỏi: Ngài nói đến ba thứ tri vọng, tri tịch và tự tri; tri vọng và tri tịch dễ dẹp, còn tự tri thì đối trị như thế nào?

Đáp: Kinh Lăng Nghiêm nói “知見立知即無明本-Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, cái “Lập tri” ấy tức là Tự tri. Thế gian nói “Tri”, nói “kiến” ấy là thế lưu bố tưởng, Phật cũng nói là tri là kiến, nhưng không có chấp cái tri ấy là thật, nên chẳng có lập tri, nên nói “知見立知即無明本 知見無見斯即涅槃-Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”. Nay do tập khí từ lâu đời, chúng ta việc gì cũng muốn tri, muốn kiến, Phật muốn thuyết pháp độ chúng sinh cũng phải tùy thuận chúng sanh,cũng phải nói tri, nói kiến, nhưng không chấp đó là thật; hễ chấp thật tức tự lập cái tri, là căn bản của vô minh, nếu không kiến lập tức Niết bàn. Trong Kinh Lăng nghiêm nói “Tại sao và khi nào phát sinh cái vô minh?” Ấy là bởi cái giác có minh, chính cái “minh” đó là tri. Từ sở minh lập ra năng minh, do tri đó mới sanh ra tri tịch và tri vọng; từ minh đó sanh ra năng minh sở minh, năng chiếu sở chiếu, hễ năng sở lập thì tánh chiếu bị đánh mất.

Tự tính chẳng phải tri, chẳng phải vô tri, chẳng thể dùng tới của thế gian diễn tả, nhưng vì lời của thế gian nói tri nói kiến là thế lưu bố tưởng, nên Phật phải nói tri nói kiến. Thật ra tự tánh chẳng thể kiến lập cái tri, hễ có kiến lập tức là chúng sanh, tức là bệnh. Nói chữ “vọng” cũng chỉ là thế lưu bố tưởng, nếu chấp thật có vọng thì sanh ra trước tưởng, nếu vọng chẳng phải thật thì buông bỏ cái gì? Có tâm muốn buông bỏ đã là chấp cái vọng là thật rồi! Nên trong Thiền tông, Tổ sư kiến tính cỏ bài kệ rằng:

若人見幻本來真,
是則名為見佛人.

“Nhược nhơn kiến huyễn bổn lai chơn,
Thị tắc danh vi kiến Phật nhơn”.

Ý nói nếu người nào thấy huyễn vốn là chơn thì người ấy tức đã thấy Phật vậy.

Thiền sư Thích Duy Lực
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm sao để giữ giới không sát sanh?

Hỏi - Đáp 17:30 24/04/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử tại gia, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng). Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Cầu nguyện Phật, Bồ tát đúng Chánh pháp

Hỏi - Đáp 16:45 24/04/2024

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy không ít người sau khi cầu nguyện còn dùng tay xoa tượng Phật sau đó xoa lên cơ thể. Là người Phật tử chân chính, tôi rất ưu tư về điều này. Khi tôi hỏi họ làm như thế với mục đích gì thì họ bảo là để chữa bệnh.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Xem thêm