Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 23/01/2014, 09:58 AM

Triết lý đạo đức từ tục lệ "cây nêu ngày Tết"

Trong sự tích "cây nêu ngày Tết" còn chứa đựng một triết lý đạo Phật cao thượng mà đức Phật đã khuyên dạy cho loài người đó là lòng Từ bi, lấy ân trả oán. Hay nói cụ thể hơn là lòng khoan dung, độ lượng.

Nói đến ngày Tết, nhất là thời xa xưa, thì không ai không nhớ đến câu tục ngữ:

“Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau tới Tết dựng Nêu ăn chè”

Trong tâm thức của người dân Việt Nam, cây Nêu là biểu trưng cho sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt chống lại sư một ức phản kháng của cái ác (quỷ dữ). Cây Nêu cũng biểu hiện quyền lực của mỗi gia đình trong làng xã ngày xưa:

Thứ nhất nêu cao,
Thứ nhì pháo kêu.
           
Nếu ai có cây Nêu cao là nhà đó giàu sang quyền quí. Tràng pháo nổ giòn và đều là báo hiệu điềm tốt cho gia chủ trong năm mới.
           
Cho nên từ xa xưa, cứ mỗi độ xuân về, ngoài việc chuẩn bị cỗ bàn, làm bánh chưng, bánh tét, quét dọn nhà cửa, bàn thờ gia tiên sạch sẽ… ông bà chúng ta còn trồng cây nêu trước cổng nhà. Sự kiện này đã truyền đến ngày nay:

“Thịt màu mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. 
 
Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc cây nêu là loại cây gì và hình dạng ra sao? Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5-6 mét. Ở ngọn thường treo nhều thứ như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, dải cờ vải điều màu đỏ. Đôi lúc dân chúng còn treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thàn tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai…

Dân chúng tin rằng, những vật treo ở cây nêu, cộng thêm tiếng động của những khánh đất là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nhà đó đã có chủ, không được tới quấy nhiễu… vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để cho hương hồn tổ tiên, ông bà biết đường mà về nhà đón Tết với con cháu.
           
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày Táo Quân về trời. Người dân quan niệm rằng, chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa là vắng mặt Táo Quân, nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mồng bảy tháng Giêng thì cây nêu mới được hạ xuống.
           
Tục lệ treo cây nêu ngày Tết xa xưa của dân tộc ta được xuất phát từ câu chuyện cổ tích “Cây nêu ngày Tết” rất thâm thúy và mang đậm nét triết lý nhà Phật.
           
Chuyện kể rằng, ngày trước ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của loài quý. Loài người phải ăn nhờ ở đậu trên đất đai của quỷ và hằng năm đều phải nộp thuế cho chúng. Lũ quỷ vô cùng hiểm độc, chúng bày lắm mưu nhiều kế hòng chiếm đoạt công sức lao động của con người.

Số thuế phải nộp ngày càng tăng lên, chúng tác oai tác quái, làm khổ con người. Chúng đã đặt ra những điều lệ hết sức vô lý, chúng dùng bạo lực buộc con người phải tuân thủ điều lệ “ăn ngọn cho gốc”. Tức là chúng lấy phần ngọn còn phần gốc để lại cho người.

Thế là sau vụ lúa năm ấy, mọi người đành chịu đói khổ, ngậm ngùi nhìn lũ qủy đánh chén no nê. Thấy cảnh tượng đói khổ của con người, đức Phật động mối từ tâm, hiện đến giúp người dân thoát khỏi sự hà hiếp của lũ quỷ.

Đức Phật dạy người dân trồng cây khoai lang, đến mùa thu hoạch, cứ theo qui định đã đưa ra, lũ quỷ lấy phần ngọn còn phần gốc là của con người. Thế là người dân được một vụ mùa bội thu, còn lũ quỷ thì ngán ngẩm nhìn đống dây và lá khoai khô heo.
           
Sau đó, chúng lại đổi điều lệ thành “ăn gốc cho ngọn”. Đức Phật lại dạy người dân trồng khoai sang trồng lúa. Cuối mùa, lũ quỷ lại một phen ngậm ngui cay đắng.

Chúng lại đặt ra điều lệ mới là “ăn cả ngọn lẫn gốc”. Chúng tưởng rằng như thế là chúng nắm chắc phần lợi trong tay, nhưng đức Phật đã dạy người dân trồng ngô. Vụ mùa đến, người dân thu hoạch ngô đem về nhà, còn lũ quỷ thì lại bị một vố cay chua, tức tối. Cuối cùng lũ quỷ thu hồi lại tất cả đất đai, chúng không chịu để loài người ăn một mình.
           
Trước tình cảnh đó, đức Phật bảo người dân đến điều đình với quí, cho tậu một miếng đất rộng bằng bóng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là con người sẽ trồng trọt cây tre, trên ngọn tre sẽ treo một chiếc áo cà sa, bóng của nó phủ được bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì số đất đó là đất con người sử dụng.

Ban đầu quỷ không chấp thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy bóng của một chiếc áo cà sa chẳng đáng là bao nên bèn nhận lời. Khi người dân trồng xong cây tre, đức Phật đứng lên ngọn tre và tung chiếc áo cà sa ra, cây tre càng lúc càng cao, áo cà sa càng lúc càng rộng, bóng của chiếc áo phủ đến đâu là lủ quỷ phải rút lui đến đấy. Cuối cùng chiếc áo che phủ tất cả đất đai, lũ quỷ không còn đất đai để ở, phải rút ra biển.
           
Bị mất hết đất đai, quỷ vừa tiếc nuối vừa hậm hục tức giận, chúng triệu tập binh mã vào cướp lại. Nhờ có sự giúp đỡ của đức Phật nên người dân đã đánh bại tất cả những đợt tấn công của lũ quỷ. Lũ quỷ nhận thấy không thể nào đánh thắng loài người, nên đành quỳ xuống van xin đức Phật rủ lòng thương, mỗi năm vào những ngày tết cho chúng được vào đất liền để thăm mồ mà tổ tiên của chúng. Phật thương tình hứa khả. Nhưng để lũ quỷ không vào quấy nhiễu ngươi dân, đức Phật đã dạy người dân trồng cây nêu vào ngày tết để xua đuổi chúng.
           
Câu chuyện cổ tích ấy nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng mang ý nghĩa rất thâm thúy. Với y nghĩa thế gian, hình ảnh cây Nêu được làm bằng tre là biểu trưng cho tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Tre có thể uống cong trước gió, dù phong ba bão táp thôi đến, tre cũng uốn theo chiều gió mà không bị gió làm bật gốc rễ. Cây tre cũng có thể chẻ mỏng  để buộc các vật dụng, đồng thời có thể dùng để khiêng, để chống đỡ nhà cửa.

Do vậy, tre biểu hiện cho tính kiên cường, bất khuất, cần cù, kham nhẫn và biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau của người dân Việt Nam, để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Cùng tự nhắc nhở nhau phải luôn cố gắng hơn nữa trong hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đời người.
           
Hơn nữa, sự kiện treo lồng vào buổi tối trên cây Nêu với ý nghĩa là để soi đường cho hương linh ông bà, tổ tiên thấy đường về nhà đón tết cùng với con cháu.

Đây quả là một việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, lòng biết ơn sâu sắc đối với ông bà, cha mẹ, lòng biết ơn sâu sắc đối với những đấng sinh thành. Đây cũng là một phương cách để giáo dục con cháu trong gia đình luôn biết nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà mà ống đúng với trách nhiệm, bổn phận con cháu.
           
Ngày nay, dù sự kiện treo đèn lồng không còn, nhưng người Việt ta còn duy trì tục lệ Chạp mả. Tất cả mồ mả của dòng họ đều được làm cỏ sạch sẽ vào tháng Chạp, để sửa soạn mời gia tiên về ăn Tế với con cháu. Trong ngày đó, con cháu dù ở xa cũng tập trung về để lo chạp má và cúng tổ tiên:

Đi đau mặc kệ đi đâu
Đến ngày giỗ chạp phải mau mà về.
           
Con cháu về cúng giỗ, lễ lạy bàn thờ gia tiên, thật là một điều hệ trọng trong truyên fthoonsg hiếu đạo của người dân Việt. Đến ngày Tết, con cháu cũng tìm cách về nhà để ăn Tết, mừng tuổi ông bà cha mẹ. Nếu người đã lập gia dình ra ở riêng cũng đem con cái về thăm  và chúc Tết cha mẹ mình.
           
Song song đó, với sự tích cây Nêu ngày tết cho chúng ta thấy được tính nhập thế tích cực, cứu khổ độ sanh của đạo Phật. Dù bất cứ thời đại nào, xã hội nào hay hoàn cảnh nào thì đạo Phật vẫn luôn  luôn gần gũi và đồng hành cùng với dân tộc. Đặc biệt là luôn đi sâu vào đời sống thường nhật của con người để thấu hiểu và sẽ chia những khổ đau cũng như hạnh phúc của muôn người. Đó là hình ảnh đức Phật tiếp xúc và chỉ dạy cho dân chúng cách đối trị với bọn quỷ, để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
           
Tinh thần nhập thế tích cực đó của đạo Phật, đến hôm nay vẫn còn thể hiện một cách sinh động và thiết thực. Những ai đến với đạo Phật đều có thể tìm thấy cho mình một cuộc sống an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại và luôn hướng con người làm điều lành, lợi ích cho muôn loài.

Cao quý hơn là hình ảnh đức Phật xuất hiện gần gũi với con người, không những chỉ dạy đạo lý làm người mà còn chỉ dạy cho dân cả những phương pháp làm kinh tế, trồng trọt để phát huy đời sống thường nhật.
           
Quả thật, bàng bạc trong các kinh điển, đức Phật đã đề cập rất nhiều về cách thức xây dựng đời sống vật chất ổn định, chỉ dạy cho dân chúng con đường làm kinh thế phát triển: “này gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?

Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; vị ấy:

1. Tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc;

2. Làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc;

3. Các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự không xứng đáng được chận đứng, và nó giữ tài sản được an toàn cho nó;

4. Làm năm hiến cúng: Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên, và

5. Đối với các Sa môn, Bà la môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng tự mình, đối với những Sa môn, Bà la môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tồi thượng, đưa đến cảnh giới chư thiên, được quả dị thục, đưa lên cõi trời. Đây là lý do thứu năm để gây dựng tài sản”. (Kinh bộ tăng chi II, Thích Minh Châu dịch, 1988, tr 49-51).
           
Có lẽ ông cha ta đã học được trong kinh điển về lời Phật dạy qua cách làm kinh tế, nên mới xây dựng được cốt truyện cổ tích thật phù hợp với tinh thần Phật giáo. Hôm nay, nếu chúng ta chịu học theo những lời Phật dạy thì cũng có thể tạo dựng cho mình đời sống kinh tế phát triển tốt đẹp.
           
Trong sự tích "cây nêu ngày Tết" còn chứa đựng một triết lý đạo Phật cao thượng mà đức Phật đã khuyên dạy cho loài người đó là lòng Từ bi, lấy ân trả oán. Hay nói cụ thể hơn là lòng khoan dung, độ lượng. Một khi đối phương đã thất bại, biết đầu hàng thì hãy mở cho họ một con đường sống, hãy khoan thứ cho họ và đừng dồn học vào bước đường cùng. Có như thế thì cuộc sống mới không có ân oán chồng chất, mà muôn người luôn biết yêu thương, tha thứ mọi lỗi lầm cho nhau.
           
Ngày nay, dẫu tục trồng cây Nêu trong ngày Tết đã không còn trong mỗi dịp xuân về và hầu như không còn thấy bóng dáng của một cây Nêu ngày Tết nào cả. Nhưng giá trị đạo đức trong tích truyện vẫn còn mang ý nghĩa hết sức cao đẹp vaf đầy tính thuyết phục.

Đây quả thật là một nét đẹp tính thần cao quí, mang tính triết lý sâu sắc trong nền văn hóa của dân tộc, là bài học có giá trị muôn đời cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tác giả: TT.Thích Minh Thiện
Nguồn: http:/tinhxalocuyen.net/vanhoaphatgiao/77445A.aspx
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm