Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 08/11/2014, 10:17 AM

Truyền kỳ những pho tượng Phật lồi (6)

Trên bán đảo Phương Mai (TP.Quy Nhơn, Bình Định), có nhiều pho tượng được người dân địa phương gọi là Phật lồi và lưu truyền nhiều câu chuyện về sự linh thiêng.

Vị Bồ tát bảo hộ làng chài

Ngoài tượng Phật lồi ở thôn Hải Giang (đã đề cập ở bài 1), xã Nhơn Hải còn có pho tượng khác được gọi là tượng Phật Bà lồi ở chùa Hương Mai (thôn Hải Nam). Dân chài xã Nhơn Hải xem đây là vị Bồ tát phù hộ cho nghề nghiệp của mình.

Theo ông Võ Văn Duẩn (60 tuổi, ở thôn Hải Nam), khoảng 100 năm trước, một ngư dân thôn Hải Nam kéo lưới tại vùng biển gần đảo Hòn Khô (thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải) thì lưới bị vướng không kéo lên được. Nhiều bạn chài khác tập trung lại, cùng nhau kéo lưới lên thì thấy một khối đá có dạng người ngồi xếp bằng, chỉ có đầu và thân, phần mặt và tay chân chưa rõ nét. Mọi người cùng nhau thỉnh khối đá về làng, lập chùa Hương Mai để thờ và bàn nhau thuê thợ đắp thêm xi măng cho tượng, tạo dáng một vị Phật. Dân làng lần lượt tạo tượng theo dáng của Phật A di đà rồi Phật Thích Ca nhưng xi măng đắp lên tảng đá ấy cứ trôi tuột đi. Cuối cùng, khi đắp tượng theo dáng của Bồ tát Quán Thế Âm thì mới thành công.
Chùa Phước Sa - Ảnh: Hoàng Trọng 
Đại đức Thích Quảng Thức, trụ trì chùa Hương Mai, kể: “Sau khi thờ cúng tượng Bồ tát, dân Nhơn Hải làm biển được mùa nên tiếng lành đồn khắp nơi. Dân ở một đảo xa cũng thuộc TP.Quy Nhơn tổ chức trộm tượng Bồ tát ở Nhơn Hải về thờ tại làng mình. Từ đó, làng chài kia làm biển trúng mùa còn làng chài Nhơn Hải lại liên tiếp thất bát. Sau khi biết được tượng Bồ tát ở làng mình bị đánh cắp, dân Nhơn Hải kiện lên quan phủ. Quan phủ buộc dân đảo kia phải trả tượng và dân Nhơn Hải lại làm ăn khấm khá”.

Theo tài liệu của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định thì chùa Hương Mai được xây dựng vào năm 1920 và tổ khai sơn là hòa thượng Thích Tâm Hoàn (1924 - 1981). Tuy nhiên, đại đức Thích Quảng Thức cho biết có nhiều ý kiến khẳng định chùa Hương Mai được xây dựng từ thế kỷ 18, hòa thượng Thích Tâm Hoàn là trụ trì đầu tiên chứ không phải là người khai sơn chùa này.

Tượng Phật cổ 2 lần bị trộm

Chùa Phước Sa (ở thôn Lý Chánh, xã bán đảo Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn) cũng có pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đồng rất quý. Theo cụ Võ Thùy (88 tuổi, ở thôn Lý Chánh), tượng Bồ tát này được ông Võ Bích (đã mất) phát hiện vào năm 1919. Năm đó, làng Xương Lý (nay thuộc xã Nhơn Lý) mất mùa, ai cũng đói khổ. Một đêm tháng chạp, ông Bích đi bắt còng ở triền đốc Cát Trắng (nay là Xóm Mới, thôn Lý Hòa) bỗng thấy hào quang lấp lánh dưới ánh trăng. Tiến lại gần, ông Bích phát hiện đầu người nên hoảng sợ chạy về nhà.

Đến nhà, ông Bích lại đau bụng dữ dội, kêu la hàng xóm. Sau khi nghe ông Bích kể lại, người làng rủ nhau đến nơi xảy ra sự việc để xem. Ông Bích ngồi dậy dẫn đường cho mọi người thì bỗng dưng hết đau bụng. Đến nơi, mọi người thấy tượng Bồ tát Quán Thế Âm lồi hẳn lên khỏi mặt cát. Dân làng tiếp tục đào bới xung quanh phát hiện thêm 2 tượng di lặc bằng sành nhưng một tượng đã bị vỡ do lưỡi cuốc đụng nhầm.

Đầu tiên, các pho tượng được đem về thờ trong một miếu cổ. Năm sau, dân làng Xương Lý che một cái am bằng tranh trên núi Cấm để thờ tượng Bồ tát. Từ đó, dân vạn chài Xương Lý ăn nên làm ra, tiếng tăm về sự linh thiêng của Bồ tát đồn đi khắp nơi và bọn trộm cắp cũng tìm đến. Một đêm tháng 4.1921, tượng Phật bị trộm nhưng không ai biết. Sáng hôm sau, dân làng tổ chức lợp lại mái đình làng Xương Lý giữa chừng thì hết lạt nên mọi người rủ nhau đón tre để chẻ. Đang lúc đón tre thì bất ngờ cái rựa trong tay ông Hương kiểm bay vào trong một lùm cây. Ông Hương kiểm đi xuống tìm thì phát hiện một cái bao, mở ra xem thì thấy tượng Bồ tát của làng.

Sau lần đó, vì sợ bọn trộm nên dân làng rước Bồ tát về thờ tại chùa Thánh ở mặt biển Vũng Nồm để có người trông coi. Năm 1922, làng Xương Lý dựng chùa Phước Sa sau lưng chùa Thánh để thờ Bồ tát. Đến tháng 9.1978, trộm lại viếng chùa Phước Sa, lấy đi tượng Bồ tát Quán Thế Âm lần nữa. Làng Xương Lý nghe tin mất tượng, ai cũng lo sợ điềm xấu, lan truyền những điều không may… “Vài ngày sau, chùa Thiên Long (H.Tuy Phước, Bình Định) phát hiện tượng Bồ tát trong một bụi trúc gần chùa nên báo tin cho làng Xương Lý thỉnh về. Sau khi bị bắt, bọn trộm (gồm 1 người trong làng và 2 người ở nơi khác) khai rằng chúng gặp rất nhiều chuyện kỳ lạ khi thay phiên nhau vác tượng Bồ tát chạy nên đành phải giấu lại gần chùa Thiên Long”, cụ Thùy kể.

Chùa Phước Sa còn có tượng Chuẩn Đề lồi lên từ lòng đất, gần nơi Bồ tát Quán Thế Âm lồi lên, được một người dân tìm thấy vào năm 1945. Tượng bằng đồng, cao khoảng 0,2 m, có 8 tay, mỗi tay một tư thế. Theo TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, đây là tượng Avalokitesvara, một vị bồ tát của phái đại thừa, có niên đại thế kỷ 9-10.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (nguyên quán ở xã Nhơn Lý), ngày xưa, khu vực Vũng Nồm (chỗ chùa Phước Sa bây giờ) có ngôi chùa cổ do người Chămpa để lại rất linh thiêng. Tất cả tàu bè qua lại đầm Nha Phiên để vào cửa Thử (nay thuộc xã Cát Tiến, H.Phù Cát, Bình Định), khu buôn bán sầm uất từ thời Tây Sơn trở về trước, đều phải ghé lại chùa này dâng hương, cầu cúng. “Tượng Bồ tát và tượng Chuẩn Đề ở chùa Phước Sa có thể là tượng của người Chămpa để lại, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử nên cần được nghiên cứu kỹ hơn”, cụ Liễn nói.

Trong sách Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định, tác giả Đặng Quý Địch khẳng định trụ trì đầu tiên của chùa Phước Sa là hòa thượng Thiện Giai, tên thật là Võ Ngọc Hồ (1889-1968), thân sinh của nhà nghiên cứu văn học và nghệ thuật tuồng Vũ Ngọc Liễn (vốn họ Võ) và nhà thơ Võ Ngọc An.

Hoàng Trọng
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131031/nhung-di-tich-ky-bi-ky-10-truyen-ky-nhung-pho-tuong-phat-loi.aspx

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm