Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 31/07/2017, 07:08 AM

TT.Thích Chân Quang giảng về Thập hạnh Phổ Hiền

Sáng ngày 16/07/2017 (23/06/Đinh Dậu), TT.Thích Chân Quang đã thuyết giảng tiếp về đề tài “THẬP HẠNH PHỔ HIỀN”, với sự tham dự của gần 1000 thiền sinh tham gia khóa tu Thiền tại chùa Từ Tân, Q.Tân Bình, Tp.HCM và khoảng 1000 phật tử từ các tỉnh thành tham dự. Đây là công hạnh Bồ tát quan trọng nên Thượng tọa rất tâm huyết, giảng giải kỹ lưỡng để các phật tử nắm rõ, hiểu sâu và thực hành được. Từ đó, giúp mọi người gìn giữ đạo tâm, ngày càng vững tin nơi con đường tu tập giải thoát của Phật giáo.

Lần trước, Thượng tọa đã giới thiệu về hạnh “Nhất giả lễ kính chư Phật”. Hôm nay, Thượng tọa giảng tiếp công hạnh thứ 2 là “Nhị giả xưng tán Như Lai”, tức là tán thán ca ngợi đức Phật. Những điều tinh tế này đã được nói cách đây mấy ngàn năm khiến ta rất ngạc nhiên. Theo Thượng tọa, ca ngợi chư Phật là một công hạnh rất lớn mà một vị Bồ tát phải thực hiện để đủ công đức mà sau này thành tựu Phật quả.

Ta thấy, trên đời đa phần chúng sinh lúc nào cũng cho mình giỏi, chỉ cần nghe điều gì không vừa ý là chê trách, chửi mắng, bác bỏ ý kiến của người khác hơn là khen ngợi. Đây là tâm lý rất phàm phu. Khi chúng ta công nhận hay phản đối một điều gì đó, phải chứng minh quan điểm của mình là đúng, chứ đừng nói theo cảm tính. Không có chuyện tôi thấy đúng là đúng, tôi thấy sai là sai bởi nó phi khoa học, kém văn hóa.

Thường tâm lý chung của phàm phu là thích chê hơn khen. Mỗi người hãy nhìn lại mình xem trong cuộc sống này mình dễ mở lời khen hay dễ chê bai hơn, từ đó mà đánh giá được đạo đức của mình đã đến đâu.

Chính vì vậy mà sẽ có lúc họ làm được những công đức lớn để mọi người phải khen ngợi trở lại. Còn người kém đạo đức thì hễ mở miệng là chê bai, đâu biết rằng đó là cái nhân chuẩn bị cho sau này chính họ sẽ làm chuyện tội lỗi tày trời để người đời nguyền rủa trở lại. Vì thế, đánh giá cái khen - chê thôi là biết đạo đức mình đến đâu.

Thêm nữa, khen - chê cũng là thước đo đạo hạnh, đạo lực của người tu. Thượng tọa hay chê bai thì đạo lực, đạo hạnh sẽ mất dần. Thượng tọa biết tu sẽ hay khen ngợi người khác. Ngay cả khi thấy người xấu cũng không nỡ mở miệng chê là đã rất thuần đến bờ mé của Thánh rồi. Hãy nhớ rằng nếu thấy kẻ khác sai mà ta còn chê thì ta vẫn còn là phàm phu, tuy là con người nhưng là một con người hết sức tầm thường, kém đạo đức. Còn nếu kẻ khác chưa sai mà ta đã gán tội để chê thì ta rất dễ đọa làm thú, bởi đó là đạo đức của thú. Nói nghe hơi nặng nhưng nhân quả là như vậy.

Còn bậc Thánh, các Ngài khi thấy cái sai của người khác là động lòng thương xót ngay, bởi các vị biết cái quả báo sẽ đến phía sau lầm lỗi đó. Các vị luôn thầm cầu mong cho người khác vượt qua lầm lỗi mà thôi. Đó là cái tâm của Thánh. 

Lại nữa, bậc Thánh khi thấy cái hay của ai thì “mừng như bắt được vàng” và tìm cách nói rộng ra cho nhiều người biết để mọi người cùng tán thán. Chúng ta hãy nhìn lại mình xem có tâm lý đó chưa, đó là cái tâm của Thánh, là tâm của Chư thiên cõi trời. Còn nếu trước cái hay của kẻ khác, nếu ta không nhìn ra hoặc có biết nhưng không quan tâm, không cảm xúc, không hoan hỉ vui mừng thì ta thuộc đẳng cấp rất thấp kém trong bầu trời này. 

Ví dụ: Có một người cầm cái túi lớn cúi xuống nhặt rác bên đường, họ tình nguyện làm trong lặng lẽ, nếu ta tình cờ đi ngang qua thấy cảnh đó mà không nghĩ gì thì ta thuộc đẳng cấp tầm thường, thấp kém. Còn nếu trong vài giây lướt ngang qua đó lòng ta đã có cảm xúc, loáng thoáng có sự khen ngợi tán thán thầm thầm, dù chưa kịp nói ra thì đạo đức ta thuộc đẳng cấp cao, vào những đời sau rất dễ sinh ra làm người sang quý hoặc sinh luôn lên cõi trời. Đạo đức ta thuộc loại đẳng cấp cao chỉ như vậy.

Ở đây, ta đánh giá nơi cõi lòng mình, khi thấy cái sai của người khác ta nghĩ gì? Thấy người sai, nếu ta động lòng thương xót thì ta thuộc một đẳng cấp cao nơi vũ trụ này, còn như ta mừng vui rồi đi kể khắp nơi cho mọi người biết, giống như ta là trung tâm thông tin của thế giới thì quả báo sau này là đọa làm thú không sai. Còn nếu họ chưa sai mà ta đã chê thì chắc chắn ta phải đọa làm chó. Hoặc nơi cái hay của người, nếu ta mừng như bắt được vàng thì ta thuộc đẳng cấp cao trong bầu trời này, còn nếu lòng mình lạnh băng không quan tâm đến thì ta đang lơ lửng giữa cõi người và cõi thú, chưa chắc sẽ đi về đâu. 

Đạo đức càng kém thì ta càng khó nhìn ra, khó tán thán cái hay của người. Chỉ khi nào đạo đức đã rất cao thì người ta mới nhạy cảm trước cái hay của kẻ khác, vui mừng nhận ra ngay. Còn những bậc Bồ tát, vì đạo đức của các Ngài là sâu thẳm phi thường, nên các Ngài luôn thấy rõ sự cao siêu vĩ đại của Phật, mà khi thấy rồi thì cảm xúc các Ngài là vô tận (mặc dù cảm xúc đó rất trầm lắng sâu xa, khác hẳn với cảm xúc rộn rã xao động của chúng sinh). Và khi cảm xúc quá nhiều, quá dâng trào rồi thì như thế nào? Buộc phải vỡ òa thành lời nói. Trên thế gian này cũng vậy, khi quá quý mến, yêu thương nhau người ta đều tìm cách diễn đạt ra thành lời, nếu cứ giữ lại trong lòng mình thì sẽ phát uất thành bệnh ngay.

Cũng thế, khi một vị Bồ tát tôn kính Phật đến vô lượng vô biên thì các Ngài luôn phải nói ra thành những lời ca tụng. Đó là nguyên tắc, nguyên lý. Thật ra hàng ngày chúng ta cũng có xướng lên những lời ca ngợi Phật qua các bài kinh tụng, Tuy nhiên lòng ta có cảm xúc không? Không có, hoặc rất ít. Có những bài tán thán Phật được vị Tổ nào đó soạn ra, ví dụ “đấng Pháp vương vô thượng, ba cõi chẳng ai bằng, Thầy dạy khắp trời người, Cha lành chung bốn loại”, thì đều là những lời ca ngợi Phật cả. 

Khi viết vị ấy tràn đầy cảm xúc và muốn truyền cảm xúc này lại cho bao nhiêu thế hệ sau, nhưng đến khi ta tụng lại thì ta đọc một cách máy móc, lòng thờ ơ lạnh lẽo. Đây cũng là cái khác nhau rất lớn giữa Bồ tát và người phàm phu. Còn người nào hiểu được đức Phật, rồi khi tụng đến những lời: “Đấng pháp vương vô thượng, ba cõi chẳng ai bằng, thầy dạy khắp trời người, cha lành chung bốn loại…” mà lòng xúc động ngập tràn thì người này đang thực hiện lời dạy của Bồ tát Phổ Hiền là “Nhị giả xưng tán Như Lai”.

Mà khi ta xưng tán Phật với lòng tôn kính thiết tha thì ta có phước. Dịp này, Thượng tọa giải thích về nhân quả của lời khen. Theo nhân quả, nếu thấy ai hay rồi ta ngưỡng mộ, nể phục, ta đến gặp trực tiếp người đó để khen thì mới chỉ được 1/3 cái phước. Còn nếu ta khen rộng rãi ra cho nhiều người khác nghe thì ta được nốt 2/3 số phước còn lại. 

Cũng vậy, với đức Phật, nếu lòng ta tôn kính Thượng tọa và ta bày tỏ sự tôn kính ra bằng hình thức lễ lạy hay những lời kinh tụng thì đều có phước, đó là nguyên tắc. Nhưng nếu ta mang lời xưng tán khen ngợi Phật nói rộng ra cho chúng sinh nghe nữa thì mới được phước gấp đôi. Vì sao vậy, vì ta làm chúng sinh khởi được “đạo tâm”. Do đó, tâm tôn kính bậc Thánh quý hơn vàng bạc, kim cương. Khi tâm ta được nuôi dưỡng, được ấp ủ bởi lòng tôn kính một bậc Thánh nào đó thì ta có tất cả, ta có tương lai, có lý tưởng, có hoài bão, có hướng đi, có động lực của sự tu hành, có rèn luyện, có phấn đấu.

Hãy nhớ rằng chúng ta không có đạo tâm, không có lý tưởng sống, không có mục tiêu đi đến sự giác ngộ cao thượng chỉ bởi vì ta thiếu lòng tôn kính một đức Phật, chỉ vậy thôi; còn người khởi được tâm tôn kính đức Phật thì người đó có đạo tâm, có lý tưởng để tu hành. Trong cuộc sống này, nếu ta không có ai để ngưỡng mộ, thần tượng thì cũng mất luôn lý tưởng sống, mất luôn động lực học tập. Nhiều khi sống trong môi trường thực dụng, ai cũng như ai, không cần thần tượng nên tâm lý tôn kính bị diệt mất, khiến tâm ta không còn gì cao quý mà trở nên nghèo nàn, thiếu sức sống, thiếu lý tưởng để phấn đấu. Đó là cái dở của lối sống phương Tây.

Nhìn lại, cái gì gọi là giữ bản sắc văn hóa dân tộc? Chính là phải giữ cho trẻ một lòng kính ngưỡng ai đó. Thứ nhất, đối với cha mẹ, con cái phải hiếu kính. Để sinh ra và nuôi nấng ta nên người, cha mẹ đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Không chỉ là tình yêu, chúng ta còn là niềm hy vọng của cha mẹ. Cha mẹ ta chưa phải là Thánh nên đôi khi có những sai lầm. Nhưng bổn phận làm con, ta vẫn phải hiếu kính, yêu thương hết mực với bậc sinh thành.

Rồi đối với thầy cô dạy học dù chỉ là một nghề để kiếm sống nhưng họ cũng truyền cho ta bao nhiêu kiến thức quý giá. Thế nên, ta cũng phải quý trọng, đó là đạo lý nên xã hội phải giữ được điều này.

Tiếp nữa là những người lãnh đạo đất nước, ta nói không ít người tham nhũng nhưng ở vị trí cao rồi, buộc họ phải có trách nhiệm phải lo cho cái huyện, cái tỉnh, cái quốc gia mà họ lãnh đạo. Cơ chế vận hành như vậy, họ không làm khác được. Chính cái tâm lo cho đất nước, lo cho nhân dân nên họ là những người rất vĩ đại. Là người dân, bổn phận của ta phải kính trọng những bậc lãnh đạo.

Tiếc là trong thời đại hôm nay người ta ra rả nói về dân chủ, dân quyền, kêu gọi sự bình đẳng… mà vô tình diệt mất cái tâm kính trọng của con người với nhau. Ngày càng có nhiều người trầm cảm, chán nản rồi tự tử vì không có mục đích sống nữa, mà tại sao đến nông nỗi như vậy, chỉ bởi vì họ không có ai để ngưỡng mộ kính trọng. Nên khi có người để ta thương yêu kính trọng thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao cho đời ta. Vì vậy, những ai ca ngợi Phật để cho chúng sinh nghe, làm chúng sinh cũng khởi lên niềm tôn kính Phật thì cái phước thật là viên mãn. Nếu họ hiểu, họ thầm khởi lên được lòng tôn kính Phật giống như ta là ta đã cho họ vàng ngọc ở trong tâm. Vàng đó là vàng bất diệt, vô giá.

Ta đem vàng bạc, vật chất cho người khác là đã được cái phước sau này giàu sang, nhưng vàng đó được gọi là vàng giả dù là SJC đàng hoàng. Còn cái vàng ta cho họ từ lời thán tán Phật, làm họ khởi lên tâm tôn kính Phật mới là vàng bền vững muôn đời, mở cho họ cuộc sống mới, vạch cho họ đường đi mới. 

Trên đây là 3 hạng người ta bắt buộc phải kính trọng. Ngoài ra, trong cuộc sống này còn vô số người mà ta phải khởi tâm kính trọng. Đó là những người đã dành cả cuộc đời tu hành theo lời Phật dạy, rồi lấy kinh nghiệm đó để giáo hóa chúng sinh; đó là những người bạn bè tốt; đó là những vĩ nhân, những doanh nhân, những người cống hiến, đóng góp cho cuộc sống này. Thậm chí là cả những người nông dân chân lấm tay bùn, cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng nhưng vẫn tình nguyện hiến đất để xây trường học, v.v… Những người như vậy, ta tuyệt đối phải nể phục, kính trọng.

Chúng ta cũng lưu ý rằng khi tán thán Phật hãy chọn những bài kinh mà mình hiểu ý nghĩa và có cảm xúc, đừng tụng một cách máy móc. Vì khi ta tán thán Phật cho Phật nghe thì chỉ được 1/3 công đức, mà nếu chỉ khen ngoài miệng còn trong tâm lạnh lẽo thờ ơ, không có trái tim bùng cháy thì không được bao nhiêu công đức, có thể rất vụn vặt. Chỉ khi nào ta tụng những lời tán thán Phật, chẳng hạn “Phật ngồi không nói lặng yên/ Mà như rụng động ba nghìn thế gian” ta hiểu và tụng lại bằng tất cả niềm thương kính của mình thì ta mới được đầy đủ 1/3 công đức. Còn nếu ta ca ngợi Phật cho người khác nghe nữa thì ta thành tựu được 2/3 công đức còn lại, vì đã làm cho niềm tôn kính Phật được lan ra trên cuộc đời này. 

Như vậy công hạnh tôn kính Phật phải gồm ba điều:

- Thứ nhất là tràn đầy cảm xúc yêu kính đối với đức Phật
- Thứ hai là ca ngợi Phật cho Phật nghe
- Thứ ba là ca ngợi Phật cho chúng sinh nghe. 

Đặc biệt, Bồ tát Phổ Hiền có nói đối với vô lượng thế giới, vô lượng cõi Phật. Ngài đã đi qua vô lượng thế giới đó mà dùng tất cả các phương tiện. Không làm được như Ngài nhưng ta cũng thực hành hạnh “xưng tán Như Lai”. 

Chúng ta xưng tán Phật bằng cách nào? Đây là kỹ năng mà người phật tử phải rèn luyện. Mỗi người phải tìm hiểu kỹ về cuộc đời đức Phật (có thể qua bộ truyện tranh Đỉnh Núi Tuyết) và thuộc nhiều lời dạy của đức Phật rồi kể lại cho chúng sinh nghe. Cuộc đời đức Phật có vô số điều hay, cực kì lý thú, mỗi lần chỉ kể một chút thôi, nhưng gieo vào lòng người khác cái ấn tượng, làm họ bắt đầu tò mò, quan tâm về đức Phật thì ta cũng có phước.

Chúng ta lưu ý rằng hãy kể lại lời Phật dạy bằng ngôn ngữ của thời đại hôm nay, đừng lặp lại những cổ ngữ trong kinh điển vì sẽ làm người khác khó hiểu. Và quan trọng nhất là chúng ta buộc phải có sự thực hành trước, khi đó lời nói của ta mới đầy sức thuyết phục, có lửa trong đó. Còn nếu ta nói một cách máy móc mà không qua sự thực hành thì không làm lay động lòng người, không làm mọi người xúc động được. Ví dụ đức Phật có câu nói nổi tiếng “không có giai cấp khi máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn”, câu nói đó ta thuật lại nghe rất hay nhưng để giảng cho hết ý, cho cảm động thì không phải ai cũng làm được. 

Máu tượng trưng cho sự sống, như vậy sự sống ai cũng đáng quý như nhau, không hơn không thua. Nước mắt tượng trưng cho sự đau khổ, trên đời này ai cũng khổ, dù người giàu, người nghèo, người đẹp, người xấu… Khi chiêm nghiệm cho thấm thía điều đó rồi ta thấy yêu quý cuộc sống mọi loài, ta không nỡ nói nặng, xúc phạm ai, ta trân trọng từng nỗi khổ từng giọt nước mắt của chúng sinh. Ai hiểu, thực hành được như vậy thì khi mình lặp lại câu nói “Không có giai cấp khi máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn”, tim người nghe bỗng dưng rung động ngay, mặc dù chưa cần được giải thích. 

Vì sao vậy, vì người nói đã nói câu đó bằng cả cuộc đời, bằng mồ hôi nước mắt, bằng lòng thương yêu chúng sinh trong bao nhiêu năm tháng. Cái tác động vào tâm hồn người nghe khác hẳn với một người thuộc rồi nói lại mà chưa thực hành, chưa bao giờ yêu thương ai. Vậy để khen ngợi Phật cho chúng sinh nghe có dễ không? Không dễ chút nào, buộc ta phải hiểu sâu về cuộc đời đức Phật, hiểu sâu lời dạy của Phật và đặc biệt phải có sự thực hành rất vất vả. Như vậy mới lay động được trái tim người nghe. 

Nói về giá trị của cái “phước”, Thượng tọa đưa ra hai hình ảnh, đó là hai người cùng tu 10 năm, một người ở ẩn hẳn nơi sơn thủy tận cùng; một người chỉ tu 5 năm, còn dành 5 năm để đi ca ngợi Phật. Sau 10 năm, người đi ca ngợi Phật chắc chắn dễ chứng đạo hơn người chỉ ngồi tu vì có phước lớn là gieo rắc được lòng tôn kính Phật vào cho chúng sinh. Thượng tọa ngồi tu lặng lẽ, thấy đúng là siêng tu, coi vậy chứ không nhiều phước nên không có biến chuyển, không có nhiệm màu và sức đẩy trong tâm. Cái phước quan trọng là vậy nên Bồ tát Phổ Hiền mới dạy ta ‘Nhị giả xưng tán Như Lai”

Lại nữa, khi ta ca ngợi đức Phật thì ngoài những người đang trực tiếp lắng nghe còn có Chư thiên và các vong linh cũng tìm đến nghe. Chư thiên ở trên trời hễ nghe ở đâu có Pháp hội hoặc nghe ở đâu kể chuyện về đức Phật một cách lý thú thì các Ngài tìm đến nghe ngay, vì các Ngài rất thích có cảm xúc tôn kính đức Phật, thích được chứng kiến lòng tôn kính nơi tâm hồn người khác. Đó là điều làm các Ngài vui mừng tán thán. 

Thật ra, Chư thiên nghe vì đạo đức các Ngài như vậy, còn vong linh nghe để họ khởi lên lòng tôn kính Phật, thoát được kiếp vất vưởng của ngã quỷ, sớm được đầu thai. Nên khi tán thán đức Phật cho chúng sinh nghe, ta nhớ cái lợi là không thể tưởng tượng. Do đó, mỗi người chúng ta cố gắng là sứ giả của Như Lai, kể về cuộc đời, lời dạy của Phật một cách lý thú, hấp dẫn để lan tràn lòng tôn kính Phật khắp nơi trong cuộc đời này, để mang lại lợi ích cho cả Chư thiên, con người và ngã quỷ.

Nên có những bài kinh tụng nhắc nhở về lòng tôn kính Phật, ví dụ như bài lời khấn nguyện, khi ta mở lên tụng theo thì căn nhà mình tự nhiên bình yên, hạnh phúc vì Chư thiên đã đến lắng nghe cùng mình rồi, mà khi đã đến thì các Ngài bảo vệ căn nhà đó. Do đó khi mở bài Lời khấn nguyện để đọc, tụng theo rồi, chúng ta phải giữ cho nhà sạch sẽ, ngăn nắp từ nhà vệ sinh, nhà bếp, phòng ngủ… đừng để nơi nào bẩn thỉu, vì thường có Chư thiên tìm đến nghe.

Tại sao có người có phước làm giảng sư? Tại vì trước đây người đó thường mở miệng ca ngợi Phật. Qua nhiều kiếp, họ có cơ hội thành giảng sư. Để ca ngợi Phật, chúng ta tranh thủ hết mọi phương tiện: phim, kịch, tranh ảnh, thơ ca, mạng xã hội, báo chí,… phương tiện nào có thể tận dụng được thì ta tận dụng nhưng phải khéo vì thuốc bổ quá nhiều thành thuốc độc. Nhớ là liều lượng vừa đủ để chúng sinh khao khát, đừng quá nhiều dẫn đến nhàm chán.

Để khởi tâm tôn kính người ta phải tốn nhiều năng lượng. Đó là lý do mà tinh thần người nào rất mạnh mới khởi tâm tôn kính Phật được. Thượng tọa nào trí tuệ ít, tinh thần yếu thì không bao giờ làm được. Cho nên, khi ta tôn kính Phật thì nhớ tinh thần ta tăng lên một bậc rồi. Hiểu tâm lý này, ta khơi dậy tâm tôn kính Phật cho chúng sinh. Nếu tinh thần và trí tuệ của họ thấp quá thì đứng nói dồn dập rằng anh phải tôn kính Phật tuyệt đối.

Thượng tọa giải thích, nói vậy không khác gì tra tấn, làm họ mệt. Ta chỉ nói chút xíu để họ quan tâm nhè nhẹ, khởi lên từ từ. Mới đầu họ có chút phước, sau sẽ nhiều lên. Còn khi khởi tâm mạnh rồi thì tinh thần, đạo lực của họ tăng lên. Lúc đó, họ mới khởi được tâm thiết tha tôn kính Phật.

Ta nhớ rằng tôn kính Phật tuyệt đối hay tha thiết tôn kính Phật không phải ai cũng làm được. Chỉ những người có thiện căn, có công đức tu hành, khi nghe câu tôn kính Phật tuyệt đối mới vui mừng, vỡ òa được tâm họ. Nghe xong mà khởi được tâm đó liền thì người đó tu được nhiều kiếp. Còn bình thường, nghe câu tôn kính Phật người ta cứ ngơ ngơ.

Thượng tọa nhận định, chúng ta nghe thì hiểu nhưng không khởi được tâm tôn kính Phật vì thiếu trí tuệ, thiếu thiện căn cũng như sức mạnh tinh thần. Do đó, khi tán thán đức Phật cho chúng sinh nghe, phải nhìn mặt xem họ có nhiều thiện căn không thì ta mới nói nhiều. Trong lúc nói, cố gắng tìm mọi cách làm cho người ta thích thú là mình thành công. Đây cũng là lý do mà Thượng tọa hay làm thơ vào mỗi lễ Phật thành đạo để cho mọi người cùng đọc.

Thượng tọa lý giải, các bài thơ đó đều mang nội dung tán thán đức Phật. Khi mọi người đọc chúng, sẽ có một lời khen ngợi Phật rớt vào tâm. Đó cũng là vàng ngọc, là công đức lành. Nhân quả cứ chất dần dần trong kho phước của ta. Nghĩa là ta nói một lời ca ngợi Phật, rớt vào tai người khác mà họ chấp nhận thì họ có vàng trong tâm, còn ta có vàng trong kho phước của mình. Nhưng đừng tham nói nhiều, phải tùy theo từng đối tượng.

Hiện nay có những kẻ công kích phỉ báng đức Phật vì lý do cực đoan tôn giáo hay vì những âm mưu chính trị. Mà việc công kích đức Phật bây giờ được thực hiện một cách khéo léo tinh vi chứ không trơ trẽn thô bỉ như mấy trăm năm trước. Thượng tọa ta có thể đào tạo một số người, cài vào trong đạo Phật làm người xuất gia, thậm chí đứng trên pháp tòa của các trường Phật học rồi giảng làm sao cho Tăng Ni bớt tôn kính Phật đi, nghĩ rằng đức Phật không phải là bậc Thánh cao siêu, chỉ là người có suy nghĩ, người thông minh, chỉ là một triết gia ngồi suy ngẫm chuyện này chuyện kia thôi… Tức là hạ thấp giá trị cao siêu của đức Phật. Đó là cách phỉ báng rất tinh vi, khi nghe rồi tâm tôn kính tột độ của mọi người bị giảm xuống ngay. 

Trước thực trạng đó, bổn phận của những người đệ tử Phật là gì? Phải quyết liệt, không nhân nhượng không nể nang. Chúng ta phải bảo vệ giá trị của đức Phật, bảo vệ danh dự, bảo vệ sự cao quý của đức Phật bằng cả mạng sống của mình. Ngoài ra ta thấy rằng một số quốc gia đã bảo vệ tôn giáo bằng pháp luật, không để ai xúc phạm tơi đấng giáo chủ của họ, như vậy người phật tử ta cũng thế, cũng phải khôn ngoan nhờ đến luật pháp, ta đề xuất lên quốc hội lên nhà nước để ngăn chặn những kẻ dã tâm xúc phạm đến đức Phật. Vì Phật cả niềm kính yêu của cuộc đời ta, là giấc mộng đêm hè, là mùa xuân ấm áp, là ánh trăng treo trên đầu núi, là mặt trời rực rỡ… là tất cả lý tưởng cao đẹp của chúng ta và tất cả chúng sinh.

Ngoài đức Phật ra thì trên đời này còn nhiều bậc Thánh, những vĩ nhân cũng đáng cho ta ca ngợi, nếu ta bỏ qua cũng làm mất cơ hội tăng trưởng công đức, tăng trưởng cái thiện cho tâm hồn mình. Vì vậy, Thượng tọa hay dặn các phật tử đừng bao giờ nói xấu người khác cho con trẻ nghe, bởi lời nói xấu làm giết chết thiện tâm trong lòng con. Ngược lại, cha mẹ phải thuộc rất nhiều câu chuyện về các danh nhân, Thánh nhân và kể cho con nghe, nuôi dưỡng tâm hồn con bằng sự ngưỡng mộ bậc đáng kính. Đạo đức, thiện tâm của trẻ nhờ vậy mà sẽ ngày một lớn lên và đó chắc chắn là đứa trẻ hiếu thảo. Còn nếu người cha người mẹ thích chỉ trích, công kích lung tung thì hãy chuẩn bị tinh thần để đón chờ một tuổi già cô đơn không được phụng dưỡng, bởi những đứa con sẽ bất hiếu, mà nguyên nhân cũng từ cái miệng thích chê bai của mình. 

Trong thời đại này, chúng ta cũng hãy dè dặt khi đặt niềm tôn kính lên ai đó bởi có những tổ chức chính trị đã dựng một số nhân vật lên như Thánh, thêu dệt những câu chuyện kì lạ xung quanh người đó để thu hút quần chúng. Cái hào quang của những bậc “đạo sư, vô thượng sư” này được tạo ra bởi kỹ xảo của photoshop và những thủ thuật, mánh khóe. Khi đã quy tập được nhiều người, họ mới bắt đầu kích động quần chúng nổi loạn gây sự bất an trong xã hội. Như vậy, nếu chúng ta tôn kính, quy ngưỡng, đi theo họ thì ta có tội, ta đi ngược với lợi ích dân tộc. Nên mặc dù ta thích khen ngợi, thích khởi tâm ngưỡng mộ bậc đáng kính nhưng hãy luôn cảnh giác đề phòng, đừng để mình rơi vào những âm mưu của những kẻ làm chính trị mà khoác lên mình màu áo tôn giáo. 

Quay lại việc ca ngợi Phật. Cả cuộc đời ta ca ngợi đức Phật thì phải đem được 100 người về quy y. Đó là một kết quả. Con số này không nhiều, chỉ có người lười mới không làm thôi. Để tán thán, ca ngợi, gieo Phật pháp vào lòng mọi người, ta phải thương chúng sinh, mở lòng mình ra trước, có nhân rồi sẽ có quả. Cứ làm quen, gieo duyên dần dần, từ một người cho đến một vài người, rồi hàng trăm người. Trước khi nhắm mắt phải kịp đem 100 người về với Phật. Làm được điều đó, ta sẽ có cái phước rất lớn, khi chết đi được tái sinh trong hình thức mới, tùy ý mình chọn lựa. Có thể lựa chọn lên cõi trời hoặc về cõi người.

Bằng giọng hài hước, dí dỏm Thượng tọa đã làm cho không khí buổi thuyết Pháp trở nên vô cùng thoải mái, vui vẻ. Tuy bài pháp khá dài nhưng được Thượng tọa tóm gọn ý nên mọi người nhanh chóng nắm được nội dung chính. Vì là hạnh Bồ tát rất quan trọng nên Thượng tọa yêu cầu các phật tử phải thực hành thường xuyên để đạo lý này thấm sâu. Sau này, nó tự khởi phát một cách tự nhiên chứ không phải gượng ép. Vậy là mọi người đã xây dựng thành công tâm tôn kính Phật trong lòng mình.

Thêm nữa, bài pháp thoại đã thẳng thắn lên án tâm lý vô cảm, coi thường người khác. Đáng lý ra, khi xã hội càng phát triển hiện đại thì con người càng phải văn minh, lịch sự. Nhưng vì cái tôi quá lớn, lúc nào cũng cho mình là nhất khiến con người tự đánh mất tâm tôn kính của mình. Điều này đang cản trở sự tiến bộ của xã hội. Vậy nên, gìn giữ, bảo vệ tâm tôn kính trong lòng mỗi người là yêu cầu bức thiết đặt ra cho cả xã hội.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm