Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 15/06/2016, 10:47 AM

TT.Thích Chân Quang thuyết giảng tại Trường hạ chùa Huệ Minh

Thượng toạ chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thuyết Pháp; mở mang cơ sở; ăn uống; dạy phật tử trở thành sứ giả của Như Lai; tổ chức những lớp giáo lý cho nhiều lứa tuổi. Việc ngôi chùa có giáo lý, công phu tu tập đúng sẽ đóng góp rất lớn cho việc ổn định xã hội. 

Sáng ngày 05/06/2016, TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN nhận lời dạy bảo của HT.Thích Giải Thiện, Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Thành đảm nhiệm vai trò Hóa chủ và là Giáo thọ sư của trường hạ chùa Huệ Minh (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, BRVT).

Thượng tọa hướng dẫn môn QUẢN LÝ TỰ VIỆN, bao gồm 12 bài học với các hành giả đang An cư Kiết hạ tại bổn tự. Bộ môn này nêu lên nhiều góc cạnh tu hành của tăng, ni trong một ngôi chùa, cũng như nói việc tiếp độ các phật tử về chùa để tham gia tu tập là thế nào. Trong phạm vi bài học thứ ba này Thượng toạ nói ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của chùa trong việc truyền bá Phật Pháp. 

Buổi thuyết Pháp có sự chứng minh tham dự của Chư tôn đức BTS GHPGVN huyện Tân Thành, cùng 50 hành giả hiện An cư Kiết hạ và hơn 1000 phật tử từ các tỉnh thành về cúng dường Trường hạ và thính Pháp.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng toạ nêu lý do vì sao ta nói ngôi chùa là cơ sở hoằng pháp. Có câu: “Nước đầy tất sẽ tràn”. Cũng vậy, một ngôi chùa mà tăng ni tu học chín chắn, tinh tấn, trưởng thành, viên mãn thì đạo phong, đạo mạch sẽ toả ra cộng đồng bên ngoài. Đó là điều tự nhiên, và họ sẽ khởi tâm muốn hoằng pháp lợi sinh. 
 
 
Thật ra, mỗi vị xuất gia đều có nhân duyên với chúng sinh ở những kiếp xưa, nhưng không phải ai cũng giống nhau: Có vị gieo nhân cô độc, nhiều khi đời này vị đó tu rất tốt nhưng lại mắc nghiệp cô độc; có vị gieo duyên lành quảng đại với chúng sinh, nên nhiều khi vị đó tu còn dở, nhưng cái duyên với chúng sinh vẫn đầy. Điều này không giải thích được vì còn lệ thuộc vào nhân duyên cá nhân của mỗi người. 

Tuy nhiên trên nguyên tắc tổng quát “nước đầy rồi phải tràn”, khi ta tu đến một mức độ chín mùi nào đó thì đạo phong của ta buộc phải tràn ngập vào tâm hồn của những người chung quanh. Nghĩa là từ ngôi chùa đó mà nếu có một nội dung tu hành chân chính thì bắt đầu đạo phong, đạo mạch nơi chùa đó lan tỏa vào hết cộng đồng. 

Thiết nghĩ, nếu vị đó chỉ ẩn dật tu hành chứ không gieo duyên rộng rãi với chúng sinh, vậy vị đó có cơ hội giáo hóa chúng sinh không. Theo quan điểm của Thượng toạ, dù vị đó tu hành ẩn dật chứ không phải là người đi gieo duyên giáo hóa, nhưng nếu vị đó tu đúng, tu chân chính, luôn bao dung, yêu thương, không từ khước bất cứ chúng sinh nào thì Chư Bồ tát, Chư Thiên sẽ đưa chúng sinh đến với chùa. Chỉ sợ ta lại gieo nhân cô độc. Thế nào là gieo nhân cô độc, Thượng toạ đã phân tích và dùng vài ví dụ cụ thể để chứng minh cho thấy việc phật tử đến chùa đông hay không đông là do tâm niệm bí mật trong lòng của ta đối với chúng sinh. Nếu tâm niệm bí mật trong lòng của ta đối với chúng sinh là bao dung, ta đón nhận, chịu cực, kiên nhẫn, yêu thương thì ta phá hết cái nhân cô độc nhiều kiếp, ta sẽ thấy chùa mình càng lúc càng đông. Đây là bí mật tại sao có ngôi chùa rất đông người đến hành hương, lễ bái, tu học, tại sao có ngôi chùa lại vắng tanh. Hiểu nhân quả rồi, chúng ta phải cẩn thận trong từng tâm niệm của mình, vì chính tâm lý bí mật đó quyết định sức hút của ngôi chùa đối với phật tử.
 
 
Nhân đây, Thượng toạ cũng nhắc nhở đến nguy cơ đổ vỡ: Có những vị rất thích hoằng pháp, rất thích giảng pháp, cái thích đó không có lỗi, nhưng cái lỗi là do kiến giải mình chưa đủ, chưa đúng, cái tu dưỡng của mình chưa đầy chưa chặt mà vội vàng hoằng pháp thuyết giảng thì nguy cơ đổ vỡ nằm ở phía sau. Bởi vì khi ngồi trên bục giảng, ta nói lại những lời dạy cao siêu thiêng liêng của Phật thì ta nhận được sự kính mộ rất lớn của thính chúng (tức đang hưởng phước của Phật). Chỗ này mới là sự thử thách đạo lực của những vị tu hành; chỗ này là chỗ nguy hiểm của một người hoằng pháp. 

Để tránh đổ vỡ, trước tình cảm ưu ái của phật tử, lòng ta phải khiêm nhu, thanh thản, khước từ. Có như vậy sự nghiệp hoằng pháp mới bền vững lâu dài. Trái lại, nếu ta bắt đầu kiêu mạn tự cao thì phước hoằng pháp sẽ đóng lại. Cách đây nhiều năm, Thượng toạ có biết một vị Đại đức từng đăng đàn thuyết pháp một thời gian. Tuy nhiên sau khi xét thấy mình chưa đủ đức để đón nhận sự lễ lạy cung kính quá lớn của phật tử, vị đó không trực tiếp giảng dạy nữa mà chuyển sang việc hoằng pháp trung gian là đem kinh sách và băng từ tặng cho phật tử. Cái ý tưởng này cũng hay, vị đó không mong cầu mình phải nổi danh, phải được nhiều người biết đến nên trong sự khiêm tốn, vị ấy chọn cách hoằng pháp khác, miễn sao đem được đạo lý đến cho nhiều người mà mình không bị tổn phước.

Do đó, khi một người tu đúng hướng rồi thì tự nhiên cái tâm yêu thương chúng sinh trỗi dậy, khiến vị đó muốn giáo hóa và lúc đó Phật dắt chúng sinh tới hoặc ta phải tìm mọi cách để gieo duyên với chúng sinh. Đây là điều tự nhiên của giai đoạn kế tiếp mà cũng là trách nhiệm của một ngôi chùa. 

Nhìn từ phương diện khác, Thượng toạ cũng đặt vấn đề đối với trở ngại trong sự phân bố. Ở các tôn giáo bạn, những nhà thờ, đền thờ thường được phân bố đều đặn trong các khu vực. Và Cha sứ mỗi vùng đều phải chịu trách nhiệm giáo hoá, quản lý giáo dân nơi mình. Còn đạo Phật không hề có sự bố trí cụ thể từ T.Ư Giáo hội. Từ xưa không có truyền thống này, ai có duyên xây chùa cứ xây, đôi lúc hai ngôi chùa chỉ cách nhau vài căn, mạnh ai nấy giáo hóa, hoặc có làng chưa có chùa, v.v... Thực trạng đáng buồn là ở một số nơi, phật tử trở thành nguồn lợi tranh giành, thành ra không đẹp. Để tránh trường hợp này, quý Thầy trụ trì phải dạy cho đệ tử mình: Người phật tử quy y với Thầy, Thầy là bổn sư, nhưng không được chỉ biết một mình Thầy. Trên đường đời vạn nẻo, khi người phật tử gặp bất cứ một vị Thầy tu hành chân chính nào khác cũng phải biết cung kính thừa sự, học hỏi, cúng dường. Trước tình trạng chùa chưa có sự phân bố hợp lý, vị Thầy phải có tấm lòng cao thượng và thường xuyên nhắc nhở đệ tử như vậy thì mới có thể phá hết mọi ranh giới và gây chia rẽ. 

Đặt trường hợp ta ở một vùng mà chỉ có một chùa mình trơ trọi (có thể có tôn giáo bạn), người dân xung quanh chưa biết nhiều về Phật pháp thì phải hiểu trách nhiệm   giáo hoá của mình tại đây rất nặng nề. Hằng ngày, ta lặng lẽ nhìn bao người tấp nập ngược xuôi, tâm ta phải ray rức, thổn thức và khát khao cho những người đó biết đến đạo. Khi việc tu tập đúng hướng, bản ngã nhẹ dần thì khuynh hướng, động cơ, động lực giáo hoá phải khởi lên. Thượng toạ phân tích có hai tâm rất giống nhau và nằm cùng một chỗ, đó là: 

- Tâm muốn được mọi người thương quý và hướng về. 

- Tâm muốn độ chúng sinh theo Phật mà không cần được cung kính cúng dường.

Người có trí tuệ tu hành phải tách được hai tâm đó ra: tức không ước ao danh tiếng nhưng lòng cứ yêu thương và ý muốn hoá độ chúng sinh lúc nào cũng tràn đầy.  

Nói về cách giáo hoá chúng sinh, Thượng toạ chia sẽ: Khi được Phật bổ xứ về một ngôi chùa, ta phải tìm cách giáo hoá người dân quanh vùng. Đây là trách nhiệm đầu tiên. Dù chúng sinh có cứng đầu, ương ngạnh khó trị thì ta vẫn phải đương đầu chấp nhận, dấn thân. Bởi khi đặt chân đến vùng nào, đó là nghiệp duyên, tội phước trong quá khứ của ta. Chúng sinh ta gặp phản ánh nghiệp đời trước của mình. Nếu tìm cách trốn qua vùng khác, ta vĩnh viễn không bao giờ làm công tác hoằng pháp được. Do đó, khi Phật giao ta về chùa nào thì phải ráng độ dân vùng đó, yêu thương dân nơi đó, dù rằng chúng sinh đó khó chịu hay dễ chịu gì lòng mình cũng kiên nhẫn giáo hóa hết, đó là tâm niệm của một người Sa môn đúng nghĩa.
 
 
Đối với những chúng sinh gọi là cang cường, khó độ, muốn giáo hóa họ thì mình cứ gieo duyên lành. Phật dạy có bốn điều để nhiếp hóa chúng sinh, đó là “bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự”. Và Thượng toạ đã giảng giải pháp môn thực hành này một cách tường tận. Thượng tọa nêu ra những phương tiện giáo hoá để có thể thu phục, nhiếp hóa được chúng sinh, mà vẫn giữ được đạo phong của người xuất gia. Như vậy, để gây được ảnh hưởng tốt lành, trước khi phật tử kéo tới chùa đông đảo, nghe Pháp, tu hành và quy y thì ta đã thực hành Tứ Nhiếp Pháp rất vất vả, chứ không phải tự nhiên người ta tới ngồi nghiêm túc nghe mình thuyết pháp. Có thể nói một vị Giảng sư được đông người yêu mến là kết quả của vô số công hạnh sâu dày và duyên lành. 

Khi tới giai đoạn hoằng pháp thực sự, ở giai đoạn ban đầu ta đừng vội thuyết giảng.  Dù vị Thầy có thuyết giảng rất hay thì người dân cũng chỉ nghe được tối đa 15 phút. Lý do là họ chưa đủ lòng yêu mến giáo lý và sự nghiêm túc để nghe Pháp. Vì vậy, đầu tiên hãy cho họ tụng kinh khi đến chùa. Đây là nghi lễ rất quan trọng trong việc hoằng pháp. Điều này đòi hỏi một sự cách mạng lớn. Vì những bài kinh cao siêu quý Thầy đọc tụng hằng ngày quá khó hiểu đối với những phật tử sơ cơ. Họ cảm thấy nó chưa gần với thực tế cuộc sống. Cho nên bài Kinh dù hay gì hay mà nếu không dính líu  hết đến cuộc sống thực tế thì vẫn làm cho người nghe thờ ơ, không giúp họ tăng được đạo tâm. 

Mặt khác, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, lớp trẻ được tiếp xúc với nền văn minh hiện đại qua internet nên có tư duy hoàn toàn mới. Đời sống cách đây 2500 năm trong kinh quá xa lạ, những tiếng đọc tụng khô khốc dễ làm lớp trẻ nhàm chám và không tìm thấy sự hứng thú.

Đây là thử thách lớn đặt ra cho ta. Để có được cơ hội hoằng pháp độ sinh, chúng ta hãy tìm những nghi thức phù hợp với tâm tình người sơ cơ và suy nghĩ của người hiện đại ngày nay. Hãy mạnh dạn soạn ra những bài kinh tụng với ngôn ngữ hiện đại, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, và cố gắng làm sao cho người phật tử khi tụng bài kinh, họ nhận ra lỗi của họ trong cuộc sống, chứ đừng để những điều bí hiểm. Nếu biết kết hợp với âm nhạc, hãy dùng điệu nhạc cho hai loại: Một điệu cổ điển truyền thống và một điệu mới mẻ hiện đại. Điều này quý thầy phải tư duy, khai phá.

Tiếp theo, Thượng toạ chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thuyết Pháp; mở mang cơ sở; ăn uống; dạy phật tử trở thành sứ giả của Như Lai; tổ chức những lớp giáo lý cho nhiều lứa tuổi. Việc ngôi chùa có giáo lý, công phu tu tập đúng sẽ đóng góp rất lớn cho việc ổn định xã hội. Ngoài ra, vị Thầy phải cháy ngời trong trái tim lòng tôn kính Phật thì mới có thể lan truyền ngọn lửa tôn kính này đến với chúng sinh, làm hạt giống bồ đề trỗi dậy trong lòng người. Rồi biết bao nhiêu người trên cuộc đời dần dần có nhân giác ngộ làm Thánh. Đây là công đức vô cùng lớn. 

Bên cạnh đó, Thượng toạ còn nhắc nhở: Một ngôi chùa cần có thư viện để mọi người tới lui tìm hiểu kinh sách; bàn ghế phải thật dễ chịu; phật tử đến chùa phải được đón tiếp ân cần; được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ; có món ăn tiếp đãi chu đáo; có thiền đường để toạ thiền, v.v… Nói chung, một ngôi chùa phải tinh tế lưu ý từ những việc nhỏ nhặt nhất, làm sao cho phật tử thật thoải mái. 

Nên nhớ, những buổi lễ quy y xuất hiện là kết quả thành công của việc hoằng pháp. Quý Thầy phải soạn lại hoặc tham khảo thêm nghi thức quy y. Nghi thức này đừng dài quá, đừng ngắn quá mà đủ cảm động. Buổi lễ phải thật long trọng, thiêng liêng để khắc sâu suốt đời vào lòng, cái thời khắc họ trở thành người đệ tử Phật trong kiếp này. 

Tóm lại, ý nghĩa bài học thứ ba trong loạt bài QUẢN LÝ TỰ VIỆN, Thượng toạ đã chia sẻ những bí quyết hữu ích để giúp những ai khi đến trụ một ngôi chùa, họ phải phát huy công tác hoằng pháp, đem giáo lý đến cho mọi người, thứ nhất là người chung quanh chùa, thứ hai là tiếng lành đồn xa, người ở các nơi về đến chùa. Tuy nhiên, có một trở ngại trong đạo Phật là việc cất chùa vô tổ chức, đôi khi có những vùng có 3,4 chùa thì ta phải khéo để đừng biến thành xung đột, mà trở thành như là một. 

Đặc biệt hơn, một vị Thầy muốn hoằng pháp có hiệu quả thì suốt cả cuộc đời mình không bao giờ được ngừng việc bồi tạo công đức lành. Từng trong ý nghĩ, từng trong lời nói, từng trong việc làm, điều gì cũng phải ráng làm thành phúc và chính cái phúc này mới có thể tạo thành một người có bản lĩnh thu hút được phật tử đến chùa đông. 

Đây là bài học có tính logic rất cao cho mỗi lập luận, quan điểm mà Thượng toạ nêu ra. Như một sự chia sẻ mang tính gợi mở rất thực tế và hữu ích về trách nhiệm của một ngôi chùa trong việc truyền bá Phật pháp. Cho nên, chúng ta hãy suy ngẫm để biết mình phải làm những gì mà góp phần làm cho Phật pháp hưng thịnh trong thời đại ngày nay.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm