Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 30/05/2016, 11:39 AM

TT.Thích Chân Quang thuyết giảng về thời đại mới, tội phước mới

Mọi người phải thấu hiểu tội phước kỹ hơn xưa. Và phải hiểu khoa học công nghệ để đối chiếu tội phước. Từ đó, chúng ta hãy chọn cho mình lối sống và đường đi vừa phù hợp với nền văn minh tri thức hôm nay, vừa giản dị lành mạnh để xây dựng một thế giới tươi đẹp, và gần gũi với thiên nhiên.

Vừa qua, tối ngày 14/04/Bính Thân (20/05/2016), TT Thích Chân Quang, Phó Ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã có buổi chia sẻ Phật pháp về chủ đề THỜI ĐẠI MỚI – TỘI PHƯỚC MỚI tại chùa Đại Tòng Lâm (ấp Quảng Phú, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), với sự tham dự của đông đảo Chư tôn đức tăng, ni và khoảng 3000 phật tử các giới. Ý nghĩa của bài Pháp thoại này nhằm giúp mọi người có sự phân định để chọn cho mình một lập trường, một quan điểm sống đúng đắn trong thời đại mới - thời đại với sự tiến bộ vượt bực của khoa học công nghệ.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa tản mạn về những giá trị thực tiễn của đạo Phật, trong đó nhấn mạnh “giữa sự tiến bộ của nhân loại, đạo Phật đang dần được thế giới hướng về. Nhiều nhà trí thức hàng đầu trên thế giới bắt đầu công nhận những đạo lý tuyệt vời của đạo Phật”. May mắn thay! chúng ta đã chọn đạo Phật ngay từ buổi đầu của cuộc đời mình, nên không phải thay đổi gì cả, cứ ổn định mà đi trên con đường của mình. Do vậy, mỗi người hãy tinh tấn bước tới, củng cố sự tu hành và kiến giải để phụng sự, cống hiến, chia sẻ đạo lý đến tất cả mọi người. 

Để phân định tội phước trong thời đại mới, Thượng tọa lý giải: Trong thời đại công nghệ tiến bộ, kỹ thuật vượt bậc đã làm thay đổi lối sống của con người. Nhiều lối sống và công việc mới đã xuất hiện, nhưng nghiệp báo thiện ác của những việc này chưa hề được đề cập trong kinh điển trước đó. Tuy nhiên, để xác định tội phước trong những trường hợp này hoàn toàn không dễ. 

Ví dụ, ngày xưa không có chuyện tẩm hoá chất vào thực phẩm để cho ngon, cho giòn, cho dai, kéo dài thời hạn sử dụng; hoặc để tăng năng suất cây trồng, chăn nuôi thì dùng các chất hóa học kích thích tăng trưởng, khiến người ăn bị nhiễm độc. Ngày hôm nay, báo chí liên tục đăng tải những tin tức báo động trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là tội hay phước? Ta khẳng định đây là tội vì người ăn sẽ nhiễm độc và phát bệnh. Trong khi đó, người bán đưa ra lý luận: Họ có phước vì bây giờ dân số đông đúc, nếu trồng cây trái nhỏ như trước, họ sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Hay, công nghệ máy móc hiện đại thay thế sức lao động của con người và đem lại năng suất rất cao. Một cái cuốc đất giúp con người làm nhanh hơn 50 lần, một chiếc xe máy cày làm nhanh hơn 5000 lần; một chiếc máy tính có thể xử lý hàng tỉ phép tính phức tạp trong 1 giây – điều mà khối óc con người không bao giờ làm được. Việc này, một bên cho rằng sự xuất hiện của máy móc là một cái tội vì nó đã làm hàng nghìn người thất nghiệp.

Một bên phản bác: Nhờ có máy móc, con người đỡ vất vả hơn và khai khẩn được những cánh đồng mênh mông để cung cấp lúa gạo cho cả con người lẫn vật nuôi. Từ đó, đời sống được nâng cao, tình trạng thiếu ăn thiếu mặc không còn xảy ra. Họ kết luận đây là điều phước. 

Qua đó, chúng ta thấy công nghệ mới, kỹ thuật mới, lối sống mới bắt đầu tạo ra những vấn đề tội phước mới. Với sự tiến bộ này, thật sự ta đang đi trên một sợi dây mỏng manh giữa hai bên tội phước. Chỉ cần sơ sẩy, ta sẽ rơi xuống hố sâu tội lỗi. Đó là lý do Thượng tọa thuyết giảng đề tài này, nhằm giúp chúng ta phân định tội phước mới để chọn cho mình một lập trường, một quan điểm sống cho rõ ràng trước những tiện ích và tác hại đối với đời sống con người và môi trường. 

Vừa rồi chúng ta nghe chuyện cá chết, vì môi trường nước bị nhiễm độc, nhiễm bẩn. Xét về mặt công nghiệp: Nước xả thải công nghiệp đổ xuống khiến loài thủy sinh không sống được nữa, dòng sông đó ta không tắm được nữa, rong rêu loại trong lành không mọc được nữa, mà loại nào tồn tại được trong dòng nước đó là loại cực độc đối với con người, ví dụ loài tảo mà còn sống được ở dòng nước đó thì loại đó đụng tới đâu là cháy da tới đó, nếu còn những vi khuẩn sống được trong môi trường đó mà chạm vào mình, mình bị phong cùi ngay. Nên công nghiệp có thể sản xuất ra được một số sản phẩm gì đó cho cuộc đời này, nhưng hậu quả để lại phía sau cực kỳ tồi tệ. 

Với cái nhìn của Thượng tọa “Luật bảo toàn của vũ trụ này thật là cay đắng”. Thượng tọa cho rằng: Chiếc xe mà muốn chạy tới thì phải đẩy cái gì ra phía sau; Máy bay muốn bay lên thì phải phun lửa, phun khói ra phía sau, v.v… tức cái gì muốn đi tới thì cũng phải có cái đi lui, cái gì muốn đi lên thì phải có cái đi xuống. Do đó, con người muốn hưởng thụ đời sống tiện nghi thì phải để lại những điều dơ bẩn, khổ đau, hết sức bất tiện đằng sau đó.

Ví dụ, hằng ngày ta sử dụng xà bông để bản thân được thơm tho sạch sẽ, nhưng nước xà bông chảy xuống cống, rồi chảy ra các dòng sông thì dòng sông đó bẩn liền. Con người muốn sống rất tiện nghi, sạch sẽ thì sự sống trên các dòng sông sẽ biến mất; muốn sống mát mẻ thì môi trường sẽ oi bức khắc nghiệt. Đây là sự quân bình, sự bù trừ của trời đất, của môi trường và là một sự thử thách lớn đối với tất cả chúng ta. Vì không ai đủ can đảm sống dơ bẩn, quyết không sử dụng hoá chất để tẩy rửa, làm sạch cơ thể hay vật dụng. 

Hoặc vào thời xưa, trong những buổi chiều tà, người dân làng dắt díu con trẻ vào chùa hoà vào bài kinh tụng dưới tiếng dẫn, tiếng chuông mõ của Thầy chủ lễ. Dù không có micro nhưng thanh âm cực kỳ êm ái, ngân nga, thanh thản, dịu dàng, đậm đà hương vị giải thoát. Hôm nay, có nhiều chùa cứ chiều xuống lại bắc micro tụng kinh vang vọng khắp làng xóm khiến mọi người cảm thấy khó chịu. Nên khi bước vào thời đại mới, có những công nghệ mới, kỹ thuật mới, chúng ta có lối sống mới thì ta vướng vào một điều không ai ngờ, đó là “những cái ta đạt được sẽ là những cái mất đi của trời đất”. 

Nói trên tội phước, theo Thượng tọa, ngày nay công nghệ mới cho con người cơ hội làm phước rất lớn, nhưng cũng tạo tội rất nhanh. Thay vì quả báo trổ ra sau nhiều kiếp luân hồi thì hôm nay lại đến nhanh chóng trong vài năm. Tội phước quá lớn khiến thời gian không chờ được.

Ví dụ, một xí nghiệp sản xuất thành công tạo ra sản phẩm cho xã hội, nhưng nước thải của họ xả ngầm xuống dòng sông, làm môi trường nước bị nhiễm độc, cá chết hàng loạt thì nhân quả là gì. Xét theo nhân quả, cái mà sản phẩm họ làm ra cho xã hội thì họ đã lấy đồng lời họ hưởng, họ sống giàu sang sung sướng. Còn việc làm hư dòng sông, khiến cá chết quá nhiều thì quả báo đầu tiên là sự sản của họ sẽ sụp đổ hết. Chắc chắn sau này cơ sở đó lụn bại dần và dẫn đến phá sản mà thôi. Nên có những người ta thấy giai đoạn đầu họ rất giàu, nhưng sau đó mọi cái đều sụp đổ chóng vánh, chính vì lý do này.

Ông bà ta có câu: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, ngụ ý hai việc này không giúp con người giàu lâu được. Cũng vậy, có hai đại gia cùng sang nước ngoài phá rừng lấy gỗ để kinh doanh. Một người sau đó lấy tiền xây chùa và dừng lại việc kinh doanh. Đến một giai đoạn, ông bỗng phát bệnh ung thư ngặt nghèo nhưng vẫn chữa chạy được và sống thanh thản vào cuối đời. Ngược lại, một người cũng phá rừng nhưng đầu tư xây dựng học viện bóng đá thì người này về sự sản tiêu tan, nợ nần chồng chất và rơi vào cảnh bế tắc. Đó là tội phước giờ đến rất nhanh, vì người ta gây tội hay tạo phước lớn quá do công nghệ mới. 

Chúng ta thấy, thời xưa người ta cưa rừng thì lấy dao cưa, nhiều khi một cây phải ba ngày mới hạ xong, nên suốt cuộc đời đi làm rừng của họ tính ra chặt không bao nhiêu cây. Quả báo đến họ cũng sẽ nghèo nhưng mức độ nghèo đó từ từ, chậm chậm rồi thôi. Còn bây giờ với sự hỗ trợ đắc lực của máy móc, một ngày họ đốn ngã mấy trăm cây, mức độ tàn phá thiên nhiên khủng khiếp quá nên quả báo đến rất nhanh, họ giàu rất lẹ nhưng sự sụp đổ là không cưỡng lại được. Không phải đời trước làm ác rồi những đời sau mới nghèo mà nghèo liền trong vòng vài năm khi phước xưa đã hết. Do đó, vấn đề nhìn về tội phước trong thời đại này nhiều khi khác hơn nhân quả tội phước mà ta so sánh ở những thời đại xưa.

Theo quan điểm của Thượng tọa, việc định lượng tội phước tùy thuộc vào cách sử dụng công nghệ. Ngày nay, nếu ta sử dụng công nghệ mới khéo léo thì phước lành chồng chất; ngược lại nếu sơ sẩy thì tội lỗi nặng nề hơn.

Đơn cử như, ngày nay, không cần một vị thế trong xã hội để đứng lên tuyên dạy về đạo lý của tiền nhân, giáo lý của Phật giáo, hay Nho giáo trước công chúng, một người bình thường vẫn có thể tự do nêu lên quan điểm cá nhân thông qua mạng internet (tức ta có trang web hay ta lập facebook), mà được nhiều người xem chấp nhận, và chia sẻ rộng rãi thì phước ta tăng nhanh không tưởng.

Ở thời đại này, rất dễ tạo tội lớn mà cũng rất dễ tạo phúc lớn. Chỉ cần bài viết của mình có ý tứ, thâm thúy, có đạo đức, khiến người đọc xúc động, ta cho họ có thêm một chút niềm tin về tội phước trong cuộc đời này mà sống và biết sửa mình một ly thôi, tức họ bớt nói nặng người khác một chút, bớt tham lam giành giật một chút thì mình được phước rất nhiều. Hoặc ta nói làm nhiều người biết yêu thương nhau thì cuộc đời ta có phước hơn. Đời sống mình tự nhiên về sau được may mắn lên. Đây là điều rất lạ và cơ hội này mở ra đồng đều cho tất cả mọi người, không hạn chế với ai cả. 

Bất cứ ai có trí tuệ, có đạo đức, có đạo lý đều có thể nói được cho mọi người những điều tốt đẹp trong cuộc đời này, và sẽ có một cánh cửa mới mở ra đó là tội phước mới cho mình. Thời đại mới là như vậy. 

Hoặc một người có tài viết chương trình trò chơi trên máy tính. Ngay từ đầu, nếu người viết có ý đồ gài yếu tố gây nghiện vào games, chắc chắn người chơi sẽ dồn hết thời gian và tâm sức vào đó. Tệ hơn là gây ra những tệ nạn xã hội như thảm cảnh cháu giết ông, cha mẹ giết con để thỏa mãn cơn nghiện. Quả báo của người viết là khủng khiếp. Tuy nhiên bản chất của trò chơi là không tội không phước, tùy ta sử dụng mà thôi. Nếu cùng thủ thuật đó, người viết biến trò chơi thành các môn học trực tuyến như ngoại ngữ, toán, lý hoặc các kỹ năng sống, và học trong thời hạn nhất định (30 phút) thì chắc chắn quả báo lành sẽ chờ đón họ. 

Do vậy, công nghệ thời đại mới cho ta cơ hội để tạo ra những điều lớn lao, nhưng tạo thành tội hay thành phước là do ta. Nếu ta khéo thì công nghệ mới này cho ta cơ hội để làm những điều phước rất lớn, ngược lại, nếu ta ác thì công nghệ đó cho ta cơ hội để tạo những tội cực kỳ nặng. 

Có những người mà họ hiểu rằng chất tẩy rửa, xà bông làm sạch cho con người, nhưng làm bẩn môi trường, nên họ đầu tư tạo ra sản phẩm vừa thỏa mãn được các nhu cầu của con người, vừa không làm tổn hại đến môi trường (tức sạch con người mà vẫn sạch môi trường). Đó là họ dùng tinh chất thực vật tạo thành các chất tẩy rửa, khi tẩy rửa rất là sạch mà đem đi tưới cây được, nghĩa là không phá, không diệt sự sống, mà tạo nên sự sống… thì đây là công nghệ cách mạng cứu lại thế giới, cứu lại môi trường. Đã có một số sản phẩm tẩy rửa đạt được những yêu cầu đó, chúng ta phải ủng hộ để cứu thế giới này.

Chúng ta không biết rằng, mỗi ngày mình đều âm thầm tạo tội mà không biết và Thượng tọa đã chứng minh cho quan điểm này bằng nhiều ví dụ xác thực, giúp người nghe soi rọi lại mình để thăng hoa nếp sống tránh lỗi lầm cho bản thân và bớt được hiểm họa đối với môi trường. 

Lại nữa, trong thời đại khoa học tiến bộ khiến con người trở nên thực dụng. Niềm tin vào thần thánh, đạo đức, nhân quả không còn, vì thời nay, ai giỏi, người đó thắng; ai khôn khéo, người đó thành công. Chính trong lúc đời sống vật chất thay đổi mà ai giữ được trọn lòng tôn kính Phật thì người đó giữ lại linh hồn cho thế giới, vì đức Phật chính là nơi nương tựa tâm linh và đạo đức tuyệt đối cho nhân loại. Người giữ được lòng tôn kính Phật và chia sẻ cho người xung quanh sẽ giúp thế giới dừng chạy theo vật chất tiện nghi, biết nhìn lại và hướng đến điều cao thượng, thanh thoát, bình an. Đây là phước lành rất lớn.

Còn ai vì lợi nhuận mà đầu độc người tiêu dùng bằng cách ướp tẩm thực phẩm trong những hóa chất độc hại, khiến người ăn có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao thì người này dẫn đến hai quả báo:

Thứ nhất, vì đầu độc người khác nên họ sẽ đọa vào cõi quỷ đói (ngạ quỷ), luôn luôn bị đói khát.

Thứ hai, vì gây bệnh tật đau đớn cho người khác, họ sẽ lăn lóc kêu gào vì bệnh tật hành hạ. Đừng tưởng chết là hết. Nghiệp còn thì chết rồi vẫn tiếp tục bệnh trong cõi đó.

Mặc khác, ai phủ nhận tâm linh thì quả báo thế nào. Để hiểu điều này Thượng tọa đã nêu ra một dẫn dụ và làm phép so sánh cho thấy có những việc khiến con người không còn tin vào tâm linh. Thay vào đó, khoa học trở thành cứu cánh tuyệt đối.

Thực tế, trong quá trình quan sát chuyển động của các thiên hà, ngôi sao, những nhà khoa học đã phát hiện ra thế giới vật chất chỉ chiếm 10% của vũ trụ mênh mông, 90% còn lại được gọi là “vật chất tối”. Đây là điều làm đau đầu hàng loạt những nhà trí thức lớn vì nó cực kỳ bí hiểm. Sự hiện diện của nó chi phối chuyển động của các thiên thể. Thật ra, đó chính là thế giới tâm linh từ địa ngục đến cõi trời. Đây là điều kinh Phật đã đề cập đến từ hàng nghìn năm trước. 

Thế nên, những ai phủ nhận tâm linh thì họ mất nửa đời người, vì trong vũ trụ hơn phân nửa của vũ trụ này là thế giới của tâm linh. Và nhân quả của việc phủ nhận tâm linh, quả báo là sau này họ trở nên ngu si, thậm chí khờ khờ như bệnh tâm thần, có khi nằm một chỗ sống đời thực vật, vì phủ nhận yếu tố tâm linh của vũ trụ tức là phủ nhận thần thánh. Do vậy, đôi khi, họ đã xuất hiện những ý nghĩ xúc phạm thần thánh nên bị quả báo rất nặng là vậy. 

Nói về quả báo của việc sống hưởng thụ vô nghĩa, Thượng tọa đưa ra một quan điểm giáo dục rất thâm thuý dựa trên quy luật bù trừ trong nhân quả của trời đất. Và dựa vào câu nói nổi tiếng của Tổ Bá Trượng "Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" (Một ngày không làm, một ngày không ăn), hay một ngày không làm điều lợi cho con người, đó là một ngày nguy hiểm. 

Vì ngày đó ta vẫn mắc nợ cuộc đời, ta vẫn phải thở, vẫn ăn, uống. Do đó, từng giờ phút trong cuộc sống, khi buông ra một lời nói, hãy vì lợi ích của con người; khi sử dụng phương tiện di chuyển, hãy làm việc chính đáng để phụng sự cống hiến. Đừng phí phạm thời gian và tiền bạc để sống nhàn rỗi, tận hưởng những cuộc vui, những chuyến du lịch vô nghĩa. Mà mỗi ngày sống để tu hành, sống để phụng sự, cống hiến. Đây là ta biến những hành động đơn giản thành quả báo lớn. 

Nói về quả báo của sự phung phí, Thượng tọa nhấn mạnh hễ ta phí phạm điều gì thì ta đánh mất những gì ta từng tận hưởng. Ví dụ, ngày nay hiện tượng fan cuồng không còn xa lạ. Hàng trăm người sẵn sàng đội nắng xếp hàng để nhìn thấy diễn viên, ca sĩ thần tượng. Họ đem hết trái tim, tình cảm đặt lên một người anh hùng trên màn ảnh mà đôi khi trong thực tế, người đó vẫn ăn chơi sa đọa, có đời sống cá nhân bê bối. Việc phí tâm hồn, phí trái tim cho một điều không chính đáng sẽ khiến tâm hồn ta khô khan và chính ta bị đọa thành một loài ngu ngơ như cây đá.

Vì vậy, hãy hâm mộ những người chân chính. Chẳng hạn như các nhà khoa học lẫy lừng đã tìm ra các phát minh vĩ đại cho nhân loại; những nhà chính trị, lãnh tụ hi sinh cả đời vì đất nước; những bậc chân tu đức hạnh đẹp ngời thì quả báo trở lại sẽ giúp tâm hồn ta thăng hoa, vượt lên thành một tâm hồn vĩ đại, bao la. Hoặc người có cha mẹ thương yêu, nhưng coi thường, phụ bạc thì kiếp sau mồ côi đơn độc; hay người có thầy tổ nhưng không trung hiếu thì kiếp sau không còn cơ hội được ai dạy dỗ.

Cũng vậy, những người đại gia tiêu xài tiền của hoang phí thì chắc chắn sau này con cháu nghèo mạc. Tiền bạc sử dụng sai lầm sẽ dần tiêu hoại. Trái lại, nếu biết dùng đúng, số tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thành phước lành cho mai sau. 

Ngoài ra, những năm gần đây, trái đất nắng nóng kỷ lục vì mặt trời đang cháy mạnh hơn. Nếu mỗi năm cứ tăng vài độ thì không cần đợi một tỷ năm mà chỉ trong 10 năm tới, sự sống sẽ biến mất trên hành tinh này vì mặt trời đã nổi giận. Lý do chủ yếu vì con người đã cưỡng lại trời đất. Chẳng hạn trong mùa nóng, ta chui vào phòng bật máy lạnh với nhiệt độ thật thấp làm tiêu hao năng lượng của môi trường. Vào mùa lạnh, ta ngâm mình trong những bồn nước thật nóng.

Dịp này, Thượng tọa kêu gọi mỗi người hãy tập sống hòa hợp với thiên nhiên. Nếu nhiệt độ bên ngoài quá nóng, ta nên hạ thấp nhiệt độ trong phòng máy lạnh một chút, đừng quá chênh lệch với bên ngoài mà mình mang tội với trời đất, vì việc quá lệ thuộc vào tiện nghi để trốn tránh thời tiết là điều bất công với những người nghèo khó không có máy lạnh họ phải chống chọi, chịu đựng từng ngày với cái nắng cháy da cháy thịt. Khi chúng ta sống hòa với thiên nhiên, với trời đất thì trái đất này sẽ bớt khắc nghiệt.

Lại nữa, trong thời đại mới này có một vấn đề làm cho những người biết suy nghĩ đau lòng. Là khi đi thuyền trên biển, người ta mới phát hiện ra những dòng chảy rất dễ phát hiện mà trước đây rất khó nhìn thấy. Trước đây chỉ những người ngư dân hay thủy thủ lão luyện trên biển thì mới biết là ở đó, ở tọa độ đó đang có một dòng chảy. Còn ngày hôm nay, không cần lão luyện cũng biết, vì nhìn thấy những luồng rác trôi theo dòng chảy. Biết bao con vật đã chết vì nuốt phải những túi ni lông, những bao bì vỏ bánh ta sử dụng hằng ngày. Đời sống vật chất đã để lại sự nhơ bẩn cho đất, nước, không khí. 

Vô tình, từng ngày trôi qua, mỗi người đang âm thầm tạo tội. Vì vậy, ta phải đủ tri thức, đủ tỉnh táo để nhìn ra tội phước tiềm tàng từ công nghệ mới mà xây dựng đời sống cao đẹp, bớt lệ thuộc vật chất, có tâm linh và hướng về giải thoát. Sau này, những ai nếu trở thành một doanh nhân thành đạt, mỗi người hãy tạo ra những dịch vụ và sản phẩm có thể tái sử dụng mà không trở thành rác thải. Hãy là một nhà sản xuất, một doanh nghiệp có lương tâm.

Tóm lại, với trí tuệ của một bậc chân tu, với tấm lòng từ bi thương yêu tất cả chúng sinh, Thượng tọa đã tận tụy quan tâm tháo gỡ những khúc mắc, những chướng ngại trong thời đại mới, công nghệ mới bằng những lời giảng dạy vô cùng sâu sắc, gần gũi với mọi người, bao quát muôn mặt đời sống. Tội phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống này, không phải là chuyện đâu đâu.

Chúng ta cần thấu đáo, và phân định rõ. Qua bài Pháp thoại này Thượng tọa muốn truyền tải một thông điệp đó là: Mọi người phải thấu hiểu tội phước kỹ hơn xưa. Và phải hiểu khoa học công nghệ để đối chiếu tội phước. Từ đó, chúng ta hãy chọn cho mình lối sống và đường đi phù hợp với nền văn minh tri thức, vừa giản dị lành mạnh để xây dựng một thế giới tươi đẹp, và gần gũi với thiên nhiên.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm