Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 31/10/2016, 15:12 PM

TT.Thích Chân Quang thuyết giảng về "ý niệm vô lượng vô biên của tâm hạnh Bồ tát"

Nhân khóa tu thiền tại chùa Từ Tân Q. Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh được tổ chức từ ngày 21 – 23/10/2016, sáng ngày 23/09/Bính Thân (23/10/2016 ), TT.Thích Chân Quang đã thuyết giảng đề tài "Ý niệm vô lượng vô biên của tâm hạnh Bồ tát".

Nhìn pháp hội tại một ngôi chùa mà số người đến thính Pháp hàng tháng rất đông, lại ngày càng trẻ hóa. Sự thu hút này cho thấy mọi người đều nhận được sự thanh tịnh và đầy đủ ý nghĩa ngay trong Pháp hội ấy. Đây thật sự là pháp hội đúng với ý nghĩa của hoằng Pháp.
 
Bài Pháp thoại "Ý niệm vô lượng vô biên của tâm hạnh Bồ tát" là bài kế tiếp trong loạt bài về "Bồ tát Đại thừa" mà Thượng tọa đã thuyết giảng gần 2 năm nay ở mỗi khóa tu Thiền tại chùa Từ Tân. 
 
Mở đầu bài pháp thoại, Thượng tọa khẳng định việc gặp được phật pháp, hiểu được tâm hạnh của Bồ tát Đại thừa rất quan trọng, quyết định đến sự tiến hóa và phát triển của loài người. Nghĩa là, nếu không gặp được phật pháp, không hiểu được tâm hạnh của Bồ tát thì dù là trước đây, bây giờ hay sau này, con người vẫn mãi mãi chỉ như vậy. Tức là, khi nghĩ đến một điều gì đó, chúng ta chỉ dừng lại ở một chừng mực, một giới hạn của kẻ phàm phu. 

Không chỉ là suy nghĩ, ước mơ của ta cũng là sao chép, bắt chước lại của những người xung quanh. Một vài trường hợp vì đủ thông minh, đủ trí tuệ nên khi bắt gặp một thần tượng, họ lại hướng về mục tiêu khác. Nhưng đa số, ước vọng của ta thường có khuôn mẫu, giới hạn nào đó chứ không có cái vô lượng vô biên.

Tuy nhiên, nếu bất ngờ gặp và cảm động trước một nhà sư – vị ấy đã gieo cho ta một ý niệm vô lượng vô biên trong phật pháp, lúc này tâm ta mới tan ra thành pháp giới bao la. Nhờ đó, ta mới hình dung thấy có những điều vô hạn chứ không phải giới hạn. Từ đây, ta bước vào một thế giới, một trạng thái, một tâm hồn và một hướng đi hoàn toàn mới.

Đến đây, ta mới chỉ nghĩ được ý niệm “Vô lượng vô biên” thôi, còn để hình dung nó như thế nào, ta phải nghe bài kệ:

“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ; Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn; Pháp môn vô lượng thệ nguyện học; Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”

Hầu hết chúng ta chỉ ý niệm được “Vô biên vô lượng” là cái gì đó không biên giới, vô hạn, nhưng chưa thể hình dung ra nó là cái gì cho đến ngày ta trở thành Bồ tát. Cho nên, Thượng tọa cho rằng mọi người tuy chăm chú nghe bài Pháp thoại này, nhưng chưa chắc đã hiểu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên nghe để cảm nhận, ngưỡng mộ và gieo cái nhân lành, cái phước vô lượng đến cho cuộc đời mình. 

Theo Thượng tọa, cái “Vô lượng vô biên” đầu tiên chính là Phật quả. Chúng ta biết đức Phật đắc đạo sau 49 ngày thiền định dưới gốc cây bồ đề, nhưng lại không hiểu được Ngài đắc cái gì. Ta chỉ nghĩ đó là cái rất cao siêu. Nhưng chỉ cần nghĩ được bằng đó thôi, ta đã có một chút phước rồi. Ai mà cảm nhận, hiểu sâu được sự đắc đạo của Phật chừng nào thì phước lớn chừng ấy.

Để các phật tử cảm nhận được sự vĩ đại, sự tuyệt đối trong Phật quả, Thượng tọa đã phân tích thế nào là sự bao la, rộng lớn của vũ trụ. Tuy nhiên, để hình dung được thì não ta không đủ sức. Vậy nên, các nhà khoa học mới nói “Cộng tất cả những hạt cát trên các dòng sông của thế giới này thì ta hiểu được số lượng của các thiên hà, các ngôi sao”. Câu nói này trùng với câu “Hằng hà sa số” trong kinh Phật. 

Người giải thích “Hằng hà sa số” là câu thành ngữ để chỉ số lượng rất nhiều, không thể đếm được. Còn theo nghĩa đen “Hằng hà sa số” dùng ám chỉ số cát sông Hằng bên Ấn Độ. Câu nói, hình ảnh này được nhắc đến rất nhiều trong các quyển kinh, nhưng từ xưa đến nay con người vẫn không thể hình dung ra vì nó vượt ngoài tư duy. 

Vì những ý niệm về vũ trụ đó mà ngay nay các nhà khoa học thực sự choáng váng khi tìm hiểu về đạo Phật. Họ thấy rằng, bây giờ con người mới tạm hiểu một phần nào đó, nhưng hơn 2500 năm về trước, đã có người hiểu và nói về điều này một cách tường tận, thấu đáo. Vì thế, người ta càng tin rằng đạo Phật thực sự được mở ra bởi một đấng giác ngộ cao siêu. Đây cũng là lí do mà ngày càng nhiều người tri thức lớn âm thầm hướng về đạo Phật.

Ngoài ra, nhiều tín đồ của các tôn giáo khác cũng thực sự yêu mến đạo Phật nhưng vì tình cảm gắn bó với gia đình, với tôn giáo cũ mà họ không dứt ra được. Đây là những người tiến bộ, không bị đóng khung trong tôn giáo của mình nữa. Họ đã tìm thấy mẫu số chung trong tâm linh của nhân loại nơi đạo Phật. Đồng thời, họ cũng hiểu rằng nhân loại này cần một tôn giáo chung để sống yêu thương, hòa bình, tử tế với nhau, đẩy lùi đi sự thù hận, phân chia. Những người này thực sự đáng được tán dương khi biết vượt khỏi tôn giáo của mình để tìm thấy một tâm linh chung của nhân loại.
 
Nói về cái biết của Phật hay nói về thế giới thôi ta đã thấy vô lượng vô biên. Còn cái chứng của Phật trong vũ trụ này như thế nào mới thực sự là khủng khiếp.

Ví dụ Ngài Anuruddha đắc A La Hán và chứng được cả Thiên nhãn đệ nhất. Ta biết vị A La Hán nào cũng chứng Thiên nhãn thông hay Thiên nhãn minh, nhìn được tất cả các cõi (nhìn lên tới cõi trời, nhìn xuống tới cõi địa ngục, nhìn tam giới thấy hết). Duy chỉ có Ngài Anuruddha thấy vượt hơn tất cả. Ngài thấy được tam thiên đại thiên thế giới như nắm một trái xoài trong lòng bàn tay. Nghĩa là Ngài thấy rõ mọi điều của một thiên hà trong cái nhập định chỉ mất 1 giây, nơi mà ánh sáng đi từ đầu này đến đầu kia phải mất 22 ngàn năm. Vậy nên, cái biết – cái cảm ứng của một vị A La Hán vượt hơn cấp độ ánh sáng rất nhiều lần. Nhân đây, Thượng tọa chứng minh cho thấy kiến thức phật pháp liên quan đến khoa học rất nhiều. Cho nên càng hiểu khoa học, chúng ta càng thấm Phật pháp.

Lại thêm, vũ trụ không phải hư vô. Để hiểu điều này, đầu tiên ta phải biết không gian là gì? Chúng ta hay bị lầm không gian là trống rỗng, không có gì nhưng thực ra, nó đặc sệt. Điều này Đức Phật không hề nói dù Ngài biết và biết còn nhiều hơn thế nữa, vì sợ chúng sinh không đủ hiểu, kiến thức khoa học thời đó cũng không đủ để tiếp nhận. Ngày nay, chúng ta biết tới tế bào, ADN, rồi ta biết về vật lý thiên văn… mênh mông như vậy. Dĩ nhiên có nhiều điều ta chưa biết, thì dựa vào những kiến thức này mà nếu có một đức Phật giác ngộ, Ngài sẽ sửa lại những kiến thức của chúng ta về vũ trụ, về ADN, về tế bào, v.v… và ta sẽ thấy cực kì thú vị. Còn thời đức Phật, ta không biết gì hết, nội cái 215 là đã không biết rồi, nên đừng nói gì xa xôi. Do đó, đức Phật chỉ nói những điều chừng mực trong đạo lý để tu tập thôi, lâu lâu Ngài mới hé ra chút xíu.

Ví dụ, trong kinh Tiểu bộ, đức Phật đã nói rất nhiều về vật lý, thiên văn, vũ trụ trong lúc thầy trò ngồi với nhau. Nhưng, sau đó, khi tập kết kinh Phật, có nhiều điều khó hiểu quá nên các vị biên soạn họ lược bỏ mất. Vậy nên, nhiều kiến thức lớn của Phật pháp liên quan đến vũ trụ, pháp giới đã bị bỏ sót. Đây cũng là điều đáng tiếc.

Chúng ta không thể hình dung nổi nhưng đức Phật thì “Một ngàn tỷ thiên hà trong vũ trụ đều biết rõ”. Ngài đạt tới mức vô lượng vô biên, biết hết những dạng sống, những bậc giác ngộ, nghiệp chúng sinh,… Vậy nhưng, đức Phật không thể nói tất cả với chúng sinh vì những điều Ngài chứng quá khủng khiếp, chúng sinh không thể hiểu nổi. Cho nên, khi thấy quả chứng của mình, Ngài ngồi im lặng, không khởi tâm giáo hóa. Khi đó, Vua cõi trời Phạm Thiên biết đức Phật nghĩ như vậy, liền từ trên trời bay xuống tận nơi, tới trước làm lễ, rồi quỳ gối chắp tay cung kính thưa với Ngài rằng:

- Kính lạy Đức Thế Tôn! Vừa đây con được biết ý niệm của Ngài, vì thấy chúng sinh điên đảo khó giáo hóa, nên Ngài muốn vào Niết Bàn, vậy con tới đây xin cầu thỉnh Ngài ở lại truyền Pháp cho đời, khiến ánh sáng chân lý lan tràn khắp cõi nhân gian thiên thượng muôn loài được thấm nhuần đức hóa, thoát qua khỏi luân hồi sinh tử trong sáu thú, đời đời được an vui tự tại nơi Phật quốc. Kính xin Ngài hoan hỷ nhận lời thành kính cầu thỉnh của con. 

Thế là đức Phật bắt đầu động tâm, bước vào hành trình 45 năm thuyết Pháp rồi nhập Niết bàn. Dù không thể ngộ được những điều như Phật, nhưng sự giáo hóa này đã giúp chúng sinh tăng được sự thánh thiện, cao quý trong tâm linh hướng thượng của mình. Do đó, người nào tin rằng: “Đức Phật đắc đạo là biết hết toàn bộ vũ trụ. Và nếu phát thần lực là chấn động cả vũ trụ” thì mở ra cho mình con đường công đức đi đến sự giác ngộ. 

Nói vậy, nhưng tất cả đều có nhân quả. Chúng ta không biết gieo nhân gì để đắc đạo thành Phật, biết tất cả pháp giới vũ trụ, nhưng nhân đó phải là vô lượng vô biên. Người chỉ rằng nhân vô lượng vô biên này chính là tâm hạnh Bồ tát.

Một vị tu hạnh Bồ tát, trước hết phải mở ước mơ của mình đến vô biên, vì đây là nhân quả đầu tiên của sự vô tận. Tuy nhiên, ước mơ vô tận mà không hão huyền. Tâm và trí của Bồ tát không cho phép mình có giới hạn, nên khi được hỏi về ước mơ, các vị ấy nói “Duyên tới đâu con làm tới đó, không có giới hạn”. Rất là thực tế, không hề có tham vọng cá nhân! Dù ở vị trí nào, các vị ấy cũng trở thành một bậc thầy mẫu mực, đạo đức, giáo hóa đối với những người xung quanh. Từ duyên này đến duyên khác, mỗi duyên, mỗi vị trí, các vị Bồ tát đều tự biết đó là cơ hội để bồi đắp công đức, giáo hóa chúng sinh, lợi lạc mọi người. Từng bước chân đi, từng giây phút sống đều nguyện vì chúng sinh.

Bồ Tát có thể mở lòng được vô tận vì Ngài có trí tuệ siêu phàm. Trí tuệ này xuất hiện từ lúc tâm vị kỷ được thay thế bằng tâm vị tha. Lúc đó, mọi giới hạn đều bắt đầu tan vỡ. Chúng ta còn vị kỷ của kẻ phàm phu, chính cái vị kỷ đó làm ta bị giới hạn.

Khi tâm vị tha mở ra, trong mắt, trong tâm các vị Bồ tát chỉ thấy vô lượng chúng sinh, không còn thấy mình nữa. Hành trình giáo hóa chúng sinh, làm lợi ích cho chúng sinh vì thế mà cũng vô lượng kiếp. Vậy nên, Chư Tổ mới có câu tứ hoằng thệ nguyện, rằng: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Nghĩa là tâm của Bồ tát khởi lên một mục tiêu vô biên vô lượng. Đây cũng là cái nhân đầu tiên để đắc quả thành Phật.

Giảng đến đây, Thượng tọa nhắc lại: Khi tâm vị kỷ tan biến thì ý niệm về vô lượng vô biên vì chúng sinh cũng bắt đầu xuất hiện. Chúng sinh mà vô biên vô lượng thì cõi giới, thời gian hay những kiến thức của vũ trụ cũng vô biên vô lượng. Do vậy, Bồ tát chứng tới đâu thì bắt đầu hiểu về con người và thế giới đến đó. 

Khoa học cũng tìm hiểu vũ trụ, tìm hiểu thế giới nhưng không phải bằng con đường tâm linh mà bằng những tính toán, thí nghiệm, đo đạc rất vất vả. Còn các vị Bồ tát, bằng trí tuệ chứng đạo của mình, các vị đã biết rất nhiều điều trong vũ trụ này, kể cả những điều sâu thẳm mà khoa học không biết.

Để các phật tử hiểu hơn về điều này, Người đã phân tích sự hình thành của vũ trụ thông qua sự vận động của các nguyên tử Hidro. Đây là nguyên tử đơn giản nhất trong hệ thống bảng tuần hoàn nhưng sự vận động của nó cực kì phức tạp. Nhờ những sự vận động như vậy mà vũ trụ của ta mới được hình thành. Như vậy mới thấy, mọi thứ xung quanh ta đều có quá trình hình thành và phát triển theo một chu trình nhất định. Tuy nhiên, để hiểu được chu trình đó ta phải có một nền tảng kiến thức cực kì sâu rộng.

Không chỉ quá trình hình thành vũ trụ mà ngay cả chúng sinh cũng cực kì phức tạp. Thượng tọa khẳng định đến cả người gần ta nhất cũng không thể hiểu rõ ta. Vì thế, việc độ chúng sinh của Bồ tát cũng không hề dễ. Các Vị ấy phải có hạnh nguyện hết sức đa dạng, phong phú, biến hóa linh động, uyển chuyển, tùy theo tâm lí và cái nghiệp của từng người mới có thể độ hết tất cả chúng sinh. Cái quan trọng nhất là nói sao để chúng sinh nghe theo, biết tin vào nhân quả, sau đó từ từ tu để được giác ngộ giải thoát. 

Học theo Bồ tát, chúng ta đừng gặp ai là nói ngay đến các đạo lí cao siêu hay sự giác ngộ giải thoát sớm, vì người có thể hiểu được những điều này thì phải có công đức rất lớn. Bình thường, tin vào nhân quả thôi đã là một nền tảng vững chắc rồi. Vậy nên, khi bắt đầu thực hành hạnh Bồ tát, làm lợi ích chúng sinh, ta phải nhớ điều cần giáo hóa đầu tiên là luật nhân quả và giáo hóa làm sao cho sinh động, hấp dẫn. Đây là công đức đầu tiên của ta.

Học theo hạnh của Bồ tát rất khó vì nó cực kì phong phú, không có giới hạn. Tuy nhiên, khi bắt đầu học nó, trí tuệ và cái phước của ta được mở mang dần. Học và thực hành càng sâu, càng nghiêm túc thì con đường dẫn đến quả chứng Thánh của ta càng ngắn và dễ đi. Lại nữa, kiến thức của vũ trụ là vô hạn nên trí tuệ của Bồ tát luôn thôi thúc ta lúc nào cũng phải học hỏi. Tuy nhiên, việc học hỏi này phải bình thản, tự nhiên, chứ không phải theo kiểu học vẹt, biến mình thành con mọt sách. Biết nhiều là một sự thôi thúc tự nhiên của trí tuệ. Khi có trí tuệ, ta sẽ hiểu được câu nói rất nổi tiếng của nhà Bác học Newton, rằng: "Những điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước. Những gì chúng ta chưa biết là cả một đại dương". Nói được câu này thôi, ta thấy trí tuệ của nhà Bác học này đã là trí tuệ của Bồ tát rồi. Nghĩa là người có tâm Bồ tát thì luôn tâm niệm những điều mình biết thật nhỏ bé và chưa bao giờ là đủ. Thế nên, họ lúc nào cũng học hỏi và đón nhận kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi một cách tự nhiên. Bên cạnh việc hiếu học, các vị Bồ tát còn rất khiêm hạ, tâm lúc nào cũng khởi lên lòng tôn kính với các bậc Thánh. Sự khiêm hạ này cũng là vô biên vô tận, không còn vướng víu một hạt bụi. Gặp ai các vị ấy cũng lạy được, nhưng sợ người khác bị tổn phước, nên các Ngài luôn cân nhắc, cẩn trọng trong từng hành động của mình.

Nhân đây, Thượng tọa cho biết: Nhiều khi chúng ta bị tổn phước không phải do mình mà do hành động của người khác. Một lời khen của người khác thôi cũng khiến ta tổn phước rồi. Lời khen cũng là một đạo đức, nhưng nhiều khi lại hại người được khen. Vậy nên, ta khen ở một chừng mực nào đó để người được khen không bị tổn phước, người xung quanh cũng đủ nghe để bắt chước. Thế thôi.

Vì tâm khiêm hạ vô lượng nên các vị Bồ tát thích gặp các bậc Thánh để thừa sự, đảnh lễ, cúng dường, bày tỏ sự tôn kính của mình. Cái tâm này rất kì lạ, nhưng nó trở thành niềm hạnh phúc của Bồ tát. Bên cạnh đó, những việc này cũng mang lại công đức vô biên vô lượng. Cũng vậy, các phật tử nếu lúc nào cũng khởi lòng kính ngưỡng với các bậc chân tu, biết thừa sự, cúng dường thì công đức cũng được tăng lên nhanh chóng.

Theo Thượng tọa, việc đảnh lễ, tôn kính Phật chính là chúng ta đang tập hạnh của Bồ tát. Lễ độ, tôn kính người trên là điều mà ta được học từ nhỏ, nhưng khi lớn lên, biết tu tập rồi thì cái tâm này còn mãnh liệt hơn. Nó chính là dấu hiệu hạnh tôn kính, khiêm hạ vô lượng của Bồ tát. Ngược lại, nếu không khởi được tâm đó thì ta chỉ là kẻ phàm phu tầm thường.
 
Cuối cùng, Người khẳng định: Ai nghe được bài Pháp này mà tin hiểu thì mở ra một công đức cho tâm hồn mình. Để cái phước và công đức này lớn thêm thì ta nên truyền đạt lại bài Pháp cho người khác. Tuy nhiên, đừng nói những điều quá cao với người chưa sẵn lòng nghe, vì nếu họ phản kháng là gieo nhân xuống địa ngục. Những điều cao siêu chỉ nói với những người đủ thiện căn, đủ tâm hồn và trí tuệ nghe thôi. Vậy thì ta mới vừa giúp được người khác, lại vừa giúp được bản thân mình.

Đây thực sự là một bài Pháp khó, đòi hỏi người nghe phải có một trí tuệ rộng và có tâm ham học hỏi. Tuy nhiên, để các phật tử có thể bao quát được những điều cốt lõi, Thượng tọa đã khéo léo tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực trong đời sống cũng như trong Kinh điển bằng những ví dụ đơn giản gần gũi. Qua đó, giúp mọi người hiểu rõ hơn về tâm hạnh cũng như con đường để chứng quả Phật của các vị Bồ tát. Đây chính là kim chỉ nam cho chúng ta suy ngẫm thực hành theo.

Bên cạnh đó, bài Pháp còn mang đến thông điệp rằng: Mọi thứ trong vũ trụ đều vô biên vô hạn. Để hiểu hết được chúng, ta phải mở được lòng mình đến vô lượng. Đồng thời, lúc nào cũng phải biết mình nhỏ bé, lúc nào cũng phải học hỏi trong sự khiêm hạ. Như vậy, ta mới đủ trí tuệ, đủ phước đức để hiểu hết mọi thứ xung quanh mình. Hiểu thấu đáo mọi việc chính là điều kiện đầu tiên để ta có những ứng xử phù hợp, thực hành hạnh của Bồ tát một cách đúng đắn là vậy.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm