Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Từ điển phật học online
Từ điển Phật học được sắp xếp theo thứ tự từ A đến Z
A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z

Bạn đang tìm kiếm để hiểu ý nghĩa của từ khóa . Ý nghĩa của từ A Di Đà Phật theo Tự điển Phật học như sau:

có nghĩa là:

(s: Amitāyus, Amitābha; t: Dpag-tu-med, Dpag-yas, j: Amidabutsu, 阿彌陀佛): tên gọi của một vị Phật rất quan trọng trong Phật Giáo Đại Thừa, giáo chủ của thế giới Tây Phương Cực Lạc, còn gọi là A Di Đa Phật (阿彌多佛), A Nhi Đa Phật (阿弭跢佛), thường được gọi là A Di Đà Phật hay A Di Đà Như Lai, gọi tắt là Di Đà. Nguyên bản Sanskrit có hai chữ: Amitāyus có âm dịch là A Di Đa Sưu (阿彌多廋), nghĩa là người có thọ mạng vô hạn hay vô lượng thọ; còn Amitābha có âm dịch là A Di Đa Bà (阿彌多婆), là người có ánh sáng vô hạn hay vô lượng quang; nhưng cả hai đều được phiên âm là A Di Đà. Trên thực tế, nguyên ngữ Amitābha được dùng khá phổ biến. Về xuất xứ của danh hiệu A Di Đà Phật này, trong A Di Đà Kinh (阿彌陀經) do Cưu Ma La Thập (s: Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413) dịch, có đề cập đến. Vị Phật này có ánh sáng vô lượng, tuổi thọ vô lượng, cho nên được gọi là A Di Đà Phật. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào bản tiếng Sanskrit A Di Đà Kinh (阿彌陀經) và Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh (稱讚淨土佛攝受經), vị Phật này có tuổi thọ vô số, ánh sáng vô biên, cho nên được gọi là Vô Lượng Thọ Phật và Vô Lượng Quang Phật. Riêng trong Bình Đẳng Giác Kinh (平等覺經) có bài kệ của A Di Đà Phật, còn trong Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, v.v., có danh hiệu khác là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật hiện trú tại thế giới thanh tịnh tên Cực Lạc. Kinh điển lấy tín ngưỡng A Di Đà Phật làm chủ đề có 3 bộ kinh của Tịnh Độ là Vô Lượng Thọ Kinh (s: Sukhāvatīvyūha-sūtra, 無量壽經), Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經) và A Di Đà Kinh (阿彌陀經); cho nên trên cơ sở của ba kinh này Tịnh Độ Giáo được thành lập. Theo Vô Lượng Thọ Kinh, quyển thượng, trong đời quá khứ xa xưa thời đức Thế Tự Tại Vương Phật (世自在王佛) trụ thế, có vị quốc vương phát tâm vô thượng, xả bỏ vương vị xuất gia, tên là Bồ Tát Pháp Tạng (s: Dharmākara, 法藏, hay Tỳ Kheo Pháp Tạng). Vị này theo tu tập với Thế Tự Tại Vương Phật, phát 48 lời thệ nguyện để cứu độ chúng sanh và sau một thời gian tu hành lâu xa, ngài thành tựu bản nguyện của mình và được thành Phật. Vị Phật này chính là A Di Đà Phật. Cho đến hiện tại ngài vẫn đang thuyết pháp tại thế giới gọi là Cực Lạc (s: Sukhāvatī, 極樂), cách đây khoảng 10 vạn ức Phật độ về phía Tây. Ngài thường tiếp dẫn những người niệm Phật vãng sanh về cõi Tây Phương Tịnh Độ, cho nên được gọi là Tiếp Dẫn Phật. Thông thường tượng A Di Đà Tam Tôn có hai vị Bồ Tát Quan Âm (s: Avalokiteśvara, 觀音) và Thế Chí (s: Mahāsthāmaprāpta, 勢至) đứng hầu hai bên, cho nên hai vị này cùng với Phật A Di Đà được gọi là Tây Phương Tam Thánh. Theo Bát Nhã Tam Muội Kinh (般若三昧經) quyển thượng cho biết rằng đức Phật A Di Đà có 32 tướng tốt, ánh sáng chiếu tỏa khắp, hùng tráng không gì sánh bằng. Đặc biệt, theo lời dạy trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh cho thấy rằng thân của đức Phật Vô Lượng Thọ có trăm ngàn sắc màu vàng rực như vàng Diêm Phù Đàn (s: jambūnadasuvarṇa, 閻浮檀) của Trời Dạ Ma (s, p: Yāma, 夜摩), cao 60 vạn ức na do tha (s: nayuta, niyuta, 那由他) Hằng hà sa số do tuần (s, p: yojana, 由旬). Giữa hai lông mi của ngài có lông mi trắng uyển chuyển xoay về bên phải, tướng lớn nhỏ của lông mi có độ cao gấp 5 lần núi Tu Di (s, p: Sumeru, 須彌山). Mắt của ngài trong trắng, rõ ràng, có bề ngang rộng gấp 4 lần nước biển lớn. Thân ngài có 84.000 tướng tốt, trong mỗi mỗi tướng như vậy có 84.000 ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới, thâu nhiếp các chúng sanh niệm Phật. Tại Tây Tạng, Phật A Di Đà được xem như hai vị Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ; nếu ai mong cầu có trí tuệ thì quy y Phật Vô Lượng Quang, ai mong cầu tuổi thọ và phước lạc thì quy y Phật Vô Lượng Thọ. Trong Mật Giáo, Phật A Di Đà được xem như là diệu quang sát trí của Đại Nhật Như Lai (s: Vairocana, 大日如來), được gọi là Cam Lồ Vương (s: Amṛta-rāja, 甘露王). Trong Kim Cang Giới Mạn Trà La (金剛界曼茶羅), ngài được gọi là A Di Đà Như Lai có thân thọ dụng trí tuệ, nằm ở trung ương vòng nguyệt luân phía Tây. Thân của ngài có sắc vàng ròng, tay bắt ấn Tam Ma Địa (s, p: samādhi, 三摩地), chủng tử là hrīḥ, mật hiệu là Thanh Tịnh Kim Cang, và hình Tam Muội Da là hoa sen. Trong Thai Tạng Giới Mạn Trà La (胎藏界曼茶羅), ngài được gọi là Vô Lượng Thọ Như Lai, nằm ở phía Tây, trong đài có 8 cánh sen. Thân ngài có sắc màu vàng trắng hay vàng ròng, mắt nhắm lại, thân nhẹ như tà áo, ngồi xếp bằng trên tòa sen báu, tay bắt ấn nhập định, chủng tử là saṃ, mật hiệu là Thanh Tịnh Kim Cang, và hình Tam Muội Da là hoa sen vừa mới hé nở. Tại An Lạc Lâm (安樂林), Bạch Vân Am (白雲菴), thuộc Từ Khê (慈谿), Ninh Ba (寧波), Tỉnh Triết Giang (浙江省) có câu đối như sau: “Nhất cú Di Đà hữu thể hữu tông hữu dụng, tam thiên thế giới tức không tức giả tức trung (一句彌陀有體有宗有用、三千世界卽空卽假卽中, một câu Di Đà, có thể có tông có dụng, ba ngàn thế giới là không là giả là trung).” Hay tại Phổ Đà Tự (普陀寺) ở Hạ Môn (廈門), Tỉnh Phúc Kiến (福建省南) cũng có câu đối tán thán công hạnh của đức Phật A Di Đà như: “Di Đà thủ tiếp Liên Trì khách, chúng sanh tâm quy Cực Lạc bang (彌陀手接蓮池客、眾生心歸極樂邦, Di Đà tay rước Liên Trì khách, chúng sanh tâm về Cực Lạc bang).” Đào Duy Từ (1572-1634) có câu thơ rằng: “Những khi khói tỏ yên hà, mảng âu mây cuốn Di Đà Tây Thiên.” Hay trong truyện Phan Trần cũng có câu: “Tam Quy Ngũ Giới chứng tình, xem câu nhân quả niệm kinh Di Đà.”

Trên đây là ý nghĩa của từ trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.

Cảm ơn bạn đã truy cập Tự điển Phật học online trên trang nhà.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa Phật học khác có cùng ký tự tương ứng trên Tự điển Phật học online:

Ấn khế 印契 á á a a á a á (hoạ) á a a a!
Tự điển Phật học online được cung cấp bởi Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.