Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/06/2017, 10:12 AM

Tu là chuyển nghiệp và dứt nghiệp

Người khôn ngoan, sáng suốt sẽ chọn cho mình con đường lành để sống đời an vui, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Đó là then chốt của việc tu hành ngay từ ý nghĩ của mình, rồi phát ra lời nói và dẫn đến hành động mà chúng ta cần phải biết rõ ràng để tu hành cho được lợi lạc ngay trong giờ phút hiện tại.

Ngày xưa, có một ông quan nổi tiếng là liêm chính, trong sạch, nghe đồn Thiền sư Ô Sào là một vị cao tăng đắc đạo nên mới tìm đến thưa hỏi đạo lý. Khi tới nơi, ông ta thấy chỗ tu của Thiền sư Ô Sào ở tuốt trên cháng ba của một cây cổ thụ. Chỗ ngài ở giống như ổ quạ, nên người đời thường gọi ngài là Thiền sư Ô Sào, tức thiền sư ổ quạ. Thấy chỗ ở của thiền sư nguy hiểm quá, ông ta mới la lên. Khi nghe vậy, thiền sư bảo, “chính chỗ ở của quan mới thật là nguy hiểm”.
  
Thiền sư tuy ngồi trên cây cao thấy dường như nguy hiểm, nhưng ngài đang chuyển hóa từng tâm niệm tham, sân, si của mình trở thành vô lượng trí tuệ, từ bi, nên cuộc sống lúc nào cũng an ổn, nhẹ nhàng. Còn làm quan đứng trước bàn dân thiên hạ, trên phải phục tùng đức vua, dưới thì phải có trách nhiệm lo cho dân chúng, nếu sơ sẩy một chút thì bị vua truất phế, nếu không giúp ích gì được cho mọi người thì bị dân tình trách móc, than oán, kêu ca.

Làm quan thì bị trên đe, dưới búa, nên khó lòng làm tốt đẹp cả hai bên, được lòng vua thì mất lòng dân chứ hiếm khi nào được cả hai, vì lòng tham lam của con người như giếng sâu không đáy. Cho nên, thiền sư mới nói chỗ của quan đang làm việc mới thật là nguy hiểm. Nghe xong, Bạch Cư Dị chợt tỉnh, nên đê đầu tạ lễ sám hối, rồi ông đứng dưới đất nhìn lên hỏi: “Kính bạch Hòa thượng, nghe danh ngài đã lâu, hôm nay mới được gặp mặt, xin Hòa thượng từ bi thương xót chỉ dạy cho tôi phương pháp tu hành ngắn gọn, dễ hiểu để tôi có thể y theo đó mà hành trì.
 
Thiền sư Ô Sào ở trên nói xuống:
“Không làm các việc ác
Hay làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy”.
   
Bạch Cư Dị nghe qua, liền cười và nói: “Hòa thượng dạy tôi bài kệ ấy để làm gì, vì con nít tám tuổi cũng thuộc”.

Thiền sư Ô Sào nói: “Phải, ông nói không sai, con nít tám tuổi cũng thuộc, nhưng mà ông già tám mươi tuổi làm suốt đời cũng chưa xong”.

Chúng ta tu là cốt để chuyển ba nghiệp ác của thân, miệng, ý trở thành ba nghiệp thiện lành, tốt đẹp. Bài kệ trên ai vừa nghe qua tưởng là dễ nhớ và rất dễ thực hành, nhưng trên thực tế, khi đi vào kinh nghiệm tu hành thì không đơn giản và dễ dàng như vậy, vì chúng ta tình thức mênh mang, chủng tử tập khí sâu dày.

Từ vô thủy kiếp, chúng ta đã huân tập không biết bao nhiêu là thói quen tốt xấu lẫn lộn, vừa bỏ được thói xấu này để phát huy điều tốt nọ, thì lại có dư tập khí xấu khác đang ngủ ngầm trong ta và vì thế ta cứ sai lầm mãi, có khi đi suốt cuộc đời cũng chưa xong, tâm ta vẫn còn lăng xăng, lộn xộn, bất an hoài, hết theo cái này lại bám cái kia, nào là tiền tài, sắc đẹp, lợi danh, nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc ấm, ngủ nhiều, nghĩ chuyện này chưa hết lại đến chuyện kia, cứ thế mà không có phút giây nào dứt suy nghĩ.

Cho nên, người biết tu là luôn khôn ngoan, sáng suốt, quay nhìn lại chính mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, rỗi rảnh hay bận rộn, giàu sang hay nghèo hèn, nếu ta biết cách vẫn có thể tu được. Trước tiên, ta phải quyết chí dừng nghiệp xấu ác, rồi ta tùy theo hoàn cảnh mà ra công giúp đỡ người nghèo khổ, người không có tiền thì giúp bằng tấm lòng, an ủi sẻ chia, kẻ giàu có thì giúp người bằng tiền của, vật chất. Tu chính là nền tảng vững chắc để ta xây dựng cuộc đời hiện tại được vui tươi, đẹp đẽ hơn, và tạo cơ hội cho đời sau càng được vuông tròn, tốt đẹp, hoàn chỉnh về mọi mặt.

Muốn vậy, ta phải biết tu từ tâm ý của mình và trọn đời cố gắng, tránh tất cả các điều ác, hay làm tất cả các việc lành. Đạo Phật được coi là đạo cứu khổ ban vui, là chỉ cho mọi người con đường hướng thiện để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Điều quan trọng hơn hết là khi ta hiểu được Phật pháp, biết rõ con đường đưa tới an lạc dài lâu thì ta phải cố gắng bền bỉ duy trì, thực hiện cho đến khi nào được mới thôi. Còn nếu chúng ta biết rõ con đường thiện lành đưa tới an lạc, hạnh phúc mà ta chẳng chịu tu, cứ một bề cầu khẩn, van xin thì biết đến khi nào mới hết phiền não, khổ đau.

Người khôn ngoan, sáng suốt sẽ chọn cho mình con đường lành để sống đời an vui, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Đó là then chốt của việc tu hành ngay từ ý nghĩ của mình, rồi phát ra lời nói và dẫn đến hành động mà chúng ta cần phải biết rõ ràng để tu hành cho được lợi lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Khi thấy ai nghèo khó, ta biết khởi nghĩ thương kính, quý trọng bậc hiền đức, tìm cách giúp đỡ người khốn khổ, bất hạnh qua cơn thiếu thốn, khó khăn.

Về ý nghiệp có phần vi tế hơn, với người khéo tu sẽ nhìn thấy rõ ràng từng vọng niệm của mình, nó như thế nào ta biết rõ như thế đó, thì vọng niệm tự tan, đây là cách tu của người đã nhận ra chân tâm trong sạch và sáng suốt. Như khi đang ngồi chơi hay đi, hoặc làm việc, khởi nghĩ buồn, ghét, giận người, biết đó là ý xấu, làm tổn hại tâm ta nên liền dừng lại, không cho nó chạy theo.

Đó là ta biết chuyển nghiệp ý ác thành nghiệp ý thiện, giúp người, cứu vật. Khi đi đường, gặp người già yếu đi đứng khó khăn, ta đến an ủi, động viên, chia sẻ, nhường lối đi, nhường chỗ ngồi, đưa qua đường, bưng xách nặng dùm người. Đó là ta biết tu thân, miệng thiện, tu trong công ăn việc làm, tu ngoài đường, tu ngoài chợ và tu trong mọi hoàn cảnh.
   
Còn nghiệp lành cũng vậy, giả sử chúng ta đi đường gặp người bệnh tật đang nằm rên rỉ bên đường, chúng ta khởi lòng thương đem họ vô lề đường rồi kêu xe chở tới bệnh viện để chữa trị. Tuy nhiên, Phật dạy nghiệp là cái không thật, vì nó không cố định có thể thay đổi được. Như vậy, tình thương đối với con người không hình dáng, tướng mạo cụ thể. Nhưng khi theo nó thì ta tạo nghiệp lành, thân - miệng - ý nói, làm lợi ích cho người. Cái gốc tạo nghiệp ác hay nghiệp lành bản chất của nó tuy không có thật, nhưng khi ta theo nó thì sẽ tạo thành nghiệp lành hay nghiệp dữ. Nhưng khi tạo nghiệp thì mắt thấy, tai nghe, thân cảm thọ, chủng tử nghiệp đã chứa vào tàng thức rồi, khi hội đủ nhân duyên thì sẽ cho ra kết quả.
   
Qua câu chuyện trên, ta biết ông quan này là một nhà thơ, nên có học lóm đôi chút thiền ngữ. Ông ta cứ ngỡ rằng thiền sư là phải dùng ngôn ngữ sống để khai thị, nào ngờ chỉ là bài kệ thông thường, nên ông ta khinh khỉnh nói rằng, “hòa thượng dạy con bài kệ con nít tám tuổi cũng thuộc”. Ông quan này mới học hiểu đôi chút liền tự hào hãnh diện, cho rằng thiền sư thứ thiệt thì phải nói thiền ngữ để chỉ dạy. Thiền sư biết ông quan này tình thức mênh mông, chủng tử tập khí sâu dày, nên chỉ cho ông bài kệ tóm lược lời Phật dạy, “không làm việc ác, lại làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch”, thì ngay nơi đó là Niết bàn, vô sinh.
    
Nhưng muốn làm được như bài kệ trên thì cả một đời cũng chưa chắc đã xong. Như chúng tôi là người đã từng tu học ở trong thiền viện nhiều năm, không phải bận bịu, lo lắng việc đời mà việc tu còn trầy da, tróc vẩy, huống gì người thế gian. Còn ông quan này, trên bị đe dưới bị búa, làm sai một chút liền bị vua truất phế, được lòng dân mà trúng ông vua mê muội thì cũng tiêu đời nhà ma luôn.
    
Thiền ngữ thường dùng để đối chất các vị đã có quá trình công phu miên mật, đang kề cận bên bờ giải thoát, nên thiền sư dùng để phá chấp và kiểm nghiệm sự tu hành của người kia coi có phải là thứ thiệt hay không? Nếu là thứ thiệt thì gươm bén kề cổ cũng chẳng sao, vì thân này đã không thật, huống hồ là cái đầu, đó là lời của Tổ Sư tử nói khi bị vua hành quyết.
   
Còn chúng ta là những phàm phu tục tử còn bận rộn chuyện gia đình, xã hội nên phải thứ lớp tu hành. Trước tiên, ta phải làm được một người bình thường, kế đến là người hiền, rồi đến người Thánh và sau đó mới khởi nguyện hành Bồ tát đạo cho đến khi thành Phật viên mãn mới thôi. Trong chúng ta hiện giờ có ai không còn khởi nghĩ, nói năng và hành động hết việc ác chưa? Nội các việc ác mà chúng ta còn chưa hết, thì thử hỏi làm sao làm việc lành trọn vẹn cho được. Chúng ta hãy nên chính chắn suy nghĩ cho kỹ, tùy theo khả năng, hoàn cảnh mà cố gắng ứng dụng tu hành cho được lợi lạc trong hiện tại và mai sau.
   
Tóm lại, những gì hại người trong hiện tại và mai sau là việc ác như sát sinh, hại vật, gian tham, trộm cướp, lường gạt bằng nhiều hình thức, dan díu ngoại tình, phá hoại hạnh phúc gia đình người và làm ảnh hưởng gia đình mình, nói dối hại người, uống rượu say sưa, dùng các chất độc hại đưa vào cơ thể như xì ke, ma túy…
   
Ngược lại, không giết hại mà còn hay giúp người, cứu vật, phóng sinh, biết bố thí cúng dường cha mẹ, người tu hành chân chính, lại hay giúp đỡ, san sẻ với người bần cùng, cô độc, nâng đỡ kẻ bất hạnh, sống thủy chung một vợ một chồng và luôn nói lời chân thật, luôn nghiên cứu học hỏi, thương yêu bình đẳng với tất cả mọi người bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm