Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 21/10/2018, 22:26 PM

Tư tưởng và phong cách Thiền tông (Hết)

Thiền tông ứng dụng linh hoạt phương pháp tầm tư, có thể nói đó là "trên khế hợp với tâm Phật", vì đức Thế Tôn Thích Ca chính là người từ tầm tư chứng ngộ Vô thượng Bồ đề.

Chương IV

Luận Hiển Dương Thánh Giáo 7 ghi :" Vô thượng Chánh Đẳng Bồ-đề tự lợi, lợi tha, không thầy mà tự chứng thánh giáo." Đức Thế Tôn Thích Ca ngồi dưới cội bồ-đề chứng Vô thượng Bồ-đề cũng xác thực là không có thầy truyền dạy. Đã không có thầy thì không thể bắt đầu từ "tín ngưỡng". Thông thường nói "tín ngưỡng" , đó là việc sau khi đã thành lập hình thức tôn giáo hoặc hệ thống tư tưởng. Nếu xét đến đầu nguồn thì sẽ hỏi đến vấn đề: "Đức Thế Tôn Thích Ca vì sao chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề" thì "tầm tư" hoặc tham cứu sẽ trở thành công cụ phát quật chân lý.

Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 5 ghi: "Lục Tổ sắp thị tịch, có sa-di Hi Thiên hỏi: "Sau khi hòa thượng trăm tuổi, Hi Thiên không biết phải nương tựa người nào?". Tổ dạy: "Tầm tư đi!". Sau khi Lục Tổ tịch, Hi Thiên thường ở chỗ vắng vẻ ngồi lặng yên như quên thân. Đệ nhất tọa hỏi: "Thầy ông đã tịch, ngồi không ở đó làm gì?". Hi Thiên đáp: "Tôi vâng theo lời thầy dạy cho nên tầm tư vậy". Đệ nhất tọa nói: "Ông có sư huynh là hòa thượng Hành Tư, đang ở Kiết Châu, nhân duyên của ông ở đó. Lời nói của Tổ rõ ràng, do ông tự không biết đó thôi". Hi Thiên nghe xong từ giả Tào Khê đi thẳng đến Kiết Châu".

Lục Tổ Huệ Năng muốn thiền sư Hi Thiên "tầm tư" để ngộ đạo, nhưng Đệ nhất tọa lại giải là đi tìm Hành Tư. Đương nhiên là có thể giải thích như thế, quả thật Hi Thiên đi gặp Hành Tư, nhưng sau khi gẵp gỡ hai bên đối đáp ngang ngửa với nhau, đủ thấy sự lợi ích của "tầm tư" mà Hi Thiên đã trải qua. Chúng ta chẳng nên xem câu nói "tầm tư" của Lục Tổ là một câu đố. Điều này có một chứng cứ được ghi trong Cổ Tôn Túc Ngữ Lục 1:

"Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng đến tham vấn Lục Tổ. Tổ hỏi: "Từ đâu đến?" Đáp: "Từ Tung Sơn đến". Tổ hỏi: "Là vật gì đến đây?" Sư không đáp được. Trải qua tám năm,bỗng nhiên có tỉnh, mới bạch Lục Tổ: "Con có một chỗ lãnh hội."

Thiền sư Hoài Nhượng suốt trong tám năm làm những việc gì? Hội như thế nào mà bỗng nhiên có tỉnh? Nếu chẳng phải Sư một mạch dụng công "tầm tư", thì "chỗ hội" thành ra các từ trên trời rơi xuống. Lục Tổ tự nói mình chẳng biết chữ, Ngài từ trí vô sư ngộ Phật pháp Tối thượng thừa ( lời của Thần Tú, xem Đàn Kinh ), chính Ngài dùng phương pháp "tầm tư" để khai mở đệ tử.
 
Thành Duy Thức Luận Thuật Ký 18 ghi: "Tầm tư có tác dụng suy tìm, suy tìm chính là quán sát". Thành Duy Thức Luận Sớ Sao 16 giải thích: "Tầm tư là tên gọi khác của trí huệ, nó không phải là tâm sở "tầm" trong 51 pháp tâm sở, cũng chẳng phải "tầm" của hữu tầm, hữu tứ trong 17 địa Du-già. Luận Du-già Sư Địa 48 cũng nói: "Giai vị chưa được ấn khảthì gọi là tầm tư; lúc khởi nhẫn ấn, được gọi là thật trí. Đủ thấy "tầm tư" chính là công cụ khai quật chân lý hữu hiệu nhất.

Tương truyền, lúc Nhị tổ Huệ Khả chặt cánh tay cầu pháp an tâm, Đạt-ma chỉ hỏi lại một cách đơn giản: "Đem tâm ra đây ta an cho". Lúc Tứ tổ Đạo Tín cầu Tam Tổ pháp giải thoát, Tam Tổ cũng chỉ hỏi lại: "Ai trói buộc ông?". Đây là những bằng chứng về sự ứng dụng linh hoạt phương pháp tầm tư. Lục Tổ chẳng biết chữ, văn huệ tuy kém nhưng tư huệ đặt biệt phát triển, linh hoạt ứng dụng phương pháp tầm tư cũng đạt đến trình độ hoàn toàn thuần thục. Đây là điểm mà các tông phái khác của Phật giáo Trung Quốc không có.

Vì thế sau khi Thiền tông kiến lập môn đình, các phần tử ưu tú đều hướng về Thiền tông. Tôi nhớ thời Tống có người hỏi Vương An Thạch: "Sau Mạnh Tử, Nho gia vì sao không có người xuất sắc?" Vương An Thạch đáp: "Nho môn đạm bạc, không kết nạp được các bậc anh hùng hào kiệt, họ đều vào trong Phật môn, như Lục tổ Huệ Năng, Mã đạo sư đều như thế". Phật môn mà Vương An Thạch nói đó, thật ra chính là Thiền môn. Nói "Nho môn đạm bạc" cũng có nghĩa là cái học thiếu công cụ khai quật chân lý, chẳng thể tiến tới giải quyết yêu cầu thiết yếu đối với thân tâm tánh mạng của mọi người.

Thiền tông ứng dụng linh hoạt phương pháp tầm tư, có thể nói đó là "trên khế hợp với tâm Phật", vì đức Thế Tôn Thích Ca chính là người từ tầm tư chứng ngộ Vô thượng Bồ đề. Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu gọi đó là "đơn đao trực nhập", thông thường nói "giáo ngoại biệt truyền" hoặc "pháp môn đốn ngộ" có lẽ cũng là ý này. Nhưng muốn ứng dụng phương pháp này hoặc thu được lợi ích từ phương pháp này không phải là không có điều kiện. Nhìn từ quá trình phát triển của Phật giáo Trung Quốc lúc mới truyền vào, hoạt động song song với phương thuật thì chẳng thể có Thiền tông xuất hiện.Lại nữa, lúc ấy tu thiền còn mang diện mạo thần bí, tư tưởng Bát-nhã cũng chưa phổ biến, dù có phổ biến cũng chẳng thể phát triển thành Thiền tông. 

Khoảng thời gian 156 năm từ lúc Tổ Đạt-ma vào Trung Quốc đến Lục Tổ xuất gia thụ giới, chính là thời đại Phật giáo Trung Quốc hưng thịnh nhất, các kinh luật trọng yếu của các tông phái Đại thừa, Tiểu thừa Ấn Độ đều được dịch, các tông Tam Luận, Thiên Thai, Từ Ân, Nam Sơn đã lần lượt hình thành, tư tưởng của tông Hoa Nghiêm đang ấp ủ, tư tưởng Phật giáo chẳng những lan khắp trong triều đình chốn dân dã mà dần dần có xu thế phiền toái. Như các trứ tác của đệ tử ngài Huyền Trang có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn khiến cho người đọc nắm không được trọng tâm. Các tác phẩm chú giải kinh điển của họ phần nhiều biểu hiện ý kiến riêng, phô trương môn đình, không dễ gì tìm được nghĩa lý chính xác ở trong đó. 

Lúc ấy, tín đồ Phật giáo rất cần một pháp môn giản yếu dễ tu để an thân lập mệnh, Thiền tông mang đến cho họ phương pháp tư tưởng "đơn đao trực nhập", do hợp thời nên hưng thịnh. Phẩm Cơ Duyên trong Đàn Kinh ghi lại những người đến tham vấn Lục Tổ đều là những người đã từng khổ công tu học kinh giáo. Sau này, các thiền tăng đến thỉnh ích các thiền sư Nam Nhạc, Thanh Nguyên cho đến Mã Tổ, Bách Trượng cũng có nhiều vị "nghĩa học sa-môn" đã từng giảng các kinh luận. Vì thế, tham thiền cần phải có cơ sở giáo lý hoặc chú trọng nghiên cứu về thời đại và hoàn cảnh của giáo lý. Đây là một trong các điều kiện tham thiền.

Lúc tầm tư hoặc tham thiền, các thiền sư đều cho rằng "từ nghe người khác mà nhận được thì chẳng phải là của báu nhà mình" cũng có nghĩa là chẳng cần phải dựa vào kinh điển và kiến giải của người khác. Như vậy phải một mình thâm nhập, dũng khí phi thường, rất đáng khâm phục, nhưng lại phát sinh tệ bệnh. Vì kích phát dũng khí của người học nên dùng cách khuyến khích phát tâm, như thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn thượng đường dạy:

"Đáng tiếc thay! Đáng tiếc thay! Các vị nếu chưa tỉnh thì hãy tỉnh đi! Nếu chưa ngộ thì hãy ngộ đi! Ta không lúc nào chẳng tha thiết khuyên các ông: Việc của chính mình nếu chưa sáng... thì rất cần phải nỗ lực, đừng cô phụ người. Nếu biết có việc này thì hãy gánh vác đi. Nếu thật sự chưa ngộ thì cần phải tin việc này chẳng từ lời nói mà được, chẳng từ chỗ những vị thiền sư ở các nơi mà được. Vậy từ đâu mà được, cần phải xét kỹ! Hiện tại nếu không liễu ngộ thì trăm kiếp ngàn đời cũng không liễu ngộ. Muốn biết lâu dài thì chỉ tại hôm nay. 

Vậy ngay hôm nay đây là cái gì? Chớ chạy bậy, hãy xem cả một đời đã lần lữa đi qua mất rồi .... Mọi người cho ông đất đai ruộng vườn, cúng dường ông cơm áo, nói ta là người xuất gia, biết bao người gánh vác ông, quốc vương, đại thần gánh vác ông, đất đai long thần gánh vác ông, ông không phụng dưỡng cha mẹ. Ông lấy gì báo đáp? Này các tăng sĩ! Thở ra tuy sống, song khó bảo đảm hít vào, thời giờ chóng qua, cần phải gấp rút. Chớ có nói thiền chỉ ở đầu môi, đến ngày ba mươi tháng chạp phải chịu khổ lụy.( Tuyết Phong Chân Giác Thiền Sư Ngữ Lục, thượng).

Đây là điều mà trong cửa Thiền tông gọi là " tâm sinh tử thống thiết", một điều kiện của việc tham thiền.

Lại như thiền sư Qui Sơn Linh Hựu hỏi Hương Nghiêm: "Ta nghe nói ông ở chỗ tiên sư Bách Trượng, hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Đây là thông minh linh lợi của ông, ý giải thức tưởng giải quyết không xong vấn đề sinh tử. Lúc cha mẹ chưa sinh, th? nói một câu xem!". Hương Nghiêm bị Ngài hỏi, không biết phải đáp thế nào, trở về liêu phòng đem hết kinh sách đã học qua, xem lại từ đầu đến cuối nhưng vẫn không tìm được đáp án. Tự than rằng: "Bánh vẽ không no dược bụng đói". Mấy lần thỉnh Quy Sơn nói trắng ra, Quy Sơn bảo: "Ta nói là chuyện của ta. Nếu ta nói cho ông nghe, sau này ông sẽ mắng ta". Hương Nghiêm vô cùng buồn khổ đem hết kinh sách đã từng xem qua đốt hết, phát thệ: “Đời này không học Phật pháp nữa, chỉ làm ông tăng cơm cháo tầm thường, khỏi phải bận tâm".

Hương Nghiêm từ biệt Quy Sơn, đến một nơi vắng vẻ ở Nam Dương, tự canh tác nuôi sống, nỗ lực tham cứu. Một hôm, nhân dẫy cỏ, nhặt miếng ngói ném nhằm cây tre, kêu một tiếng "cốp", Ngài liền khai ngộ. Lúc đó, ngài tắm rửa, đốt hương hướng về Quy Sơn lễ bái và nói: "Hòa thượng đại từ, ân hơn cha mẹ. Nếu lúc trước ngài nói trắng ra cho con nghe, thì đâu có được việc khai ngộ hôm nay". Rồi làm một bài kệ gửi đến Quy Sơn. Quy Sơn xem kệ xong nói với Ngưỡng Sơn: "Người này triệt ngộ". Ngưỡng Sơn nói: "E rằng kệ này do tâm ý thức trứ tác thành, chẳng phải chân tham thật ngộ, để con đích thân đến khám phá". Ngưỡng Sơn gặp Hương Nghiêm qua hai lần thử nghiệm, chứng minh Hương Nghiêm thực sự khai ngộ rồi, mới trở về báo tin mừng cho Quy Sơn.

Đây là công án nổi tiếng của Thiền tông, có 3 điểm phải chú ý: 

- Đối với người căn cơ thuần thục nhưng chưa khai ngộ, cần phải đề xuất vấn đề để khiến họ nghi, dẫn phát tầm tư một cách khẩn trương. 

- Tầm tư phải thực hiện lúc tịnh tọa lẫn lúc lao tác.

- Khai ngộ rồi cần phải trải qua cuộc khám nghiệm nghiêm khắc. Ba điểm này đều là điều kiện tham thiền. Có những điều kiện này rồi, tập trung sức tầm tư trên vấn đề thì có thể đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, do đó trong của Thiền tông có câu" siêu Phật việt Tổ". Theo quan điểm tôn giáo thông thường, tín đồ tin Phật mà muốn vượt qua Phật thì dường như nghịch lý. Nhưng vì các thiền sư đã nắm lấy phương pháp thành Phật, cảm thấy thành Phật không phải là chuyện thần bí không thể làm được nên có được cái tâm lượng và khí khái "siêu Phật việt Tổ". 

Như Vân Môn đưa ra sự tích: "Thế Tôn vừa được sinh ra, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, đi bảy bước, nhìn bốn phía và nói: "Trên trời, trong người, chỉ có ta là đấng tôn quý" rồi Ngài Vân Môn nói: "Lúc đó nếu ta thấy, ta đập một gậy cho chết rồi ném cho chó ăn, cốt làm cho thiên hạ thái bình". Lại như Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn: "Kinh Niết-bàn 40 quyển , bao nhiêu là Phật nói, bao nhiêu là ma nói ? Ngưỡng Sơn đáp : " Đều là ma nói". 

Quy Sơn nói: "Sau này không có người nào làm gì được ông". Ý của lời nói Vân Môn, Ngưỡng Sơn như thế nào, ở đây không bàn, mà chỉ biết là khí khái mà sức lôi cuốn của các Ngài hết sức đáng quí. Tôi cảm thấy ngàn kinh muôn luận, tam tạng mười hai bộ loại thánh giáo đến dưới cửa Thiền tông đều trở thành vật hữu dụng sống động. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến Thiền tông chiếm một địa vị trọng yếu trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc.
 
Chương V

Không thầy mà có thể chứng ngộ cũng là nói đến chân như được chứng đắc giống như trân bảo bị chôn vùi dưới đất, chỉ cần ra sức khai quật , thì người nào cũng có thể chứng đắc. Chúng ta bình thường sở dĩ không rõ chân như, chủ yếu là do trên nhận thức, tư tưởng của chúng ta có quan hệ đến chấp trước. Nếu dẹp bỏ chấp trước trên nhận thức, tư tưởng thì chân như hoàn toàn hiển lộ. Cái gọi là phiền não, Bồ-đề, sinh tử Niết-bàn thật ra đều là nói theo chấp trước, chứ trên mặt chân như vốn không có những sự phân biệt ấy. Kệ của Lục Tổ nói: "Bồ-đề vốn không cây, gương sáng chẳng phải đài, xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ" chính là nói đến cái đạo lý này. Phẩm Bát Nhã trong Đàn Kinh, Lục Tổ dạy:

"Phải biết đối với kẻ ngu, người trí, Phật tánh không có sai khác, chỉ do mê ngộ bất đồng, vì thế có ngu, có trí… Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là Bồ-đề. Niệm trước mê tức là phàm phu, niệm sau ngộ tức là Phật. Niệm trước chấp cảnh tức là phiền não, niệm sau lìa cảnh tức là bồ-đề. … Ngộ pháp này tức là vô niệm, vô ức, vô trước, chẳng sinh hư dối. Dụng tự tánh chân như, dùng trí huệ quán chiếu, không thủ, không xả tất cả pháp tức là kiến tánh thành Phật đạo… Thế nào là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, đó là vô niệm. Dùng thì khắp tất cả chỗ nhưng cũng không chấp tất cả chỗ.

Chỉ cần tịnh bản tâm khiến sáu thức ra sáu cửa đối với sáu trần không nhiễm không tạp, qua lại tự do, dùng thông suốt vô ngại tức là Bát-nhã, tam-muội tự tại giải thoát, được gọi là hạnh vô niệm. Nếu không nghĩ đến trăm vật, khiến cho niệm tuyệt, tức là pháp phược, tức là biên kiến. Thiện tri thức! Người ngộ pháp vô niệm là người thông suốt hết muôn pháp. Người ngộ pháp vô niệm là người thấy cảnh giới chư Phật. Người ngộ pháp vô niệm là ngưòi đến giai vị Phật."

Đoạn kinh này không có chút gì sai biệt với giáo lí kinh Lăng-già, kinh Đại Bát-nhã, luận Đại Trí Độ và hết sức nhất trí với kiến giải của các ngài Đạt-ma, Huệ Khả, nhưng nhấn mạnh vào "chẳng thủ chẳng xả", "thông hết muôn pháp", phản đối biên kiến "trăm vật không nghĩ" .Lục Tổ đem giáo lí Bát-nhã dung quán vào sinh hoạt thực tiễn bình thường đầy tinh thần tiến thủ. Nhìn từ tinh thần này, tất cả sự vật tuy biến ảo vô thường nhưng chân như pháp tánh uyển chuyển gần gũi với con người, dở chân hạ chân đều là đạo tràng, thật là cùng tột đến chỗ "hiện thành". Chỉ vì cái "hiện thành" ấy nên mới có khả năng đốn ngộ. Lại chỉ vì cái" hiện thành" ấy nên Lục tổ có một quan điểm riêng về các pháp môn mà hàng tín đồ Phật giáo bình thường chú trọng, như Ngài luận về công đức cất chùa độ tăng, bố thí trai tăng của Lương Võ Đế:

"Thật không có công đức, chớ nghi lời Sơ tổ nói. Võ Đế tâm tà, chẳng biết chánh pháp, cất chùa độ tăng, bố thí trai tăng , gọi đó là cầu phước, không thể cho đó là công đức. Công đức ở trong pháp thân, chẳng ở tại tu phước".

Ngài luận về việc cầu sinh Tây phương

"Kẻ mê niệm Phật cầu sinh Tây phương, người ngộ tự tịnh tâm mình… Người ở Đông phương niệm Phật cầu sinh Tây phương, người ở Tây phương tạo tội niệm Phật cầu sinh về nước nào? Kẻ phàm phu ngu tối chẳng rõ tự tánh, chẳng biết tịnh độ ở trong thân, ngó đông ngó tây, người ngộ chỉ ở tại chỗ. Vì thế Phật dạy :Tùy theo chỗ ở mà thường an lạc.

Ngài còn luận về việc tu hành của người tại gia và xuất gia

"Nếu muốn tu hành tại gia cũng được, chẳng cần ở chùa… Vi công hỏi: Người tại gia tu hành như thế nào? Sư dạy: Ta nói tụng Vô tướng cho mọi người nghe, y theo đây tu hành, không khác chi luôn luôn ở bên cạnh ta. Nếu không y theo đây tu hành thì dù cạo tóc xuất gia đối với đạo cũng vẫn vô ích.

Tâm bình đâu nhọc trì giới
Hạnh trực đâu cần tu thiền
Ân thì hiếu dưỡng cha mẹ
Nghĩa thì trên dưới thương nhau
Nhường thì lớn nhỏ hòa thuận
Nhẫn thì việc xấu không sinh
Nếu siêng cọ cây phát lửa
Bùn lầy ắt sinh hoa sen…

Những lời này thoát khỏi lối mòn, vượt lên trên kiến giải tầm thường. Trước kia có người cho đó là biểu hiện của ảnh hưởng tư tưởng truyền thống Trung Quốc, nhưng thật ra không phải như vậy. Do vì lúc ấy tư tưởng Bát-nhã phát huy đến cao độ, sự lí dung nhiếp, chân tục viên dung, chẳng câu nệ hình thức, đồng thời cũng chiếu cố đến nhiều điều kiện hiện thực thế gian nên pháp ngữ của Lục Tổ đại biểu cho trí huệ của Phật giáo, chứ hoàn toàn không phải bắt nguồn từ tư tưởng truyền thống Trung Quốc.

Sau Lục Tổ, kiến giải của trí huệ này được tiếp tục phát triển, như thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất nói: "Tự tánh xưa nay đầy đủ, chỉ cần chẳng trệ ngại trong các việc thiện ác thì được gọi là đạo nhân. Còn nếu giữ thiện bỏ ác, quán không nhập định, đều thuộc về tạo tác". Ngài còn dạy: "Đạo chẳng cần tu, chỉ cần đừng ô nhiễm. Thế nào là ô nhiễm? Hễ có tâm sinh tử, tạo tác, hướng đến, đều là ô nhiễm. Nếu muốn ngộ ngay đạo thì tâm bình thường là đạo". Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận nói:" Nói, nín, động , tĩnh, tất cả thanh sắc đều là Phật sự. Vậy thì tìm Phật ở chỗ nào ? Chẳng nên trên đầu chồng thêm đầu, trên miệng chồng thêm miệng". Kiến giải của các thiền sư không đồng với kiến giải của các tông phái khác, vì thế Tổ Bách Trượng mới sáng lập thanh qui Thiền môn.
 
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 6 ghi:

"Thiền sư Bách Trượng Đại Trí cho rằng bắt đầu từ Thiếu Thất qua Tào Khê cho đến nay, các thiền tăng phần nhiều ở chùa Luật, tuy ở viện riêng nhưng đối với việc thuyết pháp trụ trì chưa hợp với qui củ, cho nên ngài thường trăn trở trong lòng. Ngài nói: "Đạo Tổ muốn truyền bá lâu dài đến đời vị lai không dứt thì đâu thể nào mãi đi theo các bộ A-cấp-ma ư!". Hoặc có người hỏi:" Luận Du-già, kinh Anh Lạc là giới luật Đại thừa, sao chẳng dựa theo đó?". Ngài đáp: "Chỗ tôi đề cao chẳng phải hạn cuộc nơi Đại, Tiểu thừa, cũng chẳng khác Đại, Tiểu thừa mà là chiết trung để thiết lập qui chế cho thích nghi". Đây là chủ ý của của việc sáng lập thiền viện".

Đoạn văn trên nói rất rõ về dụng ý của thiền sư Bách Trượng sáng lập thiền viện. Trong thanh quy của ngài có rất nhiều qui định như quải đơn, quá đường, nhập thất, thỉnh ích, thượng đường, thăng đường... cho đến bây giờ cũng còn dùng theo. Mục đích thiết lập thanh qui là đem lại sự thuận lợi cho người tham thiền. Trong đó có một hạng mục vô cùng đặc biệt, đó là "không dựng điện Phật, chỉ xây pháp đường", biểu thị những lời Phật ,Tổ dặn dò truyền trao đời sau phải tôn trọng. Xưa nay tự viện Phật giáo bất luận tại Ấn Độ hay Trung Quốc đều chú trọng đến điện Phật và tạo tượng, nhưng ở trong tự viện Thiền tông đã không có điện Phật, chẳng thể chẳng nói đó là đã bạo gan đả phá hình thức tôn giáo. Tư tưởng Thiền tông phát triển đến thời đại Bách Trượng, ngài dùng qui củ Thiền môn làm chuẩn mực. Về sau, ngũ gia thất tông, ngoại trừ có sự sai khác chút ít về cơ dụng rèn luyện người học ra, nói chung thì không có gì cải biến.
 
Chương VI

Có người hỏi ngài Bách Trượng: "Chặt cây giẫy cỏ, khẩn đất đào mương có tội hay không?". Sư đáp: " Không được nói chắc chắn là có tội, cũng không được nói chắc chắn là không tội. Việc có tội hay không là do người: Nếu người ấy nhiễm tất cả các pháp hữu, vô, còn có tâm thủ xả, chẳng thấu qua ba câu thì người này nhất định có tội. Nếu thấu ra ngoài ba câu, tâm như hư không, cũng chẳng nghĩ tưởng hư không thì người này chắc chắn vô tội.... Như trong luật ghi do mê mà giết người hoặc chuyển tướng sát còn chẳng bị tội sát sinh, hà huống người trong cửa Thiền tông trao nhau kế thừa tâm như hư không, chẳng trụ ở một vật, cũng không nghĩ tưởng hư không thì đem tội đặt ở chỗ nào?".

Lời nói này xét trên mặt lý luận, dường như đụng chạm đến giới Tỳ-kheo, nhưng lại thông với giới Bồ Tát Du-già, vì thế trong quy củ của Thiền môn có pháp phổ thỉnh. Phổ thỉnh nghĩa là người trên kẻ dưới đều cùng lao động. Trong truyện Bách Trượng có ghi:

"Mọi việc chấp tác nhọc nhằn, Sư đều làm trước đại chúng. Đại chúng bất nhẫn, một hôm giấu đi tác cụ, xin ngài nghỉ ngơi. Sư dạy: "Tôi không có đức, đâu nên làm nhọc mọi người". Sư tìm khắp nơi không thấy tác cụ, hôm đó Sư không ăn, cho nên có câu: "Một ngày không làm, một ngày không ăn, truyền đi khắp nơi".

Bách Trượng sáng lập pháp phổ thỉnh, lấy bản thân làm gương mẫu, đối với việc duy trì kinh tế tự viện, đặc biệt sau pháp nạn Hội Xương đời Đường Võ Tông có tác dụng vô cùng trọng yếu. Tổ sư Thiền tông dường như không có vị nào không tham gia lao động, như Hoàng Bá khai điền, trồng rau; Quy Sơn hái trà, làm tương, trét vách; Thạch Sương sàng gạo; Vân Nham bện giày; Lâm Tế trồng tùng, cuốc đất. Ngưỡng Sơn chăn trâu, khai hoang; Động Sơn cuốc đất, trồng trà; Tuyết Phong đẽo máng, nấu cơm, bón ruộng, bổ củi, đều thấy ghi trong bản truyện hoặc ngữ lục. Đồng thời các Ngài kết hợp lao động và tu trì thành một khối, đem đạo lý đã ngộ được quán triệt trong lao tác, như Bá Trượng Thiền Sư Ngữ Lục ghi:

"Nhân một hôm phổ thỉnh cuốc đất, có vị tăng nghe tiếng trống, giơ cuốc lên, cười to, quay về. Sư nói: "Giỏi thay! Đây là môn quán âm nhập lý". Sau đó, Sư gọi vị tăng ấy đến, hỏi: "Hôm nay ông thấy đạo lý gì?". Vị tăng đáp: "Sáng sớm con chưa ăn cháo, nghe tiếng trống quay về ăn cơm". Sư cười to ha hả.

Quy Sơn Linh Hựu Thiền Sư Ngữ Lục ghi:

"Thạch Sương ở Quy Sơn làm mễ đầu, một hôm đang sàng gạo. Sư (Quy Sơn) nói: "Vật của tín thí, chớ làm rơi vãi". Thạch Sương thưa: "Chẳng làm rơi vãi". Sư nhặt được một hạt rơi trên đất, nói: " Ông nói không rơi vãi, vậy đây là cái gì?". Thạch Sương không đáp. Sư nói: "Chớ khinh một hạt này, trăm ngàn hạt từ một hạt này sinh". Thạch Sương thưa: "Trăm ngàn hạt từ một hạt này sinh, vậy chưa biết một hạt này từ cái gì sinh?". Sư cười to ha hả, quay về phương trượng".

Những công án loại này được ghi trong ngữ lục nhiều không kể xiết. Qua các công án này, chúng ta thấy các thiền sư lấy lao động làm nguồn cảm hứng sáng tác các phẩm nghệ thuật với tất cả tinh thần rồi cùng nhau thưởng thức không chút miễn cưỡng hoặc khó khăn. Đó là do các ngài đã thực chứng nguyên tắc tối cao của Bát-nhã hoặc Viên giáo nên biểu hiện được cụ thể giáo lí ấy trong sinh hoạt thực tiễn. Nhìn từ điểm này chúng ta có thể biết không phải ngẫu nhiên mà Thiền tông từ khi được thành lập về sau dần dần lấn át các tông phái khác của Phật giáo Trung Quốc.

Nhưng vì chịu sự hạn chế của thời đại nên hành động của thiền sư quán triệt chân tục viên dung cũng chỉ phát triển đến mức độ này thôi. Đồng thời tham thiền chẳng thể chẳng cầu tịnh và quá cường điệu "giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn”, vì thế thời kì mới thành lập, Thiền tông còn mang sắc thái Thanh văn, Độc giác, truyền đến mười mấy đời thì hoàn toàn quên mất di huấn "Lăng-già ấn tâm" nên chẳng chú trọng nghiên cứu giáo lí; phổ thỉnh chỉ là lời còn ghi trong ngữ lục nên truyền thống tốt đẹp yêu lao động chẳng được phát huy, ý chí của thiền tăng xuống thấp, càng về sau càng đi vào con đường tiêu cực lánh đời, do đó khiến cho tông môn suy sụp. Nếu điều này có thể được gọi là điều giáo huấn của lịch sử thì Phật giáo đồ chúng ta phải nên ghi nhớ.

Cự  Tán - Định Huệ dịch

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Xem thêm