Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tưởng niệm Giác linh Ni trưởng Thích Nữ Như Thủy (1950-2018)

Sau buổi công phu tối, tôi ghé qua xem thư từ trên máy điên tử. Tôi vô cùng xúc động, được tin Ni trưởng Thích Nữ Như Thủy (Hạnh Huệ) viên tịch, do một chị bạn đạo cho hay tin buồn này. Than ôi! Tôi vào trang nhà Quảng Đức thì hay tin xác nhận là đúng, Ni trưởng Như Thủy đã viên tịch.

Cách đây cũng khá lâu, sau năm 1975, Ni trưởng đã có chứng bệnh nan y nhưng đã được chư Phật Bồ Tát gia hộ, đã lành bệnh cũng được vài chục năm rồi.
 
Con xin thành kính chia buồn cùng Thượng tọa Thích Thông Lai và hai sư cô, bào đệ của Ni trưởng, cùng Chư tôn đức tăng ni trong môn đồ pháp quyến của Ni trưởng, chư phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và cho con xin có đôi lời kính tiễn biệt Ni trưởng Thích Nữ Như Thủy”.
 
Tuy tôi chưa được phước duyên gặp Ni trưởng trực tiếp, nhưng tôi ngưỡng mộ và thường theo dõi trên mạng nghe những bài pháp thoại của Ni trưởng. Cách giảng dạy của Ni trưởng khác hơn các vị sư. Ni trưởng thường mượn đạo tạo đời, hay nói cách khác Ni trưởng thường hành phật sự ích đạo lợi đời bằng cách kể lại những giai đoạn chứng nghiệm trên bước đường tu của mình, phải vượt qua nhiều chông gai.
    
Có ngờ đâu Ni trưởng ra đi đột ngột quá. Tôi thiết tưởng Ni trưởng còn có sức khỏe tốt cho nên Ni trưởng mới đi hoằng pháp trên xứ Mỹ. Tôi thường lên mạng nghe Ni trưởng thuyết giảng, tai thì chăm chú nghe bài pháp thoại, tay thì đan những chiếc áo ấm len để đem tặng cho các bé sơ sinh người Pháp, con nhà nghèo. Cách giảng dạy của Ni trưởng rất bình dị làm cho ai cũng tiếp thu được dễ dàng. Tiếng nói của Ni trưởng hòa âm với tính nết nhu mì, thu hút thính giả vào một thế giới xa lạ thần thoại, tỏa ra một từ trường an lạc yên vui. Tuổi tôi cũng đã cao rồi, tuổi gần đất xa trời, nhớ lại những kỷ niệm gì mà mình nghe và học hỏi nơi Ni trưởng và ghi khắc những ấn tích trong lòng tôi. Vài chuyện nho nhỏ qua những bài pháp thoại của Ni truởng, tôi xin mạo muội kể lại.
 
Ni trưởng Như Thủy và ba người em xuất xứ từ một gia đình mà cha mẹ cũng là người xuất gia. Do cha mẹ phát nguyện rằng, hai vị có bao nhiêu người con đều cho đi xuất gia hết (trừ chị cả, đã ra riêng lập nghiệp, không đi tu). Quả thật đúng vậy, cha mẹ đã giữ y lời phát nguyện, bốn chị em của Ni trưởng Như Thủy đều đi xuất gia! Cha mẹ của Ni truởng đi xuất gia cũng ly kỳ, đặc biệt, khác lạ hơn ai hết. Nếu nói theo giáo lý Phật đà, thì do “túc trái nhân duyên” hai vị sinh thành của Ni trưởng phải gặp nhau trong kiếp này, trải qua bao gian truân vất vả.
 
Chuyện thứ nhì là lúc Ni trưởng cùng đệ tử, một ni cô trẻ, cả hai người bị đày lên vùng kinh tế mới, đi đốn tre. Tội nghiệp cho nhị vị, chân yếu tay mềm, từ nào đến giờ có biết đốn tre ra sao đâu! Cây tre thì cao quá đầu người, làm sao mà đốn xuống, thật là khổ tâm vô cùng. Trong nhóm mười người đi đốn tre toàn là phái nam, chỉ có hai vị sư nữ. Mấy giới đàn ông, họ đang cười thầm để xem hai vị sư nữ này đốn tre ra làm sao. Hai tỷ muội cũng chẳng chịu thua cánh mày râu, tìm hiểu phải đứng cách nào và cho tre đổ xuống phía nào, thế là hai vị cũng đốn xuống một mớ tre. Tối về chiếc lều vải thô sơ để ngủ qua đêm, giữa rừng sâu hiu quạnh. Hai vị sư nữ trẻ, người ngoài hai mươi tuổi (Sư cô Như Thủy) và người kia vừa tròn hai mươi tuổi. Ni cô mới xuất gia nên rất sợ màn đêm đổ xuống. Hai vị treo lủng lẳng nồi niêu xoong chảo, cản trở lối ra vào, để báo thức hai vị sư nếu có kẻ gian đột nhập vào lều. Thật là tội nghiệp đáng thương cho hai vị sư nữ giữa chốn cô liêu rừng sâu núi thẳm.

Một đêm nọ, hết nước uống, hai vị sư nữ xách bình đi tìm nước ở ngọn suối, nghe người ta nói không xa lắm, độ một cây số thôi. Hai sư cô cứ đi mãi, khá xa mà chẳng nghe tiếng suối reo đâu hết, thất vọng vô cùng. Dưới ánh trăng soi đường trong đêm khuya tĩnh mịch của núi rừng, chim đêm kêu, vượn hú, nghe lạnh người, bắt nổi da gà... Bỗng dưng trên đường đi, hai sư cô gặp vài người sơn cước, thổ dân, mới hỏi thăm ngọn suối nằm ở đâu mà tìm hoài không thấy. Họ chỉ cho hai sư cô đi một ngõ khác, đi một chập sẽ thấy ngọn đèn dầu leo lét trong một ngôi nhà vách đất mái tranh nghèo nàn. Lúc đó hãy gọi to lên: “Cô Hồng ơi! Cô Hồng!”, Cô Hồng sẽ đón hai vị vào ra phía sau nhà, lấy nước giếng ngọt mà dùng. 

Hai sư cô nói lời cảm tạ, rồi lên đường theo phía chỉ dẫn. Đến nơi, y như lời căn dặn, Cô Hồng ra mở cửa đón hai sư cô và bảo: “Hai vị cứ lấy nước giếng ngọt lên, cứ tự nhiên tắm rửa, giặt giũ, chiết nước vào bình đem về mà dùng”. Nói xong, Cô Hồng trở vào nhà. Hai sư cô hết sức mừng rở, liền tắm nước mát rượi, giặt quần áo rồi chiết nước đầy bình gánh về. Sáng hôm sau, mấy ông đốn tre thấy hai sư cô có nước uống, mới hỏi nước ở đâu mà hai sư có vậy? Hai sư cô chân thành kể lại chuyện tối hôm qua đi tìm nước uống... Theo sự chỉ dẫn của sư cô, mấy ông thợ đốn tre lên đường đi lấy nước, họ đi mãi mà chẳng thấy một ngôi nhà nào hết, kỳ lạ thật! 

Có một người lớn tuổi trong nhóm thợ nói rằng ông là người thổ dân ở chốn này đã nhiều năm, biết nơi đây là rừng sâu, chẳng có nhà cửa gì cả, không có một bóng người ở nơi đây. Nghe đến đó, hai sư cô nhìn nhau, tự nhủ: “Hai chị em mình được Bồ Tát thị hiện trợ giúp gia hộ rồi, thật là mầu nhiệm!”.
 
Chuyện khác cũng ly kỳ không ít. Một ngày nọ, Ni trưởng về một làng quê, ở lục tỉnh miền Nam, thấy có mấy đứa trẻ đang ham mê chơi đánh bi, thằng anh nào có để ý đến em nó, độ chừng một tuổi, đang bò ra bờ sông... Ni trưởng thấy thế, đến bế đứa bé và la lên: “Bé này là em của đứa nào vậy?”. Có một bé trai độ sáu tuổi, bẽn lẽn, nói the thẻ trong miệng: “Dạ, nó là em con”. Ni trưởng thấy cảnh nghèo khó ở làng quê nằm xa thành thị, các bé không được cắp sách đến trường, động lòng, Ni trưởng đi hỏi thăm muốn mua một miếng đất nhỏ xây lên một lớp học và Ni trưởng sẽ đứng ra làm cô giáo dạy cho các em bé khỏi bị mù chữ. 

Có một ông chủ đất, chịu nhường bán một thuở ruộng và tặng cho Ni trưởng bằng cách ông thuê người đổ đá, gạch vụn xuống thuở ruộng đó, xây lên một ngôi nhà làm trường học làng, tặng luôn cho Ni trưởng  vì ông thấy việc làm phước thiện của Ni trưởng thật là quý hóa, ông khâm phục. Ni trưởng cho rằng đây cũng được chư Phật Bồ Tát gia hộ trên bước đường tu của Ni trưởng.
 
Chuyện này cũng không khỏi làm Ni trưởng ngạc nhiên. Ni trưởng lên bệnh viện Sài Gòn để khám bệnh. Bác sĩ báo rằng bệnh trạng của Ni trưởng khá trầm trọng, cần giải phẫu và họ ra giá. Ni trưởng không có tiền để trả chi phí giải phẫu, đành đến bến xe đò để trở về quê. Lúc Ni trưởng đi mua vé thì có một cô gái kêu gọi Ni trưởng. Cô này đến chào hỏi Ni truởng rất lễ phép và nói:  “Ni trưởng không biết con, nhưng con biết Ni trưởng vì đã nhiều lần con đến nghe Ni trưởng thuyết pháp, con xin Ni trưởng nhận phong bì này, con xin cúng dường”. Ni trưởng cảm động, nhận phong bì, tỏ lời cám ơn cô gái đó. Khi về tới nhà, Ni trưởng mở phong bì ra thì đếm trong đó đủ y nguyên giá tiền chi phí cuộc giải phẫu mà nhà thương đòi hỏi. Đây một lần nữa, chư Phật Bồ Tát đưa người đến đúng lúc để trợ giúp Ni trưởng.

Chuyện này, Thoại Hoa biết tin tới đây, nhưng không biết Ni trưởng có lên Sài Gòn để giải phẫu không, nhưng chỉ thấy Ni trưởng sau này đi hoằng pháp mọi nơi trên đất nước Việt Nam và còn đi ra hải ngoại như Úc châu và Mỹ châu, tôi mừng thầm là Ni trưởng khỏe mạnh lại bình thường mới chạy đi tứ phía không màng gian khổ.
 
Viết tới đây, một lần nữa, tôi tỏ lòng thương tiếc Ni trưởng, trọn một đời chịu khổ lo cho đạo, lo cho đời. Giáo hội Phật giáo Việt Nam mất đi một trụ cột, một lãnh đạo tài ba, hiền đức, nhẫn nhục, khiêm tốn, uyển chuyển, khéo léo hoằng pháp lợi sinh. Có lẽ việc đạo, việc đời, Ni trưởng đã làm trọn vẹn, nay đành giao lại cho đời, cho những đệ tử xuất gia cũng như tại gia, những người nối gót kế sau.
    
Con xin kính cẩn đê đầu đảnh lễ trước Giác linh của Ni trưởng và ngưỡng nguyện cho Giác linh Người cao đăng Phật quốc, sớm hội nhập ta bà, thân phân vô số, hoằng dương Chánh pháp, hóa độ chúng sinh.
 
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!

Kính tiễn Ni sư Trưởng Thích Nữ Như Thủy!

Kính bái bạch giác linh Sư!
 
Dẫu biết rằng hợp ắt có tan
Bài học vô thường cõi trần gian
Làm sao tránh khỏi đôi dòng lệ
Hương hoa ưu đàm tỏa ngập tràn!
 
Đốt nén hương lòng dâng Sư Thầy
Những lời hoằng pháp vẫn còn đây
Tự tại về thế giới an lạc
Một đóa sen nở bên trời Tây!
 
Cư sĩ Thoại Hoa 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Yếu nghĩa của Dược sư quán đỉnh Chân ngôn

Phật giáo thường thức 06:37 19/04/2024

Kinh Dược Sư chép rằng: đức Thích Ca Như lai bảo với Mạn Thù Thất Lợi để nhắc tích rằng: “Bấy giờ đức Thế Tôn kia vào định tam ma địa tên là “Dứt trừ tội khổ cho tất cả chúng sinh”.

“Muốn bảo vệ Phật pháp thì tự thân chúng ta phải sống đúng với Chánh pháp”

Phật giáo thường thức 21:45 18/04/2024

Tối ngày 18/4/2024 Thượng tọa Thích Quang Thạnh - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN đã có buổi chia sẻ chủ đề “Giữ vững Niềm tin” đến với hơn 1.000 Phật tử thành phố quy tụ thính pháp.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Phật giáo thường thức 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp

Phật giáo thường thức 10:50 18/04/2024

Từ bi và trí tuệ có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời, là mối quan hệ tương tức. Từ bi là biểu hiện của trí tuệ; trí tuệ nguồn gốc của từ bi, soi sáng từ bi.

Xem thêm