Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 11/06/2018, 13:54 PM

Tùy nhân duyên thời đại

Từ đầu tháng tư (âm lịch), không khí rộn ràng của mùa Phật đản 2018 (Phật lịch 2562) đã tràn ngập khắp nơi. Dù chưa phải là phật tử (theo đúng nghĩa quy Tam bảo) nhưng với nhiều người Việt Nam, đi lễ chùa, dự lễ Phật đản đã trở thành việc làm không thể thiếu mỗi mùa tháng tư sen nở. Tôn giáo nào cũng hướng thiện, cũng đem lại đức tin và Phật giáo sau mấy nghìn năm vào Việt Nam mang đậm tính dân tộc và nhập thế, tùy nhân duyên thời đại.

Tháng tư này, chúng tôi may mắn có mặt ở Huế vào những ngày thành phố dịu dàng đón mùa Phật đản. Huế với hàng trăm ngôi chùa, cứ đến Phật đản, người dân lại hân hoan đón chào và góp công cho ngày lễ trọng thêm sinh khí. Hoa Sen được trang trí trên khắp các đường phố và trên dòng sông Hương. Những người dân làm nghề đạp xích lô tự hào hoan hỉ giới thiệu, vào đêm 14 âm lịch, cả thành phố sẽ tắt đèn, để rước xe hoa và thắp đèn trên những bông sen. Đám rước qua cầu Trường Tiền dài bất tận, nối từ bên kia bờ sông Hương kéo dài đến tận chùa Từ Hiếu. Còn từ ngày 8-4 (âm lịch), nhiều hoạt động đã được diễn ra ở các chùa, tổ đình, tịnh thất và nhiều địa điểm quan trọng khác như các buổi triển lãm, thuyết trình về đạo Phật.

Đạo Phật bàng bạc trong mọi biểu hiện của đời sống Huế. Lúc ở quán café, Nhụy Nguyên – một nhà văn Huế nhiều năm nay chuyên tâm nghiên cứu về đạo Phật, nói rằng đỉnh cao của đạo Phật là trí tuệ. Thiền không phải là ngồi một chỗ mà là thực hành trong đời sống, không chấp nê bất cứ điều gì. Mình thích cốc nước màu xanh, nhưng nếu chẳng may người ta mang cho mình cốc nước màu đỏ thì cũng không sao, bởi vì mọi màu sắc đều bình đẳng.
 Chùa Từ Đàm
Tôi nghĩ tới điều này và bật cười khi ở chùa Từ Đàm, dưới bóng già lam, cảm giác bình thản tới độ trong một khoảnh khắc bất chợt, cũng cảm thấy không còn thấy phiền nếu gặp cốc nước màu đỏ trong khi mình thích màu xanh.

Lại nhớ những đàn chim sẻ ríu rít dưới mái hiên chùa Quán Sứ mỗi mùa tháng tư. Ngay ngoài kia là phố đông, mà chim sẻ vẫn về đây, từng đàn. Từ mồng 1 trở đi, người đến lễ chùa đã tấp nập. Không kể có phải là Phật tử hay không, hướng tới ngày Đại lễ Đức Thế Tôn Đản sinh đã thành một nét văn hóa của rất đông người Việt.

Lại nhớ có lần trò chuyện với Hòa thượng Thích Gia Quang, trụ trì chùa Liên Phái (Hà Nội), thầy có bày tỏ: Mỗi một giai đoạn lịch sử, một thời đại, lòng mến mộ của người Việt Nam đối với đạo Phật có biểu hiện khác nhau. Phật đản là dịp để mọi người chúng ta tôn vinh giá trị đạo đức và văn hóa của Phật giáo, để hiểu rõ hơn về tinh thần bình đẳng và hòa bình của Đức Phật. Đối với những người theo Phật giáo, dù có quy tam bảo hay chỉ tỏ lòng yêu mến đạo Phật thì dịp Lễ Phật đản cũng đều hướng tới công ơn và noi theo sự cao quý, cao thượng của Đức Phật. Tùy mỗi giai đoạn khác nhau, tùy hoàn cảnh, điều kiện của xã hội khác nhau mà lòng mến mộ với đạo Phật được biểu hiện khác nhau. Thời bây giờ do điều kiện sống của xã hội tốt lên rất nhiều, người Việt Nam đến với đạo Phật rất đông. Năm nào trong thông điệp của mình, đức Giáo chủ - Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cũng nhắc lại với mọi người Việt Nam về tình yêu thương, sự từ bi, hỉ xả không phân biệt địa vị xã hội và tôn giáo. Tôn giáo nào thì mọi người Việt Nam cùng là con Lạc cháu Hồng nên phải cùng sống với nhau đoàn kết cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lại nhớ lời tâm sự của một cô bạn mến mộ Phật pháp: "Phật đản là dịp mỗi Phật tử tưởng nhớ đấng Từ Phụ - Người đã đem lại giải pháp an lạc cho chúng sinh. Nhưng quan điểm của tôi là những dịp lễ lạt như này cũng chỉ là hình thức. Nếu mỗi ngày mình sống tử tế, bỏ bớt tham sân si và làm những điều có ích cho xã hội thì ngày nào mình cũng có ngày Đản sinh ở trong tâm”.

Cách đây hơn một thập kỷ, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã công nhận Ngày Tam Hợp (kỷ niệm ba sự kiện thiêng liêng là Đức Thế Tôn: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn) làm Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc - một sự kiện văn hóa tâm linh của cả thế giới.

Tôn giáo nào cũng hướng thiện và đem lại đức tin cho con người, nhưng ở Việt Nam, Phật giáo được biết đến rộng rãi. Lý giải vì sao Phật giáo mỗi ngày được yêu mến hơn ở Việt Nam, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng: "Từ thuở ban đầu đạo Phật du nhập Việt Nam, hơn hai nghìn năm trước, tổ tiên chúng ta đã tiếp nhận nếp sống tâm linh này. Tư tưởng đạo Phật được Đức Thế Tôn khởi nguồn đã hòa nhập vào nền văn hóa bản địa một cách khiêm tốn, không phủ nhận mà góp phần làm phong phú nền tảng văn hóa dân tộc. Kể từ đó trở đi, qua các thời đại từ mở nước và dựng nước, đạo Phật luôn hài hòa với các hệ tư tưởng khác, tỏ rõ tinh thần khoan dung, cởi mở, từ bi và trí tuệ.”

Tính dân tộc của Phật giáo Việt Nam có lẽ chính là ngọn nguồn để đạo Phật gần gũi, thân thiết ở trong tâm khảm mỗi người Việt Nam. Phật giáo trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc là nhờ lẽ đó.

Năm nay, Phật giáo Việt Nam đón mùa Phật đản cùng với kỷ niệm 1000 năm ngày viên tịch của thiền sư Vạn Hạnh – một bậc quốc sư thời Lý. Ngoài ra, trong thông điệp mùa Phật đản 2018, đức Giáo chủ còn nhắc đến một bậc quốc sư khác gắn với cái mốc 1050 năm trước, thời điểm lịch sử ra đời nhà nước Đại Cồ Việt: vai trò của Quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu. Như một nhân duyên, 2018 cũng tròn 710 năm ngày đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Cuộc đời của Phật hoàng là tiêu biểu của tư tưởng hòa quang đồng trần, đưa đạo vào đời, lấy đời phát triển đạo – một tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.

Đạo Phật hiện hữu, Phật ở trong tâm mọi người Việt Nam dù không phải là phật tử (theo nghĩa quy y tam bảo), đạo Phật đồng hành cùng dân tộc và thời đại chính là bởi Phật giáo không lánh đời. Phật giáo Việt Nam nhập thế cùng dân tộc.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhiều thế hệ sư Tổ Phật giáo đã dày công gây dựng để Phật giáo khi vào Việt Nam thì mang đậm tính dân tộc "tùy nhân duyên thời đại, đã dấn thân nhập thế với nhiều vai trò khác nhau, từ người hướng dẫn chính trị, vị thầy tâm linh, cố vấn đạo đức, nhà văn hóa, giáo dục, nhà hoạt động xã hội… nhưng căn bản của mọi hành xử trong các vai trò xã hội đó là tâm từ bi và hạnh xả ly, không bị tiền tài, danh vọng, quyền lực cám dỗ, tha hóa.”

Và trên hết, như trong thông điệp của mình mùa Phật đản tháng tư 2018 này, đức Giáo chủ có nhắc lại tư tưởng “Trong cây vốn có lửa” của Khuông Việt đại sư: “con người ta không thể tìm thấy một thế giới giác ngộ nào khác bên ngoài cuộc đời này”. Để mỗi người đều tìm ra cách thực hành Phật pháp trong đời sống, là sống tử tế thì ngày nào cũng có Đản sinh ở trong tâm. 

Theo daidoanket.vn
(link bài: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tuy-nhan-duyen-thoi-dai-tintuc406725)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm