Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 08/12/2013, 08:06 AM

Vai trò và ảnh hưởng của Đức Đệ Nhất Pháp chủ trong sự nghiệp xây dựng GHPGVN

Ngài là bậc đống lương trong chốn Thiền môn song toàn Hạnh - Tuệ, là tấm gương sáng cho các thế hệ hậu học noi theo. Là một vị cao tăng cống hiến trọn đời cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, Ngài đã đóng góp nhiều công đức trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hoà hợp Phật giáo, góp phần đoàn kết và phụng sự dân tộc

1. Nhập đề

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 - 1993) là Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 1993). Trên ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài là một vị cao tăng đã trọn đời hiến dâng cho lý tưởng hoằng pháp độ sinh; nhiệt tâm góp phần to lớn vào sự nghiệp làm sáng danh Phật giáo và dân tộc Việt Nam; là tấm gương sáng trong tu thân, hành đạo.

Ngài luôn lấy giới hạnh tinh nghiêm làm thân giáo để răn dạy, sách tấn kẻ hậu lai; luôn thể hiện tinh thần bi, trí, dũng trong công hạnh vô ngã vị tha, tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, chú trọng đào tạo Tăng tài để có nguồn nhân lực Tăng ni có đạo hạnh phục vụ nhân gian.

2. Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận với việc đoàn kết thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam 

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp danh Đức Huy, thế danh Phạm Đức Hạp, sinh năm Đinh Dậu (1897) tại thôn Quần Phương, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Phạm Công Toán hiệu Thành Phủ, thân mẫu là cụ Lê Thị Vụ. Ngài là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em.

Năm 1912, nhận ra cuộc đời là vô thường, thân người là giả tạm, nên Ngài xin phép song thân xuất gia đầu Phật, sơ tâm cầu pháp với Sư tổ Thích Thanh Nghĩa (thuộc Dòng thiền Tào Động, chùa Quảng Bá, Thành phố Hà Nội), trụ trì chùa Đồng Đắc (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Sau khi thế phát xuất gia, Ngài được nghiệp sư gửi đến chùa Thanh Nộn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) học đạo với Sư tổ Thích Thanh Ninh. Với đức hạnh khiêm cung, siêng năng, hiếu học, Ngài luôn được Sư tổ thương yêu và kỳ vọng là pháp khí của tùng lâm.

Năm 1917, xuân đạo lý đã đơm bông trí tuệ, tâm Bồ đề thơm ngát tỏa giới hương, Ngài được Tôn sư cho thụ giới Cụ túc tại chùa Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình. Ngài thực sự dự vào hàng Tăng bảo với trọng trách: “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh”. Sau khi đắc pháp, Ngài tiếp tục hành cước, tham học ở các chốn tổ lớn như tổ Đào Xuyên (Thành phố Hà Nội) do Tổ Giám Thông Mệnh giảng dạy, chốn tổ Bằng (huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội) và chốn tổ Sở (Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) do Tổ Phan Trung Tứ thuyết pháp. Trải qua bao năm tháng chuyên tâm tu học tại các chốn tổ này, Ngài trở thành một bậc đạo hạnh trong sáng, không những uyên thâm Phật học mà còn quán triệt cả Khổng giáo, Đạo giáo, trở thành tiêu đích cho hàng Tăng ni, Phật tử ngưỡng mộ, quy tâm.

Năm 1940, Ngài thừa kế trụ trì chùa Đồng Đắc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tại đây, phật sự đầu tiên của Ngài là thành lập 02 trường Phật học ở chùa Đồng Đắc và chùa Kỳ Lân. Trong khoảng thời gian đó, Ngài thường làm chủ trường Hạ các chùa Phúc Nhạc, Đại Hữu, Non Nước, Lê Xá, Bà Đá,v.v…

Với đức độ tu hành, giới luật tinh nghiêm, khoảng năm 1950, Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình cung thỉnh Ngài giữ chức Giám luật Phật giáo tỉnh để làm tiêu đích cho Tăng ni, Phật tử trên con đường tiến tu Tam Vô Lậu Học.

Năm 1955, sau khi hoà bình lập lại, Ngài được mời lên Hà Nội để tham gia tổ chức lại Giáo hội. Trong thời gian này, Ngài về trụ trì chùa Phổ Giác, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội để tiện việc đi sang chùa Quán Sứ. Sau đó một thời gian, Ngài được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Quán Sứ.

Năm 1956, Ngài được bầu làm Phó Trị sự Giáo hội Tăng già Bắc Việt, kiêm đại diện Phật giáo Thủ đô. Tháng 3/1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập do Sư cụ Thích Trí Độ làm Hội trưởng, Ngài được Đại hội suy cử làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam.

Năm 1979, sau khi Hòa thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam thị tịch, Ngài được suy cử làm Quyền Hội trưởng cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981.

Năm 1980, Ngài đứng ra thành lập nghĩa trang tại chùa Huỳnh Cung, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội). Cũng trong năm này, Ngài về chùa Hòe Nhai, chốn Tổ của Thiền phái Tào Động. Năm 1986, Ngài chính thức về ngôi chùa này trụ trì cho đến khi viên tịch.

Năm 1980, trong bối cảnh nước nhà hoàn toàn độc lập thống nhất, Tăng ni, Phật tử cả nước mong muốn thực hiện ý nguyện bao đời của các bậc tiền nhân là thống nhất, hòa hợp Phật giáo Việt Nam. Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời đã cung thỉnh Ngài làm Chứng minh Ban Vận động.

Cũng trong năm này, Ngài vào lưu trú tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm ở Tp.Hồ Chí Minh một năm để cùng với Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam thực hiện ý nguyện thống nhất Phật giáo. Ban Vận động đã nhận được sự chào đón và ủng hộ nồng nhiệt của Tăng ni, phật tử Việt Nam.

Để chuẩn bị cho quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã có nhiều buổi tiếp xúc, làm việc với các bậc tôn túc, lãnh đạo các tổ chức, hệ phái và đông đảo Tăng ni, phật tử trong cả nước.

Trong khoảng một tháng, Ban Vận động đã có ba buổi ra mắt tại ba trung tâm Phật giáo, cũng là những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn trong cả nước là Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Tăng ni, phật tử, chuẩn bị cho sự ra đời của một tổ chức chung mang tính toàn quốc của Phật giáo Việt Nam.

Sau thời gian chuẩn bị chín muồi, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã quyết định lấy tháng 11/1981 là thời gian để tổ chức hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hội nghị diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Trong Hội nghị, Ngài được suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi đó, Ngài đã 84 tuổi. Đây là lần thống nhất quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tập hợp 9 tổ chức, hệ phái đại diện cho Phật giáo cả 3 miền. 

Từ đây, Phật giáo Việt Nam đã có ngôi nhà chung mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam ở trong nước cũng như trên thế giới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời đã chứng tỏ tinh thần đoàn kết hoà hợp, biểu hiện sự thống nhất ý chí và nguyện vọng của đông đảo tầng lớp Tăng ni, Phật tử, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong tình hình mới.

3. Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận với công tác đào tạo tăng tài, xây dựng nguồn nhân lực phát triển Giáo hội

Trong bài viết Một vài cảm nhận chân thành hướng đến Đại lão Hoà thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Hòa thượng Thích Minh Châu đã nhấn mạnh: “Biết chúng tôi có trách nhiệm chăm lo vấn đề giáo dục Tăng ni, Hoà thượng luôn luôn lo lắng chương trình tu học của giới trẻ. Hoà thượng sợ rằng các Tăng ni có học lại không tu, có tu lại không học, thái độ nào cũng nguy hiểm cho giới Tăng ni và có hại cho tương lai Phật giáo Việt Nam. Cho nên, Hoà thượng luôn nhắc nhở chúng tôi chu toàn vấn đề giáo dục Tăng ni, cả về pháp học lẫn pháp hành. Có như vậy các Tăng ni mới có khả năng tiếp dẫn hậu lai, bảo Phật ân đức”( ). 

Ngay sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng và thống nhất (1975), Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đã xin phép Nhà nước cho mở các lớp bồi dưỡng đào tạo Tăng ni khẩn cấp. Những lớp học ba tháng, sáu tháng liên tục được mở ra. Ngài luôn được cố Hòa thượng Thích Trí Độ ủy thác giữ trọng trách trong việc giáo dục đào tạo này.

Những học tăng của các khóa học nói trên, sau đó đã đảm nhiệm tốt những nhiệm vụ quan trọng ở các cấp của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Đến nay, nhiều vị đã viên tịch, một số vị hiện còn đang giữ trọng trách trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong các khóa đào tạo, dù ngắn hạn hay dài hạn, Ngài cũng luôn quan tâm nhắc nhở phải chú trọng giữ gìn giới luật và phải kết hợp học chữ Hán. Theo Ngài, kinh sách Phật giáo chủ yếu bằng chữ Hán, nếu không thông thạo chữ Hán thì khi đọc vào kinh sách sẽ không hiểu hết được nghĩa lý của kinh điển.

Khi Đại lão Hòa thượng Thích Trí Độ viên tịch (1978), Ngài được Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam suy cử vào vị trí Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, kiêm giữ chức Hiệu trưởng Trường Tu học Phật pháp Trung ương. Với cương vị mới này, Ngài lại cùng với quý vị trong Ban Thường trực Trung ương thúc đẩy các hoạt động của Hội. Ngài luôn nhắc nhở Tăng ni tu học và hành đạo phải đúng với chính pháp.

Một sự kiện ghi nhận công trạng giáo dục, huấn luyện Tăng tài của Ngài mà hàng hậu thế thường soi nhắc là tại Hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ vào chiều ngày 6/11/1981. Đến giờ Đại hội suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự, cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, thay mặt Chủ tịch đoàn và toàn thể đại biểu cung thỉnh Ngài đảm nhận chức vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cả hai lần Ngài đều khiêm tốn từ chối. Đến lần thứ ba Ngài phát biểu, nếu chư tôn đức một lòng quyết bầu Ngài làm Pháp chủ thì đề nghị Đại hội chấp thuận đề đạt lên Chính phủ cho phép Giáo hội được thực hiện 03 điều, trong đó có vấn đề trường Phật học: “Trường Phật học được thiết lập trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tại Thủ đô Hà Nội được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Huế được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại Thành phố Hồ Chí Minh được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tuỳ theo khả năng và nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được”( ).

Nguyện vọng của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và được chấp nhận. Ngay sau Đại hội, hai trường cao cấp Phật học được thành lập tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và Thiền viện Vạn Hạnh(Thành phố Hồ Chí Minh). Bắt đầu từ Nhiệm kỳ III (1993 - 1997), hai trường trên đổi thành Học viện Phật giáo Việt Nam và có thêm một Học viện Phật giáo đặt tại Thành phố Huế. Cả ba học viện Phật giáo này đã và đang duy trì tốt cho đến hiện nay.

Trong Lễ bế giảng khoá đầu tiên của Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I tại chùa Quán Sứ năm 1985, Ngài đã ban đạo từ: “Muốn thực hành từ bi phải có trí tuệ mà trí tuệ thì vô biên và bể học thì vô bờ. Vì thế phải tiếp tục học tập. Việc học tập phải được thường xuyên hằng ngày, không nên sao nhãng, không vì đã tốt nghiệp mà tự mãn, lãng quên việc học hành, trau dồi trí tuệ. Học và tu phải gắn chặt. Trí tuệ càng nâng cao thì đức hạnh càng phải trau dồi.

Cho nên cần phải tu tập đức hạnh để thực sự là người kế thừa xứng đáng của Phật Pháp và là người hữu ích trong xã hội. Tôi mong rằng chư vị tôn túc trong Giáo hội cần lưu tâm uốn nắn, giáo dục để các Tăng ni sinh ngày càng tinh tiến trên con đường tu học và là người kế tục tin cậy của Giáo hội”( ).

Cho tới Nhiệm kỳ VI (2008 - 2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thêm một cơ sở đào đạo cấp đại học thứ tư là Học viện Phật giáo Nam tông đặt tại Thành phố Cần Thơ.

Trước năm 1981, Phật giáo ở Miền Bắc chỉ có một Trường Tu học Phật pháp Trung ương, thì đến nay, hệ thống cơ sở đào tạo Tăng tài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhờ tinh thần “truyền đăng tục diệm”, Đức Đệ nhất Pháp chủ đã nối tiếp trong thời kỳ lịch sử đặc biệt của Phật giáo Việt Nam mà mạng mạch Phật giáo được duy trì, Giáo hội trang nghiêm, tinh tấn, phật tử được truyền giảng chính pháp. Đời sống của Phật giáo Việt Nam phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.

4. Lời kết

Nhìn lại chặng đường phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ ngày thành lập đến nay, hàng hậu học không thể quên công đầu đóng góp lớn lao của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận.

Trong quá trình giữ ngôi vị Pháp chủ (11/1981 - 12/1993), Ngài luôn quan tâm đến sự đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội. Mỗi khi có vấn đề “gợn”, Ngài kịp thời uốn nắn bằng nhiều hình thức, khi thì nhẹ nhàng nhắc nhở, khi thì gửi Thông điệp đến các cấp Giáo hội kêu gọi giữ gìn nếp sống Thiền gia, Lục hòa cộng trụ, đoàn kết xây dựng Giáo hội vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước thanh bình an lạc. Cứ thế, với uy đức bao trùm của Ngài, cộng với sự ngoại hộ, mọi sự rồi cũng vượt qua nhanh chóng.

Vào lúc 5 giờ 5 phút, ngày 11/11/Quý Dậu (ngày 23/12/1993), Đại lão Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch, lìa thân tứ đại giả huyễn lên đường về xứ Phật, hưởng thọ 97 tuổi, 77 năm tuổi đạo. Sau lễ tang, nhục thân của Ngài được an táng tại bảo tháp trong chùa Hoằng Ân, phường Quảng Bá, quận Tây Hồ, Tp.Hà Nội.

Với ngần ấy năm trụ thế, Ngài là bậc đống lương trong chốn Thiền môn song toàn Hạnh - Tuệ, là tấm gương sáng cho các thế hệ hậu học noi theo. Là một vị cao tăng cống hiến trọn đời cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, Ngài đã đóng góp nhiều công đức trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hoà hợp Phật giáo, góp phần đoàn kết và phụng sự dân tộc. Ngài là một vị Tôn sư đã dày công dìu dắt hàng ngàn môn đồ đệ tử trong nước và ngoài nước, trong đó có nhiều vị Tăng ni, cư sĩ đã trưởng thành, noi theo gương sáng của Ngài, bền vững đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội. 

Xuất thế giới hạnh tinh nghiêm, nhập thế lợi lạc quần sinh, Ngài luôn khơi dòng trí tuệ Văn Thù, thể hiện hạnh nguyện Phổ Hiền tốt đạo đẹp đời. Nhờ đó, toàn thể Tăng ni, phật tử Việt Nam được thấm nhuần thâm ơn pháp nhũ và lượng cả từ bi của Ngài, nguyện noi theo gương sáng của Ngài trên con đường hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh.

 Hòa thượng Thích Gia Quang
 Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm