Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 03/02/2015, 10:01 AM

Vãn cảnh chùa thơ Sắc Tứ Minh Thiện

Trến chuyến xe buýt Quyết Thắng số 7, từ Nha Trang đi Diên Khánh,  Khánh Vĩnh đã đưa chúng tôi cùng đoàn phật tử Nha Trang về chùa Sắc Tứ Minh Thiện.

Vãn cảnh chùa Sắc tứ Minh Thiện trong những ngày cuối năm Giáp Ngọ- ngày Tổng kết Khóa tu Một Ngày An Lạc, không ai bảo ai, phật tử các đạo tràng từ Ninh Hòa, Cam Lâm, Nha Trang, Diên Khánh từ sáng tinh sương đã có mặt tràng  lam trang nghiêm vân tập tại giảng đường Đạo tràng Niệm Phật.
Chùa thơ Sắc tứ Minh Thiện tự Diên Khánh
Ngược dòng lịch sử dân tộc Việt, Khánh Hòa chính thức trở thành đất đai Đại Việt từ năm 1653, mảnh đất nằm ở vùng duyên hải miền Trung, miền Thùy dương cát trắng, với những hàng dừa xanh tít tắp, bờ biển ngút ngàn, nơi nổi danh là xứ Trầm hương.

Giữa dòng chảy lịch sử

Từ giữa thế kỷ XVII (1653), vùng đất Khánh Hòa ngày nay đã trở thành một phần lãnh thổ của nước ta. Theo Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát: “Bia Võ Cạnh tìm thấy tại làng Võ Cạnh ở Nha Trang, thường được các nhà nghiên cứu xác định là xuất hiện vào thế kỷ thứ II sau Dương lịch viết bằng chữ Phạn. Phạn văn trở thành một ngôn ngữ được khắc trên đá từ thời  ấy, ghi lại nền văn minh Ấn Độ lúc bấy giờ chủ yếu là đạo Phật” 

Trước khi đất Khánh Hòa thuộc về Việt Nam thì Phật giáo đã có mặt tại Khánh Hòa hơn mười bốn thế kỷ trước. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng như các bộ sử Đại Nam thực lục, “Đại Nam Nhất thống chí Việt Nam sử lược do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đều ghi: “Tháng 4 năm Quý Tỵ thứ 5 (1653) đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế (húy Nguyễn Phúc Tần), vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn đất Phú Yên. Phúc Tần sai Cai cơ Hoàng Lộc Hầu làm Tổng binh và Xá Xai Minh Võ Hầu làm Tham mưu đem ba ngàn quân đánh trả. Nhân đêm, quân Nguyễn qua đèo Hổ Dương núi Thạch Bi thẳng đến trại Bà Tấm phóng lửa đốt phá. Bà Tấm thua chạy, sai con là Xác Bà Ân nộp lễ xin hàng. Chúa Nguyễn để từ sông Phan Rang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Rang trở ra lấy làm phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Diên Khánh (Khánh Hòa bây giờ). Đặt dinh Thái Khang để Hùng Lộc làm Thái thú”. 

Như vậy, đất Khánh Hòa vào giữa thế kỷ XVII đã trở thành một bộ phận trên cơ thể đất Việt. Nói cách khác, từ năm 1653 người Việt Nam đã bắt đầu sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất Khánh Hòa. Điều đó cũng có nghĩa là đạo Phật mang tinh thần dân tộc Việt đã có mặt tại Khánh Hòa vào năm 1653, bởi vì bất kỳ ở đâu, khi một cộng đồng dân cư đến ở đồng thời cũng mang theo truyền thống văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán.
Đại hùng bửu điện chùa Sắc tứ Minh Thiện - Thanh Minh, Diên Lạc, Diên Khánh

Chùa Sắc Tứ Minh Thiện, còn gọi là chùa Phật Lớn, hoặc chùa Thầy Năm. Bởi vì ngày xưa Hòa thượng trụ trì chùa Sắc tứ Minh Thiện thứ Năm, Ngài uy danh một thời. Chùa thờ đức Phật Thích Ca độc tôn tại đai hùng bửu điện lớn nhất vùng

Chùa Minh Thiện ngày xưa trên núi Bút Sơn, làng Thanh Truyền, phủ Diên Ninh, dinh Thái Khang do Hiệp Đức hầu Nguyễn Phước Chiểu kiến lập vào khoảng năm 1673 (Quý Sửu), vào đời vua Lê Huyền Tông, năm thứ 10, là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Khánh Hòa. Chỉ sau 20 năm chúa Nguyễn Phúc Tần mở đất Khánh Hòa (1653), chùa đã có mặt.

Hiệp Đức hầu Nguyễn Phước Chiểu còn có tên là Thuần, Ngài con của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ở Đàng Trong. Ngài thọ giáo theo học Phật với Tổ Viên Khoan – Đại Thâm. Sau cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn đẫm máu, Hiệp Đức hầu càng hiểu rõ lý vô thường của đạo Phật. Vì vậy, ngài quyết chí từ quan xuất gia tu hành. Trong những ngày vân du về phương Nam, khi đến phủ Quy Nhơn, Bình Định, Hiệp Đức hầu có nhân duyên gặp Hòa thượng Giác Phong. Hòa thượng thấy Hiệp Đức hầu có tâm thành cầu đạo và có lòng muốn độ chúng sinh nên khen tặng bảy chữ: “Tôn nhơn tự giác, giác hàm sanh” và truyền cho bài kệ:

“Phước Chiểu liên hoa diệu
Thiền gia ngọc bát hương
Vĩnh truyền ngô tống ấn
Chánh pháp thạnh Nam phương”

Từ đó Hiệp Đức hầu Nguyễn Phước Chiểu lấy hiệu là Giác Sanh Thiền Hòa tử tiếp tục vân du tu học. Đến trấn Bình Khang, (tỉnh Khánh Hòa ngày nay) Giác Sanh Thiền Hòa tử thấy ngọn Bút Sơn nằm bên bờ sông Cái, cảnh trí thích hợp cho việc tu hành nên dựng tích trượng tại đây, lập am tranh tu thiền, hoằng dương đạo pháp. Tài đức của Giác Sanh Thiền Hòa tử làm cho nhiều người kính phục, danh tiếng đồn xa, các quan chức và dân chúng khắp nơi nghe danh đã đến tham học và Quy y rất đông, Thiền sư Giác Sanh phải bỏ am tranh, xây dựng thành một ngôi chùa lớn lấy tên là Minh Thiện. 

Trong sách Bình Khang thắng tích do quan Cai bạ Nguyễn Đình Xuân viết năm Tân Dậu 1740 cho biết, tên chùa Minh Thiện là do Tổ Giác Sanh lấy ý từ sách Đại học của Khổng Tử: “Đại học chi đạo tại MINH minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí THIỆN”, nghĩa là người học đạo của Thánh hiền phải sửa mình cho được sáng suốt, đức sáng giáo dục mọi người tiến tới tốt đẹp đến chỗ rốt ráo là rất hiền lành.

Chùa Sắc Tứ Minh Thiện được phong sắc tứ vào đời vua Lê Cảnh Hưng nguyên niên (1740), sau 70 năm khai sơn kiến tạo.

Sau nhiều lần thay đổi vị trí chùa, do biến động của thiên nhiên, năm 1892 (Nhâm Thìn) đời vua Thành Thái năm thứ tư, chùa được xây dựng trên vị trí hiện nay: thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, do Tổ Phổ Quang kiến lập.

Lầu chuông chùa Sắc tứ Minh Thiện

Ngôi chính điện chùa Sắc Tứ Minh Thiện  trang nghiêm như hiện nay được đại trùng tu vào năm 1968 (Mậu Thân), dưới đời Hòa thượng trụ trì Thích Huệ Đăng.

Đúng là:


Minh bảo ngự đường trung, đăng chúc huy hoàng hưng chánh giáo,
Thiện nhân triêu điện thượng lễ cầu thành kính hiển chân tâm.

Sau năm 1975, Hòa thượng Thích Huệ Đăng tuổi cao, bệnh trọng, giao phó cho Thượng tọa Thích Thiện Thông kế thừa trụ trì tiếp tục trùng tu cổng tam quan, Tổ đường, Đông lang, Tây trúc, phương trượng trú trì, giảng đường, Tịnh độ đạo tràng, tháp chuông, tượng đài Đức Quan Âm, Lộc Uyển, tháp Tổ v.v…

Trước chùa, cổng tam quan sừng sững, uy nghi, kiểu cách trang nhã, màu sắc hài hòa. Trên cổng tam quan có treo biển Chùa Minh Thiện. Mặt ngoài có câu  đối:

Tự viện trang nghiêm hoàn thỉnh tề lâm phò chánh pháp,

Môn quan thanh tịnh tín tăng cu hội hộ nhân gian.

Mặt cổng tam quan có câu đối:

Minh đức viên dung hóa độ chúng sanh vô lượng, vô biên vô số kiếp,

Thiện duyên thị hiện tùy cơ thuyêt giáo đại hùng đại lực đại từ bi.

Vào trong cổng chùa là tượng đài đức Quan Thế Âm Bồ tát tay cầm tịnh bình và nhành dương liễu được tôn trí giữa hồ sen, tạo nên cảnh sắc thanh tịnh, trang

nghiêm, đang dõi mắt nhìn xa xăm như nguyện cứu khổ cứu nạn cho dân lành ở làng quê Thanh Minh, Diên Lạc.

Ngôi chính điện Minh Thiện uy nghi, hai bên có cổ lầu, lầu chuông và lầu trống, góc mái uốn cong, bốn góc có giao long uốn lượn. Trên nóc mái có lưởng long chầu nguyệt. Trước hiên với hoành phi: “Sắc Tứ Minh Thiện”, bên tay phải hoành phi ghi “Hoàng triều Cảnh Hưng, nguyên niên sắc phong”, bên tay trái ghi “Mậu Thân niên kiết nhựt trùng hưng”, phía dưới “Minh Thiện tự Trú trì hiệu Huệ Đăng tạo”, cho ta biết chùa được phong sắc tứ vào thời Vua Lê Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740), chánh điện được đại trùng tu vào năm Mậu Thân (1968), ngày lành, Trú trì chùa Sắc Tứ Minh Thiện, Hòa Thượng hiệu Huệ Đăng trùng hưng..

Tại Đại hùng bảo điện, trên bệ thờ Thế Tôn, tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi kiết già trên toà sen. Chính giữa chánh điện là bức hoành phi: “Giác hoàng điều ngự”

Hai bên là câu đối:

Tuyết lãnh cửu tu chân phước huệ dung thông tam giới thiên nhân đồng kính ngưởng,

Kỳ viên tuyên diệu pháp từ bi hỹ xã thập phương đàn tín tịnh quy y.

Chùa Minh Thiện được khai sáng, phát triển và truyền thừa qua 13 đời trụ trì, đã hằng ghi dấu công đức của Chư vị Tổ sư tiền bối dày công tô bồi, vun đắp lưu lại đến ngày nay. Trụ trì đời thứ 13 chùa Sắc Tứ Minh Thiện là Thượng tọa Thích Thiện Thông, Trưởng Ban Văn hóa GHPGVN huyện Diên Khánh, pháp danh Như Hải, tự Thiện Thông, hiệu Kế Chánh đời thứ 42 thuộc dòng Lâm Tế chánh tông, trụ trì từ năm 1975 đến nay.

Thượng tọa Thích Thiện Thông đã kế thừa và phát triển xây dựng toàn quang cảnh ngôi Tam bảo Sắc Tứ Minh Thiện trang nghiêm, tú lệ, rộng rãi, uy nghi, xứng danh là ngôi cổ tự, một danh thắng gần 350 năm tuổi, ngôi chùa cổ nhất tỉnh Khánh Hòa.

TT.Thích Thiện Thông nhà thơ, trụ trì chùa Sắc tứ Minh Thiện

Chùa thơ đậm nét Thiền:

Vãn cảnh chùa thơ Sắc tứ Minh Thiện những ngày cuối năm Giáp Ngo, chùa có nhiều cái mới: Cặp trụ trước tượng đài Quan Âm lộ thiện Thầy vừa mới xây dựng sân chùa hôm nay quang đảng trang nghiêm hẳn. Vườn hoa, cây cảnh khoe sắc muôn màu. Vào bên trong chùa, tăng phòng, nhà khách tràng kỷ, ghế dựa được trang bị mới.  Ấn tượng nhất là những bài thơ Thiền của nhà thơ Thích Thiện Thông:

Hướng nẻo Thiền:

Thả bước vân du khắp mọi miền

Gọi mời thiện tín cặp bờ duyên
Lời kinh kết nối tình liên hữu
Bài pháp sẻ chia đạo thánh hiền
Trong bến lợi danh tâm khổ lụy
Ngoài vòng chung đỉnh trí an nhiên
Lối xưa đầy dẩy màu đưa tiễn
Quẳng gánh tham sân, hướng nẻo Thiền.

Xuân Ất Mùi 2015, Trụ trì chùa Sắc tứ Minh Thiện - Thượng tọa Thích Thiện Thông

Chư tôn đức chứng minh Khóa tu Một Ngày An Lạc tại chùa Sắc tứ Minh Thiện

Bài họa: Tới cõi Thiền

Vãn cảnh chùa thơ  dạo khắp miền

Giao hòa  đạo bạn  tạo nhân duyên
Một câu chia sẻ tình thi hữu
Vạn kiếp  kết giao  đạo thánh hiền
Ở cỏi  Ta bà đầy phiền lụy
Về miền Tây Trúc quá an nhiên
Lợi danh bỉ thử mau mau  tiễn
Bỏ hết tham sân, tới cỏi Thiền

Trước thêm Năm Mới Xuân Ất Mùi 2015

Trí Bửu

Cứ đến ngày mùng 9 Âm lịch đông đảo phật tử về chùa tham dự khóa tu
Giảng sư chia sẻ pháp thoại
Đông đảo phật tử tham dự khóa tu

Trí Bửu
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Hàng cây cổ thụ độc nhất vô nhị dẫn lối vào ngôi chùa màu hồng hơn 400 năm tuổi

Chùa Việt 07:45 14/04/2024

Chùa Hàng Còng, ngôi chùa duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến bên trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Phát huy di sản chùa Thầy

Chùa Việt 11:23 13/04/2024

Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Xem thêm