Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 24/12/2013, 09:30 AM

Về thăm chùa làng hàng thập kỉ vẫn là… “nơi ở tạm”?

...câu Kinh, tiếng Kệ hàng ngày góp phần ấm áp hơn nơi miền quê tín ngưỡng đạo Phật đang dần mai một? Cũng là góp phần thức tỉnh nơi sâu thẳm tâm lòng người dân, khơi dậy niềm khát khao khôi phục lại một thánh tích Phật giáo, giờ chỉ còn lại dấu ấn thời gian…

Sư thầy mới về chùa được hơn một năm, còn theo dân làng thôn Tuấn Lương, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên thì gần như không ai nắm rõ gốc tích của chùa cổ, dù nơi nền đất nhà chùa khi xưa vẫn còn. Trên khoảng đất rộng khoảng 4.000 mét vuông, giờ bằng phẳng như đất vườn thông thường, và cũng lâu lắm rồi chẳng ai đào bới gì thêm…  

Ao nước, đường làng trước chùa Tuấn Lương mới

Chùa Tuấn Lương mới (lấy theo tên thôn làng) cách nơi chùa cổ chừng vài trăm mét. Chị Minh, một phật tử trong thôn thường ngày về chùa chấp tác, giúp việc cho nhà chùa cho biết: "chùa xây cũng được vài chục năm rồi, nhưng vẫn chỉ là "tạm thời" chú ạ!"  vì diện tích quá nhỏ, không đủ chỗ nhà chùa thực hiện các công việc phật sự.

Trước khi có thầy về, chùa gần như để… không, số ít bà con trong thôn thi thoảng thay nhau chăm nom, quét dọn. Từ khi thầy Diệu Từ về với chùa làng, thầy sắp xếp lại, thờ tự ban nào ra ban đó, chùa dần thêm phần ấm cúng. Mới đây, thầy thỉnh được các mạnh thường quân cúng dường tượng Ngài Bồ Tát Quán Âm đặt ở giữa sân chùa, lợp mái che khoảng sân trước cửa Tam Bảo, bà con đỡ lo ngày nắng khi mưa chú ạ…"

Vừa đi, vừa hỏi đường nào

Một sáng Thứ 7 cuối tuần, trời còn lạnh nhưng nắng khá đậm nên chúng tôi đi đường không bị rét. Khi gặp thầy Thích Diệu Từ hồi đầu tháng 11, được tiếp chuyện cùng thầy, chúng tôi hẹn thầy sớm có ngày về thăm chùa Tuấn Lương. Thế mà gần hết tháng 12 mới hiện thực được chuyến đi, trước khi đi liên lạc với thầy không được, chúng tôi theo tờ địa chỉ thầy ghi, cứ thế rong ruổi trên chiếc xe máy, vừa đi vừa hỏi.  



Trục đường chính lối dẫn vào chùa, qua cổng làng


Chư Phật dường như cảm động trước tâm lòng nơi hai người con Phật, đã “chỉ đường” cho chúng tôi đi khá thuận lợi. Theo lối đường làng còn đậm chất thôn quê truyền thống với gạch nung già xô cùng sỏi đá chen nhau thành đường, đi qua chừng 200 mét thì tới đường bê tông mới, cổng làng hiện rõ, ao nước lặng một màu xanh mướt, cổng một mái chùa nhỏ đã thật gần… Khi đó hơn 12 giờ trưa, nắng đã vàng ruộm phủ kín những nẻo đường làng…

Thầy sắp về, thưa cô chú…

Tới lối rẽ ngay cổng chùa, đang chưa biết hỏi thăm ai vì chưa liên lạc được với thầy thì có cô bé chừng học sinh lớp 11 tới gần, cô bé chủ động hỏi: Cô chú hỏi thăm ai ạ?
 

Cổng làng nhìn từ bên trong


Biết chúng tôi về thăm chùa, và mong gặp thầy lo việc phật sự, cô bé nói luôn: "thầy vừa đi có việc nhưng sắp về rồi ạ, cô chú vào chùa đợi Thầy về. Cháu sẽ gọi điện nhắn Thầy về sớm!".
 

Toàn cảnh phía trước nhà chùa nhìn từ khoảng sân bên phải
 

Tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát mới đặt nơi khoảng sân trước gian Chính điện Tam Bảo
 

Ban thờ Tam Bảo
 

Ban Đức Ông
 

Ban thờ Địa Tang Vương Bồ Tát, và ban Đức Thánh Hiền


Không quá phiền cô cháu tốt bụng, bạn tôi hỏi số điện thoại rồi liên lạc với thầy: Chừng 15 phút nữa thì thầy về cậu à. Lễ Phật xong, bạn tôi chờ thầy nơi gian Nhà Tổ, còn tôi tranh thủ thời gian “tác nghiệp”.

Không gian chùa rộng có vài trăm mét vuông, tôi nhanh chóng ghi lại những hình ảnh cần thiết, chụp xong bức hình cuối cùng nơi gian nhà Mẫu, ra ngoài chụp thêm vài kiểu vì quang cảnh thật đẹp và bình yên. Về lại chùa chưa tới vài phút thì nghe tiếng thầy: Cô chú về lâu chưa, đi đường có mệt không?
  



Gian nhà Tổ




Gian nhà Mẫu


Rồi mấy thầy trò nhanh chóng hàn huyên bên tách trà ấm. Ngồi hết hai li trà, tôi xin phép thầy tiếp tục “tác nghiệp”. Cái tật say mê chụp ảnh nó thế đấy. Được vãn cảnh chùa, thăm những nơi miền quê thanh bình, tôi và một Phật tử chẳng thể đừng được. Chiếc máy ảnh Nikon D90 được dịp thỏa sức sáng tác:

Xưa thì: Cây đa, giếng nước, sân đình. Nay chúng tôi có:
 





Cây đa, bóng nước, sân chùa bình yên…
 

Cổng trước nhà chùa nhìn thẳng trước gian chính điện
 

Một góc gác mái gian Tam Bảo
 



Nơi gian thờ Mẫu tường bao, mép mái đã hư hại nhiều


Chẳng được mải mê nhiều, tiếng chuông điện thoại di động réo, bạn tôi gọi: Cậu về ngay, thầy dẫn đi thăm nền chùa xưa và tháp Tổ.

Giờ chỉ còn thửa ruộng, luống rau…

Theo thầy Diệu Từ qua khoảng sân nhà “Bà Cường”, đi tiếp qua cánh cửa gỗ nhỏ, men theo lối đường đất nơi khoảng vườn sau nhà, tới khoảng đất rộng mênh mang, bên là ruộng lúa, bên thì trồng cây, chỗ thì ao nước… Đó chính là khuôn viên cũ chùa xưa.  

Thửa ruộng chùa xưa còn lại


Theo lời bác Giải năm nay 66 tuổi (tức Bà Cường, dân thôn quen gọi theo tên chồng): Gia đình bác về đây từ năm 1970, khi đó chùa cũ đã bị phá sạch, các cụ tăng gia sản xuất tập thể, chủ yếu lấy đất canh tác trồng Bạch Đàn và Phi Lao.

Có lúc đào đất, rào thửa vẫn thấy gạch ngói cũ, có chỗ thấy nền móng chùa cổ nữa, thậm chí nhiều nơi còn thấy tiểu, quách… Đời các cụ đi qua, các đời sau thì cứ để vậy, gia đình bác về đây cùng một vài gia đình khác sắn tay phát quang, nào cỏ Lau, cỏ Lác… mọc ngang ngực người dày vô kể dần cũng được dọn sạch.  

Đào sâu thêm nữa vẫn còn thấy móng cũ chùa xưa ở những rìa vườn được “đánh dấu” như thế này
 

Nơi cây Đa làm mốc, sẽ là lối dẫn vào cổng chính ngôi chùa cổ khi được khôi phục lại


Bác Giải không biết chính xác chùa cổ có từ bao giờ. Nơi khuôn viên còn lại vậy, giờ còn thửa ruộng xưa, và tháp Tổ cách khuôn viên cũ một cái ao…
 

Khuôn viên nơi Tháp Tổ chùa cũ ngày nay…


Tới vườn tháp và tháp Tổ chùa xưa phải đi nhờ qua vườn rau của một hộ dân. Sư thầy cho biết: Thầy về đây, thấy chỉ còn lại tháp Tổ và tháp các Cụ (theo dân thôn kể lại), thầy dùng gạch và xi măng, vữa dựng lại bề ngoài, chứ đâu biết chính xác mà tôn tạo lại nguyên bản.
 



Tháp Tổ và tháp các Cụ mới được tôn tạo lại
 



Góc khuôn viên nhìn từ Tháp Tổ


Thầy về đây được một năm, mọi sự còn muôn phần mới mẻ, khó khăn. Tâm nguyện hoằng pháp đã khó, còn nhiều trở ngại nơi thôn quê vốn nặng về văn hóa làng xã, đời sống tâm linh bà con có phần nghèo nàn khi có chùa mà thiếu sư, thiếu người hướng dẫn, chia sẻ.
 





Vẻ ngoài thanh bình là thế, bên trong chùa vẫn còn đó nhiều lắm những ngổn ngang, khốn khó


Nơi chùa Tuấn Lương mới, thầy từng bước chăm chút, gieo duyên Phật Pháp tới các bạn trẻ, chủ yếu là lứa tuổi thanh thiếu niên, sẽ là lực lượng phật tử nòng cốt tương lai. Cơ sở vật chất chật chội, muốn tổ chức các chương trình Phật sự hay chương trình văn hóa cho bà con cũng đều eo hẹp. 



Nơi thầy, cũng như tâm nguyện chung từ nhiều bà con phật tử thôn Tuấn Lương, đều mong chùa xưa sớm được khôi phục, được xây dựng lại, khi đó bà con mới yên tâm có nơi cùng nhau tu học.

Được biết, xã đang có chủ trương quy hoạch, tôn tạo lại chùa cổ, ngôi chùa chưa rõ niên đại đã từng gắn bó với đời sống tín ngưỡng người dân nơi đây từ nhiều đời, gắn bó cùng miền quê từng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử.

Có lẽ, quãng thời gian ngắn thầy về đây, câu Kinh, tiếng Kệ hàng ngày góp phần ấm áp hơn nơi miền quê tín ngưỡng đạo Phật đang dần mai một? Cũng là góp phần thức tỉnh nơi sâu thẳm tâm lòng người dân, khơi dậy niềm khát khao khôi phục lại một thánh tích Phật giáo, giờ chỉ còn lại dấu ấn thời gian…

Thường Nguyên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Người dân một số quốc gia Đông Nam Á đi chùa, cầu an dịp Tết cổ truyền

Ảnh 19:42 15/04/2024

Không khí lễ hội đón tết cổ truyền 2024 đang diễn ra sôi nổi tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Ngắm những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer tại Sóc Trăng

Ảnh 13:16 05/04/2024

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất cả nước, vì thế cũng là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer, đặc biệt là kiến trúc tại các ngôi chùa.

Khai mạc triển lãm tưởng niệm 10 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch

Ảnh 18:30 01/04/2024

Chiều 31-3, triển lãm về cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã được khai mạc tại chùa Vạn Đức (TP.Thủ Đức).

Xuất gia báo hiếu, nghi lễ quan trọng nhất đời người ở Myanmar

Ảnh 11:00 17/03/2024

Hầu hết người dân ở Myanmar đều một lần trải qua nghi lễ Shin Pyu để lên chùa tu tập, báo hiếu cha mẹ.

Xem thêm