Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 22/06/2015, 10:27 AM

Vị chân tu thời hiện đại

Sáng ngày 21/04/Ất Mùi (07/06/2015), TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN có buổi chia sẻ đạo lý với các hành giả đang An cư Kiết hạ tại trường hạ chùa Huệ Minh về chủ đề “VỊ CHÂN TU THỜI HIỆN ĐẠI”.

Buổi Pháp thoại có sự chứng minh tham dự của Chư tôn đức Hòa thượng lãnh đạo BTS GHPGVN tại huyện Tân Thành, cùng 50 hành giả hiện An cư Kiết hạ và đông đảo phật tử từ các tỉnh thành về cúng dường trường hạ và thính Pháp. 
 
 
Trước khi đi vào nội dung, Thượng tọa đã định nghĩa thế nào là bậc chân tu để mọi người cùng nắm được đối tượng của bài Pháp thoại. Thời nào cũng có người chân tu và Thượng tọa đã phân tích diễn giải cho thấy người chân tu thời xưa và người chân tu thời nay có những điều phải hoàn toàn giống nhau, vì nếu trật thì không phải chân tu. Tuy nhiên, có những điều khác với người xưa, nhưng người nay vẫn là chân tu. 

Trong phạm vi đề tài VỊ CHÂN TU THỜI HIỆN ĐẠI, Thượng tọa đã chia sẻ về cái nhìn này, vì ai tu hành rồi thì cũng phải trở thành một người tu hành chân chính, ta gọi là một bậc chân tu.

Ngày nay, trước sự biến thiên thay đổi theo thời đại mà  khung cảnh, thời thế, thông tin, phong tục, tập quán, văn hóa, văn minh cũng thay đổi theo, khiến có rất nhiều điều không còn giống như thời đức Phật.

Vậy nên, chúng ta luôn phải suy ngẫm là làm thế nào để giữ được sự chân tu trong tâm hồn, trong cốt cách và đạo hạnh của mình; làm thế nào để mình đi đúng con đường tìm về sự giác ngộ, giải thoát; làm thế nào để cho tứ chúng, nhất là các phật tử luôn giữ được niềm tin với Tam Bảo?

Vì nếu không còn người chân tu trên cuộc đời này thì Phật pháp chẳng bao lâu sẽ biến mất, mọi người sẽ quay lưng với đạo Phật. Vì thế, lúc nào chúng ta cũng cần những bậc chân tu. Mà một bậc chân tu ở thời đại ngày hôm nay phải dựa vào tiêu chuẩn nào đó chứ không thể đánh giá một cách hời hợt được. Từ đó, ta thấy những vị chân tu có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển Phật pháp. Cho nên, tiêu chuẩn để đánh giá một vị chân tu phải khắt khe, nghiêm túc. 
 
 
Để gợi mở sự nhận biết, đánh giá một vị chân tu, trước hết Thượng tọa nêu ra một số điều căn bản mà một vị chân tu thời đại nào cũng phải có.

- Điều thứ nhất là giới hạnh, dù thời đại trước hay sau, tu thời đại nào cũng phải giữ gìn giới luật, gọi là giới hạnh. Giới thì đúng là có một số điều đã thay đổi, nhưng trên căn bản là vị tu hành đó phải yêu quý, tôn trọng, hành trì, giữ gìn giới luật. Vì nếu không có cái ý trong tâm mình yêu kính, tôn trọng giới luật, tức là thiết tha khẳng định, quyết tâm không làm điều sai thì người này không phải chân tu. Chúng ta yêu quý giới luật vì giới luật cho ta khuôn phép, cho chúng ta hình mẫu, một biểu tượng thiêng liêng của người xuất gia, nhưng chúng ta cũng biết rằng cái hình mẫu, cái khuôn phép đó chưa phải là cái lõi, mà cái lõi chính là một nội tâm không tham - không sân - không si. Nhân đây, Thượng tọa cũng nhắc lại mục đích đức Phật chế Giới.

- Điều thứ hai, người chân tu dù thời xưa hay thời nay, thân tâm phải được thúc liễm trong thiền định, tức ta phải tu một pháp môn nào đó (niệm Phật, theo dõi hơi thở, hay quán chiếu Bát nhã), làm cho ta ngồi bất động, để giữ tâm bất động, đây được coi là một cách nhiếp tâm, gọi là thiền định. Từ xưa tu như vậy và thời nay cũng phải tu như vậy. Và thiền định có thành tựu được đều phải do công phu vất vả, đi từ công đức ở nhiều đời cho tới sự thực hành vất vả của đời này mà thành. Nên từ ngàn xưa cho tới ngàn sau, người chân tu đều phải yêu thích thiền cũng giống như mới đầu ta phải yêu thích giới luật.

- Điều thứ ba, người chân tu thời xưa với người chân tu thời nay phải giống nhau là có trí tuệ, tức là một bậc chân tu phải thấy rõ điều nào là tội, điều nào là phúc. Người nào có thấy rõ điều đó thì ta gọi vị đó có trí tuệ, chứ không phải vị đó có bằng cấp cao hay tu lâu. Có thể vị đó không bằng cấp, có thể vị đó không còn trẻ, nhưng nếu vị đó biết rõ điều tội - phúc từng chút trong cuộc sống này, vị đó là người có trí tuệ, vị đó có thể làm thầy thiên hạ. Còn việc kiến thức biết rộng rãi là chuyện sau nữa. 

Trên đây là 3 điều căn bản thuộc Giới – Định – Tuệ. “Giới” là quyết không làm điều sai; “Định” tức là có công phu để nhiếp tâm; “Tuệ” là biết rõ điều tội phúc trong cuộc sống này. Đó là ba cái căn bản khi một bậc chân tu. Rồi từ ba cái căn bản này, vị đó có một số công hạnh mở ra. Thứ nhất là tỏa hương đạo đức trong cuộc sống từ lời ăn tiếng nói, rồi cư xử đúng mực, nhã nhặn, có khi nghiêm trang, có khi hiền lành, có khi bao dung, có khi nghiêm khắc…tất cả những cái đó tạo thành đạo hạnh mà ta gọi đó là một bậc chân tu đầy đạo đức. Thì người xưa đã vậy và người thời nay cũng phải như vậy.
 
Lại nữa, Thượng tọa liệt kê thêm một phẩm chất của một bậc chân tu từ thời xưa tới thời nay nữa là tâm từ bi. Thời nào người chân tu cũng phải là một người từ bi, yêu thương tất cả chúng sinh, đó là cái quan trọng. Yêu thương tất cả nhưng yêu thương không có nghĩa là chiều chuộng. Rồi một vị chân tu thời xưa cũng như thời nay còn có một số bản chất nữa, đó là tinh tấn, lòng tôn kính Phật hoàn toàn, trọn vẹn. Không thể gọi là một bậc chân tu khi vị đó còn giải đãi. Với bậc chân tu, trong từng cái tích tắc không để một tích tắc nào trôi qua vô ích. Người chân tu có thể vẫn phải nói chuyện, vẫn phải làm việc nhưng họ kiểm soát không để một giây nào mất chánh niệm trong tâm, mà nếu có một giây nào thất niệm, họ đã hối hận, âm thầm sám hối với Phật. Cho nên, sự tinh tấn này đáng để làm Thầy thiên hạ, làm mô phạm cho đời, vì ta biết chắc người này không làm gì sai trong cuộc đời của họ. 

Ngoài ra, để đánh giá là bậc chân tu, vị đó lúc nào cũng an trú, sống trong đó lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Một bậc chân tu dù thời xưa cho tới thời nay đều phải có lòng tôn kính Phật. Nếu thiếu yếu tố quan trọng này, ta không thể trở thành bậc chân tu.  Cho nên người có trí tuệ phải dựng lòng tôn kính Phật trong tâm mình cho sâu sắc, triệt để và cho đến tuyệt đối. Có thể nói tôn kính Phật chừng nào đạo quả cao chừng ấy.

Trên đây là những tính chất của một vị chân tu mà thời xưa hay thời nay đều giống như vậy. Tuy phẩm chất là thế nhưng theo thời đại có một số điều ta phải linh động, phải thích ứng. Thượng tọa đã dùng nhiều ví dụ giàu hình ảnh để phân tích, chứng minh cho luận điểm này một cách thuyết phục, đồng thời Thượng tọa cho rằng: Chúng ta hoan hỉ chấp nhận sự thay đổi đó, nếu những tính chất tinh tấn, từ bi và “Giới - Định - Tuệ” kia vẫn còn đủ thì không sao hết, vì sự thay đổi đó tuy có mới nhưng là cần thiết của thời đại nên ta phải thích ứng.

Ngoài 3 phẩm chất cơ bản trên, một vị chân tu còn phải coi việc xuất gia và tăng đoàn giáo hội là thiêng liêng, không thể thay đổi dù thời đại nào. Người xuất gia và người tu tại gia có khoản cách rất lớn vì người xuất gia phải cưỡng lại bản năng thiên vị gia đình ruột thịt của mình. Người tu tại gia thì lại coi bản năng đó là đạo đức, là trách nhiệm. Thế nên, với người xuất gia, chùa chính là nhà, Giáo hội chính là gia đình.

Thượng tọa cũng nhắc nhở các phật tử rằng trong thời đại ngày nay, có nhiều thuyết mới ra đời, đem Phật giáo ra phân tích, giải thích làm cho giá trị của đạo Phật bị hạ thấp vì những thuyết đó không được nói bởi những bậc Thánh chứng ngộ thực sự. Dù ngày xưa, ngày nay hoặc sau này, để giải thích mọi điều hôm nay, chúng ta chỉ dùng đạo lý của Phật, tuyệt đối không dùng cái triết học thời đại để lý giải đạo Phật. Qua nhiều ví dụ, Thượng tọa kết luận rằng đạo Phật có thể soi sáng một cách đầy đủ, chính xác mọi điều của thời đại, của thế gian bằng hệ thống đạo lý, bằng trí tuệ của mình. Thậm chí có những điều khó hiểu nhất, đạo Phật vẫn soi sáng hết và nhìn từ gốc tới ngọn một cách đúng đắn. Mà cái lõi của đạo Phật chính là Luật Nhân Quả, nên ai tìm hiểu, đi theo Phật giáo, trước hết phải tiếp xúc, tìm hiểu và tin vào Luật Nhân Quả. 

Thêm nữa, một vị chân tu phải biết cưỡng lại dòng chảy của thời đại, vì có những dòng chảy cuốn ta rời xa sự giải thoát, giác ngộ. Thượng tọa khuyên chúng ta phải biết chọn lọc, kiềm chế trước các dòng chảy để không làm mất thời giờ, tâm trí của bản thân. Tuy nhiên, người chân tu không thể chống lại sự tiến bộ của thời đại mà phải hòa vào cái tiến bộ đó để tu và giáo hóa. Mọi người phải biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào việc tu học, giáo hóa để việc tu học, giáo hóa được đơn giản, dễ dàng, rộng khắp hơn. 

Đặc biệt, có một điều mà con người không thể thay đổi được là “Thiền”. Không có một sự tiến bộ kĩ thuật hay một liều thuốc nào có thể giúp con người chứng thiền. Con người chỉ có thể tu tập một cách tinh tấn thường xuyên, đi lên bằng sự cô độc, bằng con đường đạo đức, con đường chánh kiến, tự thân quan sát nội tâm, luôn biết sửa đổi lỗi lầm, diệt trừ vọng tưởng, diệt trừ bản ngã. Chúng ta phải tự vượt qua 5 chướng ngại của thiền là: thân, vọng tưởng, ảo giác, thần thông và chấp ngã để tiến lên.
 
 
Rồi vấn đề về 4 quả Thánh, từ Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Tiêu chuẩn đó là mực thước, là chân lý, không có thay thế, không có chế biến gì được hết, chỉ có ta chứng mà chưa biết đó là quả nào mà thôi, hoặc chưa chứng mà tưởng mình chứng. Có những trường hợp ta chứng Thiền rất cao mà vẫn chưa chứng được Thánh quả nào, có những người chứng Thiền tới đâu thì chứng quả Thánh tới đó, v.v… Cho nên quả Thánh và Thiền có liên quan, nhưng hai cái đó khác nhau hoàn toàn, thì những điều này từ ngàn xưa đức Phật đã nói cho đến bây giờ vẫn vậy, không có thay đổi, không có ai sửa được điều gì hết.

Chúng ta phải thay đổi để bắt kịp với sự thay đổi của thời đại nhưng những điều chân chính của đạo đức phải được giữ lại, vì nó là nhân quả để tu hành. Bên cạnh đó, chúng ta phải biết mượn những sự tiến bộ của thời đại để tu hành và giáo hóa. Ví dụ như đưa âm nhạc vào việc tu học, giáo hóa hoặc làm phim về Phật pháp để thu hút sự quan tâm của cộng đồng, tránh những phương pháp cũ, không hấp dẫn được người học. Tuy nhiên, phương pháp học có thể thay đổi nhưng nội dung học không được phép thay đổi, đây là điều kiện bắt buộc.

Bài Pháp thoại đã diễn ra trong khoảng thời gian 90 phút nhưng Thượng tọa đã phân tích, gợi mở một góc cạnh mới để mọi người nhìn lại cuộc đời tu hành của mình, biết mình phải gìn giữ điều gì, đón nhận điều gì và thay đổi điều gì cho đúng với phẩm chất của một vị chân tu thời hiện đại.

Thời đại nào cũng cần bậc chân tu, nhưng hình ảnh, sự cư xử, lối sống đôi khi có những điều sai khác. Dù khác người đó vẫn là một bậc chân tu, tuy không lệ thuộc hình thức nhưng cái lõi của sự tu hành thì không bao giờ khác nhau. 

Trở thành một vị chân tu là mục tiêu hướng đến của những người tu học. Những vị chân tu không chỉ đạt được sự giác ngộ cho bản thân, mà còn có thể giáo hóa được cho người khác, giúp mọi người vững niềm tin vào ngôi Tam Bảo. Vậy nên, các phật tử cần phải có thái độ đúng đắn với các vị chân tu, lấy các Ngài làm tấm gương để  phấn đấu tu học, sớm đạt được mục tiêu giác ngộ, đồng thời ghi nhớ trách nhiệm của mình là giáo hóa những người xung quanh và duy trì, phát triển Phật Pháp.

Hiện tại, An cư Kiết hạ là thời gian để tăng ni nỗ lực tu tập, thúc liễn thân tâm, trau dồi Giới – Định - Tuệ. Đây cũng là cơ hội để hàng phật tử tại gia gieo trồng phước đức. Với ý nghĩa quan trọng và thiết thực đó, phật tử Thiện Tâm – Thư ký Tổng Đạo Tràng Phật Quang – Chúng trưởng Đạo tràng Phật Thịnh (TP.HCM) đã thay mặt các huynh đệ dâng lời tác bạch cúng dường trường hạ.

Thay mặt Chư Tăng tại trường hạ, HT.Thích Giải Thiện - Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Thành - Thiền chủ trường hạ Huệ Minh đã thay mặt các hành giả an cư tán dương công đức của các phật tử Thiền Tôn Phật Quang đã đóng góp tích cực giúp cho khóa an cư được thành tựu tốt đẹp.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm