Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 28/10/2017, 09:27 AM

Viếng chùa Đìa Chuối (Hòa Bình - Bạc Liêu)

Trong câu chuyện bên tách trà nóng ở phòng khách nơi đặt Văn phòng BTS Phật giáo huyện Hòa Bình, Bạc Liêu, tịnh xá Bửu An, Đại đức Thích Huệ Thường giới thiệu một địa chỉ: chùa Đìa Chuối của Phật giáo Nam tông Khmer ở xã Vĩnh Bình sâu hun hút qua những cánh đồng rộng và nói thêm “Ở đó có ngôi Sa la hơn trăm tuổi”, và vị Đại đức nhiệt tình gọi điện thoại cho Đại đức trụ trì trong ấy, sư Dương Lượng.

Tôi vừa về từ ngôi chùa ấy, ướt đẫm mưa đêm, trong lòng ấm áp vì đã thực hiện được một chuyến hành hương ý nghĩa.

Chùa Đìa Chuối gọi nôm na theo dân gian, hình tượng hóa vùng đất lúa nước buổi đầu loài thực vật “chuối nước”: mọc nhiều - theo lời vị Tỳ kheo phó trụ trì đã có tuổi. Thực ra tên chùa gọi theo Khmer ngữ đã Việt hóa là Se Rey Vong Sa Chêk Meas, hay nguyên ngữ Khmer សិរីវង្សសមា - មាស. Cũng theo lời vị Tỳ kheo phó trụ trì, tên ấy bao hàm ý: ngôi chùa có nhiều cây chuối nước.

Chùa Đìa Chuối hôm nay chuối nước không còn nhiều, chỉ còn hàng chuối tháp ở khu đất nhỏ cạnh nhà kho. Những thân cây có hình dáng mang nét họ chuối những bé hơn nhiều, lại có nét như rau mác, hoa vàng, “chuối cảnh”, sư Tỳ kheo nói thêm. Tên chùa, địa danh vùng đất gắn với thảm thực vật bản địa hay nhân vật có danh ở buổi đầu khai khẩn đất mới là sự thường ở miệt này.

Ngôi chùa Nam tông Khmer ba mặt giáp sông và chỉ có mỗi một mặt có tường rào! Phần lớn chu vi kết nối với đồng lúa xanh rì, chen giữa những ao nho nhỏ. Tôi chậm bước trong không gian Phật lần đầu được viếng: Chính điện xây trên cao kiểu nhà sàn, ngôi sa la bằng gỗ hơn 100 năm gắn bó với những đời trụ trì tiên khởi nay là văn phòng, nơi nghỉ ngơi của vị trụ trì; giảng đường, các ngôi tháp và dãy tượng Đức chí Tôn với các tư thế thuyết pháp, thiền định, nhập niết bàn...

Các vị sư sãi lao tác cần mẫn với cọ sơn hay bên những khối vật liệu xây dựng, hình ảnh cứ như minh họa đời sống tu tập của tăng đoàn thời kỳ ban sơ của Đạo. Chính vị Tỳ kheo Sư phó có tuổi vẫn quấn gọn cà sa, cùng phật tử quét cọ sơn ở bảo tháp. Các vị lao tác bên cạnh đồng lúa của chùa đơm xanh xâm xấp nước. Tôi được biết chùa còn được ba công lúa nước để canh tác. Ba mặt giáp đồng lúa và kênh rạch tạo cho không gian thiền hòa quyện với thiên nhiên. Nơi đây tách khỏi ồn ả xe máy, khói bụi, thi thoảng vang lên nhè nhẹ thanh âm động cơ thủy cỡ nhỏ của bà con lưu thông trên kênh...

Chùa Đìa Chuối được thành lập vào 1903 và đã trải qua 16 đời trụ trì. Danh sách các vị lãnh đạo ngôi chùa được trân trọng gắn ở giảng đường, có vị là Hòa thượng, nhưng cũng có vị là Đại đức, Tỳ kheo hay Sa di.

Thả bước quanh những ngôi làng lác đác mái ấm trong chiều tà, tôi cố hình dung buổi đầu nơi đây khung cảnh như thế nào, ở thời kỳ thực dân Pháp đã thiết lập ổn định cai trị Nam Kỳ. Một cụ bà cho biết ngày ấy nơi đây có cả thú rừng. Ở quán nhỏ bên kia kênh, qua một chiếc cầu, người đàn ông trung niên là phó ban quản trị chùa kể tôi nghe một thời trai trẻ ông tu học khi chiến tranh dai dẳng kéo dài, ở chính ngôi chùa bên kia dòng nước.

Chiều xuống nhanh, tôi quay lại chùa Đìa Chuối từ giã vị Tỳ kheo nhiệt thành giải thích cho mình bao nhiêu thắc mắc, cười với cô phật tử khi cô cứ nhất quyết gọi ngôi Sa la và các công trình trên sàn cao là “nhà cao cẳng” thay vì nhà sàn như tôi “nắn chỉnh”.

Rời Vĩnh Bình trên con xe đạp mới tinh, qua những cánh đồng non nớt lá lúa xanh, tôi đạp chậm dù tối xuống nhanh, miên man suy ngẫm về đời sống tu học của quý sư sãi ở đây, sinh hoạt của Nam tông Khmer vùng nông thôn Miền Tây Nam bộ trong buổi văn minh vật chất và thế gói phẳng ngày nay tác động nhanh, mạnh mẽ. Lao tác cần cù bên cạnh cánh đồng, ba mặt không tường rào, sự khổ hạnh và lặng lẽ cứ gợi nhớ về đức Thế Tôn hành đạo ở Ấn Độ cổ đại.

Tôi nhớ đến nụ cười hỷ lạc của vị Tỳ kheo già khi nhận lễ tạm biệt của phật tử lần đầu đến thăm viếng cụ, ấm lòng.

Mưa nhiều...

Nguyễn Thành Công
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

Chùa Việt 14:40 23/04/2024

Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Hàng cây cổ thụ độc nhất vô nhị dẫn lối vào ngôi chùa màu hồng hơn 400 năm tuổi

Chùa Việt 07:45 14/04/2024

Chùa Hàng Còng, ngôi chùa duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến bên trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Xem thêm