Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 28/05/2017, 08:41 AM

Vĩnh Long: HT.Thích Viên Giác thuyết giảng tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Ngày 25/04/Đinh Dậu (20/05/2017), HT.Thích Viên Giác, Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Viện chủ chùa Từ Tân, đã quang lâm thuyết giảng tại Khóa tu thiền chùa Phật Ngọc Xá Lợi (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long), về đề tài “Thiện là cánh cửa để vào định”, với sự tham dự của hơn 300 thiền sinh và đông đảo phật tử trong và ngoài tỉnh. 

Bài pháp thoại đã nêu rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò của cái thiện đối với sự nghiệp tu hành của các phật tử. Đồng thời, nó cũng vạch ra những phương pháp làm điều thiện để mọi người hành trì, vừa tích phước cho bản thân, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người khác.

Được biết, đây là khóa tu lần thứ II, được tổ chức từ ngày 19 – 21/05/2017, do TT.Thích Chân Quang kết hợp với BTC chùa Phật Ngọc Xá Lợi tổ chức hàng tháng. Sau sự thành công của khóa tu thiền đầu tiên, Viện chủ chùa Phật Ngọc Xá Lợi tiếp tục tổ chức khóa tu thiền thứ II cho các phật tử. Khóa tu này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo của chư tăng ni, phật tử trong thành phố Vĩnh Long và các vùng lân cận.
 
Trước khi đi vào nội dung bài pháp thoại, Hòa thượng đã bày tỏ cảm xúc của mình khi đến với đạo tràng tu thiền. Mặc dù đây mới là khóa tu lần thứ II, nhưng lại mang một ý nghĩa rất quan trọng, bởi để có một khóa thiền cần có một cái duyên rất lớn. Do vậy, người nguyện cầu chư Phật hộ trì để khóa tu ngày càng phát triển, không chỉ dừng lại ở con số 2 khóa, mà nó kéo dài đến mãi về sau...

Mở đầu bài pháp, Hòa thượng đưa ra định nghĩa về cái thiện. Theo đó, thiện là việc lành, là cánh cửa đi vào định. Tức là, nếu ta không làm việc thiện, không tạo công đức thì không thể định tâm, tu tập và đi sâu vào thiền định được. Thiện là cánh cửa để đi vào định, là con đường Phật đã đề ra. Mục đích của nó là chuyển mê, khai ngộ. Nói đơn giản là chuyển dữ thành lành, chuyển ác thành thiện, chuyển người hiền thành Thánh, chuyển Thánh thành Phật. Hiểu rõ điều này là ta đã xác định được giá trị văn hóa của đạo Phật đối với con người và xã hội.

Con đường của Phật hiểu nôm na vậy, nhưng tiêu chuẩn chỉ có 3 câu ngắn gọn, mà chư tôn đức, tăng ni, phật tử ai cũng thuộc và hiểu. Đó là: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý”. Nghĩa là không làm điều ác, thường làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch. Ba điều này đã bao quát con đường của Phật. Tuy nó cô đọng nhưng lại bao trùm tất cả mọi pháp môn, mọi đường lối của Phật giáo.

Như vậy, điều đầu tiên Phật bắt các phật tử phải thực hành là không làm điều ác. Tất cả các điều ác mọi người đã được biết lúc quy y. Đó chính là 5 giới cấm, bao gồm: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Người giải thích, 5 điều đó bị cấm vì chúng đều là những việc ác. Nói cho rõ, ác là làm hại mình, hại người trong cả hiện tại lẫn tương lai. Ngược lại, không làm ác là không làm hại mình, không làm hại người. Người không làm điều ác được gọi là người hiền hoặc người lương thiện.

Xét cho cùng, người hiền không hại ai, nhưng cũng không giúp ai, nên cái thiện ở đây là cái thiện về mặt tiêu cực, chưa hoàn hảo. Thiện về mặt tích cực là ngoài việc không làm hại ai, còn phải biết giúp người nữa. Như vậy, điều thiện hảo hảo, đầy đủ có 2 mặt: không làm hại mà còn làm lợi. 

Tiếp theo, Hòa thượng lí giải 5 giới cấm được gói gọn trong một chữ là “bất hại”. Cụ thể, giới thứ nhất không sát sinh, tức là không hại người về mặt sinh mệnh. Giới thứ 2 không trộm cắp, tức là không hại người về mặt tài sản. Giới thứ 3 không tà dâm, tức là không hại người về mặt tình cảm. Giới thứ 4 không nói dối, tức là không hại người về mặt thân thể, tài sản, tình cảm bằng lời nói. Giới thứ 5 không uống rượu, tức là không hại mình, hại người bằng lối sống bê tha, trụy lạc. 

Năm giới này không thể không giữ vì không giới nào là không giữ được hết. Đây chính là những nguyên tắc để đưa đến việc không hại ai. Thế nên, giáo lí cốt lõi về việc hành ứng xử của đạo Phật là bất hại. 

Tuy nhiên, ngoài việc không hại ai, ta còn phải biết làm nhiều điều tốt để cái thiện được trọn vẹn. Dừng lại các điều ác chính là động lực đầu tiên giúp ta làm điều này. Nếu không dừng điều ác mà làm điều thiện thì cái thiện không bền vững, thành quả thu được cũng không tốt đẹp. Đây là lí do vì sao ta tích cực làm việc thiện, gom góp nhiều công đức nhưng tai họa vẫn cứ ập tới.

Rõ ràng, điều thiện có quả báo tốt, điều ác có quả báo xấu nên làm điều thiện mà không đoạn trừ hết cái ác thì quả báo tốt và quả báo xấu sẽ dung hòa, triệt tiêu nhau. Vì vậy, để điều thiện trở thành thiện thật sự, thành niềm vui, hạnh phúc cho đời sống của mình thì điều đầu tiên phải làm là dừng các điều ác. Nói vậy nhưng để đoạn trừ hoàn toàn được cái ác rất khó, bởi nó có gốc rễ sâu xa bên trong tâm hồn của mình. Làm một vài điều thiện, thực hành một vài công phu tu tập đơn giản thì không thể nhổ được gốc rễ của điều ác. Bởi vậy, đoạn trừ cái ác nghe vậy nhưng thật không dễ chút nào.

Hiểu cách khác, điều ác ở sẵn trong bản năng, xuất hiện từ nhiều kiếp nên giờ nó sẵn sàng có mặt khi ta không tinh tấn để đoạn trừ, để canh chừng, để không tạo điều kiện cho nó phát triển. Lại thêm, nó có bạn bè, đồng bọn, tức là cái tâm lí ô nhiễm, tâm phiền não có sự nối kết. Khi mất cảnh giác, để một tâm bất thiện khởi dậy thì cả hệ thống của nó sẽ ùa về, làm ta không thể chống đỡ được.

Trong tâm lí học của Phật giáo, tâm thiện chỉ có 11 tâm, trong khi đó, tâm bất thiện có đến 20 tâm. Thêm nữa, cái ác bao gồm 2 phần thô và tế. Phần thô nghĩa là ta hại người bằng đòn roi, vũ khí, lời nói nên cái tội lỗi rất dễ thấy. Cái thô này có sự điều động âm thầm từ bên trong, gọi là tế. Cái tế hiểu đơn giản là phần nhỏ nhiệm, sâu kín, tiềm ẩn bên trong, đó chính là cái tham, cái sân. Khi cái tham, sân còn trong tâm thì việc ta hại người chỉ là chuyện một sớm, một chiều mà thôi.

Thành thử, một khi ta chưa sạch từ phần thô đến phần tế thì rất khó để đoạn cái ác. Cái bất thiện, cái ô nhiễm còn thì ta không thể tu thiền được. Tu thiền đòi hỏi phải có môi trường tâm lí ổn định, hiền thiện. Môi trường tâm lí mà ô nhiễm, nhiều chướng ngại thì không thể nào đưa tâm vào định. Lại thêm, ngồi thiền rất khó. Không chỉ đau chân, mỏi lưng mà còn đòi hỏi kĩ thuật (cái này ta hiểu như là công nghệ cao). Ngày nay công nghệ cao mới có giá trị cao, cái gì xoàng thì giá trị thấp. Giờ ta hiểu quy trình tâm lí rồi thì làm cho tốt từng quy trình một.

Không làm điều ác giúp ta có đạo đức trong tâm. Đây chính là cái lõi, cái xương sống của việc tu hành. Thử tưởng tượng một người thiếu xương sống thì vẫn sống nhưng èo uột, không thể đứng vững. Người tu hành mà thiếu đạo đức thì không thể chứng đạt cao. Mà ta biết, căn bản của đạo đức là giới luật nên nhiều người thọ giới để có nguyên tắc sống. Sau đó, dựa vào nguyên tắc sống để ổn định hành vi, đạt được hành vi đạo đức để hoàn thiện tâm lí đạo đức của mình.

Muốn có đạo đức, trước tiên ta phải hiểu đầy đủ về nó. Đạo đức bao gồm 2 mặt: hành vi và tâm lí. Khi cả hai mặt này đều hoàn hảo thì đạo đức mới tốt. Lúc đó, ta mới đi được vào cái lõi của tâm linh, rồi kiến tạo cho mình một thế giới mới; một cuộc sống bình an, ổn định; một môi trường tâm lí phù hợp để gieo những hạt giống của thiền định và trí tuệ.

Ta phải nhớ, thiền định và trí tuệ chỉ có thể mọc được trên mảnh đất tâm linh, đạo đức. Có đạo đức, trí tuệ mới mở ra, tâm ta mới an trú được trong thiền. Do vậy,  Phật mới nói “chỉ ác tác thiện”, nghĩa là dừng mọi điều ác và làm nhiều điều lành. Nhưng nếu dừng điều ác rồi mới làm điều thiện thì không thể được bởi cái ác rất mạnh, cần phải nhờ đến nguồn lực của cái thiện nữa. Vì thế, muốn dừng được cái ác một cách nhanh chóng thì phải kết hợp song song với làm điều thiện.

Khi dừng được điều ác, chế ngự được sự ô nhiễm của tâm thì ta có được sự thanh tịnh, yên ổn trong tâm. Lúc này, cái đầu tiên ta có là sức khỏe, sau đó là sự vui vẻ, hạnh phúc, trở thành người hiền lành. 

Theo Hòa thượng, một người hiền lành dù xấu hay đẹp, họ vẫn có cái thần thái ấm áp, dễ chịu; có lực hấp dẫn để kéo những điều tốt lành đến; có thể thay đổi luôn được hoàn cảnh. Tu mà chưa thay đổi được hoàn cảnh là tu chưa đủ. Cho nên, ta cần làm cho tâm bình an đã, rồi hoàn cảnh sẽ dẫn thay đổi theo. Khi đó, ta có sức khỏe, tiền bạc, đời sống thảnh thơi, vui vẻ mới tới chùa tu được. 
 Hòa thượng Thích Viên Giác
Lại thêm, người ngồi thiền mà tâm hồn thanh thoát là người nhiều phước. Phước lớn mới đưa tâm vào định, không bị thúc bách, áp lực, căng thẳng bởi những vấn đề tầm thường của cuộc đời. Đức Phật từng dạy rằng: “Có những hạnh phúc không nhờ dục lạc mà nhờ thiền định”. Một người tinh tấn hành thiền sẽ thực sự nếm được hương vị của một thứ hạnh phúc ngọt ngào hơn hẳn mọi lạc thú do ngũ dục đem lại. Còn những ai không có kinh nghiệm về những hạnh phúc trong việc hành thiền thì không thể nào hiểu được.

Thật vậy, Thiền định rất khó nhưng khi vào định được rồi sẽ xuất hiện cảm giác hạnh phúc rất cao. Lúc đó, cuộc sống rất có giá trị bởi ta đã đạt được những tinh hoa sâu thẳm nhất của con người. Như vậy, làm lợi mình, lợi người cả ở hiện tại và tương lai chính là tiêu chuẩn sống của người phật tử. Cho nên, ở đâu có chùa, có tăng ni, phật tử thì nơi đó có lợi ích cho con người và xã hội. 

Nhân đây, Hòa thượng chỉ dạy rằng: bố thí là một trong những công hạnh, biểu tượng cao nhất của điều thiện được ghi trong kinh. Vì thế, không bố thì thì điều thiện của ta sẽ không lớn. Mặt khác, khi ta làm điều thiện thì cái ác bị đoạn trừ, dù chưa dừng được nó hẳn, nhưng tâm ta bắt đầu rộng lượng, dễ tha thứ, ít bị trói buộc hơn. Nhờ đó, cánh cửa tâm thức dần dần mở rộng để ta lọt vào cảnh giới của thiền.

Thiền làm tâm ta trở nên thánh thiện, nên thiền đi vào định là sự thành tựu nhất tâm, đó cũng là sự thanh lọc hoàn hảo. Người nào thường hành thiện thì giữ được công đức. Khi tâm an trú, được bảo hộ thì điều thiện sẽ tăng theo cấp số nhân. Tâm thiện bị vỡ thì điều xấu sẽ nổi dậy khiến ta thất bại về công đức. Do vậy, cần hành thiện để củng cố tâm, giúp nó dần an trú được vào thiện pháp, được Chư thiên che chở.

Tu đến độ cảm nhận được sự gia hộ của đức Phật, Chư thiên thì ta có được cảm hứng, sự phấn khởi trên con đường tu tập. Tu mãi mà không có kết quả sẽ làm ta chán nản, mệt mỏi, buông tay, rớt xuống bản năng, quay sang hưởng thụ. Nói vậy để ta hiểu làm điều thiện thì dễ nhưng giữ được nó rất khó. Đó cũng là cái khổ của người hiền thiện. Công phu để giữ điều thiện rất khó, chỉ cần buông tay hay không cố gắng, không tinh tấn thì tức khắc mất liền.

Giữ tâm thiện trong hoàn cảnh bình thường đã khó, giữ được nó trong nghịch cảnh còn khó hơn. Mà cuộc đời không phải lúc nào cũng như ý ta, luôn có những chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Những lúc vậy mà vẫn giữ được tâm hiền lành là một công phu rất lớn. Ai giữ được điều thiện là đang được đức Phật, Chư thiên hộ trì.

Ngoài việc dừng lại điều ác, phát triển điều thiện, ta còn phải tu tập công đức thiền định để thanh lọc tâm. Khi đoạn trừ được 5 Triền cái là: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và hoài nghi thì chúng ta sẽ đắc định. 

Người giải thích thêm, “triền” là trói lại, “cái” là che đậy. Đó là 5 tính chất xấu, trói buộc làm hẹp và che mất sự sáng suốt của tâm, làm cho con người không thấy được tâm mình tham lam, sân hận, ngu si, ngã mạn, nghi ngờ. Muốn đoạn trừ Triền cái để chứng được Sơ thiền, ta phải tu tập 5 Thiền chi, bao gồm: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Việc đoạn trừ 5 triền cái là đánh dấu bước mở đầu của giải thoát, như kinh nói: “Khi năm triền cái đã được đoạn trừ, vị Tỳ kheo tự mình quán thấy như người đã thoát nợ, hết bệnh, khỏi tù tội, một người tự do và như đất lành an ổn”.

Tóm lại, để đạt được thiền, ta phải đạt được thiện, công đức phải đầy đủ. Khi cái thiện đủ mạnh, cái ác sẽ bị diệt trừ, cái tích cực sẽ bung nở, thúc đẩy người thiện hiền lúc nào cũng đi tìm công đức.

Kết thúc bài Pháp thoại, Hòa thượng mong các phật tử luôn có sự bảo hộ của Phật và các bậc Thánh để an trú tâm trong thiện Pháp. Từ đó, nuôi dưỡng được hạnh lành và phát sinh cảm hứng để liên tục hành trì thiền định, phát triển công đức, bắt được những trạng thái tâm linh cao để làm sáng tỏ, ngời đời, ngời đạo trong công hạnh của mình.

Được tắm mình trong những đạo lí Phật dạy hết sức cao quý mà Hòa thượng chia sẻ, các phật tử rất hạnh phúc. Bằng rất nhiều câu chuyện, ví dụ trong kinh sách và ngoài cuộc sống, Hòa thượng đã làm rõ những triết lí chứa đựng trong bài Pháp. Đây cũng chính là cái cốt lõi của việc tu hành. Hiểu và nắm rõ những triết lí này mọi người mới có thể hành trì để bồi đắp, phát triển hơn nữa con đường tu học của mình.

Lại thêm, khi cái ác đang trỗi dậy, lây lan ngày càng nhanh như hiện nay thì việc vực dậy cái thiện là một điều hết sức cần thiết. Sự cưỡng chế của pháp luật chỉ có tác dụng răn đe chứ không thể tận diệt được cái ác. Chỉ khi nào mọi người tự giác dừng mọi cái ác, xây dựng cho mình cái tâm lành, đối xử với nhau tử tế, yêu thương thì xã hội mới thật sự yên bình, hạnh phúc.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Trường TCPH chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Phật sự địa phương 13:15 20/11/2018

Nhằm tôn vinh giá trị của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, vào ngày 20/11/2018, Ban giám hiệu cùng toàn thể tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã tổ chức ngày lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Đồng Tháp: Trường TCPH tỉnh chúc mừng ngày 20/11

Phật sự địa phương 11:28 20/11/2018

Ngày 13/10/Mậu Tuất (19/11/2018), chư tăng ni trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp đã đến các tự viện chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Đắk Nông: Lễ đúc đại hồng chung và an vị tôn tượng Bổn sư

Phật sự địa phương 10:55 19/11/2018

Sáng ngày 12/10/Mậu Tuất (18/11/2018), tại chùa Bửu Thành (TT.Đức An, huyện Đắk Song), cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni và bà con phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ an vị tôn tượng Bổn sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại huyện nhà.

Hà Nội: Chùa Hòa Phúc tưởng niệm 30 năm ngày HT.Ngộ Chân Tử viên tịch

Phật sự địa phương 14:37 18/11/2018

Ngày 11/10/Mậu Tuất (17/11/2018), chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Ngộ Chân Tử - Tổ Sư khai sơn chùa Hoằng Pháp.

Xem thêm