Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 24/02/2017, 09:29 AM

Vĩnh Long: TT.Thích Chân Quang thuyết giảng về "Bài toán tội phước"

Nhận lời mời của Ban Kiến thiết xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi tỉnh Vĩnh Long & Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây cũng như của BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, sáng ngày 23/01/Đinh Dậu (19/02/2017), TT.Thích Chân Quang đã chứng minh cho Lễ cầu quốc thái dân an, phát động khởi công xây cất Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây và thuyết giảng về chủ đề "Bài toán tội phước", với sự tham dự trên 5000 tín đồ phật tử gần xa và đông đảo các tình nguyện viên là chúng thanh niên Phật tử Phật Quang tại các tỉnh như: TP.HCM, Củ Chi, Bình Dương, Cần Thơ, cũng đến tham gia, hỗ trợ và giúp sức cho buổi lễ.

 
Với ý nghĩa của bài Pháp thoại, Thượng tọa đã khai mở tầm nhìn cho các phật tử thấy nhân quả đang vận hành, chi phối, điều khiển cuộc sống của tất cả chúng sinh. Từ đó, mọi người hiểu được tầm quan trọng của cái phước để biết cách cân nhắc, điều chỉnh mọi suy nghĩ, hành động của mình cho đúng đắn, phù hợp.

Thật ra, Luật nhân quả còn nhiều điều sâu xa khó có thể giải thích, nhưng những điều mà Luật nhân quả mang lại quả là tuyệt vời. Chỉ cần chúng ta vận dụng đúng thì sẽ mở được cánh cửa thành công đối với đời sống cũng như sự tu tập.

Đến tham dự buổi Pháp thoại có: TT.Thích Phước Hạnh, Phó Trưởng BTS, kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chính, Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; ông Trương Quang Sáu, Phó Bí thư TT tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long, cùng chư tôn đức tăng, ni trụ trì các tự viện xa gần.
 
Trước khi đi vào chương trình thuyết Pháp, đúng 18h00, tại lễ đài đã diễn ra Lễ cầu quốc thái dân an, trong đó có nghi thức cúng Quốc tổ Hùng Vương, nhằm bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao các Vua Hùng với niềm tự hào về sức mạnh cội nguồn của dân tộc và thể hiện lòng biết ơn đối với Bác Hồ (Vị anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hoá thế giới), cùng những anh hùng, liệt sĩ trong các thời kỳ, không tiếc xương máu đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc. 

Kế đến, TT.Thích Chân Quang phát động khởi công xây cất Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây. Được biết, trải qua 21 tháng xây dựng, nay đã hoàn thành được giai đoạn I là ngôi Chánh điện. Tiếp theo, sẽ xây cất ngôi Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây 9 tầng, cao 49m để phụng thờ Xá lợi Phật và là nơi quy hướng chiêm bái, tu học cho tăng ni tín đồ gần xa. Nơi đây sẽ là trung tâm tu học, tín ngưỡng, văn hóa… của Phật giáo tỉnh Vĩnh Long nói riêng và cả khu vực miền Tây nói chung với thế mạnh về giao thông, địa điểm thuận lợi (công trình tọa lạc ngay dưới dốc cầu Mỹ Thuận nối liền TP.HCM với các tỉnh miền Tây).

Hiện tại công trình vẫn đang rất cần sự đầu tư ủng hộ của các doanh nghiệp, doanh nhân, quý công ty, các nhà từ thiện, các nhà hảo tâm, cùng tất cả quý phật tử trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để mọi người cùng nhau thực hành hạnh cúng dường, hộ trì Tam Bảo. Mong Phật giáo miền Tây ngày càng hưng thịnh. 
 
Tiếp đến, nói về nội dung của bài Pháp thoại, Thượng tọa khẳng định chúng ta bất ngờ có mặt trên đời, nhưng lại không biết mình đến từ đâu và sống để làm gì. Hai cái không biết này cũng gọi là vô minh. Đây là nguyên nhân khiến chúng ta phạm nhiều sai lầm, tạo thành các tội chồng chất trong suốt cuộc đời. Lúc này, Luật nhân quả sẽ đưa chúng ta vào cõi khổ một lần nữa.

Tuy nhiên, nếu trong buổi đầu của cái vô minh, ta may mắn gặp được Phật pháp, được nghe giáo lý Phật về tất cả mọi việc, kể cả những điều nhỏ, tinh tế nhất, giúp chúng ta biết đạo lí, hiểu Luật nhân quả đang vận hành, hiểu luân hồi là vô tận, hiểu vũ trụ phức tạp này có vô số cõi giới. Nhờ đó, ta bớt vô minh, biết mình sống để làm gì.

Theo Thượng tọa, chúng ta chỉ bớt vô minh khi xác định được hai điều: 

Đầu tiên, chúng ta tin và biết Luật nhân quả đang vận hành trên cuộc đời này nên không có việc gì là ngẫu nhiên. Tất cả mọi chuyện đến với ta đều chịu sự chi phối, điều chỉnh của nhân quả. Đây là cái căn bản để chấm dứt sự vô minh.

Thứ hai, ta xác định được mục tiêu sống của mình. Mục tiêu sống của chúng ta không giống nhau và nó tùy thuộc vào trí tuệ của từng người.

Người có trí tuệ, có đạo đức sẽ chọn cho mình mục tiêu sống là đem lại niềm vui cho mọi người xung quanh. Người có trí tuệ cao hơn nữa thì biết rằng đem lại niềm vui cho người khác sẽ tạo thành cái phước ngược lại cho mình. Từ đó, họ cứ giúp, cứ yêu thương, tử tế với tất cả chúng sinh. Khi cái phước quá lớn, nó sẽ biến thành tiền bạc, tài sản.

Tuy nhiên, sử dụng những thứ đó như thế nào là một bài toán rất khó nên ban đầu, ta cứ xác định sống là để đem lại niềm vui cho người khác trước đã. Khi trí tuệ cao hơn, cái phước dày hơn, ta sẽ biết đằng sau đời sống vị tha đó còn nhiều điều phức tạp. Người càng trí tuệ, càng thấy đằng sau những vấn đề tưởng tốt lại có những rắc rối đang chực chờ.

Ví dụ, một người biết tu tập hiền lành, hay trang trí Thánh tượng, không bao giờ giận dữ với ai thì có cái phước, được quả báo đời sau rất xinh đẹp. Nhưng cái đẹp của chúng ta lại làm động tâm chúng sinh, gây bao nỗi khổ cho người khác. Vậy nên, cái phước ban đầu mà không được xử lí triệt để sẽ gây ra nhiều rắc rối.

Người có trí tuệ cạn chỉ nhìn thấy cái tốt trước mắt mà không nhìn thấy những cái rắc rối phía sau. Chỉ những người có trí tuệ sâu mới nhìn ra phía sau được 5 hay 10 bước. Và trí tuệ càng cao thì mục tiêu của ta càng xa.

Mục tiêu cuối cùng, cao nhất trong cuộc đời là giác ngộ giải thoát, chấm dứt mọi rắc rối. Còn lại, các mục tiêu khác chỉ là tạm bợ, mang theo những điều không hay. Vậy nhưng, không mấy ai đủ sức nhìn thấy mục tiêu cao nhất kia, ngay cả những người xuất gia. Ngày đêm, có vị tụng kinh, niệm Phật, cầu cho chúng sinh đều trọn thành Phật đạo, nhưng đó chỉ là câu nói cửa miệng, sâu thẳm trong tâm hồn, vị đó vẫn chưa nhìn thấy mục tiêu giác ngộ giải thoát. Điều cao siêu ấy họ chỉ nghe từ “Thầy’’ mình hoặc thấy trong “Kinh’’ mà thôi.

Thực sự, người bình thường không thể nhìn thấu được mục tiêu giác ngộ giải thoát, chỉ những người ít nhất là gần chứng quả Thánh vị mới thấy được. Tuy nhiên, bài Pháp hôm nay không đi sâu vào vấn đề này, chỉ dừng lại và tập trung vào mức độ thứ nhất của trí tuệ. Nghĩa là, nhấn mạnh vào mức độ thấy được nhân quả của con người.

Thượng tọa nhận định, vì phức tạp và khó hiểu nên không mấy ai tin hiểu được Luật nhân quả. Chúng ta chỉ nhìn thấy những điều nhân quả cơ bản mà không thấy được những điều phức tạp, sâu thẳm bên trong. Vậy nên, nhiều khi không biết tại sao ta làm việc tốt mà lại mang tội. Bài toán nhân quả rất khó giải chứ không phải dễ. Có khi thấy đáp án rồi ta cũng không hiểu. Ngay như việc tìm xem cái gì làm cho ta có giá trị trong cuộc đời, được nhiều người mến mộ, cũng có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Có người cho rằng đó là sắc đẹp; có người nghĩ rằng do tiền bạc mang đến, cũng có người cho rằng do quyền chức,… Nhưng đáp án chính xác và đầy đủ nhất lại là cái phước. 

Bằng nhiều ví dụ cụ thể, thực tế, người giải thích rằng “phước’’ là cái gốc giúp ta có giá trị trong cuộc đời này. Cũng chính cái phước giúp ta trở nên xinh đẹp, giàu sang, có địa vị. Người có trí tuệ hiểu được điều này nên lúc nào họ cũng bận tâm, làm sao để tạo ra được nhiều phước. Ngược lại, những người không có trí tuệ chỉ lo sống hưởng thụ cho sung sướng. Đây là sự khác nhau giữa hai loại người trong xã hội.

Nhìn vào điều này, ta sẽ biết mình thuộc hạng người nào. Tuy nhiên, cũng có người vừa thích hưởng thụ, lại vừa thích làm phước. Ta xếp họ vào dạng lơ lửng, khi lên khi xuống, mãi không tiến lên được. Tức là khi làm phước thì họ tiến, khi hưởng thụ thì bị lùi. Còn ai có trí tuệ, biết xác định chỉ làm điều phước, chỉ bận tâm đến hai chữ tội - phước, không bận tâm đến việc đi tìm một cuộc sống sung sướng thì mãi tiến lên. Qua đó, cho thấy bài toán tội - phước luôn đi trong cuộc đời chúng ta, nhưng có người biết giải, cũng có người không biết. 

Người biết giải bài toán tội phước, khi chết đi, cái phước tiếp tục theo người đó sang cả các kiếp sau, giúp họ nhận được bằng tốt nghiệp đại học con người, tiến lên một cấp cao hơn nữa, vượt khỏi thân phận con người, ta gọi là Thánh, hay cõi trời. Người không biết giải bài toán này mà cứ sống theo cảm tính, muốn làm gì thì làm, khi chết đi, sẽ có nhân quả công bằng. Nếu tội không quá lớn thì kiếp sau được trở lại làm người, tội quá lớn thì đọa súc sinh.

Lại thêm, chúng ta giải bài toán tội phước nhưng giải ở các mức độ khác nhau, dẫn đến nhân quả cũng khác nhau. Người giải xuất sắc sẽ vượt được khỏi thân phận con người. Nghĩa là mỗi ngày, từng việc họ làm đều được cân nhắc tội - phước cẩn trọng, kĩ lưỡng. Bởi thực chất, bài toán tội – phước chính là từng điều ta làm, từng ngày ta sống, từng ý ta nghĩ, từng lời ta nói, v.v… Ta phải biết đâu là tội, đâu là phước. Và lúc nào ta cũng phải chăm chăm, cân nhắc vào điều này.

Bên cạnh những người tìm ra đáp án, còn có những người giải nhầm. Việc nhầm lẫn này khiến họ phải chịu quả báo ứng với cái sai họ mắc. Hầu hết những người này không biết căng cái thước tội phước trong từng hành động mà tự ý làm việc theo ý muốn. Cho nên, không những mất phước mà còn mắc thêm tội. Bài toán tội - phước rất khắt khe. Ngay cả ý nghĩ, dù không nói ra nhưng nghĩ sai, cái tội cũng được hình thành âm thầm. Hay một câu đùa vui, dù không có chủ tâm, ác ý gì nhưng xúc phạm vào tâm người khác cũng tạo thành quả báo rớt vào đời ta. 

Quả báo đến với những người không có trí, chỉ thích làm theo ý mình là nỗi khốn đốn, không còn đường nào để sống. Còn người có trí tuệ, mỗi tuổi qua đi thì cái nhìn tội phước càng sâu sắc. Họ sống chỉ tính tội phước, không tính gì nữa. Đây cũng là việc làm của những vị Thánh, những vị Bồ tát.

Quay lại bản thân, ta xem tâm mình có giải được bài toán tội - phước không, đã bắt đầu tiến xa trên con đường tu tập hay chưa? Nếu một ngày, ta không suy nghiệm về tội - phước thì biết mình còn kém tu, ít đạo đức, trí tuệ dở. Nếu mỗi giây của cuộc sống, mỗi hành động dù là nhỏ nhất đều đem cân trên tội - phước thì ta là người trí tuệ. Nghĩa là người trí tuệ biết cân nhắc tội phước trong từng đường tơ, kẽ tóc, trong từng hành động, từng suy nghĩ.

Tội - phước là một bài toán, nhưng chưa chắc Tiến sĩ ngành toán học tìm được đáp án bởi nó rất khó, không giống những bài toán đơn thuần khác. Vậy nên, các vị Tiến sĩ dù giỏi, lập luận logic, chặt chẽ, nhưng bước vào nhân quả họ lại không hiểu hết. Với người đệ tử Phật, họ luôn cố gắng cân đo tội phước trong từng bước của cuộc đời. Đây là dấu hiệu cho thấy họ đang đi đúng con đường cần đi trong cuộc đời. Đến khi chết đi, họ yên tâm rằng gần như mình đã giải bài toán tội phước một cách hoàn hảo, dù không phải là Tiến sĩ toán học.

Tuy nhiên, đáp án của họ sẽ không được 10 điểm trọn vẹn vì đã có những lần hiểu nhầm tội phước. Dù sao, chắc chắn đời sau họ sẽ vinh quang, không phải quay lại làm người để giải lại bài toán này như những người đang nghĩ bừa, làm bậy khác. Như buổi lễ cầu quốc thái dân an này, chúng ta cùng tụng bài Sám, tưởng nhớ đến tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp cho nhân dân, dân tộc thì ta có phước, tâm hồn ta cũng được nâng lên. Dù rất tốn kém, nhưng quý thầy cũng cố gắng tổ chức các buổi lễ như thế này vì biết đây là cơ hội cho mọi người tạo phước. Vậy thôi nhưng ta biết ơn tấm lòng của các quý thầy rất nhiều.

Để làm được nhiều hơn nữa cho các phật tử, quý thầy mơ ước rằng chùa Phật Ngọc Xá Lợi sẽ trở thành Trung tâm Văn hóa Phật giáo, có nhiều khóa tu, là nơi nương tựa tâm linh cho mọi người. Tức là, chùa sẽ trở thành nơi tràn đầy lợi ích cho chúng sinh. Vậy nên, ta chỉ cần bỏ một viên gạch, một giọt mồ hôi, một hạt gạo,… chỉ một chút đóng góp cho Tam Bảo thôi nhưng sẽ có cái phước lớn để bảo vệ ta mãi mãi. Những cái nhân nho nhỏ thôi, nhưng theo ta đến nhiều kiếp mà ta không ngờ được.

Trong cuộc sống này, mọi việc của ta đều được cân đong tội - phước một cách công bằng. Nhiều người nghĩ rằng, để an toàn cho bản thân, tốt nhất không làm gì, không nghĩ gì để tránh bị tội. Họ đâu biết không làm gì cũng có tội. Cho nên, đừng thờ ơ với hiện tại quanh ta. Ta sống là phải làm, nhưng làm một cách đúng đắn, cẩn thận, sao để ai cũng vui vẻ, có lợi.

Ví dụ, khi nhìn thấy mọi người đến chùa, ta đừng làm ngơ để rồi mang tội. Ngược lại, tâm ta phải khởi lên được niềm vui hân hoan, biết tác ý cho mình yêu thương được tất cả mọi người, dù là người mới gặp lần đầu. Sau đó, biết xin Phật gia hộ để ta có thể tôn trọng được tất cả chúng sinh đến đó.

Trong những cái tế nhị của nhân quả, ta phải hết sức cân nhắc, cân đo mọi hành động của mình để giải bài toán tội - phước một cách tinh tế. Làm được điều này, ta sẽ dần dần trút bỏ thân phận con người, trở thành một vị Thánh. Vậy mới thấy con đường thành Thánh thực sự không phải khó. Ta chỉ cần biết cân đo tội phước từng chút một thì Thánh ở nơi đó.

Cuối cùng, Thượng tọa cho rằng thấy tội phước trong từng đường tơ, sợi tóc không hề đơn giản. Ngoài năng lực, trí tuệ của bản thân, ta phải nhờ vào sự hỗ trợ của các phương tiện khác, hữu hiệu nhất chính là thiền định. Chỉ cần lắng tâm trong thiền định mỗi ngày, ta có thể thấy chính xác được tội phước ở mỗi hành động của mình. Bài Pháp thoại đến đây kết thúc, nhưng vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm mỗi người phật tử về những đạo lí  sâu sắc này, khơi gợi cho họ suy ngẫm, nâng tầm trí tuệ để có thể giải được bài toán tội - phước tốt đẹp trong cuộc đời của mỗi người.

Bên cạnh đó, bài Pháp còn gửi một thông điệp đến những ai còn đang ích kỉ, chỉ biết sống cho bản than, rằng chúng ta không thể tồn tại, không thể đứng vững nếu chỉ có một mình. Vậy nên, sống là phải biết nghĩ đến những người xung quanh. Chỉ khi có một tập thể đoàn kết, yêu thương, ta mới có thể sống vui vẻ, hạnh phúc. Nhất là không tu một mình mà rủ nhiều người cùng tu để ai cũng được về với ba ngôi báu - nơi có ánh sáng, có chân lý, có hạnh phúc thật sự. Vì vậy, ta đừng độc bước với hành trình đi tìm hạnh phúc cao thượng của riêng mình. Tu hành là phải có bạn để cùng nhau uốn nắn, chỉnh đốn, giữ gìn đạo tâm cho nhau và giữ đạo Phật trường tồn. Mà giữ gìn đạo Phật cũng chính là giữ gìn đạo đức, trí tuệ, tình yêu thương và những điều tốt đẹp trên cuộc đời này. Đây chính là tài sản quý giá nhất mà ta có thể để lại cho các thế hệ sau.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm