Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 23/02/2015, 14:24 PM

"Vô ngã" còn phải "Vô pháp" chăng?

Đức Phật cũng dạy: “Này các tỳ kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. 

Vô ngã là khái niệm diễn tả bản chất của thực tại. Bằng tuệ giác đức Phật thấy rõ bản chất của mọi sự vật hiện tượng (kinh Phật gọi là các pháp) là vô ngã, tức con người và thế giới là không có tự tính (không có bản chất nhất định, cố hữu), không có tự thể (không có thực thể nhất định, cố hữu, không tự mình tồn tại), do duyên sinh (hình thành từ nhiều điều kiện, yếu tố), không đồng nhất (luôn trong tình trạng thay đổi, trở thành cái khác với trước đó). Vì thế cho nên ở con người cũng không có một cái ngã làm chủ tể (có quyền quyết định, sai sử), không có một linh hồn thường hằng, bất biến. Đây là sự thật, là chân lý về thực tại, về thế giới và con người mà đức Phật thấy được bằng tuệ giác siêu thực chứ không phải là giả thuyết, không phải là điều do đức Phật tư duy và tưởng tượng ra.

Lý vô ngã được đức Phật nói rất rõ trong kinh Anatta Lakkhana sutta (kinh Vô ngã tưởng hay kinh Năm vị thuộc Tương ưng bộ kinh III, tương đương kinh số 5 trong Tạp A hàm):

Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Thế Tôn ở trong Lộc uyển (Isipatana Migandhana), thành Ba la nại (Benares).

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói với năm thầy tỳ kheo (lúc này năm vị đạo sĩ đã xuất gia nên Phật gọi họ là tỳ kheo) rằng: 

- Này các tỳ kheo, sắc này là vô ngã. Nếu sắc là ngã, thời sắc không thể dẫn đến khổ não, và có thể mong rằng sắc của tôi là như thế này, sắc của tôi không phải như thế này. Này các tỳ kheo, vì sắc là vô ngã, nên sắc dẫn đến khổ não và không thể mong rằng sắc của tôi là như thế này hay sắc của tôi không phải như thế này. 

- (Thọ, tưởng, hành, thức, cũng tương tự như thế). Này các tỳ kheo, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã. Nếu thọ, tưởng, hành, thức là ngã, thời thọ, tưởng, hành, thức  không thể dẫn đến khổ não, và có thể mong rằng thọ, tưởng, hành, thức của tôi là như thế này, hay mong rằng thọ, tưởng, hành, thức của tôi không phải như thế này. Vì thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã, nên thọ, tưởng, hành, thức dẫn đến khổ não và không thể mong rằng thọ, tưởng, hành, thức của tôi như thế này, hay mong rằng thọ, tưởng, hành, thức của tôi không phải như thế này.  

- Này các tỳ kheo, các thầy nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

- Bạch Thế Tôn, là vô thường.

- Cái gì vô thường là khổ hay vui?

- Bạch Thế Tôn, là khổ.

- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?

- Bạch Thế Tôn, là vô thường.

- Cái gì vô thường là khổ hay vui?

- Bạch Thế Tôn, là khổ.

- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?

- Bạch Thế Tôn, không?
 
Do vậy, này các tỳ kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. 

- Phàm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì, quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”.

- Này các tỳ kheo, thật vậy, đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham, do ly tham vị ấy giải thoát. Khi giải thoát vị ấy biết rằng đã giải thoát. Trong sự giải thoát trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy  biết rõ: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại với trạng thái này nữa.      

Thế Tôn thuyết như vậy, năm vị tỳ kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, năm vị tỳ kheo được giải thoát các lậu hoặc, không còn chấp thủ. 

Đầu tiên đức Phật tuyên bố cho chúng ta biết mỗi nhân tố góp phần làm nên con người (cơ thể vật lý và tâm lý) như sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn không có bản chất nhất định, cố hữu (vô tự tính), không có thực thể riêng biệt, không đồng nhất (khi như thế này, khi như thế khác, luôn luôn biến chuyển, đổi khác tùy thuộc điều kiện nhân duyên), có nghĩa là sắc vô ngã, thọ vô ngã, tưởng vô ngã, hành vô ngã và thức vô ngã. Sắc là phần cơ thể vật chất, thọ là cảm giác, tưởng là tri giác (chức năng hồi tưởng, so sánh, đối chiếu, sắp xếp những hình ảnh mà thức tiếp nhận để kinh nghiệm, hiểu biết, đặt để khái niệm), hành là ý chí, hành vi, tập khí-thói quen, thức là nhận biết qua các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (giống như tấm gương phản chiếu hình ảnh), mỗi thành tố này vốn không có ngã (chủ tể, linh hồn) trong nó, mỗi thành tố này cũng không phải là ngã (sắc không phải ngã và cũng không có ngã trong nó; thọ không phải ngã và cũng không có ngã trong nó; tưởng, hành, thức cũng thế). Tự bản thân mỗi thành tố không thể tồn tại, mà nó chỉ tồn tại nhờ nương vào các thành tố khác (quan hệ tương thuộc), tự thân nó không có ngã, không phải là ngã, vì thế hợp thể năm thành tố này (thân ngũ uẩn hay cơ thể tâm-vật lý của con người) tất nhiên là vô ngã. Bởi vô ngã nên nó vô thường, hoặc cũng có thể nói do vô thường mà nó vô ngã. Vô thường và vô ngã đều là đặc tính của thực tại mà thôi. Vô thường là đặc tính về phương diện thời gian hay về mặt hiện tượng, vô ngã là đặc tính về phương diện không gian hay về mặt bản chất. 

Từ “vô ngã” trong tiếng Pàli là “Anatta”, trong đó “Na” có nghĩa là “không” và “Atta” có nghĩa là “ngã”. Chữ Atta (ngã) có hai nghĩa: 1.Tôi, ta (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít dùng để chỉ chính mình).  2.Là một danh từ có nghĩa:  Ngã (tôi, ta), tự ngã, linh hồn (thực thể vô hình thường còn mãi mãi trong mỗi hiện hữu, một thực thể vĩnh cửu, thường hằng bất biến). Khi bản kinh truyền sang Trung Hoa, các dịch giả dịch là “vô ngã” (không có ngã) hay “phi ngã” (chẳng phải ngã).

“Ngã” ở đây có nghĩa là chủ nhân ông, chủ tể hay một tự ngã, một linh hồn bất diệt (vẫn tồn tại sau khi con người chết đi -theo quan niệm một số tôn giáo, tín ngưỡng), là một thực thể tồn tại độc lập, bất biến và có quyền làm chủ, có quyền quyết định. Đức Phật nói “Sắc vô ngã” có nghĩa là sắc không có ngã (không có chủ tể, tự ngã, linh hồn) trong nó, sắc không phải là ngã. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vô ngã.

Sau khi tuyên bố: “Này các tỳ kheo, sắc (thọ, tưởng, hành, thức) này là vô ngã”, Đức Phật đã giải thích: Bởi vì “nếu sắc (thọ, tưởng, hành, thức) là ngã thì sắc (thọ, tưởng, hành, thức) không dẫn đến khổ não, và có thể mong rằng sắc (thọ, tưởng, hành, thức) của tôi là như thế này, sắc (thọ, tưởng, hành, thức) của tôi không phải như thế này. Này các tỳ kheo, vì sắc (thọ, tưởng, hành, thức) là vô ngã, nên sắc (thọ, tưởng, hành, thức) dẫn đến khổ não và không thể mong rằng sắc (thọ, tưởng, hành, thức) của tôi là như thế này, mong rằng sắc (thọ, tưởng, hành, thức) của tôi không phải như thế này”.  

Hợp thể ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hay thân thể vật lý và tâm lý của con người không có thành phần vật chất hay tinh thần nào có ngã cả. Nếu sắc (thân thể vật chất) có ngã thì có thể mong muốn sắc không thay đổi, biến hoại (không xấu, không già, không chết, không bệnh hoạn…). Chính vì sắc không có ngã trong nó, sắc không phải là ngã cho nên không thể mong muốn sắc như thế này hay như thế khác. Con người không thể mong muốn sắc thân trẻ mãi không già, sống hoài không chết, khỏe mãi không ốm đau, luôn đẹp mà không xấu…). Cũng tương tự, vì thọ (cảm giác) là vô ngã cho nên thọ luôn thay đổi: khi buồn, khi vui, khi khổ đau, khi hạnh phúc, khi thoải mái, khi khó chịu v.v.. 

Con người không thể mong muốn bất kỳ cảm giác nào tồn tại mãi mãi hoặc mong muốn chỉ có cảm giác hạnh phúc sướng vui mà không đau khổ. Các cảm giác xuất hiện tùy thuộc vào các điều kiện nhân duyên trong đó có các quan hệ với những thành phần khác trong cơ thể vật lý-tâm lý con người (các cảm giác xuất hiện, tồn tại lâu hay mau rồi thay đổi, các cảm giác ở mức độ nào còn chịu sự ảnh hưởng, tác động của sắc thân, tri giác (tưởng), ý chí (hành), nhận thức (thức). Và tri giác (tưởng), ý chí (hành), nhận thức (thức) cũng vô ngã luôn cho nên chúng luôn thay đổi, không thường hằng bất biến, không thể mong muốn chúng như thế này hay như thế khác, cũng không thể mong muốn chúng tồn tại vĩnh viễn mà không thay đổi.

Kế đến đức Phật dạy: Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại thì không hợp lý khi quán cái ấy là của ta, là ta, là tự ngã hay linh hồn của ta. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, cho nên phải quán: Cái ấy không phải của ta, cái ấy không phải là ta, cái ấy không phải là tự ngã hay linh hồn của ta.

Sau cùng đức Phật lại khẳng định một lần nữa: “Phàm sắc gì, thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì, quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. Điều này nói lên rằng, không chỉ không có cái ngã nào nơi con người năm uẩn, mà ngoài con người năm uẩn cũng không có cái ngã nào. Bởi vì “sắc, thọ, tưởng, hành, thức trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần v.v.. đều không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi”, điều này muốn nói rằng: 1.Con người năm uẩn không có cái ngã hay linh hồn nào nằm ngoài thân thể (Có người nghĩ rằng có một linh hồn, tự ngã nằm trong thân thể nhưng cũng có người nghĩ rằng linh hồn, tự ngã đó có thể nằm trong hoặc ngoài thân thể, như khi con người chết chẳng hạn, lúc đó linh hồn bay ra ngoài thân thể)  2.Tha nhân (người khác, không phải là mình), chúng sinh khác và mọi sự vật hiện tượng đều không có ngã, không có tự ngã, không có linh hồn, tất cả cũng đều vô ngã, vô thường (Quan niệm thông thường cho rằng mỗi người có một linh hồn, một tự ngã riêng biệt, loài thú cũng vậy, các sự vật hiện tượng cũng vậy, đều có tự tính, tự thể riêng biệt. Đức Phật cho rằng quan niệm như thế là sai lầm, không đúng với sự thật, bởi vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm yếu tố làm nên chúng sinh và mọi sự vật hiện tượng khác, mà sắc, thọ, tưởng, hành, thức đó cũng vô ngã, vô thường).
  
Về sau Phật giáo Phát triển (Mahayàna) xây dựng triết lý tính Không (Không tính) khai triển lý Duyên sinh tính(*), Vô ngã tính mà Đức Phật đã chỉ dạy. Triết lý tính Không đề cập đến “nhân vô ngã” (vô ngã nơi con người) gọi là Nhân không hay Sinh không và “pháp vô ngã” (vô ngã nơi sự vật hiện tượng bên ngoài con người-thế giới khách quan và vô ngã nơi các quan điểm, ý kiến, lý thuyết, học thuyết tư tưởng, pháp môn tu tập…), gọi là Pháp không. 

Phật giáo Phát triển cho rằng người tu chứng thánh quả A la hán chỉ mới chứng nhân vô ngã (nhân không), chưa chứng pháp vô ngã (pháp không), cho nên vẫn còn thấy có pháp tu, thấy các pháp môn tu là thật có. Vì thế cần phải tiếp tục tu tập để chứng pháp vô ngã hay pháp không. Tuy nhiên nếu nghiên cứu kỹ thì thấy quan điểm này vô lý. Tâm các vị thánh A la hán là tâm vô phân biệt, bình đẳng nhất như, không còn nhân, ngã, bỉ, thử thì làm gì có chuyện thấy có pháp môn tu hoặc thế giới khách quan ngoài con người mình, tức thấy có ta (ngã) đối chiếu với các pháp, thấy có ta (một tự thể, thực thể) tồn tại riêng biệt với các pháp? Các vị ấy đã thân chứng những gì Đức Phật dạy, đã thành tựu tuệ giác vô ngã: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã, như thế sao có thể nói các vị ấy còn pháp chấp (chấp pháp là hữu ngã, thấy có thật pháp, chưa chứng pháp vô ngã). Các pháp chẳng qua cũng chỉ là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thôi. Thế giới sự vật, hiện tượng từ vật lý cho đến tâm lý, từ vật chất cho đến tinh thần đều không ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức (ngũ uẩn). 

Ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức ra thì không còn gì khác nữa. Vì thế khi đức Phật nói vô ngã (trong các kinh Nguyên thuỷ) chính là đã nói nhân vô ngã và pháp vô ngã (đức Phật nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô ngã); Đức Phật nói Duyên khởi hay Duyên sinh chính là đã nói nhân không và pháp không. A la hán là quả vị đã hoàn toàn giải thoát, giải thoát tối hậu, “việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa (không còn tái sinh trở lại cõi đời này nữa)”(Lời đức Phật nói trong kinh nguyên thủy về quả vị A la hán). Các bậc A la hán được đức Phật gọi là thánh vô học, vì không còn cần phải học nữa, các vị ấy đã làm xong việc cần làm, dứt trừ mọi kiến chấp, điên đảo tưởng, đoạn tận vô minh lậu hoặc, không còn sinh tử luân hồi.

Chính ngay phần sau của bài kinh Vô ngã tưởng, đức Phật cũng dạy: “Này các tỳ kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. 

- Phàm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì, quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. 

Như vậy đã quá rõ ràng, khi vị thánh đệ tử như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này (sắc, thọ, tưởng, hành, thức trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, trong quá khứ, hiện tại hay vị lai…) không phải là của tôi (ta),  không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi”, cũng chính là vị ấy thành tựu tuệ giác vô ngã, hay nói theo Phật giáo Phát triển là chứng trí Bát nhã, thì vị ấy không còn chấp thủ ngũ uẩn và không còn tham ái (nhàm chán, ly tham), vị ấy giải thoát, “Khi giải thoát vị ấy biết rằng đã giải thoát. Trong sự giải thoát trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại với trạng thái này nữa”, điều này tương tự như Bát nhã Tâm kinh nói: “viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn”. 

Phan Minh Đức
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015
-
(*) Đức Phật đã trình bày tóm tắt về lý Duyên sinh hay Duyên khởi trong bài kinh Phật tự thuyết (thuộc Tiểu bộ kinh I) như sau:
“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt
Do cái này sinh nên cái kia sinh
Do cái này diệt nên cái kia diệt”
Con người và thế giới sự vật, hiện tượng, không một hiện hữu nào có thể tồn tại độc lập mà không nương tựa vào nhau. Tất cả nương tựa, tùy thuộc vào nhau mà hình thành, tồn tại và biến đổi. Do cái này sinh khởi nên cái kia sinh khởi, do cái này biến đổi nên cái kia biến đổi v.v.. Những yếu tố, điều kiện tương thuộc nhau làm nên hiện hữu được gọi là duyên; sự làm nên hiện hữu từ các duyên được gọi là duyên sinh hay duyên khởi.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm