Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 18/09/2018, 11:32 AM

Vũ trụ quan (Hết)

Với tinh thần vô ngã, vị tha, đạo Phật khuyên con người đừng bao giờ trốn tránh cuộc đời để tìm nguồn phúc lợi cho riêng mình. Vì như vậy chỉ là ích kỷ, tạo cho mình một cuộc sống lẻ loi… Đừng tìm chân lý ở đâu xa lạ. Chân lý ở ngay chung quanh ta. 

Dưới hình thức 12 nhân duyên còn có bộ ba: Hoặc - Nghiệp - Khổ*.

Ví dụ: Anh B say rượu (Hoặc) ra đường gây chuyện đánh nhau với anh C (Nghiệp). Sau anh C đem chuyện này trình nhà chức trách, anh B bị đòi hầu tòa về tội đánh người trái phép và bị xử phạt, ở tù, khổ sở (Khổ).

Sở dĩ chúng sinh vẫn mãi bị khổ đau, phiền não, sinh tử là do Vô Minh, mê tối nên mới tạo Nghiệp vọng đọng (Hành, Thức) mà có thân ngũ uẩn (Danh, Sắc) rồi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) (Lục Nhập) sinh cảm giác, lĩnh thụ (Thụ) thì nảy sinh lòng ham muốn, ưa thích (Ăn rồi ham muốn chấp giữ, tạo thành thói quen (Thủ). Vì đã gây nhân tham ái phải nhận lấy quả báo (Hữu). Do có Thủ, Hữu sẽ phải sinh ra trong đời sau (Sinh) và tiếp tục nhận chịu những cảnh khổ, giả và chết (Lão Tử).

Muốn thoát luân hồi sinh tử thì ta phải đi ngược lại mười hai nhân duyên. Nhưng làm thế nào để diệt. Vô minh và đoạn sinh tử? Không gây tội lỗi tức là diệt lòng tham ái, sân hận, si mê và tu theo Giới, Định, Tuệ... Vì biết rằng: tất cả sự vật đều do nhân duyên giả hợp tạo thành nên không thực, đã không thực thì "tội lỗi mê vọng" cũng không có chỗ để tồn tại, tức Vô Minh hết; không khởi động Thủ, Hữu thì trong cõi sinh tử đều đoạn. Vô Minh diệt thì Hành diệt cho đến Lão Tử, ưu bi, khổ não cũng bị diệt. Có như thế cuộc sống của con người (ở cõi đời này và đời sau) mới vơi được nguồn đau khổ và được an lạc, tự tại, giải thoát.

Tìm hiểu thêm:

Sự cấu tạo hình thể con người và vạn hữu, theo thuyết lý Mười hai nhân duyên ở đây, tôi lược dẫn một đoạn trong bộ Kinh Majjhima Nikaya, tập 1: Tập Đại Kinh (Mahàtanhàsankhàyasuttam XXXVIII):

"…Này các tỳ kheo, lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sinh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Lấy thụ làm nhân duyên, lấy thụ làm tập khởi, lấy thụ làm sinh chủng, lấy thụ làm nguyên nhân. Này các tỳ kheo, Thụ lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sinh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Thụ lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm tập khởi, lấy xúc làm sinh chủng, lấy xúc làm nguyên nhân. 

Này các tỳ kheo, xúc lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sinh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Xúc lấy lục nhập làm nhân duyên, lấy lục nhập làm tập khởi, lấy lục nhập làm sinh chủng, lấy lục nhập làm nguyên nhân. Này các tỳ kheo, Danh sắc lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sinh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Danh sắc lấy thức làm nhân duyên, lấy thức làm tập khởi, lấy thức làm sinh chủng, lấy thức làm nguyên nhân. Này các tỳ kheo, thức lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập thể, lấy gì làm sinh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Thức lấy hành làm nhân duyên, lấy hành làm tập khởi, lấy hành làm sinh chủng, lấy hành làm nguyên nhân.

Này các tỳ kheo, Hành lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sinh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Các Hành lấy vô minh làm nhân duyên, lấy vô minh làm tập khởi, lấy vô minh làm sinh chủng, lấy vô minh làm nguyên nhân. Như vậy, này các tỳ kheo, vô minh duyên hành, Hành duyên thức, Thức duyên danh sắc, Danh Sắc duyên lục nhập, Lục nhập duyên xúc, Xúc duyên thụ, Thụ duyên ái, Duyên thủ, Thủ duyên hữu, Hữu duyên sinh, Sinh duyên Lão Tử, sầu, bi, khổ, ưu, não hiện hữu. Đó là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn vậy.

Trước đã nói: "Sinh duyên lão tử" (do duyên sinh nên lão tử hiện khởi). Này các tỳ kheo, sinh duyên lão tử có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? “Bạch Thế Tôn, sinh duyên lão tử. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là thế: "Sinh duyên lão tử". 

Trước đã nói, "Hữu duyên sinh". Này các tỳ kheo, hữu duyên sinh có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế Tôn, hữu duyên sinh. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là thế: "Hữu duyên sinh".

Trước đã nói, "Thủ duyên sinh". Này các tỳ kheo, thủ duyên hữu có phải vậy không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? Bạch Thế Tôn, thủ duyên hữu. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: Thủ duyên hữu "Trước đã nói, Thủ Duyên thủ". Này các tỳ kheo, ái duyên thủ có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? Bạch Thế Tôn, ái duyên thủ". Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là thế: "Ái Duyên thủ". Trước đã nói, "Thụ duyên ái". Này các tỳ kheo, thụ duyên có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? Bạch Thế Tôn thụ duyên ái. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Thụ duyên ái". Trước đã nói, "Xúc duyên thụ". 

Này các tỳ kheo, xúc duyên thụ có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế Tôn, xúc duyên thụ. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "xúc duyên thụ". Trước đã nói: "Lục nhập duyên xúc". Này các tỳ kheo, lục nhập duyên xúc phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế Tôn, Lục nhập duyên xúc. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Lục nhập duyên xúc". Trước đã nói: "Danh sắc duyên lục nhập". Này các tỳ kheo, danh sắc duyên lục nhập có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? Bạch Thế Tôn, danh sắc duyên lục nhập.

Như vậy, đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Duyên sắc duyên lục nhập". Trước đã nói: Thức duyên danh sắc. "Này các tỳ kheo, thức duyên danh sắc có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?". "Bạch Thế Tôn, Thức duyên danh sắc". Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Thức duyên danh sắc". Trước đã nói: "Hành duyên thức". Này các tỳ kheo, hành duyên thức có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế Tôn, hành duyên thức. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Hành duyên thức". Trước đã nói: "Vô minh duyên hành". Này các tỳ kheo, vô minh duyên hành có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế Tôn, với minh duyên hành. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Vô minh duyên hành".

"Lành thay, này các tỳ kheo. Các người nói như vậy và Ta cũng nói như vậy: Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh như vô sinh duyên hành".

Lành thay, này các tỳ kheo. Các người nói như vậy và Ta cũng nói như vậy: "Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, như vô sinh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thụ, thụ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não cùng sinh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do vô minh đoạn diệt xả ly một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do các hành diệt nên lục nhân diệt. Do lục nhập diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thụ diệt. Do thụ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

Trước đã nói: "Do sinh diệt nên lão tử diệt". Này các tỳ kheo, do sinh diệt nên lão tử diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế Tôn, do sinh diệt nên lão tử diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do sinh diệt nên lão tử diệt". Trước đã nói: "Do hữu diệt nên sinh diệt". Này các tỳ kheo, do hữu diệt nên sinh diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế Tôn, do hữu diệt nên sinh diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do hữu diệt nên sinh diệt". Trước đã nói: "Do thủ diệt nên hữu diệt". 

Này các tỳ kheo, do thủ diệt nên hữu diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? Bạch Thế Tôn, do thủ diệt nên hữu diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây thế nào: "Do thủ diệt nên hữu diệt". Trước đã nói: "Do ái diệt nên thụ diệt". Này các tỳ kheo, do ái diệt nên thụ diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế Tôn, do ái diệt nên thụ diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do ái diệt nên thụ diệt". Trước đã nói, "Do thụ diệt nên ái diệt". Này các tỳ kheo, do thụ diệt nên ái diệt có phải không? Hay ở đây (như thế nào)? "Bạch Thế Tôn, do thụ diệt nên ái diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do thụ diệt nên ái diệt".

Trước đã nói: "Do xúc diệt nên thụ diệt". Này các tỳ kheo, do xúc diệt nên thụ diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế tôn, do xúc diệt nên thụ diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do xúc diệt nên thụ diệt". Trước đã nói: "Do lục nhập diệt nên xúc diệt". Này các tỳ kheo, do lục nhập diệt nên xúc diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế tôn, do lục nhập diệt nên xúc diệt. Như vậy, đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do lục nhập diệt nên xúc diệt”. 

Trước đã nói: "Do danh sắc diệt nên lục nhập diệt". Này các tỳ kheo, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt". Này các tỳ kheo có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? Bạch Thế Tôn, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt. Như vậy đối với chúng (nghĩa) ở đây là thế: "Do danh sắc diệt nên lục nhập diệt". Trước đã nói: "Do thức diệt nên danh sắc diệt". Này các tỳ kheo, do thức diệt nên danh sắc diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? "Bạch Thế tôn, do thức diệt nên danh sắc diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do thức diệt nên danh sắc diệt". Này các tỳ kheo, do hành diệt nên danh sắc diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do hành diệt nên thức diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? Bạch Thế Tôn, do vô minh diệt nên hành diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là thế: "Do vô minh diệt nên hành diệt".

Lành thay này các tỳ kheo, các người nói như vậy: "Cái này không có nên cái kia không có; cái này diệt nên cái kia diệt, như vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thụ diệt, thụ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên lão tử, sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của "toàn bộ khổ uẩn này".

"Này các tỳ kheo, các người biết như vậy, thấy như vậy, có còn chạy theo lời quá khứ và suy nghĩ: "Ta có mặt trong thời quá khứ hay không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta có mặt trong thời quá khứ? Thưa không, bạch Thế tôn. "Này các tỳ kheo, các người biết như vậy, thấy như vậy, có còn chạy theo thời vị lai hay ta không có mặt trong thời vị lai. Ta có mặt trong thời vị lai như thế nào? "Ta có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào?”. Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai? Thưa không, bạch Thế Tôn. "Này các tỳ kheo, các người biết như vậy, thấy như vậy, các ngơi có nghi ngờ gì về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay không có mặt. Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Hữu tình hay từ đâu đến? Và rồi sẽ đi về đâu? Thưa không, bạch Thế Tôn. "Này các tỳ kheo, các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có nói như sau: "Bậc Đạo sư quá nặng nề đối với chúng ta. Chúng ta nói vì chúng ta tôn trọng bậc Đạo sư". Thưa không, bạch Thế Tôn. "Này các tỳ kheo, các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có nói như sau: "Một Sa Môn nói với chúng tôi như vậy và còn chúng tôi nói không như vậy (?)". Thưa không, bạch Thế Tôn. 

"Này các tỳ kheo, các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có tìm một vị Đạo sư khác không? Thưa không, bạch Thế Tôn. "Này các tỳ kheo, các người biết như vậy, các người có trở lui lại cái giới cấm, tế tự (?) đàn tràng của các tục tử Sa Môn, Bà La Môn (và nghĩ rằng) chúng ta là căn bản không? Thưa không, bạch Thế Tôn. "Này các tỳ kheo, có phải các người chỉ nói những gì các người tự biết, tự thấy, tự ý thức được?". Thưa vâng, bạch Thế Tôn. "Lành thay, này các tỳ kheo, các người đã được ta giới thiệu chính Pháp, Pháp này tự chứng hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thuợng, được người trí tự thân giác hiểu. Này các tỳ kheo, Pháp này tự chứng hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân giác hiểu. Tất cả những gì đã nói là do duyên này mà nói*.

2. Giải quyết vấn đề sống, một mục đích… 

Dưới con mắt đạo Phật, ta thấy hai sự thật: Thế giới là vô thường (anicca), chúng sinh là vô ngã (Anattà).

Theo nhận định trên, đó là biến tướng của Muời hai nhân duyên (Dvadasangahpratityasamutpadah) kết sinh tương tục, nên cuộc sống con người cũng chuyển dịch, biến hóa không ngừng, nếu con người không sớm giác ngộ cứ mãi sống triền miên trong mê vọng. Với tuổi thanh niên bồng bột, can đảm, đầy dục vọng, nếu người ta chỉ nhìn hạnh phúc không ngoài cơm, áo, nhà ở, sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, chơi bời cho phung phí, thu hẹp đời mình trong gang tấc, đến khi tuổi già sức kiệt, tinh thần uể oải, nhìn đời với cặp mắt yếm thế, bi quan, lãng mạn, buồn thảm… trông về trước, than ôi! "Thời oanh liệt nay còn đâu?"; ngó lại sau, thấy toàn là đổ vỡ, sống không mục đích, không lý tưởng hướng dẫn nên dễ bị cảnh vật cuốn lôi thì nảy sinh tư tưởng tiêu cực hoài nghi…, chỉ còn chờ ngày xuôi tay, tắt hơi thở. Do đó đã sinh ra quan niệm cho rằng con người chết rồi thì hết nên lúc sinh thời họ ăn chơi trác táng! Ngược lại, có thuyết lại nói: Con người chết nhưng "linh hồn" bất tử và sẽ trở về chốn âm phủ. Ở đấy người ta sẽ được gặp lại bà con thân quyến…

(Những quan niệm như trên đều là sai cả. Theo đạo Phật thì đó gọi là "tà kiến" hay "biên kiến" vậy).

Nếu cuộc sống con người chỉ quan niệm trong bấy nhiêu sự kiện ăn mặc, ở và chơi bời phóng đãng, thử hỏi còn có nghĩa lý gì? Nhưng về một phương diện khác cho ta thấy, con người nếu biết thức tỉnh, biết phụng sự cho một lý tưởng cao đẹp, biết quay lại với mình -một ý nghĩa chân thật người - sống nhịp với bản thể vũ trụ bao la… Nghĩa là chỉ khi nào người ta có được một quan niệm rộng rãi mới nhìn ra cuộc sống cao đẹp thường ẩn trong lòng sự vật và tràn đầy hy vọng vô biên… thì đó mới thực sự được gọi là cuộc sống có ý nghĩa. Thật ra, cuộc sống con người không phải chỉ đóng khuôn trong bảy, tám chục năm hay trong một đời, một kiếp; mà là vô hạn. Chết chỉ có nghĩa để lai sinh. Trong cuộc tiến hóa mình làm mình chịu. Hễ có nhân là có quả. Chúng ta đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội tốt nào. Hãy phấn đấu không ngừng. Phấn đấu để thắng dục vọng, thực chứng sự, lý giải thoát. Để khỏi phụ một đời làm người vậy. 

Với tinh thần vô ngã, vị tha, đạo Phật khuyên con người đừng bao giờ trốn tránh cuộc đời để tìm nguồn phúc lợi cho riêng mình. Vì như vậy chỉ là ích kỷ, tạo cho mình một cuộc sống lẻ loi… Đừng tìm chân lý ở đâu xa lạ. Chân lý ở ngay chung quanh ta. Tất cả sự sống, cách sống, lẽ sống, khuôn mẫu sống vẫn tiềm ẩn trong cuộc đời và đều bắt nguồn từ con người = Con người là sáng tạo. Tất cả… đều do con người đặt định mà có. Cho nên cuộc sống con người có được tốt đẹp hay không trách nhiệm trước sau vẫn do con người tự quyết định lấy.

Để điều hòa cuộc sống, điều kiện trước hết là cải hóa con người, là sự quân bình hóa giữa hai phương diện "vật chất" và "tinh thần". Có vậy, cuộc sống của con người mới hoàn hảo và tiến ích.

Về sự sống vật chất

Những sản vật thiên nhiên là cái kho vô tận sẵn có cho con người khai thác, phát triển nguồn lợi để cung phụng đời sống được dồi dào, tốt đẹp hơn. Thuở xưa, khi loài người còn sống từng bộ lạc, năm mười người qui tụ ở một khu rừng, trên một mảnh đất hoang vu, họ sinh kế bằng những nghề chài lưới, đốn củi, săn thú, đói đã có hoa quả, chim muông, rét lấy lá cây che thân. Khi không muốn ở khu rừng này họ chuyển đi nơi khác. Sự sống thật giản dị. Về sau, loài người ngày càng sinh sản nhiều, thấy không thể sống đơn độc cô quạnh, họ rủ nhau về những miền đồng bằng và lập thành từng làng, có gia đình riêng. Cuộc sống hàng ngày càng thêm phức tạp: mỗi người đã biết dành dụm, giữ gìn của cải của mình; từ chế độ du mục chuyển sang chế độ tập quyền. Họ thấy cần phải thay đổi nghề nghiệp, lối sống như làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén để lấy tơ v.v… Tùy thời tiến hóa, ngày nay nhân loại đã tổ chức thành xã hội có qui củ, lớn mạnh. Vậy như ta thấy, những thiết dụng cần cho đời sống hàng ngày của con người: không ngoài giải quyết vấn đề cơm, áo, nhà ở cùng những nhu cầu của một xã hội văn minh. 

Con người muốn đạt được những mục tiêu, trước hết, mỗi người phải biết hạn chế lòng tham, tình ích kỷ hẹp hòi, chúng tôi chưa muốn dùng hai chữ trừ diệt, vì e rằng có quá lý tưởng chăng, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cho mình, cho đoàn thể mình, bỏ quên quyền lợi của tha nhân, của tập thể khác, do đó (mà) mọi mâu thuẫn phát sinh khiến cho cuộc đời đã rối loạn lại càng loạn thêm và chẳng bao giờ xã hội loài người được yên cả.

Tất cả sự vật hiện hữu trên cõi đời này đều quan hệ lẫn nhau, một người nghèo khó có ảnh hưởng đến kẻ giàu sang: làm cho mọi người an vui tức là mình được sung sướng. Với quan niệm rộng rãi ấy, đạo Phật khuyên con người đừng bao giờ chấp giữ một cái gì gọi theo từ ngữ Phật học là "chấp ngã và chấp pháp". Tại sao ta lại chấp "cái này" là của tôi, "cái kia" thuộc về tôi? Vì chấp mà phát sinh lòng tham lam, giận dữ, si mê. Sự thật thì tất cả sự vật hiện hữu ở đời đều huyễn hóa, vô thường, vô ngã.

Khi ta đã hiểu như thế rồi thì tự nhiên lòng mình thanh thản, chẳng còn chấp có mình, chấp có người *. Ta thấy ta và vũ trụ vạn hữu đều hòa nhập trong cùng một. Nguồn Sống Bản Thể Vô Biên * và rất tương quan mật thiết với nhau, do đó con người sẵn sàng "cho" - xin hiểu chữ cho theo nghĩa 䮧 * - và cho với cả tấm lòng thành kính, tức là ta biết cách hành động hữu ích cho người, cho đời với hoài bão hàn gắn những vết thương đau rữa nát của xã hội người.

Vậy "cho" không có nghĩa là "thí bỏ cho kẻ khó" bằng đồng tiền, chén cơm, manh quần, tấm áo rồi khinh miệt, hắt hủi họ. "Cho" chỉ có nghĩa là san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau - trong lúc mình có mà tha nhân không có - người nào chẳng có lúc thiếu thốn (!). Vì giúp người tức là mình làm cho mình vậy. Và mọi người trong xã hội loài người lúc ấy sẽ kết tụ toàn bằng những tinh hoa: khôn, sáng, thật, vui, đẹp và với lòng yêu thương rộng mở, con người ngắm nhìn vũ trụ thiên nhiên là kho tài nguyên vô tận tha hồ dùng vào công cuộc phát triển đã sống, để tiến hóa không ngừng…
 
Về sự sống tinh thần

Cuộc sống về vật chất tuy đã ổn định, song về mặt tinh thần con người cũng cần phải có thì cuộc sống mới thật hoàn hảo. Mà muốn vậy, con người phải siêng năng trau dồi học thức để mở mang trí tuệ, phát triển tài năng; để sống khác với loài muôn thú. Nếu không cuộc sống con người sẽ quá ư mộc mạc chẳng còn có nghĩa lý gì! Cây giác ngộ chỉ mọc ở đám đất đau khổ. Tinh thần được triển khai là do trí tuệ, một động lực vốn là kết quả của sự suy tư mà có. Các ngành văn chương, nghệ thuật, khoa học, triết học, đạo đức học là những môn bổ ích cho tinh thần, giúp cuộc sống con người thêm tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Con người muốn làm chủ cuộc sống thì tự thân phải biết rèn luyện tâm thức sao cho mỗi ngày thêm mở mang, phát đạt. 

Hãy tỏ ra mình là người - một nhân phẩm cao thượng - có đầy đủ đức tính: thành thật, lịch sự, đức hạnh, tài năng, can đảm và hết lòng… "Học" chỉ là tri thức; điều cần yếu phải có "Hạnh" mới gọi được là "chân thức". Học vấn mà không lương tâm, không đức hạnh thì cái học ấy có khác gì bông hoa tuy có sắc mà thiếu hương thơm. Học vấn và đức hạnh cả hai là những vật trang sức cho con người thêm tươi đẹp. Trí tuệ, tài năng chỉ có thể thành đạt đối với những ai biết thuận theo Lẽ Phải, tôn trọng Sự Thật (chân lý) và người đức hạnh thì không bao giờ chỉ biết có mình, không bao giờ làm hại tha nhân, không bao giờ lợi dụng lòng tốt của bất cứ ai. Xã hội hiện tại chẳng thiếu gì những phần tử trá hình, giả nhân nghĩa, giả đạo đức, bề ngoài dáng vẻ đẹp đẽ, nhưng trong tâm địa thì lại xấu xa, độc ác; họ là những con vật mang hình ảnh nhân dạng.

Đừng thấy đỏ ngỡ chín. Muốn hiểu con người có chân đạo đức hay không, ta cần phải gần họ, sống bên họ, để hiểu họ. Ta không thể nhẹ dạ đặt tin tưởng một cách dễ dãi vào bất cứ một ai, nếu ta chưa hiểu rõ người ấy, để khỏi mang lấy hối hận về sau. Nói tóm lại, sự sống về tinh thần gồm có hai mặt học vấn và đức hạnh. Tuy nhiên, ngoài các môn học ngoài đời như về triết học, khoa học v.v... ta còn cần có học Phật, mới mong đạt tới đích giác ngộ và giải thoát toàn triệt. Đấy là những đảm bảo tốt đẹp cho cuộc sống của con người, ở hiện tại và tương lai. 

"Hãy tinh tiến để tự giải thoát"

3. Giá trị con người

Đạo Phật với nguồn giáo lý cao diệu, bao hàm về cả ba phương diện: tình cảm, lý trí và hành xử, là đạo lấy Con người (Nhân Bản) làm cứu cánh và đối tượng chính để phục vụ và triển khai, bằng cách dạy cho con người thoát mọi ràng buộc khổ đau mê tối của nhân giới, tâm giới và nhiên giới; đồng thời đặt con người trước trách nhiệm của chính mình: Cuộc đời hay hay dở là do con người "Tự tác tự thụ"; chẳng có thần thánh nào can thiệp hay thưởng phạt cả. Đức Phật dạy: "Mọi người đều là những vị Phật trong tương lai, vì mọi người đều có Phật tính (Buhhdata) và có khả năng thành Phật". Con người chỉ cần làm hiển lộ được Phật tính (chân lý) ấy, tức sẽ thành Phật.

Đạo Phật rất gần gũi với con người và là đạo của con người, của xã hội loài người. Trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka sutra) chép: "Con người là hơn cả, vì có thể thực hiện được mọi sự tốt đẹp ở đời". Đạo Phật xác quyết rằng: Con người là một trong các sinh động vật, như có tình cảm trong sáng, tư tưởng linh hoạt, hành động quả cảm, mặc dù con người cũng mang trong mình bao thú tính = dục vọng, lầm lỡ, tội ác…, nhưng nếu xét theo khả năng và giá trị đặc biệt của nó thì trong tất cả các loài, con người đủ điều kiện trở thành ưu việt. 

"Hoàn cảnh con người không quá khổ như địa ngục, không quá vui như thiên đường và không ngu si như các loài thú vật". Vì vậy, giá trị con người trong đạo Phật bao giờ cũng được đề cao và được nhìn nhận là một chủng loại có đặc tính vạn năng.

a. Con người là hơn cả

Trong tất cả các loài, con người là hơn cả. Nhà bác học Pháp Alexis Carrel (giải Nobel 1912) viết trong cuốn L Homme, cet inconnu = "…Ta không biết rõ giới hạn của con người trong không gian là chừng nào. Song ta có lý do để tin rằng con người vượt ra ngoài cái xác thân. Hình như mỗi chúng ta lớn rộng hơn cái xác thân này nhiều"*. Tuy nhiên, nếu đứng trong phạm vi loài người để nhận xét thì về phương diện tổ chức cơ thể, con người có đầy đủ đức tướng của bậc trượng phu; Con người có một dáng vóc uy nghiêm, đĩnh đạc; nói năng lanh lợi; đi, đứng, nằm, ngồi khoan thai, nhất cử nhất động đều hợp với tư cách đặc thù của nó, không dữ tợn, hình thù không xù xì như các loài muôn thú…; về phương diện sinh hoạt tâm linh, con người vẫn giàu khả năng tính hơn muôn loài - Con người là sáng tạo - ** Vì: 

1. Bản thể con người bản lai sáng suốt. 

2. Con người là trung điểm của mọi vấn đề.

Mọi vấn đề do con người phát sinh và đều phát sinh vì con người. "Con người là thước đo vạn vật = “homme est la mesure de toute chose". Con người với những đức tính như:

Đạo đức thanh khiết, 
Ý chí tự cường, tự lập.

Chỉ bấy nhiêu sự thể đủ nâng cao giá trị và địa vị con người vượt trên và ngoài tất cả. Có những đặc tính ấy con người sẽ dễ dàng tiến hóa trên nấc thang tu chứng, để tự giải phóng mình thoát khỏi mọi tù hãm về tâm lý, tình cảm sâu kín…; đồng thời ý thức rõ được những hoàn cảnh phức tạp bao phủ chung quanh, để tự thắng trong tiến thắng vinh quang.

Trên lý thuyết cũng như trên thực tế, ảnh hưởng của xã hội hôm nay và ngày mai có được tốt đẹp hay không là do con người tự quyết định lấy:

Con người Thiện thì xã hội tốt đẹp; 
Con người Ác sẽ tạo cho xã hội xấu xa, đổ nát.

"Đời sống con người vui tươi hay đau khổ, đều do con người tự quyết định và tạo lập lấy" – Mahaparinibbanasutta.

Chúng ta hãy mạnh dạn cải tạo đời sống mình và cùng đứng cả dậy để tự cứu và cứu lấy giống nòi, cứu nhân loại. Chỉ có con người can đảm mới làm nổi công việc vĩ đại ấy. Công cuộc tự cứu mình và giải thoát đời đòi hỏi nơi con người phải có: đó là tinh thần vô ngã, vị tha, Nietzsche, một triết học gia Đức, nổi danh ở hậu bán thế kỷ XIX, đã nói: "Bạn hãy trở thành người mà bạn phải trở thành". Nhà đạo học kiêm tư tưởng gia Ấn Độ Swami Vivekananda cũng nói: "Con người cao cả hơn các loài vật, hơn các vị thiên thần. Con người cao quí hơn cả. Ngay đến các vị thiên thần cũng phải giáng sinh làm người mới mong chứng đạo giải thoát. Chỉ có con người mới đạt được sự hoàn toàn giác ngộ". Con người khôn, sáng hơn các loài vật (Nhân vi vạn vật chí linh).

Giá trị con người quả là siêu việt hơn muôn loài…

b. Nhưng phải là con người với đầy đủ ý nghĩa của nó

Đã biết con người là giá trị hơn cả thì con người đừng bao giờ làm phá sản những khả năng sẵn có, phải luôn luôn nhớ: ta là người hằng sống trên mặt đất. Ta phải làm một việc gì hữu ích cho đời. Nếu không, cũng đừng bao giờ có ý niệm làm tổn thương đến tính mệnh, tài sản, danh dự của bất cứ ai trên cõi đời này. Không được như vậy thì dù rằng con người ấy vẫn mang hình thể người, nhưng kỳ thực cái cốt cách trong con người họ đã mất đi tự bao giờ mà không còn là con người nữa. Aldous Huxley (1894-1963) đã phải thốt lên lời than vãn là: "Người ta xin chúng ta một điều là: "Trở nên người". Một người mà ta nên nhớ là không phải thần linh cũng không phải quỉ sứ".

Đạo Phật rất kính trọng con người và từng khuyên con người hãy tự tiến lên, đừng bao giờ lùi xuống. "Một phen mất thân người, muôn kiếp khó trở lại = Nhất thất nhân thanh, vạn kiếp nan phục". Đáng thương biết bao cho những ai thường rong ruổi chạy theo dục vọng ảo huyền, mê man trong trường danh lợi… tự dắt mình xuống hố sâu vực thẳm, chẳng tìm được lối ra! Khi nào một con người bắt đầu tự khinh mình thì con đường trụy lạc của họ cũng bắt đầu. Đối với một quốc gia cũng thế. Trách vụ trước tiên là ta đừng tự khinh mình, vì muốn tiến thắng, ta phải tự tin ở ta. Con người là trung điểm của xã hội loài người. Tất cả hoạt động, tác động hiện có trong xã hội đều do con người quyết định. 

Nếu từ xưa đến nay, con người đều hiểu rằng: "Ta là người. Ta là một phần tử trong xã hội loài người, cũng sinh sống trên trái đất, cùng có một giá trị như nhau và có sự quan hệ mật thiết với nhau về mọi mặt. Ta phải dạy bảo nhau, giúp đỡ nhau. Ta đem những tư tưởng sáng kiến của ta tạo thành những khí cụ phá rừng núi, khai khẩn hầm mỏ, điền địa, đem lại nguồn kinh tế sung túc cho xã hội. Ta chế tạo nhiều máy móc tối tân để thay thế cho sức người bớt nặng nhọc, được hưởng sung sướng tự do…, nếu hiểu thế thì đâu còn nạn giai cấp đấu tranh, đâu còn lao tù khổ sở, đâu còn khí giới nguyên tử, khinh khí để giết hại, khiến cho sự chết chóc điêu linh quá sức tưởng tượng như ngày nay, mà vẫn cứ dám khoác màu áo: dân chủ, nhân quyền, hòa bình, tự do, hạnh phúc?

Con người là khí cụ sắc bén, rất "lợi" và cũng rất "hại". Sự ích lợi (sẽ) trông thấy chỉ khi nào con người biết rèn luyện tâm trí, như: hiểu biết nghĩa vụ tôn trọng sự thật (chân lý) sáng suốt hành động. Nhưng sự tác hại của con người cũng sẽ rất ghê gớm, khi mà con người chỉ sống (bưng bít) trong những bức tường thành kiến, tập quán, di truyền hủ bại, đam mê thuốc xái, cờ bạc, rượu chè, chơi bời phung phí: đó là những người sống đời không lý tưởng, mục đích.

Giáo lý đạo Phật là dạy cho con người nhiều phương pháp làm người và chỉ có đạo lý Từ Bi, trí tuệ, bình đẳng, giải thoát và tự chủ mới xóa bỏ được mọi mê tối, khổ đau của cuộc đời phiền tạp, nhiễu nhương này.

c. Giá trị đặc biệt của con người trong xã hội loài người

Giá trị con người là hơn muôn loài. Trong các kinh điển đức Phật từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu: "Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành" - Kinh Phạm Võng.

Để ra ngoài những giáo lý uyên áo, ở đây ta chỉ xét nội câu nói trên cũng đủ diễn tả hết mọi khía cạnh giá trị và địa vị đặc biệt của con người nhưng con người lên ngang hàng với chư Phật. Sự bình đẳng tuyệt đối của đạo Phật là ở đó, chứ không như các tôn giáo khác, chỉ biết đặc tôn vị giáo chủ duy nhất mà mình thờ, ngoài ra không muốn cho một ai được ngang hàng với địa vị ấy. Họ cố ý dìm con người xuống, không muốn cho con người tiến lên. Quan niệm của đạo Phật rộng rãi hơn, đức Phật dạy: "Con người là hơn cả = nhân thị tối thắng! "Có con người là có tất cả. Muốn cải tiến xã hội, trước hết phải cải thiện con người. "Đời chỉ đáng sống nếu người ta có được một lý tuởng, nghĩa là có những ưu tư khác với chăm lo ăn cho ngon, uống cho thỏa và thụ hưởng cho nhiều lạc thú".

Tư tưởng, ý chí và hành động của con người quyết định hết thảy. Con người tốt hay xấu, giàu hay nghèo, sang hay hèn, ngu tối hoặc thông minh và xã hội có mở mang hay thoái hóa, nguyên nhân chính vẫn là con người. Chỉ e con người có làm chủ đuợc mình hay không? "Muốn làm chủ được thời cuộc, phải làm chủ được người chung quanh. Muốn làm chủ người chung quanh, phải làm chủ lấy chính mình". Thực ra, đời sống phức tạp trong xã hội không đáng kể; đáng kể là khi con người có biết điều khiển xã hội phức tạp hay không. Nếu con người biết cách điều khiển cuộc sống mình, mọi việc sẽ tốt đẹp, khác nào như đợt sống trên sông ngòi, chỉ một cơn gió lốc thổi ào ạt cũng đủ đánh tan tất cả đợt sống nhỏ làm thành làn sống vĩ đại cuồn cuộn chảy về biển cả.

Cũng như thế, nếu con người tách rời cuộc sống mình ra khỏi phạm vi xã hội loài người thì cuộc sống ấy quả là vô nghĩa, không đáng kể. Và như thế, con người ấy đã tự chối bỏ giá trị cũng như địa vị cao quí của mình trong cuộc sống hằng ngày… Giá trị nhân bản đích thực có tính cách vĩnh cửu, chỉ có thể biểu lộ ở những con người mang ý nghĩa toàn vẹn của nó. Đạo Phật khuyên chúng ta hãy tự quên mình để được yêu vũ trụ rộng lớn, mà đạo lý "vô ngã, vị tha" là động cơ thúc đẩy con người dũng tiến trong công cuộc phụng sự nhân loại, phụng sự chúng sinh. Nên nhớ: sự biểu hiện cùng tận của lẽ sống là ở chỗ hoạt động minh động và phát triển con người toàn vẹn. Hãy vươn lên và làm việc.

Đó là giá trị đặc biệt của con người trong xã hội loài người.

Thiền sư Thích Đức Nhuận

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm