Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 25/08/2014, 15:37 PM

Xây dựng văn hóa dân tộc qua cách cha, mẹ dạy con

Sáng ngày 28/07/Giáp Ngọ (23/08/2014), TT.Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã quang lâm tịnh xá Bửu An (ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) để thuyết giảng cho các phật tử nhân khóa tu Bát quan trai theo lời mời của ĐĐ.Thích Giác Tạng. 

Được biết, tịnh xá Bửu An mỗi tháng có 2 kỳ tu Bát Quan Trai qui tụ hàng trăm phật tử, và những ngày cúng hội phật tử cũng rất đông. Tại đây còn có lớp giáo lý được giảng dạy thường xuyên và cũng là nơi sinh hoạt cho GĐPT Chánh Pháp. Năm 2010, Đại đức trụ trì có mở khóa tu thực tập xuất gia cho hơn 40 phật tử. 
 
Ngoài ra, tịnh xá Bửu An còn là đơn vị tự viện có hoạt động từ thiện xã hội rất mạnh, góp phần lớn trong việc thực hiện an sinh và chuyển tải đạo đức Phật giáo đến các tầng lớp dân cư.

Qua đó, nhằm giúp đồng bào phật tử thực hiện đúng chánh pháp, động viên mọi người chấp hành tốt pháp luật nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm và thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng. Không chỉ vậy, ĐĐ.Thích Giác Tạng còn xây dựng một bếp ăn từ thiện của tịnh xá Bửu An nằm trong Bệnh viện Đa khoa của huyện Hòa Bình.

Hơn 12 năm qua, bếp ăn này đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo nằm điều trị ở bệnh viện vượt qua cơn khó khăn. Cứ mỗi ngày ba lượt, các thành viên trong tổ đều đặn mang những suất ăn miễn phí, đầy ắp nghĩa tình đến cho bệnh nhân nghèo điều trị nội trú. 
 
Thật vậy, tấm lòng thiện nguyện cộng với sự tận tụy, khiêm tốn và giản dị trong cuộc sống của ĐĐ.Thích Giác Tạng đã tạo niềm tin với tín đồ phật tử trong và ngoài huyện Hòa Bình. Đến nay, tịnh xá Bửu An đã trở thành địa chỉ từ thiện quen thuộc cho người nghèo ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, người cần nhận sự giúp đỡ trong xã hội còn nhiều lắm, do vậy Đại đức phải luôn mở rộng tấm lòng từ bi, bao dung theo lời Phât dạy để giúp đỡ mọi người trong mọi phương diện của cuộc sống cũng như tu tập tâm linh. Thiêt nghĩ, tịnh xá Bửu An cần lắm sự trợ duyên của các phật tử và các nhà hảo tâm để các phật sự luôn được hanh thông thành tựu.
TT.Thích Chân Quang thuyết Pháp
 
Trở lại vấn đề chính, nhân mùa Vu Lan, đề tài bài Pháp thoại mà TT.Thích Chân Quang chia sẻ trong Pháp hội tại tịnh xá Bửu An là NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ DẠY CON ĐỂ GIÚP HÌNH THÀNH VĂN HÓA CẢ DÂN TỘC NÀY. Mở đầu, Thượng tọa tản mạn về thiên chức của cha mẹ trong việc dạy con, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của cha mẹ trong việc dạy con, không chỉ để xây dựng đứa con mà là xây dựng cả đất nước, làm thành văn hóa cho cả dân tộc này. Vốn dĩ, sức mạnh của một dân tộc bản chất là văn hóa. Nếu mất đất, mất chủ quyền thì có thể lấy lại được nhưng mất văn hóa là mất tất cả.
Phật tử đứng cả ngoài sân nghe thuyết giảng
Và cái nhìn của Thượng tọa đã được thể hiện qua lời nhận xét “Văn hóa của người Việt Nam ta có nhiều điều tốt đẹp, nhưng lại bị hai điều che đi. Một là ta không biết nó quý nên chính ta không có phát huy để giới thiệu với thế giới. Ngược lại, cứ đua đòi học theo lối sống nước ngoài mà làm hư dần nền văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Thứ hai, chính vì ta không phát huy, không biết rằng văn hóa dân tộc ta quý nên cha mẹ không biết dạy con. Từ đó, cả một dân tộc ta giống như mất văn hóa của mình từ từ không hay. Điểm nhấn của bài Pháp thoại này, Thượng tọa muốn nhắc nhở mọi người phải nhận thức lại những giá trị đích thực của dân tộc, nếu không sẽ rất có lỗi với Tổ tiên. 

Ta thường nói “Ơn cha mẹ như trời biển”, nên con cái suốt đời nhớ ơn và đền đáp, nhưng cái ơn cha mẹ như trời biển thực sự đó là “Dạy dỗ”. Đành rằng nuôi nấng, chăm sóc cũng quan trọng nhưng để tạo nên tâm hồn của đứa con thì dạy mới là quan trọng nhất. Cái may mắn của chúng ta là văn hóa dân tộc xuất phát, kết hợp từ Phật Pháp, từ những đạo lý của Phật dạy. Do đó, ta sẽ hình thành, tạo nên nền văn hóa tốt đẹp cho dân tộc, và bắt đầu từ việc ta bồng ẵm, ta dắt tay đứa con của mình đi trên đường đời, rồi hãy thủ thỉ với con nói đủ điều cho con mình nghe…  Vậy đó mà ta đang xây dựng cả một dân tộc này tiến bộ về sau.
Nghe Pháp qua màn hình ti vi
Nhân đây, theo cái nhìn khách quan Thượng tọa đánh giá: Việc cha mẹ dạy con nhiều khi không chuyên, vì nghĩ đó không phải là trách nhiệm của mình mà giao cho nhà trường và còn nguyên do khác, đó là  cha mẹ quên tu dưỡng bản thân, nên ít khi nào dám dạy con. Người cha mẹ mà sống tốt, có sự tu tập thì tự nhiên quan tâm tới việc dạy con. Còn nếu cha mẹ nhiều khi cứ lo làm ăn, thâm chí sống hơi buông thả thì tuyệt nhiên không bao giờ nói về đạo lý và dạy dỗ con cái. Đó là tâm lý, tức là “Mình tốt rồi mình mới dám nói người khác còn chưa tốt thì không dám”. Và bằng nhiều ví dụ cụ thể trong cuộc sống, Thượng tọa đã minh chứng cho điều này, khiến nhiều người phải nhìn lại mình để hoàn thiện hơn mỗi ngày trong mắt mọi người và thấy trách nhiệm của mình đối với việc dạy dỗ con cái. 

Ai cũng biết dạy dỗ con nên người là thách thức lớn đối với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, để có thể nói được đạo lý với con, một lần nữa Thượng tọa nhắc nhở “Đạo lý chưa phải, chưa đến, chưa có khi ta nghe một bài giảng, cũng chưa có khi ta đọc một cuốn sách đạo lý, cũng chưa có khi ta tụng một bài kinh, mà chỉ phải qua một thời gian dài ta có ngồi thiền tĩnh tâm, có lễ Phật sám hối, qua một thời gian dài ta xét và thấy được nhiều lỗi của mình, đồng thời xét được mọi điều phải trái trong cuộc sống này, lúc đó bắt đầu đạo lý mới xuất hiện để ta có thể nói chuyện với nhau, hoặc nói với con cái của mình.

Và khi có đạo lý rồi bắt đầu ta đặt vấn đề dạy con. Vậy những điều gì mà cha mẹ phải dạy con để giúp hình thành cho văn hóa cả dân tộc này. 

Đầu tiên, Thượng tọa dẫn chứng câu chuyện nói về văn hóa dùng buffet của một bộ phận người Việt mà các báo, diễn đàn, trang mạng đã đăng tải. Ví dụ khung cảnh ăn buffet của một nhà hàng tại TP HCM khiến người trong cuộc phải choáng váng vì nhiều người tham gia dùng buffet không ngại lấy tay bốc thức ăn. Không ít người tranh nhau bốc thật nhanh mỗi khi nhân viên nhà hàng đặt thức ăn lên khay. Hoặc hình ảnh người dân chen chúc, chầu chực trước cửa hàng mong nhận được một suất ăn miễn phí.

Không chỉ vậy, nhiều người Việt khi dùng tiệc ở nước ngoài cũng bị chỉ trích, thậm chí bị cảnh báo và tạo ấn tượng xấu trong mắt các vị khách quốc tế. Chẳng hạn, trong nhà hàng ăn buffet tại Singapore, họ đặt trên bàn ăn cái bảng bằng tiếng Việt với dòng chữ: “Xin lấy vừa đủ ăn”. Hay nhà hàng Thái Lan cũng có tấm bảng với dòng chữ Việt cảnh báo thực khách ăn uống tiết kiệm “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đến 500 baht. Xin cảm ơn!”. Hoặc tấm bảng cấm vứt rác bừa bãi tại Hàn Quốc bằng tiếng Việt, v.v… Đó là những điều sơ suất trong cái lối sống của dân tộc hay là một khiếm khuyết trong văn hóa khiến ta hổ thẹn. Mà đây cũng là những đề tài được bạn bè quốc tế bình luận về cái gọi là "Những khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và các nước". Trong khi rất nhiều người đang cố gắng làm đẹp hình ảnh Việt Nam thì một số người kém ý thức đang làm điều ngược lại.

Mà cái khiếm khuyết này từ đâu ra? - Từ cha mẹ. Cho nên khi nghe những điều đó, ta trách người Việt Nam ra nước ngoài đã có những cái sơ suất như vậy thì ta cũng trách tới cha mẹ của người đó. Cha mẹ họ đã dạy không kĩ.

Trong tình hình hiện nay, ý thức về văn hóa phải được nâng lên, vì vậy Thượng tọa đã liệt kê ra nhiều điều sao cho dễ hiểu, dễ nhớ để các phật tử phải nói với con họ, mà đó hình thành cái nền văn hóa của dân tộc. Và đem cái nền văn hóa dân tộc này giới thiệu cho thế giới. Theo Thượng tọa:

- Điều thứ nhất, cha mẹ phải nhìn mọi điều trong cuộc sống này mà nói về nhân quả với con mình, tức làm sao cho con hiểu rõ đường lành, tin sâu nhân quả, không nên làm điều sai quấy.

- Điều thứ hai ta phải dạy con là biết lễ phép. Cái quý của văn hóa Á Đông mình là lễ phép mà bên Tây phương họ không có. Còn văn hóa Á Đông phải bày tỏ sự kính trọng trong cái đứng, cái đi, cái ngồi, cái nhìn, cái nói… đối với người lớn tuổi, đối với cha mẹ, với thầy cô giáo hay đối với những người quan chức.

- Thứ ba là dạy con đạo đức vâng lời. Vâng lời nghĩa là làm theo cái ý của người khác. Mà để vâng lời thì đừng có chấp ý (tức diệt được bản ngã). Thực tế, có rất nhiều cách đơn giản nhưng cho hiệu quả lớn trong việc dạy con vâng lời mà không phải cha mẹ nào cũng biết. Tuy nhiên, ta cứ dạy cho con mình đạo đức vâng lời là đóng góp được sức mạnh cho dân tộc.

- Thứ tư, còn một văn hóa khác nữa là sạch sẽ - vệ sinh, cho nên Dân gian ta có câu “Sạch ngõ – đẹp làng” là vậy. Vấn đề này nghe thì nhỏ nhưng quan trọng lắm. Người ta đánh giá một dân tộc có văn hóa, văn minh hay không là coi người dân đất nước đó có luôn xem trọng sự ngăn nắp sạch sẽ không? Cái thật sự sạch là trong nhà vệ sinh sạch trước, kế đến nhà bếp, phòng ngủ sạch thứ ba, rồi nhà kho gọn gàng là thứ tư, cuối cùng mới là phòng khách. Người văn minh thì không bao giờ sống thiếu đạo đức vệ sinh môi trường sống. Để trở thành thói quen, trở thành văn hóa, cha mẹ phải tạo thành cái nếp sống cho con biết giữ vệ sinh chung từ trong nhà ra đến bên ngoài. Rồi sau này con mình lớn lên, dù có đi cả thế giới các cháu cũng đều sống ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng. 

- Điều thứ năm là dạy con không phí phạm thức ăn, không được ăn dư, mà chỉ ăn vừa đủ, đừng đổ bỏ thành rác. Bằng không sẽ mang tội hủy của dẫn đến nghiệp nghèo đói. 

- Thứ sáu là dạy con sử dụng đồng tiền một cách hợp lý nhất. 

- Kế nữa, cha mẹ phải dạy con lòng yêu nước. Cũng như đức tính kiên nhẫn và nhường nhịn trong cộng đồng, điều này làm cho cuộc đời bớt xáo trộn, bớt bất an. Hoặc dạy con không đua đòi, bắt chước những nguời xấu, v.v…

Tất cả những triết lý sống trên đều tạo thành nhân cách của con người Việt Nam, cốt cách của dân tộc Việt Nam, được Thượng tọa lý giải rõ ràng bằng cái nhìn khách quan, trong sáng của chánh kiến, nhằm vun đắp lại cả văn hóa của dân tộc ta. Và mong rằng những điều mà Thượng tọa trao đổi hôm nay sẽ được tất cả người dân Việt Nam cùng nghe sau này. Đồng thời tất cả bậc cha mẹ phải thấy trách nhiệm dạy con của mình, để sau này con cái dù có đi năm châu bốn biển thì chỉ làm cho thế giới khâm phục, chứ đừng để thế giới coi thường người Việt Nam. 

Qua bài Pháp thoại mang tính xã hội trên tinh thần sống đạo thật sâu sắc này, mọi người như thấy được cái ý nghĩa sâu xa trong việc thừa kế và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc, để rồi trong cuộc sống, họ biết tu là điều chỉnh hành vi và nhận thức sao cho tốt nhất. Những quan điểm sống như trên thật đáng để mọi người tham khảo suy ngẫm mà biết mình phải làm gì. Tuy nhiên, để giúp hình thành văn hóa cả dân tộc này là việc làm hệ trọng, đòi hỏi sự đoàn kết quyết chí một lòng cùng sự kiên trì của toàn dân mới làm được. Hy vọng mọi người sẽ cùng nhau hợp tác gìn giữ để văn hóa Việt luôn tỏa sáng cùng thế giới.
                                                                                   
Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Trường TCPH chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Phật sự địa phương 13:15 20/11/2018

Nhằm tôn vinh giá trị của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, vào ngày 20/11/2018, Ban giám hiệu cùng toàn thể tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã tổ chức ngày lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Đồng Tháp: Trường TCPH tỉnh chúc mừng ngày 20/11

Phật sự địa phương 11:28 20/11/2018

Ngày 13/10/Mậu Tuất (19/11/2018), chư tăng ni trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp đã đến các tự viện chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Đắk Nông: Lễ đúc đại hồng chung và an vị tôn tượng Bổn sư

Phật sự địa phương 10:55 19/11/2018

Sáng ngày 12/10/Mậu Tuất (18/11/2018), tại chùa Bửu Thành (TT.Đức An, huyện Đắk Song), cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni và bà con phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ an vị tôn tượng Bổn sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại huyện nhà.

Hà Nội: Chùa Hòa Phúc tưởng niệm 30 năm ngày HT.Ngộ Chân Tử viên tịch

Phật sự địa phương 14:37 18/11/2018

Ngày 11/10/Mậu Tuất (17/11/2018), chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Ngộ Chân Tử - Tổ Sư khai sơn chùa Hoằng Pháp.

Xem thêm