Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 16/04/2017, 13:16 PM

Yêu thương chuyển hóa niềm đau

Khi ta chế tác ra được năng lượng của chánh niệm, chánh định, thì năng lượng hiểu biết và thương yêu chắc chắn có mặt. Bởi vì trong niệm có định và trong định có tuệ. Và khi trong ta có được những nguồn năng lượng ấy rồi, thì ta sẽ cho phép ta được thương, được chăm sóc. Trước đó, ta nghi ngờ tất cả. Nhưng bây giờ với năng lượng của từ bi, ta đã có thể thiết lập lại được sự truyền thông và liên hệ giữa ta với người ta thương và với nhiều người khác.

Có thể nói, ấu dâm đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội hiện nay. Điều này đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về cả thể chất, cũng như những sang chấn tâm lý nặng nề mà nạn nhân sẽ phải chịu đựng suốt cả cuộc đời. Nếu không thể chia sẻ với người thân, cảm xúc tiêu cực sẽ ngày càng lớn lên, khiến trẻ đau khổ và suy kiệt tinh thần. Trẻ dễ rơi vào tuyệt vọng, tổn thương, thậm chí trầm cảm, từ đó kéo đến hàng loạt những hệ lụy khác như việc nạn nhân đôi khi cố gắng lặp lại sự việc đã xảy ra với bản thân trong vai trò kẻ tấn công. 

Nghiêm trọng hơn, nhiều trẻ cố tìm đến cái chết. Các em còn dễ bị rối loạn stress sau sang chấn và cuối cùng mất hết niềm tin vào cuộc sống. Hầu hết các em luôn sống với tâm trạng khổ đau, dường như chỉ đang tồn tại với cái xác không hồn, không trái tim và cả lý trí. 

Vậy nên, đối với nạn nhân ấu dâm, câu nói “thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương” có lẽ không hề đúng. Bởi nỗi đau ấy đến quá sớm đối với các em còn rất nhỏ tuổi, một tâm hồn mỏng manh, yếu đuối đâu thể chịu được một cú shock quá lớn như vậy. Những tổn thương tâm lý ấy đâu dễ gì được xoa dịu trong ngày một ngày hai bằng những phương pháp vật lý trị liệu, biện pháp y học, chuyên khoa,…
 
Sư ông Làng Mai, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có một lời khuyên và phương pháp rất sâu sắc khi người giải đáp cho một phật tử cũng chính là nạn nhân của ấu dâm, nhằm giúp cho họ có thể chấp nhận tình thương trong cuộc sống và thiết lập lại đức tin của mình. 

Chăm sóc "đứa bé" bị thương trong lòng của chính mình

“Nhiều người trong chúng ta mang một đứa bé bị thương ở trong lòng. Nhưng vì chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ để trở về chăm sóc đứa bé bị thương tích trong ta và giúp cho đứa bé ấy được trị liệu. Khi ta đã bị thương tích sâu đậm như là một đứa bé, ta mất hết niềm tin, tình thương và càng khó tiếp nhận tình thương của người khác.

Tôi luôn luôn khuyến khích những người bạn của tôi sắp xếp đời sống hàng ngày của họ một cách khéo léo để có thì giờ trở về với chính mình và chăm sóc đứa bé bị thương tích của họ. Đây là sự thực tập hết sức quan trọng.

Nhiều người trong chúng ta biết rằng ta có một đứa bé bị thương trong lòng, nhưng ta rất sợ trở về đối diện với đứa bé bị thương ấy. Khối sầu khổ trong ta quá lớn, nó bao trùm hết tâm tư ta và vì vậy ta thường muốn trốn chạy chính ta; ta trốn chạy về hướng tiêu thụ, rượu chè, bận rộn v.v… 

Dù có chút thời giờ, ta cũng không muốn trở về ngôi nhà của chính ta. Ta trốn chạy bằng cách đọc tiểu thuyết, xem phim ảnh và chuyện trò v.v… Nhưng với sự thực tập này, ta được khuyên là nên trở về với ngôi nhà của chính mình và tập chăm sóc đứa bé bị thương tích ấy trong ta, mặc dù đây là một việc khó làm. 

Ta cần những sự hướng dẫn để khi thực tập, ta không bị tràn ngập bởi những niềm đau, nỗi khổ trong ta. Ta thực tập chế tác năng lượng chánh niệm trong cách đi, đứng, nằm, ngồi, thở, làm việc để có đủ sự vững chãi và thảnh thơi mà đối diện với niềm đau, nỗi khổ trong ta. Với năng lượng của chánh niệm, ta có thể trở về và ôm ấp đứa bé bị thương tích trong ta. Đó là những pháp môn thực tập rất cụ thể. 
 
Đồng thời ta cũng được yểm trợ bởi năng lượng chánh niệm từ các bạn của ta. Có lẽ trong thời gian đầu về nhà, ta cần có một hoặc hai người bạn, nhất là những người đã từng thực tập thành công - ngồi bên cạnh ta, yểm trợ cho ta năng lượng thực tập chánh niệm của họ. Khi có một người bạn ngồi bên cạnh và nắm tay ta, ta có thể kết hợp năng lượng của ta cùng với năng lượng của người đó và trở về ôm ấp đứa bé bị thương tích trong ta.

Tôi có một số đệ tử đã từng bị thương tích khi còn là một đứa bé. Tôi dạy cho các đệ tử của tôi thực tập trở về nhận diện, ôm ấp và nói chuyện với đứa bé bị thương của mình với năng lượng của chánh niệm. ''Em bé dễ thương của tôi ơi, tôi đang có mặt đây cho em. Tôi sẽ chăm sóc em thật tốt. Tôi biết rằng em đau khổ quá nhiều. Tôi quá bận rộn và bỏ bê em. Bây giờ tôi đã học được cách trở về để chăm sóc em. Tôi hứa từ nay về sau, tôi sẽ không bỏ bê em nữa''. 

Quý vị phải nói chuyện với đứa bé của quý vị nhiều lần trong ngày. Chỉ có cách thực tập đó mới đem lại sự trị liệu và chuyển hóa cho quý vị mà thôi. Ta đã bỏ rơi đứa bé trong ta quá lâu. Vì vậy quý vị phải lập tức trở về thực tập thiết lập lại truyền thông với đứa bé. Hãy ôm đứa bé vào lòng với tất cả sự trìu mến và hứa rằng từ nay trở đi sẽ không bao giờ phụ bạc, bỏ rơi bé nữa. 

Nếu quý vị có một tăng thân dễ thương, người nào cũng thực tập đàng hoàng, vững chãi, thì sự thực tập của quý vị sẽ dễ dàng hơn. Nếu ta là người mới thực tập, lại tu tập một mình, không có sự yểm trợ của tăng thân, thì sự thực tập của ta khó khăn gấp trăm ngàn lần. Quay về nương tựa tăng, cho phép các bạn tu hướng dẫn, khuyên bảo và nâng đỡ mình trong những lúc khó khăn là sự thực tập rất quan trọng.

Có lẽ đứa bé bị thương tích của ta là sự tiếp nối của nhiều thế hệ trong quá khứ. Có thể cha mẹ và ông bà nội, ông bà ngoại đã có những vấn đề tương tự; chính họ cũng có đứa bé bị thương tích trong lòng nhưng vì không biết cách chăm sóc, nên họ đã truyền lại đứa bé ấy lại cho ta. Sự thực tập của ta là để chấm dứt sự luân hồi đồi bại ấy. Nếu ta trị liệu được đứa bé bị thương trong ta, thì ta sẽ giải phóng, tha thứ được người đã lạm dụng ta, đã làm ta điêu đứng, sầu khổ. 

Nếu ta biết chế tác năng lượng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu cho đứa bé bị thương của ta, thì ta sẽ bớt khổ thật nhiều. Người ta khổ vì trong lòng họ thiếu chất liệu hiểu biết và thương yêu. 

Khi ta chế tác ra được năng lượng của chánh niệm, chánh định, thì năng lượng hiểu biết và thương yêu chắc chắn có mặt. Bởi vì trong niệm có định và trong định có tuệ. Và khi trong ta có được những nguồn năng lượng ấy rồi, thì ta sẽ cho phép ta được thương, được chăm sóc. Trước đó, ta nghi ngờ tất cả. Nhưng bây giờ với năng lượng của từ bi, ta đã có thể thiết lập lại được sự truyền thông và liên hệ giữa ta với người ta thương và với nhiều người khác”.
 
Những dòng chia sẻ trên đây tôi mong sao có thể đến được với những nạn nhân đáng thương đã và đang phải chịu những tổn thương tâm lý trong quá khứ cũng như hiện tại. Hi vọng các em có thể mở rộng tấm lòng để ôm ấp và chữa trị cho những “đứa bé” tội nghiệp của chính mình. Những “đứa bé” ấy đã phải chịu quá nhiều tổn thương rồi, đừng tự dằn vặt hay oán trách bản thân nữa. Chúng ta hãy cho bản thân mình một cơ hội để giải thoát và tìm được sự bình yên các em nhé!

Cuộc đời là vậy, dẫu còn nhiều mảng tối, nhưng giống như những cơn cuồng phong dù có dữ dội đến đâu thì em ơi, ngày mai nắng lên rồi, mưa cũng sẽ trở thành quá khứ. Các em hãy mạnh mẽ lên bởi các em không hề cô đơn hay đơn độc. Chúng tôi luôn ở ngay đây, dù không thể giúp được gì nhiều nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay của mình để ôm trọn các em, các bạn vào lòng bằng tất cả trái tim và tình yêu thương. Hãy gạt bỏ mây đen quá khứ bằng ánh sáng của tình thương yêu… 

Kim Tâm 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm