Đến chùa Đại Chiêu, lắng lòng với thánh tích ngàn năm
Chùa Đại Chiêu theo tiếng Tạng có nghĩa là Kinh Đường, Phật Đường, Cung điện, còn có một nghĩa khác là Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng tức là Phật đường cung thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đại Chiêu tự (Jokhang temple) nằm trong trung tâm phố cổ Lhasa. Tại đây, du khách dễ dàng bắt gặp dòng người hành hương chầm chậm đi vào với lòng thành kính cùng những tín đồ mộ đạo thực hiện nghi lễ tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa với lòng tận hiến, nét mặt biểu lộ một sự huyền bí tuyệt diệu.
Tây Tạng được ví như “cực thứ 3 của trái đất” - nơi được biết đến như một vương quốc huyền bí của Phật giáo và là cao nguyên cao nhất thế giới thuộc dãy Himalaya với độ cao trung bình trên 4.200 m.
Tây Tạng có khí hậu khô suốt 9 tháng trong năm, trừ tháng 6 đến tháng 9. Nơi đây cũng sở hữu những dãy núi tuyết cao 5.000-7.000m.
Tây Tạng là trung tâm truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, một dạng đặc biệt của Mật tông (Vajrayana). Phật giáo đứng đầu trong các tôn giáo và mang đậm dấu ấn trong văn hóa ở đây. Mật tông là một tông phái của Phật giáo với văn hóa và phong cách đa dạng như Quán đảnh, Trì chú cùng với các vị Đạt Lai Lạt Ma (Phật sống) được nhiều người tôn thờ. Tây Tạng có nhiều danh lam thắng cảnh và những phong tục tập quán khác lạ.
Để đến Tây Tạng, du khách mất gần 2 giờ bay từ Thành Đô. Cảm xúc trào dâng khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Gongga, thủ phủ Lhasa hiện ra bình yên với bầu trời xanh trong và trời tiết khá lạnh, những nụ cười và cái bắt tay ấm áp của hương dẫn địa phương chắc chắn khiến du khách quên đi cảm giác say độ cao.
Đại Chiêu tự là ngôi chùa linh thiêng nhất nước và là nơi diễn ra ngày hội chùa Đại Chiêu lớn nhất của người Tạng. Chùa do vua Tùng Tán Cán Bố xây vào thế kỷ thứ 7 (năm 647) khi vương triều này hưng thịnh nhất.
Chùa Đại Chiêu theo tiếng Tạng có nghĩa là Kinh Đường, Phật Đường, Cung điện, còn có một nghĩa khác là Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng tức là Phật đường cung thờ tượng Thích Ca Mâu Ni.
Du khách có thể chiêm bái và đảnh lễ tại chánh điện - nơi có tượng Minh Cửu Đa Cát Phật, tức Phật Thích Ca Mâu Ni Bát Tuế Đẳng Thân do công chúa Văn Thành đưa từ Tràng An đến.
Chùa còn thờ Tông Khách Ba, Địa Tạng Vương Bồ-tát, điện thờ Hộ Pháp của phái Cách Lỗ. Hai con rồng uốn lượn trên hai cột thông thiên trước pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được làm bằng bột giấy và bùn, bên trong trống rỗng và không hề có một vết rạn nứt nào sau hơn 400 thăng trầm.
Chính những báu vật gắn liền với những sự kiện quan trọng và sự linh ứng của chùa đã tạo niềm tin cho rất nhiều người Tây Tạng từ những nơi xa xôi tận cùng của đất nước đã từng vượt núi băng sông, bất chấp mưa, bùn và tuyết đến đây hành hương.
Kiến trúc của chùa là sự kết hợp của nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ, Nepal và Trung Quốc thời Đường.
Toàn bộ tầng trệt, tầng hai và trên nóc chùa đều là tượng khắc gỗ thời kỳ Thổ Phiên thế kỷ 7, do vua Tùng Tán Cán Bố lúc sinh thời tự tay khắc nên. Trong đó còn có một chiếc đôn đá của công chúa Văn Thành thường ngồi, những vật này được coi như Quốc báu của Tây Tạng.
Trầm mặc trước cảnh quan, kiến trúc chùa Đại Chiêu cũng là hành trình trở về Đất Phật trong lòng du khách, một giá trị tuyệt vời của việc hành hương Phật tích...
Chân Tâm