Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

4 nét vẽ trên đất Phật

Tôi đi lại đúng cung đường mà 2600 năm trước Đức Phật đã đi, đến lại từng địa danh gắn liền với từng giai thoại lớn trong cuộc đời hoằng pháp của ngài. Mỗi địa danh để lại một nét vẽ, và tổng hợp những vẽ tạo nên một bức tranh dịu nhẹ, thanh khiết trong lòng.

Tại Bồ Đề Đạo Tràng: nơi Đức Phật đắc đạo

Tôi và những người bạn của mình đã đi thiền 3 vòng quanh gốc cây bồ đề, nơi mà ngày xưa Đức Phật ngồi thiền, đắc đạo. Nghe nói, đây không phải cây nguyên gốc, nhưng là một hậu duệ xa xôi của cây nguyên gốc. Hai trăm năm sau thời Đức Phật, vua A Dục đã mang một nhánh cây gốc sang trồng ở địa phận bây giờ thuộc về Siri Lanka. Sau khi cây nguyên gốc không còn, Ấn Độ xin ngược Sri Lanka một nhánh cây về trồng.

Ở Kushinagar - nơi Đức Phật nhập diệt

Ở Kushinagar - nơi Đức Phật nhập diệt

Và nó được trồng ngay sau tháp Đại Giác, nơi có một bức tượng lớn của Đức Phật. Những tán cây rộng, xanh như bàn tay người mẹ ôm chúng tôi từ trên xuống. Tiếng chim ríu ran tạo nên những giai điệu trong biếc, được cất lên để chào đón những con người mới đã hoặc đang chào đời từ những con người cũ, trong cái bản thể lam lũ được gá vào muôn kiếp nhân sinh.

Những tiếng cầu nguyện bằng tiếng Ấn của những vị tu sĩ xung quanh tháp Đại Giác bao phủ chúng tôi, như hơi ấm, như hơi thở của tình yêu đầu đời. Đôi chân trần của tôi chạm lên từng viên đá lát. Hơi lạnh của đá, mang theo năng lượng của đất, truyền dẫn vào tôi một nguồn năng lượng vô hình. Tôi không biết gọi tên nó. Mà có cần phải gọi tên không? Làm gì còn cái gọi là “tôi” và “nó”. Chỉ còn một hợp thể duy nhất mà thôi. Tự nhiên một ý thơ rơi xuống hồn tôi, nhẹ và êm như gió thoảng. Tôi hơi cúi xuống, hơi quay mặt để gió không nhìn thấy những gì đang diễn ra trong cặp kính của tôi.

Ở thăm thẳm trong mình

Người về từ mênh mông

Rồi một ngày bặt gió

Biết mình là ai không?

Tại vườn Lộc Uyển: nơi Đức Phật chuyển bài pháp đầu tiên

Sau khi tìm ra chân lý dưới gốc cây Bồ Đề, Đức Phật bắt đầu hành trình lan tỏa chân lý. Và hành trình đó khởi đi tại vườn Lộc Uyển (vườn nai), nơi mà ở thời Đức Phật là một vương quốc cổ có rất nhiều nai. Vườn Lộc Uyển bây giờ thuộc bang Uttar Pradesh - một trong những bang rộng và đông dân nhất Ấn Độ.

duc-phat2

Tôi tới vườn Lộc Uyển vào một buổi sáng tinh tươm, và trở thành du khách đầu tiên trong ngày có mặt ở đây. Cái không khí thoáng đãng và nguồn năng lượng trong biếc của một buổi sáng làm những ký ức sách vở trong tôi sống dậy. Đi từ phía cổng vào tòa tháp Dhamekh – tòa tháp được xây dựng để tưởng nhớ câu chuyện Đức Phật lần đầu chuyển pháp, hình ảnh của 5 anh em Kiều Trần Như cứ hiển hiện trước mắt tôi. Họ vốn là những người tu theo trường khổ hạnh cùng Đức Phật. Họ vốn là những người chứng kiến cái ngày Đức Phật từ bỏ trường tu này, và cho rằng Đức Phật lúc ấy đã nản chí, đã không dám đi hết con đường. Thế nên, trong cái buổi sáng lịch sử ấy, khi thấy bóng Đức Phật từ xa, họ đã hết sức cảnh giác. Và họ đã thống nhất một thái độ hờ hững khi Đức Phật lại gần. Ấy vậy mà, khi “người tỉnh thức” lại gần, nói với họ rằng mình đã tìm ra chân lý, nói với họ về 4 sự thật của cuộc đời, nói với họ về bản chất và nguồn cơn của sự đau khổ thì họ đã bị thuyết phục.

Đi quanh tháp Dhamekh, tôi bất chợt nghĩ: Nói chuyện với những người định kiến (chỉ mới là nói chuyện thôi), chứ đừng nói tới “chuyển giáo pháp” đã là điều cực kỳ khó khăn. Lần chuyển pháp đầu tiên ấy mà thất bại thì việc xây dựng tăng đoàn, lan tỏa chân lý sẽ khó khăn gấp bội. Nhưng bằng giáo lý và nguồn năng lượng đặc biệt của mình, Đức Thế Tôn đã vượt qua ải khó. Vườn nai vì thế là chứng tích lịch sử, là sự khởi đầu cho sự lan tỏa phật pháp mai sau.

Thật tình cờ, tôi thấy một đoàn phật tử Việt Nam cũng đang đi về phía tháp Dhamekh. Sau khi vừa đi vừa niệm quanh tòa tháp, họ chọn một gốc cây để tất cả cùng khoanh chân ngồi thiền. Lúc này thì nắng đã lên. Vài giọt nắng rơi quanh chỗ họ ngồi. Ít phút nữa mở mắt ra, sẽ có những người trong số họ ngỡ ngàng thấy nắng. Như sự ngỡ ngàng của chính tôi. Nắng chứng kiến tất cả chúng tôi, trong cái thời khắc cùng nhau quán tưởng bài học “khổ đế” mà hơn 2500 năm trước, ở chính nơi đây, nó đã từng vang lên qua ngôn ngữ của một người thức tỉnh.

duc-phat3

Tại núi Linh Sơn: nơi Đức Phật giơ bông hoa sen màu nhiệm

Tôi ngồi cáp treo để lên núi Linh Sơn – ngọn núi thiêng trong văn hóa phật giáo. Nhưng cũng giống như cáp treo Yên Tử (Việt Nam), nó không lập tức đưa ta lên đỉnh núi. Muốn lên đỉnh, tới đúng chỗ Đức Phật giảng pháp, vẫn phải đi bộ khoảng 30 phút. Ba mươi phút leo núi giữa một buổi trưa nắng gay nắng gắt, mồ hôi đổ nhễ nhại trên người chúng tôi. Nhưng lên tới đỉnh núi thì gió mát lộng. Chỉ có một am thờ nhỏ, rất nhỏ được dựng lên để mọi người đảnh lễ, tưởng nhớ Đức Thế Tôn. Am thờ được xây giản dị nhất có thể, có qui mô và hình thức giống như một cái miếu nhỏ được dựng dọc một cung đường nào đó ở Việt Nam. Điều này khiến tôi có thoáng bất ngờ. Rồi tôi quan sát chính sự bất ngờ đang xảy ra trong tôi. Chỉ sau vài phút, tâm tôi phát ra tiếng nói: Tại sao lại chấp vào hình tướng nhỉ? Tại sao phải thế?

Tiếng nói ấy làm tôi bừng tỉnh. Và tôi nhớ về bông hoa sen trong lần giảng pháp có một không hai ấy. Giai thoại kể rằng ở đỉnh núi này, Đức Phật cứ thế giơ bông hoa sen lên mà chẳng nói gì cả. Mọi khi ngài vẫn nói, hôm nay chỉ giơ bông hoa mà không nói. Điều gì đang xảy ra thế này? Chả ai hiểu gì cả. Các môn đồ ngơ ngác. Rốt cuộc có một người cười phá lên. Ông tên là Ma Ha Ca Diếp. Phải đến lúc này Đức Phật mới cất lời:

- Những gì nói được, ta đã truyền lại cho các ngươi. Những gì không nói được, ta truyền lại cho Ma Ha Ca Diếp.

Về sau, nhiều tín đồ muốn loại câu chuyện này khỏi kinh điển Phật giáo. Họ cho rằng Đức Phật là người duy lý, nên không thể có khoảnh khắc “im lặng khó hiểu” như thế được. Nhưng theo nhà huyền môn Osho, nếu cần vứt, người ta có thể vứt đi toàn bộ kinh điển, nhưng nhất định phải giữ lại giai thoại này, bởi nó mới là giai thoại mang đậm đầy tính Phật. Vẫn theo Osho: khoảnh khắc nhìn bông hoa sen không nói là khoảnh khắc Đức Phật đã đi vào bông hoa. Khoảnh khắc Ma Ha Ca Diếp cười phá lên, không nói là khoảnh khắc người đệ tử này cảm thấu được bông hoa. Và khoảnh khắc Đức Phật truyền “những điều không nói được” cho Ma Ha Ca Diếp là khoảnh khắc tâm truyền tâm. Và nó là bản chất của đạo. Thông thường, người ta phải dùng ngôn ngữ để truyền đạo. Nhưng thông qua ngôn ngữ, tức là thông qua các khái niệm, đạo đã phai lạt đi so với chính bản chất nguyên thủy của nó. Thành ra, mượn ngôn ngữ để đến một lúc nào phá bỏ mọi vướng mắc vào ngôn ngữ. Cũng giống như mượn bè qua sông, nhưng qua sông rồi phải bỏ lại cái bè, thay vì cứ tiếp tục ôm vác cái bè trên vai.

Những dòng ý nghĩ cứ miên man chảy trong tôi cho đến khi cậu bạn đi cùng tôi vỗ vai: “Mọi người xuống núi cả rồi!”. Ừ nhỉ, mọi người đã xuống núi. Hai anh em chúng tôi cùng xuống núi. Lần này là đi bộ, chứ không đi cáp treo, nên mất nhiều thời gian hơn. Mồ hôi đổ nhiều hơn. Nhưng trong lòng nhẹ nhõm.

Ở trong đó, như đang có một bông hoa đang tủm tỉm với mình.

duc-phat4
Tại Câu Thi Na: nơi Đức Phật nhập diệt 

Đêm qua Câu Thi Na mưa nhẹ, sáng nay thật mát. Chúng tôi từ tốn đi từ cổng vào tháp Niết Bàn, nơi có một bức tượng Phật nằm nghiêng rất lớn. Chúng tôi đi vòng quanh tượng, cung kính cúng dường pháp y lên Pháp thân Đức Phật. Một chú chim bồ câu nhỏ chợt bay vào bảo tháp, chao đi chao lại ríu ran trên đầu chúng tôi. Ở ngoài bảo tháp, hai cây sa la tĩnh mịch, vô ưu, chứng tích dòng thời gian chảy qua mình. Ở tuổi 80, Đức Phật đã tới đây, nơi mà ngày xưa là cả một rừng sa la, và sau đó đã nhập Niết Bàn khi những bông sa la rơi xuống. Bây giờ không còn rừng cây nữa. Chỉ có hai cây sa la được trồng, mang ý nghĩa biểu tượng mà thôi.

Phía dưới, cỏ mướt xanh. Xanh như một giấc mơ phập phồng, hôi hổi ngày nào trong một trái tim bé nhỏ. Giấc mơ ngây thơ, lãng đãng của kẻ hành khất suốt bao năm vẫn lặng lẽ đi tìm mình.

Hơn 2500 năm trước, ở chốn này, những cánh hoa sa la trắng - âm thầm - tinh khiết - đã từng lặng lẽ rơi, bao phủ quanh một vĩ nhân, trong cái khoảnh khắc vĩ nhân ấy chẳng đi đâu cả. Chẳng đến từ đâu, chẳng đi về đâu, nhưng đã tạc lên trái đất một tư tưởng - một con đường.

Giản dị thôi mà, giản dị lắm: Một con đường cho hoa rơi!

Nguồn: Báo Công An Nhân Nhân

Tin Khác

Chiêm ngưỡng ngôi chùa 3.000 năm tuổi nổi tiếng Tây Tạng

Chùa Zizhu nằm trên ngọn núi Zizhu nổi tiếng, ở độ cao 4.800m phía đông Tây Tạng. Ngôi chùa được xây dựng cách đây 3.000 năm, là một trong những điểm đến tuyệt đẹp mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc của người Tây Tạng.

Ngày 14/04/2024

'Ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc' cheo leo trên vách núi hơn 1.500 năm

Huyền Không Tự nằm ở độ cao hàng chục mét trên vách núi Hằng Sơn suốt hơn 1.500 năm, được mệnh danh là "ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc".

Ngày 14/03/2024

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 diễn ra ngày nào, có sự kiện gì?

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 tại chùa Quán Thế Âm (Q.Ngũ Hành Sơn) diễn ra từ ngày 26/3 đến 29/3 (nhằm ngày 17, 18, 19 và 20/2/Giáp Thìn).

Ngày 13/03/2024

Tĩnh lặng với màu xanh chùa Phật Tích

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, thuộc xã Phật tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 25/02/2024

Hai ngôi chùa di tích thu hút hàng vạn khách tham quan mỗi năm

Chùa Dâu, chùa Bút Tháp là hai di tích lịch sử hàng ngàn năm tuổi ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, du lịch.

Ngày 24/02/2024

Ngắm tượng Phật khổng lồ bằng đá ở Đà Nẵng

Những ngày Tết, nhiều người đã tìm đến khu văn hóa tâm linh Đà Sơn để du xuân và ngắm tượng Phật khổng lồ đang trong quá trình thi công.

Ngày 18/02/2024

Ngôi chùa xây chưa xong vẫn đón hàng nghìn lượt khách dịp Tết

Chùa Minh Đức được xây trên núi Thiên Mã (Quảng Ngãi) tuy chưa hoàn thiện nhưng vẫn thu hút hàng nghìn người dân, du khách đến viếng thăm dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Ngày 16/02/2024

Hội xuân Di Lặc trên núi Bà Đen diễn ra suốt tháng Giêng

Hội xuân núi Bà Đen - lễ hội lớn nhất được người dân Tây Ninh đón đợi - khai mạc mùng 4 Tết. Cùng với đó, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa tâm linh độc đáo của Hội xuân Di Lặc.

Ngày 13/02/2024